Động Cơ Giết Người

Chương 2

“Nhưng thằng bé đó tính tình hơi trầm một chút, không thích nói chuyện, lúc nó điềm tĩnh ngồi một chỗ cứ như Thiên Lôi. Chẳng ai biết trong lòng nó rốt cuộc thì đang nghĩ gì cả.”

Sau khi bắt đầu vào làm ca chiều, tôi và Lưu Ly đến thăm hỏi nhà mẹ đẻ của Lý Mai.

Nhà Lý Tín Như tuy là khu nhà cũ nhưng bên trong được trang trí vô cùng bắt mắt, bày biện cũng hết sức lịch sự tao nhã. So ra thì nhà mẹ đẻ của Lý Mai đúng là đối lập rõ ràng.

Ngôi nhà nằm trong một khu dân cư cao cấp có tiếng nhất thành phố, có thể nói nó là một trong những tòa cao ốc đắt đỏ nhất. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thật sự vào đây tham quan. Cảnh vật bên trong đẹp đẽ tuyệt vời, đường xá sạch sẽ, cây cảnh tươi tốt. Dân cư lui tới đây đa phần cũng ăn bận xúng xính. Suy cho cùng mua được căn nhà tốt ở đây thì cũng đã là một biểu tượng cho thân phận rồi.

Bảo vệ khu nhà rất đáng tin.

Chú bảo vệ thấp bé vốn là cựu chiến binh nông dân sau một hồi cầm giấy chứng nhận của tôi và Lưu Ly lật trái lật phải ngắm nghía tới hồi, rồi loạn xạ nào đăng ký nào gọi điện báo cho hộ gia đình đoạn mới thả cho chúng tôi vào.

“Nếu Lý Tín Như sống ở đây thì có lẽ sẽ không dễ dàng bị giết mà thần không biết quỷ không hay như vậy.” Lưu Ly không khỏi cảm khái.

“Chuyện này cũng khó nói.” Tôi nói: “Vậy phải xem hung thủ là ai.”



Do trước đó đã nhận được thông báo từ bảo vệ nên cửa sắt lớn nhà mẹ đẻ Lý Mai đã rộng mở.

Vừa vào cửa, tôi đã ngửi thấy một mùi hương rất kỳ lạ, nó hơi giống mùi đồ ăn ôi thiu trộn với mùi nhang khói chùa chiền. Thứ đập vào mắt đầu tiên là cảnh tượng thần phật khắp muôn nơi không thể dùng bút mực để hình dung.

Trong phòng khách, thứ bắt mắt nhất chính là điện thờ quá lớn ấy. Tầng cao nhất thờ một bức tượng Như Lai mỉm cười phổ độ chúng sinh, hai bên lần lượt là Nam Hải Quan Âm và Phật Di Lặc Cười, xuống dưới một chút là Tứ Đại Thiên Vương Xuân Hạ Thu Đông. Phía trước điện thờ có hai cây đèn điện màu đỏ tỏa ra ánh sáng lờ mờ, một lư hương bên trong chứa đầy tàn nhang, còn cắm ba nén hương vẫn chưa cháy hết.

Trong nhà không quá lớn, ngoại trừ điện thờ tỉ mỉ một cách đặc biệt thì các chỗ khác chỉ được trang trí rất đơn giản. Nền sàn lát đá mài, tường sơn trắng, đèn Neon trắng, giữa nhà còn treo một cái quạt trần cũ kỹ đến độ đã chuyển màu vàng khè. Nhà cửa lộn xộn, đồ đạc chất đống, báo chí chồng thành một xấp cao, có thể do chuẩn bị mang bán giấy vụn. Góc nhà còn để vài lon Coca rỗng, trên bàn trà, các hộp bánh quy để đè lên nhau, còn có mấy lọ thuốc chất đống lại với chúng. Một bên phòng khách được hợp với phòng ăn, trong phòng ăn bày một cái bàn gỗ hình vuông, có thể nhìn ra nó cũng có tuổi đời lâu năm. Vài cái ghế bốn chân không có tựa lưng được xếp ngay ngắn dưới bàn. Trên bàn, một cái ***g bàn màu xanh lá đậy trên vài cái đĩa, tôi đoán rằng mùi đồ ăn ôi thiu mà tôi ngửi thấy chắc bốc ra từ đó.

Cha mẹ Lý Mai đều trên dưới sáu mươi tuổi, có điều mới nhìn ít nhất cũng tưởng đã bảy mươi. Trước kia ba Lý Mai là công nhân ở khu liên hiệp thép, ông có gương mặt đen trũi thô ráp, dáng người mập mạp, tuy từng trải qua cuộc sống chịu nhiều sương gió nhưng có vẻ vẫn dồi dào năng lượng. Mẹ của Lý Mai rất giống con gái mình, đều là kiểu phụ nữ thanh mảnh, nhưng mặt của bà mẹ già còn gầy và nhọn hơn cả con gái, phủ đầy nếp nhăn như quả táo tàu phơi khô.

Mắt bà Lý hơi đỏ hồng, nhìn ra được là vừa mới khóc.

Thế nhưng ông Lý lại có vẻ hơi thờ ơ. Tôi luôn có cảm giác rằng tuy ông ta cố làm ra vẻ rất nghiêm trọng, nhưng cái chất sang sảng và lóng ngóng của con người cả đời thuộc về giai cấp công nhân cứ luôn vô ý thể hiện ra.

“Chuyện Tín Như chúng tôi cũng biết rồi, nói đi, anh chị tới đây là vì chuyện gì?” Ông Lý nói thẳng.

Khi tiếp xúc với cảnh sát, trong lòng dân thường luôn có chút đề phòng.

Cho nên tôi mỉm cười: “Cũng không có gì quan trọng, chúng cháu chỉ điều tra bình thường, làm việc công theo phép mà thôi.”

“Gì? Việc công gì?”

Tôi sửng sốt.

Lưu Ly đứng bên lanh lợi trả lời: “Là hỏi chút chuyện con rể của bác khi còn sống, bác Lý ạ.”

“Ồ, ồ, ngồi, ngồi đi.” Ông chỉ vào cái ghế mây dài đặt trong phòng khách thay cho sô pha và nói với chúng tôi. Đoạn ông lập tức ngồi xuống cái ghế gấp nằm đối diện ghế mây dài, còn bà vợ thì đứng bên cạnh.

“Uống trà đi, này, rót trà rót trà.” Ông nói.

Bà Lý định rót nước, chúng tôi nhanh chóng nói không cần không cần.

Vì thế bà lại đứng ở đó.

“Cháu muốn hỏi một chút.” Tôi đi thẳng vào vấn đề: “Lý Tín Như kết hôn với con gái bác lúc nào?”

“Lâu rồi.” Ông già suy tư: “Lúc nào nhỉ? Là lúc Tiểu Mai nó vừa tốt nghiệp cấp III phải không?… Này, bà xem tôi nói có đúng không?” Ông đột nhiên hỏi bà vợ đứng bên.


“Vâng, cũng tầm mười năm. Lúc kết hôn, Tiểu Mai mười chín tuổi, hồi đó còn có người nói nó lấy chồng sớm quá, không phù hợp với chủ trương cưới muộn của nhà nước.” Bà Lý trả lời.

“Lúc ấy hai bác tán thành hay phản đối cuộc hôn nhân này?”

“Thanh niên bây giờ có ai còn biết nghe lời cha mẹ? Phản đối thì sao? Tán thành thì sao? Cũng tự do yêu đương cả thôi!”

“Vậy hai bác phản đối ạ?”

“Vậy cũng không đúng.” Ông nói liền: “Thằng bé Tín Như cũng tốt lắm, Tiểu Mai nhà tôi gả được tấm chồng tốt hơn rất nhiều bạn bè của nó. Nhưng thằng bé đó tính tình hơi trầm một chút, không thích nói chuyện, lúc nó điềm tĩnh ngồi một chỗ cứ như Thiên Lôi. Chẳng ai biết trong lòng nó rốt cuộc đang nghĩ gì cả.”

Điều này có thể hiểu được. Lý Tín Như được giáo dục chuyên nghiệp, là tầng lớp tinh anh của xã hội, đối diện với hai cái miệng già thuộc giai cấp công nhân trình độ văn hóa không cao này, đại khái cũng không có lời nào để nói.

“Vợ chồng họ có thường về đây không?”

“Tiểu Mai hay về nhiều hơn một chút, Lý Tín Như thì không hay về.”

“Quan hệ vợ chồng của họ thế nào?”

Ông Lý đưa mắt nhìn tôi, lúc này trong đôi mắt già nua đục ngầu của ông chớp nhoáng hiện lên chút tinh ranh của nhân dân lao động.

“Tốt lắm.” Ông trả lời.

“Họ chưa từng cãi nhau?”

Ông lại trầm ngâm một lát: “Chuyện đó sao có thể. Có đôi vợ chồng nào chưa từng cãi nhau? Nhưng mà vợ chồng ấy à, đầu giường đánh cuối giường hòa. Tôi với mẹ Lý Mai…”

Chúng tôi kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện đấu đá miên man của ông và mẹ Lý Mai thời trẻ, rồi tôi lại hỏi: “Lần cãi nhau cuối cùng của họ là lúc nào?”

“Lâu rồi.” Ông trả lời một cách thản nhiên, thậm chí có đôi chút đắc ý: “Hơn một năm rồi thì phải.”

Đúng là lâu rồi – tôi nghĩ – nếu cặp vợ chồng nào có thể chịu được một năm không cãi nhau thì mới là chuyện lạ.

“Vì chuyện gì cơ chứ?” Lưu Ly ở cạnh tôi hỏi.

Ông Lý khựng lại một chút, bà Lý ở bên nhanh chóng trả lời: “Ôi chao, vợ chồng trẻ cãi nhau thì còn có thể vì chuyện gì chứ? Đều là chuyện tầm phơ tầm phào, ai mà nhớ được.”

Nói xong bà liếc nhìn chồng mình.

Lưu Ly như có chút đăm chiêu nhìn bà.

Xem ra, Lưu Ly có cùng cảm giác với tôi, tôi cảm thấy họ không nói thật, hình như đang giấu diếm gì đó.

“Sau khi cãi nhau, Lý Mai bỏ về nhà mẹ đẻ?”

“Phải.”

“Vậy có khi nào mà họ cãi nhau nhưng Lý Mai không về nhà nên hai bác không biết tình hình không?”

Bà Lý rất bình tĩnh đáp: “Không có.”

Bà lại dùng ánh mắt liếc sang ông Lý.

Thoạt nhìn hình như bà Lý hơi sợ chồng mình, nói được câu nào là lại phải nhìn ông.

“Sau đó chuyện được giải quyết thế nào?” Lưu Ly hỏi: “Ý cháu là, sau khi Lý Mai về nhà mẹ đẻ?”

“Sau thì Tín Như đặc biệt chạy đến nhà chúng tôi một chuyến, đón Tiểu Mai về.”

“Từ đó về sau không cãi nhau nữa?”

Bà Lý vẫn nói câu đó: “Hai đứa nó tình cảm tốt lắm.”

Lưu Ly nhìn bốn phía chung quanh.

“Đúng rồi, không phải Lý Mai còn có em gái sao? Cô bé không có nhà ạ?”

“À, nó sang nhà bạn chơi rồi.” Ông Lý nói.

“Nghe Lý Mai nói, sau khi tốt nghiệp đại học nhưng cô bé chưa tìm được việc?”

“Giờ tìm việc đâu có dễ.” Nhắc tới chuyện việc làm của con gái thứ, gương mặt ông Lý âu sầu hẳn đi: “Chúng nó trẻ tuổi, lại sợ chịu khổ, cao không được, thấp không muốn. Cả ngày chỉ biết ở nhà, cha mẹ đâu thể nuôi cả đời.”

“Anh rể là luật sư, chắc hẳn có quen rất nhiều bạn bè.” Tôi nói: “Khi Lý Tín Như còn sống sao không nhờ anh ta giúp một chút?”

Ông Lý không nói lời nào, bưng chén trà tráng men uống một ngụm.

Ông bà Lý không ai nhìn sang ai. Có điều có một cảm giác càng mãnh liệt hơn…

Hình như họ đang giấu chuyện gì đó.

Lúc này điện thoại của Lưu Ly đổ chuông.

Cô nhận điện: “Là em. Vâng… Vâng… Vâng, em biết rồi. Cám ơn chị.”

Sau khi Lưu Ly nói chuyện điện thoại xong, chúng tôi đều trầm mặc một lúc.

“Hai bác có nhớ ra chuyện gì đặc biệt muốn nói cho chúng cháu biết không?” Tôi hỏi.

“Không có.” Họ lắc đầu.

Tôi và Lưu Ly đứng lên.

“Vậy chúng cháu xin phép về trước. Sau này có thể chúng cháu sẽ còn đến quấy rầy cả nhà.”

“Không sao không sao.” Ông Lý đãi bôi.

“Đúng rồi, căn nhà rất đẹp.” Tôi nói: “Điều kiện khu này không tồi.”

Nhắc tới nhà cửa, ông già kiêu ngạo hẳn lên, nhất định ông ấy không chỉ một lần khoe khoang như vậy: “Tất nhiên rồi, trị an tốt lại yên tĩnh, có điều dịch vụ đắt quá! Một mét vuông thu một tệ hai mao [4], căn hộ này diện tích tầm trăm mét vuông, một tháng phải nộp cả trăm tệ…”

[4] Mao: 1 mao = 1/100 tệ.

Tôi phụ họa ông Lý một hồi, sau đó lại hỏi: “Chắc mọi người mới chuyển đến không được bao lâu?”

“Đâu ra, chuyển đến hơn một năm rồi.”

“Ồ, nhà cửa nhìn có vẻ vẫn mới lắm, như mới trang hoàng lại.” Lưu Ly khen qua quýt: “Nhà mình giữ nhà tốt quá.”

Lúc này chúng tôi đã đi đến cửa.

Tôi đột nhiên hỏi: “Căn nhà này do Lý Tín Như mua phải không bác?”

Ông Lý lại đột nhiên trầm mặc. Thế nhưng có lẽ do nghĩ phủ nhận cũng vô dụng, chúng tôi có thể tra ra được nên ông thừa nhận: “Đúng vậy.”

Bà Lý lại ở sau lưng bổ sung: “Nó đúng là đứa trẻ tốt có tiền lại có hiếu.”

“Cám ơn sự hợp tác của hai bác, chúng cháu xin về.”

Cửa sắt đóng lại.

Lưu Ly bước đi thật mạnh ra xa, sau đó đột nhiên nhón chân chạy lại, áp tai lắng nghe.

Tôi ấn nút thang máy, sau đó đợi Lưu Ly quay lại.



Trong thang máy, tôi hỏi cô: “Có nghe được gì không?”

“Cái gì cũng không.” Lưu Ly trả lời: “Trong nhà tĩnh lặng lắm.”

“Vừa rồi bên giám định có đồng nghiệp gọi điện báo số thuốc anh nộp lại có kết quả hóa nghiệm rồi.” Lưu Ly nói tiếp: “Gói xanh đúng là Viagra. Gói trắng là một loại thuốc ngủ tác dụng mạnh.”

“Thuốc ngủ cũng chẳng có gì lạ, luật sư dùng não quá độ, khó tránh khỏi có bệnh nghề nghiệp như mất ngủ.” Tôi lẩm nhẩm: “Thế nhưng đàn ông trai tráng ba mươi bảy tuổi lại cần dùng Viagra?”

“Chuyện này có gì kỳ quái, có lẽ chuyện khó nói của Lý Tín Như chính là bất lực?”

“…”

“Còn nữa, em nghe đồng nghiệp nói thì đã có thể xác định hung khí.”

“Ồ? Là gì thế?”

“Chính là dao bổ dưa hấu treo trong phòng bếp nhà Lý Tín Như. Chiều dài và độ sâu hoàn toàn phù hợp với hung khí tạo thành vết thương. Thế nhưng trên dao không có dấu vân tay, nó bị người ta rửa sạch sẽ rồi.”

“Ý em là sau khi giết người, hung thủ còn bình tĩnh rửa hung khí, sau đó treo lại chỗ cũ?”

“Có vẻ như thế đó.”

“Lý Mai nói sao?”

“Thú vị lắm anh.” Lưu Ly chớp mắt: “Trong nhà Lý Tín Như có không ít tiền tài, chuyện này đã loại trừ được khả năng giết người cướp của. Chẳng những không thiếu gì mà còn thừa ra một thứ.”

“Thừa cái gì?”

“Chính là con dao bổ dưa kia.” Lưu Ly nói: “Theo Lý Mai nói, con dao đó đã mất tích một thời gian, chị ta cũng không biết vì sao nó lại xuất hiện ở hiện trường vụ án. Lý Mai vốn còn định mua lại cái khác, nhưng vì giờ là mùa đông, hiếm khi dùng dao bổ dưa nên chuyện này vẫn gác lại.”

“Chị ta muốn bóng gió rằng có người mang cái dao đó đi, sau đó giết chồng mình rồi đặt hung khí về chỗ cũ?”

“Có lẽ chị ta nói thật.”

“Anh có một chỗ không hiểu. Vì sao hung thủ lại phải hao tâm tổn trí như thế?” Tôi nói: “Còn nữa, cha mẹ Lý Mai có vẻ cũng hơi lạ, hình như họ đang giấu gì đó.”

“Em cũng có cảm giác ấy.”

“Họ cứ nhấn mạnh tình cảm vợ chồng Lý Tín Như và Lý Mai rất tốt, có phải làm em thấy hơi nói quá lên?”

“Đích xác là thế.” Lưu Ly nói.


Lúc này thang máy đã xuống đến tầng cuối cùng, cửa tự động chậm rãi mở ra.

Chúng tôi cùng nhau đi ra ngoài.

“Giờ ta đi đâu?”

“Đến nhà Chu Lai Phương.” Tôi nói: “Chúng ta đi gặp bác của Lý Mai.”

Khi chúng tôi đi đến cửa cao ốc, một cô gái trẻ mặc áo len dệt kim màu xanh da trời đi đến từ phía đối diện. Vì cô ta cứ luôn nhìn tôi nên tôi cũng nhìn lại kĩ càng một chút.

Cô gái đó có làn da hơi sậm màu, mặt tròn tròn, môi cũng tròn tròn, có môi mắt đen huyền đáng yêu.

Tôi cảm thấy gương mặt cô ta hơi quen quen, nhưng nhất thời không nhớ ra nổi.

“Sao anh tự dưng không nói gì nữa?”

Sau khi lên xe, Lưu Ly hỏi tôi.

“Không có gì, anh đang nghĩ đến cô gái chúng ta vừa thoáng gặp.”

“Đàn ông đều háo sắc cả.” Lưu Ly tức giận.

“Đừng ghen mà, Lưu Ly.” Tôi nổ máy xe hơi: “Có mỹ nữ như em đi bên, anh cũng ngày ngày được nâng cao tầm nhìn, đâu còn để ý đến phường phấn sáp thường tục khác.”

“Ai ghen?!” Lưu Ly vừa giận vừa buồn cười.

“Nhớ ra rồi!”

“Nhớ ra cái gì?”

“Cô gái đó! Cô ta chính là em gái Lý Mai! Ôi trời, nhìn khác hoàn toàn ảnh thẻ chứng minh thư!”

Tôi từng xem qua ảnh thẻ chứng minh thư của cô gái đó trong Cục, đó là một cô bé mập mạp cắt mái bằng ngay ngắn, nét mặt khờ dại. Thế nhưng người vừa đi lướt qua chúng tôi, duyên dáng yêu kiều, trán cao mắt sáng.

“Em gái Lý Mai, Lý Nhiễm gì đó phải không anh?”

“Chính xác! Chẳng trách anh cứ thấy quen quen, cô ta trông rất giống cha mình, mặt tròn, da đen.”

“Anh nói thế làm em cũng thấy giống.” Lưu Ly nói: “Nhưng có vẻ cô bé xinh đẹp hơn.”

“Không phải ông Lý bảo cô ta sang nhà bạn chơi à? Vì sao chúng ta vừa đi là cô ta lập tức quay về? Trùng hợp quá thì phải?”

“Cô bé đó trên cổ đeo di động.” Lưu Ly nói.

“Nói cách khác, căn bản cô ta không đi xa. Vì bảo vệ báo cho gia đình là chúng ta đã về nên cô ta mới ra mặt. Nếu không phải em quay lại nghe lén động tĩnh trong nhà, có lẽ lúc nãy chúng ta đã vuột mất cơ hội gặp nhau.”

“Nhưng vấn đề là vì sao cô ta lại phải trốn chúng ta?” Lưu Ly hỏi.

Chúng tôi không có đáp án.



Tôi lái xe hết sức chăm chú.

Qua một lúc, tôi đột nhiên nói: “Anh thấy chỗ này rất thú vị.”

“Dạ?”

“Một người phụ nữ nội trợ nhỏ gầy nhợt nhạt kết hôn đã mười năm, một người phụ nữ duyên dáng [5] năm nay gần ba mươi tuổi lại có một cô em đáng yêu đúng tuổi xuân thì, vừa tốt nghiệp đại học. Đối với bất cứ người đàn ông nào mà nói thì cô em vợ này đều vô cùng thú vị.”

[5] Nguyên văn “Lão từ nương”: Chỉ người phụ nữ tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn duyên dáng thướt tha, phong lưu đa tình.