Đoạn tuyệt

Phần 4

Loan lại tìm đến phố Dũng ở. Vì hôm đó trời nắng ráo, nên hai dãy nhà trông bớt vẻ tồi tàn. Loan tò mò nhìn vào trong mấy gian nhà tối trăm, lạnh lẽo. Thấy từng gia đình lúc nhúc trong bóng tối, trong khi ở ngoài trời nắng mới, ánh sáng rực rỡ phất phới trên lá cây. Loan bùi ngùi liên tưởng đến những người tự dấn thân vào một cuộc đời ảm đạm, đi bên cạnh những sự vui sướng trời đã dành riêng cho mà vô tình không biết. Rồi Loan nghĩ đến chính thân mình: đời nàng xoay về ngả nào chỉ lát nữa nàng sẽ rõ; nàng đương ở một ngã ba, hiện giờ còn lưỡng lự chưa biết bước theo con đường nào. Hai cảnh đời vẽ ra trước mắt nàng, một cảnh đời nàng thấy lộng lẫy, nhưng chất đầy những sự nguy hiểm, nàng còn sợ chưa dám cả gan bước vào, và một cảnh đời bằng phẳng đầy những sự tầm thường nhỏ mọn mà có lẽ là cảnh đời của nàng về sau đây.

Loan gửi thư cho Dũng đã được bốn hôm mà chưa có thư trả lời. Tuy Loan cho bức thư của mình là vô nghĩa lý, nhưng nàng vẫn lấy làm khó chịu nếu bức thư kia bị thất lạc.

Lúc đến cửa nhà Dũng, nhìn vào không thấy ai, Loan cứ đi thẳng qua sân, toan lên gác. Một đứa bé chạy vội ra cản:

- Cô hỏi ai?

- Tôi hỏi ông Dũng.

- Ông Dũng vừa đi.

- Ông ấy đi đâu em có biết không?

Đứa bé đáp:

- Tôi không biết.

- Ông ấy đi có dặn em bao giờ về không?

- Không, ông ấy không dặn, vì ông ấy đi không về nữa: ông ấy đã trả lại nhà rồi.

Loan thất vọng, nhưng thấy đứa bé hay hay, liềm mỉm cười bảo:

- Thế sao em không bảo ngay là ông ấy không ở đây nữa có được không?

Đứa bé đưa mắt tinh quái nhìn Loan:

- Cô cần gặp ông ta? Cô đến đòi nợ?

Loan cười:

- Sao em biết?

- Vì từ hôm ông ta đi, tôi chỉ thấy toàn khách đến đòi nợ.

- À ra thế, nhưng tôi không phải là khách nợ.

Rồi bỗng vụt có ý muốn lên xem lại gian buồng của Dũng ở, Loan bảo đứa bé:

- Tôi muốn thuê cái buồng ở gác trong. Lên xem có được không?

- Được, cô cứ lên, cô thuê để ở?

Loan đứng dừng chân ở thang, thân mật hỏi đứa bé:

- Ba hôm trước, em có thấy ông Dũng nhận được cái thư nào không?

- Có, ông ấy có nhận được thư. Chính hôm ông ấy sắp đi.

- Cái thư màu xanh có phải không em?

- Tôi không biết, vì có đến ba, bốn cái.

Nàng hồi hộp bước lên thang gác, rồi đứng tựa vào bao lơn đưa mắt nhìn quanh. Trong gian phòng lạnh lẽo chỉ còn trơ lại cái giường ngủ trên trải chiếc chiếu cũ nát. Nhìn thấy ở góc buồng có một bộ ấm chén và cái đèn cồn. Loan trỏ tay hỏi đứa bé:

- Cái này của ông Dũng?

- Vâng, nhưng ông ấy cho tôi cả. Chắc là đi xa, ông ấy không muốn đem đi.

- Em có biết ông ấy đi đâu không?

Đứa bé lắc đầu. Loan giả vờ hỏi giá tiền thuê buồng rồi đến ngồi trên giường, đưa mắt nhìn đám giấy vụn vứt ở dưới chân. Bỗng nàng cúi xuống nhặt mảnh phong bì màu xanh vứt lẫn trong đám giấy, nàng hồi hộp lật lên coi, nhưng không phải là chữ nàng viết. Nàng hỏi đứa bé:

- Sau khi ông Dũng đi, em có thấy thư nào đưa đến nữa không?

- Có, nhưng đều trả lại người đưa thư.

Loan chỉ cái gương nhỏ treo ở tường:

- Cái gương này của ông Dũng?

Đứa bé đáp:

- Vâng, nhưng sao cô hỏi tỉ mỉ thế? Cô có định thuê không?

Loan cười không đáp, rồi đi lại ngắm bóng mình trong gương. Bỗng nàng luôn luôn chớp mắt cảm động, nàng nghĩ đến rằng cái gương này trước kia không biết đã bao lần in bóng người nàng yêu, mà có lẽ bấy lâu chỉ in những vẻ mặt đau đớn, ưu tư của người đó. Nay người soi gương đã đi xa, thật xa... và bỏ nàng lại với những ngày dài đằng đẵng của một đời mà nàng chắc là buồn tẻ, đìu hiu. Nàng chưa từng thấy bao giờ yêu Dũng một cách tha thiết như lúc đó. Nàng quay lại hỏi đứa bé:

- Cái gương này ông Dũng cũng cho em?

- Vâng.

- Em cho chị xin. Chị cho em một hào ăn quà.

Rồi nàng dúi một hào vào tay đứa bé còn ngơ ngác ngạc nhiên về cử chỉ của Loan. Loan bọc gương vào trong một tờ giấy, rồi xuống gác, mặc đứa bé muốn nghĩ ra sao thì nghĩ.

Ra đến ngoài phố, nàng như sực tỉnh một giấc mơ và thấy sự thực hiện ra rõ ràng như cảnh vật dưới ánh nắng trước mặt nàng lúc đó. Nàng lắc đầu lẩm bẩm:

- Thôi ta để mặc anh Dũng đi với cảnh đời gió bụi của anh, yêu nhau đành chỉ yêu nhau trong tâm hồn, còn mỗi người một ngả, người nào sống riêng cuộc đời người ấy.

Nàng chán nản thở dài.

- Thế là hết...

Loan đi rẽ lên đê Yên Phụ. Gió bãi thổi làm quần áo Loan phất phới. Tay giữ chặt lấy khăn san, nàng đi ngược lên chiều gió, hai con mắt buồn bã nhìn ra phía sông.

Sau mấy rặng xoan thưa lá, dòng sông Nhị thấp thoáng như một dải lụa đào. Bên kia sông gió thổi cát ở bãi tung lên trông tựa một ám sương vàng lan ra che mờ mấy cái làng con ở chân trời. Xa nữa là dãy núi Tam Đảo màu lam nhạt, đứng sừng sững to tát nguy nga, ngọn núi mù mù lẫn trong ngàn mây xám.

Loan đưa mắt nhìn một cánh buồn in trên nền núi xanh, nghĩ đến những cuộc phiêu lưu hồ hải ở nơi nước lạ, non xa. Loan ao ước được ở một chiếc thuyền kia tháng ngày lênh đênh trên mặt nước, mặc cho nó đưa đến đâu thì đến, để xa hẳn cái xã hội khắt khe nàng đương sống.

- Trốn!

Nghĩ đến rằng ở trong cái thuyền nhỏ ấy chắc lại thấy đủ các thứ khó chịu của xã hội kia, Loan mỉm cười thất vọng. Cái thuyền ấy biết đâu lại không phải là cái nhà tù trôi nổi...

- Trốn không được thì chỉ có một cách là can đảm nhận lấy cái đời hiện tại của mình, nhìn sự thực bằng đôi mắt ráo lệ không phiền muộn, không oán hờn, mạnh mẽ mà sống.

Loan vừa đi vừa nghĩ đến sự quyết định của đời nàng, lên đến phố hàng Đậu lúc nào không biết.

Bỗng nghe tiếng gọi bên kia rìa phố; nàng giật mình trông sang thấy Thảo đi tới với một người đàn bà mặc áo đen quần lãnh mà mới thoạt trông dáng điệu, Loan đã biết ngay là cô cả Đạm, bạn láng giềng ngày trước của nàng.

Thảo hỏi Loan:

- Chị đi đâu về thế?

- Em vừa lại đằng người quen ở bờ sông về.

Rồi Loan quay lại hỏi cô cả Đạm:

- Chị ở Hưng Yên lên bao giờ?

Cô cả Đạm trả lời:

- Tôi mới lên sáng nay. Lên xem hội chợ. Vừa lại đằng nhà chị rủ chị đi, nhưng không gặp.

Loan giật mình:

- Ra năm nay có hội chợ, mà tôi quên bẵng đi đấy.

Thảo đứng chăm chú nhìn Loan một lúc, rồi nói:

- Sao chị Loan độ này bơ phờ thế kia, trông như người mất hồn.

Loan làm bộ ngơ ngác:

- Thế à! Em có làm sao đâu.

Nàng gượng tươi cười cố nói lấy giọng vui vẻ:

- À, hay có lẽ tại nay mai em sắp lấy chồng nên như thế chăng?

Rồi nàng nghiêm trang:

- Đến hôm nào có việc em, hai chị đi giúp em nhé. Một đời chị em, em nhờ nhau có lúc ấy thôi.

Cô cả Đạm nói:

- Bao giờ thế? Em sẽ về mừng chị.

- Có lẽ vào độ Tết.

Thảo chỉ đứng nhìn Loan đăm đăm không nói. Thấy vẻ mặt tiều tụy của Loan, lại thấy Loan nói sắp lấy chồng, Thảo nghĩ ngay đến Dũng, liền hỏi Loan để dò ý:

- Chị Loan đã biết tin anh Dũng đi rồi chưa?

Loan như người vô tình, thẫn thờ hỏi:

- Anh ấy đi rồi à? Chị có biết anh ấy đi đâu không?

Thảo đáp:

- Anh ấy đi đâu thì có trời biết.

Loan quay lại nói với cô cả Đạm:

- Hay chúng mình ra xem hội chợ đi.

Khi ba chị em đến hội chợ, thì vừa gặp lúc đông người đến xem. Loan không nghĩ gì đến các thứ hàng bày. Trong lúc Thảo và cô Đạm mải ngắm các cửa hàng thì Loan đưa mắt nhìn ra chỗ người qua lại. Thấy những bầy thiếu nữ lượn qua, tươi tắn, hồng hào trong những bộ quần áo màu rực rỡ, Loan nghĩ thầm:

- Họ tươi cười thế kia, vẻ mặt hớn hở như đón chào cái vui sống của tuổi trẻ, nhưng biết đâu lại không như mình ngấm ngầm mang nặng những nỗi chán chường thất vọng về cái đời tình ái, hay bị những nỗi giày vò nát ruột gan ở trong gia đình. Nhưng họ vẫn vui, vẫn sống, không lẽ mình lại không như họ được.

Rồi Loan nhìn cô cả Đạm, hồi tưởng lại năm năm trước đây, khi cô ta còn là một thiếu nữ đào tơ mơn mởn, có tiếng là một hoa khôi Hà Thành. Ai ngờ bây giờ chỉ còn là một nạ giòng, quê mùa dơ bẩn, ăn nói vào khuôn phép, sống bó buộc trong sự phục tùng. Loan nghĩ: biết đâu rồi sau này mình không thế.

Tuy chuyện đã xảy ra từ hồi Loan mới mười ba tuổi mà nàng còn nhớ rõ: cô cả năm mười sáu tuổi bị cha mẹ ép gả cho con một ông chánh tổng giàu có ở quê. Chồng cô ta là một người không ra hồn người, nhưng cha mẹ cần gì sự đó, miễn nhà giàu là được, còn cô thì thơ ngây chưa hiểu ra sao. Khi về nhà chồng, mấy lần bị mẹ chồng đánh chửi thậm tệ, mấy lần bỏ trốn về nhà bố mẹ đẻ. Nhưng lần nào bố mẹ cô cũng đuổi cô về nhà chồng. Nhưng bây giờ thì cô cả Đạm đã thuần thục vào khuôn phép, được tiếng là dâu thảo, nhưng nhẫn nhục đau khổ ngấm ngầm, chịu phí cả bao năm thanh xuân quý nhất trong đời.

Loan mỉm cười chua chát:

- Nhưng phí đời mình như thế để làm gì? Để lại sống theo cái khuôn cũ của mẹ chồng, rồi nếu sau này có con dâu lại sẽ bắt nó theo khuôn mình và làm khổ, làm phí cả đời nó như trước kia mẹ chồng mình đã lãng phí đời mình. Thật là cái vòng lẩn quẩn, cái dây xúc xích dài không bao giờ hết.

Loan đứng dậy trầm ngâm với những ý tưởng chua cay ấy, thì Thảo, nhân khi cô cả Đạm bận nói chuyện với một người quen, đến vịn vai, hỏi khẽ:

- Thế nào, chị nhất định về việc ấy rồi à?

- Vâng, em đã nhất định. Thấy Thảo chưa tin, Loan nói.

Loan thở dài nói tiếp:

- Em khổ lắm chị ạ.

Tuy Loan chưa nói vì cớ gì, nhưng Thảo cũng rõ nỗi lòng của Loan, dịu dàng bảo bạn:

- Chị cố nén vậy. Xưa nay chị vẫn là người có nhiều can đảm.

Rồi hai người đứng lặng nhìn nhau, cùng cảm thấy những sự khốn khổ ở đời, trong khi chung quanh mình biết bao nhiêu thiếu niên nam nữ nhởn nhơ diễu lượn, hớn hở, trên môi điểm nụ cười vô tư và tha thiết trong lòng mơ mộng một cuộc đời ân ái, toàn đẹp, toàn vui.