Đoán Án Kỳ Quan

Chương 7

Thi Công, Hạ Thiên Bảo, Hoàng Thiên Bá, Vương Đông cưỡi ngựa theo đường cái quan phi thẳng tới Tế Nam. Tới phủ Tế Nam rẽ vào thành, đến quán Kim Đình tất cả đều xuống ngựa theo Thi Công đi vào. Trong quán Kim Đình đã thấy Quan Tiểu Tây, Vương Điện Thần, Thi An đúng đó nghênh tiếp. Chào hỏi xong, Thi Công cho người bày yến tiệc khoản đãi. Thi Công ngồi ở hàng đầu, mọi người theo thứ tự cũng ngồi vào, yến tiệc xong đêm đã khuya, tất cả đều về các phòng nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, Thi Công dậy rửa mặt chải đầu, rồi vội vã lên công đường. Các quan văn võ đã tới đông đủ, họ đứng xếp hàng hai bên, cúi chào Thi Công. Thi Công nhìn Tri phủ nói:

- Quý phủ có biết thuyền lương bao giờ tới Tế Nam không?

- Chỉ độ bốn năm hôm nữa sẽ tới. - Tri phủ vái lạy nói.

- Tri phủ hãy đem các vụ án đã xử và chưa xử ra đây để bản Bộ xem. - Thi Công gật đầu nói.

Tri phủ tuân lệnh, rồi bảo thư lại trình lên. Thi Công lướt nhìn, trong đó có vụ án Kim Hữu Nghĩa vô cớ giết Triệu Tam, song người chết và hung thủ chưa hề quen biết nhau, và cũng chẳng có hận thù gì nhau, hung khí cũng không tìm thấy. Kết án phải đền mạng. Xem xong, Thi Công thấy khả thi. Đang lúc trầm ngâm, bỗng thấy một con nhạn đậu dưới mái hiên kêu nháo nhác, khiến mọi người kinh ngạc.

Thi Công nghĩ: "Việc này nhất định có oan ức chi đây". Thi Công bèn rút lệnh ra, thấy tên Diêu Năng, bèn gọi:

- Diêu Năng hãy nghe ta sai bảo.

Thấy bên dưới có một người quỳ, Thi Công nói:

- Ngươi hãy cầm lệnh đi theo con nhạn. Ngươi phải để ý, nhạn đỗ xuống đâu, ở đó có người thì về báo, nếu còn nấn ná thì ta sẽ trị tội.

Diêu Năng kinh sợ, quỳ xuống rồi bò lên nửa bước, cúi đầu thưa rằng:

- Thưa ông lớn, con đi bằng hai chân, làm sao mà theo kịp chim bay? Chúng bay trên không xuyên qua các đường phố ra khỏi thành, thì con lần mò sao được. Xin ông lớn rộng lòng thương, nếu như nó bay vụt đi mất, thì con biết đâu mà tìm.

Thi Công đập bàn, chỉ vào mặt quát:

- Tên này to gan thật, dám từ nan việc ta giao. Từ ngày ta nhậm chức tới nay, ta đã tìm ra các vụ án không có đầu mối tra hỏi cả Thổ thần, Thổ thần cũng phải khai, kiện ma quỷ cũng tìm ra; đá, rái cá, khỉ cũng biết đi kiện, cóc nhái và chó cũng biết kêu oan, làm Tri phủ đấu trí bắt gió lốc; tại phủ Thuận Thiên đã tìm ra vụ án nhân sâm; ở xóm La Cổ ta đã xử án Táo quân. Nay ta thấy vụ án Kim Hữu Nghĩa, tất có oan tình. Thấy nhạn kêu quái lạ, đây là loài chim tín nghĩa, trời sai chúng tới kêu oan. Ta bảo ngươi đi theo nó, ngươi phải theo ngay. Sao ngươi dám chống lại. Hãy lôi hắn xuống, đánh ba mươi gậy!

Diêu Năng thấy tình thế bất lợi, vội vàng cúi đầu nói:

- Con xin đi.

Thế rồi Thi Công thôi không phạt nữa. Diêu Năng đứng dậy nhận lệnh, tới hiên, chỗ chim nhạn đậu, nói:

- Nhạn ơi! Chỗ nào có oan thì hãy dẫn ta đi tìm. Nhạn phải bay chậm ta mới theo kịp. Ngươi bay qua phố xá, bãi sậy, trăng sáng ta biết đâu mà tìm. Nhạn ơi! Chúng ta đi thôi.

Lúc ấy nhạn gật đầu, bay lên nhìn Diêu Năng. Thấy thế, ai ai cũng kinh ngạc nói:

- Thật là kỳ lạ, chẳng trách người ta gọi là Trại Bao Công!

Tất cả đổ dồn mắt nhìn chim nhạn, nó bay chầm chậm như là chờ sai nha. Con nhạn ấy bay ra khỏi thành, tới đậu trên một cây cổ thụ, sai nha ngước trông, thấy nó nhìn mình kêu nháo nhác. Diêu Năng cười nói:

- Nhạn ơi, ở công đường mày không nghe thấy ông lớn nói phải tìm cho ra sự thực ư?

Chỉ thấy nhạn đứng im gật gật đầu. Diêu Năng không hiểu sao, rất lo lắng. Đang suy nghĩ miên man, bỗng thấy có người đi tới sai nha vội nấp vào thân cây theo dõi, thấy một người đàn bà trạc trên năm mươi tuổi, xanh xao hốc hác, buồn rũ rượi, nước mắt lưng tròng. Bà mặc chiếc áo vải màu lam, quần xanh, chân nhỏ, đi giày nhọn, tay cầm vàng hương. Tới trước một ngôi mộ, bà quỳ xuống rót rượu, thắp hương, vừa khóc vừa khấn: "Anh Tam, anh chết chưa lâu, nếu anh sống khôn thác thiêng, thì hãy nghe tôi nói. Chồng tôi là Kim Thủ Tín. Tôi họ Nhậm. Hàng chục năm nay, chồng tôi bỏ lại hai mẹ con côi cút. Tên con là Kim Hữu Nghĩa, hai mươi tuổi, buôn bán nhì nhằng kiếm sống. Hiếu thảo nuôi dưỡng mẹ già, nó hoàn toàn không giết người: Anh Tam, anh bị ai giết, vong hồn anh phải biết. Nếu anh linh thiêng thì anh sẽ bắt kẻ sát nhân phải đền mạng, tại sao để người tốt chịu oan?!".

Sau đó bà kể lại con bà bị tống giam thế nào, bị khép tội xử trảm ra sao. Sai nha nghe hết, và cảm thất rất lạ, sao nhạn lại biết minh oan? Anh ngẩng đầu lên, thì nhạn đã bay đi từ lúc nào rồi. Anh nghĩ: "Không hiểu vì sao Thi Công biết Kim Hữu Nghĩa oan khuất Người đàn bà này khóc thật đáng thương, ta phải đến an ủi bà ấy". Chợt thấy từ xa lại có một người đàn bà đi tới. Người ấy trạc ba mươi tuổi, mặc tang phục, đi giày vải trắng, hằm hằm tức giận bước thẳng tới người đàn bà. Chẳng nói chẳng rằng, lôi bà lão ngã sấp gào lên chửi:

- Thằng chó đểu Kim Hữu Nghĩa vô cớ giết chồng ta, con đĩ già vẫn chưa thỏa hận, lại còn tìm đến mộ, yểm đảo.

Vừa chửi, chị ta vung tay đấm túi bụi lên người bà lão. Bà lão quằn quại kêu rên:

- Tôi không thân thiết, không bạn bè, không thù hận, tôi đến kêu van linh hồn anh, cầu xin anh bắt kẻ sát nhân, để người tốt khỏi chịu oan, chứ hoàn toàn không có ý gì khác.

Ngươi thiếu phụ kia vẫn không nghe, cứ đánh bà thùm thụp

Diêu Năng bước tới nói:

- Xin chị đừng giận dữ. Tôi đến đây từ sớm, thấy bà này không có ý gì khác.

Thiếu phụ dừng tay nói:

- Anh là ai, làm gì ở đây?

- Tôi là Diêu Năng, - sai nha nói, - là sai nha của Tế Nam. Tôi vừa theo nhạn tới đây, tìm sự thực về nỗi oan khuất. Tôi nghĩ rằng, chồng chị không phải do Kim Hữu Nghĩa giết. Thi Tổng đốc vừa tới Tế Nam phát chẩn, ngài đã xem qua tờ trình, thấy vụ án Kim Hữu Nghĩa hẳn có oan khuất. Ngài thấy một con chim nhạn lớn đến kêu oan, đã sai ta theo nhạn tới đây. Hai người đừng cãi nhau nữa, hãy theo ta tới gặp ông lớn.

Họ theo anh về thành, tới công đường. Sai nha nói:

- Hai người cứ chờ ở đây, ta vào bẩm với ông lớn.

Tới trước Thi Công, Diêu Năng quỳ xuống bẩm:

- Thưa ngài Khâm sai, con vâng lệnh ngài theo nhạn ra khỏi thành, gặp hai người đàn bà một già một trẻ. Đúng là những người có liên quan tới vụ án Kim Hữu Nghĩa. Hiện con đã đưa họ tới đây, chờ ngài xét hỏi.

Thi Công rất vui, ông hỏi Diêu Năng tỉ mỉ những gì đã xảy ra, rồi cho họ gọi hai người đàn bà vào. Sai nha vâng lệnh, ra ngoài nói với họ rằng:

- Hai người hãy vào đi, và hãy kể lại thật tỉ mỉ cho ông lớn nghe.

Hai người vào lối cửa ngách, quỳ trước án thư.

Thi Công nói:

- Các người hãy khai rõ họ tên.

- Thưa quan lớn. - Bà già nói. - Chồng con là Kim Thủ Tín; mất cách đây mười năm. Con họ Nhậm, sinh được một con trai tên là Kim Hữu Nghĩa, hai mươi tuổi. Vì nhà nghèo nên chưa có vợ, hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Con con rất hiếu thuận, mẹ con con sống nghèo khổ thanh bạch. Có ba gian nhà, một gian nhà ngoài hai gian buồng. Con ở buồng phía đông, con con ở buồng phía tây. Tối hôm ấy hai mẹ con con đang ngồi trù chuyện tại buồng phía tây. Bỗng con nghe thấy đầu phía tây có tiếng con gái. Con sinh nghi, có lẽ Kim Hữu Nghĩa đã dụ dỗ những đứa con gái giấu trong nhà. Kim Hữu Nghĩa thấy thế cuống lên, dậm chân đấm ngực thề: "Nếu con làm việc ấy, thì thiên lôi sẽ đánh chết con!". Không còn cách nào khác, hai mẹ con mang đèn tới buồng phía tây xem sao. Lạ thay! Thấy một chiếc tráp gỗ, khóa đồng, trên khóa lại treo một chiếc chìa. Thấy lạ, con mở ra xem, trong đó có năm thoi vàng(l), tất cả đều buộc chỉ đỏ. Con tôi mừng quýnh lên, cứ luôn mồm niệm Phật. Song con thì vô cùng sợ hãi, nghĩ rằng tiền của không dưng đem tới, sẽ vì tiền mà mang họa.

(1) Thoi: bằng năm mươi lượng (ND).

Thi Công nói:

- Số bạc ấy trời cho, vì sao mà nàng sợ?

- Một là sợ con con giấu con. - Người mẹ nói. - Hơn nữa tục ngữ có câu: Của phù vân nó vần xuống biển. Mẹ con tôi có khổ cũng do số kiếp đã định trước rồi, làm sao có thể thay đổi được? Thưa ngài, xin ngài hãy nghĩ cho: con là người quả phụ không nghề nghiệp, mẹ con sống rất cực khổ. Tuy là chồng chết phải theo con, song sao có thể nghe theo một đứa con ít tuổi? Thấy việc ấy, ai mà không truy hỏi? Nếu như nó lấy cắp về mà cứ lờ đi, theo nó ăn uống, lâu sau rồi cũng sẽ sinh sự, lúc ấy con lại mắc phải tội không nghiêm khắc dạy con. Đó chính là không hiểu được phép vua, khi chết đi gặp chồng con sẽ vô cùng hổ thẹn. Vì con nhiều lần truy hỏi, nó vẫn không nói rõ. Sợ sinh ra việc chẳng lành, con bảo nó vứt đi, nhưng nó cứ tiếc. Con bảo: "Nếu con không nói rõ lai lịch số bạc này, thì ta sẽ đưa con cùng số bạc ấy tới cửa quan?". Khi đó Kim Hữu Nghĩa mới nghe theo lời con, không cần số bạc này nữa. Nó nói: "Đương nhiên là nó có lai lịch". Đêm ấy con đang ngủ, thấy văng vẳng bên tai có tiếng người thì thà thì thào, nghe không rõ. Con nghĩ rằng số bạc này là của người nói chuyện mang tới. Nó gối đầu lên tráp ngửi thử thì lạ thay đó là bạc thật. Con đành nghe theo nó ôm tráp đến buồng phía đông. Nó gối đầu lên tráp ngủ. Con cũng tắt đèn đi nằm, nhưng không sao ngủ được. Đến ấy chưa đến canh ba, bỗng thấy Kim Hữu Nghĩa gọi: "Hỏng rồi, mẹ ơi đến mau”. Con vội dậy, thắp đèn, đến buồng phía tây xem: thấy Kim Hữu Nghĩa sợ hãi, mặt tái nhợt, kêu là có ma. Nó nói: "Con gối đầu trên chiếc tráp khảm vàng, nhắm mắt, cứ mơ mơ màng màng không sao ngủ được. Thấy năm đứa bé, đeo yếm băng vải đoạn màu đỏ, tay dắt tay, cười khúc khích nói: “Kim Hữu Nghĩa, tiếc thay ngươi không gặp vận may, chiếc tráp không còn chỗ chúng ta nữa. Bây giờ xin báo cho người một tin, ngươi phải nhớ rõ nơi đến: chỗ ấy cách đây ba dặm, đó là nhà Phú Gia - chúng ta đều ở đấy. Người muốn tìm ta thì tới đó. Nói xong chúng dắt tay nhau đi ra. Con giật mình tỉnh dậy, ngươi đầm đìa mồ hôi, sờ lại chiếc tráp thấy đã biến mất".

Các quan võ và sai dịch thấy thế, ai cũng sững sờ, và thấy rất kỳ lạ. Thi Công nói:

- Về sau thế nào?

- Thưa ngài. - Nhậm thị nói. - Về sau con con tham của, không nghe lời con. Đêm ấy vào khoảng canh năm, một mình nó ra khỏi nhà đi tìm bạc. Con ở nhà chờ đợi, đến khi trời sáng, nó vẫn chưa về. Sợ rằng đã xảy ra tai họa, con tựa cửa trông ngóng. Thấy một người láng giềng báo tin, khiến con không còn hồn vía.

Nói tới đây bà kêu thảm thiết, khóc như mưa như gió. Thi Công trầm ngâm nói:

- Ngươi hãy nói ta nghe, ngươi láng giềng nói gì.

- Thưa ngài, - Nhậm thị nói. - Lúc ấy có người nói là: "Bà Kim ơi, nguy rồi! Con bà đã giết người ở nhà Phú Gia, bỏ đầu người vào tráp mang đi! Gặp ngay ngài quan phủ, khóa tay giải về thành tống ngục, chờ tới mùa thu xử trảm". Con không còn cách nào, về nhà, đưa cơm đến nhà tù cho con: Thấy con mình oan uổng, hôm nay con mua vàng hương đến mộ Triệu Tam cúng, cầu mong linh hồn anh khôn thiêng, phù hộ con bắt được hung thủ, để Kim Hữu Nghĩa khỏi chết oan. Khấn khứa chưa xong thì vợ anh ấy tới. Chị ấy đổ cho con đến yểm đảo, rồi đánh con, không cho con phân trần. May mà được sai nha của ngài khuyên can. ông ấy bảo là có con hồng nhạn đến kêu oan, rồi đưa con đến đây. Đó là chuyện đã xảy ra, con không dám nói sai.

Thi Công trầm ngâm suy nghĩ, nói:

- Quan phủ hãy sai người giải Kim Hữu Nghĩa tới đây, để ta xét hỏi.

Tri phủ tuân lệnh, sai người đi gọi. Một lát sau, sai nhà giải Kim Hữu Nghĩa tới. Thi Công nói:

- Kim Hữu Nghĩa!

Thấy mẹ quỳ trước công đường, Hữu Nghĩa quỳ xuống bò lên nửa bước, nói:

- Xin quan lớn cho phép con được nói.

Thế rồi anh kể lại từ đầu, sự việc đã xảy ra. Thi Công thấy hai mẹ con anh nói giống hệt nhau, không sai một chữ, cho đó là sự thực. Thi Công lại nói:

- Kim Hữu Nghĩa! Nếu ngươi không tham lam, thì đâu đến nỗi tự dưng gây tai họa. Ngươi gối đầu lên chiếc tráp thiếp vàng, mơ thấy năm đứa bé, chúng đã nói không ở nhà ngươi nữa, lẽ ra cứ mặc chúng, song ngươi lại không nghe lời mẹ, tham của đi tìm. Vậy ngươi nhặt được chiếc tráp ấy ở đâu/ Ngươi hãy khai thực.

- Con không nghe lời mẹ. - Kim Hữu Nghĩa nói. - Ra khỏi nhà, tới nhà Phú Gia. Cách nhà con ba dặm. Đến đó trăng sao vẫn còn sáng, con nhìn thấy chiếc tráp. Sợ có người biết, con ôm tráp vào lòng, quay ngay trở về. Vừa đi được mấy bước, ngẩng đầu lên, thấy đèn đuốc sáng rực, thì đó là quan Tri phủ. Sợ quá con chạy trốn, không ngờ quan Tri phủ nhìn thấy, bảo sai nha gọi con đến trước kiệu. Ngài hỏi con trong tráp có gì? Đêm khuya khoắt đi đâu? Con cuống lên, sợ quá không nói được. Nếu nói là bạc thì sợ quan lớn nhập kho. Con cứ ngần ngừ. Quan lớn bảo sai nha mở tráp ra xem, song không phải là bạc mà lại một chiếc đầu lâu đẫm máu. Quan Tri phủ lập tức sai người khóa tay con rồi giải về nha môn. Hỏi con vì sao giết người? Tử thi hiện ở đâu, hung khí để đâu? Vì sao lại bỏ đầu vào tráp? Thấy bị truy hỏi, con nát ruột nát gan. Con không giết người, thì sao mà trả lời được? Con nói khan nói vã, song quan Tri phủ vẫn không nghe. Chịu mọi tra tấn, quẫn bách không còn cách nào khác, con đành phải nhận. Quan Tri phủ ghép con vào tội tử hình, rồi giam con vào ngục.

Thi Công nhìn quan Tri phủ nói:

- Vụ án Kim Hữu Nghĩa giết người còn có những uẩn khúc, ông thấy thế nào? Ta phải tìm cho ra lẽ trong đó có chỗ nào chưa rõ, xin ngài hãy đề xuất.

Tri phủ chắp tay nói:

- Đại nhân, sức học rộng như biển, quả thì tôi không sánh kịp. Tôi bất tài, học thức nông cạn, nhiều chỗ không nhìn thấy xin ngài chỉ bảo.

Thi Công lạnh nhạt mỉm cười nói:

- Ngài Tri phủ sai rồi! Nếu quan châu phủ ai ai cũng nói: “Tôi bất tài, học thức nông cạn, không đảm đương được tính mạng dân", thì ngài không nghĩ rằng, tính mạng của dân đều trong tay quan phủ, châu, huyện, dân bị oan khuất trời sẽ không tha.

Thi Công lại hỏi Kim Hữu Nghĩa:

- Ngươi trông thấy tráp lúc nào?

- Thưa ngài lúc canh hai.

- Ngủ đến mấy giờ - Thi Công hỏi.

- Thưa ngài, - Hữu Nghĩa trả lời, - vào lúc canh tư.

- Ngươi ra khỏi nhà, - Thi Công hỏi, - có mang vật gì không?

- Con đi tay không. - Hữu Nghĩa nói.

- Quý Tri phủ gặp Hữu Nghĩa chỗ nào? - Thi Công hỏi. - Lúc ấy là canh mấy?

- Tôi gặp lúc canh tư. - Trần Tri phủ nói.

- Ngài nói không đúng. - Thi Công nói. - Canh tư Kim Hữu Nghĩa ra khỏi nhà, quý Tri phủ lại nói canh tư bắt được phạm nhân, thời gian không khớp. Hơn nữa canh tư thì đêm đã khuya lắm rồi, trong tay lại không có hung khí thì giết người sao được? Hơn nữa Kim Hữu Nghĩa nếu có thù mà giết Triệu Tam, thì không có lí gì lại bỏ đầu vào tráp mang về. Ta quả không sao hiểu nổi. Xin hỏi quý Tri phủ giết người bằng hung khí gì?

Tri phủ vái lạy nói:

- Tôi giải Kim Hữu Nghĩa về nha môn truy hỏi, Kim Hữu Nghĩa đã cung khai: bỗng nhiên vì thù oán xưa, mà đâm chết Triệu Tam, hung khí vút xuống sông, mò không thấy, hắn đã khai thế nên tôi mới kết tội.

Thi Công lạnh lùng mỉm cười, nói:

- Ngài Tri phủ, ta nói mấy câu, xin ngài hãy nghe cho rõ. Tôi và ngài ăn lộc của vua, phải báo đền ơn vua. Xét hỏi dân tình cần phải thận trọng. Những vụ án liên quan đến tính mạng con người, càng phải đặc biệt lưu tâm. Đợi ta tìm ra vụ án này thì ngài sẽ hiểu.

Thi Công hỏi vợ Triệu Tam:

- Chồng ngươi bị giết, trong đó có những tình tiết, chắc ngươi cũng phải biết chút ít. Kim Hữu Nghĩa không thân thiết không bạn bè gì với chồng ngươi, thì vì sao lại thù hận? Người ta ai cũng có lương tâm, không cho phép điêu oa. Nơi dương thế có phép vua, nơi âm ti còn có quỷ thần. Nếu ngươi nói sai một chữ, ta điều tra ra, thì ta quyết không tha.

- Bẩm quan lớn. - Mai thị cúi đầu trả lời. - Con ba mươi tuổi cha mẹ đều mất. Mười tám tuổi lấy Triệu Tam, tính ra đã hơn mười năm. Con không có con, mẹ chồng cũng đã qua đời. Chồng con rượu chè, trai gái, chơi bời với bọn xấu xa con cũng mặc. Song dù có xấu đến thế nào chăng nữa, khi đã kết tóc xe tơ nên duyên chồng vợ, thì tình nghĩa như biển cả. Nay bị giết chết, con không đau đớn sao được? Anh ấy không thân thiết, không bạn bè, không thù oán gì Kim Hữu Nghĩa, song anh ấy có một người bạn rất thân thiết.

Thi Công hỏi:

- Người bạn ấy là ai?

- Khi còn sống, - Mai thị nói, - vì nhà nghèo, chồng con kết bạn đi săn kiếm sống, chứ có vàng bạc gì đâu! Kim Hữu Nghĩa vì thù mà giết chứ không phải vì tiền của. Hơn nữa khi chết, chồng con không ở ngoài.

Thi Công vội hỏi:

- Chồng người không ở ngoài, hẳn là phải chết ở nhà.

- Vì thường đi săn, - Mai thị nói, - nên đã kết bạn với một người ở thôn Tiền, tên là Phùng Đại Sinh. Anh ấy hơn chồng con hai tuổi, thường đi lại thân thiết như anh em ruột thịt. Trước đây hai người thường hay đi với nhau. Hôm ấy chồng con uống rượu ngủ ở nhà. Anh ấy dậy sớm bảo là đi săn, mang theo một chiếc gậy phòng thân, nói là đi tìm Phùng Đại Sinh, khi đi còn bảo con đóng cửa. Sáng dậy có người nói với con là chồng con đã bị giết chết không thấy đầu. Con cùng với Hương Bảo vào thành bẩm báo. Nào ngờ đâu lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt. Hung thủ Kim Hữu Nghĩa đã bị ngài Tri phủ bắt được. Không chịu nổi tra tấn đã phải khai hết. Con thấy có người phải đền mạng là được rồi, chứ hoàn toàn không muốn gì thêm.

Nói xong chị vái lạy. Thi Công gật đầu nói:

- Mai thị nghe ta hỏi đây, phải nói thực. Phùng Đại Sinh ở đâu? Nhà ngươi ở đâu?

- Con ở Hậu Trại, - Mai thị nói, - hai thôn cách nhau một dặm.

Thi Công gật đầu nói:

- Chồng ngươi bị hại chỗ nào?

- Tại nhà Phú Gia, phía đông thôn Hậu Trại. - Mai thị nói. - Ngoài trại có một bãi sậy. Chồng con bị hại tại đó.

- Chồng ngươi đi khỏi nhà lúc nào. - Thi Công hỏi.

- Lúc canh ba.

Thi Công hỏi Kim Hữu Nghĩa, Kim Hữu Nghĩa nói:

- Con ra khỏi nhà, đến ngay nhà Phú Gia. Thấy chiếc tráp ấy ở cửa sau nhà Phú Gia, con ôm tráp theo hướng bắc về nhà, thì gặp ngài Tri phủ.