Đoán Án Kỳ Quan

Chương 5 (B)

Vốn là đối diện với nhà Xương Bá có một gã tên là Điêu Tinh, tự là Đức Phủ, chuyên thói bốc lửa bỏ tay không, lừa người lấy tiền của. Từ lâu thấy Xương Bá giàu có. Điêu Tinh muốn kiếm chác nhưng chưa tìm ra mưu kế. Đúng hôm Chu Ân tới nhà, Xương Bá cho gọi mọi người dậy. Bà lão giúp việc năm nay đã hơn bảy mươi tuổi cũng chạy ra. Không ngờ tuổi cao, vừa kinh sợ, lại gặp gió độc bị cảm lạnh, đầu đau, sốt cao, chỉ trong vài hôm đã qua đời. Vì không có người thân thích, Xương Bá đã mua quan tài nhập liệm. Nghĩ bà ở nhà ông đã lâu, lại là người hiền lành, chịu khó, không nỡ hỏa táng bà, ông đã đưa bà tới chỗ đất trống tại nghĩa địa tổ tiên, an táng bà tại đó. Ông mua sắm vàng hương cúng, báo đền công lao của bà. Biết được điều ấy, Điêu Tinh mừng thầm, ngấm ngầm tính kế kiếm tiền. Chỉ chờ có người đến tìm bà, thì mới đặt ra mưu kế kiếm lợi. Song nếu không có người tiên phong làm quân sư mà mình tự xông vào sẽ không thành. Đắn đo mãi mà chưa tìm được người đảm đương việc nặng nề này. Phải tìm một người bạn thân thiết để bàn bạc.

Vừa ra khỏi cửa, thấy anh hàng gà người nhà quê đi qua. Hắn gọi lại mua, mặc cả xong, hắn mang luôn gà vào trong Nhà. Nào ngờ, gà đã mang đi, mà tiền thì không trả. Chờ mãi không thấy tăm hơi người mua gà đâu, anh ta sốt ruột, đành vào đòi tiền. Gọi hai ba tiếng mới thấy người ra tiếp. Song tiền vẫn không trả, mà người mua cũng không ra. Cứ thoái thác rằng bận việc, bảo anh nán lại chờ một chút. Mãi tới lúc lên đèn, Điêu Tinh mới ra, luôn mồm xin lỗi. Hắn ta ân cần mời anh hàng gà ở lại, nói:

- Tôi chắc anh không phải là người trong thành. Anh quê ở đâu?

- Ở ngoài Lâu Môn. - Người ấy nói.

- Thế thì về nhà không kịp, - Điêu Tinh nói, - anh hãy ở đây sáng sớm mai về có được không?

- Sao lại thế? - Điêu Tinh nói. - Tôi đã làm lỡ anh, nếu như không giữ anh lại thì không đành lòng. Mà về không kịp, có phải thiệt cả đôi đằng không. Thế thì ở đây là tốt nhất.

Người ấy thấy hắn tha thiết, không dám phụ lòng, mà bây giờ về thì cũng đã muộn, bèn cảm ơn anh ta, yên tâm ở lại. Thấy anh ta chịu ở lại, Điêu Tinh mời vào phòng xép ngồi, gọi đứa ở thắp đèn, lấy tiền ra trả, nói:

- Tiền gà của anh đây, không thiếu một xu.

Người ấy dở ra xem, thấy đủ, bèn cất vào túi. Đang định hỏi mình ngủ chỗ nào thì thấy người nhà bưng cơm rượu ra, mâm cơm lại rất thịnh soạn. Điêu Tinh vừa tiếp rượu cho người ấy vừa nói chuyện dông dài:

 

- Anh tên gì nhỉ?

- Tôi là Ngu Tín Chi. - Người ấy đáp.

- Anh làm gì? - Điêu Tinh hỏi.

- Chỉ cấy năm sáu mẫu ruộng, - Tín Chi đáp, - ngoài ra chẳng làm gì khác. Nay tiền thuế gấp quá phải mang gà đi bán để nộp.

- Năm sáu mẫu ruộng cũng chẳng phải kho bạc cây tiền, sao chẳng đói khát! - Điêu Tinh nói. - Hôm nay có gà bán còn khá, ngày mai không có gà thì anh bán gì. Cuối cùng thấy nhà anh không có gà, thì quan lấy thóc chứ lấy gì nữa.

Tín Chi thấy anh ta nói thế rất buồn, im lặng không trả lời. Điêu Tinh nghĩ, bây giờ có thể dùng lợi để lay động anh ta, bèn nói:

- Anh không cần phải lo, hiện tôi có một món tiền cho anh. Anh có cần không?

Tín Chi cho rằng anh ta nói đùa, vừa cười vừa hỏi:

- Xin đa tạ tấm lòng tốt của tướng công, song cho tôi bao nhiêu?

- Tôi nói thực đấy, - Điêu Tinh nói, - chứ không phải đùa anh đâu. Đây là cái lộc mà chẳng tốn công phí sức, không phải anh lấy nó ở chỗ tôi, mà cũng phải xem anh có cơ duyên nhiều hay ít.

- Vô cùng cảm ơn tướng công đã hết lòng nâng đỡ. - Tín Chi nói. - Chỉ có điều tôi là người quê mùa cục mịch, chẳng làm được trò trống gì.

- Chẳng cần anh phải làm gì nặng nhọc, chỉ cần anh nói mấy câu là tiền sẽ đến tay. - Điêu Tinh nói.

Rồi Điêu Tinh thuật lại tỉ mỉ về cái chết của già Trương và vạch ra cho anh ta một số câu đối đáp. Điêu Tinh nói:

- Anh đến nhà họ Trương nhận là người thân thích của bà cụ, sau đó làm rùm beng lên, tôi sẽ nói thêm vào, nhất định sẽ kiếm được món hời, đấy chẳng phải là một món tiền kếch xù mà anh tha hồ tiêu ư?

Tín Chi nghe anh ta bàn dày bàn mỏng một hồi, lòng tham tự nhiên bùng lên, chẳng kịp tính toán chi li, anh ta mừng rỡ nghe theo.

Sáng hôm sau, theo Điêu Tinh chỉ bảo, Tín Chi sang nhà Xương Bá. Thấy anh tới, Xương Bá hỏi anh đến có việc gì. Tín Chi nói:

- Tôi có bà cô làm thuê ở đây, phải đi làm ăn xa, không đến thăm được. Hôm nay tôi đến thăm cô tôi.

Xương Bá thấy khả nghi, ông nghĩ: "Bà ấy ở nhà mình đã hơn hai mươi năm, chẳng hề thấy một người thân nào lai vãng tới. Nhưng sao vừa mới chết, đột nhiên lại có người tới nhận là thân thích, chẳng biết thật giả thế nào?". Xương Bá nảy ra một kế, truy hỏi tỉ mỉ người ấy về tuổi tác bà cụ. Tín Chi ấp úng không nói được, và cảm thấy sượng sùng. Xương Bá thấy vậy đoán rằng đây là cách nói giở giọng, nên cũng chẳng chấp làm gì. Những người trong nhà, kẻ hỏi câu này, người hỏi câu khác làm Tín Chi không sao trả lời được. Tín Chi thấy đây là người không dễ gì lừa dối, liền bỏ đi. Anh ta nghĩ: "Mình không nghĩ kỹ, sao mình lại đi nghe những lời nói vu vơ, đến nỗi ê cả mặt. Tiền của bất nghĩa, vốn không phải là thứ mình dễ dàng chiếm đoạt được". Anh cũng không quay lại nhà Điêu Tinh nữa, mà vội vã ra về. Ai ngờ Điêu Tinh đứng sẵn trước cửa nhà Xương Bá nghe ngóng tình hình, thấy Tín Chi đi qua bèn gọi lại, hỏi duyên do. Tín Chi đáp:

- Món bạc ấy không dễ gì lấy được. Chỉ vì việc ấy người ta đã té tát vào mặt, từ nay tôi cũng không đám đi lại phố này nữa.

- Họ nói gì mà ghê gớm vậy? - Điêu Tinh nói. - Anh hãy kể tỉ mỉ cho tôi nghe, tôi sẽ nghĩ cách cho anh.

Tín Chi cũng chẳng giấu giếm, kể lại tỉ mỉ nhũng lời họ truy hỏi. Điêu Tinh nói:

- Anh đần thật, người ta chỉ hỏi có mấy câu mà cũng sợ. thôi thì cũng không cần vội vàng gì, tôi còn có chuyện muốn bàn với anh.

Điêu Tinh kéo Tín Chi về nhà, không cho anh về. Tối đến vẫn mang rượu thịt ra, nhưng còn thịnh soạn hơn cả tối hôm trước. Tín Chi rất áy náy, cảm ơn Điêu Tinh mãi. Điêu Tinh nói:

- Có đáng gì đâu, lần này tôi quyết giúp anh để khỏi uổng công người bạn tương tri.

Hai người ăn uống hồi lâu, Điêu Tinh nói:

- Nhà Trương mắng anh một trận, hôm nay anh có nghĩ ra kế gì không?

- Đây là chuyện gây rối vô lý, sao có thể làm được, chỉ có đòi bừa thôi. - Tín Chi nói.

- Anh là loại người được nâng đít mà không trèo được cây. - Điêu Tinh cười nói. - Hiện ta có một kế rất hay, cứ làm theo chắc chắn sẽ được, song phải thận trọng.

- Việc ấy khó đến nỗi tướng công phải hao tâm tổn trí, - Tín Chi nói, - mà vẫn chưa tìm ra cách gì?

- Không còn cách nào khác, - Điêu Tinh nói, - đêm nay anh phải chết trước cửa nhà lão ta mới có thể được.

- Tướng công đừng đùa tôi! - Tín Chi kinh ngạc nói. - Tôi làm thế nào được?

- Không phải tôi đùa đâu. - Điêu Tinh nói. - Tôi nói thực đấy. Ấy là tôi bảo anh chết giả thôi, chứ không phải chết thật. Chết giả như thế nào? Hôm nay anh sẽ đến cửa nhà lão ta, làm ra vẻ mình treo cổ, ta sẽ chạy ra ngay, một mặt cởi cứu anh, một mặt gọi mọi người, thì nhất định lão ta phải thòi tiền ra cho anh. Chỉ cách ấy mới có thể được.

Đang lúc bốc hơi men, Tín Chi thấy thế nghĩ rằng Điêu Tinh nhất định sẽ là người đứng ra cứu anh, nên cũng chẳng đắn đo, xin Điêu Tinh một sợi thừng, đi một mạch tới nhà họ Trương.

Lúc ấy đã là canh ba, trăng vẫn còn sáng. Tín Chi tìm được một chỗ buộc thừng, thắt thòng lọng, trèo lên. Chỉ khoảng mươi mười lăm phút, đã đi chầu Diêm vương.

Thương thay, vợ con không từ biệt,

Hóa thành gió tham khóc suốt đêm.

Tuyền đài, từ nay thêm nỗi hận,

Bao giờ sống lại kiếp bán gà.

Lừa được Tín Chi, Điêu Tinh đứng thật xa theo dõi, sau đó đóng cửa đi vào, nói cho vợ là Thủy thị biết, việc đã xong, Thủy thị nói:

- Tốt thì tốt rồi, nhưng chỉ nghĩ ngợi về người bán gà.

- Đời nay, - Điêu Tinh nói, - nếu như thương người khác thì mình chẳng được lợi lộc gì. Lúc nào ta cũng nghĩ phải khoắng của nhà Xương Bá, không ngờ đến nay lại mượn tính mạng của gã bán gà mới được toại nguyện. Nếu không có trời dung rủi, sao ta nghĩ ra diệu kế này. Ngay lúc ấy gã lại tính toán đến việc dọa nạt lừa dối, xếp đặt sẵn những lời nói để ngày mai thực thi kế moi tiền. Mọi việc sắp đặt xong, hắn mới cởi áo lên giường ngủ lấy sức ngày mai đối chọi với nhà họ Trương. Ai ngờ do quá mệt mỏi vì phải tính kế, hắn ngủ thiếp đi, trời sáng bảnh mắt mà hắn vẫn chưa dậy.

Thủy thị gọi, hắn choàng tỉnh lao ra cửa. Hắn tưởng rằng có người tiên phong, thì quân sư có thể ngồi chễm chệ nơi màn trướng. Ai ngờ ra thăm dò thấy vẫn im ắng, chẳng có động tĩnh gì. Cửa hàng nhà Xương Bá vẫn cứ đông đúc ồn ào. Ngay những nhà bên cạnh cũng chẳng thấy ai nói đến. Hắn thấy rất lạ lùng: "Tại sao lại không thấy tin tức gì? Thật là kỳ quái, hay nhà họ Trương phát hiện ra mà giấu đi. Chỉ có mình biết chuyện ấy nhưng khó mà hỏi người khác được". Hắn hối tiếc và uất ức mà không dám lên tiếng, đến nỗi để tuột khỏi tay một món tiền kếch xù, mà lại còn lỗ mất hai bữa rượu. Từ đó lòng dạ Điêu Tinh không yên, tìm mọi cách thăm dò cho ra sự thực, lúc đó sẽ khoác thêm cho Xương Bá tội mang xác chết đi chôn. Mấy hôm sau vẫn không thấy động tĩnh, Điêu Tinh tuy nôn nóng, nhưng chẳng biết làm thế nào, chỉ một mình bồn chồn lo lắng mà thôi.

Từ ngày được Xương Bá tha và cho tiền, Chu Ân buôn bán lặt vặt cũng đủ chi dùng hàng ngày, không lúc nào anh quên ơn Xương Bá. Một hôm làm xong việc, trời vẫn còn sớm, Chu Ân muốn đến thăm Xương Bá. Một là, anh áy náy về việc xác chết, không biết sau khi thả xuống sông sẽ ra sao, và cũng muốn báo cho Xương Bá biết tin này. Đương nhiên không phải Chu Ân muốn kể công với Xương Bá, và cũng không đòi ông ấy phải đền ơn.

Vừa mới đi tới đầu cầu, thấy người ta đứng vòng trong vòng ngoài bàn tán. Chu Ân bước tới thấy một xác chết đầu oặt ra. Đúng là xác chết anh dìm xuống đêm trước, đã được vớt lên bờ. Lúc ấy bụng Chu Ân hơi run, chỉ sợ liên lụy đến mình, nhỡ ra bất chợt họ ghép mình vào tội tự ý di dời xác chết, kết hợp với tội ăn trộm thì chống sao nổi. Chu Ân tới nơi xem, càng kinh hãi. Chẳng phải ai khác mà đó chính là Ngu Tín Chi, người anh con bà cô. Cha Tín Chi là Ngu Bá Cần. Xưa kia ông tổ họ Ngu là một người giàu có trong làng. Đời Bá Cần do không biết kinh doanh, rồi lại phải đóng thuế má sai dịch, cửa nhà sa sút dần. Đến đời Tín Chi thì cửa nhà đã khốn đốn sa sút. Chu Ân thường hay đi lại với anh, từ khi hai nhà lâm vào cảnh túng quẫn hiu hắt, nên ít qua lại. Chu Ân thấy thế không sao cầm nổi nỗi thương tâm, tự nhiên gào lên khóc. Những người xem quanh đấy thấy anh là thân nhân của người chết, không thể không hỏi, người ấy tên gì, ở đâu.

Chu Ân chưa trả lời xong, thì thấy một người trong đám đông vội kéo tay anh, nói:

- Hãy đến nhà tôi, tôi sẽ bàn với anh.

Chu Ân quay đầu lại chỉ thấy:

Trán ngang ba ngấn, chau lại thành tên độc ác

Thao láo mắt tròn, nhắm nghiền thấy được mưu gian

Sợ mình nghèo, sinh lòng oán hận.

Lo người giàu, đòi phải chia đều.

Đất bằng gió mưa,

Trời xanh sấm sét.

Kế độc đã thành, chẳng kể làng xóm gần xa,

Đơn từ bịa đặt, đâu biết phủ quan liêm chính.

Thị phi điên đảo,

Thay trắng đổi đen.

Quả là miệng cười, giấu dao, nói năng ráo hoảnh,

Đúng là trong bụng có kiếm, óc tim toàn nghĩ giết người.

Chu Ân theo người ấy đến nhà, người ấy nói: "Tôi họ Điêu, tự là Đức Phủ. Năm nay, tới phiên tôi cai quản vùng này. Xác chết vừa vớt được, chưa tìm được người thân tới nhận, anh đến rất kịp thời, ta cần phải làm đơn trình báo phủ quan. Anh đã biết vì sao anh anh chết, nay anh nghĩ thế nào cứ nói, tôi sẽ thay anh làm việc này".

- Hôm trước, người nhà anh ấy đến hỏi, - Chu Ân nói, - anh ấy đã đi năm sáu hôm mà không thấy về. Tôi cũng không để ý tới, song nào có ngờ đâu anh ấy chết ở đây.

- Anh anh bị người ta giết chết. - Điêu Tinh giả vờ kinh ngạc nói. - Tôi biết anh không hay biết chuyện này, song hung thủ chính là Trương Bá, người mở cửa hàng vải ngay đối diện nhà tôi. Lão ta cậy thế giàu có, không biết họ cãi nhau về chuyện gì mà chửi anh anh vô cùng tàn tệ. Nay bỗng nhiên anh anh chết, dù không phải bị chết do đánh, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng lão ta không thể trốn tránh được trách nhiệm.

- Xem ra không phải là chết đuối, - Điêu Tinh nói tiếp, - mà chết do thắt cổ. Theo tôi, anh phải đi cáo giác, nhất định lão ta phải lo chôn cất. Đây là tấm lòng của tôi khi gặp nỗi bất bình, nhưng việc đó cũng phải do anh định đoạt.

Nghĩ lại việc xảy ra hôm trước, Chu Ân thấy anh ta nói đúng. Song đã chịu ơn Xương Bá, Chu Ân không thể vong ơn bội nghĩa ngay được. Hơn nữa, về việc này, nhà họ Ngô không còn ai, thì anh phải đứng ra. Nếu chẳng may gặp Xương Bá, ông sẽ nói ra chuyện xấu xa của mình thì việc sẽ rắc rối to. Chu Ân do dự không quyết, đành trả lời lấp lửng rằng:

- Tôi không đứng tên được, phải tìm chị tôi để chị ấy đứng tên, thế mới thỏa đáng. Bây giờ đã muộn, ngày mai chúng ta bàn tiếp.

Điêu Tinh nghĩ: “Nếu được đàn bà đứng tên thì càng dễ bưng bít". Rồi hắn nói với Chu Ân rằng:

- Anh nói có lí, sáng mai anh chị đến cả đây, ta sẽ nghĩ kế, ra tay trị lão ta trước. Nếu đến muộn thì lão Trương giở trò khó mà lật lại được. Chẳng may phủ quan biết, hỏi vì sao không khai báo, thì lúc ấy càng tốn công, lại khó xoay xở.

Trở về, Chu Ân nói hết mọi chuyện với mẹ là Khâu thị, rồi hỏi:

- Sự việc xảy ra như thế, mẹ nghĩ nên làm thế nào cho phải?

Nghe xong chuyện, Khâu thị khóc nói:

- Không ngờ anh Ngu lại chết khổ như thế? Nhưng con cũng không nên vội vàng, phải tìm ra sự thực. Tính mạng nhà mình là nhờ vào họ Trương tha thứ. Nếu như đêm hôm ấy ông giải con lên quan trị tội, thì không phải một mình con, mà cả nhà đều chết đói. Hôm đó không những ông chỉ tha con, mà còn cho thêm vốn liếng làm ăn. Hiện nay mình sống được là nhờ ơn ông sao con không lo đền ơn đáp nghĩa, mà lại đứng ra kiện cáo. Làm thế lương tâm chúng ta không cho phép. Theo mẹ, một người tốt như thế thì không thể là kẻ giết người. Anh Ngu xưa nay cũng là một người yên phận, song lại tự nhiên liều lĩnh lừa dối người, chắc rằng có duyên cớ gì đây.

Nghe xong, Chu Ân mới hiểu ra. Anh vội tìm gặp Xương Bá. Anh cám ơn Xương Bá đã giúp đỡ mình, sau lại hỏi cặn kẽ về việc Tín Chi, Xương Bá không hề hay biết. Ông cho biết, có người đến nhà mình, nhưng không nói rõ họ tên, nên đã không cho anh ta một xu. Nghĩ một lát, chợt nhớ ra, ông nói:

- Đúng rồi, nhất định là người ấy.

Xương Bá thuật lại tỉ mỉ cho anh nghe chuyện Tín Chi đến nhà, nhận bà già là người thân, bị truy hỏi, anh ta ê mặt bỏ đi. Xương Bá nói:

- Thực ra hôm anh tới nhà tôi, bà già rất sợ, lại gặp gió, cảm lạnh bị chết. Bà ấy ở nhà tôi đã hơn hai mươi năm nay, không thấy một người thân thích nào đến thăm. Chẳng hiểu sao nay lại thấy có người đột ngột đến?

- Không biết anh tôi bị người nào xúi bẩy, - Chu Ân nói, mà lại liều lĩnh chết một cách vô ích như thế.

- Anh nói sao? - Xương Bá kinh ngạc nói.

Chu Ân kể lại việc mình thấy Tín Chi thắt cổ ở cửa nhà ông rồi mang chiếc xác ấy đi, nay Điêu Tinh lại xúi anh tố cáo ông giết người, anh không nghe. Xương Bá nghe xong, dựng tóc gáy không nói lên được, mãi sau ông nói:

- Một người xưa nay những hề quen biết, sao lại lừa dối để hại ông, cứ hư hư thực thực không sao hiểu nổi.

- Đời nay thật giả lẫn lộn, - Chu Ân nói, - đến khi tìm ra thật giả thì gia tài khánh kiệt. Tướng công đã giúp đỡ tôi thì đương nhiên tôi phải lo chu tất, việc này ông không phải bận tâm.

Xương Bá cảm ơn Chu Ân. Trên đường trở về, vừa đi Chu Ân vừa nghĩ: "Tín Chi có người thân thích nào làm công cho Xương Bá đâu. Vậy việc này chẳng liên quan gì đến nhà họ Trương. Tại sao Tín Chi không phân biệt thật giả, lại bị hắn lừa gạt, coi rẻ cả tính mạng mình?”. Anh lại nghĩ tiếp: “Sự việc có thể là giả, nhưng cãi nhau, cuối cùng dẫn đến cái chết lại là thực. Thế thì chết tại cửa nhà Xương Bá cũng là giả ư? Tín Chi đã chết, Xương Bá chẳng qua hết lòng báo ơn mình, vậy thì việc lo ma chay cho anh ấy biết trông cậy vào đâu?". Càng nghĩ, Chu Ân càng thấy thương tâm. Đi được nửa đường, anh nẩy ra ý định: "Mình không nghĩ ra cách gì, Lạc Công Tế là người hiểu biết, sao ta không đến bàn với ông ấy xem sao?". Thế rồi anh đến nhà Công Tế.