Bạn có bao giờ để ý là khi bạn cảm thấy vui thì những người xung quanh bỗng trở nên thật dễ thương không? Làm sao mà họ thay đổi như vậy, bạn không thấy buồn cười sao?
Thế giới xung quanh là sự phản ánh của chính chúng ta. Khi chúng ta thấy căm ghét bản thân thì chúng ta ghét cả người khác. Khi chúng ta thích bản thân mình thì thế giới thật tuyệt vời.
Hình ảnh của chính chúng ta là dấu ấn quyết định cách chúng ta cư xử, đối tượng chúng ta giao du và cái gì chúng ta sẽ làm và không làm. Tư tưởng và hành động của chúng ta bắt nguồn từ cách chúng ta nhìn nhận bản thân mình.
Bức tranh về chính chúng ta sẽ được tô màu bởi kinh nghiệm, thành công và thất bại của chúng ta, suy nghĩ của chúng ta về bản thân và phản ứng của người khác đối với chúng ta.
Tin hình ảnh này là có thật, chúng ta chỉ sống trong phạm vi các bức tranh này.
Vì thế hình ảnh về bản thân chúng ta sẽ quyết định:
-Chúng ta thích mọi điều xung quanh và thích sống với điều đó đến mức độ nào.
-Mức độ thành công chúng ta đạt được trong cuộc sống.
Chúng ta là người mà chúng ta tin mình sẽ trở thành. Chính vì thế, tiến sĩ Maxwell Maltz, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất tên là "Điều khiển học - Tâm lý" đã viết "Mục tiêu của tất cả các liệu pháp tâm lý là thay đổi hình ảnh của một cá nhân về chính bản thân họ".
Nếu các bạn cho là mình kém cỏi về toán học, bạn sẽ luôn gặp khó khăn với các con số. Có thể do những kinh nghiệm không hay trước đây, bạn hình thành một thái độ cho là: "Dù thế nào tôi cũng không thể làm toán được". Vì thế bạn không cố gắng. Thông thường, bạn sẽ tuột dốc ngày càng nhanh hơn. Nếu có khi làm được, bạn sẽ nghĩ: "Chỉ là may mắn thôi". Khi bạn không thành công, bạn nói: "Thấy chưa! Điều đó chứng tỏ là tôi không thể làm được".
Có thể bạn còn bảo người khác là bạn không thể làm tính cộng. Bạn càng nói với anh mình, chồng mình, hàng xóm hay nhân viên ngân hàng của bạn là bạn không làm được thì bạn càng tin như vậy, và hình ảnh này càng ăn sâu vào tâm trí bạn.Bước đầu tiên để cải thiện mạnh mẽ các kết quả của chúng ta là cách chúng ta nghĩ và nói về chính bản thân mình. Một người học chậm có thể bắt đầu học nhanh hơn ngay khi anh ta thay
đổi ý nghĩ về khả năng của chính mình. Nếu hình ảnh về bản thân bạn bảo bạn là bạn có khả năng phối hợp tốt, bạn sẽ học những môn thể thao mới nào đó một cách dễ dàng. Nếu bạn tự nhủ là bạn không thể làm, bạn sẽ mất thời gian lo lắng là bạn sẽ làm rơi banh và làm rơi thật.
Chừng nào bạn còn nghĩ mình là người luôn rỗng túi thì bạn sẽ thiếu tiền hoài. Nếu bạn xem mình là một người chiến thắng về tài chính, bạn sẽ luôn đầy đủ.
Hình ảnh về bản thân giống như cái nhiệt kế buộc chúng ta luôn hành động trong thang độ của nó. Có thể Fred chỉ mong là mình được hạnh phúc trong 50% thời gian. Vì thế khi được vui hơn, anh ta nghĩ "Hãy chờ xem! Không thể tốt lành như vậy được! Bất kỳ lúc nào một cái gì đó tồi tệ có thể xảy ra". Khi điều đó xảy ra thật, Fred sẽ hít sâu vào và buột miệng: "Tôi biết trước vậy mà!"
Điều Fred không biết là có những người khác trên thế giới lúc nào cũng bất hạnh và có những người lúc nào cũng hạnh phúc. Chúng ta tạo nên chính cuộc sống của mình tuỳ theo hình ảnh của chính ta về hạnh phúc của ta.
Ý nghĩa của điều này là BẠN QUYẾT ĐỊNH dựa trên hình ảnh về chính mình. Chúng ta thường quyết định bằng chính giá trị của mình và dựa trên mức độ hạnh phúc mà mình mong đợi.
LỜI KHEN, tại sao không nói một cách đơn giản là cám ơn....?
Hình ảnh về chính chúng ta sẽ quyết định mức độ tập trung của chúng ta, hay cái mà chúng ta cho phép mình suy nghĩ. Một hình ảnh tốt về bản thân sẽ cho phép chúng ta tập trung vào những lời khen ngợi dành cho mình và những thành công mà chúng ta đã đạt được. Cái này không khác gì với việc có một cái đầu thông minh. Một người nào đó từng nhận xét: "Tính tự cao là một bệnh khó hiểu. Ai cũng ghét cái thói này trừ người có tính đó". Ích kỷ và biết yêu bản thân đúng cách là hoàn toàn đối lập nhau.
Sự ích kỷ và sự yêu bản thân một cách lành mạnh cần phải được phân biệt rõ.
Con người ích kỷ thích mình là trung tâm của sự chú ý, thích được công nhận và không quan tâm đến người xung quanh.
Trong khi đó, yêu bản thân làm cho chúng ta tôn trọng mong ước của chúng ta cũng như của những người khác hơn. Có nghĩa là chúng ta có thể cảm thấy tự hào về bản thân mình vì những cái mình đạt được mà không cần nói cho tất cả mọi người biết và chấp nhận những thiếu sót của mình để cải thiện bản thân.
Một tình yêu bản thân lành mạnh sẽ không buộc chúng ta phải giải thích vì sao chúng ta đi nghỉ, hay phải mua giày mới, hoặc chiều chuộng bản thân mình tí chút. Chúng ta cảm thấy thoải mái khi làm việc này hay việc kia làm cho đời sống chúng ta tốt đẹp hơn lên.
Bạn đừng nghĩ đến cái gọi là “cảm giác phức hợp”
Khi chúng ta thật sự coi trọng giá trị của mình, không cần phải nói với người ngoài là chúng ta tốt hay giỏi như thế nào. Chỉ có người không thuyết phục được bản thân là họ có giá trị thật sự thì mới oang oang với mọi người về lòng tốt của mình.
Tôi cho là bạn nên chấp nhận những lời khen của người khác dành cho mình. Chúng ta không cần phải hoàn thiện mới có thể chấp nhận một lời khen với lời cảm ơn chân thành. Những người thành công luôn luôn nói “Cám ơn!” Họ hiểu là chuyện xác nhận rằng một công việc được làm tốt là điều hoàn toàn nên làm.
Nếu bạn chúc mừng Greg Norman vì anh ta thắng giải đánh gôn thì anh ta sẽ không nói “Chỉ là ngẫu nhiên thôi” hay “May mắn thôi mà”. Anh ta sẽ nói “Cám ơn!”. Nếu bạn khen ngợi Paul McCartney vì anh ta vừa cho ra đời một đĩa nhạc xuất sắc thì anh ta không nói “Anh chàng ngốc ạ! Cái đĩa đó đâu có ra gì” Anh ta sẽ nói “Cám ơn” Những con người thành công biết nâng niu giá trị riêng của họ và họ đã làm như vậy rất lâu trước khi thành công, để được thành công. Cũng giống như tất cả chúng ta, họ cần phải công nhận giá trị của họ trước.
Một lời khen là một món quà. Nó bắt người ta phải suy nghĩ và cố gắng để ban tặng nó cho ai đó. Thế thì thật thất vọng nếu bạn ném trả món quà đó vào mặt họ. Đây cũng là lý do buộc phải tiếp nhận lời khen một cách dễ thương. Nếu một người khen vẻ đẹp tuyệt vời của bạn mà bạn lại đáp trả “Nhưng môi tôi bẹt và chân tôi ngắn!” thì họ sẽ chưng hửng biết bao!
Bạn thì cảm thấy không dễ chịu vì bạn đã không chấp nhận lời khen với tinh thần mà người khen muốn chuyển giao, còn người khen cũng thấy bực vì lý do tương tự và sẽ nhớ đến bạn như một người có cái môi bẹt và đôi chân ngắn. Vậy tại sao không đáp lại một cách đơn giản là “Cám ơn”?
“Tôi” trong mắt người khác
Chúng ta có thể đánh giá hình ảnh của chính chúng ta bằng cách nhìn vào những người xung quanh chúng ta. Chúng ta thiết lập những quan hệ với những người đối xử với ta theo cách ta cho là mình xứng đáng được hưởng.Những người có hình ảnh tốt về mình thường có nhu cầu được tôn trọng bởi những người gần gũi với họ. Họ đối xử tốt với bản thân, và làm gương tốt cho người khác trong chuyện này.
Nếu Mary nghĩ không tốt về bản thân, cô ta sẽ chịu đựng tất cả những thứ rác rưởi và sỉ vả của người khác. Trong tâm trí của cô ta sẽ luôn có câu: “Mình không quan trọng” “Chỉ tại mình thôi. Lúc nào mình cũng bị đối xử tệ bạc. Có lẽ mình đáng phải bị như thế”.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi “Mary còn phải chịu sự bất công đó bao lâu nữa?”
Câu trả lời là: “Chừng nào cô ta còn đánh giá thấp bản thân mình”.
Người khác đối xử với ta theo cách mà ta đối xử với chính bản thân mình. Những người ta quan hệ sẽ nhanh chóng nhận ra là ta có tôn trọng chính mình không. Nếu chúng ta tự trọng, họ cũng sẽ phải làm như thế.
Tôi nghĩ các bạn ai cũng biết những phụ nữ không biết tôn trọng bản thân, vấp váp hết quan hệ này đến quan hệ khác. Bạn trai lúc là tên nghiện ngập, lúc là kẻ bất tài. Ngày nào họ cũng bị sỉ vả hay đánh đập. Thật không may, họ sẽ phải chịu hoài như vậy chừng nào họ còn duy trì mãi suy nghĩ thấp kém về bản thân mình.
Nhưng cũng có những người dù rất khó khăn cũng học được cách đòi hỏi sự đối xử công bằng của bạn bè, đồng nghiệp và gia đình. Họ nhận ra là khi họ đã tạo ra một vị thế, người khác xử sự phải phép ngay.