Phải thừa nhận một sự thật: tôi không phải người đầu tiên dùng kiểu nói “hãy thất bại nhanh hơn”. Nhưng tôi thích cách nói ấy. CEO của hãng Coca-Cola trong một buổi họp thường niên thông tin cho các cổ đông rằng công ty đang tiến hành đổi mới, một kế hoạch sáng tạo trở lại của công ty có chứa trong tập tài liệu mang đề tựa là “Bản tuyên ngôn về phát triển”. Ông lưu ý rằng chi phí cho tiếp thị và đổi mới sẽ tăng khoảng 400 triệu đôla và sau đó – đây mới chính là phần hay nhất – nhận xét: “Quí vị sẽ đón nhận một số thất bại. Khi chấp nhận rủi ro, chúng ta phải chấp thất bại như là một phần của tiến trình đổi mới.” Ý tưởng này nhấn mạnh với tôi về việc thất bại nhanh.
Trong một buổi thuyết trình về vai trò lãnh đạo cho nhóm bán hàng của một công ty dược phẩm lớn, có người đến với tôi sau buổi thuyết trình và nói: “Tôi rất thích bài giảng của ông, nhất là ý tưởng rằng thất bại là sự trả giá để vượt trội.” Lời tâm sự đó nhắc tôi nhớ rằng rất nhiều người trong chúng ta sợ bị thất bại đến nỗi không bao giờ dám thử (Seneca từng nói: “Không phải vì sự việc khó khăn nên ta không dám, mà vì ta không dám nên sự việc mới khó khăn.”). Nhiều người lo sợ mình trở nên lố bịch hoặc bị xấu hổ khi thất bại, kết quả là ta không dám chấp nhận rủi ro và chộp lấy cơ hội. Ta cứ nghĩ rằng thất bại là tồi tệ. Không phải vậy. Nó rất tốt. Không, nó rất tuyệt vời.
Chẳng có thành công nào lại thiếu thất bại. Nó là một phần trong đó rồi. Công ty hay cá nhân nào đạt tới đỉnh cao thành công cũng đều là kẻ từng thất bại thường xuyên nhất. Bạn cần thất bại để chiến thắng. Thất bại càng nhanh, bạn càng học hỏi chính xác những gì cần thực hiện để chiến thắng. Vậy hãy thất bại nhiều hơn đối thủ. Thất bại nhiều hơn con người trước đây của mình. “Chỉ những ai dám thất bại ngoan cường sẽ chiến thắng ngoan cường,” tổng thống Robert F. Kennedy từng phát biểu.