Long choàng thức giấc và nhớ sực lại là có một cô nữ khán hộ thứ tư trong phòng nầy.
- Cô ơi, chàng gọi nho nhỏ, không chắc lắm rằng người ấy còn ở đây.
- Chi đó ông? Ông khoẻ hay không?
- Cám ơn cô, đã sáng rồi phải không cô?
- Phải, và ba tôi vừa xuống Thủ Đức.
- Tôi làm phiền cả nhà, làm phiền ông cụ quá. Không bao giờ tôi quên ơn Thái huyên trang nầy. Thưa cô, tôi là Long, Hồ Văn Long, hoạ sĩ.
- Hân hạnh, còn tôi là Hương con gái lớn nhà nầy.
Hương vừa nói vừa đi lại bên giường người bịnh, rồi hỏi:
- Đã sáng rồi, ông ở một mình có được không?
- Thưa được. Cô cứ lo công việc nhà đi.
Long không thất vọng cũng không thấy Hương là xấu xí. Chàng không cần ai nữa cả, từ khi gặp Hồng.
Cô Hương đi ra, thế là vãn hát. Cô chỉ diễn được có một cảnh gần như câm lặng, không có gì gay cấn hết. Đến khi cô vào hậu trường, diễn viên còn lại và cả khán giả nữa, không ai tiếc hết.
°
Các nhân viên cảnh sát đứng trước chiếc xe mà vẽ bản đồ. Người trong xóm cũng bu lại mà xem chiếc ô tô giống như con bọ rầy bị ai đá té nhào nằm ngửa đưa bốn cẳng lên trời.
Ông Tư Hổ rất kiêu hãnh và nhắc lại vai trò ông thủ đêm vừa qua. Đó là việc quan trọng nhứt trong đời ông, nên ông không quên, không kể sót một tiểu tiết nào cả.
Rồi cảnh sát vào nhà. Điều tra xong, họ hỏi Long:
- Bây giờ ông muốn nằm nhà thương nào? Chúng tôi chỉ có thể gửi ông xuống nhà thương Thủ Đức thôi. Ở đó người ta sẽ đưa đi nơi khác, tuỳ theo kết quả khám bịnh cho ông. Còn như ông thích nhà thương nào khác, thì ông tự đi lấy. Coi bộ không sao mà, phải không?
- Phải, tôi không việc gì cả. Thôi chuyện đó xin để tôi tính với ông chủ nhà nầy.
- Tốt lắm. Thôi! Chào ông! Cũng may, xe là xe của ông, lại chỉ có một mình ông là bị thương xoàng, nếu không, cuộc điều tra sẽ phải rắc rối, phiền phức hơn.
Cảnh sát ra nhưng cả nhà còn đông đủ, Long nhìn bà Nam Thành mà khi nãy chàng đã chào, rồi hỏi:
- Thưa bà, không biết bà có phải là bà chủ Thái huyên trang?
- Phải, chính tôi đây.
- Kính chào bà...
Từ lúc tỉnh hẳn và được biết rằng chủ nhà có con tuổi bằng tuổi mình, Long thấy phải kêu ông bà Nam Thành bằng cụ. Nhưng người Nam của thế hệ ông Nam Thành không hiểu tiếng cụ ấy, nên Long đành phải kêu họ bằng ông bà.
Im lặng giây lát, chàng nói:
- Tôi đã làm phiền ông bà với lại quí cô đây nhiều quá. Ơn cứu tôi, tôi không hề dám quên. Mà cái ơn săn sóc tôi đêm nay, tôi cũng sẽ nhớ mãi mãi. Bây giờ tôi...
- Hề gì, ông Nam Thành chặn nói. Ai ở vào chỗ tôi cũng làm như vậy. "Ai" đó là kể cả thầy nữa.
- Ông dạy như vậy, chớ ông có bổn phận nào mà để tôi nằm lại đây đêm nay.
Ông Nam Thành cười ha hả rồi thật thà giải thích cử chỉ tử tế của ông.
- Thật ra là tại xe nó không chịu ngừng khi chúng tôi đón để đưa thầy đi. Lòng tốt của chúng tôi chỉ do đó mà phải có.
Long cũng cười:
- Nhưng ông có thể giao tôi cho làng xóm, nghĩa là nhà chức trách trong xóm nầy, rồi phủi tay.
- Nói rửa tay thì đúng hơn. Đêm qua mưa dầm lầy lội quá, rờ tới đâu là dính đất ướt tới đó.
Cả nhà đều cười xoà, Long xin tiếp câu bỏ dở hồi nãy.
- Bây giờ tôi xin phiền ông bà và quí cô thêm một việc nữa, là đón giùm tôi một chiếc xe không báo cỗ, bao nhiêu tiền cũng được, rồi cho người khiêng tôi ra xe để nó đưa tôi về nhà.
- Ý, rồi dọc đường thầy có việc gì, xe nó hoảng, nó liệng thầy vô bụi thì sao. Vả lại thầy gãy cẳng, gãy xương, về nhà rồi ai băng bó cho thầy?
- Thưa ông, tôi nghe trong người của tôi khoẻ khoắn lắm. Còn gãy xương thì chưa chắc!
Cô Hương có theo học một khoá nữ y tá cứu cấp, bước lại gần giường của Long mà nói:
- Hễ gãy xương thì không khi nào giở chơn lên được hết. Ông đau nơi chơn nào?
- Chơn mặt, thưa cô.
- Vậy ông rán giở chơn mặt lên coi.
Long làm y theo lời của Hương. Nhưng chàng chưa nhúc nhích được chút nào mà đã nghe đau như bị cắt ruột. Chàng bậm môi lại, rồi cắn lấy môi, mặt nhăn như ruột của một trái ba lông bị một đứa bé nghịch nắm mà vò lại.
Cẳng Long từ từ giở lên khỏi mặt chiếc đi văng bằng gỗ, giở hỏng lên độ năm phân, Long kêu ư... ư... ư..., chỉ nghe nho nhỏ thôi, nhưng đó là những tiếng kêu la to bị đè nén.
- Rán lên, Hương xẵng giọng mà giục. Rán lên nữa!
Tiếng ư...ư của Long cứ kéo dài ra, người ta có cảm giác chàng chỉ rặn ra tiếng đó mà không dám thở.
Cả nhà nghe nằng nặng nơi ngực họ, y như là chính họ đang chịu đau đớn.
Cẳng chàng lại giở lên cao thêm được năm phân nữa.
- Để yên như vậy một lát thử xem. Hương nói như ra lịnh.
- Nhưng thầy ấy đau lắm rồi đó con! Bà Nam Thành sợ hãi nói.
Tiếng ư... ư... vẫn còn kéo dài, nhưng mỗi lần và chơn của Long có mòi muốn hạ xuống. Hương bất kể lời mẹ, và đau đớn của Long, quát:
- Bảo để yên mà!
Tiếng ư... ư... lại vang lên, lần nầy to hơn trước nhiều. Mọi người đều mồ hôi nhỏ giọt.
Thấy rõ là cô Hương lòng dạ sắt đá. Cá tánh của cô như thế, cô học nghề ấy là hợp lắm. Trông cô oai vệ như một ông tướng ngoài mặt trận, khiến cả cha mẹ cô cũng không còn dám mở miệng ra để phản đối nữa.
Long chịu cực hình ấy lâu gần một phút đồng hồ. Bấy giờ mặt Hương dịu hiền lại, và cô cười rồi nhỏ nhẹ nói:
- Ông để xuống được rồi.
Vừa nói cô vừa thò hai cánh tay vào mà đỡ chơn Long để tránh giùm chàng một sự buông rơi vì quá mừng rỡ và vì không còn sức để hạ chân từ từ nữa. Sự buông rơi nầy cũng sẽ đau đớn không thua gì sự cất lên hồi nãy.
Hương mỉm cười với Long một cái để ngầm xin lỗi nạn nhân của cô, rồi day lại nói với cả nhà.
- Xương không thể nào gãy khi mà chơn giở lên được lâu như vậy. Cái nầy chỉ là trặc thôi, trặc xương hay trặc gân gì đó không rõ.
- Nếu như vậy thì khỏi cần bó bột phải không con? Ông Nam Thành hỏi.
- Dạ thưa khỏi.
- Mà chắc phải hết?
- Nhưng muốn mắn cho đúng cách cũng phải nhờ thầy thuốc, Hương nói.
- Cái đó còn tuỳ! Ông Nam Thành không tin đốc tơ lắm, nên cãi như vậy; danh từ thầy thuốc mà con ông vừa dùng, ông hiểu là đốctơ, vì cả nhà đã quen dùng như vậy.
Bây giờ, chỉ còn đợi ông Nam Thành đáp lời yêu cầu của Long thôi, ngoài ra không ai còn gì để nói nữa.
Nhưng ông Nam Thành vẫn đứng đó làm thinh. Lâu lắm ông mới hỏi khách:
- Ai trông đợi thầy ở nhà... hừ... hừ... nghĩa là tôi muốn hỏi những ai là người lo lắng về sức khoẻ và số mạng của thầy?
- Thưa trên đời, hiện giờ tôi chỉ còn mẹ tôi thôi.
- Bà cụ ở đâu?
- Thưa ở Saigon.
Ông Nam Thành lại làm thinh. Nhưng im lặng của ông lần nầy không kéo dài.
- Hay là thầy ở luôn đây có được không, ở đến khi nào đi được hãy về, tôi sẽ tin cho bà cụ biết tai nạn đêm rồi, và nơi tĩnh dưỡng của thầy?
Tất cả những người có mặt đều ngạc nhiên, Long thì không bao giờ nghĩ đến một sự tốt bụng quá như vậy. Bốn cô gái vốn biết ý cha không thích bị quấy rầy, nên không hiểu được thái độ của cha hôm nay. Bà Nam Thành ban đầu chẳng những lấy làm lạ mà thôi, lại còn tức tràn hông khi nghe ông Nam Thành đưa vai mà gánh một gánh giữa đàng.
Nhưng bà nghe như là hiểu thấu thâm ý của chồng, nên dịu giận được. " Để rồi xem sao", bà tự bảo như vậy.
Long ngạc nhiên và hốt hoảng nói:
- Ý chết, thưa ông, tôi còn làm sao dám làm phiền ông bà với lại quí cô đây lâu thêm nữa, bấy nhiêu đây đã là lạm dụng lòng tốt của Thái huyên trang lắm rồi...
- Cái đó tuỳ ý thầy thích ở hay không thích ở. Còn phiền cho tôi thì thầy đừng lo. Có ai bắt buộc tôi đâu. Nếu tôi khi không mà đeo phiền, là tôi có lợi chớ không phải làm ơn cho thầy đâu.
- Phiền gì mà phiền. Bà Nam Thành nói. Chúng tôi chỉ lo thầy chết thôi. Nỗi lo lắng của chúng tôi đêm rồi có nặng thật đó. Mà đã qua rồi. Bây giờ thầy không chết nữa... bà nói tới đoạn nầy thì tất cả mọi người có mặt đều cười xoà... không chết nữa thì tiếp thầy như tiếp một người khách thường, có gì đâu.
- Tất cả cực khổ vì tôi, bốn cô đây phải gánh lấy hết, tôi rất...
Bốn cô gái thấy câu chuyện gần ngã ngũ hay hay như trong tiểu thuyết, cũng muốn nó ngã hẳn ra như vậy, nhưng ngại nên không đưa ý kiến ra. Bây giờ nghe khách sắp nói, cả bốn cô đều chận lời khách:
- Ông đừng ngại. Chị hai tôi cần thực hành những điều đã học được, còn tôi thì...
- Chúng tôi tới bốn chị em, chia sớt nhau công việc, sẽ không nhọc lắm đâu.
- Ông không chịu nằm nhà thương, về nhà làm khổ bà cụ biết bao.
- Ông không chịu cũng không được nữa. Hương nói. Ông bị thiểu số rồi đó.
Long chỉ cười, cái cười giống hệt như sự nín lặng của cô con gái kia khi cha mẹ cô ấy hỏi cô bằng lòng lấy chồng hay không.
- Ông chịu rồi chớ? Không, hẳn là ông chịu rồi. Quá nói lia lịa, không để cho khách kịp đáp. Rồi bốn cô vụt chạy biến mất như một đàn chim sẻ.
Long nằm đó, như vừa qua một giấc mộng. Câu chuyện thật là oái oăm. Đêm hôm qua, chàng đi một vòng Biên Hoà có chút việc, đã chạy ngang đây mà không thèm ngó vào. Đùng một cái - Ừ thật là đùng một cái - chàng đâm đầu vào sân người ta, báo người ta thức suốt đêm, rồi bây giờ trở thành bạn của cả nhà.
Chuyện hơi giống câu chuyện của những tiểu thuyết tình lãng mạn, một cô gái cứu một cậu trai thọ nạn, rồi hai đứa yêu nhau, lấy nhau. Nhưng ở đây có tới bốn cô gái, thì...
°
Lẽ cố nhiên là Hương gánh phần cực nhất. Thường ngày, mỗi sáng nhà ăn khoai, ăn xôi, hoặc cơm, cháo. Hôm nay có khách quý, Hương phải nhúm lửa để nấu nước chế cà phê đãi khách.
Cô nữ khán hộ chánh hiệu con nai ấy vì vậy không có mặt được trong buổi đại hội y học thảo luận về cách điều trị con bịnh.
Bà Nam Thành bảo Hồng vô xóm trong mời ông thầy hai Sửu là ông thầy thuốc Nam biết giải ngài và mắn xương.
Ông Nam Thành ngăn:
- Đừng, đừng có báo hại người ta rồi mình mang khổ lây. Tôi thấy lang băm nó mắn, nhiều khi lọi xương người ta luôn suốt đời.
- Chớ làm sao bây giờ? Không lẽ để người ta...
- Xuỵt, nói nhỏ nhỏ, bà quên rằng ở đây không có vách gạch, ở buồng đầu mà nói chuyện thì ở buồng cuối nhà nghe không sót một tiếng.
Hồng nói:
- Loài người trước khi có bọn lang giết người, chắc họ để tự nhiên những bịnh tật nho nhỏ. Không nghe sách vở xưa nào nói ai trặc chơn mà mang tật luôn vì đã để tự nhiên, không săn sóc; con nghĩ, cứ để vậy, vài bữa ông ấy sẽ đi được.
Ông Nam Thành nhìn con mà ngạc nhiên trước lý luận sáng tỏ ấy.
- Ừ, ông nói, sau một hồi suy nghĩ, hay là cứ để vậy. Nhưng phải làm cái gì cho ông ta đỡ đau.
- Cái đó dễ ợt, chị hai con là bà lang tây rất dốt. Nhưng ít ra chị cũng biết một vài thứ thuốc thoa bóp cho dịu sự đau đớn.
- Tốt lắm. Thôi thì tụi bây thoả thuận với nhau mà phân công để săn sóc ông ấy. À, ba quên mất...
Nói chưa hết câu, ông vội vàng bước qua phòng bịnh.
Hương bưng cà phê lên, cũng vừa bước vào buồng. Thấy vậy, ông Nam Thành kêu với ra ngoài:
- Quá ơi!
- Dạ!
- Đi lấy con vịt, mau nó con.
- Để ở đâu ba?
- Ai mà biết. Hôm dọn nhà mẹ con bây có bỏ quên dưới Saigon hay không?
Nghe bà Nam Thành nói nho nhỏ:
- Thì cất chung với chén bát trong tủ đồ sứ ở buồng ăn, chớ ở đâu mà om sòm lên như vậy. Con gái hư, không sợ người ta cười cho.
Long nghe thì biết gia đình nầy dọn lên đây không lâu. Cô Hương đặt tách cà phê lên một chiếc bàn con đã được ai kéo lại sát đi văng.
- Mời ông uống cà phê sáng. Nhà hết cả sữa, ông tạm dùng đỡ cà phê đen vậy.
- Tôi chỉ dùng cà phê đen thôi, Long nói, để hưởng trọn mùi cà phê. Nếu tôi nói nữa thì thành ra khách sáo. Vả tôi đã nhận ở đây, mà còn ngại thì hoá ra giả dối, nhưng quả thật tôi làm phiền cả nhà.
- Hãy khoan, ông Nam Thành không thèm chú ý đến thắc mắc của khách nữa, mà chỉ lo ngăn khách dùng bữa sáng thôi. Hãy khoan, đợi con vịt đã.
Ông nói vừa dứt lời thì Quá đã bước vào, tay cầm một con vịt bằng sứ trắng.
Long ngạc nhiên lắm, ít có gia đình Việt Nam nào biết dùng món đồ ấy. Chỉ có nhà thương to và vài họ được Âu hoá mới sắm nó thôi.
Đít vịt khoét lỗ rộng để đổ nước vào, mỏ vịt khoét lỗ nhỏ để nước rịn vào miệng những bịnh nhơn không ngồi dậy được.
Quá sang cà phê qua con vịt sứ rồi trao cho Long:
- Cám ơn cô hai và cô.
Nói xong chàng đưa vịt lên, mút mỏ nó như trẻ con mút nóm vú không mà chơi.
- Kỷ niệm của một me tây đó. Ông Nam Thành vừa nói vừa cười. Ông tây ấy ổng bị thương nặng, nằm nhà thương đến năm sáu tháng, rồi về Tây luôn. Nhưng thầy khỏi lo; tôi đã trụng nước sôi rồi mới dùng, không có vi trùng đâu.
- Cháu không sợ vi trùng lắm đâu.
Long giựt mình mà nghe mình xưng cháu. Tiếng cháu tự nhiên mà vọt ra, chàng không hề định trước, nói xong, nghe dư âm nó, mới biết là mình đã lỡ lời.
Chàng thuộc vào một gia đình giàu có lâu đời, lịch sự quen rồi, nên nay nói lỡ một tiếng là sợ hãi lắm.
Nhưng những người có mặt hình như thấy điều ấy là thường nên chàng xét nét mà không bắt gặp phản động nhỏ nào trên gương mặt của ba người.
- Cà phê ngon quá! Chàng khen để quên lo sợ của mình chớ thật đó là cà phê cắc chú, khá hơn cà phê các tiệm nước một chút xíu vì đây là tách đầu.
Ông Nam Thành nói:
- Tôi cần biết tên với lại địa chỉ của bà cụ để đi báo tin ngay.
- Thưa ông, không cần đi lắm. Tôi viết thơ ông gửi dùm tôi cũng được rồi.
- Nhưng thầy đi không về thì bà cụ lo lắng lắm.
- Thưa, mà tôi quen rồi, tôi thì đi vắng luôn, và đi không có hẹn giờ nào, ngày nào về cả.
- Thôi cũng được. Nhưng như vầy thì thầy nên nghỉ cho khoẻ cái đã, rồi viết thơ cũng chẳng muộn.
Trong khi đó thì cô Quá đã trở vào với hai bức tranh lồng kiếng không khuôn mà vì vách trĩ khó treo thứ đó nên từ lúc dọn nhà đến nay, họ cất luôn.
Hoa lại mang về một bó hoa mà cô hái ở xóm trên. Chỉ là hoa giấy tím thôi, nhưng căn buồng cũng tươi nét lên hơn trước nhiều.
Ông Nam Thành ra hiệu cho các con lui bước rồi chính ông cũng đi ra, giây lâu ông trở lại với một bộ đồ mát của ông. Đóng cửa cẩn thận rồi ông nói:
- Bây giờ tôi giúp ông đây!