Đoán Án Kỳ Quan

Chương 14 (B)

Ngày hôm sau bà gọi kiệu, mang Giảo Nhị mười tuổi tới Thành. Hỏi thăm đến nhà giam xin người gác ngục vào thăm, thấy Trinh Tú đeo gông, mắt sưng húp thâm quầng, ngủ trên sàn nhà tù, Lưu thị vừa kêu lên một tiếng "con ơi", thì ngã vật xuống. Trinh Tú vội đỡ mẹ dậy, kêu gào thảm thiết, lúc lâu sau mới nói nên lời.

- Thấy con, bỗng mẹ khóc sưng cả mắt, lòng mẹ đau như kim châm. Từ khi sinh con mẹ vô cùng hãnh diện, hằng ngày con luôn quẩn quanh bên mẹ. Con vừa thông minh vừa linh lợi lại biết vâng lời, coi mẹ như Phật sống. Mẹ luôn luôn dạy dỗ bảo ban con, biết thế nào là đạo tam tòng tứ đức, phẩm hạnh đoan trang. Từ nhỏ con đã bằng lòng về làm dâu nhà họ Vương. Mẹ chỉ mong vợ chồng con bách niên giai lão. Ai ngờ vừa mới về nhà chồng, đã gặp trắc trở. Chồng chết, khiến con phải giam cầm. Mẹ cầu mong con bước sang năm mới được mở mày mở mặt, mẹ mong con sau này lo ma chay cho mẹ lúc về già. Ai ngờ con gặp oan uổng, phải nhận là đã giết người. Mẹ sợ rằng chẳng bao lâu nữa con lìa bỏ cõi đời. Mẹ nhìn con không biết chán. Mẹ nghĩ con mà nát ruột nát gan. Mẹ nhìn con tiều tụy mà lòng đau như dao cắt, thôi thì mẹ ngồi tù cùng con.

Trinh Tú thấy mẹ khóc lóc hết sức thê thảm, lòng đau như vò xé, cô vừa khóc vừa nói cho mẹ nghe nỗi đau khổ của mình.

- Nhìn thấy mẹ con quặn đau như đứt từng khúc ruột, mẹ hãy nghe con kể hết số phận khổ đau của con. Mẹ nuôi con chịu biết bao vất vả nhọc nhằn, nhũng mong con hơn người, con nghĩ rằng kiếp trước tội con chồng chất. Chẳng biết vì sao chồng con chết. Không biết lòng dạ của bố chồng thế nào mà cứ đổ riệt cho con là "giết chồng để thông dâm".

- Bố mẹ chồng con quả là kẻ hồ đồ, - Lưu thị nói, - chưa chắc quan đã thấy rõ trắng đen.

- Quan không cho phân trần, đánh đập con hết sức tàn khốc bắt con phải khai.

- Con đừng khai nữa.

- Trời ơi, đau đớn lắm mẹ ơi! Lần đầu họ vả con bốn mươi cái sái cả quai hàm, máu túa ra, nói không thành tiếng. Con không khai, họ lại kẹp mười ngón tay con, đau thấu tận tim gan. Con nghĩ khai ra sợ rằng họ sẽ lột da chết thê thảm, con thà chết chứ không chịu nhận gian dâm. Quan lớn nổi giận lôi đình, đập bàn, đóng đinh tre vào mười đầu ngón tay con. Thật khốn khổ thân con, mẹ không tin hãy nhìn kĩ mười đầu ngón tay con mẹ, vết máu chưa khô. Con xin mẹ đừng lo lắng, hãy coi như con đã chết. Công mẹ sinh thành nuôi dưỡng con chưa chút báo đền, xin mẹ hãy tha thứ cho con, đao phủ tới buộc con phải chết. Khi mẹ về nhà đừng nói với cha là con đã khai, sợ rằng tuổi cha đã cao, tóc đã bạc, uất ức quá mà sinh bệnh. Em ngoan của chị lại đây chị bảo, em về nhà phải chịu khó học hành. Chị không thể thấy được ngày em vinh hiển, cầu mong tổ tiên phù hộ cho em sớm đỗ đạt. Nếu em nhớ đến chị thì em cho chị chén nước bát cơm, vào dịp năm mới em đốt ngoài cửa cho chị ít giấy tiền. Từ nay trở đi chị không còn được nhìn thấy mẹ và em nữa, trừ phi gặp nhau trong giấc mộng.

Ba mẹ con khóc đứt hơi khản cổ. Có hai người nữ phạm nhân tới khuyên giải:

- Bác Lý ơi, đừng khóc nữa, con gái bác đã khai rồi, khóc cũng chỉ vô ích, thôi thì hãy cho quan coi ngục ít tiền, để các ông ấy tháo cùm ra, cho chị ấy được dễ chịu một chút, rồi dần dần nghĩ cách cứu chị ấy, tất cả mọi việc trông nom chị đã có chúng tôi.

Thế rồi bà đi nói với những người coi nhà tù, song bọn họ lòng dạ xấu xa, họ bảo không tháo được. Khi ra đi Thiệu Nho đã bảo Lưu thị rằng: "Tôi và ngài Triệu ở hiệu tiền Nam Nhai rất thân nhau. Nếu vụ án chưa ổn, thì nhờ ông giúp đỡ”. Lúc đó Lưu thị đành phải đến nói với ngài Triệu, rồi lại nhờ một bà già đưa cơm. Trinh Tú khuyên mẹ trở về, đừng lo lắng nghĩ ngợi gì nữa, mẹ khóc lóc rồi từ biệt. Về nhà bà nói với chồng rằng, quan đánh đau quá, buộc nó phải khai, và giam vào nhà giam rồi. Tôi mượn tiền của ngài Triệu đút lót người coi ngục... Thiệu Nho nói:

- Trên đời này sao lại có những viên quan hồ đồ như thế, không xem xét lý tình, chẳng hỏi han hư thực, cứ muốn dùng hình phạt để kết án, họ không sợ báo ứng sao?

Ông định lên tỉnh minh oan cho con, nhưng bệnh tình chưa thuyên giảm. Đến tháng Sáu bệnh đã đỡ, nhưng kì thi lại sắp tới, chờ khỏe mạnh, thi xong sẽ đi cáo giác. Gần đó có một ngôi miếu thờ Thánh Đế Quân, hằng ngày Lưu thị đều đến trước tượng thánh khóc lóc cầu xin ngài hiển ứng, để con bà được minh oan thoát khổ.

Quan huyện bắt Trinh Tú phải khai. Trinh Tú chỉ khóc lóc kêu oan, quan nổi khùng, tát cho tám mươi cái. Mấy ngày sau lại hỏi, Trinh Tú không dám kêu oan, đành phải nói là chê chồng xấu rồi đầu độc chồng. Trước khi giải lên cấp trên thẩm vấn quan huyện dặn rằng:

- Nếu ngươi lên cấp trên phản cung, rồi bị trở về, thì bản huyện sẽ tra tấn ghê gớm hơn nhiều, khiến ngươi sống dở chết dở, thì lúc ấy hối không kịp nữa đâu. Ngươi chỉ có nhận tội thôi. Hồ sơ huyện gửi lên cũng đã giảm nhẹ tội cho ngươi rồi, ngươi đừng sợ.

Thế rồi quan huyện lập tức cho ba sai nha áp giải đi.

Biết tin, Thiệu Nho cùng vợ vào thành tiễn chân con, thuê một bà già đi theo hầu hạ, lại bảo người cháu họ cùng đi. Trinh Tú thấy cha mẹ òa lên khóc. Thiệu Nho nói:

- Đây là nỗi oan nghiệt kiếp trước của con, cho nên mới gặp phải việc này và gặp viên quan này, chờ xem con lên tỉnh thế nào, nếu không minh oan được, thì sau khi thi xong, cha sẽ đi kháng cáo.

Nói xong ông rót một chén rượu, rồi dặn Trinh Tú rằng:

- Con đi đường phải hết sức giữ gìn sức khỏe, gặp phủ, đạo cố chịu đựng tra tấn, đừng kêu oan. Đến Niết ti(1), Ngưu Công là một người cực kì thanh liêm, con mới có thể minh oan được.

(1) Niết ti: cơ quan tư pháp của một lộ (đơn vị hành chính cấp trên của huyện, phủ, đạo).

Trinh Tú quỳ xuống nhận rượu, rồi òa lên khóc:

- Cha mẹ hãy yên tâm, cứ coi như con đã chết rồi, đừng quá đau thương mà tổn hại đến tinh thần, con gặp quan trên sẽ tùy cơ ứng biến.

- Lưu thị uất ức, nức nở khóc, không muốn xa rời con. Trinh Tú an ủi mẹ mãi, bà mới dứt áo lên kiệu ra về.

Đến Đồng Châu, rồi tới Bảo Ninh, cô hoàn toàn không kiêu oan, mà vẫn khai như cũ. Khi lên tới tỉnh, đêm ấy ngủ tại quán trọ, sáng sớm hôm sau dậy thì không thấy áo đỏ đâu. Sai nha vô cùng sợ hãi, tìm khắp nơi, hỏi tất cả những người trong quán trọ, thì thấy chỉ mất mỗi chiếc áo đỏ, hành lí vẫn còn nguyên. Sai nha rất lo lắng sợ rằng quan trên trách phạt.

Ngưu Công án sát Thành đô tên là Thụ Mai, ông rất thương yêu dân, vụ án nào cũng xem xét tỉ mỉ, kĩ càng, chỉ sợ dân chúng mắc oan. Một hôm, đang lúc nghỉ ngơi, ông ra vườn ngắm hoa, bỗng nghe tiếng quạ kêu quang quác, ngẩng đầu nhìn lên, thấy mấy chục con quạ đen, tha một vật gì bay lượn trên mái nhà. Ngưu công quát ầm lên, đuổi quạ, đàn quạ bay đi, vật ấy rơi xuống vườn hoa. Nhặt lên thì đó là một chiếc áo đỏ, trên áo viết: "Lý Trinh Tú phạm nhân An Nhạc". Ngưu Công nghĩ rằng vụ án này nhất định có oan khuất chi đây. Nếu không thì tại sao áo phạm nhân mặc mà quạ lại tha được? Nhất định là có thần xui quỷ khiến. Thế rồi ông lệnh đưa hồ sơ vụ án cho ông xem, thấy bản án phán quyết là vì "chê chồng xấu mà đầu độc”. Ông nghĩ rằng chê chồng xấu, thì chỉ hối hận là cùng chứ làm gì đến nỗi cô dâu lại đầu độc chồng.

Ngày hôm sau sai nha trình rằng, nữ phạm nhân đã mất chiếc áo đỏ tại quán trọ. Chúng con tìm mãi không thấy, mong ngài tha tội. Ngưu Công nói:

- Chiếc áo đỏ ấy đang ở đây rồi.

Lập tức lệnh giải nữ phạm nhân vào, thấy người ấy dáng vẻ hiền lành, cử chỉ đoan trang, không giống loại người giết chồng. Ông hỏi:

- Có phải ngươi là Lý Trinh Tú không?

- Vâng ạ!

- Có điều gì oan khuất hãy nói ta nghe.

Trinh Tú cứ ngồi khóc không nói năng gì. Ngưu Công hỏi:

- Có phải quan phụ mẫu ở huyện xét hỏi không đúng, hay là đánh đau mà phải khai, nên ngươi khóc không? Hãy khai thực với ta, ta sẽ minh oan cho.

Trinh Tú cúi đầu nói:

- Thưa ngài cho phép con nói, vì vụ án này con đã chịu biết bao đau khổ, không sao thanh minh được nỗi oan khuất giữa ban đêm. Chẳng biết duyên cớ gì, vừa về làm dâu thì chồng đã chết. Cha mẹ chồng thấy thế giận dữ, vu cho con gian dâm rồi đầu độc chồng.

- Cha mẹ chồng vu cáo, mà quan huyện không xét hỏi cho ra lẽ ư?

Quan trên không hỏi rõ ràng, đã tra khảo tàn nhẫn, máu chảy đầm đìa. Không khai, quan kẹp mười đầu ngón tay rồi đóng đinh tre, khiến con chết ngất đi.

- Quan huyện tra tấn, bức ngươi phải khai có đúng không?

- Không còn cách nào khác, con đành phải khai. Thế rồi quan huyện cho giải lên tỉnh, giữa đường con mất chiếc áo đỏ.

- Chiếc áo đỏ, ta đã biết rồi, ta chỉ hỏi ngươi sự việc xảy ra trong đêm ngươi về nhà chồng thôi.

- Đêm ấy vào lúc canh hai, bạn bè thân thích đưa chồng con vào phòng, họ vui vẻ uống rượu, con rót rượu mời mọi người.

- Uống rượu trong phòng, bảo ngươi rót rượu mời, nam nữ kẻ đưa người nhận, thì còn ra thể thống gì nữa. Song sau khi vui tiệc rượu thì thế nào?

- Sau khi uống say, họ ra khỏi phòng con đóng cửa dọn giường chiếu. Chồng con cuộn chiếu lên, lấy ra rất nhiều thứ.

- Lấy ra những thứ gì, rồi để nó ở đâu?

- Đó là chiếc bàn đèn, rồi dặn con "Đừng nói với cha mẹ, tôi vốn dấu cha mẹ hút thuốc vụng, nếu cha mẹ mà biết tôi hút thuốc phiện thì quan hệ vợ chồng sẽ rắc rối đấy".

- À, anh ấy dặn ngươi đừng nói, thế thì ngươi thấy anh ấy hút thế nào?

- Anh ấy đốt đèn lên hơ cho thuốc nở ra, rịt vào mõ điếu hút, hút không được, rồi lại hơ thuốc vào đèn, vẫn không hút được. Thế rồi anh ấy lấy một chiếc thông tre dài chừng thước rưỡi, thông vào ống điếu, chỉ nghe thấy kêu sụt sịt.

- Thông điếu xong có hút được không?

- Hút xong anh ấy cất bàn đèn vào chỗ cũ, cởi áo rồi lên giường ngủ thiếp đi.

- Ngươi nói chưa từng cái gì?

- Là dâu mới con sợ xấu hổ, chỉ biết cúi đầu không dám tỏ ra tức giận.

- Thế ngươi có ngủ không?

- Con ngủ một giấc cho đến sáng, tới lúc ăn cơm, chồng con vẫn chưa dậy. Con sợ khách khứa cười, con ngượng ngùng tới giường gọi anh ấy. Không thấy thưa mới biết anh ấy đã chết rồi, mồm mũi tai mắt đều ứa máu. Con sợ quá. Cha mẹ chồng vu cho con đầu độc chồng, mong ngài minh oan cho con.

Nghe xong quan ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi xem lại bản án một lần nữa, ông nói:

- Xem vụ án của ngươi, ta cho rằng không có lẽ ngươi đã giết chồng, chồng ngươi chết là vì thuốc. Cái hại của thuốc phiện là rất ghê gớm, người béo hút sẽ gầy, người gầy sẽ chết, ruộng đất nhà cửa vợ con đều hết sạch. Ta cho rằng chồng ngươi chết vì thuốc phiện. Nhưng tại sao quan huyện, quan phủ ngu tối lại cho là đầu độc. Ngươi phải thấy rằng đêm tân hôn là cái khoái nhất của đời người, động phòng hoa chúc còn hơn cả thi đỗ. Hơn nữa, trai tài gái sắc, hai nhà đều giàu có, cớ sao lại chê nghèo mà đầu độc chồng.

Thế rồi ông ra lệnh cho người tới nhà Vương Minh Sơn ở An Nhạc lấy ngay chiếc tẩu thuốc phiện, bàn đèn, thông điếu về. Áp giải Trinh Tú về nhà trọ chờ thẩm vấn. Những người xung quanh thấy thế đều bật cười. Ngưu Công nói:

- Các ngươi cười gì, hãy đi lấy về đây ngay, đừng có hút vào mà toi mạng đấy!

Sai nha của Niết ti nhận lệnh đến An Nhạc, bảo sai nha huyện tới nhà họ Vương, tìm bàn đèn. Tìm mãi trong phòng cô dâu vẫn không thấy, họ quay về huyện báo lại. Sai nha của Niết ti nói:

- Chúng bay đều là đồ vô dụng, không tìm thấy một thứ gì ư?

- Việc này ngài phải đi thì mới bắt được. - Sai nha huyện nói.

- Đòi ta phải đi bắt ư? - Sai nha Niết ti nói. - Các ngươi có biết phép tắc không?

- Chúng con không biết, mong ngài chỉ bảo. - Sai nha huyện nói.

- Vụ án này xưa nay hiếm thấy, phải bỏ tiền thuê, ta mới đi. - Sai nha Niết ti nói.

Thế rồi sai nha huyện đành phải bỏ ra hai mươi lạng bạc cho sai nha Niết ti, lúc đó họ mới đi. Tới nhà, hỏi Vương Minh Sơn, Minh Sơn cũng không tìm thấy. Thế rồi Minh Sơn lại đưa cho sai nha Niết ti hai nén bạc nữa. Sai nha Niết ti vào phòng cô dâu, moi dưới nền nhà ra chiếc tẩu thuốc, đưa về Thành Đô bẩm với Ngưu Công. Ngưu Công lệnh ngày mai trình lên, lập tức sẽ mở phiên tòa xét xử.

Khi xử án, Ngưu Công thường mở phiên tòa tại sảnh đường lớn cho phép mọi người vào xem, lần này cũng thế, ai ai cũng nóng lòng chờ đợi. Hôm sau, sảnh đường lớn chật ních người.

Ngưu Công tới công đường, gọi Trinh Tú hỏi:

- Có đúng chồng ngươi hút thuốc xong rồi chết không?

- Thưa ngài đúng ạ!

Ngưu Công lệnh cho mang bàn đèn tới đặt dưới nền sảnh đường. Ngưu Công hỏi:

- Cái tẩu này to gan thật, tại sao ngươi giết chết Vương Thiên Hỷ? Ngươi có thù hằn gì mà giết anh ta? Trước mặt ta ngươi hãy khai thật.

- Thưa đại nhân, chiếc tẩu ngoan cố không nói. - Những người tay chân nói.

- Chiếc tẩu này to gan thật, - Ngưu Công nói, - trước mặt ta ngươi bướng sao được! Quân bay đâu, lấy tay thước đánh nó thật đau cho ta.

Thế rồi bọn tay chân đưa tẩu xuống, giơ tay thước lên đánh một phát, tẩu vỡ thành mấy mảnh. Bọn tay chân bẩm rằng:

- Thưa đại nhân, chiếc tẩu này không chịu được đòn, vừa quật một cái đã gẫy nát.

Ngưu Công quát, hãy đem nó lên đây. Ông bẻ ra xem thì bên trong có một con rết, đã bị thông tre thông nát thành mấy đoạn. Ngưu Công đưa cho Trinh Tú và mọi người xem, rồi hỏi Trinh Tú:

- Người có biết vì sao chồng người chết không?

- Bẩm ngài, con không biết, mong đại nhân chỉ cho.

- Tẩu dấu dưới nền nhà, - Ngưu Công nói, - tháng Tư rất nhiều rết, ngửi thấy mùi thơm tiết ra chất độc, chui vào tẩu, bị keo thuốc trong tẩu dính chặt lấy chân, không chui ra được. Cho nên nó ở trong đó tiết ra chất độc, lại dùng thông thông nát, cố sức hút, chất độc của rết và của thuốc vào bụng, thì sao mà không chết.

Người xung quanh hỏi rằng:

- Tại sao đại nhân lại biết vụ án này là do rết giết chết mà bắt tẩu thuốc?

- Ta nghe Trinh Tú nói là chồng lấy tẩu từ dưới đất lên, bởi thế ta biết chết là do hút thuốc.

Nghe xong ai ai cũng vô cùng thán phục Ngưu Công. Ông tha cho Trinh Tú, kết thúc vụ án. Ông hỏi Trinh Tú rằng:

- Ngươi về nhà chồng thì chồng chết, anh em lại không có bây giờ nương tựa vào đâu? Có thể tái giá không?

Trinh Tú im lặng không trả lời. Ngưu Công nói:

- Nhà mẹ đẻ có ai ở đây không?

- Thưa ngài, cha con đang ở dưới kia.

Lúc ấy Lý Thiệu Nho đang xem xử án, lập tức đi lên, cúi lạy nói:

- Thưa ngài, con có lỗi với ngài.

- Ngươi là ai?

- Con là Lý Thiệu Nho, Trinh Tú là con gái con.

- Ngươi hãy đưa con về nhà, rồi gả cho người khác.

Thiệu Nho tạ ơn, lui ra. Ngưu Công tuyên bố, từ nay cấm các phủ huyện không được phép vui chơi rượu chè trong phòng cưới điều đó làm tổn hại đến phong hóa.

Các bạn thân mến! Quạ đen vốn là một loài vật ngu xuẩn, tại sao lại tha chiếc áo đỏ của Trinh Tú tại quán trọ? Chỉ vì sớm chiều Lưu thị đã rất thành tâm cầu khấn Thánh Đế, cho nên Thánh Đế đã hiển linh, lại thấy Trinh Tú mắc oan, lệnh cho thần gió, thổi bay chiếc áo đỏ lên không trung, khiến quạ tha đi. Ngưu Công thấy cô oan khuất nên đã minh oan cho cô.

Ở thành có Hoặc Vân là cháu của ngài Dương, vợ chết chưa lấy vợ khác, nhà giàu có, lại rất đẹp trai, thấy Trinh Tú xinh đẹp đoan trang, thường khen cô trước mặt mọi người. Thiệu Nho biết được, nhờ mối nói vun vào, rồi gả Trinh Tú cho anh. Họ sống với nhau rất hòa hợp, suốt đời sung sướng. Về sau Thiệu Nho lại thi đỗ. Vương Minh Sơn không có người nối dõi, định nuôi con một người thuộc chi gần, nhưng không vừa ý. Ông ta bèn cưới một người vợ lẽ, song quá dâm đãng, đến nỗi đổ bệnh, ốm liệt giường, biết rằng không thể sống được nữa mới nuôi con của một người thuộc chi xa. Người chi gần không nghe, đâm đơn kiện. Minh Sơn đang ốm phải vào thành đút lót nên thắng kiện, rồi chết ngay tại huyện. Vợ lẽ trốn theo trai. Con nuôi không nên người, chỉ trong mấy năm gia tài khánh kiệt.

Các bạn thân mến, người ta sống trên đời, đáng sợ nhất là nghiện phiện. Cái hại của thuốc phiện còn nguy hiểm hơn nhiều so với rượu và gái. Rượu và gái nói bỏ là bỏ được ngay, còn cái hại của thuốc phiện đến chết vẫn không buông tha, nó còn đeo đẳng người ta tới mãi âm ti địa ngục, làm ma vẫn không yên. Thiên Hỷ giấu cha mẹ hút thuốc phiện, khiến cha mẹ đau buồn. Sau đó bị rết giết chết, làm cho vợ phải mắc oan, cha mẹ tuyệt tự, tuy giàu có, vợ đẹp cũng không được hưởng thụ. Vương Minh Sơn thương luân bại lí, xúi bẩy kiện tụng, keo kiệt đến nỗi phải tuyệt tự, người và của đều mất sạch. Lý Trinh Tú đoan trang hiếu thuận, tuy gặp oan khuất, cuối cùng được thần thánh minh oan, hưởng phúc suốt đời. Ngũ thị hùa theo cái xấu, bởi thế phút chốc lâm vào cái chết. Vợ chồng Lý Thiệu Nho biết nuôi dưỡng dạy bảo con, cuối cùng con gái nên người. Còn như Thôi tiên sinh dạy trò không nghiêm, khó mà dạy người ta được, khiến cho vợ theo trai, con phải chết, ấy là phạm nhân trong số Nho gia. Sau này nhất định sẽ chịu báo ứng.

Qua vụ án này, ta thấy thầy phải luôn luôn răn đe những học trò hút thuốc phiện. Phải hết sức thận trọng, đừng coi đây là chuyện trò đùa. Đã mắc nghiện thì không những sẽ lười nhác mà còn bê trễ học hành, công không thành, danh không toại mà còn khuynh gia bại sản. Đã là người thầy người trò, phải lấy Thôi tiên sinh, Vương Thiên Hỷ làm bài học cho mình. Vụ án này tôi nghe thấy khi đi thi, sợ rằng đã lâu ngày, tên người, tên địa phương có thể có chỗ sai, xin các bạn tha thứ.