ĐẠI QUA BÍCH, vùng sa mạc giáp ranh Trung Nguyên và Mông Cổ.
Một lãnh địa khí hậu khắc nghiệt và huyền bí.
Ban ngày nóng như lửa.
Đêm đến lạnh thấu xương ...
Nhưng ghê gớm nhất trong vùng là Hồ Lưu Sa cát chảy cuốn thân người và Động Không Đáy chôn vùi bao hào kiệt.
Nhưng tại sao hàng trăm năm qua, những cao thủ võ lâm vẫn kéo nhau tới đó để "một đi không trở lại.".
Ma lực nào thu hút họ?
Họ muốn tìm kiếm gì giữa sa mạc mênh mông?
Nào ai biết được?
Chỉ biết rằng những tay chọc trời khuấy nước, những người võ học cao thâm
mỗi năm cứ ùn ùn đến đây để vợ con chẳng bao giờ còn được gặp.
Hôm nay ở Nhã Thập Đài có người thiếu phụ xinh đẹp đang mòn mỏi trông chồng, đứng ngồi không yên.
Nàng là Đỗ phu nhân sốt ruột chờ chồng, mà đứa con trai nhỏ cũng đi đâu chơi mất biệt.
Nàng kêu lớn:
- Nguyên nhi, Nguyên nhi ...
Tiếng kêu của nàng thoát ra khỏi ngôi nhà bạt kiểu Mông Cổ và lọt thỏm vào sa mạc, không nghe lời đáp.
Vì lúc ấy, đứa con trai của nàng là Nguyên nhi đang được bạn nó dìu đi
thất thểu. Nguyên nhi ốm nhom, xanh mướt còn bạn nó là Chí Cốc mập lùn
như cái hạt mít.
Chí Cốc và Nguyên nhi vừa bị đánh một trận tơi bời ngoài đụn cát. Tay giơ nắm đấm lên, Chí Cốc hằn hộc la lối:
- Đừng buồn Nguyên nhi, rồi có bữa ta sẽ cho thằng Ba Vương Tử phải quỳ xuống mà lạy ...
Nguyên nhi đưa cánh tay áo dính đầy cát lên quẹt ngang mắt. Nó ngoái nhìn lại đụn cát và lắc đầu:
- Không được đâu, Ba Vương Tử là công tử trong Ba Vương phủ, người của bọn chúng đông lắm.
Chí Cốc nhổ nước miếng xuống bãi cát:
- Hừm, lẽ nào ta lại sợ thằng Ba Vương Tử. Nó có ra quái gì đâu, chỉ dựa vào thế lực của cha nó.
Đang nói, bỗng Chí Cốc trỏ tay:
- A, hình như cha cậu đã về kìa. Đừng khóc nữa, tạm biệt, mai gặp lại nhé.
Trong lúc Chí Cốc chạy bay đi, Nguyên nhi ngước nhìn và thấy con lạc đà Bạch
Ngọc lông trắng như tuyết đang đi tới, đầu cúi thấp, trên lưng không một bóng người ...
Nguyên nhi liền chạy tới ôm lấy cổ con lạc đà:
- Bạch Ngọc, cha đâu?
Con lạc đà vẫn cúi đầu, đôi mắt như ngấn lệ.
Nguyên nhi lại vuốt ve nó:
- Bạch Ngọc, tại sao ngươi buồn? Ai ức hiếp ngươi?
Cậu bé nhảy thót lên lưng lạc đà:
- Thôi, ta đi về.
Cưỡi lạc đà đến trước ngôi nhà bạt, Nguyên nhi kêu lớn:
- Mẹ ơi, Bạch Ngọc trở về ...
Rèm cửa lập tức mở lên, Đỗ phu nhân đang mong chồng, nghe tiếng con là bước ra ngay.
- Cha con đã về chưa, Nguyên nhi?
Đứa bé lắc đầu:
- Không thấy cha, chỉ thấy Bạch Ngọc.
Thấy cậu bé nhảy xuống, con lạc đà trắng chui ngay vào nhà bạt. Hai mẹ con
theo vào nhìn Bạch Ngọc nằm phủ phục, đôi mắt nó đỏ hoe và những giọt
nước mắt tuôn chảy.
Phu nhân giật mình, nàng cúi xuống hỏi:
- Ông chủ đâu, Bạch Ngọc?
Lạc đà trắng lắc đầu, những giọt nước mắt vẫn tuôn rơi. Đôi mắt diễm lệ của Đỗ phu nhân mở lớn, sắc mặt trắng bệch ra, làn môi đỏ đã tái đi, run
rẩy:
- Bạch Ngọc, ông chủ không trở về nữa sao?
Nét buồn đau của con lạc đà đủ nói lên sự thật ghê gớm. Người thiếu phụ kêu lên thảng thốt:
- Trời ơi là trời, điều ta vẫn ngày đêm lo lắng thì hôm nay đã trở thành sự thật rồi ... Trời ơi ...
Nguyên nhi còn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó đến bên mẹ nũng nịu giật gấu áo, hỏi nhanh:
- Mẹ ơi, cha đâu? Mẹ sao thế?
Đỗ phu nhân dường như không còn nghe tiếng hỏi của đứa con thân yêu. Mặt
nàng ngây ra như điên dại. Nước mắt tuôn chảy ướt cả hai gò má.
Hoàng hôn phủ xuống từ lâu, trời tối hẳn ...
Trong nhà bạt vang lên tiếng khóc tỉ tê buồn thảm vô cùng.
Đèn chưa được thắp lên, trong nhà tối mò.
Nguyên nhi gục vào lòng mẹ, khóc rấm rứt. Đỗ phu nhân nước mắt oán hận chảy ròng ròng.
Nàng xoa nhẹ lưng đứa con trai:
- Con đừng khóc nữa. Cha con đã dặn rằng ngày nào Bạch Ngọc trở về một
mình không có cha con thì ngày đó cha con không bao giờ trở về với mẹ
con ta nữa.
Cậu bé run bắn người lên, đôi môi mấp máy:
- Mẹ à ... Cha ... cha không về ... tại sao?
Người thiếu phụ xinh đẹp lắc đầu lia lại:
- Mẹ làm sao biết được.
Nàng lại quay sang con lạc đà:
- Bạch Ngọc, ông ấy đi đâu?
Nàng hỏi cho có hỏi vậy thôi. Bởi nàng cũng biết con lạc đà không thể trả lời được câu hỏi ấy.
Nàng vỗ nhẹ vào đầu đứa bé:
- Nguyên nhi, địa vị của cha con trong võ lâm, những người bình thường
không thể sánh kịp. Nhưng con lại xanh xao, ốm yếu và ông đã từng dặn mẹ rằng:
"Nguyên nhi bẩm sinh đã có Tam Âm Tuyệt Mạch, nếu may mắn
sống được qua tuổi thì mẹ phải cố gắng nuôi con nên người, bỏ hẳn nghiệp võ, đừng dấn thân vào giang hồ đầy chông gai nguy hiểm.".
Thở dài một tiếng ảo não, nàng nói tiếp:
- Trong giang hồ võ lâm ai cũng biết cha con là Đỗ Nhất Phương mặc áo
xanh, cưỡi lạc đà trắng, rong ruổi với võ lâm. Ôi, việc của cha con thì
mẹ không biết nhiều. Nhưng cha con đã dặn rằng ngày nào ông không trở về thì mẹ con ta phải lập tức rời khỏi nơi đây.
Vừa thu dọn quần áo, nàng vừa hạ giọng nói:
- Mẹ sang từ biệt Trưởng lão, sẽ trở về ngay để chúng ta lên đường.
Rồi nàng lấy ra một sợi dây chuyền đen tuyền, mặt dây chuyền khắc vầng Thái Dương ló dạng ở phía đông. Sau mặt dây chuyền khắc hai chữ "Chỉ Lệnh".
Nàng đeo dây chuyền vào cổ Nguyên nhi, dặn dò:
- Lần này, mẹ con ta đi sẽ rất nguy hiểm. Nếu có gì xảy ra thì đây là
Linh Phù trước đây cha con thường dùng trên bước bôn tẩu giang hồ, ít
nhiều sẽ có tác dụng.
Vừa được đeo Linh Phù, Nguyên nhi đã đừng bật dậy, nghiêm trang:
- Mẹ à, con nhất định đi tìm cha.
Đỗ phu nhân ngơ ngác nhìn con, nước mắt lại tuôn trào:
- Con, con tìm cha ở đâu?
Thằng bé chưa kịp đáp thì bên ngoài đã có tiếng vọng vào:
- A Di Đà Phật ... Chào phu nhân nhà họ Đỗ.
Chớp mắt đã thấy một nhà sư xuất hiện ở cửa.
Đỗ phu nhân ngạc nhiên hỏi:
- Đại sư từ đâu tới?
Vị hòa thượng liền đáp:
- Bần tăng từ sa mạc đến đây.
Tinh thần chợt tỉnh táo, phu nhân dịu giọng:
- Đại sư tìm ai?
Hòa thượng chỉ Nguyên nhi, nói nhanh:
- Tìm cậu bé này.
Nguyên nhi tròn mắt nhìn lão hòa thượng, rồi ôm lấy phu nhân:
- Mẹ ơi, con không biết ông này.
Hòa thượng cười khà khà, bảo rằng:
- Mấy hôm trước bần tăng gặp Đỗ Nhất Phương ở Đại Qua Bích. Oâng ta gửi con trai là Đỗ Tống Nguyên cho bần tăng đưa đi.
Phu nhân mừng rỡ:
- Xin đại sư cho biết pháp danh và ngài đã gặp phu quân của thiếp ở nơi nào vậy?
Nhà sư chắp tay đáp:
- Pháp danh của bần tăng là Khô Trúc, mấy ngày trước bần tang gặp Đỗ thì chủ ở Đại Qua Bích như bần tăng vừa nói.
Nét hi vọng ngời lên trên gương mặt xinh đẹp, phu nhân hỏi tiếp:
- Vậy phu quân của tiện nữ đi về đâu rồi?
Hòa thượng Khô Trúc liền trả lời:
- Bần tăng không biết.
Đỗ phu nhân cười lạt, vẫn dịu dàng nhưng cương quyết:
- Phu quân của tiện nữ đã dặn:
Nhà họ Đỗ có Nguyên nhi để lo việc hương khói cho tổ tông nên tiện nữ không thể rời xa đứa con trai của mình.
Khô Trúc ngắm nhìn Nguyên nhi một lát, miệng lẩm bẩm:
- Ôi, đáng tiếc, đáng tiếc ... Tam Âm Tuyệt Mạch đã đến mức không thể cứu vãn, bần tăng đành bất lực. Bà đã nói vậy thì bần tăng đi đây.
Tà áo màu nho vừa phất lên, nhà sư đã mất hút như một cái bóng mờ. Người thiếu phụ xinh đẹp phải ngợi khen:
- Hảo công phu, khinh công trác tuyệt.
Rồi nàng thở dài:
- Lão tăng sẽ không trở lại.
Từ xa tiếng nói của nhà sư Khô Trúc còn vọng lại một câu khó hiểu:
- Thôi, Tiêu Dương về đi.
Tất cả lại chìm vào yên lặng nặng nề.
Sửa lại nếp y trang, phu nhân nói với đứa con ngồi trên tấm nệm:
- Nguyên nhi, mẹ phải sang chào Trưởng lão, con ngủ ngoan nhé.
Mở tròn đôi mắt với ánh nhìn đau khổ, Nguyên nhi không gật cũng không lắc, cứ lặng lẽ ngó theo khi mẹ nó ra ngoài.
Chờ mẹ mất hút trong bóng đêm một lúc lâu, Nguyên nhi lại ứa nước mắt, lẩm bẩm nói một mình:
- Mẹ ơi, con đành chịu bất hiếu.
Nó gói quần áo, lấy một ít thịt khô, chút đỉnh bạc rồi đến bên Bạch Ngọc và bảo con lạc đà trắng:
- Bạch Ngọc, chúng ta lên đường tìm cha.
Ngước nhìn Nguyên nhi bằng đôi mắt đỏ đầy ngấn lệ, Bạch Ngọc đứng lên, có vẻ phấn khởi.
Chờ con lạc đà ra ngoài, Nguyên nhi thót lên lưng Bạch Ngọc. Cánh tay nhỏ nhắn của cậu bé phẩy nhanh:
- Nào, chúng ta đi.
Lặng lẽ nhìn nơi nó đã từng sống bao năm, múc bầu nước đeo bên mình, vỗ vào
Bạch Ngọc làm hiệu. Con lạc đà đưa Nguyên nhi đi thẳng về hướng Đại Qua
Bích.
Gió cát từng đợt, đêm lạnh đến nỗi một giọt nước cũng biến thành băng, trong lúc ban ngày nóng hơn lò lửa, muốn nứt cả da thịt.
Cứ ngồi trên lưng lạc đà, Nguyên nhi thúc nó đi thật nhanh. Thời gian cứ trôi qua và cậu bé đã đi được ba ngày.
Bỗng Bạch Ngọc vươn cổ, có vẻ nghe ngóng ... Từ xa vọng đến những tiếng động ào ạt như muôn vật cọ xát vào nhau.
Cuồng phong đã nổi lên trong sa mạc, bầu trời mịt mù đầy cát.
Nhìn về phía trước, Nguyên nhi thấy cát vàng bay đầy trời ...
Từng đợt, từng đợt sóng cát dâng lên cuồn cuộn, cả một vùng biến thành hồ
cát luân lưu chảy xiết, với cuồng phong và sức mạnh kinh hồn. Ôi Lưu Sa, hồ cát dựng phong ba ...
Tuy nhỏ tuổi nhưng Nguyên nhi rất thông minh, nó lại đã nghe cha mẹ nói nhiều chuyện huyền bí trong sa mạc.
Ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu cậu bé:
"Phải rồi, mình đã lọt vào Hồ Lưu Sa xuất quỷ nhập thần, đã chôn vùi bao nhiêu võ lâm cao thủ ...".
Cậu vừa nghĩ vừa có ý đề phòng nhưng sóng cát đã ầm ầm xô tới, hết sức bạo liệt.
Nguyên nhi đập vào lưng lạc đà la lớn:
- Bạch Ngọc, chạy lùi mau, Hồ Lưu Sa đấy.
Con vật khôn ngoan cũng đã có cảm giác gặp nguy hiểm nên lập tức quay đầu chạy ngược ...
Nhưng muộn quá rồi.
Chân con vật bị lún sâu vào trong cát ... sóng cát dâng cuồn cuộn, sức di
chuyển khủng khiếp đẩy Bạch Ngọc và Nguyên nhi vào giữa lòng hồ.
Gió lạnh buốt thấu xương.
Trăng hạ huyền đã ngã về phía tây ...
Trong tai Nguyên nhi vang lên những tiếng ù ù. Cậu cảm thấy toàn thân bị chìm xuống, cát trôi ào ào đã lấp tới đầu gối Bạch Ngọc.
Aàm ầm, cát trong Hồ Lưu Sa càng chuyển động mạnh giữa cuồng phong và đợt sóng cát khổng lồ đang dựng dậy.
Nguyên nhi hoảng hồn, thét lớn:
- Bạch Ngọc, về ... về thôi.
Con lạc đà không thể cố gắng hơn được. Nó gào thét, giãy giụa, toàn thân
lắc lư. Nhưng nó càng quậy thì thân thể càng lún sâu vào trong cát.
Tiếng kêu vù vù càng lớn, cát bay loạn xạ đập vào trước mặt túi bụi, cậu bé
đứng lên ngã xuống liên tục nhưng hai tay vẫn ôm chặt cổ Bạch Ngọc.
Con vật gào lên như điên, mình nó vùng vẫy rất mạnh nhưng đành bất lực bởi sức cuốn hút bạo liệt của Lưu Sa.
Bạch Ngọc và Nguyên nhi bị sức gió lớn đẩy vào giữa lòng hồ cát, chẳng bao lâu đã mất hút trong vòng xoáy khiếp đảm.
Gió thổi điên cuồng, cát bay mù mịt.
Cho đến lúc vầng trăng hạ huyền hắt lên ánh sáng cuối cùng giữa những ngôi sao lấp lánh.
Gió bỗng lặng, cát thôi bay, hồ Lưu Sa như biến đâu mất, mặt cát bao la im
lìm như chưa từng xảy ra chuyện gì. Nhưng dưới tầng sâu của sa mạc,
Nguyên nhi và Bạch Ngọc đã biệt tăm.
Hồ Lưu Sa khủng khiếp như
vậy đấy và trong vùng sa mạc Đại Qua Bích này không ai biết đích xác hồ
Lưu Sa ở đâu. Nó giống như ma quỷ, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Những võ lâm cao thủ đi tìm bí mật gì đó trong vùng Đại Qua Bích, đã lạc vào
hồ Lưu Sa đúng lúc nó dậy sóng cát thì chẳng còn ai trở về.
Hồ
Lưu Sa đã được kể lại với truyền thuyết ly kỳ và kinh khủng ... Song
những người kể chuyện lại chính là những kẻ chưa từng nhìn thấy hồ Lưu
Sa chứ đừng nói chi dấn thân vào đó.
Vậy số phận của Nguyên nhi ra sao rồi?
Cậu bé ôm chặt cổ Bạch Ngọc, hít thở trong bộ bờm dày của nó một ít không khí để cố sức tiến dần trong cát.
Dần dần Nguyên nhi cảm thấy cát ấm phủ quanh mình, bên tai những âm thanh ào ào rất khó chịu.
Cậu nhắm nghiền mắt lại, toàn thân như bị sợi dây trói chặt rất khó xô
ngang, xoay trở. Áp lực đè mạnh bên ngoài của sóng cát dày làm cậu khó
thở. Những hạt cát vàng đã lấp đầy trong bờm lông con lạc đà và tuôn cả
vào lỗ mũi Nguyên nhi khiến cậu muốn nhảy mũi mà không được ...
Nguyên nhi kêu lên:
- Cha ơi, mẹ ơi ...
Cậu lả đi, mắt tóe hào quang như thấy hàng triệu con đom đóm, tay cậu ôm cổ Bạch Ngọc cũng từ từ lỏng ra.
Nguyên và Bạch Ngọc đã bị lấp trong hồ cát. Cậu ngất đi không biết đến bao lâu.
Bỗng ào một cái với âm thanh răng rắc kỳ dị, Nguyên nhi cảm thấy như bị nhấc bổng lên không trung lơ lửng. Tâm thần của cậu cũng lửng lơ mê muội
chẳng biết gì.
Lại chìm vào im lặng tất cả.
Yên lặng như một cảnh chết.
Thời gian trôi qua, Nguyên nhi thở dài một tiếng rồi từ từ tỉnh lại ... Cậu
nhận ra một vật gì lành lạnh trườn lên mình cậu. Cảm giác đầu tiên ấy
giúp cho Nguyên nhi biết là mình chưa chết.
Tiếp theo đó ... đôi mắt Nguyên nhi mở lớn ra nhìn.
Ôi, thật khủng khiếp.
Vô số những con rắn nhỏ màu trắng, thân dài gần thước, đang bò đi bò lại trên mình Nguyên nhi và không ngớt đùa giỡn.
Cậu rùng mình hoảng hốt, vội vàng ngồi dậy. Một cảm giác đau tê rần khắp
người, chỉ lát sau cậu lại ngã vật ra mê đi. Từ tai mũi Nguyên nhi chảy
ra những giọt máu tím đen.
Máu rỉ ra tới đâu, những con bạch xà
hút tới đó. Bên cạnh Nguyên nhi, Bạch Ngọc chưa tỉnh lại, trên thân nó
cũng đầy những con rắn dài non một thước.
Một lúc lâu sau, Nguyên nhi lại từ từ tỉnh ra. Cậu chuyển mình muốn ngồi dậy nhưng lực bất tòng tâm. Các khớp xương toàn thân đau ê ẩm như bị rời rã không thể nào ngồi dậy nổi.
Hình như cậu đang nằm trong một hang đá tối mò.
Nguyên nhi kêu lên nho nhỏ:
- Ôi, kỳ lạ thật.
Cậu cảm thấy lạ lùng bởi còn nhớ rằng mình và Bạch Ngọc bị vùi trong hồ cát Lưu Sa ...
Tại sao bây giờ lại nằm trong hang này?
Ai đưa ta tới đây? Còn bãi cát vĩ đại kia đâu?
Vừa nghĩ tới đó, Nguyên nhi lại thấy bầy rắn trắng lùi xa về phía sau. Lũ
bạch xà vừa đi, Nguyên nhi nhận ra trong người mình khí huyết cuộn sôi,
thân thể phát nhiệt, nóng hừng hực. Ngắm những ngôi sao lấp lánh trên
trời, Nguyên nhi lắng nghe những thay đổi trong cơ thể.
Và bỗng cơ thể cậu bé mát lạnh đi.
Cậu thấy rõ một con rắn trắng nhỏ, cặp mắt đỏ ngầu đang trườn trên rốn và
chuyển nhanh lên ngực. Miệng con rắn có ngậm một viên tròn bằng trứng
chim, màu đỏ sẫm.
Con rắn trườn rất nhanh, chớp mắt đã tới bên
miệng của cậu bé ... Nó cúi đầu mổ xuống một cái đã đút viên trứng màu
đỏ vào miệng Nguyên nhi.
Phản xạ tự nhiên làm Nguyên nhi ngậm
miệng lại, viên tròn biến thành một thứ nước sền sệt rất thơm, trôi tuột vào họng cậu bé. Lập tức Nguyên nhi thấy cơ thể nóng bừng lên.
Ôi, thứ thuốc quý gì đây, nó làm toàn thân Nguyên nhi nóng dữ dội, thân thể như muốn nổ tung để phồng lên to lớn.
Lát sau, cậu bé mê đi ...
Con bạch xà vừa đút thuốc thấy Nguyên nhi mê đi, nó bỗng phùng mang ngẩng
đầu phù một tiếng. Cả bầy bạch xà từ phía sau tiến đến, trườn lên mình
Nguyên nhi và không ngớt hà hơi trợ lực.
Kỳ duyên đã xảy ra thật lạ lùng ...
Được nuốt viên màu đỏ và bầy rắn hà hơi, thân thể nhỏ bé, yếu đuối của
Nguyên nhi như nở lớn, bắp thịt nổi cuồn cuộn. Bộ quần áo cậu đang mặc
phát ra những tiếng kêu như xé vải:
"Rẹt ... rẹt ...".
Chẳng bao lâu y phục của Nguyên nhi rách toạc cả, thân thể cậu lớn gấp đôi
một người lớn. Trong chớp mắt toàn thân co vào cho tới khi vừa tầm một
thanh niên thì ngừng lại.
Nguyên nhi thở một hơi dài, mở lớn mắt.
Con bạch xà nhỏ thấy Nguyên nhi đã tỉnh táo thì khè một tiếng như vui mừng và trườn xuống đất.
Cả bầy rắn khi ấy lùi xa, chớp mắt đã không thấy đâu nữa.
Trong hang chỉ còn lạc đà Bạch Ngọc mới tỉnh lại, Nguyên nhi và con rắn trắng nhỏ mới cho cậu bé nuốt viên thuốc thần kỳ.
Con bạch xà nhảy đứng lên, đuôi tì dưới đất, miệng phì phì mấy tiếng, đầu gật gật như muốn bảo Nguyên nhi đi theo nó.
Lúc này thần khí của Nguyên nhi như đã tăng lên gấp bội, tinh lực dồi dào,
liền thử cử động thì thấy toàn thân khỏe khoắn lạ kỳ, không còn đau đớn
gì nữa.
Trong lòng phấn khởi, chẳng e dè, đứng phát lên. Nào ngờ
vừa đứng lên nhìn xuống đã thấy toàn thân trần trụi, bởi Nguyên nhi đã
cao lớn bất thường, áo quần rách toạc hết, chỉ còn một mảnh đeo trên
vai.
Nhưng Nguyên nhi có được nỗi vui mừng là hình dạng ốm yếu
nhỏ bé ngày nào đã biến mất. Bây giờ cậu là một thiếu niên to khỏe với
những bắp thịt nổi vòng.
Bạch Ngọc cũng vừa tỉnh hẳn.
Thấy cậu chủ nhỏ đứng lên, nó cũng đứng dậy.
Con bạch xà thấy Nguyên nhi và Bạch Ngọc đã tỉnh táo thì mừng rỡ phun mấy
tiếng phù phù, co mình duỗi ra, tự bắn xa mỗi lần năm thước để lao nhanh về phía cửa hang.
Lúc này trong hang đã sáng hơn, Nguyên nhi
quay nhìn bốn phía thấy lòng hang khá rộng, nền hang đầy cát mịn, như
lúc cậu và Bạch Ngọc được kỳ duyên đưa vào nơi này đã mang theo cả cát
của hồ Lưu Sa. Trên nóc hang là đá liền khít, không một khe hở.
Bốn vách đá tiêu điều, mốc thếch, chẳng có thứ gì lạ.
Con bạch xà dựng đuôi làm chân, đứng thẳng lên thổi phù phù mấy tiếng như thúc giục.
Nguyên nhi cúi nhìn thân thể mình, nhăn mặt bật cười một tiếng rồi cùng Bạch Ngọc bám theo bạch xà ra cửa hang.
Ra khỏi hang Nguyên nhi mới thấy con đường uốn lượn ngoằn ngoèo rộng chừng hai thước, treo lơ lửng giữa không trung như chiếc cầu bằng đá.
Cậu nhìn xuống phát rùng mình bởi bên dưới là vực sâu thăm thẳm không thấy
đáy, trên dưới có hàng chục con đường bằng đá treo để nối thông với
những vách đá và hang sâu.
Xem ra như vậy đây là một động sâu
không có đáy, bề của hang thật thênh thang. Trong động có nhiều lối đi
và nhiều cửa hang trên vách đá như tổ ong. Động này chắc đã có người ở
và bàn tay người cùng xây dựng cảnh thiên nhiên.
Vừa nhận xét vừa suy nghĩ, Nguyên nhi bước theo con bạch xà hướng dẫn. Lát sau đã tới
một cửa hang hình tròn, có bậc đá đi xuống. Lần theo những bậc thang
bằng đá, khoảng thời gian uống hết nửa bình trà, Nguyên nhi bỗng thấy
ánh sáng rực rỡ và một căn phòng lộng lẫy.
Giữa phòng là một đạo nhân ngồi trên chicế bồ đoàn.
Đạo nhân đội khăn Cửu Lượng màu xanh, thân mặc đạo bào xanh, chân đi vân hài, bộ tướng thật phong nhã.
Gương mặt vị đạo nhân như trăng rằm, đôi mắt hiền từ, bộ râu dài tận ngực.
Tay phải của đạo nhân co lên, giữa ngón trỏ và ngón cái kẹp một mẫu vải. Tay trái cầm một chiếc tiêu màu đen bóng, dài khoảng một thước, đặt
ngang đầu gối.
Nguyên nhi đoán đạo sĩ là chủ nhân trong động nên vội quỳ lạy và nói lớn rằng:
- Tiểu bối là Đỗ Tống Nguyên, vì bất cẩn bị cuốn vào hồ Lưu Sa, không rõ vì sao đến được nơi này. Mong ngày không quở mắng.
Vị đạo nhân không nói gì cả, Nguyên nhi nhắc lại câu nói đến lần thứ ba mà đạo nhân vẫn trơ trơ. Cậu bé vội liếc nhìn mảnh vải trong tay lão đạo
thấy có những hàng chữ rõ ràng:
"Người có kỳ duyên vào trong động này nếu không có ước vọng quá lớn, biết tự nguyện giúp đời thì cầm lấy
chiếc băng tiêu này để trừ gian diệt ác.".
Nguyên nhi rất thông minh liền nghĩ:
"Chắc vị đạo nhân này đã tịch hóa lâu rồi ...".
Quả thật lão đạo đã viên tịch bằng tam muội chân hỏa nên tuy không còn sự
sống mà thân thể không bị nát rữa, cứ ngồi nguyên như pho tượng mà người ta gọi là Pháp Tướng ...
Cậu liền quyết theo ý nguyện của người đã khuất nên quỳ lạy pháp tướng đạo nhân miệng nói lớn, vang trong vách đá:
- Cầu Thiên Tiên Đạo Trưởng chứng giám, Nguyên nhi xin thề cố gắng, nhất định hoàn thành ý nguyện của ngài.
Khấn vái xong, Nguyên nhi đứng dậy, rút lấy chiếc băng tiêu trong tay pháp tướng đạo nhân.
Chiéc Băng tiêu màu đen lạnh toát, nơi đầu có khắc những chữ nhỏ:
"Tàn Băng Tiêu".
Bỗng Nguyên nhi cảm thấy luồng khí lạnh từ Băng Tiêu tỏa ra, xâm nhập bàn
tay và truyền nhanh khắp người. Cậu hoảng hốt buông lỏng bàn tay làm
chiếc Băng Tiêu rơi xuống.
Choeng một tiếng như sự va chạm giữa
ngọc và vàng, ngân vang khắp động, đất đá bay tung. Khi yên tĩnh trở
lại, Nguyên nhi thấy chỗ Băng tiêu rơi xuống khoét một lỗ bằng miệng
chén, sâu hoắm.
Cùng với tiếng động, trong Tàn Băng Tiêu văng ra một mảnh giấy cuộn thành một cuộn tròn.
Nguyên nhi chụp ngay cuộn giấy mở ra xem.
Trên đầu mảnh giấy trải rộng ra có đề những chữ "Tuyệt học của Thanh Thành
võ công. Thập nhị tiêu đạp gió gọi mây" ... Phía dưới vẽ mười hai sơ đồ
tinh tế gồm những chiêu mới nhìn qua thật đơn giản, song kỳ thật ẩn chứa vô cùng phức tạp, mỗi chiêu bao hàm rất nhiều thức.
Khi ấy bạch
xà ở phía sau lại thổi phù phù, Nguyên nhi liền lấy chiếc túi trên vách
đá bỏ Băng Tiêu vào, đeo trên vai, bước nhanh theo bạch xà qua phòng
khác. Con lạc đà Bạch Ngọc đứng lại chờ.
Vừa sang phòng bên cạnh, mắt Nguyên nhi đã hoa lên.
Cậu phải kêu:
- Ôi, thật là tuyệt trần ...
Đúng là tuyệt trần và diễm ảo.
Bởi trên vách đá của thạch phòng này có rất nhiều mô hình thể hiện các
chiêu thức võ công. Mô hình làm bằng những thứ châu ngọc, đá quý ở thế
gian hiếm có. Ánh sáng từ những mô hình tỏa ra nhiều màu sắc có thể
khiến người thượng bị loạn thị. Trên nền phòng ngủ tấm thảm bằng da thú, chẳng biết loài nào mà có lớp lông dày, bước vào lút tới đầu gối, êm
mịn vô cùng, dùng làm nơi luyện võ công thật tuyệt.
Thạch phòng này quá rộng rãi, ở giữa là một bàn đá màu đen bóng láng, lấp lánh kỳ lạ.
Sát vách phòng là một tủ sách được đục lõm trong đá. Hai bên giá sách có
cẩn hai viên ngọc lớn phát quang sáng chói ngời, khiến nơi giá sách lúc
nào cũng đầy đủ ánh sáng để đọc sách.
Tầng trên cùng của giá sách có chiếc hộp bằng thủy tinh tỏa sáng, bên trong có cuốn sách nhỏ bìa vàng.
Tầng giữa là mười hai tập sách dày, mỗi gáy sách đều ghi ký hiệu. Tầng dưới
cùng loại xếp đặt mười hai hộp thuốc bằng ngọc, trên nắp hộp đều đánh
dấu.
Liếc nhìn trên mặt bàn đá bóng láng, Nguyên nhi thấy có chiếc khăn vải đề những chữ:
"Thiên Ảo Tử - Tây Du Kê Thủ Gởi người có kỳ duyên vào động này ...".
Nguyên nhi đã ngây người ra, từ khi bước vào thạch phòng diễm ảo này, thật là choáng ngộp.
Cậu lẩm bẩm:
- Ôi, đây là cảnh thiên tiên chứ trền gian chẳng thể nào có được.
Bàng hoàng một lúc rồi Nguyên nhi vái lạy mấy lạy, trân trọng đặt vật quý là chiếc Tàn Băng Tiêu lên mặt bàn đá.
Nguyên nhi nhìn lại chiếc khăn, bỗng nói nhỏ một mình:
- Thiên Ảo Tử là ai mà kiến tạo được vùng địa huyệt kỳ quan huyền diệu và võ công thể hiện trên những mô hình quý báu. Ôi, thật đời ta có kỳ
duyên nên mới lọt vào chốn này.
Cậu cầm lấy chiếc khăn, săm soi những chữ và hình ảnh rất linh hoạt của cao nhân thời xưa để lại.
Càng xem Nguyên nhi càng cảm thấy ly kỳ ...