Trước đó khi cha mới chết, Tiểu Nga nằm mơ thấy cha báo:
- Kẻ giết cha là "khỉ trong xe, cỏ phía đông cửa".
Mấy ngày sau lại nằm mơ thấy chồng báo:
- Kẻ giết anh "đi trong lúa, chồng một ngày".
Tiểu Nga không sao tự giải ra được bèn viết lại những lời đó nhờ các bậc thông tuệ ở khắp nơi đoán giúp nhưng trải mấy năm cũng không ai đoán được.
Mùa xuân năm thứ tám niên hiệu Nguyên Hòa (914), tôi xin từ chức tòng sự ở Giang Tây, cưỡi một chiếc thuyền con xuôi về Đông, dừng thuyền ở Kiến Nghiệp, lên thăm lầu gác chùa Ngõa Quan. Sư Tề Vật ở chùa này là người trọng tài, hiếu học, chơi thân với tôi. Nhân câu chuyện nhà sư bảo tôi:
- Có một quả phụ tên là Tiểu Nga, một lần thăm chùa này có đưa cho tôi xem câu đố mười hai chữ nhưng tôi không cắt nghĩa được.
Tôi bèn xin sư Tề Vật viết ra giấy, tựa vào lan can viết lên không trung rồi tập trung suy nghĩ. Các khách cùng ngồi với tôi chưa thấy mệt mỏi thì tôi đã đoán ra. Tôi sai chú tiểu đi gấp mời Tiểu Nga đến hỏi kỹ nguyên do. Tiểu Nga nức nở hồi lâu, rồi nói:
- Cha tôi và chồng tôi đều bị cướp giết chết. Sau đó tôi từng nằm mơ thấy cha báo rằng người giết ông là "khỉ trong xe, cỏ phía đông cửa". Lại nằm mơ thấy chồng báo người giết chàng "đi trong lúa, chồng một ngày". Nhưng đã lâu năm không ai giải được.
Tôi bảo:
- Nếu đúng vậy thì tôi đã xét kỹ và tìm ra rồi. Kẻ giết cha chị tên là Thân Lan, giết chồng chị tên là Thân Xuân. Khỉ trong xe (xa trung hầu) nếu bỏ một vạch ngang trên và một vạch ngang dưới ở chữ xa đi thì là chữ thân, thân cầm tinh con khỉ cho nên nói là khỉ trong xe. Cỏ phía đông cửa (môn đông thảo), dưới bộ thảo có chữ môn, trong chữ môn có chữ đông ấy là chữ lan vậy. Còn đi trong lúa là đi qua ruộng (xuyên điền quá) cũng là chữ thân; chồng một ngày (nhất nhật phu) nghĩa là trên chữ phu thêm một vạch ngang, dưới có chữ nhật tức là chữ xuân. Vậy kẻ giết cha chị là Thân Lan, kẻ giết chồng chị là Thân Xuân rõ ràng rồi đấy.
Tiểu Nga khóc nức lên, lạy tạ tôi, viết bốn chữ Thân Lan, Thân Xuân vào vạt trong áo, thề sẽ hỏi thăm, giết cho được hai tên cướp ấy để trả nỗi oan của gia đình. Tiểu Nga hỏi tên họ và chức quan của tôi rồi gạt lệ ra đi.
Sau đó Tiểu Nga mặc quần áo đàn ông, đi làm thuê kiếm mướn trong chốn giang hồ. Hơn một năm sau đến quận Tầm Dương, thấy một nhà cửa tre nọ có yết giấy rằng "Cần mướn người". Tiểu Nga đến cửa xin làm thuê hỏi tên người chủ chính là Thân Lan. Lan dẫn về nhà. Tiểu Nga trong lòng phẫn uất nhưng ngoài mặt vẫn vâng lời, giúp việc bên cạnh Lan, được Lan rất tin cậy. Tiền bạc chi ra thu vào Lan đều giao cả cho Tiểu Nga. Đã hơn hai năm không ai biết Nga là gái.
Trước đó, những đồ vàng, ngọc, quần áo gấm thêu của nhà họ Tạ, Lan cướp hết đem về nhà. Tiểu Nga mỗi lần cầm tới vật cũ đều khóc thầm một lúc lâu. Lan và Xuân là anh em họ. Bấy giờ gia đình Thân Xuân ở bến Độc Thụ phía bắc Đại Giang, thường qua lại thân thiết với Thân Lan. Lan và Xuân thường đi với nhau hàng tháng, lấy được rất nhiều của cải mang về. Mỗi lần như thế, Lan để Tiểu Nga ở cùng vợ Lan là Lan thị trông coi, rượu thịt áo quần cho Nga rất nhiều.
Một hôm, Xuân đem cá chép hoa và rượu đến nhà Lan làm bữa nhắm. Tiểu Nga thầm than thở:
- Ông Lý hiểu sâu biết rộng, lời ông đều khớp với lời mộng báo. Chắc là trời gợi mở cho ông, chí của ta cũng sắp thực hiện được rồi!
Đêm ấy, Lan và Xuân gọi tất cả bọn cướp đến uống rượu. Khi bọn chúng đã về, Xuân say quá nằm ở trong nhà, Lan nằm ngủ ngoài sân. Tiểu Nga lẻn đến khóa trái Xuân ở trong nhà, rút dao giắt lưng chặt đầu Lan, rồi hô hoán cho hàng xóm kéo đến. Xuân bị nhốt trong nhà, Lan chết ở ngoài sân, thu được tang vật của cải tính đến hàng nghìn vạn. Trước đó đảng của xuân và Lan có mấy chục đứa, Tiểu Nga đều ghi nhớ tên chúng, cho nên chúng đều bị bắt và bị giết hết.
Khi ấy quan thái thú Tầm Dương là Trương Công rất ngợi khen đức hạnh và ý chí của Tiểu Nga, đã trình đầy đủ gửi lên trên xin ban khen, vì thế Tiểu Nga được miễn tội chết. Bấy giờ là mùa hè năm thứ mươi hai niên hiệu Nguyên Hòa (918).
Sau khi phục thù cho cha và chồng xong, Tiểu Nga về quê gặp lại họ hàng. Các nhà hào phú trong làng tranh nhau hỏi cô làm vợ nhưng Nga thề với lòng mình không lấy ai nữa. Rồi cô cắt tóc mặt nâu sòng tìm đường đến núi Ngưu Đầu làm đệ tử của sư thầy họ Tương ở chùa Đại Sĩ.
Tiểu Nga bền lòng chịu khổ, giã gạo lúc còn sương, kiếm củi khi mưa gió, không biết mệt mỏi. Sau mươi ba năm bốn tháng, cô được thụ giới ở chùa Khai Nguyên thuộc Tứ Châu, vẫn lấy pháp hiệu là Tiểu Nga để tỏ ra không quên gốc gác.
Mùa hè năm ấy tôi bắt đầu trở lại Trường An. Khi qua Tứ Tân, tôi ghé thăm đại đức ni tên là Lệnh ở chùa Thiện Nghĩa. Mấy chục người mới được trì giới, đầu trọc áo mới ung dung uy nghi xếp hàng hầu ở bên trái và bên phải nhà sư, trong số đó có một sư nữ hỏi vị đại đức:
- Thưa vị quan kia có phải là Nhị thập tam lang họ Lý làm phán quan ở Hồng Châu không ạ?
Sư trưởng đáp:
- Phải.
Sư nữ lại nói:
- Giúp con báo được thù nhà, rửa được nỗi oan, ấy là ơn đức của vị phán quan này cả.
Nói rồi ngoảnh nhìn tôi mà khóc. Tôi không biết là ai bèn hỏi nguyên do. Tiểu Nga thưa:
- Tôi tên là Tiểu Nga, trước đây là kẻ góa chồng ăn xin. Bấy giờ phán quan đã giải giúp tôi tên của hai tên cướp Thân Lan, Thân Xuân, lẽ nào ngài đã quên sao?
Tôi đáp:
- Lúc đầu tôi quên, bây giờ nhớ ra rồi.
Rồi Tiểu Nga vừa khóc vừa kể lại đầu đuôi việc lo toan gian khổ từ lúc viết tên Thân Lan, Thân Xuân, báo thù cho cha, cho chồng cho tới lúc chí nguyện được thực hiện. Tiểu Nga lại nói với tôi:
- Thế nào cũng có ngày xin đền ơn phán quan.