Đỗ quyên đỏ

Phần 3 - A -

Bụi và hơi ẩm làm đầu óc tôi quánh bết lại. Tôi ngồi trên chiếc xe tải không mui bốn giờ rồi. Gió lạnh làm mát lòng tôi đang bùng cháy. Mưa mao-mao hòa lẫn với sương mù buông xuống làm ướt khăn quàng của tôi. Những tua khăn rủ xuống cằm tôi gợi nhớ những bím tóc ướt của Nghiêm. Những đồng lúa xanh rờn lướt qua mắt tôi. Đầu óc tôi không ngừng nhớ về Nghiêm. Tôi là một vỏ trai đã mất ngọc.

Tôi nuốt một ngụm khí lạnh. Chiếc khăn quàng đỏ của tôi bay mất. Tôi không kịp giữ lại. Chiếc xe tải vẫn phóng đi. Chiếc khăn mang theo nỗi buồn của tôi. Nó rơi xuống cạnh một đồng nước. Một con bò đang kéo cày không cách xa đấy mấy. Một bác nông dân già vung cao chiếc roi. Chiếc roi nghe đánh vút một cái trên đầu con bò.

Tôi gọi cho mẹ tôi đang làm việc bằng điện thoại công cộng. Tôi bảo tôi đang ở Thượng Hải. Mẹ tôi lặng đi. Mẹ quá xúc động. Bà đón tôi ở bến xe bus. Bà lao về phía tôi, hầu như ngã xuống. Khi đã lấy được thăng bằng, bà nhìn tôi từ đầu xuống chân. Mẹ cầm hai tay tôi trong hai tay mẹ và bảo tôi lớn quá rồi. Qua cửa sổ bến xe, mùa xuân đang nở hoa. Mẹ bảo những chiếc lá xanh mơn mởn luôn mang cho mẹ niềm hi vọng. Cầm bàn tay tôi mẹ nhìn vào những chiếc móng tay gỉ sét và mẹ cố cạo màu nâu đi. Tôi bảo mẹ:

- Mẹ đừng lo.

Mẹ buông tay tôi rồi bảo:

- Con lên cân được một chút rồi đấy.

Tôi bảo tôi nặng gần sáu mươi tám kilogram, còn mặt mẹ bây giờ quắt lại như một hạt đậu. Mẹ cười. Mẹ sung sướng lắm. Tôi bảo:

- Con giống một nông dân thực thụ chưa?

- Giống, giống lắm.

Chúng tôi chuyển sang một xe bus khác về thẳng nhà. Mẹ bảo tôi Hoa được phân công đến một trường vẽ thiết kế để học vẽ tranh quảng cáo. Mẹ bảo nếu không xảy ra chuyện gì xấu nó sẽ được phân công về làm công nhân một xí nghiệp. Chúng ta mong nó sẽ là người may mắn nhất trong gia đình. Tôi hỏi về Chính Vũ. Mẹ bảo bây giờ nó đã trở thành một chàng trai rồi. Nó giỏi toán, nhưng cái đó vẫn chẳng hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Nó sẽ bị hoặc về làm nông dân, hoặc may hơn, làm công nhân xí nghiệp vùng ngoại vi thành phố. Tôi hỏi mẹ nếu những thanh niên này không theo chính sách thì điều gì sẽ xảy ra. Mẹ cho biết không ai trong số đó ra gì. Họ bị hàng xóm lăng nhục. Gia đình họ ngày nào cũng bị làm phiền, cho đến khi chàng trai đó được chỉ định về miền quê mới thôi.

- Con là đứa con ngoan. Con đã đi khi được yêu cầu phải đi. Con đã xử sự như một chị gái lớn. Con chưa hề gây ra điều gì phiền hà từ buổi con mới sinh ra.

Tôi nói với mẹ tôi chẳng thích thú gì khi phải làm một người chị lớn.

Lúc tôi ra mắt hàng xóm, họ hành động một cách lạ lùng. Họ chăm chăm nhìn tôi như thể chưa bao giờ thấy tôi. Cô ta sắp trở thành diễn viên điện ảnh đấy, ông thợ may già, chị Tiểu Quan, và bà Đồng Chao ở dưới nhà xì xào bàn tán sau lưng tôi. Tôi nghe họ nói: thật ra cô ta chẳng có vẻ xinh đẹp chút nào. Những người lân cận đến thăm tôi, hết toán này đến toán khác. Câu hỏi mà họ hay hỏi tôi nhất là bây giờ tôi đã có hộ khẩu thành phố chưa. Cha tôi phải giải thích chưa phải như vậy, tôi mới chỉ được chọn và còn phải qua nhiều cuộc trắc nghiệm nữa.

Chúng tôi ăn tối. Từ lâu tôi chưa được ăn một bữa ăn như thế này. Chúng tôi có món thịt lợn chua ngọt, rau xanh và đậu phụ. Hoa xin trường nội trú cho về ăn cơm tối với tôi. Tôi chẳng nói được gì nhiều, các em gái, em trai tôi cũng vậy, chúng lo lắng cho tương lai của chúng, ít nhất là San Hô. Nếu tôi được có hộ khẩu thường trú ở thành phố, San Hô sẽ mất đi cơ may trở thành công nhân, nó sẽ bị đưa về nông trường, bởi gia đình tôi cần có một nông dân theo đúng chính sách.

Mẹ nói về các món ăn. Bà cố làm cho giờ phút này trang trọng. Bà không bao giờ biểu lộ sự thất vọng. Bố tôi tự hào vì tôi được chọn, nhưng ông không lạc quan về việc cất cánh trong nghề điện ảnh của tôi. Ông bảo tôi: trèo cao ngã đau. Lũ trẻ con hàng xóm gọi tên tôi qua cửa sổ, suốt bữa tối. Tất cả đều muốn nhìn ngôi sao điện ảnh một cái. Nhưng tôi không thể nào quên Nghiêm. Khuôn mặt chị hiện lên trước mắt tôi suốt đêm.

Xưởng phim là một tòa lâu đài chăng đầy khẩu hiệu, xung quanh um tùm những cây ngô đồng lá đỏ. Là như những bàn tay nối vào nhau. Chúng che hết tầm nhìn của tôi. Cành lá đu đưa vào cả những cửa sổ của tòa nhà. Tường của xưởng phim đều quét vôi trắng, kẻ những khẩu hiệu bằng sơn đỏ: "Đường lối cách mạng của Mao Chủ tịch muôn năm!", "Chào mừng người cầm cờ vĩ đại của chúng ta, đồng chí Giang Thanh!".

Tôi xuất trình công văn có dấu cho người bảo vệ xưởng phim. Ông ta bảo tôi đợi rồi đi vào trong. Vài phút sau, một người đàn ông và một phụ nữ xuất hiện ở hành lang. Họ ôm chầm lấy tôi nhiệt tình. Người đàn ông tự giới thiệu là Thanh Vũ, giám đốc xưởng phim, còn người phụ nữ là Xô Viết Hồng, trợ lý của ông ta. Họ xách hành lý hộ tôi và yêu cầu tôi vào trường quay. Chúng tôi đi qua một loạt cổng. Mặt trời sáng chói xuyên qua đám lá ngô đồng. Lá ngô đồng trải trên nền sân sạch bóng những vệt màu hồng. Những công nhân đi lại dưới bóng cây ngô đồng như được phủ lên một thứ ánh sáng mờ màu đỏ. Họ khúm núm chào chúng tôi.

Thanh Vũ có chiếc đầu hói và hai má chảy xệ hai bên. Xô Viết Hồng có khuôn mặt đẹp theo lối xưa, đôi mắt xếch, mũi dài, miệng hình quả anh đào và làn da cực mịn. Bà ta trạc tuổi bốn mươi. Bà ta đi đứng uyển chuyển, tao nhã, rất hấp dẫn tôi. Bà nói tiếng Quan Thoại hoàn hảo, giọng mượt như lụa. Thanh Vũ bảo Xô Viết Hồng tốt nghiệp trường diễn viên điện ảnh Thượng Hải những năm 50, và là một nghệ sĩ cực kì tài năng. Thanh Vũ bảo tôi sẽ lấy làm tự hào vì vì Xô Viết Hồng sẽ là một trong bốn giảng viên của tôi. Tôi hỏi làm sao tôi phải có nhiều giảng viên đến thế. Thanh Vũ bảo đó là lệnh của Mao phu nhân, đồng chí Giang Thanh. Xô Viết Hồng nói bà rất sung sướng được phân công trách nhiệm dạy tôi. Tôi hỏi tôi sẽ được học những gì. Bà nói tôi sẽ dự những lớp có chương trình cô đọng về chính trị và diễn xuất. Tôi hỏi bà có diễn một phần nào đó với chúng tôi không. Bà im lặng, đôi môi mím lại, đầu cúi xuống. Một mảng tóc rơi xuống mặt bà. Bước chân bà chậm lại:

- Điều cách mạng cần là điều tôi cần. - Bà đáp khô khan.

Nỗi phẫn uất bắn ra qua kẽ răng bà. Trông bà rõ ràng đang bất hạnh. Hất mái tóc ra sau, bà bước nhanh đuổi kịp Thanh Vũ. Eo lưng duyên dáng của bà nghiêng nhẹ về bên phải. Bà giả bộ như đang hạnh phúc. Bà hẳn phải dẻo dai như một cây tre, ngả cong được về mọi hướng, trước mọi ngọn gió. Tôi bước thận trọng, ngắm nhìn bước chân của chính tôi.

Xô Viết Hồng đi sau Thanh Vũ chừng nửa bước chân, không lúc nào vượt lên trên hoặc lùi lại sau tới một bước. Cả hai đều mặc áo đại cán kiểu Mao và cài chặt khuy cổ. Họ gật đầu chào, Thanh Vũ trước, rồi Xô Viết Hồng với những người công nhân đi qua. Họ mỉm cười hết cỡ với họ. Nụ cười làm tôi khó chịu, mặc dù đây là nụ cười đang được ngưỡng mộ nhất đất nước này. Đó là nụ cười của ông Mao khi nêu khẩu hiệu: "Mỗi người phải đối xử với đồng chí của mình bằng hơi ấm mùa xuân". Lu ở nông trường Lửa Đỏ là một chuyên gia về lối nói này.

Cuối cùng chúng tôi đến một khu trường quay hoang vắng. Nó rộng cỡ bằng một sân vận động, cỏ mọc ngập chân. Chúng tôi rẽ quặt, một ngôi nhà nhỏ đơn độc đã hiện ra trước mắt tôi. Đó là một ngôi nhà cũ, một bệ ximăng trên sân đất.

Những cây dại bò leo trên chiếc bể. Xô Viết Hồng bảo:

- Đây là nơi các cô ở.

Thanh Vũ giải thích:

- Đây vốn là một xường quay phim cũ. Sau nhà có thêm những khu sinh hoạt. Nó vốn được xây để làm khu tàu ngựa cho các diễn viên. Chúng tôi đã cải tạo được khu sinh hoạt cho đám con trai được tuyển. Hai mươi nhăm người các đồng chí được chỉ định sống và làm việc ở khu vực này. Các đồng chí sẽ bị canh giữ. Không ai trong gia đình được tới thăm trừ buổi sáng chủ nhật thứ nhì trong tháng. Ai vi phạm quy chế sẽ bị loại bỏ. Chúng tôi muốn không có một ảnh hưởng bên ngoài nào.

- Tuyệt đối không - Xô Viết Hồng hưởng ứng theo.

Tôi liền nghĩ tới Nghiêm.

- Thư từ thì thế nào ạ? - Tôi hỏi.

- Sao phải vội vàng viết thư đến thế?

Xô Viết Hồng thình lình quay lại phía tôi, giọng đầy nghi ngờ. Đôi lông mày của bà nhíu lại. Tôi phản ứng nhanh trước dấu hiệu nguy hiểm đó. Tôi bảo:

- Ồ không có gì đâu ạ, em chỉ hỏi vậy thôi.

Bà không tin tôi, tôi cho rằng bà đang tiếp tục những suy nghĩ của riêng mình.

- Cô có những quầng đen trên mắt, chứng tỏ cô không ngủ được. Cô có vấn đề gì vậy? Chúng tôi hy vọng lời hứa với Đảng của cô không phải lời hứa hão.

Bà quay lại phía Thanh Vũ bảo:

- Chúng ta cần những biện pháp phòng ngừa những tai họa có thể xảy ra.

Tôi ức lắm những tôi không được phép biểu lộ tình cảm của mình. Tôi cố nghĩ thật nhanh để ứng phó. Tôi nói, giọng cố tỏ ra thành thực:

- Không có gì khẩn thiết hơn nhiệm vụ em đã được trao cho. Có thể là thói quen nghiên cứu Mao tuyển quá khuya khiến mắt em bị đen.

Bà nói:

- Sao cô không cho chúng tôi biết tên người cô muốn viết thư, để tôi có thể kiểm tra chắc chắn việc giữ mối quan hệ đó là một việc tốt.

Mặc dầu không thấy được động cơ của bà, những tôi cảm thấy món quà của Xô Viết Hồng là không thành thật.

- Em không có ai để thư từ, thực vậy.

Tôi hạ bớt giọng nói của tôi để lý lẽ của mình không mang một chút căng thẳng nào. Xô Viết Hồng chòng chọc nhìn tôi, mắt tận mắt. Mắt chúng tôi chọi nhau. Thanh Vũ nhìn đồng hồ bảo Xô Viết Hồng:

- Chúng ta đừng lo.

Ông nói thầm vào tai bà. Tôi nghe thấy một câu: Một cái trứng do loài virút tự do, ông nói với bà như vậy.

Đẩy cửa ngôi nhà nhỏ ra, Thanh Vũ và Xô Viết Hồng gọi:

- Ra đây các cô gái, ra gặp mặt đồng chí mới.

Bốn phụ nữ trẻ, bước ra người nọ sau người kia, như những bông hoa tuyết nhảy múa trong không trung.

Tôi chớp mắt và kinh ngạc trước sắc đẹp của họ. họ giống nhau khủng khiếp như chị em. Tôi nói xin chào. Thanh Vũ và Xô Viết Hồng ngăn tôi lại và bảo phải nói tiếng Quan Thoại. Không một tiếng địa phương nào. Tôi tự giới thiệu bằng thứ tiếng Quan Thoại ấp úng:

- Tôi ở nông trường Lửa Đỏ tới.

Những phụ nữ trẻ nói tên mình một cách bẽn lẽn. Người đầu tiên trong họ bảo mình là Hỏa Lâm. Cô là công nhân nhà máy cán thép và là con gái của một gia đình ba đời công nhân. Đầu cô hình quả trứng. Nét nổi bật của cô là cái mũi. Miệng cô nhỏ xíu. Quá nhỏ đến mức trông như lỗ hậu môn con gà mái Râu xồm của tôi. Đôi mắt to, hai mí xếch ngược của cô trông thật dễ chịu, dẫu nó quá nhích lại sát nhau khiến tôi nhớ tới đôi mắt của một con cáo. Cô mặc một chiếc áo sơ mi đỏ rực. Hai bím tóc kiểu đuôi ngựa ngoe nguẩy trên lưng cô. Tên cô thế nào, nhiệt tình của cô như vậy.

Người thứ hai tự giới thiệu là Xung Kích. Mắt nhìn của cô có một sức mạnh thâu tóm. Người nào hẳn cũng phải khuất phục trước sắc đẹp của cô dù không muốn. Cô đứng đó và cứ sáng lóa lên. Cô trạc tuổi tôi. Giọng trầm, mắt lạnh như gửi ra thông điệp cô biết cô muốn gì. Cô tự tin. Tóc cô trải hất lên như bờm cừu và thắt lưng bằng thun nâu. Cô có đôi mày rậm. Cô nói với tôi những không hề nhìn tôi. Tôi không hiểu sao cô lại không nhìn tôi. Tiếng Quan Thoại của cô còn hơn cả chuẩn. Cô phát âm rành rọt từng vần yên trí âm "rờ rờ" như tình cờ nghe thấy trong một câu nói. Cô đọc "di-phảng"(chỗ ngồi) là "di-ờ-rờ". Cô bảo cô là nhà báo từ tờ Bắc Kinh nhật báo. Cô bảo cô xuất thân từ nhân dân. Cuối cùng cô quay lại nhóm của tôi. Cô nhìn tôi những tỏ ra không thích thú. Đó là cặp mắt thù địch. Một vẻ không thân tình đằng sau vẻ mặt bạn bè. Tôi cảm thấy cô muốn lật tôi quay đi hướng khác. Cô bảo:

- Tôi vốn là một kị sĩ, tôi đã quần nhau với những con ngựa cứng cổ nhất. Tôi làm việc ba năm ở Nội Mông nuôi ngựa để dùng cho quân đội. Tôi có thể nhào lộn trên lưng ngựa. Tôi chơi phong cầm.

Cô chạy lại lấy chiếc đàn phong cầm trong túi bọc, dạo một chuỗi nhạc và hát:

Phi ngựa về phía mặt trời, tôi hát và vung cao roi

Tôi nuôi ngựa để ủng hộ cách mạng toàn thế giới

Không hoảng sợ, tôi phi ngựa

Về phía mặt trời mọc,

Về phía Mao Chủ tịch đang sinh sống.

Cô dừng lại, ngẩng đầu nhìn tôi. Cô nói thật khó mỉêu tả bản thân mình. Cô nở một nụ cười huyền diệu với Xô Viết Hồng và yêu cầu bà giúp cô diễn tả thành lời. Cô bảo Xô Viết Hồng:

- Cô là người duy nhất hiểu em hơn cả.

Xô Viết Hồng có vẻ thích thú. Bà nói:

- Xung Kích là một thanh niên giản dị, mọi người cần phải học tập. Học tập nhiệt tình, học tập tư tưởng lành mạnh, học tập lòng trung thực của cô.

Tôi bảo:

- Chắc chắn rồi - và đi tới chỗ người thứ ba trong hàng. Cô nhỏ nhắn và mặc một chiếc áo vải sợi bông màu vàng. Cô tự giới thiệu là Tiểu Chung (Chuông nhỏ). Cô bảo cha cô đi bộ đội, trước giải phóng là một kẻ mồ côi. Ông bị bán cho nhà tắm công cộng làm việc xoa bóp chân tay cho người giàu có.

Tôi lớn lên trong kỷ niệm khốn khổ của ông trong quá khứ - Cô nói tiếp - Tôi không nghĩ tôi đẹp. Tôi thực sự không đẹp. Vẻ đẹp bề ngoài không làm cho người ta đẹp.

Cô bẽn lẽn mỉm cười về phía Thanh Vũ đang chăm chú nhìn cô. Cô bảo:

- Xin thứ lỗi cho tinh thần nhút nhát của tôi.

Tiểu Chung cúi đầu và lấy ngón tay vuốt tóc mình xuống.

- Diễn đạt rất cừ, Tiểu Chung - Thanh Vũ nói bằng một giọng trầm, nghe âm âm như phát ra từ một cái chum - Vẻ ưa nhìn không làm cho người ta đẹp được. Vấn đề là nhìn như thế nào, là cách nhìn của cô phục vụ cho mục đích vô sản như thế nào. Điều đó đã được đồng chí Giám sát ủy viên của chúng ta ở Bắc Kinh nói rõ.

Tôi hỏi ai là Giám sát ủy viên. Thanh Vũ nói đấy là người duy nhất chịu trách nhiệm với đồng chí Giang Thanh. Một thiên tài lớn về nghệ thuật.

Thanh Vũ nói ra từ "Giám sát ủy viên", nét mặt mọi người bất chợt mang vẻ kính trọng sâu sắc. Tôi cảm thấy ngay tầm quan trọng của con người này. Khi một ai đó trong đất nước này được gọi bằng danh hiệu thay vì bằng tên họ, con người đó vượt ngoài tâm quan trọng chung chung. Ví dụ: Ông Mao, gọi bằng Chủ tịch, ông Chu, gọi bằng Thủ tướng. Việc lược bỏ phần tên cuối để phô bày quyền lực của nhân vật.

Người phụ nữ thứ tư nói: Tên cô là Ong Ohyang. Tôi không thấy nét đe dọa nào trên mặt cô. Đó là một bộ mặt ngây thơ, một bộ mắt thiếu trí thức, một bộ mặt thuần khiết. Cô bảo cô mong được giống như tên cô. Ý cô muốn nói một con ong phải có chiếc nọc nhọn, những cô không có. Tôi thiếu tinh thần chiến đấu. Tôi mong học tập để uốn nắn tinh thần mình. Cô bảo cô vốn từ một làng quê ở miền Nam, cả làng đều có cái tên đêm Ohyang. Làng cô nghèo, làng cô không sản xuất được gì ngoài trẻ con.

- Tôi là niềm vinh dự của làng tôi. Nhưng tôi nói tôi thuộc về Đảng, cả tâm hồn, đầu óc, trái tim.

Cô nói nước mắt trào lên, cô xúc động bởi những lời nói của mình. Ong có vẻ đẹp của một người có nước da ngăm đen. Cô có cái nhìn như trong điêu khắc, cái miệng đầy đặn và khuôn mặt hình hạt dưa, bộ tóc óng mượt cắt ngắn tận dái tai. Giọng miền Nam nặng của cô làm cho tiếng Quan Thoại nghe rất khó hiểu.

Căn phòng ngập ánh mặt trời. Ngửi thấy mùi gỗ mốc. Có năm chiếc giường đều đã mắc màn. Đầu óc tôi lại nghĩ tới Nghiêm và chiếc màn của chúng tôi.

- Ở đây tốt quá - tôi nói - Giá như tôi có thể đến sớm hơn để quét dọn.

Xô Viết Hồng nói:

- Thế là tốt, cô còn khối dịp để làm bù. Ha, ha, ha.

Mọi người trong phòng cùng hoan hô.

Thanh Vũ bảo:

- Từ mai trở đi, cô sẽ phải học mọi điều từ đầu, bao gồm đi đứng, trò chuyện, ăn uống, cử chỉ, nét mặt…bởi vì - Ông ngừng một lúc lâu - bởi vì chỉ có một người trong các cô cuối cũng sẽ được chọn cho màn ảnh mới của Trung Quốc. Đây là cuộc thi cuối cùng cô phải vượt qua. Cô sẽ có một năm học diễn xuất sao cho tốt nhất. Đồng chí Giám sát ủy viên sau đó sẽ đưa ra quyết định của mình.

Chúng tôi được đưa tới một bệnh viện để kiểm tra y tế. Các bác sĩ tiến hành một cách bí mật. Tôi được đưa vào một phòng và tôi cởi quần áo. Bộ phận dưới cơ thể được ba nữ bác sĩ kiểm tra. Một bác sĩ to béo đeo găng cao su và thận trọng kiểm tra bộ phận kín của tôi. Vài phút sau, người bác sĩ to béo tháo găng ra và ghi một cái gì đó vào sổ tay. Hai người đàn bà kia buông ra và cho phép tôi rời khỏi giường. họ loẹt quẹt đi ra không nói một lời. Khi tôi được đưa ra khỏi phòng, tôi thấy Tiểu Chung đang khóc. Tôi định chạy đến với cô những Hỏa Lâm bấm vào lưng tôi ra hiệu. Hỏa Lâm nói với tôi họ đang nghi ngờ liệu cô ấy còn trinh hay không.

Cả buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đọc những bài nói của ông Mao về nghệ thuật. Tôi chán ngắt, những phải vờ hứng thú. Chúng tôi ngồi thành vòng tròn. Đọc rồi lại đọc. Bữa tối, tôi gọi hai bát mì. Xô Viết Hồng chỉ cho tôi cách cầm đũa thế nào cho đúng. Sau bữa tối là thảo luận tại phòng. Các cô gái nói về tầm quan trọng những tác phẩm của ông Mao như người dẫn đường cho chúng ta hướng về tương lai. Tiểu Chung lại hớn hở. Cô được coi như còn trinh sau những báo cáo kiểm tra ngặt nghèo. Thanh Vũ và Xô Viết Hồng ngồi ngáp dài nhưng vẫn không chịu rời phòng cho tới lúc dế gáy vang ngoài sân mới đi. Cửa đóng sập đằng sau họ. Mùi ẩm mốc càng hăng hơn.

Chúng tôi tắm rửa ở cạnh bể nước và đổ nước lên cỏ. Một con dế bò theo tôi khi tôi trở về phòng. Xung Kích ra tắt đèn. Con dế bắt đầu gáy rộn lên trong phòng. Xung Kích vùng dậy, cầm đèn pin lùng nó. Tôi nghe tiếng chân cô dập năm lần. Cô bắt nó im miệng. Căn phòng lặng đi như chết. Trong bóng tối, tôi nhận ra tôi lọt vào một cái chuồng sư tử. Bóng tối làm tiếng gầm câm họng. Sự lạnh lẽo của tư tưởng làm tôi đông cứng lại. Tôi như nghe tiếng gãy xương sống trong giấc mơ của mình. Tôi biết tôi phải thành công thì mới có khả năng giúp Nghiêm cách này hay cách khác trong tương lai. Với ý nghĩ ấy, tôi chìm vào giấc ngủ.

Tôi thức giấc bởi tiếng ai đó đang luyện giọng phía ngoài cửa sổ. Lúc đó đã sáu giờ sáng. Tôi vùng dậy bước ra ngoài. Cỏ đuôi chó đung đưa dưới ánh bình minh. Với một bàn tay sau tai, Hỏa Lâm đang đẩy cao giọng mình lên đến vỡ ra. Chúng tôi chào nhau lời chào buổi sáng, và tôi nghe tiếng giọng cô vỡ ra. Hỏa Lâm bảo tôi cô thất vọng vì giọng của cô. Cô yêu cầu tôi thử giọng cho cô nghe. Tôi bảo:

- Chúng mình đâu có được đào tạo để hát opera, phải không nào?

Hỏa Lâm trượt chân xuống một khe nứt. Mặt cô nhăn lại vì đâu đớn va không trả lời tôi. Cô nói:

- Cậu có biết đồng chí Giang Thanh không?

Tôi nhìn cô. Tôi nhìn vào bộ mặt kiêu hãnh kia. Tôi biết câu hỏi đó không cần trả lời. Hỏa Lâm lắc mình bên phải, bên trái, rồi ngả người về phía tôi bảo:

- Mình biết đôi chút về đồng chí ấy. Bà thích xem phim của phương tây, nhất là phim của Hollywood Mỹ.

Tôi hỏi:

- Phim Hollywood là cái gì?

Hỏa Lâm nở một nụ cười bí mật với tôi rồi lại tiếp tục tập luyện.

Tôi ngả đầu về phía sau duỗi hai cánh tay về phía tường. Tôi ngạc nhiên thấy ba bộ mặt phía sau. Những người bạn cùng phòng này - Xung Kích, Tiểu Chung và Ong - đã chú ý lắng nghe cuộc trò chuyện ban nãy. Tôi mỉm cười thân thiện với họ. họ tản ra và bắt đầu duỗi chân, vươn tay.

Một người bảo vệ quét lá ở lối cổng ra vào bằng chiếc chổi tre và bước tới căn nhà nhỏ của chúng tôi. Ông ta tuổi trung niên, có chòm râu đen. Tên ông ta là Nhất Thốn (một tấc). Ông ta bảo:

- Ông Thanh Vũ phái tôi đến bảo với các cô chuẩn bị sẵn sàng. Các cô sắp bị giám sát ủy viên kiểm tra.

Chúng tôi ăn mặc tươm tất để gây ấn tượng tốt ban đầu. Hỏa Lâm đánh một chiếc sơ mi đỏ khác và chiếc quần màu nước biển hải quân. Xung Kích moi ra bộ quần áo in những mẫu hình vuông. Ong lấy ra hai chiếc áo sơ mi màu trắng, mà thử xem mặc áo nào. Tôi quyết định mặc bộ quân phục cũ mà Nghiêm cho tôi.

Chúng tôi ngồi trên giường, tất cả đều ăn mặc chỉnh tề, chờ đợi trong phòng. Nhiệt độ trong phòng tăng lên theo mặt trời lên cao. Tôi thấy một đống bầy nhầy ở góc dưới gậm giường Xung Kích. Đó là thân con dế đã theo tôi vào phòng đêm trước. Nó nằm bất động trên nền đất.

Xung Kích đứng ngay lối cửa ra vào, ở đấy có treo một chiếc gương nhỏ. Cô ta soi mình trong gương và nghịch những cặp tóc của mình. Cô uốn những cặp tóc lên, mặt cô biểu hiện tham vọng. Cô lấy nhúm bông nặn một cái mụn dưới mũi, nặn đi nặn lại, tạo mọi vẻ khác nhau.

Quan sát Xung Kích, tôi chợt cảm thấy hụt hẫng. Sắc đẹp của cô làm tôi nản chí. Tôi cố quên đi nỗi sợ của tôi.

Tôi vơ chiếc bút và nguyệch ngoạc trên một mảnh giấy: Nghiêm thân yêu. Tôi viết rồi gạch đi: Nghiêm thân yêu. Tôi lại viết rồi lại gạch. Tôi lại viết: Tuyển tập Mao Trạch Đông. Phê phán chủ nghĩa xét lại, Nghiêm chị có khỏe không? Tôi xé mảnh giấy. Giám sát ủy viên không đến.

Đêm đó tôi lại có một cơn ác mộng. Nghiêm trở thành một bóng người không mặt đi lang thang trên khắp các cánh đồng cảu nông trường. Tiếp theo đó là một đêm mất ngủ. Sáng sớm trời mưa. Tiếng mưa rơi đem tôi trở về nông trường Lửa Đỏ trong chiếc màn của Nghiêm.