Trời đẹp xanh rờn rộn tiếng ca.
Của rơi không nhặt đời hạnh phúc,
Đồng lúa trĩu bông biết được mùa
Trời chia thu, hạ tràn thi hứng
Vạn dặm núi rừng say ngâm nga
Hãy với trăng cao làm nghiên mực
Bút hoa ghi hết thú giang hồ.
Đây là bài thơ do Mễ Nguyên Chương đời Tống làm ra để ca ngợi quan châu, huyện tài giỏi sáng suốt. Phàm là những quan châu, huyện phải biết thương dân, và phải là người có tài, mới thể tất nhân tình, mới thông cảm với dân, coi việc của dân cũng như việc của mình, lúc đó mọi việc mới giải quyết ổn thỏa được. Tuy có những vụ kiện hết sức nan giải, nếu ra sức làm ơn, ngoài pháp luật ra phải có tình, không những phải hao tâm tổn trí, mà còn phải bỏ tiền túi ra giúp đỡ, biến việc xấu thành việc tốt, kẻ gian ác xảo trá phải trừng phạt, người lương thiện được đáp đền. Đó mới là đạo lí làm cha mẹ dân. Nếu làm quan mà tham lam bất chấp pháp luật, chỉ biết bợ đỡ quan trên, bóc lột nhân dân, việc dân để đó chẳng màng tới, việc nghi vấn khó xử, khi xử án không xem xét tỉ mỉ, chỉ nghe theo bọn tay chân, hồ đồ cho xong chuyện, thì sao mà dân tin yêu kính phục? Và nơi ấy cũng chẳng có ích lợi gì.
Sở dĩ có mấy lời bàn như thế, chỉ vì gần đây đã xảy ra việc tranh chấp về một người con gái, hai bên vu cáo nhau, khiến việc đó xảy ra hàng năm mà quan huyện không sao giải quyết được. May mà có vị quan sáng suốt tới nhậm chức, vụ án lúc đó mới được giải quyết, chấm dứt tranh chấp. Vị quan huyện ấy đã hoàn thành một việc tốt, khiến ai ai cũng vui mừng khâm phục, trở thành một câu chuyện lí thú được mọi người truyền tụng.
Huyện Thượng Hải, phủ Tùng Giang, tỉnh Giang Tô, có một người tên là Vương Mộ Quách, bốn mươi tuổi, bố mẹ đã mất, vợ con chưa có, sống một mình bằng nghề tướng số. Ông rất an phận, không rượu chè, cờ bạc, vui vẻ hòa nhã với mọi người, ai cũng gọi ông là "Lão Vương". Vương Mộ Quách mở cửa hàng xem bói, hằng ngày kiếm được một vài trăm bạc, tiêu pha có phần dư dật. Chỉ vì không lấy vợ, nên ông muốn nhận một đứa con nuôi để làm chỗ nương tựa lúc tuổi già. Người vùng ấy quen biết ông, ai cũng muốn con mình đến làm con nuôi ông.
Một hôm, bà mối họ Triệu, người láng giềng, đến chuyện gẫu với ông. Bà hỏi ông rằng:
- Vương tiên sinh, ông làm nghề xem bói, xem ra sống cũng tạm đủ, nhưng không có con cái thì sau này tuổi cao sức yếu ai là người thuốc thang cơm cháo cho ông.
- Tôi cũng đang định nuôi một đứa, - lão Vương nói, - để nương tựa sau này, nhưng chưa tìm được.
Bà mối Triệu nghĩ một lát rồi nói:
- Nếu ông muốn thì nhà Vưu Đại ngoài cửa Bắc, vợ mới chết, để lại một đứa con gái sáu bảy tuổi, không người chăm sóc. Vưu Đại đang muốn cho làm con nuôi. Con bé rất ngoan, ông có thể cùng tôi tới xem sao. Nếu ưng thuận, ông cứ nói thẳng với ông ấy.
Thấy thế lão Vương hớn hở, khóa cửa, cùng bà mối tới nhà họ Vưu.
Vưu Đại là người lười biếng, suốt ngày rượu chè cờ bạc, nên trong nhà trống rỗng chẳng còn gì bán được. Khi vợ còn sống, khâu vá thuê, hai mẹ con rau cháo nuôi nhau. Vợ chết, chẳng còn chỗ nào bấu víu, đến nay lão phải bán con để lấy tiền cờ bạc. Thấy lão Vương đến nhà nói rõ ý định, gã bằng lòng ngay, rồi gọi con gái ra gặp lão Vương.
Nhìn đứa bé ăn mặc rách rưới, nhưng mặt mày tươi tỉnh, nói năng rành mạch trong trẻo, xem ra sau này cũng nên người, lão Vương nói với Vưu Đại rằng:
- Nếu ông cho tôi nuôi đứa con gái này thì nó hoàn toàn là con tôi, ông không còn liên can gì tới nó nữa. Sau này nuôi nấng, dạy bảo, gả chồng là quyền của tôi, ông không được tham dự vào. Tôi cứ nói trước như thế, nếu ông bằng lòng thì mai là ngày tốt tôi tới đón cháu về.
Vưu Đại hoàn toàn ưng thuận, nói:
- Tôi không nuôi nổi nó, nên cho ông nuôi. Tất cả mọi việc đều là quyền của ông, thế là tốt lắm rồi, tội gì tôi còn đến nhận.
Thấy ông ta thật lòng, lão Vương xem kĩ đứa bé gái một lần nữa, rồi hẹn đến ngày mai tới đón về.
Trong túi có ít tiền lẻ, lão Vương không đi thẳng về nhà, mà vội vã ra cửa hàng mua áng chừng cho nó bộ quần áo và một chiếc mũ, ngày mai nhờ bà Triệu đến nhà Vưu Đại mặc cho nó rồi mới dẫn về lạy Thọ Tinh, lạy cha nuôi. Lão Vương đặt tên đứa bé là "Thọ Cô”.
Mà kể cũng lạ, Thọ Cô vừa đến còn lạ lẫm thế, mà nó chẳng kêu khóc gì, bảo lạy là lạy, bảo nói là nói, nghe theo răm rắp như nuôi từ tấm bé. Lão Vương vui mừng khôn xiết, bà mối Triệu cũng cười khanh khách. Được mấy tháng, Thọ Cô biết pha trà, quét dọn, trông coi nhà cửa. Lão Vương và Thọ Cô thân thiết nhau như cha con đẻ. Thấy đứa con gái nhanh nhẹn hoạt bát, lão Vương nhờ bà hàng xóm đến chải đầu, bó chân, và dạy may vá thêu thùa. Khi rảnh rỗi, ông dạy nó học. Lão Vương rất vui vì Thọ Cô khá thông minh, học đâu biết đấy. Đến năm mười hai, mười ba tuổi, Thọ Cô đã biết lo toan việc nhà. Lão Vương quý nó như vàng, không muốn rời nó nửa bước. Khi nó xấp xỉ mười sáu tuổi, thân hình thon thả, nhan sắc kiều diễm, hơn hẳn nhũng đứa cùng trang lứa. Lão Vương nghĩ rằng, mấy năm nữa sẽ tìm một chàng trai đến ở rể, để cha con nương tựa nhau. Ngay cả Thọ Cô trong thâm tâm cũng muốn sống bên cha. Nó tuy là đứa con nuôi, nhưng đó là tấm lòng chân thực.
Bỗng một hôm, lão Vương đang ngồi trong cửa hàng, thấy một người ăn mặc rất sang trọng, nhưng cử chỉ bỗ bã, cùng với một thằng nhỏ bước vào, chắp tay nói:
- Phiền ông xem cho một quẻ.
Nghe tiếng nói, lão Vương biết là người vùng này. Ông cũng chẳng hỏi họ tên, chắp tay nói:
- Xin mời ông ngồi.
Người này họ Tiền, biệt danh là Tiền Lột Da, người Sùng Minh, đã dùng tiền mua chức Giám sinh. Nhà Tiền Lột Da mở hiệu cầm đồ, lại mở cửa hàng bán vải tại Thượng Hải. Hắn ta là người bủn xỉn, cay nghiệt. Thấy đàn bà như mèo thấy mỡ, dám tung tiền để trăng hoa. Mỗi năm hắn tới Thượng Hải một lần để thanh toán tiền vải và đặt hàng. Hắn có ý định đến cửa hàng lão Vương hỏi xem có được lời lãi gì không. Lão Vương lắc ống thẻ nói cho hắn biết rõ tốt xấu.
Đang lúc nói chuyện thì Thọ Cô bưng trà đến cho cha. Thấy Thọ Cô, Tiền Giám sinh phút chốc hồn vía lên mây, nghĩ rằng: “Ta tới Thượng Hải gặp biết bao đàn bà con gái, song thấy rất bình thường, sao ở đây lại có người đẹp đến thế!”. Thấy người khách sang trọng, lão Vương quay lại nói với Thọ Cô:
- Con mang ra chén nữa mời ông.
Lão Vương vội vàng hai tay nâng chén nước mời khách. Tiền Giám sinh từ chối không cầm. Khi Thọ Cô mang trà ra, anh ta nói:
- Không cần, không cần.
Tiền Giám sinh vội vàng định đứng dậy đỡ lấy chén trà, nhưng Thọ Cô đã đặt xuống bàn, rồi quay gót đi vào.
Tiền Giám sinh còn đang sững sờ, đã thấy có người vào xem bói. Anh ta trả tiền rồi nói:
- Phiền ông quá.
Giám sinh trở về, tới cửa hàng hắn nghĩ: "Cô gái này khoảng mười sáu mười bảy tuổi, đang độ dậy thì, dáng người thon thả, tầm thước, đẹp tuyệt vời, vừa phong nhã lại vừa hào hoa, thật là đáng yêu. Không biết nhà đó đã nhận sính lễ chưa, nếu chưa, sẵn tiền, ta cưới cô về làm vợ bé thì tuyệt biết bao". Hắn cứ ngồi thừ ra nghĩ ngợi. Bỗng có hai người bước vào, Tiền Giám sinh mừng quá, nói:
- Đang định đến mời, tôi có chuyện muốn bàn với hai anh, rất may hai anh lại đến. Thật đúng là duyên trời run rủi.
Hai người ấy, một người là họ Lý, biệt danh là Bách Hiểu; một người họ Trương, biệt danh là Trại Cát, chuyên làm tay sai tô vẽ cho những nhà giàu có. Trương Trại Cát có chút ranh mãnh vặt, lại thông thuộc cửa quan, giỏi chạy chọt cho các vụ kiện cáo, thấy hắn có tài nên người ta gọi hắn là Trại Cát. Biết Tiền Giám sinh là loại người hiếu sắc, nên hắn thường tới dụ dỗ các mụ góa chồng làm khách làng chơi để được ăn no uống say, bởi thế chúng rất tâm đầu ý hợp. Nay Tiền Giám sinh hồ hởi đón tiếp, lại nói có chuyện muốn bàn, món béo bở tự dưng đến, hắn bèn cười, hỏi:
- Ông Tiền có việc gì muốn bàn với chúng tôi thì nói ngay đi chỉ sợ rằng chậm một chút sẽ khó thêm.
- Không phải chuyện đùa đâu. - Tiền Giám sinh nói. - Tôi hởi anh, gần đây anh có tới nhà lão Vương xem bói không? Hai anh có quen ông ta không?
- Trước đây chúng tôi vốn đã quen biết ông ta. - Bách Hiểu nói. - Vì sao ông lại hỏi tới ông ấy?
- Ta ở Thượng Hải, - Tiền Giám sinh nói, - vốn muốn cưới một cô vợ bé, vừa rồi đến xem bói thấy nhà ông ta có cô con gái, tôi rất ưng ý, muốn phiền hai anh làm mối. Lễ vật, tiền của không cần phải tính đến, chỉ cốt là xong việc.
- Thế thì dễ thôi, - Bách Hiểu nói, - nói đến tên ông tôi đảm bảo chắc chắn là được.
- Anh đừng khoác lác, - Trại Cát nói, - tính lão Vương rất kì quặc, chưa chắc đã dễ đâu.
- Xưa nay tiền của làm người ta phải động lòng tham. - Bách Hiểu nói. - Ông Tiền chịu bỏ ra một khoản lớn, hai chúng tôi lại nói vào ngọt như mía lùi thì chẳng sợ gì lão Vương không ưng.
- Đã như thế, - Trại Cát nói, - thì ngày mai anh ra quân trước đi, nếu không được thì tôi tăng quân giúp anh. Anh thấy thế nào?
Họ cười nói với nhau râm ran cả nhà, tối đến, lại cùng nhau ăn uống. Khi từ biệt, Tiền Giám sinh đưa ra hai lạng bạc, rồi ân cần dặn dò:
- Nếu việc thành, ngày kia tôi sẽ hậu tạ.
Hai người từ biệt ra về.
Bách Hiểu ngủ dậy thì trời đã sáng, sợ lão Vương bận xem bói, ăn sáng xong, hắn tới ngay nhà lão Vương. Hắn chắp tay nói:
- Anh Vương lâu nay có phát tài không?
- Nhờ trời cũng được. - Lão Vương nói.
Hai người ngồi, nói qua loa mấy câu xã giao, Bách Hiểu hỏi ngay:
- Cô gái nuôi nhà anh năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
- Mười sáu tuổi.
- Đã có ai dạm ngõ chưa?
- Chưa nhận lời ai cả.
- Ngần ấy tuổi rồi, không thể trì hoãn được nữa đâu. Đứa em này hôm nay đến đây chỉ vì việc hôn nhân của cô gái nuôi bác thôi. Nhìn về tài sắc thì con gái bác phải gả cho nhà giàu có, được ăn trắng mặc trơn, có quyền sai bảo đầy tớ con sen, mới không phí một đời. Nếu gả cho nhà nghèo thì làm sao mà sống được? Như thế chẳng hóa ra vì cuộc sống của cha mẹ mà hại nó ư? Đứa em này tốt với ông anh nên làm mối cho con gái anh một nhà đại phú.
- Nhà đại phú sao họ chịu thông gia với nhà nghèo?
- Bác nói tuy phải, song nếu không màng tới hư danh, mà chỉ cần đến sự hưởng thụ thực tế, thì nghèo cũng có thể thông gia với giàu. Không giấu gì bác, hiện có một người giàu ở Sùng Minh, họ Tiền. Bản thân là cống sinh, của cải nhà anh ta có tới tiền vạn, tuổi lại chưa đầy ba mươi. Vì chưa có vợ lẽ, nên muốn lấy ở đây một cô làm vợ lẽ, tiền cheo, lễ cưới bao nhiêu cũng được. Từ lâu anh ta đã mến mộ cô gái nuôi của bác, nên có ý nhờ đàn em đến làm mối. Đây là phúc lớn cho con gái bác, xin bác đừng bỏ lỡ.
Từ xưa tới nay lão Vương chưa làm mếch lòng ai, nay vừa nghe thấy nói có người muốn cưới con gái về làm vợ lẽ, đột nhiên giận tái mặt nói:
- Lão Vương này tuy nghèo, song quyết không thể bán đứng đứa con gái của mình, thôi anh đừng nói nữa. Rồi đứng dậy, nói tiếp. - Tôi đang có chút việc, xin lỗi anh.
Lão Vương bỏ đi, Bách Hiểu cụt hứng, ấm ức ra về. Trên đường đi hắn nghĩ: "Trại Cát nói đúng, làm thế nào bây giờ?".
Hôm ấy, Trại Cát đợi ở nhà họ Tiền. Đang cười hơ hớ, bỗng thấy Bách Hiểu tiu nghỉu cúi đầu bước tới, biết ngay là không ổn, bèn nói:
- Anh Bách Hiểu, việc nhà họ Vương xuôi rồi chứ?
Bách Hiểu chỉ lắc đầu. Tiền Giám sinh nói.
- Hay là không xong rồi?
Bách Hiểu kể lại đầu đuôi việc mình đến nhà lão Vương nói thế nào, và bị lão Vương từ chối ra sao cho họ nghe. Tiền Giám sinh bỗng buồn rầu nói với Trại Cát:
- Anh là người cao kiến, nếu anh lo xong việc này, nhất định tôi không phụ lòng anh.
- Có lối thoát đấy - Trại Cát nói, - nhưng chỉ bằng nước bọt không làm nổi đâu. Nếu không sợ tốn kém xin ông anh đừng sốt ruột, tôi sẽ đi tìm một người chắc chắn người con gái ấy sẽ về tay anh.
Tiền Giám sinh mừng rỡ xin chỉ bảo, Trại Cát gập hai ngón tay khe khẽ nói. Đúng là:
Nghĩ kế trăng sao tìm Ngọc thỏ
Mưu thành trời rộng bắt Kim ô.
Trại Cát nói:
- Người con gái này là con nuôi chứ không phải là con ruột lão Vương. Nó là con của Vưu Đại ở Cửa Bắc, nếu bây giờ ta làm cho Vưu Đại nhận đứa con ấy, thì chắc chắn nó sẽ về tay mình. Song hiện nay Vưu Đại không ở Thượng Hải, mà đã dọn đến Thanh Phố rồi, phải đi tìm ông ta về đây, cho nên tôi nói phải tốn kém là vì thế.
Tiền Giám sinh thấy Trại Cát nói thế mừng quýnh lên, lấy ngay mười lạng bạc đưa cho Trại Cát nói:
- Tiền đây, anh liệu mà chi, phiền anh ngày mai đi ngay cho.
- Tôi với anh cùng đi. - Trại Cát nói với Bách Hiểu. - Anh thấy thế nào?
- Đúng, tôi nên đi cùng anh mới phải. - Bách Hiểu nói.
Ăn cơm tối xong, họ từ biệt ra về.
Sau khi cho đứa con gái đi làm con nuôi, Vưu Đại bán sạch cả nhà cửa, sống lang thang thẳng biết nương tựa vào đâu rồi lưu lạc đến Thanh Phố. Một hôm đang đứng trước cửa, thấy hai người đi tới, nhận ra Vưu Đại, một người hỏi:
- Có phải ông là Vưu Đại không?
Vưu Đại nghe thấy giọng nói quê mình, bèn trả lời:
- Vâng, đúng ạ.
Hai người bước vào, chắp tay nói:
- Đã lâu lắm không gặp anh.
Vưu Đại nghĩ một lát, nói:
- À đúng là anh Trương và anh Lý rồi! Các anh tới đây làm gì thế?
- Biết ông anh đang túng quẫn, - Trại Cát nói, - chúng tôi nhã ý tới đây biếu ông một món lộc lớn, chẳng biết ông anh có cần không?
- Tài lộc ở đâu vậy? - Vưu Đại vội hỏi. - Ai bảo tôi không cần, lẽ nào tôi chê tiền của mà sống được ư?
- Trước đây ông anh cho lão Vương nuôi đứa con gái của mình, - Trại Cát nói, - nay nó đã lớn khôn, tỏ ra là một người tài sắc. Một ông chủ giàu có chịu bỏ ra nhiều tiền của và lễ vật cưới về làm vợ bé. Hai anh em tôi biết là con ruột ông anh, nên xin ông anh về đứng ra gả bán. Nếu ông anh không đi thì số tiền ấy về hết tay lão Vương, chẳng đáng tiếc lắm sao?
- Thế thì tốt quá, - Vưu Đại nói, - nhưng chỉ có hai bàn tay không thì đi sao nổi?
- Nếu ông anh muốn thì xuống thuyền cùng đi với chúng tôi. Ý ông anh thế nào?
Vưu Đại mừng quýnh, cũng chẳng có hành lí gì, vội vã gài luôn cửa rồi đi ngay với họ. Thuyền xuôi gió, chưa đầy hai ngày đã tới Thượng Hải, lên bờ họ cùng nhau đến ngay nhà Tiền Giám sinh. Hai người vào trước nói:
- Vưu Đại đã tới rồi trước hết phải ngọt ngào phỉnh nịnh hắn.
Tiền Giám sinh gật đầu, rồi bảo mời ông ta vào, lại đúng lúc giữa trưa, mời ngay Vưu Đại ăn cơm. Vưu Đại từ lâu ăn uống kham khổ, thấy mâm cơm đầy ắp rượu thịt, ăn lấy ăn để cho đến khi no kềnh bụng. Tiền Giám sinh lững thững bước ra. Trại Cát nói với Vưu Đại rằng: "Đây là ngài họ Tiền ở Sùng Minh, là người rất tốt, nhà giàu có. Vì ngưỡng mộ tài sắc con gái ông anh, muốn lấy làm vợ bé, cho nên tìm ông anh tới đây. Sính lễ là ba trăm lạng, nếu ông anh chê ít, thì thêm chút nữa cũng chẳng ngại. Tối nay làm tờ cam kết, trước hết giao thẳng cho ông anh ba mươi lạng, số còn lại chờ khi nào con gái ông anh về đây sẽ giao đủ”.
Nghe thấy nói ba trăm lạng bạc sẽ vào tay mình, lại được giao trước ba mươi lạng. Vưu Đại như mở cờ trong bụng. Đúng là tự dưng được một món lớn làm vốn để đánh bạc. Bị đánh trúng tim đen, Vưu Đại nghe theo ngay, nói:
- Ngày mai tôi sẽ tới nói với lão Vương, con gái là do tôi đẻ ra, nhất định lão ta phải chịu.
Đêm ấy họ viết giá thú, rồi giao trước ba mươi lạng bạc.
Sáng sớm hôm sau Vưu Đại đến nhà lão Vương. Vừa thấy Vưu Đại vào cửa lão Vương đứng dậy hỏi:
- Anh Vưu, lâu nay không gặp anh, hôm nay ngọn gió nào đã đưa anh tới đây sớm thế?
- Một là đến hầu chuyện anh, - Vưu Đại nói, - hai là đến thăm đứa con gái.
Lão Vương gọi ngay Thọ Cô ra gặp. Vì là cha đẻ của mình, lại xa nhau đã mười năm, Thọ Cô nói: "Thật là may mắn", rồi ngồi bên cạnh tiếp cha. Thọ Cô hỏi cha:
- Cha đến từ bao giờ?
- Hôm qua.
- Thế cha nghỉ ở đâu?
- Ở cửa hàng vải nhà họ Tiền. - Vưu Đại nói tới đây thấy lỡ mồm, bèn lái sang chỗ khác. - Nghỉ đêm tại nhà một người bạn.
Là một người thông minh, nghe lời nói, lại nhìn nét mặt cha, Thọ Cô thấy lạ, bèn đứng dậy nói:
- Con đi pha trà.
Rồi quay sang nói với lão Vương rằng:
- Bình pha trà ở chỗ nào ạ?
Lão Vương biết ý bèn nói:
- Để cha lấy cho.
Rồi đứng dậy đi vào.
Thọ Cô vào bếp nói khẽ với lão Vương rằng:
- Cha con đến đây hình như có ý không tốt, vừa nói đến chữ "Tiền" rồi im bặt, nhất định là lão họ Tiền đang mưu đồ mua con làm vợ bé, bảo cha con tới đây chăng? Cha phải lưu tâm đề phòng.
Lão Vương gật đầu rồi đi ra. Thọ Cô cũng mang trà ra đưa cho mỗi người một chén. Lão Vương nói trước với Vưu Đại rằng:
- Vì đứa con gái mà gần đây tôi bị nhục.
Vưu Đại hỏi vì sao. Lão Vương nói:
- Mấy hôm trước Lý Bách Hiểu tới nói, có một người giàu có muốn lấy con gái tôi làm vợ bé. Ông nghĩ, đứa con gái nhà tử tế cho dù không phải là con đẻ, ai nỡ lòng nào lại bán nó đi. Bị tôi nói cho một trận, hắn mới câm họng. Ông bảo có tức không.
Nghe thấy nói thế, Vưu Đại không sao mở mồm được. Xem ra ngồi lại cũng vô ích, đành đứng dậy cáo từ ra về. Đi thẳng tới nhà họ Tiền, Trại Cát nhìn thấy hỏi ngay:
- Ông anh tới nói thế nào?
- Vẫn chưa nói được. - Vưu Đại nói.
- Sao lại không nói? - Tiền Giám sinh sốt ruột hỏi.
Vưu Đại kể lại cho họ nghe, lão Vương đã nói với mình thế nào, rồi lại nói:
- Lão Vương như một nhà tiên tri. Các anh ạ, ông ta đã nói trước như thế thì mình còn mở miệng làm sao được nữa. Cho nên tôi vội về đây bàn bạc với các anh.
Tiền Giám sinh nhảy bổ lên nói:
- Con gái là ông sinh ra, ông nói thế nào ông ta chả phải nghe theo, sao lúc ấy ông không nói tào lao đi.
- Ông lớn không nên nôn nóng, lão Trại còn có diệu kế. Để xem hắn có nhảy khỏi cái vòng kim cô của ta không?
- Diệu kế gì? Hãy nói mau, nói mau lên. - Tiền Giám sinh nói.
- Anh Vưu bán con gái làm vợ bé, - Trại Cát nói, - lão Vương có thể tranh chấp, nhưng gả cho người ta làm vợ, thì lẽ nào cha đẻ không có quyền. Theo tôi, không gì bằng ta thuê một người tuổi tương đương giả làm con rể, mà đã đính hôn rồi thì phải cưới. Nay tôi đón về để gả chồng, danh chính ngôn thuận, cho dù có kiện lên quan ta cũng có thể gỡ được. Song con rể giả phải là người tâm phúc, phải mặc cả trước. Xong việc người con gái vẫn về nguyên chủ. Tướng mạo cũng phải kha khá một chút. ông anh Tiền liệu có tìm ra được người đó không?
Tiền Giám sinh nghĩ một lát rồi nói:
- Người thì dễ thôi. Nhà tôi hiện có một thằng ở tên là Chu Nhị, tuổi chừng mười bảy mười tám, người rất trắng trẻo, có thể làm được. Chỉ cần bảo nó là xong.
- Đã thế thì, - Trại Cát nói, - cứ gọi nó ra đây mới xong việc được.
Tiền Giám sinh vội vã sai người về Sùng Minh gọi Chu Nhị tới.