Động Đình Hồ Ngoại Sử

Chương 17: Huyền âm độc chưởng

Trưng Nhị dùng binh phù của Nghiêm Sơn truyền lệnh bãi binh, thì Đặng Vũ cùng các tướng lên đường về Lạc-dương. Y phái Mã Viện với Tương-dương
cửu hùng đến Trường-an chầu Quang-Vũ. Lúc lên đường thấy vắng mặt Sầm
Bành, Tế Tuân. Y đâu biết hai người này thám thính anh hùng Lĩnh Nam đã
bỏ mạng.

Nghe Hầu Nhân-Đăng nói toán 13 bộ hành đều là người Việt ở Lĩnh Nam. Mã
Viện hơi lo nghĩ một chút. Vì y thấy những người theo Nghiêm Sơn, trợ
chiến ở Bạch-đế thành, từ võ công đến mưu trí đều kinh người. Y bì thế
nào được. Trước mắt y hiện ra một Trưng Nhị võ công, mưu trí. Một Trần
Năng chưởng lực hùng hậu, thuộc dương cương. Một Hồ Đề tinh nghịch,
nhưng cạnh nàng thì nào là Thần-ưng, Thần-tượng, Thần-phong. Còn
Phật-Nguyệt nữa, kiếm pháp của nàng kinh tâm động phách. Đến Vũ Chu,
Công-tôn Thiệu còn bị thua.

Tuy nhiên, y vẫn tin tưởng vào hai điều. Một là 13 người Việt này võ
công không cao. Hai là Tương-dương cửu hùng võ công kinh người, lừng
danh thiên hạ, y cứ cho đuổi theo.

Đuổi được khoảng 20 dặm, y đã thấy đoàn người đang đi phía trước, dường
như không biết Mã đuổi theo, họ thản nhiên tránh sang bên đường nhường
lối.

Khi bắt kịp, Mã vẫy tay một cái, đoàn tướng sĩ dàn ra bao vây đoàn Việt
vào giữa. Đoàn người bị vây bất thần, nhưng họ vẫn không luống cuống.
Lập tức họ chia làm năm cặp, quay lưng vào nhau chờ đợi. Người chỉ huy
rút kiếm ra khỏi vỏ hỏi Mã Viện:

– Chúng tôi là dân dã qua đây, không biết chúng tôi phạm tội gì mà quan quân bao vây thế này?

Mã Viện đáp:

– Ta là Phục-ba tướng quân Mã Viện, ta được mật chỉ bắt bọn phản tặc.
Vậy các người mau chịu trói để chúng ta đem về triều xử tội.

Người cầm đầu vẫn nhũn nhặn:

– Thì ra ngài là Phục-ba tướng quân đây. Tôi ở mãi Lĩnh Nam mà cũng nghe danh đại nhân. Chúng tôi được tin đại nhân thắng Thục, được điều đi
trấn thủ Lương-châu, không biết có đúng không? Tại sao lại đón đường làm khó dễ chúng tôi? Nếu Mã tướng quân bảo chúng tôi có tội, thì tội gì?
Mã tướng quân có biết tên họ chúng tôi không? Nếu không biết tên họ
chúng tôi, sao biết chúng tôi phạm tội? Theo luật của Tiêu thừa-tướng,
bắt giam thì phải có chứng cớ. Bắt người phải biết tên họ, tội lỗi đầy
đủ. Xin tướng quân trả lời cho.

Mã Viện không biết trả tời sao, nhìn Hầu Nhân-Đăng. Đăng biết ý nói:

– Ta là Vũ-vệ hiệu-úy trong cấm cung. Ta chỉ biết vâng mật chỉ của thái-hậu bắt tất cả những người Việt qua lại trên đường này.

Mười ba người nghe đến mật chỉ thái-hậu, họ đưa mắt nhìn nhau như hội ý một điều gì.

Người cầm đầu hỏi:

– Tôi nghĩ thái-hậu không ra mật chỉ như thế. Vì hiện hầu hết tướng sĩ
Lĩnh Nam đều là người Việt, sang Trung-nguyên tòng chinh, giúp nhà
Đại-Hán. Nếu bắt chúng tôi thì sao không bắt cả những vị đó? Phục-ba
tướng quân, chúng tôi có Thiên-thủ viên hầu Lại Thế-Cường, lại còn năm
nữ hiệp nữa là Trưng Nhị, Phật-Nguyệt, Trần Năng, Lê Chân và Hồ Đề theo
giúp tướng quân, hiện họ ở đâu, xin cho chúng tôi tương kiến.

Các tướng sĩ nghe người cầm đầu nói vậy, thì ngẩn ra, họ biết những
người này liên quan đến Trưng Nhị, không thể nào là tội phạm như Hầu
Nhân-Đăng nói.

Mã Viện ngần ngừ không biết nói sao. Người cầm đầu chỉ đồng bọn giới thiệu với Mã:

– Tại hạ là Trần Công-Minh, đệ nhị thái-bảo phái Sài-sơn, tức sư thúc của Lê Chân.

Các tướng sĩ nhìn nhau gật đầu. Trần Công-Minh tiếp:

– Người này là sư muội của tại hạ, họ Trần tên Phương-Chi, đệ tam
Thái-bảo phái Sài-sơn, tức Tiên-yên nữ hiệp, sư phụ của quân-sư Phùng
Vĩnh-Hoa, thuộc đạo quân của Xa-kỵ tướng-quân Ngô Hán.

Mã Viện gật đầu:

– Quân-sư Vĩnh-Hoa mưu thần chước thánh, võ công kinh người, mà tài âm nhạc thế gian ít người bằng.

Trần Công-Minh lại chỉ vào người khác:

– Đây là lục sư đệ của tại hạ, họ Đặng tên Đường-Hoàn, hiệu Nam-thiên đại-hiệp.

Trần Công-Minh chỉ ba người đeo cung tên:

– Đây là Cao Cảnh-Sơn, chưởng môn phái Hoa-lư. Còn đây là hai công-tử của người tên Cao Cảnh-Khê, Cao Cảnh-Nham.

Trần Công-Minh lại chỉ vào năm người mặc quần áo vàng, đen, trắng, xanh, đỏ:

– Đây là Ngũ-phương thần kiếm, người Trung-nguyên chứ không phải Lĩnh Nam.

Mã Viện la lên:

– Ngũ-phương thần kiếm! Có phải trước đây các vị đã giúp Cảnh-Thủy hoàng-đế đánh Trường-an không?

Hoàng-kiếm gật đầu:

– Quả đúng thế, sau khi chiếm Trường-an và toàn đất Quan-trung.
Cảnh-Thủy thiên-tử ban cho anh em tại hạ một thanh kiếm, kinh lịch khắp
thiên ha,ï được quyền giết bọn tham quan, ô lại. Cao nhất tới tước
vương. Phục-ba tướng quân có muốn xem không?

Hoàng-kiếm rút trên lưng một thanh kiếm đựng trong bọc lụa, từ từ cởi
ra. Thanh kiếm sáng chói mắt mọi người. Mã Viện chưa nói gì, thì Hầu
Nhân-Đăng tiến lên cầm lấy coi đi, coi lại. Trên chuôi kiếm có khắc chữ
Ngự tứ thượng phương bảo kiếm. Tiền trảm hôn quân, hậu trảm gian thần.

Hầu Nhân-Đăng biết đây là kiếm thật, nhưng y vẫn nói lảng:

– Chưa chắc, để ta đem về Lạc-dương thử xem có đúng không đã.

Xích-kiếm là người nóng nảy. Từ mình ngựa vọt lên cao, nhảy về phía Hầu
Nhân-Đăng, tay trái xỉa vào mặt y. Tay phải chụp lấy kiếm. Hầu Nhân-Đăng đưa cả kiếm lẫn bao đâm vào ngực Xích-kiếm. Xích-kiếm lơ lửng trên
không, tay rút kiếm, ánh thép loang loáng mấy cái, kiếm chiêu phủ đầy
người Hầu Nhân-Đăng. Thấp thoáng một cái đã thấy Xích-kiếm ngồi chung
ngựa với Đăng. Tay trái cầm Thượng-phương bảo kiếm, tay phải tra kiếm
vào vỏ, nhún mình một cái về ngựa mình, nhìn Nhân-Đăng cười lạt:

– Kiếm có thể giả mạo được. Còn võ công làm sao có thể giả mạo? Vũ-vệ
hiệu-úy! Thấy kiếm như thấy Thiên-tử. Ngươi chống Thượng-phương bảo
kiếm, thì bị tội gì có biết không?

Hầu Nhân-Đăng thấy mọi người nhìn mình với con mắt kỳ lạ. Y không hiểu,
ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Y thấy có gì khác lạ, đưa tay sờ lên đầu, thì búi tóc bị cắt đi từ hồi nào không hay. Thất kinh hồn vía, nhưng ỷ có mật chỉ
trong tay, y nói cứng:

– Ngũ-phương thần kiếm là người của Hán-triều. Vậy hãy quỳ xuống nghe mật chỉ của thái-hậu.

Hoàng-kiếm cười nhạt:

– Thanh kiếm này tiên-đế ban cho bọn ta, khắp thiên hạ đều biết, mà
ngươi không tin. Còn tờ giấy kia ta tin thế nào được? Ta không quỳ.

Hầu Nhân-Đăng nhìn Mã Viện:

– Mã quốc-cữu, xin người quyết cho vụ này.

Mã Viện biết mật chỉ đó do chính cô mình viết, không còn sai được nữa, y nói:

– Các vị anh hùng Lĩnh Nam, Ngũ-phương thần kiếm, mật chỉ này chính là
thủ bút của Thái-hậu không sai. Vậy phiền các vị cùng về Lạc-dương một
chuyến, để vàng, thau được phân biệt.

Đặng Đường-Hoàn quát lên:

– Chúng ta đường đường từ Lĩnh Nam sang đây giúp Thiên-tử dẹp giặc, mà
tên Vũ-vệ hiệu-úy cứ muốn bắt chúng ta là thế nào? Ngươi có muốn bắt ta
hãy hỏi hai cánh tay này đã.

Nói rồi ông vung chưởng tấn công liền. So về tuổi tác Đặng Đường-Hoàn
thua sư huynh, sư tỷ. Nhưng chưởng lực của ông nổi tiếng Lĩnh Nam. Trước đây chỉ có hai người thắng được ông là Khất đại-phu và Lê Đạo-Sinh mà
thôi. Cho nên chưởng vừa phát ra, gió lộng ào ào, áp lực cực mạnh. Hầu
Nhân-Đăng vội lui ngựa bốn bước để tránh. Nhưng Đặng Đường-Hoàn đã nhảy
vọt theo, đánh hai chưởng liên tiếp nữa. Hầu Nhân-Đăng vung chưởng đỡ.
Thấy thế chưởng của Đặng Đường-Hoàn quá mãnh liệt. Tương-dương cửu-hùng
Lưu Long xuất chưởng. Một chưởng đánh thẳng vào Đặng Đường-Hoàn, một
chưởng cắt ngang chưởng của ông. Còn Mã Viện xỉa một chưởng tấn công ông để cứu Hầu Nhân-Đăng.

Cao Cảnh-Sơn thấy ba người bên kình địch đánh một người của mình. Ông
rút cung buông tên nhắm đầu Tương-dương cửu hùng bắn một mũi. Lưu Long
đã nhả chưởng lực. Nhưng thấy mũi tên bắn tới kình lực mạnh vô cùng, thì kinh hãi vội thu chưởng biến thành trảo thu về bắt mũi tên.

Chưởng của Đặng Đường-Hoàn chạm vào chưởng của Mã Viện, Tương-dương
cửu-hùng, bật lên hai tiếng vang, cát bụi bay mịt mờ, cánh tay ông tê
dại. Ông đứng yên nhìn đối phương. Còn Mã Viện với Tương-dương cửu-hùng
bật lui hai bước mặt đỏ gay. Toàn thân như bị tê liệt.

Mã Viện lễ phép nói:

– Đa tạ Đặng tiên sinh nhẹ tay cho Hầu hiệu-úy.

Hầu Nhân-Đăng thoát chết, y kinh hồn đến đờ người ra. Còn Tương-dương
cửu hùng nhìn mũi tên ngắm nghía, rồi lại nhìn Cao Cảnh-Sơn. Vì y bắt
hụt, tên trúng ngực. Y cảm thấy đau nhói, vội chụp lên coi thấy tên đã
bẻ mũi. Kình lực tuy mạnh nhưng dường như đối phương chỉ đe dọa, chứ
thực sự không muốn hại mình. Nếu Cao Cảnh-Sơn muốn hại, thì y đã mất
mạng rồi.

Trần Công-Minh chắp tay nói:


– Non xanh không bao giờ hết củi. Sông sâu không bao giờ hết nước. Sẽ có ngày tái ngộ.

Ông vẫy tay một cái, cả bọn hướng Trường-an tiến phát, coi bọn Mã Viện
không vào đâu cả. Tương-dương cửu-hùng, tức Chinh-viễn đại tướng quân
Lưu Long chửi thề:

– Mẹ cha con chó Việt làm tàng quá.

Cao Cảnh-Sơn cười ha hả không trả lời, thủng thỉnh đi. Bất thình lình
ông giơ tay lên cao. Tách, tách mấy cái, một mũi tên xé gió hướng ngực
Lưu Long. Y vội rút kiếm ra gạt đánh choang một cái, lửa tóe ra bốn
phía. Cánh tay y cảm thấy tê rần. Bỗng con ngựa y hí lên một tiếng thảm
thiết, rồi cắm đâm đầu vào một gốc cây, ngã lăn ra chết. Cửu-hùng Lưu
Long vội vọt người lên cao nhảy xuống đất. Y cúi xuống xem con ngựa đang cỡi, hai mũi tên nhỏ bằng chiếc đũa, ngắn chưa đầy gang tay, xuyên
thủng hai mắt của nó vào tới óc.

Cửu hùng Lưu Long tính nóng như lửa. Y đã từng làm đại tướng, cầm quân
trên 10 năm qua, công lao không nhỏ. Y tự thị công lao, võ công đều hơn
Mã Viện, mà dưới quyền y đã là nhục nhã. Bây giờ trước một cao thủ
Lĩnh-nam, y bị nhục thì chịu thế nào được.

Y quát lên một tiếng nhảy theo, rút kiếm đâm Cao Cảnh-Sơn. Bạch-kiếm vòng một kiếm cản y lại nói:

– Cửu hùng Lưu Long không phải hiển lộ thân thế trong hoàn cảnh này. Chúng ta đều là người nhà, tại sao lại phải giết nhau?

Thế bọn Trần Công-Minh tiếp tục lên đường. Hoàng-kiếm bàn với Trần Công-Minh:

– Nam-thành vương! Không ngờ Mã thái-hậu ra tay sớm nhỉ. Tôi nghĩ Hàn
Tú-Anh khó thoát khỏi âm mưu độc địa. Mã thái-hậu đã phái nhiều cao thủ
đi khắp nơi tìm giết Hàn Tú-Anh, dường như chưa thấy. Trong dịp này,
những người Việt bị bắt, giết oan cũng nhiều.

Tiên-yên nữ hiệp Trần Thị Phương-Chi nói:

– Như vậy cho đến hôm nay, Quang-Vũ vẫn chưa biết chúng ta phản hắn. Bọn Mã Viện bị Trưng Nhị đánh lừa. Y rời đạo Kinh-châu vẫn chưa về tới
Trường-an. Đạo Kinh-châu giờ này đã tiến chiếm xong Kinh-châu và trên
đường đánh xuống Trường-sa. Còn đạo Lĩnh Nam không biết đã tiến chiếm
xong Tượng-quận chưa? Đạo Hán-trung tôi nghĩ có lẽ cũng sắp tới
Trường-an rồi. Chúng ta phải vào Trường-an trước khi chiến trận xảy ra
mới được.

Đến chiều cả bọn vào một hẻm núi, mắc võng lên cây nằm nghĩ, lấy lương khô ra ăn.

Nguyên sau khi rời Thục, Đinh Đại thống lĩnh đạo quân Lĩnh Nam lui về
giao các thành của Thục cho Vương Phúc, Lộc, Thọ. Còn Trưng Trắc lãnh
nhiệm vụ đặc biệt đi tìm Hàn Tú-Anh. Trưng Trắc là người võ công cao,
mưu trí tuyệt vời, tinh minh mẫn cán vào bậc nhất thời bấy giờ. Nàng cảm thấy việc đi tìm kiếm Hàn Tú-Anh có tầm mức vô cùng quan trọng, nên
ngày đêm đội mưa rẽ gió mà đi. Chỉ ba ngày sau nàng tới Quế-lâm, tìm đến phủ Lĩnh-nam vương. Khi vừa tới nơi, nàng gặp cảnh bối rối của người
phái Quế-lâm. Hàn Tú-Anh đã ra đi. Người phái Quế-lâm không hề biết lý
lịch Hàn Tú-Anh. Họ chỉ biết lờ mờ rằng Hàn Tú-Anh có một lai lịch rất
lớn. Bà được thân phụ Nghiêm Sơn cứu thoát, đem về nuôi. Thân phụ Nghiêm Sơn không dám coi bà như những gia bộc khác, kính nể khác thường. Bà
đẹp như thiên tiên, ôn nhu văn nhã, đàn ngọt hát hay. Bà dạy Nghiêm Sơn
thế nào, cha Nghiêm Sơn không biết đến. Khi Nghiêm Sơn luyện võ, bà ngồi cạnh khuyến khích. Nghiêm Sơn học văn, bà ngồi quạt cho chàng học. Ai
mới nhìn, cũng tưởng đây là một từ mẫu đối với con, chứ không phải nhũ
mẫu. Khi thân phụ Nghiêm Sơn sắp qua đời, ông hội các cao thủ trong môn
phái lại, hỏi xem ai xứng đáng kế vị chưởng môn. Người thì đề nghị người này, kẻ thì đề nghị người khác, khiến ông phân vân không quyết đoán.
Đến khi ông mệt quá, Hàn Tú-Anh xuất hiện. Bà nói với thân phụ Nghiêm
Sơn:

– Nghiêm Sơn võ công không bằng sư thúc, sư bá. Võ đạo không bằng nhiều
vị ở đây. Văn chương, kiến thức còn thua nhiều người. Nhưng hợp lại Sơn
có đủ thứ. Võ phái Quế-lâm lập ra để làm gì? Điều đó các vị đều biết.
Vậy chưởng môn không cần cử võ công cao, võ đạo tuyệt vời, mà cần người
có thể đạt được nhiệm vụ trọng đại của môn phái. Điều này chưởng môn
nhân biết đấy, tương lai ngoài Nghiêm Sơn ai có thể thành công?

Thế là thân phụ Nghiêm Sơn truyền chức chưởng môn cho chàng. Nghiêm Sơn
là người tập võ, đọc sách, nên chàng biết cách khu xử mọi việc, nên
chàng rất được lòng sư thúc, sư bá.

Kịp đến khi Trung-nguyên biến động. Nghiêm Sơn biến mất cùng với Hợp-phố lục hiệp. Ít lâu sau chàng trở lại với chức Bình-nam đại tướng quân,
tước Lĩnh-nam công.

Đất Lĩnh Nam kể từ khi Vạn-tín hầu Lý Thân được Tần Thủy-Hoàng phong
tước hầu là lớn nhất. Còn lại dân chúng bị người Hán cai trị, coi như
chó, lợn, không sao ngóc đầu lên được. Những chức nhỏ như huyện-lệnh,
huyện-úy đều là người Hán. Người Việt chịu không biết bao nhiêu cay
đắng, nhục nhã. Bây giờ thấy Nghiêm Sơn trở về với quyền uy, chức tước
tột đỉnh. Lại được biết Nghiêm Sơn là anh em kết nghĩa với Thiên-tử; một tay Vương dựng cơ đồ cho nhà Hậu-Hán. Trong môn phái, ngoài họ hàng đều mừng rỡ vô cùng. Các quan chức ở Quế-lâm từ Thái-thú, đến Đô-sát,
Đô-úy, Hiệu-úy, Tướng-quân, các Huyện-lệnh, Huyện-úy đều nhất nhất do
Nghiêm Sơn bổ nhiệm. Họ kính Nghiêm Sơn như một vị thần. Nghiêm Sơn đối
với Hàn Tú-Anh một niềm hiếu thảo như với mẹ đẻ. Dân chúng Quế-lâm gọi
bà là Thái-phi. Bà gạt đi, bảo bà là nô bộc nhà họ Nghiêm, chứ không
phải là mẹ đẻ của Nghiêm Sơn.

Cho đến lúc Nghiêm Sơn được phong Tả tướng-quốc Lĩnh-nam vương trên
đường mang quân đánh Thục. Vương ghé thăm quê nhà, vương hiếu kính đối
với Hàn Tú-Anh như xưa. Vì vậy mọi người gọi Hàn Tú-Anh là Vương
thái-phi, Hàn Tú-Anh không nhận. Vì trong lòng bà. Bà biết Quang-Vũ là
con, đến ngôi Thái-hậu kia, bà còn không muốn huống hồ ngôi Vương
thái-phi đất Lĩnh Nam.

Thái-thú, Đô-úy, và người phái Quế-lâm nhất thiết bảo vệ cung phụng bà
như một Vương thái-phi. Nay bỗng nhiên bà mất tích cùng với người em họ
của Nghiêm Sơn là Nghiêm Đôn. Người ta tìm thấy trong nhà, bà để lại một bức thư nhỏ, dặn quản gia gìn giữ nhà cửa, bà về thăm quê ít tháng sẽ
trở lại.

Thái-thú cũng như người nhà đều kinh hoảng, vì không ai hiểu bà quê quán ở đâu mà cho người theo bảo vệ. Bây giờ thấy Trưng Trắc trở về tìm bà,
họ càng hoang mang hơn. Trưng Trắc thấy vậy, cho mời Thái-thú Hà Thiên,
Đô-úy Đặng Thi-Kế và Đô-sát Trương Đằng-Giang lại dặn dò:

– Các vị cần giữ bí mật vụ này, nếu không Vương thái-phi sẽ bị hại. Các
vị không còn chỗ để đội nón. Nhất là Thái-thú, đệ tử phái Quế-lâm, sư
huynh của Lĩnh-nam vương. Phải cầm quân giữ vững thành trì. Những
Huyện-lệnh, Huyện-úy nào trung với Lĩnh-nam vương thì để. Người nào có ý khác giết đi. Hào kiệt, phú-gia, quan lại người Hán phải canh chừng
chúng. Kể từ giờ phút này, các vị tự coi như mình là thần dân Lĩnh Nam.
Lĩnh Nam đã phục hồi. Lĩnh-nam vương tên Trần Tự-Sơn, chứ không còn là
Nghiêm Sơn nữa. Chúng tôi đã tôn người làm hoàng-đế. Tuy nhiên việc này
chúng ta chưa thể tuyên bố ra ngoài vì người còn đang bị giam ở
Trường-an.

Đặng Thi-Kế là cha của Đặng Thi-Sách là cha chồng của Trưng Trắc. Sau
thời gian bị Lê Đạo-Sinh giam cầm, được Đào Kỳ cứu ra. Ông thấy con
trai, con dâu tiếng tăm vang dội khắp Lĩnh Nam vì chủ trương phản Hán,
phục Việt. Ông có hùng tài đại lược, từ đấy, nhất nhất ông nghe theo kế
hoạch của con trai và con dâu. Vì đại nghiệp Lĩnh Nam, ông phải làm
Đô-úy Quế-lâm, để chờ ngày khởi binh. Bây giờ thời cơ đã đến, ông mừng
rỡ ra mặt:

– Con yên tâm, gần một năm nay hai vị Thái-thú, Đô-sát đã cùng bố chuẩn
bị cả rồi. Hiện chỉ còn ba Huyện-lệnh, một lữ-trưởng trung thành với
Hán. Khi cứu được Hoàng-thượng ra, chúng ta bỏ cờ Hán, dựng cờ Lĩnh Nam.

Trưng Trắc viết một bức thư, dùng Thần-ưng gởi thư cho Đặng Thi-Sách
biết tất cả những biến chuyển ở Trung-nguyên. Nàng dặn chồng phải chuẩn
bị sẵn sàng, nàng sẽ về ngay, vì cuộc khởi nghĩa sắp diễn ra. Nàng xin
Thi-Sách gửi cho nàng mấy cao thủ, dùng vào việc theo tìm, bảo vệ Hàn
Tú-Anh. Đặng Thi-Sách được thư vợ giữa lúc đang hội họp tại Mê-linh. Ông đem thư Trưng Trắc đọc cho mọi người nghe, và dặn đâu cứ về đó, đợi
Trưng Trắc về rồi mới khởi sự.

Có mười ba người tình nguyện sang Trung-nguyên, để lo việc cứu Hàn
Tú-Anh. Đoàn người đến gần Quế-lâm thì gặp Trưng Trắc. Trưng Trắc thuật
chuyện cho họ nghe. Mọi người đều ngơ ngác không biết tìm Hàn Tú-Anh ở
đâu. Hoặc giả Tú-Anh bị bắt đi rồi cũng nên.

Trưng Trắc đưa ra một cuốn sách nhỏ. Đó là cuốn nhật ký ghi chú chi tiết mọi biến cố từ khi Trường-sa Định-vương gặp Hàn Tú-Anh, cho đến lúc
Nghiêm Sơn được phong vương. Tiên-yên nữ hiệp Trần Thị Phương-Chi nói:

– Bây giờ chúng ta đi tìm bà có khác gì tìm chim không? Chi bằng chúng
ta hãy đi Trường-an tìm Quang-Vũ, ta cho y biết về mẹ mình. Quang-Vũ sẽ
phái cao thủ đi bảo vệ mẹ. Y hạ bệ Mã thái-hậu thì xong mọi chuyện.

Trưng Trắc nói:

– Sư bá! Cháu cũng biết thế. Nhưng như vậy chỉ giúp cho Quang-Vũ mẫu tử trùng phùng, mà Lĩnh Nam không được lợi lộc gì.

Tiên-yên nữ hiệp hỏi:

– Ý Đặng phu-nhân muốn thế nào?

– Cháu muốn tìm bà đưa về Lĩnh Nam. Dùng bà để giảng hòa giữa Quang-Vũ
và Nghiêm đại-ca. Nghiêm đại-ca là hoàng đế Lĩnh Nam. Chúng ta tạo dựng
một quốc gia như thời vua Hùng, chịu xưng thần tiến cống Quang-Vũ.
Nghiêm đại-ca vẫn phụng dưỡng Hàn Tú-Anh. Như vậy Quang-Vũ để yên cho
chúng ta, không dám đem quân xâm phạm. Chỉ cần từ năm đến mười năm,
chúng ta có cơ sở vững vàng rồi, ta há sợ Quang-Vũ sao?

Khác với Trưng Nhị nói năng nhu nhã, ôn tồn. Trưng Trắc ngược lại, một
là một, hai là hai. Nàng vẫn công nhận văn minh Trung-nguyên, chịu thua
Trung-nguyên vì họ người nhiều đất rộng. Nàng luôn luôn đặt ra vấn đề:
Ta biết ta nhỏ bé, người thưa, đất nghèo, nhưng ta không sợ
Trung-nguyên. Trung-nguyên để ta yên, chúng ta là bạn. Không để ta yên,
ta há sợ sao? Nàng luôn tỏ ra hào khí anh hùng.

Nam-thành vương Trần Công-Minh khẳng khái nói:

– Được, như vậy Đặng phu nhân cứ trở về lo mọi việc. Ta sẽ dẫn các vị
này đi Trường-an. Mưu trí đã có sư muội Trần Thị Phương-Chi đây.

Thế rồi mọi người vội vã lên đường. Khi tới đây gặp bọn Mã Viện.

Tiên-yên nữ hiệp Trần Thị Phương-Chi nói:

– Điều cần nhất chúng ta phải gặp cho được Quang-Vũ trước khi Hoàng
Thiều-Hoa tiến quân ra Thiên-thủy, Kỳ-sơn và Tý-Ngọ. Nếu tới trễ e sự
giảng hòa khó thành.

Nam-thiên đại-hiệp Đặng Đường-Hoàn nói:

– Ngặt vì Mã thái-hậu ra tay trước. Y thị phái rất nhiều cao thủ đi khắp nơi tìm Hàn Tú-Anh. Mã Viện cũng chưa biết bị lừa. Chỉ mai này khi vào
thành Trường-an. Y biết mình bị lừa, rồi Ngô Hán, rồi... các tướng sĩ
khác. Quang-Vũ sẽ giận đến cực điểm.

Cao Cảnh-Sơn tiếp:

– Không sao, bây giờ ta đưa Hàn Tú-Anh ra để đánh bằng tình cảm. Một mặt dùng áp lực quân sự. Quang-Vũ trong phải đối phó với phe của Mã
thái-hậu, ngoài phải đối phó với Công-tôn Thuật và chúng ta. Y bắt buộc
phải chịu lui bước. Y thả Nghiêm Sơn ra thì hay, bằng không Lĩnh Nam ta
đâu có thiếu người?

Tiên-yên nữ hiệp bàn:

– Vậy thế này, chúng ta cần tránh giao tranh với bọn Mã Viện càng tốt để có thể đi Trường-an ngay ngày mai.

Đến đó bỗng có tiếng nói:

– Nhưng trễ quá rồi, Mã Viện đã đến đây.

Nguyên Mã Viện là người cơ mưu. Y lưỡng lự không biết có phải tuân theo
mật chỉ của Mã thái-hậu hay để bọn này đi. Vì vậy y cùng Kiến-oai đại
tướng-quân Cảnh Yểm dò dẫm đến đây nghe ngóng tình hình.

Qua câu chuyện của anh hùng Lĩnh Nam mà y nghe được mấy câu đó, y cũng
chưa biết vụ Lĩnh Nam phản Hán. Y chỉ biết rõ một điều: Cô y, Mã
thái-hậu đang có điều khó khăn phải đối phó với hoàng-đế. Y biết nếu Mã
thái-hậu thất bại, cả nhà y sẽ không có đất mà chôn. Vì vậy y sợ các
tướng sĩ biết bí mật của cô mình. Y vội lên tiếng có cớ bắt 13 người
Việt quan trọng này.

Mọi người giật mình, không ngờ bọn Mã Viện đã đến từ hồi nào. Thế là hai bên lăn xả vào đánh nhau.

Trong 13 người Lĩnh-nam thì Cao Cảnh-Khê, Cao Cảnh-Nham võ công thấp
nhất, nhưng tiễn thủ hai chàng tuyệt hảo. Còn lại võ công tuyệt đỉnh.
Bàn chung Cao Cảnh-Sơn, Trần Công-Minh, Tiên-yên nữ hiệp đều ngang tay
với Mã Viện. Còn Đặng Đường-Hoàn cao hơn một bậc. Ngũ-phương thần kiếm,
kiếm thuật thần thông, bản lĩnh vượt cả Mã Viện, chỉ thua Phương-Dung,
Phật-Nguyệt mà thôi.

Ngược lại phía Mã Viện, Tương-dương cửu hùng đã mất hai, còn lại bảy
người. Võ công kinh người. Bất cứ người nào trong bọn họ cũng ngang tay
với Trần Công-Minh, Đặng Đường-Hoàn. Ngoài ra còn có hơn 30 bộ tướng của Mã Viện. Người nào võ công cũng suýt soát với Trần Công-Minh. Mã Viện
là người trí dũng tuyệt vời. Y áp dụng xa luân chiến, chỉ một lát sau
phía Lĩnh Nam dần dần yếu thế.

Cao Cảnh-Sơn ra hiệu cho cả bọn bỏ chạy, để cha con ông dùng phép bắn
liên tiễn cản hậu. Bên Mã Viện có nhiều người bị thương. Vì họ tuân chỉ
Mã thái-hậu, nên phải quyết tâm đuổi theo. Mặt khác Mã Viện biết rõ loại người cô mình muốn tiêu diệt, nên y cực lực cố gắng. Cuộc rượt đuổi
nhau kéo dài đến đền thờ Tam-hoàng thì gặp đám Khất đại-phu, Phương-Dung đang dưỡng thần.

Thấy ba phía đều có tên bắn lại, làm tướng sĩ không thể tiến vào đền thờ Tam-hoàng. Mã Viện suy nghĩ: Nếu không vào được, để bọn này thoát thân, Mã thái-hậu không yên. Mã thái-hậu nguy, e cả dòng họ Mã nhà mình cũng
nguy mất.

Mã Viện nói với các tướng sĩ:

– Các vị là những đại tướng quân. Võ công cao cường, ta chia thành toán
ba người một, đứng trấn thủ phía phải trái và sau. Hễ thấy tên bắn đến
gạt đi. Còn lại chúng ta cùng tiến lên.

Mã Viện hô lớn:

– Chúng ta tiến lên.

Cả gần trăm người đồng tiến vào đền. Ba cha con Cao Cảnh-Sơn bắn một
loạt liên châu đều bị các tướng gạt đi hết. Đám tướng sĩ ào vào bao vây
chận các cửa. Mã Viện co chân phóng một cước, cánh cửa bật tung ra. Bên
trong đèn đuốc sáng choang. Ngũ-phương thần kiếm, Trần Công-Minh, Trần
Thị Phương-Chi, Đặng Đường-Hoàn thản nhiên ngồi nhìn.

Trần Công-Minh cười:

– Mã Viện ngươi dám tấn công chúng ta ư? Rồi đây ngươi sẽ bị Lĩnh-nam
vương chặt ra từng khúc một, tru di tam tộc nhà ngươi. Nhà ngươi ỷ vào
cô làm Thái-hậu. Nhưng ngươi có biết cô ngươi không phải là sinh mẫu
Quang-Vũ không? Còn Lĩnh-nam vương với Quang-Vũ tình như tay chân. Người lại nắm binh quyền trong tay, người muốn giết mi lúc nào mà chẳng được. Các quân sư Phương-Dung, Vĩnh-Hoa, Trưng Nhị liệu có để cho bọn mi yên
không? Mi có giỏi sáng mai cùng vào Trường-an yết kiến thiên-tử đối chất với chúng ta không?. Tại đây, Ngũ-phương thần kiếm có Thượng-phương bảo kiếm của Tiên-đế trong tay, mà mi còn dám làm loạn, thì cái họa chặt
đầu không xa là mấy đâu!

Mã Viện không nói, không rằng, hô các tướng nhảy vào tấn công. Đặng
Đường-Hoàn vận khí tấn công Mã Viện. Mã dùng hết sức vung chưởng đỡ.
Bùng một tiếng, y loạng lui lại đến bốn năm bước. Còn Đặng đứng im, oai
phong lẫm liệt. Mã Viện là người đã cao lớn. Đặng Đường-Hoàn còn cao lớn hơn. Sau khi đấu với nhau một chưởng, râu tóc dựng ngược. Ông vỗ hai
tay vào nhau, trông oai nghiêm như một thiên tướng.

Long-nhượng đại tướng-quân Đoàn Chí vung chưởng tấn công Đặng
Đường-Hoàn. Đặng Đường-Hoàn đã đối chưởng với bọn tướng Hán nhiều lần.
Ông biết chưởng lực của chúng đều mạnh hơn ông đôi chút. Ông đề phòng
đưa chưởng đỡ. Bốp một tiếng, cả hai đều lui lại. Thế là cả hai người
dùng chưởng lực đấu với nhau. Đấu được trên 40 chưởng Đặng Đường-Hoàn có vẻ kém thế, vì ông tuổi già, sức yếu hơn Đoàn Chí. Thấy vậy Mã Viện kêu lớn:

– Xin ngừng tay.

Hai người nhảy lui trở lại, đứng nhìn nhau.

Ngoài này Đô Dương nói với Giao-Chi:

– Bọn Tương-dương cửu hùng này chưởng lực mạnh thực. Đến như Đặng sư
thúc còn thua y, e rằng đất Lĩnh Nam ta khó có người đối lại với chúng.
Chúng là những anh hùng vô địch, theo Quang-Vũ với Nghiêm đại ca từ lâu. Cũng may Sầm Bành, Tế Tuân đã bị giết. Còn lại có bảy tên.

Mã Viện nói:

– Chúng tôi đông người, các vị ít người. Nếu chúng tôi nhảy vào cùng một lúc, mang tiếng ỷ chúng hiếp cô. Bên chúng tôi có chỉ dụ của Thái-hậu.
Bên quý vị có Thượng-phương bảo kiếm. Cả hai bên đều không chịu phục
nhau. Vậy thế này, bên tôi với quý vị đấu ba trận. Nếu chúng tôi thắng,
quý vị phải theo chúng tôi về Lạc-dương yết kiến thái-hậu. Rồi sau đó
đến Trường-an triều kiến thiên-tử. Ngược lại bên quý vị thắng, chúng tôi phải theo quý vị vào Trường-an triều kiến thiên-tử, rồi về Lạc-dương
yết kiến thái-hậu. Quý vị nghĩ sao?

Hoàng-kiếm tiến ra nói:

– Vậy được, chúng tôi là Hoàng-kiếm, Bạch-kiếm, Hắc-kiếm xuất thủ. Còn bên quý vị những ai ra tay xin cho biết.

Mã Viện cười:

– Chúng tôi được lệnh bắt những người Việt về phục lệnh, chứ không phải
để bắt người Hán. Ngũ-phương thần kiếm là đại công-thần của Tiên-đế, đâu có liên quan đến vụ này? Vậy xin các vị tọa thủ bàng quan, để chúng tôi đấu với anh hùng Lĩnh Nam, các vị là sư thúc, sư bá của quân sư
Vĩnh-Hoa, nữ tướng Lê Chân, oai danh nhất thế, không ngờ phải dựa vào
Ngũ-phương thần kiếm ư?.

Trần Công-Minh bị khích khẳng khái nói:

– Đấu thì đấu, chứ ta há sợ các ngươi sao! Ở đây chúng ta có ba người,
vậy bên ngươi, ngươi là một, Đoàn Chí là hai, Lưu Long là ba. Trận thứ
nhất ta đấu với ngươi.

Nói dứt lời, ông tấn công vào mặt Mã Viện một quyền như vũ bảo. Mã Viện
đưa tay gạt. Hai quyền chạm nhau, y cảm thấy tay bị tê dại, lui lại một
bước. Trần Công-Minh tấn công quyền thứ nhì, rồi thứ ba. Y bị đánh trên
20 quyền, chỉ có đỡ mà không trả được đòn nào.

Bên ngoài nhị hùng Cảnh Yểm thấy Mã Viện không trả được đòn, biết y bị
Trần Công-Minh ra tay trước chiếm mất tiên cơ. Y kiếm cách giúp Mã.

Thấp thoáng một cái Cảnh Yểm vọt người lên, lui lại. Đã thấy Mã Viện,
Trần Công-Minh vọt người ra xa, ngẩn người... đứng nhìn Cảnh Yểm rồi
nhìn tay mình, ngạc nhiên. Thì ra Cảnh Yểm nhảy tới, dùng chưởng xen vào giữa quyền hai người, xỉa một cái. Quyền hai người đụng phải một kình
lực nhu hòa, nhưng mạnh vô cùng, đẩy bật ra. Cánh tay cảm thấy tê dại,
nên cùng lui lại. Có điều thân pháp Cảnh Yểm cực kỳ thần tốc, không ai
nhìn thấy y cử động ra sao, chiêu thức thế nào.

Trần Công-Minh nghĩ thầm:

– Thằng cha này từ lúc gặp nhau đến giờ, chưa thấy y ra tay bao giờ.
Không hiểu vừa rồi y dùng thủ pháp gì, mà đẩy được cả ta lẫn Mã Viện.

Cảnh Yểm nói:

– Bên các vị ba người do các vị đưa ra. Bên tôi cũng ba người phải do
chúng tôi đưa. Được bên tôi là Phùng Tuấn, Đoàn Chí, Lưu Long. Trận đầu
Lưu Long ra tay trước, không biết bên quý vị là ai đây?

Bên ngoài Giao-Chi hỏi Đô Dương:

– Đô đại-ca, đại-ca biết nhiều về bọn này không?

Đô Dương đáp:

– Ngày đầu Nghiêm đại-ca giúp Quang-Vũ đã có tôi rồi. Tương-dương cửu
hùng là chín người khác môn hộ, cùng gốc ở đất Tương-dương. Trước đây
Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, anh hùng tứ phương nổi lên chống lại. Y tổ chức cuộc thi võ ở Trường-an tuyển người làm tướng võ. Tương-dương cửu
hùng có bốn người tham dự là Sầm Bành, Cảnh Yểm, Mã Vũ, Tế Tuân. Sầm
Bành, Mã Vũ, Phùng Dị ngang sức nhau. Vương Mãng lấy Sầm Bành đậu
Trạng-nguyên. Mã Vũ với Phùng Dị đậu Bãng-nhãn. Mã Vũ không phục đề thơ
phản Vương Mãng. Vương Mãng sai quân đuổi đánh. Trong lúc y gặp nguy nan thì Quang-Vũ, Nghiêm đại-ca với tôi cứu y thoát chết. Vì vậy y theo
Quang-Vũ. Sầm Bành được Vương Mãng phong đại nguyên-soái, mang quân đi
đánh dẹp các nơi. Khi y tới trận, đối thủ nào cao nhất, cũng chỉ chịu
được năm chưởng là mất mạng. Trong trận đánh Côn-dương, Nghiêm đại-ca
sai Mã Vũ, Phùng Dị đấu với y đều không hạ được. Y đánh quân Hán nhiều
trận lao đao khốn khổ.

Giao-Chi thắc mắc:

– Tôi nghe nói Sầm Bành chỉ là tướng hữu dũng vô mưu. Còn Nghiêm đại-ca mưu trí tuyệt vời, sao không dùng kế mà trừ y đi?

Đô Dương nói:

– Dĩ nhiên! Nhưng lúc đầu binh Vương Mãng tinh nhuệ, tướng tài cả nghìn
người. Còn binh Hán phần đông mới mộ, tướng chưa thiện chiến, vì vậy mới bị thua. Sau này chúng tôi dùng kế khiến Sầm Bành về đầu Hán.

Giao-Chi chợt hỏi:

– Cứ như thân thủ Sầm Bành, công lực y đâu có kém gì Lê Đạo-Sinh với
Khất đại-phu. Đại ca nói Phùng Dị, Mã Vũ đều ngang tay với y, thế sao
hôm rồi Phùng Dị không ra tay chống chúng ta, chịu để chúng ta trói?

Đô Dương cười:

– Về võ công Sầm Bành, Phùng Dị, Mã Vũ ngang nhau. Mã Vũ với Phùng Dị
tài trí xuất chúng, đáng tài đại tướng. Tài dùng binh của chúng ngang
với Ngô Hán, Đặng Vũ. Còn Sầm Bành mưu trí kém hơn. Mã Vũ, Phùng Dị theo Quang-Vũ từ lúc đầu, lập được nhiều công lao hơn Sầm Bành. Kịp khi Sầm
Bành đầu hàng. Y lại ra sức lập công, chẳng bao lâu y lại ngang với hai
người kia. Ngô Hán, Đặng Vũ võ công kém bọn này. Nhưng một là chúng theo Quang-Vũ ngay từ lúc đầu. Hai là chúng có tài đại-tướng, chỉ kém Nghiêm đại-ca một chút mà thôi. Vì vậy được Quang-Vũ giao cho thống lĩnh hai
đạo binh. Sầm Bành được cử làm phó tướng cho Đặng Vũ, Phùng Dị được cử
làm phó tướng cho Ngô Hán. Vì tự cho rằng võ công mình hơn chúa tướng,
tài dùng binh không kém là bao, nên Sầm Bành, Phùng Dị, Mã Vũ không chịu xuất thủ. Có xuất thủ cũng đánh cầm chừng. Phùng Dị đã bàn với Sầm
Bành, Mã Vũ rằng đợi Đặng Vũ, Ngô Hán bị bại. Quang-Vũ ra lệnh bãi binh. Tất Sầm Bành được trấn thủ Kinh-châu. Phùng Dị trấn thủ Hán-trung. Bấy
giờ chúng mới xuất toàn lực tấn công Công-tôn Thuật chắc chắn thành
công. Uy danh chúng sẽ vượt Đặng Vũ, Ngô Hán.

Giao-Chi hiểu ra:

– Bây giờ tôi mới biết. Trước đây trong các trận đánh của đạo Kinh-châu, Hán-trung. Sầm Bành, Phùng Dị chỉ lĩnh nhiệm vụ trấn đóng các thành đã
chiếm được của Thục mà không chịu xuất lực. Còn hôm rồi Phùng Dị thấy
Khất đại-phu, Đào tam-ca với sư tỷ Phương-Dung. Y biết có chống lại cũng mất mạng. Chi bằng chịu trói chắc chắn Đào đại-ca không giết y vì nghĩ
đến tình quen biết nhau bấy lâu. Y biết người như vậy thực xứng đáng làm đại tướng.

Đô Dương tiếp:

– Tôi phải khích Đào tam-đệ giết y mới được. Để y, sau này là một mối lo cho đất Lĩnh Nam.

Giao-Chi hỏi:

– Dĩ nhiên về tài dùng binh mưu trí y thua đại-ca. Còn võ công y hơn đại-ca phải không? Giết đi thực uổng.

Đô Dương tỏ vẻ cương quyết:

– Sư muội mới cầm quân còn nghĩ đến điều đó. Tôi thì, tôi nghĩ đến Lĩnh
Nam nhiều hơn. Vì Lĩnh Nam, tôi bỏ chức thái-thú, bỏ tước Tân-bình hầu
trở thành một người dân. Nếu bảo tôi bỏ mạng, tôi cũng chấp thuận, há
tiếc một tên Phùng Dị hay sao?

Giao-Chi nói nhỏ:

– Đa tạ đại-ca đã dạy cho bài học. Đại ca với Nhị Trưng có tài nhìn
giống nhau. Thì ra kiến thức những bậc anh hùng chí cả đều giống nhau
hết.

Trong miếu một viên quan theo Mã Viện là Trần Lữ nói:

– Người ta thường đồn đại, anh hùng Lĩnh Nam võ công hơn đời. Thế mà hôm nay ta được chứng kiến sự thực chỉ là bọn hèn hạ, đi dựa vào sự che chở của Ngũ-phương thần kiếm. Uy danh anh hùng Lĩnh Nam chỉ là một bọn hèn
hạ không hơn, không kém.

Tiên-yên nữ hiệp biết bà cũng như Trần Công-Minh, Đặng Đường-Hoàn đều
không phải là đối thủ của bất cứ một hùng nào trong 7 hùng cả. Từ đầu
đến giờ, Trần Công-Minh, Đặng Đường-Hoàn ra tay đã nhiều rồi. Bây giờ bà phải ra tay. Với mưu trí tuyệt vời, bà hy vọng có thể thắng được chúng. Nghĩ vậy bà nói với Trần Lữ:

– Được, ta đấu với ngươi.

Bà vung chưởng tấn công. Trần Lữ khinh thường, né tránh rồi phản đòn.
Hai người xuất chưởng quay tròn chiến đấu. Tiên-yên nữ hiệp nhẹ nhàng
thoát tiến, thoát lui. Trần Lữ trầm trọng. Tiên-yên nữ hiệp công lực
không bằng Trần Lữ. Nhưng một là bà khôn ngoan, hai là bà có nhiều kinh
nghiệm chiến đấu, nên hai bên cầm cự được với nhau trên 30 hiệp.
Tiên-yên nữ hiệp cảm thấy đuối sức dần. Mỗi khi Trần Lữ phát chiêu, lại
thấy mùi tanh hôi nồng nàn xông lên, rất khó chịu. Tiên-yên nữ-hiệp tuy
kinh lịch nhiều nhưng không rõ nguyên do tại sao.

Bên ngoài Giao-chi nói với Đô Dương:

– Đô đại-ca, đại-ca có thể đấu được với Trần Lữ không?

Đô Dương lắc đầu:

– Không chắc lắm, nhưng nếu có bại cũng phải trên trăm chiêu. Tôi thấy
võ công y rất quái dị, nội công âm nhu. Dường như võ công này tôi đã
thấy nhiều lần hồi đánh với Xích My. Đúng rồi! Nội công này tôi đã gặp
khi đánh cùng với Phan Sùng. Đây là nội công Âm-nhu đường đường chính
chính, nhưng chúng lại dùng Ngũ độc luyện chưởng, nên trong cái chính có cái tà. Ai trúng chưởng của chúng, đau đớn không biết bao nhiêu mà kể,
cứ cách ngày lên cơn một lần, cho đến khi kiệt lực mà chết.

Giao-Chi than:

– Không biết Khất đại-phu, Đào Kỳ, Phương-Dung đâu mà chưa chịu ra mặt?
Những người này mưu trí tuyệt vời. Chắc họ còn chờ gì đây, chứ không
phải họ không muốn ra tay.

Nàng thấy Tam sư-bá cứ lui hoài, trong khi đó Trần Lữ cứ tấn công như vũ bão.

Nghĩ được một kế, nàng nói với Đô Dương:

– Đô đại-ca, nhờ đại-ca bảo vệ phía trước tiểu muội. Để tiểu muội phá đám Mã Viện một trận.

Nói rồi nàng cầm ống tiêu để lên môi thổi. Tiếng tiêu của nàng pha lẫn
nội lực, vang rất xa, bay bổng lên trời. Đó là bản Động-đình ca diễn tả
lúc Quốc-tổ đến Động-đình hồ cầu hôn cùng Quốc-mẫu. Tiếng tiêu của nàng
vừa cất lên Mã Viện thấy luống cuống xao xuyến trong lòng. Vì đã nghe Lê Chân tấu nhiều lần trong những ngày tiến từ Kinh-châu vào Thành-đô. Y
đâu biết rằng những người phái Sài-sơn đều biết tấu bản này. Y cho rằng
Lê Chân tấu. Lê Chân đến thì Trưng Nhị đến. Trưng Nhị đến sẽ có
Phật-Nguyệt, Hồ Đề đến. Bọn người này đến, y chỉ có nước chôn xác, chứ
làm sao đấu lại với đoàn Thần-ưng, Thần-phong, Thần-tượng? Trong đầu óc y tưởng tượng ra rằng Nghiêm Sơn ca khúc khải hoàn, về tới. Vậy thì tính
mạng y nguy mất. Tuy nhiên là người nhiều mưu trí. Y cho rằng nếu sự
thực Lê Chân tới, sao không xuất hiện. Cho nên y lại thản nhiên nghe
ngóng.

Trong nhà Tiên-yên nữ hiệp nghe tiếng tiêu nhu hòa của bản Động-đình ca, biết bên mình đã có tiếp viện. Tinh thần tăng lên. Bà phản công vèo vèo liên tiếp mười chiêu, khiến Trần Lữ phải lui dần đến cửa đền.

Mã Viện cượt nhớ ra điều gì kêu lên:

– Trưng Nhị cô nương xin xuất hiện để tương kiến.

Giao-Chi từ bụi cây khoan thai bước ra chắp tay nói:

– Điệt nữ Nguyễn Giao-Chi ở Mai-động, xin tham kiến Nhị sư-bá, Tam sư-bá và Lục sư-thúc.

Mã Viện đã biết mặt Giao-Chi trong dịp nàng dẫn đội Giao-long từ đạo Lĩnh-nam đến trợ chiến đạo Kinh-châu. Y đáp lễ:

– Không dám, Nguyễn cô nương giá lâm. Chẳng hay Trưng cô nương đâu?

Giao-chi lắc đầu:

– Trưng sư tỷ hiện ở Thành-đô, không có ở đây. Ở đây chỉ có sư huynh Đào Kỳ, sư tỷ Phương-Dung mà thôi.

Trên đời chinh chiến Mã Viện không sợ bất cứ ai, mà chỉ sợ ba người. Một là Phương-Dung, hai là Trưng Nhị, ba là Phùng Vĩnh-Hoa. Nghe nói
Phương-Dung đến. Mặt y trông thật khó coi. Y hỏi:

– Đào phu-nhân, xin mời ra tương kiến, còn Lĩnh-nam vương đâu?

Giao-Chi cười:

– Lĩnh-nam vương chiến thắng Thục, đã về Trường-an yết kiến
hoàng-thượng. Hoàng-thượng thấy đang tiết Xuân, trăm hoa đua nở. Nhớ lại ngày nào cùng Lĩnh-nam vương ruỗi ngựa đánh Vương Mãng, tình huynh đệ
thực thắm thiết, nên đã đến Trường-an cùng vương ngắm hoa, thưởng Xuân.
Phục-ba tướng-quân, ngươi có lệnh phải về Trường-an, yết kiến
hoàng-thượng, lĩnh chức trấn thủ Lương-châu. Sao không lên đường ngay,
mà còn đem tướng sĩ đi gây chiến với sư thúc, sư bá của ta?

Mã Viện chỉ Hầu Nhân-Đăng:

– Vũ-vệ hiệu-úy có mật chỉ mời tất cả các vị người Việt về Lạc-dương mà các vị đó không chịu, nên mới có cuộc động thủ.

Lời nói Mã Viện đã có vẻ khách khí một chút. Giao-Chi tiến đến trước mặt Vũ-vệ hiệu-úy Hầu Nhân-Đăng hỏi:

– Mật chỉ đâu, đưa ta coi.

Hầu Nhân-Đăng đưa mật chỉ ra. Mã Viện, bực mình hỏi:

– Nguyễn cô nương không được ngạo mạn, thất kính với Thái-hậu.

Giao-Chi cầm mật chỉ cười:

– Mã tướng quân, ngươi uổng là cháu của Thái-hậu, mà không nhận được thủ bút người. Ngươi có biết những gì xảy ra cho Thái-hậu không?

Mã Viện ngơ ngác:

– Cô nương muốn nói?

Giao-Chi cười:

– Gần đây bọn tế tác Thục đã đem vàng bạc vào Lạc-dương mua chuộc nhiều
người đồng nói rằng thiên-tử không phải là con của Thái-hậu. Sinh mẫu
của thiên-tử hiện lưu lạc ở Lĩnh Nam. Rồi chúng mua được thái-giám hầu
cận Thái-hậu, bảo y ăn cắp thủ bút thư tín của Thái-hậu. Sau đó chúng
mạo chữ Thái-hậu, phái nhiều cao thủ đi khắp nơi, gây thù oán giữa người Lĩnh Nam với Thái-hậu. Chúng hy vọng anh hùng Lĩnh Nam đang phạt Thục,
công phẫn nổi lên chống Hán. Chúng làm như vậy để chia rẽ giữa Thái-hậu
với hoàng-thượng. Tên Hầu Nhân-Đăng này là người của Tế-tác đất Thục chứ không chối đâu được.

Hầu Nhân-Đăng kinh hồn nói:

– Nói láo! Ta chính là Vũ-vệ hiệu-úy nhận mật chỉ của Thái-hậu.

Giao-Chi cười gằn:

– Được! Ta sẽ gọi một người ra đây làm chứng. Người này Mã tướng-quân
quen mặt. Chính người này đã bắt được nhiều tên mang mật chỉ giả của
Thái-hậu.

Nàng quay ra ngoài gọi:

– Xin mời Tân-bình hầu lĩnh Phù-phong thái-thú ra tương kiến.

Đô Dương từ ngoài bước vào trông thấy Mã Viện chắp tay xá:

– Thái-thú Phù-phong lĩnh Tân-bình hầu, xin tham kiến Phục-ba tướng
quân. Thế nào ? Lâu nay tướng-quân vẫn mạnh giỏi chứ. Nghe nói tướng
quân được phong trấn thủ Lương-châu, tước Công thì phải. Xin mừng cho
tướng quân.


Mã Viện cùng Đô Dương sát cánh bên nhau chiến đấu đánh Vương Mãng. Về võ công cũng như tài điều binh, y thua Đô Dương xa. Cho nên đánh xong
Vương Mãng, y chỉ được phong Phục-ba tướng-quân mà không được phong
tước. Còn Đô được phong hầu, lĩnh chức Thái-thú, chúa tể một vùng. Chỗ
miếu Tam-hoàng này thuộc lĩnh thổ của Đô. Nay Mã Viện nghe Đô Dương nói
thế. Y ngẩn người ra.

Đô Dương móc trong bọc ra một tờ giấy, đó là mật chỉ của Thái-hậu giao cho Mao Bạch, đi kinh lý. Đô Dương hỏi Hầu Nhân-Đăng:

– Hầu Vũ-vệ, ngươi có biết Mao Bạch không?

Hầu Nhân-Đăng nói:

– Có chứ, Mao Bạch là Vũ-vệ thường thị, sao ta không biết.

Đô Dương lạng người một cái chụp Hầu Nhân-Đăng nói:

– Thế là mi tự xưng rằng mình làm gian tế cho giặc. Hôm qua ta đến
Trường-an yết kiến hoàng-thượng và Lĩnh-nam vương. Lĩnh-nam vương cho ta biết bọn gian tế Thục giả mật chỉ Thái-hậu, gây hỗn loạn các nơi. Vì
vậy bắt được tên nào lập tức xử trảm. Ta đã xử trảm Mao Bạch. Không ngờ, trời xui đất khiến, hôm nay gặp mi ở đây. Thế là trời giúp ta lập công.

Miệng nói tay chàng gia tăng kình lực, khiến Hầu Nhân-Đăng không nói
được câu nào. Đô Dương đưa mật chỉ trong người Mao Bạch cho Mã Viện coi. Mã Viện thấy đúng thủ bút của cô mình, cũng giống như tờ mật chỉ của
Hầu Nhân-Đăng. Y hoang mang không biết những gì đã xảy ra. Nếu y cố gắng bắt những người này chưa chắc đã bắt được, mà lại gây thù chuốc oán với đám anh hùng Lĩnh Nam, bản tâm y không muốn. Hơn nữa đám này lại là sư
huynh, sư đệ với Lĩnh-nam vương. Người được quyền ngồi ngang với
hoàng-thượng, người giúp y trở thành trấn thủ Lương-châu. Lỡ khi bắt
được họ, rồi khi về Lạc-dương, hóa ra chiếu chỉ giả, đầu y sẽ không giữ
được.

Y đang suy nghĩ, Đô Dương đã rút kiếm đưa một nhát, đầu Hầu Nhân-Đăng
rơi xuống đất. Mã Viện định cản, nhưng không kịp. Còn đám tướng sĩ
Kinh-châu có đủ bản lĩnh, lại đứng quá xa.

Trong đầu óc Mã Viện, y cảm thấy như có một cái gì không ổn. Chính tai y đã nghe đám anh hùng Lĩnh Nam bàn tán đến vụ thái-hậu. Vì vậy vụ này
chắc có một cái gì bí ẩn ở trong, y chưa hiểu nổi. Đợi ngày mai vào yết
kiến thiên-tử, rồi về Lạc-dương hỏi Thái-hậu sau.

Mã Viện là người cơ tâm, y biết vụ này dù đúng dù sai cũng cần đề phòng
trước. Y chắp tay hướng vào Trần Công-Minh, Trần Thị Phương-Chi và Đặng
Đường-Hoàn:

– Người xưa nói: Không biết là không có tội xin ba vị mở lượng hồ hải, tha thứ cho.

Nói rồi y vẫy tướng sĩ cùng lên đường. Đợi bọn Mã Viện đi rồi, Phương-Dung mới từ sau bệ thờ nhảy ra. Nàng hô lớn:

– Xuất hiện đi thôi.

Khất đại-phu, Chu Bá, Đào Kỳ lần lượt từ nóc đền thờ nhảy xuống. Cao Cảnh-Sơn cùng hai con từ ngoài bước vào.

Phương-Dung nhìn Giao-Chi:

– Sư tỷ bây giờ mưu mẹo cũng ghê thực, người cùng với Đô đại-ca đánh lừa Mã Viện, để bọn ta khỏi xuất hiện! Người hay thật! Nếu bọn ta xuất hiện hỏng hết kế hoạch.

Nàng hỏi Tiên-yên nữ-hiệp tại sao lại đến đây. Bà tỉ mỷ kể cho nàng nghe hết tình hình Lĩnh Nam, từ khi Nghiêm Sơn mang quân đánh Thục và những
biến chuyển trong vụ Hàn Tú-Anh.

Bỗng Tiên-yên nữ-hiệp kêu ối lên một tiếng, rồi ngã lăn ra, run lật bật, mặt tái mét, mồ hôi xuất đầm đìa.

Khất đại-phu gọi Tiên-yên nữ-hiệp:

– Lại đây! Cháu lại đây mau! Nguy đến nơi rồi.

Khất đại-phu là chú ruột của Nam-hải nữ-hiệp Trần Thị Phương-Châu,
Nam-thành vương Trần Công-Minh, Tiên-yên nữ-hiệp Trần Thị Phương-Chi và
Thiên-trường đại-hiệp Trần Quốc-Hương. Tính ông xuề xòa không câu nệ chi tiết. Đối với các cháu, dù đã lừng danh thiên hạ như Tiên-yên nữ hiệp,
ông vẫn gọi là cháu, đôi khi còn xoa đầu bà. Thời bấy giờ nam nữ đụng
chạm vào người nhau là điều cấm kỵ, dù là chú cháu. Nhưng ông tuổi đã
trên 80. Lại sống vũ ngoại trần ai như một tiên ông, không câu nệ phép
tắc luân lý. Hơn nữa ông là thầy thuốc, ông cho rằng đụng vào cơ thể phụ nữ, chẳng có gì đáng cấm kỵ cả.

Tiên-yên nữ-hiệp thấy ông gọi vội vã đến bên. Người bà lạnh toát run cầm cập:

– Thúc phụ! Người cháu lạnh quá trong thì nóng như lửa đốt.

Ông cầm tay Tiên-yên nữ-hiệp đưa ra cho mọi người coi: Bàn tay của bà có màu tím xanh mờ mờ. Ông khịt mũi mấy tiếng rồi nhăn mặt ngồi im. Người
ông xuất thần nhìn về phương trời xa xôi. Mọi người biết xưa nay tính
ông thâm trầm. Gặp ông chỉ thấy ông cười. Thế mà bây giờ ông lộ ra vẻ lo nghĩ, đều im lặng, không nói gì. Trong tất cả những người hiện diện.
Đào Kỳ võ công cao nhất, nhưng lại thiếu kinh nghiệm lịch lãm.
Phương-Dung có tài dùng binh vì nàng đọc thông Lục-thao, Tam-lược,
Tôn-ngô. Còn những uẩn khúc sâu xa trong võ lâm, nàng còn thua Trần
Công-Minh và Đặng Đường-Hoàn.

Nghĩ một lúc, Khất đại-phu bảo Tiên-yên nữ-hiệp:

– Từ chiều đến giờ cháu đối chưởng với những ai?

Tiên-yên nữ-hiệp nói:

– Cháu chỉ đối chưởng với bọn tướng sĩ Kinh-châu. Còn ngoài ra thì có tên Trần Lữ này mà thôi.

Khất đại-phu hỏi Đô Dương:

– Cháu ở Trung-nguyên lâu kiến văn quảng bác. Cháu có nghe đến Huyền-âm độc chưởng chưa?

Đô Dương nhảy phắt lên:

– Có! Cháu có nghe nói đến. Huyền-âm độc chưởng là chưởng pháp của phái
võ Trường-bạch. Người cuối cùng của phái này biết xử dụng là Xích-Mi. Từ khi Xích-Mi chết đến giờ, ai cũng tưởng chưởng pháp này thất truyền.
Không ngờ ngày nay vẫn còn ở thế gian.

Khất đại-phu gật đầu:

– Trong đám tướng Hán theo Mã Viện, ta không nghe nói có người nào biết
chưởng pháp này. Ban nãy Tiên-yên đối chưởng với Tương-dương cửu hùng.
Võ công chúng thuộc loại Dương-cương chứ không phải Âm-nhu. Vậy thì
trong đám quan quân Mã Viện có một đại cao thủ thuộc phái Trường-bạch.
Mã không biết đã đành, còn minh mẫn như Trưng Nhị cũng không biết thì
thực lạ. Có điều y mai phục trong quân Mã Viện để làm gì, ta không nghĩ
ra.

Đặng Đường-Hoàn hỏi:

– Tiên sinh! Tam sư tỷ bị trúng Huyền-âm độc chưởng rồi hay sao?

Khất đại-phu móc trong bọc ra hộp thuốc, lấy 5 viên đưa cho Tiên-yên
nữ-hiệp, bảo bà nuốt đi, rồi buông thõng kình lực. Cấm không được vận
công. Ông nói:

– Đúng vậy độc chưởng này trên đời không ai chữa được bọn Trường-bạch
chỉ biết đánh người, chứ không biết cứu người. Ai trúng chưởng này 49
ngày sau phải chết. Lúc đầu cách ngày lên cơn một lần, người lạnh run
lên, rồi về khuya phát sốt, chân tay vô lực, ăn uống không được. Ngay từ ngày đầu nạn nhân đau đớn không thể tưởng tượng, muốn sống không được,
muốn chết cũng không xong.

Đô Dương nói:

– Cháu nghe đồn muốn chữa chưởng độc này chỉ có hai cách. Một là luyện
độc chưởng của họ. Hai là bắt được chính kẻ đánh mình, giết đi lấy máu
uống mà thôi. Ngoài ra thuốc giải độc chỉ chưởng môn mới có cách chế.

Khất đại-phu gật đầu, nói:

– Lúc nãy bọn quan binh Mã Viện vào đây, ta thấy có mùi tanh tanh đã
nghi ngờ. Sau thấy Tiên-yên đấu với Trần Lữ mà không đổ mồ hôi thì biết
là đã trúng độc.

Tiên-yên nữ hiệp nghĩ một lúc rồi nói:

– Đúng đấy! Cháu đấu chưởng với Trần Lữ. Thấy chưởng lực của y bao hàm
nội lực Âm-nhu, thuộc chính phái, hơi giống nội công phái Long-biên. Có
điều trong chưởng phong bao hàm một mùi tanh hôi rất khó chịu.

Phương-Dung nói:

– Vậy Trần Lữ là người của phái Trường-bạch. Võ công tuyệt cao nhưng y
dấu thân phận, ẩn trong quân Mã Viện để mưu đồ việc gì. Cho nên khi bị
sư bá tấn công, y chỉ vận khí chống đỡ. Nhưng chưởng lực sư bá mạnh quá, y phải vận độc chưởng chống lại.

Giao-Chi chợt nhớ ra điều gì nói:

– Phải rồi, cháu nhớ ra rồi. Trần Lữ làm y-quan trong quân Mã Viện. Võ công y vào hạng bình thường mà thôi.

Khất đại-phu lắc đầu:

– Đó là y giả bộ, thực sự ra võ y rất cao thâm.

Tiên-yên nữ-hiệp bảo Phương-Dung:

– Về nội công phái Long-biên, cháu luyện được mấy thành?

Phương-Dung e thẹn đáp:

– Về kiếm pháp cháu học được trọn vẹn. Còn về nội công luyện mấy năm
nay, cũng chỉ được có 5 thành mà thôi. Sư-bá, có phải sư-bá muốn cháu
thử xem nội công của cháu có giống Trần Lữ không?

Tiên-yên nữ-hiệp gật đầu:

– Bây giờ cháu vận sức ra tay, đánh vào ta một chưởng. Để ta so sánh nội Long-biên có giống Trần Lữ không?

Phương-Dung vâng lời, nàng vận khí phát một chưởng hướng Tiên-yên
nữ-hiệp đánh tới. Nội công phái Long-biên thuộc âm-nhu, chưởng của nàng
không có gió. Tiên-yên nữ-hiệp vung chưởng đỡ. Chưởng của bà ào ào chụp
xuống, gió lộng rất mạnh. Gặp chưởng của Phương-Dung thì mất tăm, mất
tích.

Mọi người sửng sốt, Tiên-yên nữ-hiệp nói:

– Cháu mới dùng có một thành công lực, cháu đánh mạnh hơn ta xem nào.

Phương-Dung hít hơi, nàng vận đủ mười thành công lực, chưởng của nàng êm dịu chụp xuống. Tiên-yên nữ-hiệp quát lên một tiếng vung chưởng đỡ.
Chưởng của bà áp lực cực kỳ trầm trọng. Nhưng chạm phải chưởng của
Phương-Dung thì xịt một tiếng, mất tăm, mất tích. Phương-Dung đứng im,
còn bà lảo đảo lui lại.

Bà than:

– Vạn-tín hầu quả là thần, là thánh của đất Lĩnh Nam. Chưởng pháp Âm-nhu thực kỳ dị không tưởng được.

Ý bà muốn nói: Nội công Âm-nhu do Vạn-tín hầu sáng chế ra. Lưu truyền
tới ngày nay, tâm pháp lấy nhu chế cương, dù người mới tập, cũng có thể
thắng người luyện Dương-cương đi trước hàng mấy năm trời.

Phương-Dung ngơ ngác hỏi:

– Sư bá thấy thế nào?

Tiên-yên nữ-hiệp nói:

– Nội công của Trần Lữ giống hệt phái Long-biên. Khác một điều là chưởng pháp của cháu quang minh chính đại, còn chưởng pháp của Trần Lữ thì có
độc chất bên trong.

Phương-Dung lắc đầu không hiểu.