Đỗ quyên đỏ

- F -

Tôi thấy buồn cho Nghiêm vì chị qua si tình. Đêm nào tôi cũng lắng nghe tiếng chị thì thầm và an ủi chị bằng cách dựng lên những câu chuyện về những điều thần diệu trong tình yêu. Tôi nhường hết phiếu đường của tôi cho chị vì chị là một tay nghiện đường. Chị ăn bánh ngô ngon lành chỉ bởi vì nó ngọt. Để tiếp tục ngủ chung với chị, tôi tiếp tục kiếm cớ thời tiết quá lạnh. Tôi bảo chị đừng giặt màn vì màn bẩn khó nhìn vào trong. Khi đèn sáng, chúng tôi thấy rõ mọi vật trong phòng những không ai nhìn được chúng tôi.

Mặc dầu có nỗi buồn khổ trong tình yêu, trước mặt hàng ngũ quân lính, chị vẫn cứng cỏi như một tảng đá. Chị đem đại đội thi đua lao động với người hàng xóm của chúng tôi là nông trường Sao Đỏ. Chúng tôi đào một con mương. Công việc hoàn thành, Nghiêm được hàng ngàn người hoan nghênh. Đến đêm chị mềm rũ hơn chiếc bánh ướt. Tôi vui sướng khi chị đỏ mặt đọc những bức thư tôi viết. Tôi yêu cầu chị hãy tự hình dung mình là người đang yêu, nài chị nói cho tôi tỉ mỉ để tôi dùng viết lần sau. Chị cười gằn bảo:

- Em có biết nông dân địa phương mua hồng mòng thế nào không? Họ nắn xem quả nào mềm nhất, đó cũng là điều em đang làm với chị.

Tôi bảo tôi phải biết rõ các tình tiết, nếu không làm sao tôi có thể miêu tả được. Chị nói trí tưởng tượng của em để đâu. Tôi đáp người ta không thể tưởng tượng được bất cứ cái gì mà người ta không có cảm giác về cái ấy. Chị ấn ngón tay trỏ vào môi tôi bảo tôi im đi. Rồi chị thì thào bảo:

- Chị có cảm giác những không nói được thành lời.

Chị nắm lấy bàn tay tôi áp vào ngực chị. Chị yêu cầu tôi cảm nhận trái tim chị.

Tôi ước sao tôi là máu trong buồng tim này. Trong tiếng đập của trái tim chị, ngực chị nhô lên hạ xuống, tôi thấy cả một thành phố hỗn mang. Một sức mạnh huyền bí kéo tôi về phía chị. Tôi cảm thấy một ngọn lửa hồng chói lọi trỗi dậy trong tôi.

Nghiêm đang mặc chiếc áo sơ mi mỏng, và một chiếc nịt ngực bên trong. Chiếc áo màu rễ cây, chiếc nịt ngực trắng toát. Chiếc quần lót đỏ tươi như đổ dầu vào lửa. Lúc chị uể oải ưỡn thẳng người, trái tim tôi lồng lên như điên dại.

Chị nhắm mắt kéo hai tay tôi áp hai má chị. Từ từ mở mắt chăm chú nhìn tôi. Đôi môi hé mở. Tôi không chịu được nữa, không chịu được cách chị nhìn tôi, như giọt nước lọt vào khe đá. Đam mê tràn trề trong đôi mắt chị.

Tôi cố nhìn đi chỗ khác. Tôi chăm chú nhìn lên đỉnh màn. Tôi nghe tiếng Lu ho. Lu đang ngồi vào bàn cách đó chừng một mét, tập trung nghiên cứu Mao. Lu lật trang.

Trong chăn, hai tay Nghiêm quàng cổ tôi. Chị ôm chặt tôi thêm nữa, ngực chị áp vào vai tôi. Chị lật tôi quay về phía chị. Chị gỡ bím tóc ra, đưa một tay tôi gỡ nốt bím kia. Tôi vuốt mớ tóc xõa rời của chị bằng ngón tay tôi.

Tôi nghe tiếng Lu đánh răng. Lu khạc nhổ, rồi tắt đèn. Tôi đợi cho Lu ngáy. Nghiêm thì thào vào tai tôi, đọc mấy câu tôi viết trong thư. Chị là chiếc mầm mạ trong mùa hè khô cạn.

Tôi tiếp tục ném thư cho Báo hai tuần một lần. Anh nói: Cám ơn đã gửi thư và không có gì thêm nữa. Tôi trở về với Nghiêm hai bàn tay trắng. Một đêm tôi đang viết một bức thư khác, Nghiêm nằm bên tôi nước mắt đầm đìa. Chị nói chị biết hết những gì tôi kể cho chị nghe về Báo đều là bịa đặt. Chị bảo:

- Hai bàn tay em quá nhỏ không thể che lấp được mặt trời. Em biến chị thành con ngố.

Chị nhấn mạnh một cách bình tĩnh:

- Một con ngố đáng thương.

Tôi xé tan bức thư nhận tội. Tôi nói:

- Em phải làm thế vì em không biết làm gì khác, em xin lỗi bởi vì em đã cố bày đặt ra mọi chuyện.

Chị bảo:

- Em không có lỗi đâu.

Tôi bảo:

- Có thể anh ấy sợ, anh ấy cần nhiều thời gian hơn nữa.

Chị lắc đầu và mỉm cười buồn bã, chị bảo:

- Chị không được xinh đẹp đối với anh ấy, không được thông minh và không được nữ tính nữa. Chị là một con ngốc rẻ tiền. Chị ngu si và tất cả là như thế.

- Chị lấy chiếc gương ra và quay gương về phía chị. Sau một lúc ngắm kĩ trong gương, chị bảo chị thấy một khuôn mặt già nua và dãi dầu nắng gió. Chị bảo chị đã hai mươi nhăm, chị chẳng có gì ngoài danh hiệu địa vị vô dụng. Đó là những gì chị đáng được bởi vì trồng cây nào, ăn quả nấy. Chị xứng đáng được thưởng huân chương. Tôi không chịu nổi nỗi buồn của chị. Nó ám ảnh tôi khi chị nói chị chẳng có gì ngoài danh hiệu của Đảng. Chị có tôi chứ. Tôi ôm lấy chị, bỏ chiếc gương ra khỏi mặt chị. Tôi không thể nói bất cứ điều gì. Tôi muốn nói: Chị rất, rất đẹp. em ngưỡng mộ mọi điều trong chị. Nếu em là đàn ông em sẽ chết vì tình yêu của chị.

Vào khoảng bốn giờ chiều tôi đã có thể cho trung đội của tôi giải tán. Chúng tôi đang chữa một cây cầu. Chủ trương của tôi là mỗi khi công việc hoàn tất, họ được phép nghỉ phần thời gian còn lại. Binh lính thích tôi. Trong nhiều trường hợp những người đã làm xong phần việc của mình, thường lưu lại để giúp đỡ người khác, để đáp ứng lời kêu gọi của tôi "Tiến lên theo tinh thần tập thể cộng sản chủ nghĩa". Lu yêu cầu tôi phải thay đổi, và tôi buộc phải chấp nhận, những khi Lu không kiểm tra tôi vẫn làm theo cách của tôi.

Khi công việc xong tôi dạo bước qua cầu. Dọc bờ mương có một biểu ngữ khổng lồ viết bằng sơn trên vải căng trên cọc tre mập: "Làm việc hăng say, coi thường cái chết". Chúng tôi đã tự minh khai sinh con mương này trong mùa đông đầu tiên tới đây, khoảng gần một năm nay. Tôi cảm thấy kiêu hãnh mỗi lần dạo bộ dọc bờ mương.

Nhưng vào cái ngày đặc biệt này, khi tôi đang qua cầu, chợt nghe có tiếng người chở đò và dân địa phương gọi tôi từ con đò. Ông ta bảo tôi đến mau lên, ông ta phát hiện ra cái xác một người chết đuối. Tôi chạy xuống thuyền. Một xác đàn bà. Người lái đò lật ngửa cái xác như lật một quả trứng trong cái xoong nhỏ. Trước mặt tôi là Tiểu Lục. Tôi lịm đi. Mặt cô trương lên, đầu cô căng phồng như một quả bí ngô, có những vết cứa ở chân và tay cô. Người lái đó nói:

- Hình như cô ấy lên cơn, cô thấy nhiều vết cứa chứ? Cô ấy đã vật lộn những bị vướng trong rong rêu.

Tôi đứng bất động.

Một người nào đó đã mang tin về cho Nghiêm. Chị từ trên cầu bổ xuống như một con ngựa điên, tóc lật hết về đằng sau, mặt chị xanh xám, bầm lên như bị đánh. Chị không chịu nghe người lái đò bảo chị, hà hơi thổi ngạt bây giờ là vô ích, chết mấy tiếng đồng hồ rồi còn gì? Nghiêm vẫn không thôi ấn ngực Tiểu Lục. Mồ hôi ròng ròng nhỏ từ tóc xuống, áo chị ướt đẫm, chị không chịu dừng cho đến khi hoàn toàn kiệt sức.

Ban chỉ huy nông trường tổ chức một lễ tưởng niệm đặc biệt Tiểu Lục. Cô được suy tôn như một đồng chí xuất sắc, và được truy tặng danh hiệu đoàn viên thanh niên cộng sản. Bà của Tiểu Lục tới tham dự lễ tưởng niệm. Bà đẹp như cháu gái của bà, vẻ mặt kiều diễm của một nghệ sĩ opera. Bà ôm chặt Tiểu Lục, không có giọt nước mắt nào trong mắt bà. Mặt bà nhợt nhạt hơn cả mặt người chết. Lu đại diện cho Đảng bộ nông trường trao cho bà một tấm séc năm trăm đồng coi như đồ phúng viếng. Bà của Tiểu Lục cầm tấm séc nhìn trừng trừng vào đấy.

Nghiêm đột ngột bỏ đi. Bữa tối không thấy chị về. Tôi tìm chị khắp nơi, cuối cùng thấy chị ngồi dưới chiếc cầu. Chiếc vò chị dùng để nhốt rắn bên cạnh chị. Vài hôm trước chị vui sướng bảo tôi, chị sắp bắt đủ số rắn - một trăm con rắn - và hi vọng Tiểu Lục sẽ hồi phục tinh thần một cách thần kỳ.

Tôi bước lại gần và thấy chị chặt đầu từng con rắn một. Máu rắn tím sẫm bắn đầy mặt và bộ quân phục của chị. Khi tất cả số rắn đã bị chặt đầu, chị nhấc chiếc vò lên và đập tan.

Tôi chạy tới ôm lấy chị, chị gục vào đầu gối tôi. Tôi ôm chị và chị bắt đầu gào khóc.

°

*

Sau cái chết của Tiểu Lục, Nghiêm không còn là người chỉ huy, bí thư Đảng như tôi biết nữa. Chị làm tôi cũng thay đổi theo chị. Chúng tôi thảo luận lý do tại sao chúng tôi mất đi vĩnh viễn cảnh "Tương lai chói lọi" mà đảng vạch ra. Chúng tôi tự hỏi tại sao mỗi ngày chúng tôi lại nghèo đi trong khi chúng tôi làm việc vô cùng gian khổ trên mảnh đất này. Lương tháng hai mươi tư đồng của chúng tôi hầu như không đủ cho thực phẩm, dầu đốt và giấy vệ sinh. Tôi không bao giờ đủ khả năng mua quần áo mới cho mình. Chúng tôi tiêu phí cả phần đời còn lại của mình như thế này ư? Thật hài hước và cay đắng. Nông trường Lửa Đỏ là hình mẫu của kinh tế tập thể cộng sản xã hội chủ nghĩa, ngọn sóng của tương lai. Đó là một trong mười nông trường vùng viễn đông Trung Quốc: Sao Đỏ, Công Viên Đỏ, 4 tháng 5, 7 tháng 5, Tiên Phong, Biển Đông, Trường Chinh, Gió Đông, Mùa Gặt Biển và nông trường chúng tôi - với tổng số hơn hai trăm nghìn thanh niên thành phố về sống và làm việc ở đây, không đủ trồng trọt lương thực và nuôi chính bản thân mình. Hàng năm các nông trường đều dựa vào sự hỗ trợ lương thực của Nhà nước. Và Chính phủ đã nói rõ cho các ban lãnh đạo các nông trường là năm tới chúng tôi sẽ không được nhận thêm sự giúp đỡ nào nữa. Chúng tôi tự hỏi, thực ra khi chúng tôi hô "Đổ mồ hôi nhiều, tăng thêm thu hoạch để ủng hộ cách mạng toàn thế giới!" có nghĩa thế nào.

Nghiêm mất hết hứng thú trong việc điều khiển các cuộc học tập chính trị. Chị trở nên ốm yếu và sầu não. Chúng tôi cãi nhau, chị nói chị muốn rời bỏ vị trí của chị. Chị bảo chị không còn là người thích hợp cho công việc này, Lu làm việc đó tốt hơn. Tôi bảo tôi không thích nhìn thấy chị trở nên bạc nhược. Sự mất tinh thần này không cứu được chúng tôi. Chị bảo rời bỏ là lối thoát của chị. Tôi nói:

- Điều gì sẽ xảy ra sau khi chị dời bỏ và Lu nắm quyền? Chúng ta còn ngủ chung được với nhau nữa hay không?

Chị bảo:

- Chị không biết là em yêu quyền lực của chị hơn em yêu chị đấy.

Tôi nói:

- Vấn đề ở đây không phải là quyền lực trong tay chị mà là cuộc đời của chúng tôi. Chị không thể làm nó tốt đẹp hơn những chị có thể làm nó tồi tệ hơn.

Chị bảo đời chị là một sự phí hoài, đây là một cái nhà tù.

Tôi nói:

- Vậy chúng ta có thể đi đâu. Làm sao chúng ta trốn thoát? Lưới ở trên và bẫy ở dưới. Chạy là chúng ta chết. Ông Mao và Đảng đã định đoạt số phận của chúng ta, chúng ta phải gánh chịu.

Nghiêm phải đi dự một lớp học chính trị đặc biệt bảy ngày ở ban chi huy nông trường. Tôi ngủ một mình, lòng trở nên ngổn ngang. Tôi sợ mất chị khi chị và Báo được gặp nhau. Đó là một cảm xúc kỳ quặc, một cảm xúc bối rối triền mien. Đêm đêm tôi lại mơ tưởng đến Nghiêm. Tôi ngóng nhing về phía mặt trời lặn khi ngày tàn. Chị trở thành tình nhân của tôi trong xa vắng. Mỗi khi mặt trời lặn, một cảm xúc mới nảy sinh về chị. Sắc màu của nó xóa hết bóng tối trong lòng tôi.

°

*

Tôi viết thư cho cha mẹ tôi ở Thượng Hải. Tôi kể cho bố mẹ nghe về bí thư Đảng, đại đội trưởng Nghiêm. Tôi nói chúng tôi là bạn rất tốt của nhau. Chị là một chỉ huy tuyệt vời. Chị giống như một cây đại thụ cành lá xum xuê, rợp mát và tôi được hưởng không khí mát mẻ dưới bóng cây này. Đó là điều mà còn lâu tôi mới cắt nghĩa nổi cho bản thân tôi. Tôi bảo bố mẹ tôi nông trường tốt và tôi khỏe. Tôi ngỏ ý vài bậc cha mẹ những người cùng phòng có đến thăm, mặc dầu nông trường không đáng chuyên đi xa như thế.

Mẹ tôi tới thăm tôi thay vì viết thư trở lại. Tôi đang giữa lúc phun thuốc trừ sâu. Phong Lan bảo tôi mẹ tôi đã đến. Tôi không tin chị nói. Chị chỉ tay về phía người đàn bà quần áo bụi bặm trên lối đi. Chị nói:

- Nào bảo tôi nói dối nữa đi.

Tôi tháo bình thuốc sâu ra, bước về phía mẹ tôi:

- Mẹ - tôi nói - ai bảo mẹ tới đây?

Mẹ mỉm cười nói:

- Một người mẹ luôn tìm được đứa con của mình.

Tôi quỳ xuống tháo gaìy cho mẹ, chân mẹ sưng vù. Tôi rót cho mẹ một bát nước. Mẹ hỏi cái bình thuốc han gỉ này nặng bao nhiêu? Tôi nói khoảng ba chục cân. Mẹ bảo:

- Lưng con ướt sũng.

Tôi nói:

- Con biết.

Mẹ bảo:

- Con làm việc vất vả thế là tốt.

Tôi bảo mẹ tôi là trung đội trưởng.

Mẹ bảo mẹ tự hào. Tôi bảo rất sung sướng. Mẹ bảo mẹ không mang theo cái gì vì Hòa vừa tốt nghiệp trường trung học và được phân công về một trường học nghề nội trú. Hộ khẩu thường trú của nó ở Thượng Hải cũng bị cắt rồi. Bố mẹ không có tiền mua chăn mới cho nó, nó vẫn dùng cái chăn con để lại.

- Sống đạm bạc cũng tốt, con nghĩ vậy không?

Tôi hỏi:

- San Hô thế nào? Liệu nó có được phân công về một xí nghiệp không?

Mẹ gật đầu và mẹ bảo nó vốn đang cầu khấn để xảy ra điều đó.

- Nhưng thật khổ tâm khi phải nói như thế - Mẹ lắc đầu - San Hô nó sợ bị đưa đi xa. Người của nhà trường nói nếu chứng minh đươc thể tạng yếu ớt, cơ hội ở lại Thượng Hải của nó sẽ tốt hơn nhiều. San Hô không chịu để bác sĩ khám khi nó bị kiết lỵ nặng. Nó cố làm hư hại ruột nó để được thiếu sức khỏe. Thật là ngu xuẩn, nhưng bố mẹ không ngăn nổi nó. Rất nhiều thanh niên trong khu phố cũng làm như vậy. Chúng sợ bị phân công về các nông trường. San Hô rất bất hạnh. Nó bảo nó chẳng bao giờ mong được sinh ra, nó nói thẳng vào mặt mẹ như vậy. Con tôi nói thể thẳng vào mặt tôi.

Đêm đó tôi xếp mẹ ngủ ở giường Nghiêm. Tôi muốn nói chuyện với mẹ nhưng trong giây phút quá buồn ngủ, tôi đập đầu phải cột. Sáng hôm sau mẹ bảo mẹ nên về thì hơn. Mẹ bảo tôi không nên buồn vì bản thân mình. Nó chứng tỏ sự yếu đuối và sự có mặt của mẹ có thể làm tăng sự yếu đuối, đó không phải là chủ định của mẹ khi có mặt ở đây. Tôi không nói nổi rằng tôi không cảm thấy mình yếu đuối. Tôi không thể nói nổi cách cư xử của tôi sẽ không ảnh hưởng đến những người khác. Tôi muốn khóc trong vòng tay mẹ tôi, những tôi đã là người lớn ngay từ tuổi lên năm. Mẹ cần phải thấy tôi khỏe mạnh, nếu không mẹ không sống nổi. Mẹ phụ thuộc vào tôi. Tôi hỏi mẹ có thích tôi dẫn đi quanh nông trường một lượt không? Mẹ bảo mẹ thấy thế là đủ. Miền đất mặn cằn cỗi này như vậy là đủ rồi. Mẹ bảo giờ là lúc mẹ phải về.

Mẹ không hỏi về Nghiêm, vè cái giường mẹ ngủ đêm trước. Tôi cứ mong mẹ hỏi. Tôi mong tôi có thể kể cho mẹ nghe nhiều điều về cuộc đời thực của tôi nhưng mẹ không hỏi. Tôi hiểu danh dự bí thư Đảng của Nghiêm chính là lý do, mẹ sợ các bí thư Đảng. Mẹ là nạn nhân của mỗi người trong họ. Mẹ phải chạy xa trước khi tôi giới thiệu Nghiêm.

Mẹ không chịu để tôi tiễn mẹ đến bến xe bus của nông trường. Mẹ một mực như vậy. Mẹ bước đi trong bụi đất. Mặc dù Lu không chấp nhận cho tôi được phép vài giờ vắng mặt, tôi vẫn đi theo mẹ qua cánh đồng bông. Được dăm cây số, mẹ vẫn không nghỉ. Mẹ phải đi khỏi những gì mẹ đã trông thấy. Miền đất này, những đứa con gái của Thượng Hải này, cái nhà tù này. Mẹ chạy trốn như một đứa trẻ con. Tôi đuổi kịp mẹ khi mẹ tới bến xe bus. Trông mẹ già hơn tuổi rất nhiều. Mẹ mới bốn ba tuổi nhưng trông phải khoảng sáu mươi tuổi hoặc già hơn.

Khi xe bus chở mẹ đi rồi, tôi chạy vào cánh đồng bông. Tôi thấy kiệt sức và nằm vật lưng xuống. Tôi khóc và gọi tên Nghiêm.

°

*

Vào ngày chị hẹn chị trở về, tôi đi bộ mấy cây số để đón chị. Khi chiếc máy kéo hiện ra ở chỗ ngã tư, tim tôi nhu thể chồm khỏi miệng tôi. Chị nhảy xuống chạy về phía tôi. Khăn quàng bay đi, chiếc máy kéo đi khỏi. Đứng trước mặt tôi, chị thật xinh gái trong bộ quân phục.

- Chị có gặp anh ấy không? - Tôi hỏi, nhặt chiếc khăn và đưa cho chị.

- Báo ấy à?

Chị mỉm cười lấy chiếc khăn.

- Thế nào? - Tôi hỏi.

Chị yêu cầu tôi đừng nhắc đến cái tên Báo ấy bao giờ nữa trong cuộc trò chuyện của chúng tôi.

- Thế là hết và chẳng bao giờ nó xảy ra.

Tôi hỏi:

- Cái gì xảy ra?

Chị nói:

- Chẳng cái gì cả. Chúng mình không biết nhau. Chúng mình là những kẻ xa lạ như trước đây.

- Anh ta có đấy không? - Tôi sốt ruột.

- Có, anh ta có.

- Có nói chuyện gì với nhau không?

- Có, chúng mình nói xin chào.

- Còn gì nữa.

- Gì cái gì nữa? Chúng mình đọc báo cáo đại đội mình, thế thôi.

Chị không có vẻ khổ tâm. Nỗi đau khổ yêu thương đã qua rồi. Chị nói:

- Lãnh tụ vĩ đại Mao chủ tịch đã dạy chúng ta: "người vô sản trước tiên phải giải phóng được bản thân mới giải phóng được thế giới".

Chị véo mũi tôi.

Tôi bảo:

- Chị có mùi xà phòng.

Chị bảo chị tắm ở sở chỉ huy. Đó là chế độ đặc biệt cho các bí thư. Chị có vẻ có chút quan trọng khi kể lại với tôi. Chị bảo chị có lẽ sớm bị rời khỏi đại đội.

Tôi nhắm mắt và thu mình trong vòng tay chị. Chị ôm tôi chặt hơn nữa. Chúng tôi nằm im một lúc lâu. Tôi nói:

- Em chỉ ước lúc này em là một người đàn ông.

Chị bảo chị biết điều đó. Chị ôm tôi chặt hơn nữa. Tôi lắng nghe tiếng đập rộn rã của con tim chị. Chúng tôi vờ như không thấy buồn. Chúng tôi dũng cảm.

Chị đã bảo tôi chị bị phân công về một đại đội rất xa đây, đại đội 30. Họ cần một bí thư, một chỉ huy lãnh đạo tám trăm thanh niên.

- Tại sao là chị? Tại sao không là Lu?

Chị bảo tôi:

- Đó là mệnh lệnh. Chị không thuộc bản thân mình.

Tôi hỏi liệu đại đội có ở xa đây lắm không. Chị bảo chị sợ rằng rất xa. Tôi hỏi về điều kiện đất đai ở đấy. Chị bảo thật khủng khiếp, cũng như ở đây, thật ra, còn tệ hơn vì nó sát biển quá. Tôi hỏi chị có muốn đi không? Chị bảo chị chẳng có chút tin tưởng nào để chinh phục miền đất ấy. Chị nói không hiểu sao chị trở nên vô cùng lo sợ, chị nói chị không muốn xa tôi. Chị mỉm cười buồn rầu đọc lên một ngạn ngữ: "Khi khách bỏ đi rồi, trà sẽ nguội lạnh ngay". Tôi bảo tách trà của tôi sẽ không bao giờ nguội được.

Lu tắt đèn rất sớm. Đại đội trải qua một ngày gặt lúa rất dài. Tiếng ngáy trong phòng nổi lên, chìm xuống. Tôi đang ngắm ánh trăng thì hai bàn tay Nghiêm dịu dàng sờ vuốt mặt tôi rôi mơn man cổ, vai tôi. Chị bảo phải rời xa tôi chị đau khổ lắm. Nước mắt trào lên hai mắt tôi. Tôi lại nghĩ tới Tiểu Lục và tay đàn ông sách vở. Niềm vui và cái giá họ phải trả. Tôi khóc. Nghiêm an ui tôi. Chị nói chính bản thân chị cũng không ngăn nổi. Cơn khát của chị thật kinh khủng.

Chị kéo chăn đắp cho chúng tôi. Chúng tôi thở hơi thở của nhau. Chị kéo hai tay tôi sờ vào ngực chị. Chị vuốt ve tôi, người chị run lên. Chị thầm thì nói rằng chị ước ao có thể nói cho tôi nghe tôi làm chị hạnh phúc biết nhường nào. Tôi hỏi tôi có là Báo đối với chị chăng. Chị ôm gọn tôi bằng hai cánh tay và bảo:

- Không bao giờ là Báo cả. Chính em đã tạo ra Báo.

Tôi bảo việc đó là do chị phân công tôi làm. Chị nói:

- Em đã làm việc rất tốt.

Tôi hỏi chúng ta có biết liệu chúng ta đang làm gì hay không. Chị bảo chị không biết gì ngoài cuốn sách Đỏ. Tôi hỏi có phải dẫn câu nào vào cảnh ngộ này. Chị đọc "người ta học chiến tranh bằng chiến tranh".

Tôi nói tôi không nhìn rõ chị, vì nước mắt của tôi cứ trào lên. Chị thì thào:

- Lúc này em hãy quên việc chị ra đi đi.

Tôi nói tôi không thể. Chị bảo:

- Chị muốn em vâng lời chị. Em luôn luôn làm tốt khi em vâng lời chị.

Chị liếm nước mắt cho tôi và bảo vì vậy mà chị nhớ về chúng tôi biết chừng nào.

Tôi từ từ luồn tay qua áo chị. Chị kéo ngón tay tôi cởi khuy nút ngực chị. Khuy chặt quá, năm cái cả thảy. Rốt cuộc khuy cuối cùng cũng tuột ra. Lúc sờ lên hai bầu vú chị, tôi thấy bị một cú choáng ngọt lịm. Tim tôi đập loạn xạ. Một con ngựa hoang đứt cương. Chị thì thào một cái gì đó tôi không thể nào nghe nổi. Chị như tuyết đang tan. Tôi không biết rõ tôi đang diễn vai gì đây nữa: một người đàn ông tưởng tượng hay chính bản thân tôi. Tôi bị cuốn vào chị. Con ngựa vẫn cứ phi hoang dã. Tôi đi tới nơi mặt trời mọc. Môi chị đỏ thắm như màu cà chua. Như có trận cuồng phong hòa cùng sấm dậy trong tôi. Tôi cũng bị đồng ám bởi dục vọng. Tôi muốn được sờ nắn, hai tay chị mơn man bầu vú tôi. Đầu óc tôi điên dại. Những giác quan của tôi dồ dại reo lên trong ngọn lửa điên cuồng. Tôi xin chị ghì chặt tôi thêm nữa. Tôi nghe một giọng nói nho nhỏ phía sau tôi yêu cầu tôi đừng nói nữa. Tôi đang do dự, môi chị sát môi tôi và bắt đầu hôn cuồng nhiệt. Tiếng nhỏ nhẹ kia biến mất. Trong âu yếm tôi không còn thấy mình đâu nữa.