Đôi bạn

Phần 2

II

Bên ông tuần có mở tiệc thọ mừng cụ Bang,bà nội Dũng.Loan sang làm giúp từ sáng sớm; nàng cũng rối rít vui vẻ,vì công việc nhà Dũng nàng coi không khác gì công việc nhà nàng.Trong một lúc rỗi tay,Loan chạy qua về thăm nhà để lấy cớ đi lại vì ngồi mỏi.

Cách mấy khu vườn rộng,Loan không nghe rõ tiếng ồn ào bên nhà ông tuần nữa.Nàng thấy nhà mình có vẻ yên tỉnh khác hẳn mọi ngày,nàng vui vẻ nhìn bà hai đương ngồi khâu trên phản rồi cất tiếng nói:

- Mẹ chưa sang?

Bà hai ngửng lên nói:

- Sang làm gì bây giờ, cô nầy rõ ngớ ngẩn quá.

Loan mĩm cười vì cũng thấy câu hỏi của mình là ngớ ngẫn,chẳng qua trong lúc vui,nàng hỏi cho có câu mà hỏi:

- Nhưng thế nào me cũng sang chứ?Me sang sớm xem tế,vui lắm me ạ.

Bà hai yên lặng ngẫm nghĩ một lát lâu,rồi nói:

- Tao hơi mệt, không biết lát nữa,có sang được không.Nhưng thầy đi vắng thì mệt cũng phải sang.

Ông hai vì muốn lánh mặt nên hai hôm trước có người bạn ốm nặng cho về mời, ông đi ngay. Ông và ông tuần là hai người bạn học cũ, nhưng không bao giờ ông muốn nhờ vả ông tuần, và ông tuần cũng không hề tỏ ý muốn giúp đở ông. Vườn đất chung quanh nhà ông hai phải bán dần cho ông tuần, chỉ còn giữ lại hơn một mẫu làm chổ ở.

Loan nói:

- Tiếc quá thầy con lại vắng.Chắc thầy con chẳng về kịp.

Bà hai cau mày khó chịu, nhưng bà không muốn nói cho Loan rõ những điều tức tối ngầm của ông hai, trong việc bán đất cho ông tuần. Bà bảo Loan:

- Ở bên ấy đông khách lạ,cô sang làm giúp thì phải liệu giữ gìn.Cô chỉ được cái mau mồm mau miệng hão,người ta không ưa gì cô đâu.

Loan hiểu là bà hai muốn ám chỉ cô Ba, người vợ ba ông tuần. Nhưng đối với Loan thì ở bên nhà Dũng,ngoài Dũng và Hiền người chị ruột của Dũng ra,nàng không để ý đến ai nữa; nàng cũng không ngờ rằng ở đời lại có thể có được lắm sự rắc rối. Loan nhìn cái bàn học của Dũng trên đó có xếp những cuốn sách hầu hết là sách của Dũng. Những cuốn sách ấy,Loan biết rằng Dũng không bao giờ dùng tới chỉ mua về cốt để cho nàng mượn. Một tia nắng chiếu vào làm sáng những chữ thếp vàng trên gáy sách,Loan thấy ấm áp trong lòng.

Tiếng còi ô-tô làm Loan vui mừng reo:

- Khách trên tỉnh đã đến.Chắc là cụ thượng Đặng.

Loan ngắm nghía những chiếc ô-tô bóng loáng đến đỗ sau giậu duối. Mỗi chiếc đến,nàng lại rẽ là chú ý nhìn những ngưòi trong xe bước xuống. Dũng mấy ngày trước có nói đùa với nàng rằng hôm nay sẽ có cô Khánh con cụ thượng Đặng là bạn học cũ của chàng đến chơi.

Cứ mỗi lần có người hơi có tuổi và đeo thẻ bài ở xe xuống thì Loan lại chăm chú đến người xuống sau.Nàng không thấy cô nào có thể gọi là đẹp được:

- Chẳng có ngữ nào ra hồn. Sao mà đánh phấn nhiều thế,họ trát vôi.

Loan không chút ghen tỵ những thiếu nữ sang trọng lần lượt đi qua trước mặt nàng. Nàng tự cho nàng cũng ngang hàng với họ và cảnh đời ấy tất nhiên là cảnh đời của nàng về sau nầy.

Có tiếng chân bước sau lưng, Loan không quay lại chỉ nghe tiếng chân bước cũng biết ngay là Dũng đến.

- Anh Dũng sang có việc gì đấy?

Dũng cười đáp:

- Tài thật... Sao cô biết là tôi. Tôi sang xem những ai đến và cốt nhất là để nhìn trộm một người.

Loan quay lại:

- Em biết là ai rồi.

Dũng nhìn đôi má hồng tự nhiên của Loan và khen Loan:

- Cô vừa về nhà đánh má hồng phải không?

Loan sung sướng vì lời khen kín đáo,nhưng làm như không để ý đến:

- Má em đỏ lắm à? Chắc là vì lúc nãy ở gần lửa.

Dũng đột nhiên hỏi:

- Cô có thấy xe của cụ thượng Đặng đến không?

Loan nói:

- Em chả biết cụ thượng Đặng là ai thì làm sao biết được ô-tô. Nhưng anh hỏi để làm gì?

Dũng hỏi lại:

- Nhưng cô tò mò muốn biết điều đó làm gì?

Loan làm như đã quên câu chuyện Dũng nói về Khánh hôm nọ, tinh nghịch nói:

- Nhưng chắc có điều gì thật, nên khi em hỏi anh mới cho là tò mò.

- Có thế. Vậy cô có mấy ngưòi con gái nào ngồi trong ô-tô cụ thượng Đặng không?

Loan mĩm cười:

- Có,có một ngưòi con gaí rất xấu.

Dũng nói:

- Càng hay, nhưng người ấy đẹp thì sao?

Loan muốn tỏ cho Dũng biết mình đã rõ chuyện ông tuần định hỏi con gái ông thượng Đặng cho Dũng,liền đáp:

- Như thế càng hay cho anh.Vậy ta về xem người con gái ngồi trong ô-tô của cụ Đặng xấu hay đẹp.

Hai người,lúc đi qua trước mặt bà hai cùng đứng lại, Dũng mời:

- Bác sắm sửa sang thì vừa.

Bà hai nhìn ra chỗ Loan, Dũng đứng, và nhận thấy vẻ thân mật lưu luyến giữa hai người. Nhưng bà không một lúc nào có cái ý tưởng mong cho hai người thành vợ chồng. Một là,vì bà không dám ao ước tốt, hai là vì bà đã yên trí từ lâu gả Loan cho Thân, con bà phán Lợi. Bà chỉ biết là Dũng hay săn sóc đến nhà bà và bà cũng tự nhiên quý Dũng như một người con.

Loan bảo Dũng:

- Anh sang trước đi em đợi mẹ em sang một thể.

Bà hai nói:

- Đừng đợi tôi.Tôi sẽ sang nhưng lát nữa cơ.

Tới con đường lát sỏi trên có giàn cây, hai người tự nhiên cùng chậm bước lại, người nọ ý muốn nhường người kia tiến lên trước mình để khi ra đến sân nhà Dũng, người ta khỏi trông thấy hai người cùng đi với nhau. Nhưng vì không ai dám nói hẳn ra nên người nọ tưởng người kia muốn cùng đi chậm lại để nói một câu chuyện riêng, nhất là chỗ đó lại khuất, có cây che phủ kín.Loan cúi nhìn xuống, lấy mũi giầy ấn những hòn sỏi to nổi cao lên, đợi Dũng nói. Dũng cũng đợi Loan, nên hai người đi yên lặng như thế, không ai cất tiếng và cùng ngong ngóng đợi. Đến chỗ rẽ quặt ra sân, Dũng nói:

- Trông những hòn sỏi nầy tôi lại nhớ đến hồi năm ngoái ra Sầm-Sơn.

Chàng nghĩ đến những nổi buồn đầu tiên của chàng khi xa Loan, buổi chiều trong rừng phi lao hiu hắt và trên bãi biển vắng người. Chàng dịu giọng nói tiếp:

- Buổi chiều,những bải bể vắng người với tiếng sóng không bao giờ ngừng...Hôm nay tôi còn nhớ in...

Loan nói:

- Đã lâu lắm, khi em còn bé đi với thầy em qua Thụy-Anh được trông thấy bể ở xa. Năm ngoái hồi anh ra ngoài ấy...

Tiếng người nói gần đấy làm Loan ngừng lại. Hai người cùng đứng dừng lại.Dũng nói:

- Hình như tiếng cụ thượng Đặng.

Chàng hạ thấp giọng có vẻ bí mật:

- Và cả tiếng cô Khánh nữa.

Loan nói:

- Hai ta đứng tạm ở đây đợi cô ả đi qua đã.

Hai người đứng lẩn sau giậu găng ta dưới một cây bồ kết dại. Những cành đầy hoa vàng rủ xuống chạm vào tóc hai người. Loan và Dũng cùng yên lặng. Tiếng giầy trên sàn gạch một lúc một xa và nghe như ở một thế giới khác đưa lại. Trên cành bồ kết,một con bọ ngựa non giơ hai càng tìm chổ níu rồi đánh đu chuyền từ lá nầy sang lá khác. Mùi nước hoa và phấn ở đám người vừa đi qua thơm thoảng đến tận chổ Loan, Dũng đứng.

Dũng hỏi:

- Cô nhìn thấy rõ chứ?

Loan gật đầu luôn mấy cái, khen:

- Đẹp!

Dũng nhắc lại tiếng "đẹp" nhưng nói kéo dài ra có vẻ chế giễu. Nhưng thực ra chàng cũng vừa thốt nhiên cảm động về sắc đẹp lộng lẫy của Khánh mà chàng được thoáng trông thấy. Sau ba năm cách mặt, Khánh đã lớn hơn trước nhiều và đẹp khác hẳn trước.

Dũng giơ tay nâng cao mấy cành bồ kết dại,bảo Loan:

- Hai ta phải ra thôi.

Loan sờ lên tóc vì nàng thấy tóc Dũng vướng đầy nhị hoa vàng:

- Tóc em có vướng không?

Dũng nói:

- Có,ta phải phủi kỹ đi, lỡ...

Dũng không dám nói hết câu. Loan vô tình tiếp lời:

- Có ai biết thì nguy hiểm.Tình ngay lý gian.

Nói xong nàng mới biết là quá bạo. Nhưng nàng có cái thú ngầm của một người đã phạm tội, nhờ một sự vô tình đã nói được một câu có ngụ ý mà lúc thường không thể nào có can đãm nói ra. Lúc đó nàng mới thấy cái ngượng cùng đi với Dũng, nàng nói:

- Em đứng lại đây. Anh về trước đi.

Khách đã đứng đầy ở hiên, Dũng tiến lên thềm, cúi chào và bắt tay những người mới tới. Trúc giơ tay làm hiệu bảo Dũng lại gần: nội các bạn, Dũng chỉ mời có Trúc vì Trúc trông coi ấp của chàng bên Quỳnh-Nê, lui tới nhà chàng luôn luôn. Còn những bạn khác, biết là ông tuần không ưa gì họ, nên Dũng không cho ai biết tin. Cũng tại lẽ chàng thấy rằng tiệc thọ nầy mở ra không phải cốt mừng bà nội chàng, mà chỉ cốt để khoe sự giàu sang hãnh diện với mọi người, cho nên tự nhiên chàng thấy ngượng với các bạn và trong lúc mọi người vui vẻ tấp nập, một mình chàng khó chịu vô cùng.

Ông tuần thường luôn luôn nhắc chàng:

- Hôm ấy cụ thượng Đặng về, anh liệu mà giữ gìn ý tứ.

Ông lại cho Dũng biết hôm đó sẽ có bà tham Hiệu, người cô của Khánh cũng sang. Dũng hiểu là bà tham đến cốt để xem xét gia phong nhà chàng, và việc hôn nhân của Dũng với Khánh thành hay không là chỉ ở một lời nói của bà tham. Dũng nói chuyện ấy với Trúc vì chỉ có Trúc là hiểu chàng.

- Điều thứ nhất là tôi phải tỏ ý kính mến hai bà vợ lẽ của thầy tôi, như thế tỏ rằng cha đã biết phép dạy con, mà cha biết phép dạy con là mọi việc đều tốt cả mặc dầu các bà vợ lẽ ấy không tốt một tí nào với ai cả.

Trúc cười nói:

- Dễ dàng lắm. Hôm đó,anh cứ ngoan ngoãn như một cô con gái? Ai bảo sao làm vậy, ai bảo lễ đâu thì cúi đầu lễ đấy. Thế là thế nào cũng được vợ.

- Thế ngộ tôi không thích lấy vợ.

- Không thể được vì ông cụ đã nhất định thế rồi, mà ông cụ nhất định như thế thì phải như thế.

Hôm nay thấy Dũng ăn mặc quần áo ta, Trúc nhớ đến câu chuyện lấy vợ, mĩm cười. Chàng khẽ nói vào tai Dũng:

- Trông anh có vẻ chú rễ lắm rồi.

Lúc đó Loan vừa ở trong vườn đi ra. Trúc cúi chào và tự nhiên nghĩ thầm:

- Đáng lẽ kia là nàng dâu.

Đột nhiên hỏi Trúc:

- Anh có tin gì về Thái không?

- Không, nhưng hẵn là đi thoát vì đi đã hơn nữa tháng. Chắc qua khỏi biên giới rồi.

Dũng đưa mắt nhìn đám người chung quanh mình, những bộ mặt béo tốt, hồng hào như lộ vẻ vui sống, sống thỏa thuê mãn nguyện. Chàng thấy rằng chỉ có cảnh xán lạn trước mặt ấy là cảnh hiển nhiên có, là sự thực. Hình ảnh Thái đối với chàng mờ mờ như ở trong một giấc mộng xa xôi, giấc mộng ngao ngán đã qua hẳn từ lâu rồi.

Trúc hỏi Loan:

- Bây giờ cô mới sang?

Dũng quay qua phía Loan, chàng nhớ lại câu nói chưa hết của Loan lúc nãy khi nói đến chuyện ra Sầm Sơn:

- Năm ngoái hồi anh ra ngoài ấy...

Chàng vừa nhìn Loan vừa cố tưởng tượng ra đoạn sau của câu nói, tưởng tượng theo ý muốn của chàng. Mấy chấm vàng của nhị hoa trên mái tóc Loan khiến Dũng giật mình. Chàng quay đầu nhìn trong cái gương treo ở buồng khách: trong bóng tối, cái khung vuông của tấm gương in hình chàng và hình Loan với nền sân gạch nắng, chàng tưởng như là một cái cửa sổ mở ra một thế giới trong sáng.

Tiếng trống tế nổi lên, người nào cũng đứng ngay ngắn và nghiêm nét mặt lại như để chờ đón một sự gì rất quan trọng, hai người giả làm hạc chầu đứng hai bên hương án bắt đầu động đậy. Dũng nhìn bà nội mình ngồi trên sập và cơi trầu, khay rượu để ngay trước mặt. Khói trầm trong lư hương toả ra khiến Dũng có cái cảm tưởng rằng cụ như thể không phải là người còn sống nữa. Dũng không sao bỏ được cái ý tưởng so sánh cụ với một cây gỗ cỗi đem bày ra đấy chỉ để khoe khoang.

Dũng cúi lễ như cái máy; chàng thấy con cháu sụp lễ ở trên chiếu với cụ tổ mẫu ngồi ở trên sập không có liên lạc gì với nhau cả. Đối với hết thảy những người đứng xem tế thì lúc đó là lúc cụ Bang sung sướng nhất đời; cụ đương nhận cái phần thưởng quý hoá để tặng cụ đã có công dạy con nên người, làm rỡ ràng cả một họ. Dân làng đứng chung quanh, ai cũng hình như có vẻ thèm thuồng cái cảnh vinh dự ấy và nhận rằng đó là một cái phúc lớn nhờ ông tuần mới có.

Họ chăm chú đến ông tuần nhất, và nhìn vào bộ áo thêu rồng phượng của ông một cách kín cẩn. Xong một tuần tế,ông tuần về đứng chổ cũ thì chỗ ấy hình như sáng hẳn lên. Không ai để ý đến ông cả đứng bên cạnh; tự biết cái cảnh vinh dự nầy không phải ở mình nên ông cố hết sức đứng thu hình, mắt nhìn thẳng làm như để cả tâm hồn vào việc tế lễ nghiêm trọng, không nghĩ ngợi đến sự gì khác. Nhưng mỗi lần rời khỏi đám đông lên chuốc rượu, ông cả tự nhiên thấy lạnh ở hai vai và trên bộ áo tầm thường của ông, ông tưởng người ta trông thấy rõ cả cái tầm thường của đời ông.

Tế xong hai tuần, Dũng bắt đầu thấy chồn chân; chàng khoanh tay lại, nghiêng người và chống mũi giầy xuống nền gạch. Một ý nghĩ ngộ nghĩnh thoáng hiện đến làm chàng mĩm cười một mình; chàng muốn ấn một gót chân xuống gạch và xoay mạnh người hẳn một vòng xem sao. Chàng ngẫm nghĩ:

- Chắc là họ sẽ nhìn mình dữ lắm. Nhất cụ thượng Đặng và cô ả Khánh.

Chàng cố nhịn cười, mím môi và đưa mắt nhìn lên. Nền trời lúc đó, Dũng thấy như một tấm lụa trong; một con bướm trắng ở vườn sau bay vụt lên cao rồi lẫn vào màu trời. Dũng tự nhiên nghĩ đến một bãi cỏ rộng trên đó có Loan và chàng; hai người cùng đi ngược lên chiều gió; nàng mặc một tấm áo lụa trắng, và gió mát thơm những mùi cỏ đưa tà áo nàng phơ phất chạm vào tay chàng êm như những cánh bướm.

Dũng giật mình vì có người chạm vào vai,khẽ nói:

- Cậu ra lễ đi chứ, đứng làm gì đấy?