Vì đã nhứt định trước rồi, nên sáng bữa chủ nhựt cả nhà Thuần đều thức dậy sớm, đặng sửa soạn đi Long Hải thăm cô Quý.
Thuần thay đồ rồi trước, dòm cô Hòa với cô Vân còn trang điểm, coi thế cả giờ nữa sắp đặt hành lý cũng chưa xong, Thuần bèn lấy xe chạy ra Sài Gòn. Cô Hòa nghe xe chạy thì hỏi:
- Ủa! Ði đâu đó vậy kìa?
Cô Vân sợ bạn phiền nên nói bừa:
- Chắc anh Thuần đổ xăng thêm hay là ra hãng lấy đồ chớ gì.
- Hồi hôm có nói đổ xăng đầy rồi mà.
- Nếu vậy thì chắc ảnh đi lấy đồ gì đó... Chị thấy không. Bữa hôm tôi mới nói sơ sịa, mà ảnh đã đổi ý bộn rồi. Ảnh hứa với tôi anh sẽ đuổi cô đánh máy, thiệt qua bữa sau ảnh đuổi liền. Hôm qua ảnh lại nói ảnh đương kiếm người mà phú quyền Tổng lý trong hãng đặng anh rảnh rang mà lo cho vợ con. Ảnh đối đãi với chị như vậy đó thì đủ thấy ảnh yêu chị lung lắm. Vậy chị chẳng nên phiền trách ảnh nữa mà ảnh buồn.
- Tôi cảm ơn chị nhiều lắm. Nhờ có chị nói nên bữa rày mới được như vậy đó, chớ hồi trước coi bộ như quên vợ con hết.
- Tại ảnh mắc chăm chú về cuộc làm ăn, ảnh không để ý tới việc khác. Chị có chỗ nào không vui thì chị tỏ thiệt cho ảnh hay biết. Nếu chị phiền mà không chịu nói ra thì ảnh biết ngứa chỗ nào mà gãi.
- Nói làm chi. Người có học thức, tự nhiên biết phân biệt chỗ phải chỗ quấy, người thiệt có lòng thưong vợ con, tự nhiên lo cho vợ con luôn luôn, cần gì phải nhắc!
- Vợ chồng phải đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng tình, thì gia đạo mới thuận hòa, làm ăn mới phấn chấn. Vậy tôi xin chị cũng phải đổi tánh, hễ có việc chi không vừa lòng, thì nhỏ nhẹ mà tỏ với ảnh, chớ đừng hờn mát giẫn lẩy rồi ôm ấp phiền não trong lòng.
- Tánh tôi khác hơn người ta lắm, tôi phiền, tôi không muốn nói ra.
- Với thiên hạ thì không hại gì, chớ đối với vợ chồng mà chị phiền chị không chịu nói ra, thì vợ chồng làm sao vui vẻ mà ở đời với nhau cho được. Mà bây giờ chị còn phiền ảnh về chỗ nào nữa hay không nè?
- Không. Bây giờ tôi không còn phiền nữa.
- Ờ, nếu được vậy thì tôi mừng lắm. Từ rày sắp về sau hễ có phiền thì nói ngay ra cho ảnh biết.
Hai cô sửa soạn rồi, con xẩm thay đồ cho bé Hậu cũng vừa xong, thì xe của Thuần trở về tới.
Thuần vô nhà cười ngỏn ngoẻn và hỏi:
- Sửa soạn đã xong rồi hay chưa? Bảy giờ rồi, đi sớm cho khỏi bị nắng.
Cô Hòa đáp:
- Chị em tôi xong rồi hết. Tại mình còn đi ta bà nên trễ, chớ có phải tại chị em tôi đâu.
- Tôi chạy ra Sài Gòn mua bánh mì sốt đem theo ra Long Hải ăn. Hồi hôm tôi thấy đồ hộp mình mua ít quá, nên tôi phải mua thêm, chớ ở chơi đôi ba bữa mà mua có mấy hộp, ăn sao đủ?
- Mình tính ở chơi lâu hay sao?
- Tự ý mình, muốn ở ba bốn bữa cũng được.
- Vậy tôi tưởng ra chơi một bữa rồi sáng mai về, tôi có dè đâu. Ở ba bốn bữa rồi mình bỏ hãng ai coi?
- Tôi dặn thầy hai Tịnh rồi hết, thầy thế đỡ cho tôi được. Còn như có việc gì quan hệ thì thầy kêu dây thép nói cho tôi hay.
- Nếu được như vậy thì tiện lắm. Ở chơi với chị hai vài ba bữa cho chỉ vui.
Bây giờ cô Hòa hết quạu nữa, cô kêu bồi bếp mà dặn coi nhà, rồi hối cô Vân đi. Bồi với sớp-phơ[1] đem va ly lên xe. Thuần sắp con xẩm ngồi trước với sớp phơ, còn Thuần ngồi phía sau với vợ con và cô Vân.
Xe ra khỏi nhà, Thuần kêu sớp phơ mà dặn:
- Tư a, chạy cho kỹ lưỡng, nghe không. Cô mầy có bầu đừng có chạy mau lắm.
Cô Vân ngó cô Hòa cười và nói:
- Anh Thuần biết lo cho vợ lắm chớ.
Thuần cười mà đáp:
- Ấy là phận sự của người chồng, có chi lạ đâu.
Cô Hòa ngồi lặng thinh, chồng lo cho cô mà coi bô cô không cảm tình chút nào hết.
Vì xe chạy chậm nên 9 giờ rưỡi mới ra tới Long Hải. Xe ghé vô nhà mát Minh Nguyệt, là chỗ cô Quý mướn hứng gió.
Cô Quý ra cửa chào mừng. Cô Hòa tiến dẫn cô Vân cho chị biết. Cô Quý vui vẻ tiếp khách, ôm bé Hậu mà hôn, rồi mời hết vô nhà; câu chuyện hàn huyện nói vừa xong, thì ba cô sang qua câu chuyện quần áo, coi thế khó dứt. Thuần không cần phải biết tiệm nào bán hàng rẻ, thợ nào may áo khéo, bởi vậy ngơ ngáo một hồi rồi đội nón dắt bé Hậu ra bãi biển đi chơi cho đến 11 giờ. Cô Hòa sai con xẩm đi kêu, cha con mới chị trở về ăn cơm trưa.
Gần 4 giờ chiều, nước lớn, gió ngoài khơi thổi vô lao xao cuốn mặt biển thành vồng[2] rượt nhau tấp lên bãi rồi rã tan phun bọt trắng xoá. Nam thanh nữ tú, tốp 5 tốp 3, dắt nhau đi dọc theo bãi mà chơi, người nói cười cười, kẻ kiếm cua kiếm ốc mà cũng có người đứng im lìm ngó mông ra biển, dường như muốn tính coi trời cao mấy độ, biển rộng mấy ngàn.
Thuần bèn rủ mấy cô xuống bãi đi hứng gió, Thuần dắt bé Hậu đi trước ba cô thủng thẳng theo sau. Xuống tới mé nước, bé Hậu muốn chạy theo hớt bọt mà chơi. Thuần biểu con Xẩm lột hết quần áo giầy vớ của con, rồi để thong thả cho giỡn với nước, cứ đi theo coi chừng, đừng cho nó ra ngoài sâu mà thôi.
Trước mặt sóng bủa lao xao, bên mình gió phất mát mẻ. Thuần với ba cô đi chơi, trong lòng khoẻ khoắn, ngoài mặt tươi cười. Ði được một hồi bỗng gặp Ðốc tờ Huỳnh. Thuần quen nên bắt tay chào và hỏi:
- Xe của ông sửa rồi, bây giờ máy chạy êm không?
- Êm lắm, không có dục dặc[3] nữa. Tôi cám ơn ông.
- Ông ra ngoài nầy hồi nào?
- Tôi ra hồi hôm.
Ðốc tơ Huỳnh nói chuyện mà mắt ngó cô Vân trân trân. Ông là một người vui vẻ, lại có tánh ưa nói chuyện với đàn bà con gái, bởi vậy ông xin Thuần làm ơn tiến dẫn ba cô cho ông biết, Thuần liền trình diện chị và vợ. Chừng tới cô Vân, Thuần nói:
- Cô Vân đây là chị em bạn học với nhà tôi; cổ[4] ở dưới Tân An lên thăm, rồi nhà tôi mời ra ngoài nầy hứng gió chơi ít bữa.
Ðốc tơ Huỳnh cúi đầu chào từ cô. Chừng tới cô Vân, ông nghe Thuần tiến dẫn như vậy, thì ông cười mà nói với cô Vân:
- Tôi lấy làm may mắn mà được biết cô. Xin lỗi cô, không biết cô ở Tân an vậy cô ở tại chợ hay là ở trong làng?
- Dạ, thưa em ở dưới Kỳ sơn.
- Kỳ Sơn... Kỳ Sơn là chỗ nào mà tôi không biết?
- Thưa Kỳ Sơn ở theo đường Tham Nhiên, cách Châu Thành Tân An 5 cây số.
- Chắc ông ở nhà là điền chủ, nên cô mới ở trong ruộng như vậy chớ gì.
- Thưa em không có ông nhà nào hết.
- A, xin lỗi cô tôi đoán lầm. Tôi không dè cô chưa có chồng.
- Thưa, ông có lỗi chi đâu mà xin. Theo đời nay mấy ông có học thức đều bu ở chốn thị thành hết thảy. Ông nghe em ở trong ruộng rẫy, tự nhiên ông tưởng chồng của em là ông chủ nhà quê, nghĩ không lạ gì.
- Tôi tưởng lầm, mà tôi mừng lắm đó cô!
- Xin ông cho em biết coi tại sao ông lầm mà ông lại mừng.
- Tôi mừng là vì tướng mạo thanh nhã như cô rủi có chồng ở dưới ruộng thì uổng lắm vậy.
- Theo lý thuyết của ông, thì người ở ruộng không được phép cưới vợ thanh nhã hay sao?
- Tôi nói "uổng", chớ không phải nói "không được phép".
- Ở đâu cũng có kẻ khôn người dại, chớ không phải người ở ruộng đều dại hết, hay là ở thành thị đều khôn hết. Em xin ông đừng khinh bỉ người ở ruộng tội nghiệp cho họ.
- Cô binh vực mấy cậu nhà quê quá! Tôi chắc cô sẽ lấy chồng nhà quê.
- Luận nhân vật là một việc, còn lấy chồng là một việc khác nữa. Hai việc ấy không dính líu gì với nhau hết.
- Nếu vậy thì tuy cô binh vực người nhà quê, song lấy chồng thì sẽ chọn người trí thức phải không?
- Sự lấy chồng em chưa nghĩ tới, mà chắc dầu đến chừng nào em cũng không nghĩ tới làm chi.
- Cô tính tu hay sao?
- Có lẽ.
- Uổng lắm, uổng lắm!
- Ông nói như vậy em lấy làm tội nghiệp cho ông.
- Tại sao mà cô tội nghiệp cho tôi?
- Ông là một vị bác sĩ, ông đứng vào hàng thượng lưu trí thức. Nghe em tỏ ý muốn bước vào chánh đạo, lẽ thì ông phải nâng cao trí dục lòng dùm cho em, làm như vậy ông mới xứng đáng với địa vị của ông, chớ nghe em tỏ ý như vậy, rồi ông than uổng nghĩa là ông cản trở, thế thì ông thiếu đạo đức nhiều lắm. Em tội nghiệp cho ông là như vậy đó.
Thuần vỗ vai ông Huỳnh cười và nói:
- Cô Vân tuy ở ruộng, song cô có học thức, chớ không phải gái quê. Ông cãi không lại đâu.
Ba cô cúi đầu chào ông Huỳnh rồi dắt nhau đi tới trước.
Ông Huỳnh nắm tay Thuần kéo lại, hai người đứng nói chuyện một chút rồi thủng thẳng đi theo sau xa xa, chớ không đi chung với ba cô.
Ông Huỳnh nói với Thuần:
- Cô Vân đã có sắc đẹp, mà văn nói lại khôn ngoan nữa. Bộ cô trộng tuổi rồi, mà sao chưa có chồng?
- Cô mắc lo học, mới thi đậu về nhà chừng vài năm nay?
- Thi đậu trường nào?
- Cô thi đậu bằng thành chung.
- Chà chà! Hèn chi cô nói chuyện lanh quá. Mà thi đậu hai năm rồi sao chưa lấy chồng?
- Tôi nghe nhà tôi nói hồi trước bà già cô có hứa gả cô cho một anh học sinh nào đó không biết, rồi bao anh qua Pháp học thêm. Anh học xong rồi anh cưới đầm, bởi vậy cô Vân lỡ duyên rồi chán ngán không muốn lấy chồng.
- Tội nghiệp dữ không! Thế khi cha mẹ cô giàu lắm hay sao nên bao cho người đi học đặng sau gả con?
- Cô Vân mồ côi cha, cô còn bà mẹ, mà không có anh em chi hết. Bà già cô là bà chủ gì đó không biết nghe nói giàu lớn, nhà tôi biết chớ tôi không hiểu rõ.
- Con một của nhà giàu lớn, mà lại có học thức có nhan sắc nữa thì quý biết chừng nào. Anh học sanh nào đó sao lại bỏ người ta, khờ quá. Vợ tôi chết mấy năm nay, tôi tính cưới vợ khác, nhưng chưa thấy chỗ nào vừa con mắt... Tôi muốn cưới cô nầy phứt cho xong... Thiệt bà già cô giàu hay không?
- Cái đó không dám chắc. Nhà tôi biết, chớ thiệt tôi không hiểu.
- Ông làm ơn hỏi thăm ma đam lại cho chắc thử coi bà già cô Vân có được bao nhiêu ruộng đất.
- Ðể rồi tôi hỏi lại nhà tôi.
- Ví như tôi xin cưới, ông nghĩ thử coi cô Vân chịu hay không?
- Cái đó tôi biết sao được.
- Ông dọ trước ý cô thử coi, được không?
- Ðược. Ðể tối nay hoặc ngày mai tôi thử ý cô rồi tôi sẽ cho ông biết.
- Ông cũng nhớ dọ dùm bà già cô có đứng bộ ruộng đất được bao nhiêu nhé.
- Tôi nhớ. Tôi sẽ hết lòng giúp ông.
- Cám ơn. Ông còn ở ngoài nầy ít bữa chớ?
- Phải. Thứ ba hoặc thứ tư tôi mới về.
- Tôi cũng ở tới sáng mốt mới về. Thôi, tôi từ giã ông. Xin ông nhớ dọ giùm rồi chiều mai chúng ta ra đây gặp nhau, ông sẽ nói lại cho tôi rõ.
- Vâng.
Hai người bắt tay từ giã nhau rồi Thuần đi theo ba cô, miệng chúm chím cười.
Cô Hòa thấy chồng theo kịp thì hỏi:
- Thằng cha dê đó có chuyện gì mà nói dai dữ vậy?
- Sao mà mình kêu người ta là "thằng cha dê".
- Gặp đàn bà thì liếc ngó, rồi kiếm lời mà trêu hoa ghẹo nguyệt, người đàn ông như vậy thì là dê chớ gì.
- Theo lễ nghĩa đời nay hễ đàn ông gặp đàn bà thì phải ghẹo chọc như vậy mới trúng cách lịch sự về xã giao. Ông Ðốc tơ Huỳnh noi theo lễ nghĩa ấy, chớ phải dê đâu.
- Thiệt lễ nghi của mấy ông là vậy đó hay sao?
- Phải.
- Mình cũng thuộc về hàng trí thức, té ra mình cũng phải ăn ở theo lễ nghĩa đó hay sao?
- Kể tôi làm chi. Tuy tôi cũng ở trong hàng trí thức, song tôi thuộc phe trí thức nhà quê, nên trong giao thiệp tôi không biết làm như mấy ông.
Cô Quý nói:
- Dượng ba đâu có ăn ở kỳ cục như họ vậy. Tôi coi đời nay người có học họ không kể phong hoá gì nữa hết, họ làm nhiều việc tồi bại quá chừng. Ðàn ông nói chuyện với đàn bà thì họ lẳng lơ ghẹo chọc mà đàn bà gặp đàn ông họ cũng thong thả nói cười. Tại như vậy đó nên bây giờ mới có nhiều nhà hoặc chồng bỏ vợ, hoặc vợ bỏ chồng, con cái bơ vơ, gia đình tan rã. Tôi tưởng chừng ít năm nữa, trong nước mình, hai chữ "vợ chồng" không có nghĩa lý gì nữa.
Cô Vân gật đầu nói:
- Lời chị hai nói đó thật đúng lắm. Người mình bây giờ có học thức nhiều, tiếc vì sự học của người mình không giống với sự học của người khác. Người ta học đặng mở mang trí thức, học đặng mỹ tục thuần phong, học đặng cải lương nghiệp nghệ. Còn mình học là học để nói chuyện nghe cho lanh lợi, học đặng mặc y phục ngồi xe hơi cho khỏi quê, học đặng kiếm tiền mà ăn chơi cho sung sướng. Tại học sai đường như vậy nên phong hoá suy đồi rồi, mà nay mai đây gia đình cũng sẽ tiêu tan nữa. Chị hai nói trúng lắm.
Cô Hòa nói:
- Ối! Họ làm sao mặc kệ họ, hơi nào mà lo bao đồng[5]; miễn mình giữ phận mình cho xong thì thôi.
Thuần đáp:
- Dầu mình có lo cũng không bổ ích chút nào; bởi vì phần đông người ta cho cái tồi bại là cái cao thượng, thế thì mình có cãi lẽ cho hết nước miếng đi nữa, người ta cũng chê mình nói bậy. Như hồi nãy ông Huỳnh nói chuyện với tôi, ổng (ông ấy) thổ lộ với tôi nhiều câu thô bỉ quá chừng, nhưng mà ổng nói tự nhiên, không rụt rè ái ngại chi hết. Tôi lấy làm hổ thẹn cho ổng hết sức, nhưng mà tôi nghĩ những lời ổng tỏ với tôi đó, muôn ngàn người khác cũng nói in như ổng vậy chớ không phải một mình ổng, thế thì tôi cãi làm sao được, bởi vậy tôi giả ngu đứng lóng tai nghe, không thèm cãi.
Cô Hòa hỏi:
- Ổng hỏi giống gì?
- Dài lắm, để về nhà tôi sẽ thuật lại cho mà nghe.
- Chắc ổng cậy mình làm mai chị Vân cho ổng chớ gì.
- Mình đoán lầm, song không trúng chánh...
Thuần mới nói tới đó, kế con xẩm dắt bé Hậu lại, rồi bé Hậu níu mẹ ôm cha nói lăng líu làm câu chuyện bứt ngang. Trời đã chạng vạng tối. Cô Quý than lạnh, nên mấy người dắt nhau trở về nhà mát.
[1] người lái xe, tài xế
[2] luống, chỗ được đắp cao và dài nằm song song với nhau: cuốc vồng, đắp vồng, vồng khoai
[3] trục trặc
[4] cố ấy
[5] tầm ruồng, vô ích