Đoán Án Kỳ Quan

Chương 16 (B)

Đúng vào dịp Thanh minh, Tử Khai thuê thuyền đi tảo mộ, dọn rượu trong khoang, mời Tử Giám, và hẹn Yến Ngao cùng đi. Ba người tới mộ, thấy hai chiếc quan tài của cha mẹ Yến Ngao đặt trên tảng đá, cỏ dại mọc trùm lên, không chịu đựng được gió mưa, quan tài lộ ra. Tử Giám thấy thế hỏi, biết được ông bỗng rùng mình sợ hãi. Tử Khai không nở nhìn thấy quan tài lộ ra như thế, gọi ngay phu đắp mộ gánh đất lấp đi. Khi đã đắp xong, đến hỏi tiền công, Yến Ngao thoái thác rằng không mang một xu nào đi. Tử Khai đành bỏ ra một quan tiền để trả. Tử Giám cứ giục chuyển quan tài đi chỗ khác, song Yến Ngao cứ ầm ừ cho qua. Đến khi thuyền quay về, thấy bên bờ sông có một cây mai nhỏ, Yến Ngao bảo ép thuyền vào bờ, rút từ tay áo ra năm đồng tiền bạc mua cây, rồi bảo người bán cây mang đến trồng ngay hôm ấy. Tử Khai thấy thế kinh ngạc hỏi:

- Vừa rồi phu đắp mộ đòi tiền công, sao anh bảo không có tiền, bây giờ lại đi mua cây, thế thì chẳng hóa ra anh quý cây hơn cha mẹ anh sao?

Tử Giám cũng rất tức giận, cười nhạy nói:

- Cây mai còn sống thì yêu, còn bố mẹ chết rồi không đáng tiếc.

Yến Ngao nghe thấy vẫn cứ lờ đi.

Từ đó Tử Giám rất ghét thói keo bẩn của Yến Ngao, đoạn tuyệt không quan hệ với hắn, ngay cả Kỳ Lang, ông cũng không bảo nó đến học nữa, chỉ quý trọng Yến Thuật. Tử Khai là người nhân hậu, hiếu đễ, cứ đến những ngày giỗ cha mẹ, Tử Khai thường mặc áo tang suốt ngày buồn bã, và Tử Khai cũng thường hay cứu giúp người nghèo. Mỗi khi thấy có người đến ngõ nhà Yến Ngao đòi đổi tiền đồng lấy tiền bạc, Yến Ngao không chịu nhận đó là tiền của mình nên không trả lại. Những người nghèo túng ấy hết sức oán hận. Tử Khai không nỡ nhìn thấy cảnh ấy, thường đổi cho họ, và cũng không biết đã đổi như thế bao nhiêu lần. Thấy thế Tử Giám nghĩ: "Người làm điều thiện như thế, thì con cháu sau này sẽ phát đạt". Rồi có ý định thông gia với Yến Thuật. Tử Giám với Yến Thuật là quan hệ bác cháu trong cùng một họ, thì sao lại thông gia với nhau được? Vốn là Tử Giám có Kỳ thị là cháu bên ngoại, tên là Thụy Nương. Cha mẹ mất từ lúc Thụy Nương còn nhỏ, được cậu nuôi dưỡng. Vợ Tử Giám qua đời, trong nhà chỉ còn có bà Trịnh là vú nuôi làm bạn với Thụy Nương. Lúc ấy Thụy Nương tuổi xấp xỉ Yến Thuật, người lại xinh đẹp và rất có tài. Từ lâu Tử Giám đã có ý định kén một chàng rẻ tốt. Lần này thấy yến Thuật, ông rất vừa ý. ông thường đưa bài của Yến Thuật về cho Thụy Nương xem. Thụy Nương rất cảm phục tài năng, và thường khen Yến Thuật trước mặt vú nuôi. Tử Giám dò được ý cháu, định nhờ mối đến cầu thân, thì một người mối là Tôn Bà đã quen biết từ lâu tới chơi. Tử Giám định nói chuyện này với bà, song thấy Tôn Bà lấy ra một tờ giấy đỏ, nói:

- Có việc hôn nhân, nhờ ông tới lớp học nhà ông Yến Tử Khai nói giúp.

Tử Giám mở tờ thiếp ra xem, thấy trong đó viết: "Người con gái Vũ Long Môn mười bốn tuổi".

Tử Giám xem xong, hỏi vì sao. Tô Bà nói:

- Con gái nhà họ Vũ tên là Quỳnh Cơ. Về sắc đẹp không cần phải nói, chỉ nói về văn cũng ngang tài với nhà ta đấy. Nay bà già ấy muốn nó kết duyên với con trai Yến Tử Khai. Cô ấy là con nuôi Vũ Long Môn nên vợ Tử Khai không bằng lòng chê cô không có cha mẹ đẻ. Nay nhờ ông tới nói giúp, đừng bỏ lỡ việc hôn nhân tốt đẹp này.

Tử Giám nghe xong, nghĩ bụng: "Nhà họ Vũ nhận cháu gái nội làm con. Vợ Tử Khai còn không muốn thông gia, nhà mình nuôi cháu ngoại thì việc hôn nhân không thể xuôi được". Bởi thế Tử Giám không nhắc tới việc hôn nhân của con mình, mà trả lời Tôn Bà rằng:

- Bà vợ ông ấy đã không bằng lòng thì tôi nói cũng vô ích.

Tôn Bà vẫn ngồi lại chuyện trò với Thụy Nương, hết lời khoe Quỳnh Cơ tài giỏi. Từ đó về sau, hai người tuy không biết nhau, nhưng lại rất kính trọng, yêu mến nhau hơn cả chị em ruột.

Một hôm Tôn Bà nói với Thụy Nương rằng:

- Tiếc cho con gái nhà họ Vũ, bị bà mối xấu bụng làm hại, nên sinh ra đau ốm.

Thụy Nương hết sức kinh ngạc không hiểu, sau được Tôn Bà nói mới biết. Vốn, vợ Vũ Long Môn là họ Phương, em vợ Yến Ngao. Khi Tử Giám không dạy Kỳ Lang, Yến Ngao vẫn dạy nó. Kỳ Lang đã chép những bài của Yến Thuật và nói dối rằng đó là bài mình làm. Yến Ngao vốn là người không biết được tốt xấu cứ lầm tưởng con mình học giỏi, đem bài giả của con đi khoe khắp nơi, và được mọi người khen ngợi. Một vị hòa thượng ở chùa Thanh Liên, pháp danh là Liễu Duyên quen biết Yến Ngao. Yến Ngao thường hay tới chùa tụng kinh niệm Phật. Vũ Long Môn cũng là một người trong hội Phật giáo. Bởi thế Liễu Duyên nói vun vào cho hai người thông gia với nhau. Long Môn bàn với vợ, gả cháu cho Kỳ Lang, nhận sính lễ nhà họ Yến. Họ luôn luôn nói Kỳ Lang là người thông minh, có tài năng văn chương, sau này nhất định sẽ được sung sướng. Không ngờ, sự thật vẫn là sự thật, chân tướng Kỳ Lang ngày càng lộ rõ. Lúc đầu Kỳ Lang còn dùng những bài văn giả để lừa cha, sau lại vứt bỏ cả sách vở, suốt ngày đánh bài ngoài đường phố. Yến Ngao là người ham mê cờ bạc, anh ta thường trải thảm đỏ giữa nhà thắp nến hoa, đánh bạc với những kẻ lắm tiền, rồi cùng bọn vô lại, lê la đánh bạc ở khắp đầu đường xó chợ, Tin này đến tai, Quỳnh Cơ vô cùng tức giận. Vì không phải là người mối, nên Tôn Bà thường tỏ rõ sự bực bội trước mặt Quỳnh Cơ. Cô buồn bã, không thiết gì đến ăn uống, hận rằng cha mẹ đã chết sớm nên bị hai bác nhắm mắt gả bừa, làm hỏng một đời. Tức giận quá rồi sinh ra đau ốm. Thụy Nương thấy thế cũng bực thay, nhiều lần bảo bà Trịnh đến thăm hỏi an ủi Quỳnh Cơ. Song ai ngờ bệnh tư tưởng khó mà chữa trị, gần một năm sau thì cô qua đời. Trước khi chết, cô đốt hết những bài thơ làm hằng ngày, không để sót lại một bài nào. Quả là:

Cha mẹ mất rồi buồn vô hạn.

Đất dài trời rộng hận mênh mông.

Nghe tin Quỳnh Cơ mất, Thụy Nương khóc thương thảm thiết. Người ta thường nói: "Cùng bệnh thương nhau”. Cô nghĩ: “Tài năng văn chương của mình cũng ngang với Quỳnh Cơ và những người con gái có tài thường mệnh bạc", và “Mình cũng chỉ là đứa con nuôi, không được cha mẹ đẻ quan tâm, không biết sau này đời mình sẽ khổ đến mức nào”. Cô cứ dằn vặt, suy nghĩ như thế, rồi đổ bệnh. Thụy Nương đã làm một bài phú khóc Quỳnh Cơ. Tử Giám thấy bài phú ấy, tự nhiên nước mắt trào ra. Thụy Nương kể lại chuyện đố nhau làm thơ với Tử Giám. Tử Giám và Tử Khai nói chuyện với nhau về Quỳnh Cơ. Tử Giám nói:

- Nó là đứa con bất hiếu, làm mối sao được, chỉ làm hại con gái người ta thôi.

- Cũng là do Vũ Long Môn không thận trọng. - Tử Khai nói. - Người ta thường nói: "Nhìn con gái mình mà chọn chồng". Vì sao khi dựng vợ gả chồng lại đại khái qua loa, làm thiệt mạng một đời con gái như thế?

Yến Thuật nghe thấy, ân hận rằng trước đây mình không lấy cô ấy. Rồi làm hai bài thơ khóc cô.

Bài một:

Con gái không nên giỏi văn chương.

Cú vọ làm sao sánh phượng hoàng.

Lâm chung đốt sách đành hối hận.

Thà rằng đần độn quách cho xong.

Bài hai:

Cửu trùng tiên nữ vừa bay xuống.

Đã nghe thấy lệnh gọi về trời.

Buồn bã sáo đàn mang về hết.

Chẳng để lại gì chốn nhân gian.

Yến Thuật làm xong đặt trên bàn. Yến Tử nhìn thấy, biết con tiếc thương người con gái có tài. Tử Khai định nói với con về chuyện hôn nhân của Thụy Nương, song chưa tiện nói thì Yến Thuật lại biết được Thụy Nương làm thơ, rất ngưỡng mộ tài năng của cô, bèn thưa với mẹ là Trần thị hỏi Thụy Nương làm vợ, Trần thị rất yêu quý Yến Thuật, thấy con nói thế thì bàn với chồng, nhờ Tôn Bà làm mối. Tử Giám cũng sai bà Trịnh đến nhà Tử Khai nói vun vào. Tử Khai mừng rỡ bằng lòng, chọn ngày lành tháng tốt, đưa sính lễ.

Năm ấy y mười lăm tuổi. Mười sáu tuổi Yến Thuật thi tú Tài. Mười bảy tuổi làm lễ thành hôn. Họ sống với nhau rất hạnh phúc. Một hôm Yến Thuật ngồi đọc sách trong thư phòng, thấy bà già Trịnh cầm tới ba tờ giấy, nói rằng:

- Cô nhà bảo cậu giỏi tập hợp những câu trong Tứ Thư thành một bài văn, lại hay ra câu đối cho người khác. Nay có mấy câu trong Tứ Thư xin cậu đoán, và một câu đối xin cậu đối lại.

Yến Thuật đón nhận ba tờ giấy, mở ra xem, thấy tờ thứ nhất viết một vế đối:

Khổng Tử trị quốc cân nhắc bốn đời Ngu, Hạ, Ân, Chu.

Yến Thuật nhìn qua không cần suy nghĩ, cầm bút viết ngay:

Công làm việc gồm cả ba vương Vũ Thang Văn Vũ.

Đối xong xem đến tờ thứ hai thì lại là sáu câu Tứ Thư ẩn chứa sáu nhân vật cổ xưa.

Yến Thuật đều đoán hết mọi câu, dưới mỗi câu lại ghi chú họ tên từng nhân vật.

Người sai kẻ sĩ trong thiên hạ muốn làm vua trong triều.

(Lai Tuấn Thần)

Vũ vương đánh Trụ.

(Chu Hưng)

Con cháu đời sau, tất có người làm vua.

(Thái Công Vọng)

Thái giáp hất đổ canh.

(Trưởng Tôn Vô Kỵ)

Quan hệ bạn bè.

(Điều thứ năm trong ngũ luân)

Yến Thuật đoán xong, nói:

- Sáu câu đố này đều hay, câu cuối cũng rất sát hợp.

Nói xong xem đến tờ thứ ba, thấy trong đó viết:

"Quốc sĩ vô song" tìm một câu trong Tứ Thư.

Yến Thuật đoán không ra, Đang lúc đi đi lại lại ngẫm nghĩ thì bà Trịnh đem hai tờ giấy vào hỏi Thụy Nương. Lát sau trở ra nói rằng:

- Cô nhà nói, hai tờ giấy trước cậu đã đoán đúng, thì câu này khó gì. Chỉ cần nghĩ rằng câu này ai nói, và nói về người nào là hiểu ngay.

Yến Thuật bừng tỉnh, hiểu ra ngay, nói:

- "Quốc sĩ vô song" là câu Tiêu Hà nói về Hàn Tín. Đúng là Tứ Thư có câu Hà nói Tín, ta đã đoán đúng. Yến Thuật cầm bút viết xong, đưa cho bà Trịnh mang vào cho Thụy Nương, rồi theo luôn bà vào phòng. Hai người gặp nhau, Yến Thuật cứ tắm tắc khen ngợi tài trí của nàng. Thụy Nương cũng rất vui vì sự mẫn tiệp của chàng. Đúng là:

Đôi lứa xứng đôi phượng nói hoàng,

Gái này trai ấy quả ngang hàng.

Chồng vợ coi nhau như bè bạn.

Quốc sĩ ngày nay được cả hai.

Từ đó bài văn Yến Thuật làm thường đưa cho Thụy Nương bình phẩm. Nàng bình phẩm khá xác đáng. Yến Thuật rất khâm phục, coi nàng như một người thầy và cũng là một người bạn. Năm mười tám tuổi, Yến Thuật thi hương. Khi trở về viết lại ba bài thi đưa cho Tử Giám xem. Tử Giám khen ngợi, cho rằng nhất định sẽ đỗ. Nhưng khi Thụy Nương xem, thì nàng bảo:

- Ba bài đều hay, song phần kết của bài thứ ba có một câu rất nguy hiểm, e rằng không ổn.

Đến khi yết bản, Yến Thuật đỗ thứ một trăm hai mươi bảy. Vốn bài văn của Yến Thuật, quan sơ khảo thấy câu kết trong bài thứ ba rất nghịch mặt, nên xếp vào cuối cùng. Không ngờ quan chủ khảo xem câu ấy gạch đi, không cho đỗ. Bỗng thấy có người giằng lấy bút, rồi nói văng vẳng bên tai: "Nhà người này có truyền thống nhân hậu, hiếu đễ, không thể đánh trượt được!". Quan chủ khảo kinh ngạc, rồi cho đỗ. Hôm ấy Yến Thuật đến tạ ơn quan sơ khảo và quan chủ khảo, mới được nghe kể lại chuyện này. Thấy cha mẹ làm điều thiện mình mới đỗ, Yến Thuật vô cùng cảm động, và càng khâm phục tài thẩm định văn chương của Thụy Nương. Đúng là:

Mắt xanh thẩm văn phục tài vợ.

Từ tâm tích đức quả nhờ cha.

Yến Thuật đỗ, họ hàng thân thích tấp nập đến chúc mừng. Mừng quá, Tử Khai uống nhiều rượu nên phát bệnh hen. Yến Thuật sớm chiều bên cha hầu hạ thuốc thang, song niềm vui khiến bệnh Tử Khai thuyên giảm. Thấy Yến Thuật lo lắng cho bệnh tình của mình, không muốn đi thi. Tử Khai đành phải thúc giục, buộc Yến Thuật phải tới kinh thi. Không ngờ, sau khi đi, bệnh tình Tử Khai ngày một trầm trọng. Thụy Nương vội viết thư cho Yến Thuật rằng: "Công danh là việc nhỏ, phụng dưỡng cha mẹ mới là việc lớn". Rồi sai người gọi Yến Thuật về gấp. Song không ngờ người nhà đuổi theo gần kịp thì ốm giữa đường, không đi được. Khi khỏi bệnh tới quán trọ tại kinh đô thì đã là mười lăm tháng hai. Yến Thuật thi xong mới nhận được thư vợ. Không chờ yết bảng, Yến Thuật đi suốt ngày đêm, về tới nhà đã thấy dán giấy báo hỉ đỗ tiến sĩ. Tử Khai bỗng nhiên khỏi bệnh. Nếu trời không làm người nhà ốm giữa đường thì Yến Thuật sẽ không đỗ tiến sĩ. Quả là:

Từ tâm phải dốc lòng.

Đạo trời chẳng chút sai.

Khi Yến Ngao hỏi con gái nhà họ Vũ cho con, vợ là Phương thị lấy ra sáu mươi lạng bạc tốt của riêng mình làm lễ vật. Sau khi Quỳnh Cơ chết, Yến Ngao đòi lại, Phương thị muốn giữ lại làm của riêng, Yến Ngao không cho. Thấy Phương thị nằng nặc đòi lại, Yến Ngao bèn đổi bạc đồng đưa cho Phương thị, Phương thị không biết tưởng bạc thật. Sợ Kỳ Lang lấy trộm đánh bạc, Phương thị cất kỹ vào hòm. Kỳ Lang biết số bạc đó là bạc giả, bạc thật thì cha giữ, giấu ở nền nhà phòng học. Kỳ Lang nghĩ ra một kế, nhân lúc mẹ vắng nhà, lấy trộm bạc giả, đánh tráo lấy số bạc thật mà cha giấu, đem đi đánh bạc. Phương thị không thấy tiền, biết ngay là con lấy, nhưng vì quá yêu con không dám nói ra, sợ nói ra sẽ làm cho Yến Ngao tức giận, đành ngậm đắng nuốt cay. Sau một thời gian đánh bạc, Yến Ngao nợ tới năm mươi lạng. Huyện đưa giấy dốc thúc, công sai đưa giấy đòi tiền lệ phí. Yến Ngao không chịu đưa, công sai lại đòi phải trả số tiền nợ ngay lập tức. Không còn cách nào, Yến Ngao đành đem sáu chục lạng bạc ra dùng. Mãi tới gần tối hôm ấy, công sai cứ ngồi lì thúc bách, Yến Ngao đành vào phòng học lấy ra, vội vã trả hết, chỉ còn lại một ít mang bên mình để chi tiêu thêm. Sau đó cùng theo công sai lên huyện nộp. Hắn không biết số tiền ấy đã bị Kỳ Lang đánh tráo. Lúc đầu là để lừa vợ nên số tiền ấy không khác gì tiền thật. Song nay đang lúc vội vàng, không biết đã bị đánh tráo, đem số tiền đó nộp quan. Quan thu tiền phát hiện ra bạc giả, đưa chuyện này bẩm lên tri huyện. Tri huyện xem thì đúng số bạc đó là bạc giả, ông đùng đùng nổi giận, quát thét lính lôi Yến Ngao ra đánh. Thấy gói bạc trong người hắn lôi ra, tri huyện cầm lấy xem thì cũng là bạc giả, càng khiến ông như lửa đổ thêm dầu. Những công sai về thúc nợ đang tức vì Yến Ngao không trả tiền lệ phí, bèn quỳ xuống bẩm rằng:

- Tên Yến Ngao quen dùng tiền đồng, người ta đều gọi là "Yến Lẫn Đồng".

Thấy thế tri huyện chỉ vào mặt Yến Ngao mắng chửi thậm tệ, rồi hạ lệnh đánh Yến Ngao hai mươi gậy, giam vào ngục. Ở nhà biết được tin chồng, Phương thị rất lo sợ, vội sai người đến sòng bạc báo cho Kỳ Lang biết. Kỳ Lang thấy mình đã hại cha, sợ sau này cha hỏi tội, bèn trốn đi không về nhà nữa.

Yến Ngao trong tù không thấy con đến thăm, lại biết quan huyện cho mình coi thường vua, khép vào trọng tội. Hắn cuống lên, viết thư bảo người nhà bán gấp ruộng vườn lấy bạc chi dùng. Gia sản Yến Ngao cũng thuộc loại bình thường, vì cha con đều cờ bạc nên gia đình ngày một sa sút. Lần nay phạm tội phải bán hết ruộng vườn. Thạch Chính Tông bắt chẹt, mua với giá rẻ mạt. Thạch Chính Tông nói:

- Ruộng vườn, nhà cửa và tài sản trong nhà đều mua bằng tiền nhà họ Thạch, bây giờ phải trả lại cho họ Thạch.

Khi giao tiền xong, Thạch Chính Tông buộc Phương thị ra khỏi nhà ngay. Phương thị đành xin người chủ mới khi nào chồng về sẽ dọn. Lúc ấy kẻ ăn người ở đã bỏ đi hết. Phương thị đành cầm tiền đến nhà giam, một là để thăm chồng, hai là sợ chồng đòi sáu mươi lạng bạc mình cất giữ, nhân đó nói rõ số bạc ấy đã mất. Thấy vợ đến, Yến Ngao hỏi:

- Kỳ Lang đâu?

- Từ hôm ông bị bắt, - Phương thị nói, - không thấy nó về.

Yến Ngao giậm chân quát thét:

- Thằng súc sinh ấy đi đâu rồi? Ta cần phải hỏi nó số bạc tốt ta đã cất đi sao bây giờ thành bạc giả. Nhất định là thằng súc sinh ấy đã cuỗm đi rồi. Nó đã hại ta.

- Ông giấu tiền ở đâu? - Phương thị nói. - Làm sao mà

Kỳ Lang lấy được?

- Bà không biết. Số bạc ta giấu ở nền nhà lớp học hoàn toàn là bạc tốt. - Yến Ngao nói. - Tại sao bây giờ lại thành tiền đồng? Thằng súc sinh ấy không đổi thì ai đổi.

- Chưa hẳn là nó lấy, - Phương thị nói, - ông đừng đỗ oan cho nó. Chỉ có điều sáu mươi lạng bạc tôi giữ bị nó lấy đi rồi. Nếu còn tôi sẽ đưa cho ông chi dùng.

- Sáu mươi lạng bạc của bà nó lấy mất từ bao giờ? - Yến Ngao hỏi.

- Nó cũng chẳng thèm hỏi tôi, - Phương thị nói, - cũng không biết nó lấy từ bao giờ, tôi sợ ông giận dữ nên không dám nói.

Yến Ngao nghe xong dậm chân thét lên:

- Đúng rồi, đúng rồi. Số tiền ấy là tiền giả tôi đã lừa bà, không ngờ bây giờ nó lại lừa tôi.

Thấy vậy Phương thị trách chồng:

- Sao lúc ấy ông lại lừa tôi?

- Đã biết mất sao không bảo tôi lại còn bao che cho nó. - Yến Ngao lại trách vợ. - Nếu nói ngay, tôi điều tra ra thì không đến nỗi phải chịu tai vạ.

Hai vợ chồng cứ trách móc nhau mãi. Đúng là:

Lúc đầu tôi lừa vợ.

Sau đó con lừa tôi.

Họ bảo tôi lừa quan.

Nào ngờ tôi lừa tôi.

Phương thị giao tiền bán gia sản cho Yến Ngao, rồi ra khỏi nhà giam. Trên đường về nhà, trời lấp sấp mưa, đường trơn như đổ mỡ, Phương thị cố qua chiếc cầu đá, đi không quen, cầu trơn, trượt chân lăn tỏm xuống nước. Người qua đường trông thấy vội vã kêu cứu, khi vớt lên được thì đã chết. Đúng là:

Chết vì nước có thể cứu được.

Chết vì tình không sao cứu được.

Người nào mà đắm đuối vì tình.

Không chết vì nước cũng chết vì tình.

Phương thị chết, người làng ấy mua quan tài thiêu xác. Yến Ngao biết vợ chết, nhà cửa tan nát, đau thương quá rồi sinh bệnh. Có bạc Yến Ngao đút lót, được quan huyện tha. Song Yến Ngao đang ốm, lại không có nhà cửa, đành tới chùa Thanh Liên xin ở tạm. Nghĩ tới tình xưa, hòa thượng Liễu Duyên cho Yến Ngao ở tạm trong chùa chữa bệnh. Yến Ngao lúc đó không còn một xu, chỉ còn lại một chuỗi ngọc trắng dùng niệm Phật hằng ngày, chuỗi ngọc trước đây Yến Ngao cũng đã dùng bạc giả để đánh lừa. Hắn rất quý chuỗi ngọc, nên thường mang trong người. Nay bất đắc dĩ phải giao cho Liễu Duyên chi phí ăn uống thuốc thang. Thấy đây là vật Yến Ngao yêu quý, Liễu Duyên từ chối không nhận. Mấy hôm sau, bệnh tình Yến Ngao ngày càng trầm trọng, không sao chữa trị được, đã trút hơi thở cuối cùng.

Vốn là, khi Yến Ngao lâm sự, đúng vào lúc Yến Thuật tới kinh đô dự thi, Tử Khai ốm nặng nên không biết tin. Yến Ngao chết, lúc đó bệnh tình Tử Khai đã thuyên giảm, nghe thấy tin, nghĩ đến tình họ hàng, Tử Khai đã sai người mua quan tài, áo liệm tới chùa khâm liệm. Trước khi liệm, Liễu Duyên bỏ chuỗi bạch ngọc vào quan tài. Liệm xong chôn tạm tại khu đất sau chùa. Chôn Yến Ngao được ba hôm, thấy Kỳ Lang đến chùa, gặp hòa thượng Liễu Duyên, hắn nói là ngẫu nhiên phải đi xa, nay nghe thấy cha chết, linh cữu chôn tạm ở đây, xin hòa thượng dẫn đi lễ. Liễu Duyên dẫn hắn ra sau chùa, Kỳ Lang hướng vào linh cữu cha khóc lóc vái lạy. Liễu Duyên giữ Kỳ Lang ở lại ăn bữa cơm chay, và kể lại chuyện Yến Ngao đã chết như thế nào, nhân đó khuyên Kỳ Lang nghĩ lại, sửa chữa lỗi lầm. Kỳ Lang rơm rớm nước mắt hứa sẽ thực hiện lời khuyên của hòa thượng. Kỳ Lang lại hỏi việc phụ thân đã nhập quan như thế nào. Liễu Duyên kể lại tỉ mỉ cho hắn nghe. Kỳ Lang nhớ như in những lời Liễu Duyên nói. Đến tối hắn chỉ nói là muốn đến chỗ Tử Khai cảm ơn, rồi từ biệt ra đi. Đêm ấy vào canh tư, Liễu Duyên nghe thấy tiếng chó sủa sau chùa. Sáng hôm sau, ra xem thì thấy thi thể Yến Ngao vứt bừa trên đất, quan tài cũng không thấy nữa. Hai con chó vàng đang tranh nhau xé chiếc đùi Liễu Duyên kinh sợ, vội vàng gọi đồ đệ lấy chiếc chiếu đắp lại, rồi sai người tới báo cho Tử Khai. Tử Khai vô cùng kinh hãi, cho ngay người nhà tới thăm, điều tra bằng được kẻ lấy cắp quan tài giải lên quan hành quyết. Song trong lúc vội vã vẫn chưa điều tra ra.

Đến quá trưa, thấy mấy người công sai trói ba tên giải tới sau chùa. Họ kiểm tra lại việc bọn chúng đã bật nắp quan tài, lôi thi thể ra ngoài để lấy quan tài thế nào. Một trong số đó có Kỳ Lang. Vốn là Kỳ Lang có hai gã bạn cờ bạc rất thân thiết là Đảng Oai Đầu biệt hiệu là Đảng Bách Lão và Đẩu Ai Tử, biệt hiệu là Đầu Không Thảng. Ba tên thua bạc, không còn một đồng để trả, không còn cách nào, Kỳ Lang nghĩ tới cha. Tuy đã chết, song có thể còn chút của cải để lại chùa Thanh Liên. Rồi vờ đến đó thăm viếng linh cữu cha để dò la. Khi hỏi kĩ Liễu Duyên, biết cha chẳng còn gì, chỉ còn lại một chuỗi ngọc trắng đã bỏ vào quan tài. Thời ấy, ngọc rất đắt, hắn bèn nẩy ra ý định hết sức vô đạo đức, cùng với Đẩu, Đảng nhân lúc đêm khuya lẻn vào sau chùa đào quan tài lên, lấy trộm chuỗi ngọc. Hai tên Đẩu, Đảng lại còn bất lương hơn, là chúng thấy chiếc quan tài gỗ tốt, nổi máu tham, lôi xác chết ra. Ngay đêm ấy cùng với Kỳ Lang khiêng quan tài đến một trấn gần đó bán. Song bị người địa phương biết đây là quan tài đã chôn người, bị chúng đào trộm, lập tức bắt ngay bọn này giải đến ti tuần tra tại địa phương. Lính tuần tra khảo ba tên, chúng đành phải khai rõ sự thật. Rồi sau đó họ báo lên huyện, áp giải chúng tới hiện trường khám xét. Đây cũng là sự báo ứng đầu tiên việc Yến Ngao đã để lộ quan tài cha mẹ trước đây.

Tuần kiểm giải ba tên lên huyện, tri huyện thẩm tra lại thấy đúng sự thực, theo luật định tội: Kỳ Lang bật nắp quan tài vứt thi thể cha là kẻ đạo nghịch vô đạo, tội nặng gấp ba so với kẻ khác bật nắp quan tài. Hai tên Đẩu, Đảng cũng phải tử hình. Yến Tử Khai sai người mua quan tài khác, thu dọn nắm xương tàn của Yến Ngao khâm liệm lại như cũ. Yến Thuật về tới nhà biết được việc này, anh vô cùng ngán ngẩm. Nỗi oan nghiệt do Kỳ Lang gây nên Yến Thuật cũng không cứu nổi, chỉ đành im lặng. Yến Thuật đem linh cữu vợ chồng Yến Mộ Vân về chôn vào chỗ đất trống của phần mộ họ tộc, để họ khỏi phải vứt dập dụi trên đống đá lổn nhổn.

Nghe thấy cha bị ốm, Yến Thuật vội vã về nhà không kịp thi Đinh. Nào ngờ năm ấy hoàng đế Chính Đức ngự giá tuần du, kỳ thi Đinh được vua hoãn tới tháng chín. Yến Thuật thi Đinh đỗ tam giáp, được bổ nhiệm Tri châu. Sau ba năm lại cất nhắc về nhận chức tại kinh đô. Cha, mẹ, vợ đều được thụ phong, Yến Thuật đón người bác là Tử Giám về kinh cùng hưởng vinh hoa phú quý. Năm ấy Thụy Nương sinh được người con trai, thông minh, xinh đẹp, đó là kiếp sau của Vũ Quỳnh Cơ. Vốn là, vì gả bừa cháu gái của mình, nên đã dẫn đến cái chết của Quỳnh Cơ. Điều đó khiến Phương thị vợ Vũ Long Môn vô cùng hối hận, không đầy một năm thì ngã bệnh chết. Long Môn thấy vợ chết, lại không có con cái bèn cắt tóc tu tại gia. Hằng ngày niệm kinh lễ Phật, cúng bái người vợ và đứa cháu đã qua đời. Vào một đêm, Vũ Long Môn nằm mơ thấy Quỳnh Cơ nói với mình rằng: "Ta vốn là thị nữ ở Dao Trì, ngẫu nhiên bị giáng thế nay đã được về cõi tiên, không phải ở nơi trần thế nữa, song nghĩ tới vợ chồng Yến Thuật thường làm thơ khóc thương ta, ta vẫn còn vương vấn nơi trần thế. Hôm nay ta sẽ thác sinh làm đứa con trai nhà ấy, sau này sẽ được vinh hoa phú quý". Long Môn tỉnh dậy, nhớ lời báo mộng, chú ý thăm dò. Sau đó mấy hôm, quả nhiên nghe thấy tin Yến Thuật đang nhậm chức tại kinh đô đã sinh được đứa con trai. Đúng là:

Con hiếu đương nhiên có cháu ngoan

Người tiên trở lại cõi trần gian.

Yến Ngao chết không có chỗ chôn, chỉ vì hắn đã táng tận lương tâm; Yến Tử Khai con cháu vinh hoa phú quý đều do ông nhân ái, hiếu đễ. Tôi cũng rất mong mọi người chúng ta sống nhân ái, hiếu để, để làm gương cho con cháu, ấy là dạy bảo con cháu vậy.