Động Đình Hồ Ngoại Sử

Chương 3: Cái bóng của Phù đổng Thiên

Trưng Nhị bảo Hồ Đề :

– Em nhớ lúc nào cũng phải duy trì đội Thần-phong bảo vệ cho mình và các Sún ở dưới thành. Riêng Sún Lé thì đã có chị bảo vệ.

Hồ Đề chỉ Sún Lé :

– Sún Lé có tài leo dây, leo cây còn hơn khỉ, vậy khi sư tỷ leo lên
thành, nó cũng leo được như thường, chị khỏi lo cho nó. Cần nhất kiếm
cho nó một cây cao, để nó leo lên đó dùng tù-và chỉ huy Thần-ưng. Chị
cần đề phòng địch dùng tên bắn mà thôi. Chứ trên đời này ngoài những đệ
tử Tây-vu ra, không ai có thể đuổi bắt được nó trên cây.

Đặng Vũ tuyên bố giải tán. Các tướng lục đục ra đi. Trưng Nhị dẫn
Phật-Nguyệt, Hồ Đề cùng các Sún theo quân đến cửa Đông. Chờ đúng canh
hai, Trưng Nhị nổ pháo lệnh, quân sĩ các mặt tấn công vào thành. Quân
Thục lại dùng tên đá bắn xuống như mưa.

Trưng Nhị đứng nhìn quân Thục chiến đấu, lòng đầy khâm phục, nói nhỏ với Phật-Nguyệt, Hồ Đề :

– Các sư muội thấy không, quân Thục chiến đấu dũng cảm vô cùng, trách
chi Đặng Vũ, Cảnh Yểm, Tế Tuân và Mã Vũ là những đại tướng, những cao
thủ vào sinh ra tử hàng hai chục năm, mà cũng bị thua. Vì sự nghiệp
Lĩnh-nam ta phải đánh họ, chứ thực sự trong lòng, ta muốn kết bạn với
họ. Đánh họ trong hoàn cảnh này thật đáng buồn.

Hồ Đề phất tay ra hiệu, Hoàng Long đưa ống tiêu lên miệng thổi, âm thanh nhu hòa vọng đi rất xa. Từ xa có tiếng vù vù, càng lúc nàng gần, rồi
một đàn ong bầu đen thui bay đến rợp trời, nhào xuống tấn công quân quân Thục. Quân Thục kinh hoảng ngã lăn trên mặt thành, ôm đầu chạy. Viên
tướng trấn thủ hô lớn :

– Đốt lửa lên !

Y vừa ra lệnh, vừa vung đao gạt ong, nhưng đoàn Thần-phong đã lọt lưới
đao, đốt y. Đao pháp của y bị rối loạn, người y bị hàng trăm ong bầu bu
vào. Y nghiến răng chịu đựng chỉ huy sĩ tốt đốt lửa.

Dưới thành Sún Lé đã chuẩn bị. Thấy quân trên mặt thành rối loạn, nó
huýt một tiếng sáo, có năm Thần-ưng ngậm một đầu dây bay lên cao, chúng
lượn bốn vòng quanh cây trụ trên mặt thành cho dây quấn chặt vào.
Phật-Nguyệt cầm dây giật thử thấy chặt, nàng bám vào đầu dây tung mình
leo lên, vèo một cái đã tới mặt thành. Nàng chưa kịp đứng vững, thì một
loạt tên hàng trăm mũi từ dưới thành bắn vào nàng. Nàng rút kiếm, ánh
thép loang loáng chém đứt loạt tên. Bấy giờ nàng mới nhìn thấy bên dưới, hàng trăm cung thủ núp sau ụ đất hướng lên trên thành. Họ thi nhau bắn, nhưng kiếm pháp của Phật-Nguyệt cực kỳ linh diệu, không mũi tên nào
trúng được nàng.

Nàng gọi lớn :

– Cho một người chỉ huy Thần-phong lên đây.

Vừa nói nàng vừa vung kiếm gạt tên. Thấp thoáng, đã thấy một người đứng
sau nàng cầm vòi thổi tu tu. Đàn Thần-phong từ trên cao nhào xuống tấn
công đám xạ thủ. Chúng ôm đầu chạy tán loạn. Bấy giờ Phật-Nguyệt mới
nhìn lại phía sau, thì Hồ Đề, Trưng Nhị, Sún Lé, Hoàng Phong đã lên mặt
thành. Hoàng Phong chỉ huy đoàn Thần-phong tấn công đám cung thủ. Bây
giờ quân Thục đã đốt lửa lên rồi. Hoàng Phong thổi ống tre cho đoàn
Thần-phong trở về.

Trên mặt thành, Hồ Đề, Trưng Nhị, Hoàng Phong thả dây xuống mặt thành.
Bọn dũng sĩ Hán leo lên, rồi họ lại thả dây khác xuống. Chỉ một lát sau
hơn một trăm người lên được.

Quân Thục chiến đấu như một đàn sư tử, dù họ gặp những cao thủ như Phật Nguyệt, Trưng Nhị tấn công.

Sún Lé vừa lên mặt thành, nó đã nhìn thấy gần chân thành một cây khá
cao. Nó quăng sợi dây vào cành cây rồi đu mình sang. Nó còn lơ lửng trên không, một mũi tên xé gió bắn đứt sợi dây. Nó rơi xuống như một quả mít rụng. Vừa xuống đất, một binh Thục lia đao chém vào đầu nó. Nó lăn đi
một vòng tránh khỏi. Người đội trưởng nhảy đến ôm lấy nó định bắt sống.
Nó kinh hoảng huýt lên tiếng sáo. Lập tức trong cái túi bên hông nó, một con trăn vọt ra quấn lấy viên đội trưởng. Thoát nạn, nó bám lấy cây leo lên cao. Hai binh sĩ Thục chạy đến lia đao chặt chân, thì nó đã lên tới ngọn. Hai tên này tên này định tìm cách leo lên cây giết nó. Nhưng vèo
một cái, hai tên cung thủ bị đánh một chưởng bay ngược trở lại, chết
ngay tại chỗ. Nó nhìn xuống, thì ra Trưng Nhị phóng chưởng cứu nó. Nó
nhe răng cười :

– Cám ơn sư tỷ.

Nó leo lên tít trên cao, lấy đá châm vào ngọn đuốc rồi hỏi Trưng Nhị :

– Sư tỷ, kho lương ở đâu ?

Trưng Nhị trỏ về phía trước :

– Chín dẫy nhà kia kìa.

Sún Lé cầm tù-và thổi, phất ngọn đuốc về phía dẫy nhà kho lương thực.
Đoàn Thần-ưng đang bay lượn trên không, hướng về phía đó thả những bó cỏ tẩm dầu xuống. Bên dưới Trưng Nhị tả xung, hữu đột tiến về phía kho
lương định đốt. Nhưng quân Thục vây kín như tường đồng vách sắt. Sún Lé
ngồi trên ngọn cây tiếp tục chỉ huy Thần-ưng thả cỏ khô. Cỏ đã thả xong
rồi nhưng Trưng Nhị, Phật-Nguyệt đang bị vây kín. Kiếm pháp Phật-Nguyệt
tinh diệu, nàng đi đến đâu đầu rơi đến đó, nhưng quân Thục không lùi
bước. Trưng Nhị chưởng lực cực mạnh, nàng tiến tới đâu, người đổ tới đó. Bỗng vòng vây mở ra, Vũ Chu đã xuất hiện. Y vung chưởng đánh Trưng Nhị. Trưng Nhị biết y là một đại cao thủ bên Thục không dám coi thường vội
vận sức đỡ. Trưng Nhị là một đại cao thủ của phái Tản-viên. Nàng chỉ
thua có Trần Đại-Sinh, Lê Đạo-Sinh, Đặng Thi-Kế và Nguyễn Thành-Công mà
thôi, nên chưởng lực rất mạnh. Bùng một tiếng Vũ Chu khựng lại, y cảm
thấy cánh tay tê buốt, còn Trưng Nhị thì khí huyết đảo lộn. Nàng chợt
nhớ lời Trần Năng thuật lúc đối chưởng với Vũ Chu. Nàng dùng Phục-ngưu
thần chưởng chỉ đấu được có 6 chưởng, sau đó nàng dùng chưởng pháp
Cửu-chân thì thắng. Trưng Nhị biết thế, nàng thử vận Phục-ngưu thần
chưởng, đánh chiêu thứ nhì, quả nhiên nàng phải lui hai bước, còn Vũ Chu thản nhiên như không. Võ công nàng cao hơn Trần Năng lại nhiều mưu trí, nên chiêu sau chưa phát ra, nàng đã lùi lại nói :

– Vũ tướng quân là anh hùng vô địch, nhưng Thành-đô bị bao vây, Dương-bình quan, Kiếm-các đã mất, đầu hàng đi thôi.

Vũ Chu không trả lời vung chưởng đánh nữa. Trưng Nhị vận sức phóng ra
một chiêu Phục-ngưu thần chưởng đỡ chưởng của y, lần này nàng lùi đến ba bước, tới bên cạnh Phật-Nguyệt. Phật-Nguyệt vội đâm một nhát kiếm về
phía y, y phải lùi lại ba bước mới tránh khỏi kiếm quang. Y vội rút kiếm giao đấu với Phật Nguyệt.

Sún Lé ngồi trên cây cao thấy Phật-Nguyệt, Trưng Nhị bị vây, nó nghĩ
được một kế, bóp miệng hú. Năm Thần-ưng đến đậu quanh nó. Nó lấy đuốc
châm vào năm bó cỏ của Thần-ưng rồi chỉ về phía trước. Năm Thần-ưng bay
về phía kho lương, thả năm bó cỏ lửa xuống. Phút chốc năm nơi lửa bốc
cháy ngun ngút. Sún Lé thích chí huýt sáo gọi Thần-ưng đến nữa, lần này
mỗi Thần-ưng đậu trước mặt nó, nó châm lửa, lại bay đi. Chốc lát trong
thành Bạch-đế lửa bốc dậy ngút trời.

Sún Lé hỏi xuống dưới :

– Kho lương cháy rồi, vậy đốt ở đâu nữa bây giờ ?

Trưng Nhị vừa chiến đấu, vừa nói :

– Cứ tiếp tục đốt kho lương nữa đi.

Sún Lé hú lên, từng đoàn trăm Thần-ưng đến đó thả cỏ tẩm dầu xuống. Chốc lát cả chín dẫy nhà chứa lương thảo biến thành biển lửa.

Bên dưới Hồ Đề cùng các võ sĩ Hán mở cổng vào phía Đông thành, quân Hán
có voi yểm trợ, tiến vào thành. Trong thành tuy quân Thục quyết tâm
chiến đấu, nhưng bị voi tấn công mạnh quá, hàng ngũ rối loạn. Rồi các
cửa thành khác cũng mở toang ra, quân Hán ào ào tiến vào.

Sún Lé thích chí cười ha hả. Bỗng một mũi tên xé gió bay đến trước mặt.
Nó tránh nhưng không kịp, mũi tên trúng người, nó đau quá la lên một
tiếng lớn, rồi rơi từ trên xuống như một trái cây rụng. Trưng Nhị nghe
tiếng nó kêu biết sự không lành, vội bỏ trận tuyến lại đưa tay hứng lấy
nó. Sức nó rơi mạnh quá, làm nàng cũng ngã chúi về phía trước. Trần Năng nhảy xuống ngựa, bồng Sún Lé lên cấp cứu. Nàng mổ mũi tên ra, lấy thuốc rịt lại cho nó. Lục Sún là những đứa trẻ mồ côi được Hồ Đề đem về nuôi
dạy từ nhỏ, chúng nó rất can trường. Dù mũi tên cắm sâu vào thịt, Sún Lé cũng nghiến răng chịu, chứ nó không kêu, không khóc.

Xưa nay Lục Sún sống với nhau như anh em, chúng vội chạy lại hỏi Trần
Năng rối rít lên. Trần Năng thấy mũi tên trúng vào mông không nguy hiểm
lắm, an ủi :

– Các Sún cứ yên tâm không sao đâu.

Sún Rỗ chửi thề :

– Đ.m. nó bọn Thục, chúng ông phải tìm thằng nào bắn để trả thù mới được.

Nó nhìn về phía trước, thấy Thần-ưng từng đoàn một lao xuống tấn công một người. Chúng nhận ra là Công-tôn Thiệu. Sún Rỗ nói :

– Anh em ơi ! Thằng Công-tôn Thiệu bắn Sún Lé, Thần-ưng đang đánh trả
thù, chúng ta mau tiến lên bắt thằng này cho chim ưng ăn thịt.

Năm Sún cùng hội lại bên Sún Lé hỏi mưu kế. Sún Lé nói:

– Mỗi đứa chúng ta đều mang theo một con trăn, hãy dùng trăn mà bắt thằng Thiệu mới được.

Nguyên bọn Sún đi đâu cũng mang theo một con trăn để trong túi vải đeo
bên mình. Bọn trăn này được huấn luyện thành thục để làm vũ khí, Sún Rỗ
nói nhỏ với các Sún, rồi cả năm đứa cùng tiến vào vườn hoa gần đó.

Cuộc hỗn chiến tới sáng thì Hán chiếm được toàn thành. Trưng Nhị sai
đánh chiêng thu quân, mở rộng bốn cửa thành, cho quân ra đóng bên ngoài
chỉ để lại một lữ kị binh để bảo vệ tướng soái. Nàng cho các tướng sĩ
kiểm soát bắt hết tàn quân giặc, cứu hỏa những nơi còn đang cháy. Đến
sáng mọi việc mới tạm yên.

Trưng Nhị rất quan tâm đến Sún Lé, hỏi Trần Năng:

– Thế nào?

Trần Năng đáp:

– Không sao mũi tên trúng mông xuyên tới xương. Tôi đã lấy ra và buộc
thuốc. Sún Lé phải nghỉ ít nhất một tháng không được dụng võ mà thôi.

Sún Lé nói:

– Em là con cháu Phù-đổng Thiên-vương, em không sợ chết. Nếu em chết thì Thần-ưng với các Sún trả thù cho em.

Trần Năng bồng Sún Lé giao cho Hồ Đề, dặn:

– Không cho Sún Lé hoạt động nhiều, vì hoạt động vết thương sẽ vỡ ra.

Trưng Nhị cùng mọi người kiểm điểm nhân mã, cho kỵ binh bao vây kín soái phủ Công-tôn Thiệu, chờ Đặng Vũ về sẽ quyết định thái độ đối với vợ con y.

Nàng thấy vắng bóng Lục Sún, hỏi Hồ Đề:

– Bọn Sún đi đâu mất rồi vậy?

Hồ Đề tủm tỉm cười:

– Chúng nó là trẻ con, chắc chạy chơi quanh đây chị khỏi cần lo, cứ thấy đàn Thần-ưng đâu là chúng nó ở đó. Tìm chúng nó đâu có khó gì?

Đến gần trưa Đặng Vũ về cùng với hàng vạn tù binh bị bắt. Đặng Vũ chắp tay hướng về đám anh hùng Lĩnh-nam:

– Đại tư-mã Đại-Hán xin kính cẩn đa tạ các vị nữ hiệp Lĩnh-nam ra tay trợ giúp, ơn này đời đời chúng tôi không quên.

Trưng Nhị chỉ phủ Công-tôn Thiệu nói:

– Tôi cho kỵ binh bao vây phủ Trường-sa vương, đợi Tư-mã trở về kiểm điểm tài sản, ban quyết định đối với vợ con y.

Kiến-oai đại tướng quân Cảnh Yểm nói:

– Việc này quan trọng lắm, trước đây Đại tư-mã hứa rằng, nếu ai bắt được Công-tôn Thiệu hoặc chiếm được soái phủ đầu tiên thì cho trấn thủ thành Bạch-đế và cho cả kho tàng của thành này. Không biết đã ai vào được
chưa? Trong phủ còn ai không?

Đặng Vũ cùng Trưng Nhị tiến vào cổng soái phủ, lá cờ của Công-tôn Thiệu
biến mất, trên cột cờ phất phới lá cờ của 72 động Tây-vu. Bất giác mọi
người quay lại nhìn Hồ Đề.

Đặng Vũ hỏi:

– Hồ cô nương. Thì ra cô nương đã chiếm nơi này trước rồi à?

Hồ Đề cũng ngạc nhiên:

– Tôi luôn ở cạnh sư tỷ Trưng Nhị, không rời nhau nửa bước, làm sao
chiếm được phủ này. Có lẽ một trong anh em của Tây-vu vào đây. Không
chừng là Vi Đại-Lâm, Vi Đại-Sơn chỉ huy Thần-ngao, cũng có thể em tôi là Hồ Hác chỉ huy đội Thần-tượng. Ừ... không chừng là Lục-phong quận chúa
cũng nên.

Đặng Vũ tiếp tục đi qua năm sáu dãy dinh thự to lớn, tới một dinh cao nhất, trên cửa đại sảnh có chữ sơn son thiếp vàng:

Trường-sa vương soái phủ.

Đặng Vũ đẩy cửa bước vào. Bất ngờ mọi người cùng oà một tiếng, đứng dừng lại há hốc miệng nhìn. Vì trên trướng của Công-tôn Thiệu nghễu nghện
ngồi trên là Sún Lé, năm ghế bên cạnh có năm Sún ngồi. Sún Lé làm như

người lớn, đứng dậy chắp tay mời mọi người:

– Tiểu tướng Sún Lé, trấn thủ thành Bạch-đế, xin Đại tư-mã ghé gót thịt vào quý phủ ăn bữa cơm mặn mà.

Lục Sún ở cùng với Hồ Đề, sống với thiên nhiên, nói năng giản dị. Từ hôm tòng chinh đến giờ, nó bắt đầu học được lối nói khách sáo của người
Hán, nhưng trong lúc vội vàng, đáng lẽ nói gót ngọc, nó thấy mình đi
chân đất nên nói là gót thịt. Người ta tự xưng phải nói là tệ phủ, đây
nó nói lộn ra quý phủ. Dùng bữa cơm đạm bạc nó nói là mặn mà.

Hồ Đề quát lớn:

– Các Sún không được đùa, đây là quân lệnh. Vô phép ta chặt đầu. Mau đứng dậy nhường chỗ cho Đại tư-mã và các sư bá, sư tỷ.

Sún Lé vẫy tay, các Sún đồng đứng dậy. Sún Lé nói :

– Quân trung bất hí ngôn. Đặng đại tư-mã đã từng truyền hịch : ai bắt
được Công-tôn Thiệu thì thưởng cho kho tàng của y. Ai vào thành đầu tiên thì cho làm trấn thủ, có đúng thế không ? Sao bây giờ lại nuốt lời?

Đặng Vũ gật đầu :

– Quả đúng như em nói. Ta đã hứa là phải thi hành.

Sún Rỗ chỉ Sún Lé nói :

– Sún Lé từ mặt thành nhảy xuống đầu tiên, có đúng thế không ? Ở đây có sư tỷ Trưng Nhị, Phật-Nguyệt làm chứng.

Trưng Nhị gật đầu:

– Lên mặt thành đầu tiên là sư tỷ Phật-Nguyệt, nhưng nhảy xuống đất đầu tiên là Sún Lé.

Sún Lé nói :

– Ai đã chiếm soái-phủ Công-tôn Thiệu ? Thưa Sún Lé này chứ ai? Chứng cớ là Sún Lé đã treo cờ 72 động Tây-vu và hạ cờ soái của Công-tôn Thiệu
xuống đầu tiên, rồi Lục Sún vào chiếm soái phủ. Nhảy vào thành đầu tiên
là Sún Lé, chiếm soái phủ là Lục Sún, hạ cờ soái Công-tôn Thiệu là Sún
Lé. Vậy Lục Sún phải được hưởng kho tàng của Công-tôn Thiệu và trấn thủ
thành Bạch-đế. Đã là tướng phải giữ lời hứa với người dưới. Chúng tôi là người dưới, xin đừng dối chúng tôi. Đại tư-mã phải giữ lời hứa. Hơn nữa người lớn không được lừa trẻ con. Vả lại trong các tướng đánh thành
Bạch-đế. Lé tôi suýt bỏ mạng, công ấy không nhỏ.

Đặng Vũ nhìn Trưng Nhị không biết trả lời sao, y nói :

– Kho tàng có thể cho các Sún, nhưng các Sún còn nhỏ tuổi quá, thì làm sao có thể làm tổng trấn thành này ?

Sún Rỗ cười ầm lên :

– Được mạnh đi chứ lị ! Được đứt đuôi con nòng nọc đi chứ lị. Có luật
nào cấm trẻ con làm trấn thủ đâu ? Bảo chúng tôi là trẻ con ư, sao bắt
chúng tôi xuất trận ?

Sún Lùn tiếp :

– Trong trận đánh thủy quân, chúng tôi lập công đầu. Chiếm thành Bạch-đế cũng là chúng tôi. Nếu bảo chúng tôi không công là ăn hiếp trẻ con.
Chúng tôi cũng phải được hưởng chứ? Vả lại ngày xưa Phù-đổng Thiên-vương còn nhỏ tuổi cũng cầm quân đánh giặc, tại sao Lục Sún không được trấn
thủ thành này ? Bên Trung-nguyên trước đó có cậu bé 12 tuổi là Cam La
làm Tể-tướng được, thì chúng tôi cũng làm tổng trấn được chứ ?

Đặng Vũ không biết nói sao, nhìn Trưng Nhị cầu cứu. Trưng Nhị nhìn Hồ Đề, nàng cũng lắc đầu.

Lâu-thuyền tướng-quân Đoàn Chí nói :

– Trong hịch nói rằng ai bắt được Công-tôn Thiệu mới được làm trấn thủ thành Bạch-đế, vậy mấy Sún có bắt được y không đã ?

Đặng Vũ cũng nói :

– Đúng đấy, các Sún có bắt được Công-tôn Thiệu không nào ?

Sún Lé nhìn các bạn rồi cùng cười :

– Được Đại tư-mã hứa như thế phải không ?

Đặng Vũ gật đầu :

– Tôi hứa chắc như vậy, nếu các em bắt được Công-tôn Thiệu, ta cho các em làm tổng trấn thành này.

Sún Lé vỗ tay một cái, Sún Lùn, Sún Rỗ mở cửa phòng bên cạnh, dẫn một
người bị trói, mình đầy thương tích, đầu bịt một tấm khăn. Sún Lé mở
khăn trùm đầu, thì ra là Công-tôn Thiệu.

Trưng Nhị giật mình :

– Các sư đệ, làm sao các sư đệ bắt được y ?

Sún Lùn nói :

– Khi Công-tôn Thiệu bắn Sún Lé, chúng em chui trong bụi cây đuổi theo y về đến đây. Y vào phủ điều khiển gia đình rút lui, rồi mới đeo kiếm
định đốc thúc quân tiếp tục chiến đấu. Mỗi đứa chúng em mang theo một
con trăn. Chúng em đồng quăng ra quấn y. Y hết dẫy nổi, chúng em mới
trói lại, chiếm phủ này.

Sún Rỗ tiếp :

– Bây giờ kho tàng của y thuộc về Lục Sún. Lục Sún đồng trấn thủ thành Bạch-đế. Ha, ha...

Sún Lé vỗ tay :

– Thành Bạch-đế này có bốn cửa, mỗi Sún trấn một cửa. Trung ương thì Sún Rỗ thống lĩnh. Sún Lé này làm quân sư. Binh sĩ có thêm 600 thần-ưng.
Tuyệt hảo, tuyệt hảo.

Sún Cao tiếp :

– Chúng ta sẽ vẽ hình lên cờ. Cờ của ta thì có một Sún cao nghệu, còn cờ Sún Rỗ thì có hình tổ ong.

Cứ thế, mỗi Sún một câu, làm Đặng Vũ không biết làm sao trả lời cho
xuôi. Trưng Nhị tìm ra một lối giải quyết, nàng muốn trêu Đặng Vũ, nháy
Hồ Đề nói :

– Có lẽ phải cho Lục Sún trấn thủ thành Bạch-đế mới được. Vì trong hịch
đã hứa như vậy. Nếu bảo Lục Sún không đủ tài trấn thủ, thì Lục Sún sẽ
không chịu, vì chúng đã xuất trận hai lần đều thành công. Nếu bảo chúng
còn nhỏ, thì tại sao lại cho chúng lâm trận.

Nàng nói với Đặng Vũ :

– Xin Đặng đại tư-mã cho biết sẽ đề cử ai làm phó tướng cho Lục Sún, vì chúng chưa đủ kinh nghiệm trị quân.

Đặng Vũ càng luống cuống nói với Trưng Nhị :

– Trưng cô nương, cô nương là quân sư, việc này xin để cô nương quyết định.

Trưng Nhị thấy để Lục Sún đùa vui như vậy cũng đủ. Nàng biết Lục Sún hơn ai hết : Cái gì cũng phải có lý, không được coi chúng là trẻ con thế
thôi. Nàng nghĩ : Không cho chúng làm Tổng trấn thì muôn ngàn lần chúng
không chịu. Chi bằng đem cái sở đoản của chúng ra dọa. Lục Sún là những
đứa trẻ ồn ào, sợ cô độc. Vậy hãy đem cái cô độc ra dọa chúng.

– Đặng tư-mã đồng ý cho Lục Sún trấn thủ thành Bạch-đế. Vậy Tham-tướng
đâu hãy lấy sổ sách ra, bàn giao thành cho Tây-vu Thiên-ưng lục tướng.

Tham tướng bưng ra một chồng sổ sách gần một trăm cuốn nói :

– Đây là sổ ghi chép lương thảo của thành. Xin Tiểu tướng quân ghi nhớ
trong đó chép gạo, muối, cá khô, bò, trâu, lợn, gà nuôi quân.

Sún Lé cầm lên coi, nó chỉ đọc được hai chữ trên bìa cuốn sổ. Nó lắc đầu nói với Sún Đen :

– Đen ơi ! Hỏng rồi mày thử đọc xem.

Sún Đen lắc đầu :

– Mày học giỏi nhất, cũng chỉ biết được, mười tám, mười chín chữ, mà còn chịu thua thì tao làm sao mà đọc được.

Viên Tham tướng đưa tiếp cuốn sổ ghi quân số, tên tuổi từng binh sĩ một. Cuốn sổ dày hơn gang tay. Tiếp theo là cuốn ghi kế hoạch phòng thủ.

Lục Sún nhìn nhau ngẩn người. Sún Rỗ nói với Sún Lé :

– Mày khôn nhất trong bọn, mày giữ sổ sách. Bọn tao chỉ biết Ục nhau thôi.

Viên Tham-tướng trình bày gần hai mươi loại sổ sách. Lục Sún ngơ ngẩn nhìn nhau chưa biết nói sao.Trưng Nhị tiếp :

– Sau đây bọn ta vào Thành-đô. Các sư đệ ở lại thành Bạch-đế cho đến già.

Lục Sún vào thành Bạch-đế bắt được Công-tôn Thiệu, đòi làm Tổng-trấn cho vui, chứ thật sự chúng đâu có thích làm quan. Bây giờ nghe Trưng Nhị
bảo chúng nó phải ở lại đây cả đời. Sáu đứa nhìn nhau, sợ hãi ra mặt.
Sún Hô là đứa nghĩ xa nhất, nó hỏi Hồ Đề :

– Sau khi đánh xong Thục, sư tỷ có về qua đây không ?

Hồ Đề lắc đầu :

– Bọn ta theo ngã Độ-khẩu về Lĩnh-nam. Mười năm sau, ta cho người đến thăm các sư đệ.

Sún Cao là đứa nhát nhất, nó nói :

– Thôi chúng mày ở lại mà làm Tổng trấn. Tao theo sư tỷ đánh Thành-đô
rồi trở về rừng Tây-vu. Chứ ở đây chỉ có sáu đứa, buồn bỏ mẹ đi í! Mười
năm sau sư tỷ mới đón về Lĩnh-nam thì chết bỏ bu !

Sún Lùn, Sún Rỗ, Sún Hô, Sún Đen cũng nói :

– Thôi bọn tao cũng không ham cái chức Tổng trấn đâu. Đã không biết chữ thì làm sao mà đọc sổ sách.

Sún Lé hỏi Đặng Vũ :

– Thưa Đại-tư-mã, luật nhà Hán có cho phép nhường chiến công cho nhau
không ? Ví như anh em chúng tôi có công có thể nhường cho một tướng khác chẳng hạn ?

Đặng Vũ gật đầu :

– Các em muốn tặng cho ai ?

Sún Lé nhìn các bạn nó rồi nói:

– Chúng mày ạ! Tao nghĩ rằng chúng mình còn nhỏ quá không làm Tổng-trấn
được, chi bằng nhường công lao cho một vị đại tướng-quân nhà Hán thì hay hơn?

Đặng Vũ gật đầu tỏ vẻ hài lòng:

– Thế các em muốn nhường chức Tổng-trấn lại cho ai nào?

– Các đại-tướng ở đây nhiều quá, ai cũng làm Tổng-trấn được. Nhưng tao
thấy ông Bô-lỗ đại-tướng quân Mã Vũ là người nhân từ, biết thương dân,
vậy chúng mình nhường cho ông ấy quách.

Lục Sún cùng reo lên. Sún Lé nói với Đặng Vũ:

– Đại tư-mã! Chúng tôi muốn nhường chức Tổng-trấn thành Bạch-đế cho Bô-lỗ đại tướng quân Mã Vũ, vì ông ấy hiền lành lắm.

Nguyên Bô-lỗ đại tướng quân là người nhu nhã, học thức. Ông có hai đứa
con trai bị chết trong chiến tranh. Nếu hai con ông còn sống, tuổi cũng
ngang Lục-Sún. Vì vậy từ hôm Lục Sún tới Kinh-châu, ông thường sang lều
bọn chúng trò chuyện. Ông dạy chúng cách hành quân, bố trận, xung phong, hãm địch. Chúng học lấy thuật đó áp dụng vào việc chỉ huy Thần-ưng. Cho nên cả Lục Sún đều thích ông. Nay chúng đề nghị nhường công trạng cho
ông. Đặng Vũ nói:

– Được, vậy Bô-lỗ đại-tướng quân ở lại làm Tổng-trấn thành Bạch-đế,
Xuyên-khẩu. Còn tài sản của Công-tôn Thiệu vẫn để cho Lục Sún.

Lục Sún đồng ý đề nghị của Đặng Vũ, chúng lục lọi hết các phòng trong
phủ Trường-sa vương, lấy không biết bao nhiêu đồ quý giá. Chúng nó đều
là trẻ con ở rừng núi, đùa nghịch với thiên nhiên, không biết giá trị
vàng bạc châu báu. Sún Lé bảo Hồ Đề:

– Sư tỷ, chúng em biếu, sư tỷ đấy.

Hồ Đề thì xuất thân từ một cô gái Mường ở Tây-vu, nhờ tài thao lược, võ
công tuyệt vời và nhất là tính tình giản dị, mà từ một Động-chủ nàng
tiến lên làm Thống-lĩnh 72 động. Nàng lấy thú rừng săn bắn, hoa cỏ, dạy
giỗ thú vật làm vui, tuyệt không thích những đồ nữ trang. Còn vàng bạc,
nàng cũng thấy không cần thiết, nên dửng dưng trước kho tàng lớn lao.
Nàng nói với Trưng Nhị:

– Xin sư tỷ cho kiểm điểm lại, em dùng voi cho chở về Lĩnh-nam. Những thứ này, chúng ta cần đến nó sau này.

Trưng Nhị hiểu rằng, với kho tàng, sau này sẽ dùng để phục quốc, nàng sai đóng thành thùng.

Không biết Sún Lé nghĩ sao, lựa lúc người lớn không chú ý, bốc lấy một
ít châu ngọc, vàng bạc cho vào một túi nhỏ, đeo bên hông, nó nháy các
bạn rồi cùng cười.

Trong những anh hùng Lĩnh-nam tham dự trận đánh. Lục Sún là trẻ con, chỉ thích nghịch ngợm, ăn vặt mà không thiết đến tiền bạc. Chúng ở rừng lấy cây cỏ, thú vật làm tiêu khiển, được Hồ Đề nuôi nấng, dạy dỗ, thân nàng là lãnh chúa, mà coi bọn chúng như em, nên chúng thấy sung sướng, không còn ước vọng gì nữa. Hồ Đề dạy chúng những gì là yêu nước, là Âu-lạc,
là Văn-lang, khiến máu trẻ của chúng sôi sục việc nước. Tuổi chúng còn
nhỏ, được tham dự những việc người lớn, chúng thích chí. Còn tiền bạc
chúng không biết để lãm gì?

Thiên-thủ viên hầu Lại Thế-Cường nói nhỏ với Trưng Nhị, Trần Năng:

– Lĩnh-nam mình đến hồi đại-phúc rồi thì phải. Trên từ Trưng Nhị cho đến Lê Chân, Trần Năng, Phật-Nguyệt, dưới đến Lục Sún, người nào thấy vàng
bạc, châu báu cũng chẳng thiết gì. Đàn bà con gái ai cũng thích vàng
bạc, châu báu đeo đầy người. Còn các cháu đây nhan sắc cũng diễm lệ như
bất cứ ai. Võ công còn hơn ta, mưu trí trùm hoàn vũ, thế mà trông thấy
kho châu báu, chả cần xem xét, chả cần một món gì, khác với bọn tướng
Hán, người nào cũng hau háu nhìn vàng ngọc, nhất định Lĩnh-nam sẽ được
phục hồi.

Trưng Nhị cũng đồng một ý tưởng như Lại Thế-Cường. Hôm sau nàng gọi em trai Hồ Đề là Hồ Hác đến dặn rằng:

– Chị cho em về Giao-chỉ trước. Em mang theo một số đệ tử Tây-vu giúp
đỡ. Em tải mấy thùng châu báu về Tây-vu cất giấu cẩn thận. Việc này chỉ
có chị Hồ Đề, Trần Năng, Phật-Nguyệt, Lê Chân và sư thúc Lại Thế-Cường
biết mà thôi, còn ngoại giả em dấu hết. Những thùng châu báu, ta sẽ dùng đến mai sau.

Hồ Hác vâng lệnh lên đường.

Trong khi Đặng Vũ cho quân sĩ nghỉ dưỡng sức, thì Lục Sún, Mã Vũ ngày
ngày cỡi ngựa ngao du thành Bạch-đế. Các Sún nhận thấy dân chúng khóc
lóc tiếc thương vì Thục bị Hán đánh. Họ than thở rằng hồi sống dưới chế
độ Công-tôn Thiệu sung sướng hơn chế độ nhà Hán nhiều.

Một buổi chiều Sún Lé bàn với các Sún:

– Tao đề nghị chúng mình vào nhà tù thăm Công-tôn Thiệu hỏi xem y cai
trị cách nào mà dân chúng khoan khoái hơn Mã Vũ cai trị? Dân không vui
là tội chúng mình, vì chúng mình lập công cho Quang-Vũ, làm họ khổ sở,
tao nghĩ lỗi ở tại chúng mình.

Lục Sún đồng ý, chúng đòi đến nhà tù thăm Công-tôn Thiệu. Sún Cao nói:

– Sư tỷ Hồ Đề dạy rằng, dù đối với tù nhân, cùng nên lấy lòng hiệp
nghĩa. Công-tôn Thiệu là ông vua con, bị tù chắc khổ sở lắm. Chúng ta
mang rượu thịt vào thăm ông ấy mới phải.

Chúng lấy một bình rượu, một con gà nướng, rồi đến nhà tù. Viên quan coi tù biết chúng là những đại tướng-quân. Làm mất lòng chúng, chúng hú lên một tiếng, y sẽ bị chim ưng nhá thịt liền. Y mở cổng nhà tù nói:

– Thiên-ưng lục tướng muốn thăm nhà tù xin cứ tự nhiên.

Lục Sún đến nhà giam Công-tôn Thiệu. Y bị giam trong căn nhà đá, chân tay bị xích. Sún Lé ra bộ ta đây lịch sự:

– Công-tôn đại hiệp, mấy hôm nay chắc người khó chịu lắm nhỉ? Chúng tôi mang rượu thịt đến mời đại-hiệp xơi đây!

Công-tôn Thiệu thản nhiên rót rượu ra uống, cầm con gà quay lên ăn. Ăn xong, y hỏi:

– Sáu chú em đại danh là gì ? Sáu chú dùng trăn bắt ta, thực giỏi. Ta bị bắt, chẳng đáng tiếc. Điều đáng tiếc là các chú còn trẻ, có tài, tại
sao đi giúp Quang-Vũ ? Triều đình nhà Hán đâu có đem lại hạnh phúc cho
dân ?

Sún Rỗ nói :

– Chúng tôi định đến hỏi ông điều này đấy. Mấy hôm nay, chúng tôi đi dạo chơi khắp nơi, dân chúng than tiếc cho ông. Họ nói ông cai trị thì trăm họ sung sướng. Còn Hán cai trị thì họ khổ vô cùng. Ông có thể cho chúng tôi biết cách cai trị của ông như thế nào không ?

Công-tôn Thiệu nói :

– Được chứ ! Tôi nói cho các chú nghe cũng chẳng sao. Chúng tôi là bảy
người sư huynh, sư đệ, được đời tặng cho danh hiệu là Thiên-sơn thất
hùng. Nhân thời loạn, Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, chúng tôi khởi binh, đem tinh thần hiệp sĩ cứu dân, lập ra nước Thục. Vì bất đắc dĩ chúng
tôi phải xưng đế, xưng vương, chứ có ai muốn công danh đâu ? Chúng tôi
ban hành luật lệ rộng rãi, vì vậy dân chúng hạnh phúc. Còn Mã Vũ cũng có lòng nhân từ, nhưng luật lệ nhà Hán hà khắc, thì sao dân chúng sung
sướng được ?

Lục Sún là những đứa trẻ ngay thẳng, chúng nghe Công-tôn Thiệu nói vậy, đồng gật đầu công nhận là đúng. Sún Đen nói :

– Hôm trước Trưng sư tỷ họp với chúng mình đưa ra ý kiến. Chúng mình
giúp Hán đánh Thục là giúp kẻ ác đánh người nhân. Bây giờ chuyện đã như
thế này thì làm sao đây ? Tao đề nghị đêm nay chúng mình thả Công-tôn
đại-hiệp ra để tạ tội với dân chúng đất Thục.

Sún Cao là đứa nhát, nó nói :

– Tao không dám đâu, lỡ sư tỷ biết thì chết đòn.

Sún Lé hỏi Công-tôn Thiệu :

– Công-tôn đại-hiệp, dường như đại hiệp viết thư cho Trưng sư tỷ nói
rằng đại-hiệp là bạn thân với đại-ca Đặng Thi-Sách phải không ?

Công-tôn Thiệu đáp:

– Cách đây hơn hai mươi năm, Đặng đại-ca theo hầu Thái sư-thúc là Khất
đại-phu. Tôi theo hầu Thái sư-phụ là Thiên-sơn lão tiên, cùng lên đỉnh
Kim-sơn chơi. Chúng tôi kết nghĩa huynh đệ. Tôi lớn tuổi hơn là anh.
Chúng tôi thề cùng hợp tác với nhau mưu đồ hạnh phúc cho trăm họ. Vì vậy chúng tôi mới lập ra nước Thục. Đặng đại-ca lập lại Lĩnh-nam. Thục,
Lĩnh-nam liên kết với nhau chống Hán.

Sún Đen nói :

– Bây giờ muốn biết đúng hay sai, xin Công-tôn đại hiệp viết cho Đặng
đại-ca một bức thư, kể hết sự tình. Tôi cho Thần-ưng đem về Lĩnh-nam.
Nếu Đặng đại-ca công nhận những lời đại-hiệp là đúng, chúng tôi đánh Hán giúp Thục.

Nó lấy bút mực cho Công-tôn Thiệu viết thư. Thư viết xong, nó bỏ vào một ống tre dưới chân thần-ưng, rồi ra hiệu, dặn dò. Thần-ưng bay bổng lặn
trời, hướng phía Nam.

Lục Sún trở về nghỉ. Bốn hôm sau Thần-ưng trở lại. Chúng mở ống tre dưới chân Thần-ưng có đến bốn tờ giấy. Một tờ viết đầy chữ, ba tờ vẽ rất
nhiều hình. Hình thứ nhất vẽ hai lão ông trên tuyết uống rượu. Chúng
nhận ra một ông giống Khất đại-phu. Cạnh hai ông có hai người đeo kiếm
đứng hầu, chúng nhận ra là Đặng Thi-Sách và Công-tôn Thiệu.

Sún Hô nói :

– Như vậy lời nói của Công-tôn Thiệu là đúng rồi đó.

Nguyên mười năm trước, Khất đại-phu lên Kim-sơn thăm người bạn già là
Thiên-sơn lão tiên. Ông mang Đặng Thi-Sách theo để dạy thêm kinh nghiệm
cho chàng. Thiên-sơn lão tiên cũng mang theo một đồ tôn là Công-tôn
Thiệu. Giữa đỉnh núi tuyết hai lão tiên đánh cờ, uống rượu. Còn hai đồ
tôn bàn chuyện mưu đồ hạnh phúc cho dân. Hai người ý hợp, tâm đầu, họ
kết làm huynh đệ, trước sự chứng kiến của hai đại tôn sư võ học.
Công-tôn Thiệu định chiếm Đông-xuyên, Tây-xuyên, Kinh-châu rồi quay mặt
lên phía Bắc chống với Hán. Còn Đặng Thi-Sách định lập lại Lĩnh-nam. Hai người thề sẽ cứu ứng lẫn nhau.

Cách đây mấy tháng Đặng Thi-Sách được Trưng Trắc cho biết, anh hùng
Lĩnh-nam theo Nghiêm Sơn sang Trung-nguyên đánh Công-tôn Thuật. Ông
không ngờ Công-tôn Thuật là anh Công-tôn Thiệu, nên không có ý kiến gì.
Vì anh hùng Lĩnh-nam cố theo tòng chinh mới đem được 30 vạn quân Hán ra
khỏi đất nước mình, cuộc nổi dậy mới dễ thành công. Bây giờ được thư
Công-tôn Thiệu, ông mới bật ngửa ra rằng Công-tôn Thiệu là Trường-sa
vương của Thục. Thục đang lâm nguy vì đám anh hùng Lĩnh-nam. Ông vội sai Trưng Trắc lên đường thuyết phục anh hùng Lĩnh-nam phản Hán trợ Thục.
Trợ Thục có lợi. Lĩnh-nam, Hán, Thục chia ba thiên hạ. Thục và Lĩnh-nam
cứu ứng lẫn nhau mới mong tồn tại. Chuyện giúp Hán để đem 30 vạn quân
rời Lĩnh-nam thì đã xong rồi. Một mặt ông viết bức thơ cho Công-tôn
Thiệu dặn dò phải kín đáo. Ông muốn viết thư cho Lục Sún, nhưng chúng
không biết chữ thì làm thế nào ? Sư muội Nguyễn Quý-Lan đề nghị ông nên
vẽ hình, Lục Sún cũng hiểu được câu chuyện.

Bức tranh thứ nhì vẽ một người khổng lồ đầu có sừng, hai răng nanh dài,
định bắt dân chúng ăn thịt. Phía trước có bảy người dùng kiếm đánh người khổng lồ. Trong bảy người đó, có một người giống hệt Công-tôn Thiệu.

Sún Hô nói :

– Đặng đại-ca ví Quang-Vũ như con quỷ ăn thịt người. Còn đây là Thiên-sơn thất hùng đánh quỷ cứu dân.

Bức thứ ba vẽ sáu người con gái, cạnh sáu đứa trẻ và đàn chim đứng giúp con quỷ mọc sừng đánh lại năm người cầm kiếm.

Sún Hô nói :

– Đặng đại-ca nói Trưng sư tỷ với bọn mình trợ giúp Quang-Vũ đánh Thục, là giúp quỷ hại dân.

Bức thứ tư vẽ bảy người cầm kiếm bị thua chạy, một người bị bắt trói,
người đó là Công-tôn Thiệu. Bức thứ năm vẽ Công-tôn Thiệu bị trói nằm
trong tù. Lục Sún cầm búa chặt xích cứu y.

Sún Hô bàn :

– Đặng đại-ca bảo chúng mình cứu Công-tôn Thiệu, chúng mày có đồng ý làm không ?

Sún Lé nói :

– Làm thì làm chứ sợ đíu gì Đặng Vũ. Tao đề nghị thế này : Lát nữa tao
ra mượn thợ rèn làm cho cái búa với mấy cái cưa nhỏ. Chúng mình quay một con ngỗng thực lớn, rồi bỏ búa, cưa vào gửi cho Công-tôn Thiệu. Lúc y
ăn thịt ngỗng, thấy búa cưa, y sẽ dùng để cắt xích, trốn đi. Sư tỷ Hồ
Đề, Trưng Nhị không thể nào nghi ngờ bọn ta đã thả tù. Chúng mày nghĩ
sao ?

Lục Sún đồng ý. Sún Lé lên ngựa ra chợ.

Chiều hôm đó Sún Lé mang một con ngỗng quay thực lớn, nặng đến mười cân
(5 kg) và một bình rượu vào nhà tù thăm Công-tôn Thiệu. Nó lấy bức thư
của Đặng Thi-Sách viết đưa cho Công-tôn Thiệu. Công-tôn Thiệu đọc cho nó nghe :

« Công-tôn đại-ca,

Từ hồi Kim-sơn cách biệt, đã hơn mười năm, chúng mình không gặp nhau.
Gần đây, mãi lo phục hồi Lĩnh-nam, nên nhiều lúc muốn lên Thiên-sơn yết
kiến Thiên-sơn lão tiên, gặp lại đại-ca, anh em hàn huyên mà không được. Hôm nay nhận được thư đại ca do Thần-ưng mang đến, em biết Thiên-sơn
thất hùng đã làm nên sự nghiệp Nghiêu, Thuấn ở Trung-nguyên. Em cho
Trưng Trắc lên đường thực hiện lời hứa của anh em mình cách đây mười
năm. Lục Sún sẽ cứu đại-ca tai qua, nạn khỏi. Thư bất tận ngôn, ngày
tháng còn dài, anh em mình sẽ còn gặp nhau.

Tiểu đệ Đặng Thi-Sách cẩn bút ».

Sún Lé nói nhỏ :

– Trong con ngỗng quay này có cái búa và cái cưa. Đêm nay Công-tôn đại-hiệp cắt xích mà về Thục. Thôi tôi đi đây.

Sáng hôm sau có tin báo với Đặng Vũ rằng : Công-tôn Thiệu vượt ngục.
Đặng Vũ, Sầm Bành, Trưng Nhị đến tận nơi điều tra, thấy ba tên cai ngục
bị đánh trọng thương nằm đó, các dây xích khóa chân tay Thiệu bị cắt
đứt. Đặng Vũ cười :

– Công-tôn Thiệu có vượt ngục cũng chẳng ngại, vì tinh thần quân đội
Thục đã tan vỡ, vậy chúng ta tiến quân cho mau. Trước hết chia quân làm
hai đạo. Một đạo theo giòng sông Trường-giang chiếm Võ-lăng, thuận thế
chiếm Bồ-lăng, Bích-sơn để phòng giặc đánh chận hông. Còn một đạo phải
đánh chiếm Lương-bình, Quảng-an và Phong-khê. Đến Phong-khê thì thì
Thành-đô ở trước mặt rồi.

Trưng Nhị bàn :

– Đạo đánh Vũ-lăng thì tôi xin lĩnh mệnh điều khiển. Tôi tiến tới hợp
với đạo quân Lĩnh-nam ở Long-xương. Như vậy Đại-tư mã tiến quân tới đâu
cũng không sợ gì nữa. Tôi chỉ cần đem các tướng Lưu Long, Đoàn Chí, Lê
Chân là đủ. Còn lại thì do tướng quân thống lĩnh. Tới Long-xương, tôi
ngược Nê-giang tiến về Thành-đô. Không biết ý tướng quân thế nào ?

Ý của Đặng Vũ là tiến vào Thành-đô càng sớm càng tốt. Nay được Trưng Nhị đề nghị đánh vào phía trái cản các đạo quân đánh vào Thành-đô thì còn
gì bằng nữa. Y chia cho Trưng Nhị toàn bộ thủy quân với mười vạn quân
bộ. Dự định hôm sau tiến quân.

Các thành chiếm được giao cho Phục-ba tướng quân Mã Viện trấn giữ.

Chiều hôm đó quân vào báo :

– Có sứ giả của Chinh-viễn đại tướng quân Đào Kỳ tới.

Từ hôm rời Đào Kỳ đến giờ, Đặng Vũ, Trưng Nhị không được tin tức gì, nay mới nhận được sứ giả.

Cửa trướng mở, sứ giả bước vào làm mọi người bật cười, vì sư giả là
Giao-long nữ Trần Quốc cùng với năm con trai của Nguyễn Tam-Trinh là
Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và Giao-Chi. Họ mặc giống nông dân đất Thục,
lưng đeo bảo kiếm trông rất oai vệ. Đặng Vũ chưa biết đám này, đưa mắt
nhìn Trưng Nhị. Trưng Nhị giới thiệu từng người một, rồi hỏi :

– Có phải các em giả làm dân Thục, đi đường sông đến đây không ?

Giao-Chi gật đầu :

– Chúng em phải đi như vậy, chứ đi vòng, phải mất mấy tháng thì lâu quá. Dọc đường thủy quân Thục không tra xét gì, đến Cổ-lăng mới bị quân Hán
tra xét, chúng em phải đưa thẻ bài mới được đến đây.

Giao-long nữ cười:

– Chị Trưng Nhị, chị tiến quân chậm quá, hôm nay mới chiếm được có hai
thành thôi à? Bọn em chiếm được Độ-khẩu, Mễ-dương, Đức-xương, Phổ-khách, Việt-tây và Mỹ-cơ. Sư bá Triệu Anh-Vũ, Đinh Công-Thắng, chiếm được
Xích-khẩu, Giang-an, Long-xương rồi. Hai đạo quân đã bắt tay được với
nhau. Không chừng bây giờ vào Thành-đô rồi cũng nên.

Đặng Vũ thất kinh hồn vía hỏi:

– Thế thì khi cô nương lên đường, Đào tướng-quân đã tiến tới đâu rồi?

Giao-long nữ nói:

– Đào đại-ca ngưng tiến quân vào Thành-đô mà tiến phía Tây chiếm
Cửu-long Nhã-giang và Càn-định. Đào đại-ca bảo để dành cho Đặng tư-mã
vào Thành-đô trước. Đào đại-ca sợ thủy quân Thục mạnh, sai chúng em đến
trợ chiến. Sư-tỷ, đi dọc đường em nghe quân Thục phía Đông bị đánh tan
rồi phải không?

Đặng Vũ nghe Giao-long nữ nói, y mừng run người lên nghĩ:

– Đào Kỳ là người tốt với ta. Y đánh giặc không cần lập công, quan chức, y nhường cho ta chiếm Thành-đô đây.

Trưng Nhị hỏi:

– Em hãy thuật cho chị nghe chi tiết việc đạo quân Lĩnh-nam đánh như thế nào mà thành công mau như vậy.

Giao-long nữ chỉ một tướng quân trẻ tuổi, khí vũ hiên ngang, mặt sậm đen, phong thái ôn nhu:

– Đào đại ca giữa trận kết bạn với Vương đại-ca, nguyên Vương đại-ca là
Bình-nam vương của Ích-châu. Đại-ca theo hàng Lĩnh-nam nên mới đánh mau
thế. Còn đánh như thế nào em để chị Giao-Chi kể. Vì Đào đại-ca bảo tính
em hay đùa không được kể truyện.

Đoạn này thuật cuộc tiến quân của Đào Kỳ, cùng thời gian với cuộc tiến quân của Trưng Nhị

Sau Nghiêm Sơn, Phương-Dung lên đừng đi Kinh-châu, thì đạo-quân của
Triệu Anh-Vũ, Đinh Công-Thắng cũng lên đường. Đào Kỳ, Hoàng Thiều-Hoa đi Vĩnh-nhân. Giao-long nữ Trần Quốc đi cạnh Thiều-Hoa cười nói huyên
thuyên. Nàng là cô gái mồ côi, không cha, không mẹ bị đời hiếp đáp cơ
cực, may được Trần Quốc-Hương nuôi dạy coi như con đẻ, được cưng chiều
được dạy võ, dạy văn, dạy âm nhạc, nên giữa tuổi thơ tính tình nàng mở
rộng vô cùng. Từ khi còn ở Thiên-trường, nàng được đọc sách nói về người xưa cầm quân đánh giặc, thường mơ màng ngày nào đó nàng cũng ruổi ngựa, chỉ huy thủy quân xông pha mặt trận. Không ngờ bây giờ giấc mơ là đây.
Sau lần đấu với Đào Kỳ trên sông Thiên-trường, không những Đào Kỳ không
buồn mà càng sủng ái nàng như một cô em gái, biết trọng dụng tài của
nàng, nên nàng cao hứng cực điểm. Nàng nhìn Thiều-Hoa rồi hỏi:

– Chị Thiều-Hoa này, người ta nói Mỵ Nương đẹp lắm, Trương Chi say mê
nàng đến điên đảo, vậy không biết Mỵ Nương có đẹp bằng chị không?

Thiều-Hoa cười:

– Mị-Nương đẹp thế nào chị không biết. Nhưng có điều chị biết rõ là nàng chỉ có mối tình cho Trương Chi, chứ nàng không có mối tình yêu nước như Giao-long nữ.

Giao-long nữ hỏi Đào Kỳ:

– Sư tỷ Thiều-Hoa khen quá, làm em sợ. Em nghĩ tại sao mình đi đánh Thục làm gì? Chi bằng ta đem quân về Giao-chỉ giết Tô Định, chiếm hết sáu
quận lập Nghiêm đại-ca làm hoàng-đế. Chúng ta đánh sang Trung-nguyên,
bắt Hoàng-đế Trung-nguyên phải triều cống mình có phải hơn không?

Đào Kỳ lắc đầu:

– Trong chúng ta có ai muốn làm vua đâu? Chỉ mong phục quốc rồi ruổi ngựa ngao du ngắm cảnh hùng vĩ của đất nước mà thôi.

Hoàng Thiều-Hoa nghe Trần Quốc nói, nàng mới tỉnh ngộ:

– Ừ nhỉ! Sau khi phục được Lĩnh-nam thì ai sẽ làm vua? Hoặc giả sư phụ
ta? Ta thấy Khất đại-phu, Nam-hải sư bá đều là người hiệp nghĩa, tiêu
dao tự tại, chả ai muốn làm vua chi cho khổ thân. Không chừng sư phụ
mình phải làm vua cũng nên. Nếu sư phụ mình phải làm vua thì... ta phải
cản mới được. Ta không muốn người phải chịu khổ sở suốt đời. Ta đọc sách thấy vua lúc nào cũng lo lắng, ăn ngủ không yên, sao bằng làm lạc-hầu
tiêu dao núi rừng sướng hơn nhiều.

Bỗng Giao-long nữ nhớ ra việc gì, bảo Đào Kỳ:

– Em đọc binh thư nói rằng: “Binh quý hồ tốc”, nghĩa là dùng binh phải
cần cho mau. Lại cũng nói: “Xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị”, nghĩa là binh chúng ta xuất hiện ở chỗ giặc không biết, đánh vào chỗ giặc không phòng bị. Nay chúng ta đã mạo hiểm đánh ở phía Nam Thục như thế này, cũng
giống như ngày xưa Hàn Tín giả bộ một mặt sửa chữa Sạn- đạo, một mặt đổ
quân đánh Trần Thương, làm cho Hạng Võ không đề phòng.

Hoàng Thiều-Hoa thấy mới chỉ gần Đào Kỳ, Phương-Dung có một năm mà Giao-long nữ đã am tường binh pháp thì mừng lắm, nàng nói:

– Sư nếu muội là Đào Kỳ, thì em sẽ làm gì?

Giao-long nữ mở lớn mắt cười:

– Em ra lệnh cho ngựa lưu tinh báo các huyện đường mở sẵn cửa ải để quân đi qua. Tuyệt đối không cho dân chúng biết có binh tướng từ Lĩnh-nam
lên, như vậy Tế-tác giặc không biết được. Một mặt em ra lệnh cho
Trấn-nam tướng quân Trần Huệ ở Vĩnh-nhân triệu tập quân, chuẩn bị đi
Kinh-châu trợ chiến. Tai mắt giặc tại đó thiếu gì, chúng tin là thực,
chúng ta xuất quân đánh bất thần như sét nổ, thì lấy Độ-khẩu dễ như trở
bàn tay.

Đào Kỳ mở to mắt nhìn Giao-long nữ, chàng chỉ thấy đó là một cô gái xinh đẹp, lưng thon, ngón tay trắng như búp măng, đang cầm ống tiêu thổi
khúc Cổ loa di hận... Không ngờ trong đầu lại nghĩ được một kế tuyệt
diệu như vậy. Chàng hướng vào Giao-long nữ nghiêm trang chắp tay vái ba
vái:

– Đa tạ sư muội chỉ dạy.

Giao-long nữ vội chắp tay đáp lễ:

– Nghĩa phụ em thường nói: Đào hầu dạy con và đệ tử giống như Khổng-Tử
dạy học trò, lúc nào cũng phải giữ lễ. Nghĩa phụ em dạy con và đệ tử thì cho phát triển tự do, em mới được lý lắc với người.

Đào Kỳ cầm lệnh tiễn giao cho viên Tham-tướng dặn dò mấy câu. Y vâng dạ
ruổi ngựa như bay. Vì vậy khi quân qua các quận, huyện, dân chúng, quan
chức coi như chàng dẫn binh lính đi tập trận, không phải đón tiếp, cung
ứng lương thực như thường lệ.

Mấy hôm gần tới Vĩnh-nhân, chàng cho quân nghỉ ngơi, rồi sáng hôm sau
lên đường, để quân sĩ tới nơi vào lúc chập choạng tối. Trấn-nam
tướng-quân Trần Huệ chuẩn bị sẵn, tiếp rước chàng vào trướng trong
thành.

Phó tướng Ngô Đạt nói:

– Ty chức tiếp được lệnh tiễn của Nguyên-soái, ra lệnh cho quân sĩ chuẩn bị lương thực, lừa ngựa. Họ tưởng rằng sẽ lên Kinh-châu trợ giúp Đại
tư-mã. Họ đang chờ lệnh.

Trần Huệ, Ngô Đạt kinh ngạc, vì thấy bọn Đào Kỳ có 16 người, thì hết 8 là những thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời, tuổi còn trẻ.

Đào Kỳ chỉ Hoàng Thiều-Hoa giới thiệu:

– Đây là Vương-phi Lĩnh-nam vương, lĩnh chức Tả tướng-quốc cũng là sư tỷ của tôi.

Trần Huệ nghe nói Lĩnh-nam vương-phi là người đẹp sắc nước hương trời,
nên khi thấy Hoàng Thiều-Hoa đẹp như tiên nữ, y không ngạc nhiên. Y chỉ
ngạc nhiên khi thấy nàng cũng là một võ tướng mà thôi.

Đào Kỳ giới thiệu những người khác:

– Đây là sư muội Trần Quốc, biệt hiệu là Giao-long nữ, Trần tướng quân đã gặp rồi.

– Đây là sư tỷ Nguyễn Giao-Chi cùng với năm sư huynh Nhân, Nghĩa, Lễ,
Trí, Tín đều thuộc thủy quân, sẽ giúp chúng ta vượt sông, như hôm trước
chúng tôi đã làm.

Trần Huệ mừng lắm:

– Hôn trước chỉ một mình Nguyên-soái cùng với Trần đô-đốc cũng sang sông dễ dàng, bây giờ chúng ta thêm 6 vị nữa cùng với đội Giao-long binh,
thì càng mau hơn.

– Đây là Ngũ-long công chúa, chỉ huy đội Thần-long tập kích thủy quân Thục.

Giao-long nữ hỏi:

– Trấn-nam tướng quân, người với tôi cùng họ, chắc tướng quân biết. Họ
Trần ở bất cứ đâu đều giỏi bơi lội ca. Tôi còn mang theo đội Giao-long
hơn 100 sư huynh, sư đệ nữa. Vì vậy chúng ta qua cùng một lúc 100 người, chăng 100 sợi dây, chỉ lát sau 100 nữa qua sông thành 200 sợi. Cứ như
thế chỉ cần nửa giờ, chúng ta có 600 sợi dây. Với 600 sợi dây, chúng ta
bắc cầu phao trong nửa giờ là xong. Liệu như vậy đã đủ chưa?

Trần Huệ thấy cô bé xinh đẹp, tính toán phân minh, thì tiếp:

– Nữ Đô-đốc tính thế thì tuyệt. Dù khi chúng ta mới sang sông tại
Độ-khẩu giặc biết, tập họp quân tiến ra đánh cũng phải mất một giờ. Bấy
giờ chúng ta đã bắc cầu phao, hơn một Sư sang sông, giặc chỉ có đường
chạy.

Đào Kỳ ra lệnh:

– Ngay bây giờ, Đô-đốc Giao-long nữ chỉ huy đội Giao-long binh
Thiên-trường. Giao-Chi chỉ huy các huynh đệ Cối-giang chăng dây ngầm
dưới sông trước. Qua bên kia thì trấn thủ bảo vệ đầu cầu.

– Phấn-oai đại tướng quân Minh-Giang chỉ huy đánh chiếm đồn Hoa-bình và
thành Độ-khẩu. Về đồn Hoa-bình thì sư huynh Nguyễn Nhân dẫn một lữ
bộ-binh sang Hoa-bình tất kéo quân về cứu, bấy giờ đổ quân ra đánh.

Ngưng một lát chàng tiếp:

– Thành Độ-khẩu có bốn cửa, hai cửa quay mặt ra sông, do thủy quân trấn
giữ. Hai mặt này không thuộc bổn phận của Phấn-oai tướng quân.

– Sư huynh Nguyễn Nghĩa chỉ huy một lữ bí mật qua sông, đến trấn ngay phía Tây Độ-khẩu. Khi thấy pháo lệnh nổ thì đánh thành.

– Sư huynh Nguyễn Lễ, Nguyễn Trí, Nguyễn Tín mỗi người chỉ huy một lữ,
cho bắc cầu phao thượng khẩn. Sau khi cầu phao bắt rồi, Trấn-nam tướnng
quân chỉ huy bản bộ quân mã tuần hành trên sông, giữ cầu, bảo đảm việc
tiếp tế cho các đạo tấn công cửa Bắc thành Độ-khẩu.

– Sư tỷ Hoàng Thiều-Hoa, sư đệ Đào Hiển-Hiệu mỗi người dẫn một vạn binh, năm ngàn kỵ binh cùng tiến đánh Mễ-dịch. Chiếm Mễ-dịch xong giao thành
cho sư huynh Nguyễn Nhân trấn giữ. Sư tỷ tiến đánh Đức-xương. Sư đệ tiến đánh Phổ-khách.

– Sau khi sang sông bắc xong cầu dây, Giao-long nữ trở về chỉ huy đội
Giao-long cùng Ngũ-long công chúa, thủy quân Vĩnh-nhân đánh chiếm cửa
Nam Độ-khẩu.

Người ngậm tăm không lên tiếng, ngựa buộc miệng tháo nhạc, âm thầm lên
đường. Tới quãng bờ sông đêm trước. Giao-long nữ vẫy tay, lập tức đội
Giao-long Thiên-trường, cùng đội đệ tử Cối-giang xuống bờ, rồi đóng cọc. buộc một đầu dây vào. Sau đó Đào Ky, Giao-long cùng mọi người nhảy
xuống nước bơi qua. Trời tháng mười một lạnh thấu xương, nhưng người nào cũng có thuốc chống lạnh của Khất đại-phu, họ không sợ. Tới bờ bên kia, họ buộc dây vào các gốc cây, giật mạnh. Ở bên này, một số người lại bám dây lội qua, chăng thêm một số dây. Bấy giờ Đào Kỳ mới cho họ đào lỗ,
đóng cọc. Bọn người làm việc âm thầm, bỗng có tiếng nhạc ngựa reo. Đào
Kỳ ra lệnh im lặng, nép mình xuống đất. Từ xa, một đội quân binh khoảng
hai mươi người cầm đuốc đi tới, có lẽ đây là đội tuần tiễu.

Đội quân tới gần, thấy dây, gỗ ngổn ngang thì ngạc nhiên. Viên chỉ huy nói:

– Tại sao có gỗ với dây thế này?

Đào Kỳ phất tay ra hiệu, đám anh hùng Lĩnh-nam cùng vùng dậy, chỉ vài
hiệp bắt sống cả hai mươi binh sĩ. Đào Kỳ sai trói lại, rồi ra hiệu cho
mọi người tiếp tục chăng dây, đóng cọc.

Chàng quay lại thẩm vấn viên chỉ huy:

– Mi tên gì ? Thuộc cơ đội nào? Nếu nói thực ta tha cho. Bằng ngập ngừng là ta giết liền.

Tên này tỏ vẻ quật cường :

– Ngươi là ai ?

– Ta là Lĩnh-nam đại tướng quân được lệnh đánh Độ-khẩu.

– Nếu ngươi uy hiếp ta, thì ta không nói. Còn nếu ngươi hứa cho ta hàng như hịch Lĩnh-nam vương ta sẽ nói.

– Ta hứa nếu sai lời sẽ bị chết dưới muôn ngàn mũi tên.

– Được ! Ta là lữ trưởng Kỵ trong Độ-khẩu tên là Vũ Gia.

– Trong thành Độ-khẩu có biết cuộc tấn công của ta không ?

– Không ! Vì không ai ngờ trời lạnh thế này mà các ngươi dám qua sông.

– Ngươi đi đâu đây ?

– Ta đến đồn Hòa-bình kiểm soát.

– Tướng trấn thủ thành Độ-khẩu tên là gì ? Võ công y có cao không ?


– Y là con nuôi của Công-tôn Thuật, võ công rất cao. Y tài kiêm văn võ,
được Công-tôn Thuật phong làm Bình-nam vương. Hôm qua y đi Việt-tây
không biết để làm gì ? Hiện giờ người trấn thủ trong thành là Lê
Hữu-Đức, võ công tầm thường. Y mới cưới vợ thứ năm hôm nay. Giờ này có
lẽ y đang động phòng hoa chúc. Hôm qua Tế-tác báo rằng quân ở đồn
Vĩnh-nhân sắp lên đường đi Kinh-châu, sẽ có quân mới tới, sáng mai bàn
giao. Tuyệt không ngờ là đánh úp Độ-khẩu.

Đào Kỳ hỏi mật khẩu đêm nay cùng chi tiết trong thành. Vũ Gia trả lời rõ ràng. Chàng bảo y :

– Nếu đúng như lời người nói, sau khi hạ Độ-khẩu, ta cho ngươi làm lữ trưởng kỵ binh như cũ.

Đến đây thì ba lữ đã theo cầu phao qua sông. Đào Kỳ dặn Hoàng Thiều-Hoa :

– Sư tỷ cẩn thận, tại Việt-tây có Công-tôn Phúc, con nuôi Công-tôn Thuật, võ nghệ rất cao cường.

Giao-long nữ bảo Đào Kỳ :

– Đại-ca, bây giờ chúng em trở về đánh cảng Độ-khẩu.

Rồi nàng cùng đội Giao-long Thiên-trường với đám huynh đệ Cối-giang trở
về Độ-khẩu. Tới nơi, tướng sĩ thủy quân chờ đợi ứng chiến. Trần Quốc móc trong túi ra một cái hộp lớn nói:

– Đây là thuốc chống lạnh, mỗi người phải uống một viên. Như vậy chúng
ta có thể chịu lạnh được trong ba giờ. Chỉ cần ba giờ, chúng ta chiếm
được Độ-khẩu rồi.

Phó tướng Ngô Đạt hỏi:

– Hiện tại đây chúng ta có 50 chiến thuyền lớn, 50 chiến thuyền nhỏ.
Giặc có 100 chiến thuyền lớn, 50 chiến thuyền nhỏ. Vậỵ tại đây chúng ta
đông hơn. Cần phải đánh thắng ngay trong đêm nay, nếu chậm trễ, đội
Mễ-dương kéo tới thì nguy.

Giao-long nữ truyền lệnh:

– Đô đốc Vĩnh-nhân cùng các thuyền chờ sẵn bên này. Khi thấy bên kia
sông có lửa cháy, hỗn loạn thì cho chiến thuyền sang đánh. Mọi người đều phải thoa lưu huỳnh với rượu vào chân tay, nếu không sẽ bị đội
Thần-long cắn chết.

Nói xong nàng cùng đội Giao-long binh, đội đệ tử Cối-giang đeo giây vào
lưng trườn xuống nước, lặn sang bên kia bờ. Tổng số đội Giao-long binh
trên 200 người, chăng được 200 sợi dây. Bên này Ngô Đạt cho thủy quân
cùng bám dây qua sông.

Chỉ lát sau hơn 500 người qua sông. Giao-long nữ cùng đội Giao-long binh lặn xuống nước đục thuyền địch. Nàng ra lệnh cho họ đục những lỗ lớn
gần bằng cái mâm, nhưng chỉ đục gần lủng thì ngừng lại. Giữa miếng ván
đục, đóng một cái đinh lớn, đầu đinh buộc sợi dây. Đang khi giao chiến
thì giật dây cho ván bật khỏi thuyền.

Ngũ-long công chúa đã sang sông cùng với mấy cái bè chở Thần-long. Thần-long theo đầu cầu bò lên chiến thuyền địch.

Bấy giờ Giao-long nữ mới cho lệnh chiến thuyền Hán rời bến sang sông.
Thuyền tới bên này bờ, Ngô Đạt đốt pháo lệnh, quân sĩ tràn vào thành.
Bấy giờ thủy quân Thục mới thức giấc. Việc đầu tiên họ thấy trong chiến
thuyền đầy rắn. Bước đến chỗ nào cũng đầy rắn, thuyền thì lủng những lỗ
lớn, nước tràn vào ào ào. Họ kinh hồn táng đởm, bỏ thuyền nhảy xuống
sông bơi trốn. Thế là phút chốc các chiến của họ chìm xuống đáy sông.

Quân Thục tuy anh dũng, nhưng giật mình thức giấc, các cửa thành đã mở,
quân Hán tràn vào chiếm mất rồi, thành ra họ chỉ còn một nước là đầu
hàng.

Dù sao Đào Kỳ vẫn chưa quen cách tiếp quản đồn trại, canh giữ, phỏng vấn tù binh. Song Minh Giang là người chỉ huy đánh Độ-khẩu, chàng đã ở
trong quân ngũ hai chục năm, rất thạo việc đánh thành, chiếm đất. Nên
khi đội quân của Trần Quốc, Ngô Đạt đánh các cửa Đông, Nam. Các đội của
Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đánh phía Tây, Bắc, cùng tràn vào thành. Minh Giang
truyền thu quân, tiếp quản doanh trại, phân loại, thẩm vấn tù binh, chỉ
một lát là xong.

Trời sáng Đào Kỳ chỉ huy tiếp thu xong Độ-khẩu, Hoa-bình, Mễ-dương. Đến
trưa được tin Đào Hiển-Hiệu đã chiếm thành Phổ-khách. Không thấy tin tức Hoàng Thiều-Hoa, chàng hồi hộp lo nghĩ cho sư tỷ.

Đến chiều Trần Huệ đã thực hiện xong hai chục cầu phao. Đại quân
Cửu-chân, Quế-lâm, Tượng-quận qua sông hết. Mười lăm vạn quân đổ vào đất Thục chiếm ba thành.

Bỗng Thần-ưng mang thư của Hoang Thiều-Hoa về, Đào Kỳ mở ra xem:

“Ta cùng sư đệ Hiển-Hiệu chiếm Mễ-dịch dễ dàng. Hiển-Hiệu đem quân đánh
Phổ-khách, ta đánh Đức-xương vào thành giờ Mùi. Sang giờ Thân thì
Bình-nam vương Công-tôn Phúc mang quân từ Tây-xương trở lại. Ta xuất
thành giao chiến, bất lợi. Thành Đức-xương bị địch chiếm lại. Ta bị vây ở Kim-xuyên”.

Đào Kỳ thăng trướng truyền lệnh:

– Quân sĩ đánh Độ-khẩu, Hoa-bình, Mễ-dịch thuộc đạo Tượng-quận cho nghỉ ở nhà dưỡng sức. Nay tuyển quân sĩ đạo Cửu-chân đi tiếp cứu Lĩnh-nam
vương-phi. Còn binh sĩ đạo Quế-lâm làm trừ bị.

– Đại tướng-quân Trần Huệ trấn đóng Vĩnh-nhân bảo vệ đầu cầu bên kia bảo đảm cho việc tiếp tế an toàn. Phó tướng Ngô Đạt chỉ huy Thủy-quân bảo
vệ mặt thủy. Phấn-oai đại tướng-quân Minh Giang trấn thủ Độ-khẩu,
Hoa-bình, Mễ-dương.

– Đô-đốc Trần Quốc, sư tỷ Giao-Chi, chỉ huy đội Giao-long binh và đoàn
đệ tử Mai-động dùng chiến thuyền vượt sông Nhã-long lên chặn đường rút
lui của quân Thục từ Đức-xương trở về Tây-xương.

– Các sư huynh Nhân, Nghĩa mỗi người lĩnh một vạn Kỵ binh đi làm tiền
đội. Tôi với sư huynh Lễ dẫn một vạn Kỵ binh đi đội thứ nhì. Sư huynh
Trí, Tín dẫn hai vạn Bộ binh đi tiếp ứng.

– Ngũ-long công chúa trấn thủ dọc Kim-sa giang.

Từ Độ-khẩu đến Kim-xuyên phải mất hai giờ sức ngựa. Đào Kỳ, Nguyễn Lễ
tới nơi thấy Hoàng Thiều-Hoa đóng quân ở trên đồi Kim-xuyên. Binh sĩ nấp sau các gốc cây, hốc đá phòng thủ uy nghiêm. Quân Thục bao vây phía
dưới, không tiến được. Chàng ra lệnh cho Nguyễn Nhân, Nghĩa, Lễ dẫn ba
vạn Kỵ-binh vây vòng ngoài quân Thục. Quân Thục bị đánh từ trong ra, vây từ ngoài vào mà vẫn không rối loạn, dàn thành trận thế dựa lưng trên
sông, lập trận.

Đào Kỳ nói với anh em Nhân, Nghĩa, Lễ:

– Tướng Thục dùng binh đến như thế kia, tôi e Lĩnh-nam mình không quá
hai người theo kịp. Hãy trông kia: Họ chỉ có hơn vạn quân, đang bao vây
sư tỷ Thiều-Hoa. Chúng ta kéo đến ba vạn kỵ-binh. Họ lui lại bắt chước
Hàn Tín bối thủy lập trận, tỏ ý quyết chiến với ta. Được ta không tấn
công vội. Giặc cùng cố vây, ta sẽ bị tổn hại nhiều.

Đạo quân Đào Kỳ đã bắt tay được với đạo quân Hoàng Thiều-Hoa. Nàng mừng lắm nói:

– Sư đệ vừa đến kịp. Quân ta thức suốt đêm qua đánh Mễ-dịch, Đức-xương,
người ngựa mỏi mệt, thì tướng Thục đem quân từ Tây-xương đến. Quân họ
đông hơn ta một chút, song tinh lực khỏe, ta bị sút kém, nên rút lên đồi cố thủ.

Chàng cùng Thiều-Hoa tiến lại trước trận Thục. Tướng chỉ huy Thục tuổi
khoảng 21-22, uy vũ hiên ngang, ngồi trên mình ngựa lên tiếng hỏi:

– Nữ tướng kia là ai? Tướng kia là ai? Có thể cho ta biết tên không? Ta là Bình-nam vương Công-tôn Phúc đây.

Đào Kỳ chỉ Thiều-Hoa:

– Người này là Lĩnh-nam vương-phi sư tỷ của ta. Họ Hoàng tên Thiều-Hoa. Còn ta là Chinh-viễn đại tướng quân Đào Kỳ.

Công-tôn Phúc nói:

– Ta nghe nói Lĩnh-nam vương Nghiêm Sơn, giao cho một tướng trẻ, người
Việt võ công cao cường chỉ huy đạo Lĩnh-nam 30 vạn quân. Thì ra là
ngươi. Ta khâm phục ngươi. Địa thế Độ-khẩu, bốn con sông nước chảy như
thác, mùa Đông lạnh thấu xương mà ngươi đánh úp được. Ngươi giỏi hơn
Đặng Vũ, Ngô Hán, Mã Viện nhiều. Hiện ta chỉ có vạn rưỡi quân mà ngươi
mang đến ba vạn Kỵ binh, một vạn rưỡi Bộ binh, kỵ binh của sư tỷ ngươi
nữa, thì quân số ngươi gấp bốn ta. Song đã là anh hùng, thì sợ gì ?

Đào Kỳ thấy tướng trẻ, khí vũ tiêu sái, lời lẽ đầy khí phách anh hùng, thì chàng sinh lòng mến phục nói :

– Không phải vậy đâu. Ta còn ba vạn bộ binh sắp tới nữa. Ta lấy đông áp
chế ngươi, thiếu vẻ anh hùng. Vậy nếu ngươi muốn, ta mở đường cho ngươi
rút binh. Tiếc ơi là tiếc !

Công-tôn Phúc hỏi :

– Ngươi tiếc gì ?

– Ta tiếc vì ta với ngươi bị đặt vào thế đối nghịch. Nếu không chúng ta kết thành bạn, chẳng thú lấm ư !

Công-tôn Phúc nói :

– Được, bây giờ thế này : Ta với ngươi đấu chưởng. Nếu ngươi thắng, ta
xin đầu hàng. Nếu ta thắng ngươi, ngươi phải rút hết quân mã khỏi Thục.
Cả hai trường hợp, chúng ta đều kết bạn như vậy được không ?

Hoàng Thiều-Hoa bảo Đào Kỳ :

– Sư đệ cẩn thận, ta đã đấu với y trước sau mười chưởng. Chưởng của y
ngang với sư thúc Đào Thế-Hùng chứ không tầm thường đâu. Ta dặn sư đệ
cẩn thận chứ không phải ta sợ sư đệ thua, mà sợ sư đệ đả thương y. Y
dùng binh giỏi, võ công cao, khí vũ hiên ngang, giết chết thật uổng..

Thiều-Hoa nói với Đào Kỳ, anh em Mai-động ngũ đều nghe thấy, họ nói nhỏ với nhau :

– Đệ tử Cửu-chân có khác. Khí phách anh hùng của sư tỷ, sư đệ họ giống
nhau, thấy người hào kiệt, là yêu tài. Dù hào kiệt đó là kẻ đối đầu với
mình.

Đào Kỳ xuống ngựa đến trước khu đất trống. Công-tôn Phúc cũng xuống ngựa. Đào Kỳ nói :

– Công-tôn vương-gia ! Nào chúng ta xuất chiêu. Ta lớn tuổi hơn ngươi. Vậy ngươi xuất thủ trước đi.

Công-tôn Phúc vận khí phát chưởng. Chưởng chưa ra, Đào Kỳ đã biết chưởng đó là chưởng dương-cương. Chàng vận nội công âm nhu đỡ. Bốp một tiếng.
Chưởng của Công-tôn Phúc mất tích. Y ngẩn người ra, vận khí phát chiêu
thứ nhì. Chưởng phong ào ào chụp xuống. Đào Kỳ phát chiêu Ngưu hổ tranh
phong. Bùng một tiếng. Công-tôn Phúc lảo đảo lui lại. Người y muốn tê
liệt. Đào Kỳ thấy chưởng của y nang với Phong-châu song quái. Chàng đợi y phục hồi sức lực mới vận đủ mười thành công lực phát chiêu Hải triều
lãng lãng. Công-tôn Phúc thấy chưởng quái ác, vội vận khí chống đỡ. Binh một tiếng y bay bổng lên cao. Hoàng Thiều-Hoa vội vọt người lên nắm cổ
áo y nhảy sang bên cạnh, thì lớp thứ nhì của chiêu Hải triều lãng lãng
đã tới. Bình một tiếng, cây thông to bằng bắp đùi bên đường gẫy làm đôi
đổ xuống. Lớp thứ ba ào ào phát ra. Đào Kỳ hướng vào ụ đất bên đồi. Ầm
một tiếng đất đá bay mịt mù. Đến lớp thứ tư chàng hướng vào một tảng đá. Lớp này mạnh gấp 16 lần lớp đầu. Tảng đá lớn hơn người ôm bật lên cao.
Chàng đánh tiếp lớp thứ năm. Tảng đá bay đến trúng một cây lớn hơn bắp
đùi. Cây gẫy gục xuống.

Công-tôn Phúc được Hoàng Thiều-Hoa cứu mạng. Y đứng nhìn năm lớp chưởng của Đào Kỳ mà kinh hồn động phách.

Y chắp tay hướng Đào Kỳ:

– Đào đại-ca, tiểu đệ chịu phục rồi.

Đào Kỳ chạy lại nắm tay Công-tôn Phúc. Hai người quỳ giữa đồi, cùng hướng lên trời làm lễ, cùng khấn:

“Chúng tôi là Đào Kỳ và Vương Phúc xin kết làm huynh đệ. Một lòng sống
chết có nhau. Nếu ai ăn ở hai lòng thì trời tru, đất diệt”.

Đào Kỳ hỏi Công-tôn Phúc:

– Thì ra tiểu đệ họ Vương chứ không phải họ Công-tôn sao?

Hai người lên ngựa thủng thỉnh dẫn quân về Đức-xương. Vương Phúc nói:

– Tướng trấn thủ Đức-xương là em thứ nhì của đệ là Vương Lộc. Tướng trấn thủ Tây-xương là em thứ ba của đệ là Vương Thọ. Truyện đệ là con nuôi
của Công-tôn Thuật rất dài, để đệ tường thuật cho đại ca nghe. Nguyên
phụ thân đệ tên là Vương Nguyên, đứng hàng thứ sáu trong Thiên-sơn thất
hùng.

Hoàng Thiều-Hoa ngắt lời:

– Có phải lệnh-tôn trước kia làm Đại tư-mã cho Ngỗi Hiêu không?

– Đúng thế.

– Thiên-sơn thất hùng là những ai?

– Thiên-sơn thất hùng là bảy người sư huynh, sư đệ thuộc phái Thiên-sơn.

Đào Kỳ xen vào:

– Tôi nghe Khất đại-phu nói đến một lần. Khất đại-phu là bạn thân của
Thiên-sơn lão tiên. Vậy Thiên-sơn lão tiên có phải là sư phụ của
Thiên-sơn thất hùng không?

Vương Phúc lắc đầu:

– Không! Thiên-sơn lão tiên là Thái sư phụ của Thiên-sơn thất hùng. Thất hùng gồm: Công-tôn Thục hiện là Thục-đế. Công-tôn Khôi là Bắc-bình
vương hiện giữ quyền Tả tướng-quân. Người thứ ba là Trường-sa vương
Công-tôn Thiệu trấn thủ Kinh-châu mới bị thua, lui về giữ Xuyên-khẩu,
Bạch-đế. Người thứ tư là Điền Sầm tước phong Tần-vương, lĩnh chức
Tư-không. Người thứ năm là Tạ Phong tước Tề-vương, lĩnh chức Tư-đồ.
Người thứ sáu là gia phụ. Người thứ bảy là Triệu Khuôn tước Lũng-tây
vương lĩnh chức Tể-tướng. Khi mới khởi đại nghiệp, phụ thân đệ võ công
cao nhất, laị thi đỗ Hiếu-liêm, văn võ toàn tài, giữ chức Tể-tướng.
Không ngờ Công-tôn Khôi lòng lang, dạ thú, thấy gia mẫu xinh đẹp, muốn
cướp, mới vu cho gia phụ làm phản, bất thần đem quân đến vây bắt cả nhà. Gia phụ thoát thân được.

Công-tôn Thuật khám phá ra mưu đồ độc ác của em mình. Y truyền vào ngục
đem ba anh em đệ về nuôi dưỡng, nhận làm con nuôi. Bấy giờ đệ mới ba
tuổi, em Thọ mới ba tháng. Anh em đệ mơ mơ màng không biết gì. Thuật bịa chuyện rằng: Phụ thân đệ là tướng thuộc quyền y, chết trận, y đem về
nuôi. Lớn lên Thuật phong đệ tước Bình-nam vương, cùng hai em trấn thủ
vùng Nam Ích-châu. Khi đệ tới đây trấn thủ, thì người nhũ mẫu của đệ khi xưa xuất hiện, kể cho chúng đệ biết mọi sự.

Thiều-Hoa hỏi:

– Vì vậy sư đệ mới hàng Hán, mượn tay Hán trả thù nhà giùm phải không?

Vương Phúc nói:

– Đúng thế, đệ sẽ viết thư cho hai em tôi cùng về hàng. Tình hình bên
Thục đệ biết hết. Ngày mai chúng ta tiếp thu Tây-xương rồi tiến đánh
Việt-tây, Mỹ-cơ. Sau đó đến Hán-nguyên là vào Thành-đô được rồi.