Hữu Điệu "Thái Tang tử”
Xưa nay, con gái không gì quan trọng bằng "tiết liệt". Tiết có nghĩa là giữ mình trong sạch, vượt mọi gian khổ suốt đời không thay đổi chí mình. Liệt tức là ý muốn cháy bỏng, nếu chồng chết thì hi sinh cả bản thân, nếu gặp bọn cường bạo bức bách, không chịu ô nhục, dám quyên thân để bảo vệ. Cần biết rằng việc quyên sinh là điều bất hạnh của người con gái. Song khi sống, ngọc nát châu chìm, nhưng chết đi thì như trời quang mây tạnh, mặt trời sáng tỏ, người thân hết lời ca ngợi, nhà nước ra sức nêu gương, không uổng chí quyên sinh. Xưa nay chưa có ai, vì phải trái đảo lộn đến nỗi sau khi chết phải ngậm oan. May mà nhân tâm trong sáng, công luận rõ ràng. Bởi thế bọn gian phu dâm phụ, bọn côn đồ độc ác đều bị tiêu diệt. Không đến nỗi trong đục bất phân, vàng thau lẫn lộn. Hãy nhìn trời cao lồng lộng, đạo trời thật không sai.
Thời Gia Tĩnh triều Minh, ở trấn An Đình, huyện Gia Định, phủ Tô Châu, có liệt nữ Trương thị. Cha là Trương Diệu, mẹ là Kim thị. Từ nhỏ Trương thị nết na dịu dàng, cử chỉ đoan trang, nói cười phải lẽ. Năm mười sáu tuổi cha mẹ muốn gả chồng. Vừa may có người họ Vương quê ở Gia Hưng tới sống tại Yên Đình, người ta đều gọi là Uông Khách. Vợ ông ta là người dâm đãng, tên là Mỗ thị, chỉ đẻ được một người con trai. Khi chưa lấy Uông Khách, Mỗ thị đã là người lăng nhăn, đến khi lấy chồng thì vẫn tựa cửa bán hoa, thường ngày chơi thân với một đám bạn mới. Tuy đã trung tuổi, con cũng đã mười mấy tuổi, song vẫn chứng nào tật ấy. Uông Khách là gã nát rượu chỉ mấy chén quốc lủi là gã quên hết sự đời. Bọn trai tơ đi lại lăng nhăng mà Uông Khách vẫn điềm nhiên như không. Vợ ông ta được đà lại càng ngang ngược khác thường. Mọi việc trong nhà Uông Khách chẳng có quyền gì.
Khi tìm vợ cho con trai, Uông Khách bàn với vợ. Vợ nói:
- Nghe người ta nói con gái Trương Diệu rất xinh đẹp, thật hợp ý tôi.
Vợ nói thế, Uông Khách đồng ý, rồi nhờ mối tới hỏi. Người xưa nói: "Mối lái nói như rồng như phượng". Bà ta đến nhà Trương Diệu, tô vẽ nhà họ Uông như hoa như gấm. Nào là chàng rể thông minh, nào là mẹ chồng hiền thục. Nếu như ngày ấy Trương Diệu tìm hiểu kĩ một chút thì không đến nỗi con gái mình phải rơi vào địa ngục trần gian. Nào ngờ, ông vốn tính thẳng thắn, tin người. Bà mối vừa nói ông đã bằng lòng gả con gái cho con Uông Khách.
Hai năm sau, trai to gái lớn, nhà họ Uông chọn ngày tốt cưới về, cũng chăng đèn kết hoa, cũng kèn sáo vang lừng. Thời ấy bọn giúp việc cho nhà họ Uông đều là loại chó má, rất thân thiết với vợ Uông, Uông Khách vẫn cứ buông lơi. Trương thị về nhà chồng, bái lạy cha mẹ chổng, mẹ chồng lại lệnh phải bái lạy khách khứa. Tục ngữ nói rất đúng: "Người vừa đến không biết chuồng xí ở đâu”. Lạy hết lượt chẳng biết những người này thân thích với chồng mình thế nào. Cưới được mấy ngày, thì thấy những người này luôn ở trong phòng mẹ chồng, ra vào chẳng hề e dè kiêng kị. Cứ tối đến là tụ tập, chong đèn uống rượu, cùng với mẹ chồng cười cợt đùa bỡn, hoàn toàn chẳng biết sợ là gì. Bên kia, bố chồng ngày đêm say sưa. Chồng thì cũng mặc kệ không tiếp đãi. Một đêm cô nói riêng với chồng rằng:
- Bọn người này quan hệ với nhà anh thế nào?
- Họ đều là bạn tốt của cha tôi, - chồng nói, - họ quan hệ với gia đình đã từ lâu rồi.
- Đã là bạn tốt của cha anh, - Trương thị nói, - cớ sao lại cứ tụ tập suốt đêm, uống rượu trong phòng mẹ, làm những việc vô liêm sỉ, há không sợ người ta chê cười sao!?
- Mẹ muốn thế, - chồng cô nói, - thì cứ mặc mẹ, cô cũng đừng để ý làm gì.
Trương thị thấy chồng thản nhiên nói như thế, cũng không dám nói nữa. Cô cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Trong bọn xấu đó có một đứa tên là Hồ Nham. Cha hắn là Hồ Đường, là người không chịu yên phận, thường hay ra vào cửa quan, thân quen với quan lại. Hồ Nham cậy thế cha, mặc sức ngông cuồng, khinh rẻ, áp bức người lương thiện. Ở trấn An Đình này không chỗ nào là hắn không tới. Song hắn lại là người mà vợ Uông thích nhất. Còn nhũng đứa xấu xa khác như Chu Luân, Chu Mân, đều theo hắn sai bảo. Tuy tất cả đều thông dâm với vợ Uông, nhưng chúng vẫn dành phần cho Hồ Nham.
Một hôm, Hồ Nham nói với vợ Uông:
- Con dâu nhà bà rất xinh đẹp, nhưng từ khi về nhà này nó chưa từng nói với chúng ta một câu nào, hình như nó trách bà. Thôi thì cứ kéo tuột nó xuống vũng bùn cho hòa cả làng, sau đó có thể mặc sức vui thú. Ý bà thế nào?
- Được voi còn đòi tiên. - Vợ Uông nói.
- Nếu không thế thì hành động của bà nhất định bị nó khinh bỉ. - Hồ Nham nói. - Chúng ta ở đây bị nó nhòm ngó, chẳng khoái chút nào.
- Việc này ta rất khó nói, - vợ Uông nói, - anh đi mà dụ dỗ nó vào tròng.
Từ đó mỗi khi gặp Trương thị, Hồ Nham thường cười cợt, nói với cô những điều chớt nhả, tục tĩu dâm đãng. Trương thị đều bỏ ngoài tai, giận dữ bỏ đi.
Một hôm Hồ Nham ngủ với mẹ chồng, rồi hắn nói:
- Con dâu mới của bà sợ bà chửi, cho nên không chịu thân thiết với ta. Thôi thì cứ gọi nó tới để nó nhìn tận mắt chúng ta đang ngủ xem nó thế nào.
Dâm phụ lập tức lên tiếng gọi con dâu vào. Trương thị tuy biết mẹ chồng không đoan chính, song cô hết sức vâng lời. Nghe thấy tiếng gọi, ngỡ rằng không có người trong phòng, cô liền vào ngay. Chỉ thấy mẹ chồng đang nằm trên giường gọi, mở màn ra cô nhìn tận mắt thấy người đàn ông và một người đàn bà đang hành dâm. Trương thị quay ngoắt về phòng mình, đấm ngực dậm chân khóc tức tưởi bỏ về nhà mẹ đẻ. Người chồng dẫn cô về. Thấy bố mẹ, cô gào lên khóc, nói:
- Con thà chết ở nhà, chứ không đến nhà ấy nữa.
Lúc đầu cha mẹ hỏi tại sao, cô không nói. Sau mẹ cô tỉ tê hỏi, lúc đó cô mới nói hết những hành vi xấu xa của mẹ chồng, và muốn nhảy xuống sông chết cho rảnh. Cô nói:
- Con không muốn tấm thân trong sạch của con bị ô nhục như thế, cho nên thà chết con cũng không về.
Kim thị thấy thế cứ than khóc mãi, song hối không kịp nữa. Ở nhà mẹ đẻ mấy tháng, chồng cô nhiều lần đến đón về, song cô khăng khăng không chịu.
Nào ngờ Hồ Nham mưu gian chưa đạt, tà dâm vẫn còn. Hắn nói với vợ Uông rằng:
- Dâu mới về nhà mẹ đẻ đã lâu sao không đón nó về? Cứ để nó ở ngoài phỉ báng bà, thử hỏi bà còn mặt mũi nào nữa. Hãy đón nó về, giữ chặt nó trong tay mình thì nó chạy đằng trời.
- Nó không chịu về, thì làm sao bây giờ - Vợ Uông nói.
- Bảo con trai bà ngọt ngào dỗ nó, - Hồ Nham nói, - thì nó về ngay.
Quả nhiên vợ Uông theo lời, bảo con trai dùng lời ngon ngọt để dụ dỗ vợ về.
Người chồng đến nhà bố vợ, nói với Trương thị rằng:
- Từ khi cô về nhà mẹ đẻ tới nay, mẹ tôi đã hối cải rồi. Bây giờ thì bà sống trong sạch, không như trước nữa. Cho nên tôi tới đón cô về.
Trương thị nửa tin nửa ngờ, cha cô nói:
- Mẹ chồng có thể đoạn tuyệt, nhưng vợ chồng không thể bỏ nhau. Người xưa nói: "Trong thì vẫn trong, đục thì cứ đục", "vàng ròng không sợ lửa", sợ gì bà ta. Hơn nữa bà ấy đã nghĩ lại rồi thôi con về đi, đừng cố chấp như thế nữa.
Không còn cách nào khác, Trương thị đành chào cha mẹ về nhà chồng. Về đến nhà, thấy mẹ chồng vẫn y như cũ. Bọn côn đồ xấu xa vẫn dâm loạn ngay tại nhà. Vợ Uông giở trò độc ác suốt ngày gây gổ với con dâu, không chửi thì đánh. Trương thị cứ khóc lóc với chồng, khuyên chồng trừ khử bọn côn đồ. Lại nhân lúc Uông Khách tỉnh táo, thẳng thắn khuyên giải bố chồng:
- Cha nên ít uống rượu, chủ động trông nom cửa nhà.
Bố chồng là kẻ bù nhìn, hoàn toàn không để ý tới lời con dâu, mà còn đem chuyện đó nói với vợ. Vợ Uông tức giận, càng đánh chửi thậm tệ. Trương thị vẫn cứ phải lầm lũi nghe theo, và chỉ biết giữ gìn mình, không cho bọn Hồ Nham xúc phạm, để sống cho qua ngày đoạn tháng.
Một hôm, vào buổi tối, bọn côn đồ tụ tập trong nhà uống rượu Trương thị từ bếp lên, đi qua mặt Hồ Nham, đột nhiên hắn rút lấy chiếc trâm ngọc trên đầu. Trương thị dừng lại, vừa khóc vừa chửi. Hồ Nham nói:
- Nếu xin ta trả lại nguyên vẹn, thì nàng phải thế nào với ta đây?
Nói xong hắn đưa trâm cho Trương thị. Trương thị không cầm, hắn ném xuống đất, chiếc trâm gãy đôi. Vợ Uông nói:
- Ta đền thay cho anh Hồ.
Rồi rút chiếc thoa ngọc trên đầu đưa cho con dâu. Trương thị ném xuống đất, trâm gẫy đôi, rồi bực bội bỏ đi. Hồ Nham nói:
- Khó mà động vào được người Trương thị. Ta phải làm thế nào đây? Bà không sợ mất uy mẹ chồng ư?
Bọn người ấy xúm vào nói với vợ Uông rằng:
- Quả là bà không muốn vun vào cho Hồ Nham, mới đến nỗi như thế.
- Đừng nóng vội, - vợ Uông nói, - khi nào Hồ Nham muốn thì sẽ gặp vận may.
Thế rồi bọn ấy lại tiếp tục ăn no uống say mới về.
Trong nhà có một thằng ở tên là Vương Tú, cũng là người tình của vợ Uông. Một hôm mẹ thông đưa chiếc khăn tay cho con dâu thêu để tặng Vương Tú. Trương thị giận dữ nói:
- Nó chỉ là đứa ở mà thôi! Ta không quen thêu hoa cho bọn con ở!
Nói xong Trương thị ném chiếc khăn tay xuống đất không Thêu. Vợ Uông vừa phẫn uất vừa xấu hổ, chửi ầm lên, rồi thầm nghĩ: "Mày đừng cuống lên như thế, trời có sập thì mày mới thoát khỏi tay tao".
Lúc ấy đang là mùa hè, mỗi khi vợ Uông tắm, đều bắt con dâu lấy nước. Một hôm vừa mới tắm đã nghe thấy mẹ chồng gọi lấy nước thêm. Trương thị mang nước vào, thấy Hồ Nham cùng nằm trong bồn với mẹ chồng. Cô kinh hoàng chạy ra khỏi phòng khóc nức nở. Tắm xong vợ Uông nói với Hồ Nham rằng:
- Đêm nay anh hãy ngủ với đứa con dâu của ta.
Trước hết Hồ Nham cùng với vợ Uông bàn mưu, sai con trai tới huyện học quan coi ngục, để cho con dâu ngủ một mình, nhân lúc đêm tối lẻn vào là xong việc. Vì chồng đi vắng nên Trương thị luôn luôn phòng bị. Cô gối vào đầu giường một thiếc gậy ngắn để phòng thân. Đêm ấy, theo lời vợ Uông, Hồ Nham rón rén đến cửa buồng Trương thị, cửa cài chặt hắn bèn tháo cánh cửa sổ chui vào. Thấy có người vào buồng, Trương thị bèn đập giường kêu lên có kẻ giết người. Hồ Nham ôm chầm lấy cô. Trong đêm tối Trương thị cầm gậy quật túi bụi vào đầu vào mặt Hồ Nham. Hắn giơ tay ra đỡ, gậy vụt trúng tay, hắn tức tối chạy ra. Trương thị tuy không bị nhục, song càng nghĩ càng tức khóc suốt đêm. Đến hôm sau chẳng ăn uống gì, định bỏ về. Song cô không sao cất bước nổi, hơn nữa cửa buồng bị vợ Uông khóa chặt, không có lối thoát thân, trương thị chỉ biết ngồi kêu gào, muốn chết đi cho xong.
Đêm ấy, Hồ Nham tụ tập tất cả bọn côn đồ trong phòng, uống rượu, rồi bàn mưu tính kế. Hồ Nham nói:
- Nhẹ không ưa lại muốn ưa nặng. Lần này đành phải ra tay thôi.
- Tùy anh! Tùy anh! - Vợ Uông nói.
Uống rượu tới canh hai, rồi đứa nào đứa ấy cầm khí giới xông đến buồng Trương thị. Hồ Nham dứ dao vào mặt Trương thị nói:
- Đêm nay, theo ông thì sống! Không theo, thì ông sẽ xả thịt mày tan nát thành từng mảnh vụn.
Trương thị liều chết, gào lên chửi. Bọn chúng nói:
- Đến nước này mà mày còn bướng hả?
Hồ Nham tức khí quát:
- Đánh chết nó đi!
Thế là gậy gộc, rìu búa bổ xuống tới tấp. Trương thị mình đầy thương tích. Cô vẫn còn quằn quại chưa chết, gào lên nói:
- Sao chúng bay không đâm cho ta chết ngay đi!
- Mày muốn chết ngay thì ông cho mày chết. - Hồ Nham nói.
Rồi hắn đâm vào cổ, thuỗn qua vai, lại đâm luôn vào âm hộ. Cô chết hẳn.
Vợ Uông nói:
- Nó đã chết, giờ phải làm thế nào?
- Sợ quái gì! - Hồ Nham nói. - Chỉ cần mấy lạng bạc đút lót cho quan lại là xong hết.
Rồi hắn hò bọn đàn em khiêng xác chết đi chôn cho mất tích. Nào ngờ xác chết cứ như đóng đinh xuống đất, càng khiêng càng không nhấc nổi. Bọn chúng nói:
- Khiêng không nổi thì làm thế nào?
- Tiếc gì mấy gian nhà, hãy phóng hỏa đốt luôn chiếc xác này đi, thì còn đâu tang vật nữa?
Bọn chúng xúm vào châm lửa. Ai ngờ gió nổi lên thổi tạt lửa đi nơi khác. Xác cô gái vẫn còn nguyên tại chỗ, lửa không sao bén được. "Chẳng ai biết có quỷ thần hay không", đó là ý trời bắt chúng phải bại lộ. Thấy nhà Uông bốc lửa, những người láng giềng xông đến cứu. Lửa cháy ở nhà phía sau, họ bèn chạy ùa ra lối sau. Ngọn lửa dần dần bị dập tắt. Họ quay lại phía trước, thì thấy một xác chết nằm trên vũng máu tươi lênh láng. Mọi người kêu lên:
- Đúng là chúng giết người, rồi đốt nhà. Đã giết người ta còn muốn thiêu xác cho phi tang. Bọn chúng thật là vô lương tâm!
Lúc ấy bọn hung thủ đều trốn vào phòng vợ Uông. Mọi người la hét ầm ĩ, báo cho địa phương và báo cho nhà họ Trương biết. Vợ chồng Trương Diệu biết tin, lập tức chạy đến nhà Uông. Quả nhiên thấy xác con mình nằm trên vũng máu, họ đều gào lên khóc lóc. Lúc ấy vợ chồng họ Uông đều đã chạy trốn. Vợ chồng Trương Diệu chỉ biết khóc lóc báo lên quan để minh oan cho con, và nhờ những người láng giềng làm chứng, rồi lập tức viết cáo trạng.
Bọn côn đồ trốn trong phòng vợ Uông, thấy thân nhân người chết đã đi chúng mới thập thà thập thò, rồi chạy ra mồm năm miệng mười, bàn với nhau. Vợ Uông nói với chúng rằng:
- Trương Diệu nhất định sẽ kiện, giờ phải nghĩ ra kế gì để đối phó.
- Sợ gì, - Hồ Nham nói, - chỉ cần một mình bà nhận là được. Mẹ chồng đánh chết con dâu, có tội gì nặng đâu. Còn có một kế nữa là, cứ bảo rằng con dâu gian dâm với Vương Tú, tôi quở trách nó, song nó lại chửi lại, tôi lỡ tay đánh chết. Còn thằng Vương Tú cũng phải bảo cho nó biết trước, rồi hứa cho nó ít bạc, sau này sẽ chuộc tội cho nó, thì nhất định nó sẽ nhận. - Sau đó hắn lại nói với Uông Khách. - Ngày mai ông lên huyện tự thú trước đi.
- Ta chưa gặp quan bao giờ, - Uông Khách nói, - anh hãy lên huyện thay ta.
- Việc riêng trong nhà thì làm thay được, - bọn chúng nói, còn việc kiện tụng thì làm thay sao được.
- Đồ ngu! - Vợ Uông bảo chồng. - Hãy bảo vệ ta thì ta sẽ lo mọi việc cho, ngày ngày lại có cơm ăn rượu uống, như thế chẳng tốt lắm sao? Ngày mai lên huyện, mang sẵn đi mấy hũ rượu xuống thuyền mà nốc, có được không?
Nghe thấy có rượu uống, Uông Khách gật đầu lia lịa, nói:
- Chưa biết chừng ta chỉ phải đi một lần này thôi.
- Lần kiện này, - Hồ Nham ghé vào tai vợ Uông khẽ nói, không thể tiếc tiền được đâu.
- Tiền của tôi, - vợ Uông nói, - lâu nay gửi tạm anh, nếu không đủ dùng thì dưới giường vẫn còn một ngàn lạng. Chỉ cần mọi việc ổn thỏa, lấy thêm mà dùng cũng được.
Hồ Nham về nhà nói với cha là Hồ Đường. Hồ Đường nói:
- Trước hết phải mua chuộc xong xuôi đã, ấy là "kế phủi tay". Còn một kế nữa phải hối lộ trước ấy là kế "đi trước nước cờ" Con có biết ông ngoại của đứa con gái ấy là ai không? Đó là Kim Bính ở thị trấn. Bố ông ta là Kim Gia, từng đỗ tiến sĩ, làm Tri châu Bồi Châu. Nay tuy đã chết, song vẫn là nhà quan lại. Trương Diệu là kẻ vô dụng, ngày mai đi kiện nhất định phải đến hỏi bố vợ. Theo ta, trước tiên phải đến mua chuộc Kim Bính, bảo ông ta rằng trong đơn kiện chỉ cáo giác bọn kia, mà không viết tên con vào đó, thế là con ung dung đứng ngoài cuộc.
- Hay, hay lắm! - Hồ Nham nói. - Thế thì phải làm ngay không nên chậm trễ, cha đi ngay đi là hay nhất.
Đêm ấy Hồ Đường lập tức đến ngay nhà Kim Bính, đưa một trăm lạng bạc, xin ông ta đừng viết tên con mình vào đơn. Kim Bính thấy bạc tối mắt lại, ưng ngay.
Trương Diệu khóc hồi lâu, nghĩ rằng phải đi kiện, nhưng mù tịt chẳng biết gì, quả nhiên đến nhà bố vợ bàn mưu tính kế. Kim Bính té nước theo mưa, an ủi qua loa vài câu, bảo không phải con cà con kê nữa, không cần phải chỉ rõ tên Hồ Nham. Trương Diệu nói:
- Hồ Nham là tên đầu sỏ, sao lại không kiện nó?
- Kiện cáo thì cũng phải vuốt mặt nể mũi chứ. - Kim Bính nói. - Cha Hồ Nham là người quen biết nha môn, không phải dễ chơi đâu. Tôi nghe nói khi đánh thì nó vào phòng khuyên can, đứng về tình cũng đáng tha thứ. Vả lại kiện bọn kia thì nhất định chúng phải khai ra nó, con không cần phải kết tội cho một người có thế lực.
Đúng là tiền đã làm cho lưỡi ông ta lắt léo. Ông ta đâu có nghĩ tới sinh mạng của đứa cháu ngoan. Xưa nay Trương Diệu là kẻ ngu đần, quả nhiên nghe theo bố vợ, trong đơn kiện bỏ ngay tên Hồ Nham đi. Theo lời Hồ Nham, Uông Khách cũng đưa đơn lên huyện nói là, vì con dâu bất chính, bị mẹ chồng đánh chết. Quan huyện nhận hai lá đơn, một mặt lệnh bắt người, một mặt sai người xét nghiệm tử thi.
Cũng cần hiểu rằng, theo luật lệ về nhân mạng triều trước, thì tử thi phải do quan Chính ấn khám nghiệm. Song nay thì khác hẳn, bởi thế quan Điển sử cũng có thể khám nghiệm tử thi. Hồ Nham biết rằng việc này giao cho quan Điển sử càng dễ hối lộ, do đó hắn đã sắp đặt sẵn những quan khám nghiệm. Vì trong đơn kiện không có tên hắn, nên hắn dương dương đắc ý nghênh ngang đi lại ngoài phố, ai ai trông thấy cũng căm phẫn, song sợ hắn giở trò ác độc, nên không ai dám nói. Điển sử đến nhà họ Uông, ngồi quay ra ngoài. Người cả trấn tới xem, đứng đông nghịt hai bên. Đến khi khám nghiệm thì thấy vết dao đâm dưới hầu có thể để lọt hai ngón tay, hai mạng sườn và âm hộ đều có vết dao đâm, ai trông thấy cũng thương tâm. Những kẻ khám nghiệm nhận hối lộ chỉ báo có mấy vết thương do gậy đánh, còn tất cả những vết dao đâm đều lờ đi. Thấy vậy tất cả những người ở đó gào lên:
- Người khám nghiệm tử thi ăn tiền hối lộ! Tại sao những chỗ trọng thương lại che giấu không báo.
Họ định xông vào đánh những kẻ khám nghiệm. Điển sử cũng nhận hối lộ, thấy dân công phẫn giả vờ phạt những kẻ khám nghiệm mấy tay thước để dẹp yên sự bất bình của dân chúng. Sau đó cho người khâm liệm thi thể, rồi trở về vẫn để nguyên tờ trình đó đệ lên quan huyện. Đúng là:
Chỉ cần tay họ cầm bạc trắng
Trên đầu nào có sơ trời xanh.