Mông muội ngu si vị tất chân.
Ghen ghét bởi chung con mắt cạn,
Gươm đao nổi lúc nói cười thâm.
Hoàng Hà chín khúc lòng dư hiểm,
Thiết giáp mười tầng mặt ghét căm.
Tửu sắc thường gây tan nhà, nước,
Thi thư hồ dễ hại người nhân.
Bài thơ này để nói về những cái khó trong đạo làm người . chỉ vì đường đời chật hẹp, lòng người khôn lường, đạo lớn đã xa, tình người vạn mối. Qua lại đến đi chỉ vì mối lợi, ngu si xuẩn ngốc, tất mang họa thôi. Giữ mình giữ nhà, ngàn lần cân nhắc, vì thế người xưa mới có câu: "Nhăn mày có cớ nhăn mày, cười có cớ mỉm cười, song giữa nhăn mày và cười thì rất cần cẩn thận". Truyện này riêng kể một vị quan nhân chỉ nhân câu nói đùa sau lúc uống rượu mà gây nên nỗi thân mình bị chết, nhà cửa nát tan, làm lụy đến tính mệnh mấy người nữa. Xin tạm dẫn một câu chuyện để làm lời răn mà ngẫm nghĩ.
Lại nói triều vua đời Tống có một chàng trẻ tuổi chuẩn bị đi thi, họ Ngụy, tên Bằng Cử, tên chữ Trọng Tiêu, tuổi vừa mười tám, lấy được cô vợ như hoa tựa ngọc. Chưa được một tháng, chỉ vì bảng xuân sắp yết, trường thi sắp mở, Ngụy sinh từ biệt vợ, thu thập hành lý lên Kinh ứng thí. Khi Ngụy sinh sắp đi người vợ dặn:
- Được làm quan hay không thì mình cũng nên sớm trở về, đừng có bỏ mặc tình vợ chồng ân ái.
Ngụy sinh đáp:
- Hai chữ công danh là tiền trình bản lĩnh của tôi, không cần hiền thê phải lo lắng.
Rồi từ biệt vợ lên đường tới kinh, quả nhiên vừa thi là thành danh, đỗ đệ nhất giáp đệ nhị danh Bảng nhãn, thật là chuyện đẹp vang lừng kinh đô. Tất nhiên không thiếu việc viết một lá thư gửi về nhà, sai người đón gia quyến lên kinh. Trong thư trước hết thăm hỏi cùng kể việc mình được bổ làm quan, cuối thư lại ghi thêm một vài dòng, rằng: "Tôi ở trong kinh sớm hôm không người chăm sóc, đã lấy một cô vợ bé, chuyên đợi phu nhân tới kinh để cùng hưởng vinh hoa".
Gia nhân thu xếp thư từ đi thẳng về nhà, gặp phu nhân liền chúc mừng và lấy bức thư nhà đưa trình. Phu nhân mở thư ra xem, thấy nói là như thế, như thế bèn bảo người giúp việc:
- Quan nhân thật là kẻ phụ ơn, mới được làm quan đã lấy bà bé rồi!
Gia nhân bèn thưa:
- Tiểu nhân ở kinh không thấy có chuyện đó. Hẳn chỉ là lời nói đùa của quan nhân thôi. Phu nhân tới kinh sẽ biết đầu đuôi, xin đừng lo nghĩ.
Phu nhân nói:
- Người nói như thế, ta cũng khỏi lo.
Vì việc mượn người, thuê đò chưa thuận tiện nên phu nhân một mặt thu xếp hành lý, một mặt tìm người nhờ chuyển trước phong thư báo tin nhà bình an lên kinh. Người mang thư đến kinh, hỏi thăm tới nơi ở của tân khoa là Bảng nhãn họ Ngụy. Đưa thư xong, người ấy uống rượu ăn cơm rồi về, không nói nữa.
Lại nói Ngụy sinh nhận được thư mở ra xem, trong thư không có một câu thăm hỏi nào, chỉ nói: "Chàng ở kinh đã lấy vợ bé thì tôi ở nhà cũng tự gả cho chồng nhỏ, sớm tối sẽ đến kinh sư đấy!"
Ngụy sinh xem thư cũng chỉ nghĩ là câu nói đùa của phu nhân, không hề để ý. Chưa kịp cất thư đi thì bên ngoài có người báo:
- Có bạn cùng khoa đến thăm ạ!
Nơi ở trong kinh không được rộng rãi như ở nhà, người kia lại là bạn đồng khoa thân thiết. Người ấy biết Ngụy sinh không có gia quyến ở phòng trong bèn đi thẳng vào bên trong ngồi. Chuyện trò được vài câu, Ngụy sinh đứng dậy đi tiểu. Bạn đồng khoa kia tình cờ lật xem sách giấy trên bàn, thấy bút thư nhà viết rất buồn cười bèn cố ý đọc to lên. Ngụy sinh trở tay không kịp, đỏ nhừ mặt nói:
- Đấy là chuyện vô lý. Chỉ vì tiểu sinh nói đùa nàng nên nàng cũng viết đùa lại mà thôi.
Bạn đồng khoa cười ha hả:
- Chuyện này đem đùa là không xong rồi.
Rồi từ biệt ra về. Người ấy cũng còn trẻ tuổi, thích cười thích nói, bèn đem câu chuyện thư nhà kia ra kể khắp với người kinh đô trong chốc lát. Cũng có một bọn ghen ghét Ngụy sinh trẻ tuổi mà đỗ cao, bèn đem chuyện này coi như một tin nhỏ mà họ nghe được làm thành một bản tấu, nói rằng Ngụy sinh tuổi trẻ không biết giữ mình, không nên trao chức quan trọng yếu nên giáng chức cho làm quan tỉnh ngoài. Ngụy sinh hối không kịp, sau đó rốt cuộc làm quan không nhoi lên nổi, buông trôi cả một đoạn tiền trình đẹp như gấm như hoa. Thế là chỉ một câu đùa mà đánh mất cả một chức quan thơm.
Bây giờ lại nói chuyện một quan nhân khác, cũng chỉ vì một câu nói đùa sau lúc rượu vào mà khiến tấm thân đường đường bảy thước ra ma, lại liên lụy đến vài ba người, oan ức hại tính mệnh họ. Vì sao lại như thế? Có thơ làm chứng:
Đường đời khấp khểnh đáng buồn thay,
Đùa bỡn mà chơi, người chẳng hay.
Mây trắng vốn vô tâm bay nhởn,
Cuồng phong ập đến cuốn xô ngay.
Lại nói triều Nam Tống dựng kinh đô ở Lâm An, phồn hoa phú quí không kém gì nước cũ ở Biện Kinh. Tới bên trái Tiên Kiều ở trong thành thì sẽ thấy nhà một quan nhân họ Lưu, tên Quí, tên chữ Quân Tiến, cụ tổ vốn là nhà có căn cơ. Truyền đến tay Quân Tiến thì thời vận xui xẻo, trước còn học hành, sau thấy xem chừng không nên việc gì bèn đổi sang nghề buôn bán, thật chẳng khác gì nửa đường đi tu vậy. Trong nghề bán buôn, bởi không phải là người có mánh lới nên lại làm tiêu tan vốn liếng, dần dần nhà lớn đổi sang nhà bé, rồi thuê một căn nhà ba gian cùng là Vương thị, trẻ tuổi mà khéo thờ chồng. Sau vì không có con, lại lấy thêm người vợ bé họ Trần, là con gái ông Trần bán bánh, người trong nhà gọi là Nhị Thư. Đấy là việc làm hồi trước, lúc là người ngoài ở cùng. Lưu Quân Tiến là người cực hòa nhã, dân làng đều mến gọi là Lưu quan nhân.
- Quan nhân gặp lúc thời vận xui xẻo nên mới hiu quạnh như thế này. Qua ít lâu nữa hẳn là được hưởng cuộc sống tốt hơn.
Nói thì người ta nói như thế đấy nhưng phỏng có ích lợi gì? Vì thế Quân Tiến chỉ ở nhà buồn bã, không biết làm sao.
Một hôm ngồi nhàn ở nhà chợt thấy ông lão Vương bên nhà ông bố vợ, tuổi đã gần bảy chục, đến nói với Lưu quan nhân:
- Hôm nay là sinh nhật cụ viên ngoại bên nhà, cụ cho lão đây sang đón quan nhân và nương tử tới nhà một chuyến.
Lưu quan nhân đáp:
- Chỉ vì tôi hàng ngày sống trong nỗi buồn nên cả đến tiệc thọ của nhạc phụ cũng quên khuấy đi mất!
Bèn gọi vợ là Vương thị thu xếp áo quần mang theo buộc thành một khăn gói giao cho ông lão Vương đeo trên lưng, rồi dặn dò Nhị Thư:
- Ở nhà coi giữ nhà cửa, hôm nay muộn rồi, không thể về ngay được, tối mai sẽ về nhà.
Nói xong liền đi. Đi cách thành hơn hai chục dặm thì đến nhà nhạc phụ là Vương viên ngoại, thăm hỏi chuyện trò. Ngày hôm ấy khách khứa ngồi đầy, con rể bố vợ không tiện nói hết nông nỗi nghèo khó. Đợi khi khách về hết, bố vợ giữ con rể trong phòng khách nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, bố vợ mới tới nói chuyện cùng con rể:
- Anh Lưu này, anh không thể cứ tính toán như thế. Ngồi ăn núi lở, đứng ăn đất sụt mà! Cổ họng sâu như biển, ngày tháng nhanh tựa thoi, anh cũng phải tính ra một kế gì chứ? Con gái tôi gả tho anh, cả đời chỉ mong cơm no áo ấm, không thể cứ chờ đợi mãi như thế được.
Lưu quan nhân thở dài:
- Vâng ạ. Nhạc phụ ở trên, con đâu dám nói lên núi bắt hổ dễ, mở miệng cùng người khó. Thời thế ngày nay không có ai thương con được như nhạc phụ. Song con đành sống nghèo, bởi đi cầu xin người khác thì chỉ tổ mệt nhọc mà chẳng nên công lệnh gì.
Cụ bố vợ nói:
- Anh nói thế ta cũng không trách, chỉ vì già này không thể ngồi nhìn các con như vậy nên hôm nay có ít tiền giúp đỡ các con làm vốn tạm mở một cửa hàng bán gạo củi, kiếm lấy chút lời mà sống qua ngày, lại chẳng hay sao?
Lưu quan nhân thưa:
- Cảm tạ nhạc phụ có lòng nghĩ tới, đủ biết thế là tốt rồi!
Sau đó ăn cơm trưa rồi ông bố vợ lấy ra mười lăm quan tiền trao cho Lưu quan nhân:
- Con ơi, hãy cầm số tiền này về thu dọn lấy cửa hàng, già này đích thân đưa con gái về nhà con rồi chúc mừng con luôn, ý con thế nào?
Lưu quan nhân lạy tạ rồi lại lạy tạ, vác tiền đi thẳng ra cửa. Về đến trong thành thì trời đã muộn, sực nhớ có một người quen, bèn thuận đường đi qua cửa nhà người ấy, nghĩ bụng: "Người này cũng đang tính đi buôn, ta hãy bàn bạc với bác ta một lúc ắt hẳn cũng hay". Nghĩ rồi liền gõ cửa nhà kia, bên trong có người lên tiếng rồi ra cửa vái chào:
- Bác hạ cố đến nhà, có gì dạy bảo chăng?
Lưu quan nhân nói cho người đó biết, người bạn liền nói:
- Đệ đang ngồi nhàn ở nhà, khi nào bác dùng tới ắt xin đến giúp đỡ.
Lưu quan nhân nói:
- Được như thế thì tốt quá!
Hai người chuyện trò về một vài công việc buôn bán. Người kia bèn giữ Lưu quan nhân ở lại, sẵn có mâm chén bèn uống vài ba chén rượu. Lưu quan nhân tửu lượng không cao, cảm thấy hơi hoa mắt đứng dậy từ biệt, dặn:
- Hôm nay quấy quả bác, sáng mai phiền bác sang tệ xá bàn chuyện làm ăn.
Người bạn lại tiễn Lưu quan nhân ra tới đầu đường, rồi chào mà về, không nói đến nữa.
Nếu người nói chuyện là người cùng tuổi, cùng lớn lên với nhau, ôm chặt lấy lưng, gạt tay trở lại thì Lưu quan nhân không đến nỗi gặp tai họa như thế. Thành thử Lưu quan nhân chết mà không được bằng Lý Tồn Hiếu trong Ngũ đại sử và Bành Việt trong Hán thư!
Lại nói Lưu quan nhân vác tiền từng bước từng bước lần về nhà, gõ cửa đã là lúc lên đèn. Dì bé Nhị Thư một mình ở nhà, không có chuyện gì xảy ra, giữ nhà đến lúc tối thì đóng cửa ngồi ngủ gật dưới đèn. Lưu quan nhân gõ cửa, cô nàng chẳng hề nghe tiếng, gõ một lúc lâu mới biết, tỉnh dậy, thưa một tiếng:
- Ra đây!
Rồi đứng dậy ra mở cửa. Lưu quan nhân vào nhà, Nhị Thư đỡ tiền giúp chồng đặt trên bàn, hỏi:
- Quan nhân mang số tiền này ở đâu về, dùng vào việc gì?
Lưu quan nhân một phần sẵn có hơi men, một phần bực mình vì vợ chậm mở cửa, tính nói đùa dọa Nhị Thư bèn đáp:
- Nói ra chỉ e cô sợ, không nói ra thì lại phải thông báo cho cô biết. Chỉ vì tôi trong một lúc vô kế khả thi, chẳng biết làm thế nào, đành gán cô cho một người khách, song lại không nỡ xa cô, chỉ cầm cô lấy mười lăm quan tiền. Nếu khấm khá lên, tới sẽ trả lãi chuộc cô về, còn nếu cứ quẫn bách như hiện nay thì thời cũng đành vậy.
Cô vợ bé nghe thấy thế toan không tin, song mười lăm quan tiền chất đống sờ sờ trước mắt; toan tin, thì thường ngày quan nhân không chê trách mình câu nào, chị Cả cũng sống hòa thuận, làm sao lại nhẫn tâm độc ác làm vậy? Hồ nghi chưa quyết, nên lại hỏi:
- Nếu đã như vậy thì cũng phải báo cho cha mẹ tôi một tiếng chứ?
- Nếu báo cho cha mẹ cô biết thì hẳn việc không thành rồi! Ngày mai cô đến nhà người ta đã rồi từ từ tôi sẽ nhờ người đến nói cho ông bà bên ấy thông cảm, ông bà hẳn không trách tôi được
Cô vợ bé lại hỏi:
- Quan nhân hôm nay ở đâu uống rượu về đấy?
- Vì đem cầm cô cho người ta rồi viết giấy tờ, uống rượu của người ta xong mới về đấy!
Cô vợ bé lại hỏi:
- Tại sao chị Cả không về?
- Cô ấy không nỡ chia tay với cô, đợi mai cô đi khỏi rồi mới về. Việc này cũng do tôi không còn cách nào khác, chỉ một lời là xong.
Quan nhân nói xong, nhịn không nổi cười thầm, rồi chẳng cởi áo lên giường nằm, bất giác ngủ đi mất.
Cô vợ bé còn thắc mắc mãi, nghĩ: "Không biết quan nhân bán mình cho người như thế nào nhỉ? Mình trước hết hãy về nhà cha mẹ báo tin, dù ngày mai người ta đến đòi mình rồi tìm đến nhà mình thì cũng phải cho ra lẽ" .
Trầm ngâm một lát rồi Nhị Thư chồng cả mười lăm quan tiền đó thành một đống dưới chân chồng. Nhân lúc chồng đang say, Nhị Thư khe khẽ thu nhặt ít quần áo tùy thân, rón rén mở cửa đi ra rồi khép cửa lại. Trước hết tới nhà hàng xóm thân thiết phía tay trái là nhà ông già Chu Tam, ngủ lại qua đêm với bà lão bên ấy.
- Nhà cháu hôm nay không can cớ gì bán cháu đi, cháu phải trước hết về nói cho cha mẹ cháu biết. Phiền bà ngày mai bảo giùm nhà cháu một tiếng. Nếu khách mua tới thì cùng nhà cháu đến nhà cha mẹ cháu nói cho rõ ràng, gì cũng phải cho ra lẽ mới được. - Nhị Thư nói.
Bà hàng xóm bảo:
- Tiểu nương tử nói phải lắm, cháu cứ việc đi, già báo cho Lưu quan nhân biết là được rồi.
Qua một đêm, Nhị Thư từ biệt ra đi, không nói đến nữa. Thật là:
Cá ngao đã thoát câu vàng,
Vẫy đuôi đi thẳng chẳng màng ngó sau.
Lại nói Lưu quan nhân đánh thẳng một giấc đến canh ba mới tỉnh, thấy trên bàn đèn còn chưa tắt, cô vợ bé thì không thấy nằm bên, chỉ nghe cô nàng còn thu dọn gì đó dưới bếp, bèn gọi Nhị Thư lấy nước trà cho uống. Gọi một hồi chẳng có ai thưa, đành lồm cồm bò dậy, song vì vẫn chưa tỉnh hẳn rượu nên bất giác lại ngủ tiếp.
Nào ngờ có một tên làm chuyện bậy, ban ngày đánh bạc thua nhẵn túi, không biết kiếm đâu ra, ban đêm mò ra kiếm chác, vừa hay tới cửa nhà Lưu quan nhân. Vì Nhị Thư bỏ đi, cửa chỉ khép hờ chứ không cài, tên trộm đẩy thử thấy cửa mở toang ra liền nhón chân nhón tay đi thẳng vào phòng, không một ai hay biết. Đến trước giường, đèn còn sáng, nhìn xung quanh tịnh không có vật gì đáng khoắng; mò tới giường, thấy một người ngủ quay mặt vào phía trong, dưới chân lại có một chồng tiền xanh bèn định trộm lấy mấy quan. Không ngờ hắn làm Lưu quan nhân sực tỉnh, liền trở dậy quát to:
- Mày thật không còn đạo lý gì nữa. Tao từ nhà ông nhạc vay được mấy quan tiền để làm vốn nuôi thân. Làm sao mày lại ăn trộm của tao thì tao biết tính sao đây?
Tên ăn trộm không nói gì, cho luôn một đấm vào giữa mặt, Lưu quan nhân né mình tránh được bèn sấn tới giằng co với hắn. Tên trộm thấy Lưu quan nhân hoạt động chân tay liền co giò chạy ra khỏi phòng. Lưu quan nhân không tha, đuổi tới tận nhà bếp. Vừa đúng lúc định lên tiếng kêu hàng xóm tới bắt trộm thì tên trộm cuống lên. Hắn đang không biết chạy đâu thì thấy có chiếc rìu bổ củi sáng loáng ở ngay tầm tay. Cũng là chó cùng rứt giậu, hắn vớ luôn lấy cái rìu bổ trúng giữa mặt, Lưu quan nhân ngã vật xuống đất, rồi lại bồi thêm nhát nữa, ngã lăn qua một bên, thế là Lưu quan nhân bỏ mạng. Ô hô, ai tai! Phục duy thượng hưởng!
Tên trộm nói:
- Đã trót thì trót cho trét, chính là mày ngăn cản tao chứ tao đâu có tìm hại mày!
Nói rồi quay luôn về phòng lấy cả mười lăm quan tiền, giựt lấy tấm chăn đơn, gói kỹ, buộc chặt, ra cửa, khép lại cửa rồi bỏ đi.
Sáng hôm sau hàng xóm trở dậy thấy cửa nhà Lưu quan nhân vẫn đóng im ỉm, tịnh không tiếng người liền gọi:
- Lưu quan nhân, sáng bảnh mắt rồi đấy!
Bên trong không có ai thưa, họ liền đi vào. Thấy cửa cũng không cài bèn đi thẳng vào trong thì thấy Lưu quan nhân bị chém chết nằm trên đất, tự hỏi:
- Vợ cả quan nhân hai hôm trước về nhà mẹ đẻ, còn cô vợ bé đi đâu không thấy nhỉ?
Họ bèn lên tiếng gọi, ông già Chu Tam bên hàng xóm mà đêm qua Nhị Thư ngủ nhờ liền nói:
- Tiểu nương tử tối qua có sang ngủ nhờ nhà tôi, nói là Lưu quan nhân vô cớ bán cô ấy đi, cô ấy phải về nhà cha mẹ đẻ để hỏi, nhờ thưa lại với Lưu quan nhân giùm. Nếu khách mua có đến thì cùng đến nhà cha mẹ cô để nói cho rõ ràng. Nay một mặt nên cho người đến gọi cô ta về, một mặt cho người đi báo cho người vợ cả rồi sẽ xử trí.
Mọi người đều nói.
- Cụ nói phải lắm!
Thế là trước hết cho người đến nhà Vương viên ngoại báo tin dữ. Viên ngoại cùng con gái khóc ầm lên, hỏi người đưa tin:
- Hôm qua còn yên lành tới đây, già này tặng chàng rể mười lăm quan tiền bảo để làm vốn sau này, làm sao đến nỗi bị người ta giết chết vậy?
Người đưa tin đáp:
- Xin nói để lão viên ngoại cùng đại nương tử biết, hôm qua lúc Lưu quan nhân về đã nhập nhoạng tối, rượu đã ngà say. Chúng tôi đều không biết ông ấy có tiền hay không, về sớm hay về muộn, chỉ thấy hôm nay cửa nhà quan nhân khép hờ, mọi người đẩy cửa bước vào, chỉ thấy ông ấy bị giết chết nằm trên đất, còn mười lăm quan tiền thì chẳng thấy đồng nào, tiểu nương tử cũng không rõ tung tích. Chúng tôi gọi ầm lên thì ông già Chu Tam bên hàng xóm bước ra, bảo tiểu nương tử nhà ấy hôm qua lúc chập choạng tối có sang xin ngủ nhờ nhà ông cụ. Tiểu nương tử có nói Lưu quan nhân vô cớ bán cô ấy cho người khác, cô phải về nói cho cha mẹ biết. Qua đêm xong, sáng nay cô ấy đi rồi. Nay bọn chúng tôi tính rằng một mặt đi báo cho đại nương tử và lão viên ngoại, một mặt cho người đi gọi tiểu nương tử về. Nếu nửa đường mà đuổi theo không kịp thì đến thẳng nhà cha mẹ cô ấy, xấu tốt gì cũng gọi bằng được cô ấy về hỏi cho rành mạch. Lão viên ngoại và đại nương tử phải đi một chuyến để đòi mạng cho Lưu quan nhân.
Lão viên ngoại cùng người vợ cả vội vàng thu xếp để lên đường, cho mang cơm rượu khoản đãi người đưa tin, rồi ba chân bốn cẳng đi vào trong thành.
Lại nói tiểu nương tử sáng sớm ra khỏi nhà hàng xóm rồi lên đường. Đi mới được vài dặm chân đã đau đi không nỗi, ngồi ở vệ đường. Chợt thấy một người trai trẻ đầu đội khăn chữ vạn, mình mặc áo rộng khâu thẳng, lưng vác một tay nải, bên trong toàn tiền bằng đồng. Chân dận giày tơ bít tất trắng, người ấy đi thẳng tới trước mặt. Tới nơi, người ấy nhìn Nhị Thư tuy thiếu phụ không có mười hai phần nhan sắc song mắt sáng răng trắng, mặt như bông sen tỏa sức xuân, ánh mắt như sóng thu đưa tình tứ làm rung động cả lòng người. Thật là:
Hoa nội càng bắt mắt
Rượu quê lắm kẻ say.