Hữu Năng tới, thấy mồm, mũi, mắt, tai của cháu mình đều chảy máu, bèn nổi giận quát ầm lên:
- Mày là đứa đê tiện. Tại sao mày lại đầu độc cháu tao?
- Cháu chú về tối qua, - Vũ Hoa nói, - không biết mắc chứng bệnh gì mà mất, sáng nay gọi mới biết, chú đừng có đổ tội cho cháu.
- Đúng là mày đã dẫn trai về nhà rồi đầu độc nó, - Hữu Năng nói, - để lấy nhau. Tao không thể nghe theo mày được.
- Chú đừng. đổ oan cho cháu. - Vũ Hoa nói. - Nếu cháu dẫn trai về nhà, thì tại sao trước đây cháu không tái giá?
- Trước đây vừa có tiền, - Hữu Năng nói, - vừa có gian phu, nên mày không tái giá.
Nói xong Hữu Năng tức tốc đệ đơn lên huyện kêu oan, nói rằng vì gian dâm nên cháu dâu đã đầu độc chồng.
Quan huyện Vạn thời ấy là người họ Hồ, lập được chiến công ngoài chiến trường và được cất nhắc lại làm quan huyện. Không am hiểu dân tình, dã lập tức lệnh cho khám nghiệm tử thi, quả là đã chết vì đầu độc; cho mua ngay quan tài an táng. Sau đó bắt ngay Vũ Hoa về huyện xét hỏi:
- Chú ngươi đã tố cáo ngươi vì gian dâm nên đầu độc chồng, ngươi vẫn không khai thực ư?
Vũ Hoa vô cùng oan ức, khóc lóc thảm thiết, nói:
- Xin quan lớn hãy lắng tai nghe cho rõ. - Vũ Hoa quỳ trước pháp đường, nước mắt như mưa.
- Hãy khai rõ từ đầu. - Quan huyện nói.
- Từ khi ra đời, con luôn giữ gìn phẩm hạnh ngay thẳng, và cũng biết được liêm sỉ, tiết liệt kiên trinh. Về nhà chồng chúng con sống rất hòa thuận, vì nhà nghèo, chồng con phải đi buôn bán xa. Trước lúc ra đi, chồng con dặn phải hết sức giữ gìn cẩn thận, phải cố nuôi lấy con gà trống mã mật ấy.
- Vì sao chồng ngươi dặn nuôi con gà trống mã mật ấy. - Quan huyện hỏi.
- Chồng con thích ăn đầu gà mềm, anh ấy đinh ninh rằng khi nào kiếm được tiền trở về sẽ giết gà cúng thần tài.
- Chồng ngươi đi buôn, - quan hỏi, - vậy hằng năm, tết nhất có về không?
- Chồng con đi buôn bảy tám năm nay chưa từng về, chú Hai cứ bắt cháu đi lấy con nhà giàu. Con thề giữ trọn tình vợ chồng không tái giá, vì không được tiền nên chú tức giận.
- Thế thì chồng ngươi về lúc mấy giờ? - Quan hỏi.
- Mười năm nay chồng con mới về, - Vũ Hoa nói, - con mừng quá, giết gà trống, mua rượu ngon, làm bữa cơm tẩy trần. Hai vợ chồng hàn huyên đến canh ba mới ngủ, đến khi trời sáng con gọi, thì chồng con đã mất rồi. Gọi chú con đến, thì chú con viết đơn đi kiện, vu cho con là gian dâm rồi đầu độc chồng.
- Chồng ngươi về có ai tới thăm không - Quan hỏi. - Có đưa bạn hay người gánh hàng thuê về không?
- Lúc chồng con về chẳng có ai. - Vũ Hoa nói. - Chỉ có mình chồng con thôi.
- Bên ngoài không ai đến thăm, không có bạn, không có người gánh thuê. Như vậy thì không phải người khác hãm hại. - Quan nói.
- Không biết sáng ấy anh mắc chứng bệnh gì nguy kịch mà bỗng chốc uyên ương chia lìa đôi ngả. - Vũ Hoa nói.
- Hừ! Con dâm phụ này to gan thật. - Quan nói. - Rõ ràng là mày đã dẫn trai về, rồi đầu độc chồng, mà vẫn còn cãi bướng, hãy mau mau khai ra!
- Con là con nhà nề nếp, há rằng lại hủy hoại danh tiết, làm nhục tổ tiên. - Vũ Hoa nói. - Nếu có gian tình thì vì sao khi chồng chưa về không chịu đi tái giá, mà bây giờ chồng về lại giết chồng.
- Trước kia không tái giá, - quan nói, - chỉ vì chồng chưa về cùng với gian phu sống với nhau. Nay chồng về, thấy được mới giết chồng đi. Vì sao ngươi vẫn chối quanh?
- Nếu không có ai biết sao không giấu xác chồng đi, mà lại đi báo cho họ tộc biết? Thưa quan lớn, vì sao quan lớn cứ suy đoán, rồi đổ riệt cho con những điều xấu xa độc ác.
- Con dâm phụ này to gan thật, dám nói ta vu tội cho ngươi. Các ngươi đâu vả vào miệng nó bốn mươi cái cho ta!
Họ đánh Vũ Hoa rách da tóe máu, hai má rát bỏng như lửa đốt răng đau nhức.
- Cuối cùng người có khai không? - Quan hỏi.
- Con là người trinh tiết, - Vũ Hoa nói, - dù chết con cũng không ân hận. Bẩm quan lớn! Con không giết chồng thì quan bảo khai làm sao được.
- Hừ! Con dâm phụ này to gan thật, mày còn già mồm à, chúng bay đâu, hãy đóng đinh vào mười đầu ngón tay nó cho ta.
- Trời đất ơi! Thưa quan lớn, đúng là quan lớn truy bức con đến chết, con sẵn sàng chịu thịt nát xương tan. Vì sao vô cớ ghép con vào tội chết. Chứng cứ đâu mà bảo con gian dâm, mưu giết chồng.
- Con dâm phụ này còn già mồm cãi, chúng bay đâu hãy mau mau tra khảo nó cho ta.
Đinh tre đóng vào người Vũ Hoa ứa máu, chẳng khác nào nơi địa ngục Diêm Vương, đang lúc muốn gặp Diêm Vương về nài cầu khẩn, thì ai ngờ phút chốc nàng tỉnh lại. Nàng nghĩ: "Không khai thì không thể chịu nổi khổ hình, mà khai thì đem tiếng xấu suốt đời".
- Bội Trác thị! - Quan nói. - Ta khuyên ngươi khai đi là tốt ta sẽ tha cho.
- Thôi thôi, con xin khai. - Vũ Hoa nói. - Thưa ngài con đã giết chồng.
- Tên gian phu đó là đứa nào? - Quan hỏi.
- Ngài ghép con vào tội chết con không oán hận, nhưng bảo con gian dâm thì chết con không nhắm mắt.
- Nó vẫn còn bướng, hãy tra khảo mau. - Quan quát.
- Trời ơi! Quả là có quan dã man chứ không bao giờ có dân dã man, lẽ nào ở pháp trường lại không có quỷ thần!
- Rốt cục kẻ gian phu đó là đứa nào? - Quan hỏi. - Nói mau!
- Kẻ gian phu ấy con quên mất họ tên rồi. Con tình nguyện chịu chém chứ không hại người tốt.
- Con dâm phụ này vẫn còn che giấu, các người đâu, hãy mau mau tra khảo cho ta!
- Trời ơi! Thưa ngài, gian phu tên là Mạc Tu Hữu(1), người ấy đã trốn mất rồi. Xin ngài ra lệnh đi bắt.
(l) Mạc Tu Hữu: có thể có. Triều Tống chống Kim, danh tướng Nhạc Phi bị hạ ngục vì Tần Cối vu cáo. Hàn Thế Trung bất bình hỏi Tần Cối. Tần Cối nói: "Việc Nhạc Phi làm loạn có thể có: (Mạc tu hữu); về sau dùng "mạc tu hữu” để chỉ án oan. Xem Từ điển điển cố Trung Hoa, NXB Văn hóa - Thông tin, H, 2002.
Khai xong, quan lệnh giam vào ngục, viết tờ trình đệ lên tỉnh, ra lệnh truy bắt gian phu. Đi tìm khắp mọi nơi không thấy người ấy, quan sợ Vũ Hoa bịa ra họ tên, đưa ra tra hỏi lại. Vũ Hoa cứ một mực kêu oan, và nói là không khai bịa. Không còn cách nào khác quan vẫn cứ giam vào ngục.
Vị quan này làm việc gì cũng tùy tiện, biết bao người đã bị oan khuất, người kháng cáo lên cấp trên cũng rất đông. Vì vụ án này để giằng dai mãi không quyết án được, nên đã phải cho Vũ Hoa về. Viên quan đến thay thế là người họ Vương, xuất thân từ cử nhân, thanh liêm và yêu thương dân chúng. Ông xem kĩ lời cung khai về vụ án này, biết là oan uổng, ông cho gọi Vũ Hoa đến xét hỏi. Vũ Hoa cứ kêu oan. Quan hỏi:
- Chồng ngươi chết như thế nào?
- Con không biết chết vì chứng bệnh gì, sáng dậy con gọi mới biết.
Quan thét:
- Đánh!
- Vũ Hoa vẫn khai như cũ.
Quan biết Vũ Hoa sợ hình phạt mà khai, nên muốn cứu cô, nhưng căn cứ vào đâu để tha? Nếu nói là bị bệnh thì tại sao máu lại chảy ra đằng mồm, mắt, mũi. Nếu ăn phải của độc thì cả hai vợ chồng đều ăn, nhưng tại sao vợ không chết. Ông cứ suy nghĩ mãi mà không quyết được, cuối cùng vẫn giam Vũ Hoa vào ngục, rồi tiếp tục suy nghĩ.
Lúc ấy có quan Khâm sai họ Lưu, xuất thân từ Hàn lâm, làm viên ngoại bộ Hình tại kinh đô, tới Trùng Khánh khám xét đi theo đường thủy về kinh đô, tiện đường tới huyện Vạn thăm người thân. Quan họ Vương tiếp ông tại công đường. Nhân nhàn rỗi, hai ông chơi cờ. Nào ngờ quan họ Vương chơi cờ rất cao, nhượng một xe một mã, song Lưu Khâm sai cũng chỉ là người chơi cờ bình thường. Bỗng nhiên trong ván cờ chỉ đi một nước nữa là quan họ Vương sẽ thua. Quan Khâm sai mừng thầm, bỗng quan họ Vương đi thêm một nước tiếp thì chuyển bại thành thắng. Lưu Khâm sai vỗ đùi đánh đét một cái xuýt xoa nói:
- Nước cờ này hiểm độc như đầu gà mười năm!
Quan họ Vương thấy thế bỗng nghĩ tới vụ án Vũ Hoa, rồi hỏi:
- Tại sao nước cờ của tôi, đại nhân lại ví với đầu gà mười năm?
- Lẽ nào ngài lại không biết được điển tích ấy? - Lưu Khâm sai nói.
- Tôi không biết, xin đại nhân chỉ bảo. - Quan huyện nói.
- Tôi nhắc đến đầu gà là có lí do của nó, - Lưu Khâm sai nói, - tôi sẽ nói để ngài rõ. Ngài làm quan vốn xuất thân từ cử nhân, lẽ nào lại chưa đọc cuốn sách ấy.
- Tôi vốn kém cỏi, quả thật chưa đọc đến, xin ngài chỉ bảo. - Quan họ Vương nói.
- Theo sách ấy viết thì đầu con gà đã nuôi mười năm, không thể ăn được.
- Vì sao lại như thế?
- Gà ăn kiến vốn có chất độc, chất độc ấy tích tụ trong não gà, cứ thế, tích tụ trong mười năm thì rất độc, càng lâu hơn nữa thì lại càng độc. Nếu người ăn phải loại đầu gà ấy thì chỉ có chết thôi.
- Đúng rồi! Đúng rồi! - Quan họ Vương kêu lên.
- Nước cờ của ngài rất cao siêu, ác hiểm, có khác gì loại đầu gà mười năm ấy. Tôi nói thế là ca ngợi ngài, xem ra ngài cũng cần phải đọc sách.
Quan họ Vương nghe xong mới hiểu được sự thực về vụ án Vũ Hoa. Ông nói:
- Lời nói của đại nhân quả đã cứu được một tù nhân, có thể giải được oan khuất cho họ. Điều ấy rất ích lợi.
Quan Khâm sai hỏi vì sao, quan họ Vương kể lại tỉ mỉ vụ án Vũ Hoa, rồi đưa hồ sơ vụ án cho quan Khâm sai xem, ngài nói:
- Vụ án này, người chết hoàn toàn là do ăn đầu gà, chứ sao lại nghi là mưu gian? Thật oan thay! Trác thị nói không sai, suýt nữa thì chết oan một mạng người. - Quan Khâm sai hỏi tiếp. - Trông hình dáng Vũ Hoa có phải là loại người gian dâm, ác độc không?
Quan họ Vương cho gọi Vũ Hoa tới, Lưu Khâm sai nói:
- Trông người con gái này đoan trang, xinh đẹp, nhã nhặn, không phải là loại người dâm đãng ác độc. Các ông lầm lỡ quá.
- Người tiền nhiệm bị bãi chức về vụ án này, - quan họ Vương nói, - tôi biết thị oan nhưng không có đường cứu, cho nên đã lâu rồi mà chưa phán quyết được.
Thế rồi ông kết thúc vụ án, tâu trình lên trên rằng chồng Vũ Hoa do ăn phải chất độc của đầu gà mười năm mà chết. Đồng thời thả Vũ Hoa trước mặt quan Khâm sai.
Vũ Hoa cúi đầu lạy tạ quan họ Vương và quan Khâm sai. Khi ra khỏi công đường, Vũ Hoa nghĩ, vì vụ án này mà ta chịu vô vàn đau khổ, nhưng ta không chết vì nỗi oan chưa được sáng tỏ. Nay nỗi oan ấy đã sáng tỏ rồi, ta không con không cháu, về nhà biết dựa vào ai đây? Thôi thì ta chết đi để bảo toàn tiết hạnh, theo chồng về nơi chín suối. Thế rồi nàng nhảy xuống con suối ở phía nam thành. May thay gặp được sai nha đi truy bắt phạm nhân trở về trông thấy vớt lên. Một lúc sau thì tỉnh lại. Sai nha bẩm quan. Quan đang tại công đường, lập tức gọi Vũ Hoa hỏi:
- Ta đã minh oan cho ngươi, sao ngươi không về nhà mà còn nhảy xuống suối tự vẫn?
- Từ lâu con đã muốn tuẫn tiết, song con còn mắc oan cho nên con phải sống. Nay con được minh oan, nỗi hận đã được giải tỏa, con không con cái, bơ vơ không nơi nương tựa, thôi thì con chết theo chồng.
- Nuôi con nuôi thủ tiết cũng được. - Quan nói.
- Con chỉ còn một người chú, không có người nối dõi, biết nuôi ai?
- Nếu không có con nuôi, thì nên đi bước nữa. - Quan huyện nói.
- Người đàn bà phải trọn đời chung thủy với chồng. - Vũ Hoa nói. - Lẽ nào lại đi tái giá!
- Trên đời này có người ở vậy để giữ trinh tiết, cũng có người tái giá để giữ trọn trinh tiết, cốt là phải xem cảnh ngộ cụ thể thế nào mà thôi. Nếu đạo tam tòng không có chỗ dựa thì tái giá cũng không ngại gì. - Quan huyện nói.
- Quan phụ mẫu của người khuyên tái giá, - quan Khâm sai nói, - thì ngươi nên theo sự phán bảo ấy, đừng phụ lòng tốt của ngài. Nếu biết lập chí làm người, thì sau này sẽ gặp may.
Vũ Hoa im lặng. Quan lệnh thông báo cho một cửa hàng ăn gần đấy. Nếu ai muốn lấy nàng thì vào công đường đệ đơn. Lúc ấy có một người có vẻ muốn lấy, quan huyện lập tức gọi vào. Thấy người này trẻ, khôi ngô tuấn tú, vẻ mặt hồng hào, không phải là hạng người đê tiện. Quan lệnh cho kết hôn. Người ấy sắm nến hoa, hai người lấy nhau kết nghĩa vợ chồng, rồi lại lên công đường bái tạ quan. Quan nói:
- Vợ chồng phải cố gắng trở thành người tốt, sau này nhất định sẽ làm ăn phát đạt.
Các bạn thân mến, các bạn có biết người ấy là ai không? Người ấy là Nhị Oa. Vì anh ở nhà họ Thường, chịu thương chịu khó, lại thật thà ngay thẳng, ông Thường rất vui mừng nhận làm con kết nghĩa. Ông Thường giao cho anh đi thu nợ, lúc rảnh rỗi đọc sách. Nhị Oa hết lòng hiếu thuận, ông Thường có ý giao cho anh làm người thừa tự, cho anh một ngàn lạng bạc để buôn bán, lãi kiếm được chia đôi. Vì thế đổi tên là Tái Hưng. Chỉ trong mấy năm trời, số vốn anh kiếm được tới năm sáu trăm lạng. Nhân dịp về thăm nhà, ai ngờ đất vẫn còn đó, mà người đổi khác, hỏi kĩ ra mới biết gia đình tan nát, hết sức thảm thê. Thế rồi anh lại trở về nhà họ Thường buôn bán, thường lui tới Vinh Dương và huyện Vạn. Một hôm anh tới huyện Vạn cất hàng, ăn tại cửa hàng quan huyện đã cho thông báo. Ai ai cũng khen Vũ Hoa là người tiết hạnh, hiền thục. Hỏi kĩ sự tình, người ta nói:
- Đây là một cô gái có tài, lấy một người chồng bạc tình, bỏ vợ ở nhà đi biền biệt tới mười năm mới về, rồi lại làm cho cô chịu biết bao đau khổ, thế mà cô vẫn tuẫn tiết, trên đời thật hiếm có người như thế.
Mọi người khuyên anh lấy cô, Tái Hưng nói:
- Tốt thì tốt rồi, nhưng là cưới lần thứ hai, tuổi lại nhiều.
- Lấy vợ cốt người hiền thục, - mọi người nói, - kể chi đến tuổi tác, hay tái giá. Nếu lấy người trẻ mà hư, không chịu làm gì e rằng chỉ mang vạ vào thân, làm gì bằng một người đàn bà giỏi giang, lại có chí như thế. Hơn nữa lấy nhau trước mặt quan, thì còn quý hơn là lấy vợ trẻ rất nhiều. Tái Hưng thấy có lí bèn đệ đơn xin cưới làm vợ.
Sau khi lạy tạ quan, Vũ Hoa bảo chồng về nhà cúng chồng cũ. Thiết lập đàn tràng ba ngày, cùng với chồng mới cúng xong, Vũ Hoa nói:
- Chồng trước mang về hơn bốn trăm lạng bạc, em sợ chú hãm hại, nên giấu ở góc nhà.
Họ đào lên, Tái Hưng thấy tám gói, lẻ hai nén, trong đó còn có bản khế ước, có ghi tên Mễ Như Châu, là cha anh, và người được giữ khế ước là Mễ Vinh Hưng anh anh. Tái Hưng thấy rất kì lạ nói:
- Phải chăng người gian dâm với chị dâu rồi hãm hại anh tôi lại là chồng trước của nàng sao? Nếu không thì tại sao bản khế ước này lại rơi vào tay chồng trước của nàng?
Vũ Hoa nói:
- Anh ấy buôn ở Hồ Quảng, đắm thuyền mất hết cả vốn liếng, lưu lạc tới Trường Sa, bán sức rồi đến Quế Dương buôn bán. Xem ra không phải anh ta thì còn ai nữa? Vì anh ấy gây ra việc như thế, nên mới bị quả báo, bị hại đến nỗi vợ mình phải đi lấy người khác. Đúng là "hại vợ người, thì vợ mình phải trả nợ đời".
- Em nói rất đúng. - Tái Hưng nói.
Quả là trời có mắt, thế rồi họ thu xếp chuyển về nhà họ Thường. Bái lạy ông Thường, rồi thanh toán với ông hết các khoản.
Lúc ấy Tái Hưng đã có hơn một ngàn lạng bạc, lập tức tới Quế Dương mua một cửa hàng. Vợ chồng sống với nhau rất hòa thuận, cố gắng xây dựng nghiệp nhà, chuộc lại hết sản nghiệp của cha và anh xưa kia. Buôn bán phát đạt, về sau giàu có nhất vùng. Vũ Hoa sinh được ba con, một người đi theo con đường văn chương, một người học võ nghiệp, con cả đỗ tiến sĩ.
Các bạn thân mến, người ta sống trên đời, không được dâm loạn, anh em ruột không được tàn hại nhau. Người xưa nói: “Anh em như chân với tay, vợ như quần áo. Quần áo rách có thể vá được Chân tay gãy không thể nối lại được". Mễ Vinh Hưng yêu vợ, quên người ruột thịt, mưu hại em, cuối cùng bị dâm phụ đầu độc chết, khuynh gia bại sản, tính mạng không giữ nổi. Khố thị hại em giết chồng, dâm dục, bại hoại thanh danh, cuối cùng bị ác báo, chết nơi vực sâu. Bối Thành Kim bỏ vợ đi xa, đắm thuyền mất của, không biết sửa chữa lỗi lầm, được người dìu dắt, không biết đền ơn, ngược lại còn cướp vợ người lấy của cải, rồi ăn phải của độc mà chết. Bối Trác thị đoan chính, hiền thục, cần kiệm, kính yêu chồng, không mắc oan uổng, ai ai cũng khen ngợi là người hiền thục. Mễ Nhị Oa bị anh làm hại, bị chị đọa đày. Nếu không bỏ đi, thì sao gặp được ông Thường, rồi thành cự phú. Qua vụ án này ta thấy, ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, người giỏi ở chỗ khôn ngoan. Trời giỏi ở chỗ báo ứng, quả thật điều ấy chẳng sai.