Đò Dọc

Chương 5

Ánh trăng tráng ngà.

Có cây da to.

Có thằng Cuội già.

Ôm một mối mơ.

Gần hai mươi đứa trẻ vừa trai vừa gái, đứa nào cũng rất hôi mùi mồ hôi muối và khét nắng, rập nhau mà hát giữa sân bài hát do bốn cô Thái - huyên - trang dạy chúng từ một tuần lễ nay.

Vì bà thầy nhạc cũng không giỏi lắm, nên chúng hát sai bét. Tuy thế mẹ chúng và chị chúng, đang ngồi với các cô tại thềm nhà cũng thấy làm hay vô cùng.

Phụ nữ ở đây nghèo khổ quá, bận tay bận chơn suốt ngày nên không hề vui chơi việc gì cả. Ngồi lê đôi- mách là tật cổ truyền của đờn bà mà họ cũng từ bỏ được thì biết đời họ khô - khan đến bực nào.

Bốn chị em thương- lượng với các người nghèo nhứt xóm để họ cho con em đến học chữ với các cô một tuần năm buổi, trừ thứ bảy và chủ nhựt.

  Thật ra làm việc đó, các cô chỉ vụ- lợi thôi, để cho công việc chiếm hết thì giờ cho khỏi buồn ấy mà! Chớ các cô không có lý tưởng gì ráo, không có một băn khoăn xã hội nào cả.

Nhưng dạy được mười hai đứa khá thông minh các cô lần lần thấy thú- vị thật tình trong việc phá ngu mười hai bộ óc, chớ không phải vừa dạy, vừa nghĩ vơ vẩn đâu đâu như những hôm đầu nữa.

  Thứ nhứt là biến đổi những đứa con gái đầu bù và ăn nói thô -lỗ ra những em bé gái biết chải gỡ vén khéo và thuộc một nhúm lễ phép sơ - đẳng.

Thỉnh thoảng các cô nài nỉ một số đờn bà và con gái lớn đến nhà chơi vào những đêm trăng như đêm nay cùng chỉ cốt đỡ buồn. Cái trò hợp ca là để quyến -rủ họ đến cho thường và cho đông.

  Ánh trăng sáng ngà thật. Trời trong và sâu thăm thẳm khiến cảnh ở đây lại càng trống - trải trơ - trọi thêm. Nếu trăng núp sau tàu dừa, hoặc rớt dưới sông rồi tan vỡ ra từng mảnh thì còn ngắm được, còn thưởng - thức được vẻ thơ - mộng của nó. Đằng nầy đến không có lấy một sợi mây mỏng vắt ngang qua cái mặt tròn vo kia thì trông bầu trời và cảnh đất trơ -trẽn đến bực nào.

Cuội ơi, ta nói cho cuội nghe.

Ở trên cung trăng mãi làm chi.

.

Có con dế mèn.

Suốt đêm canh thâu.

Hát xẩm không tiền.

Nên nghèo xác - xơ.

 

Thím hai Nếp ngẫm - nghĩ nói to:

- Ngày xưa hồi còn nhỏ dại, chúng tôi đêm trăng thi chơi nhảy chán chậu, chơi u bắt mọi, vui lắm. Không hiểu sao từ hơn hai mươi năm nay, trẻ con không chơi các trò chơi ấy nữa. Thành ra tối tối trong xóm buồn hết sức.

- Trò chơi nào lâu đời quá cũng dể chán, cho nên...

-... Cho nên trẻ con nó bỏ? Hoa nói hớt câu nói của người chị cả của cô. Nhưng nàng tiếp: bỏ cái nầy, phải tìm cái khác thay vào chớ.

- Thì mày giỏi tìm đi. Trẻ con nó đang buồn đó, không riêng gì trẻ con ở đây, mà cả khắp nước kìa.

- Thách hả? Được, em sẽ tìm, và sẽ tìm ra.

  Cô Hoa quả quyết điều đó rồi bỗng thấy cái rỗng không của những ngày quê của cô hết đáng sợ nữa. Cô thoáng thấy sẽ có một cái gì để đeo đuổi theo.

Ba cô khác thì chưa gặp may mắn đó.

°

Sau ba bốn ngày nóng bức, gió nồm thổi dữ. Trái sao trái dầu có cánh ở đâu bay tới như mưa, quay tròn như con vụ trên không trung rồi rơi xuống đầy sân.

Không khí buồn tẻ ở Thái - huyên- trang nhờ thế, đỡ lạt phần nào.

Chiều chiều bốn cô con gái đợi gió. Hễ gió nỗi lên là  họ vui như các thứ quả có cánh ấy là những bức tâm - thơ của người xứ xa gởi đến.

Trái sao, trái dầu bay đẹp mà rơi cũng đẹp. Nhưng trái trác bay trông lại buồn cười. Cánh của thứ trái ấy không chia ra hai nhánh, hoặc bốn nhánh mà lại bao quanh tròn cả trái. Trái trác, nếu gió to thì bay cuồng loạn lộn nhào, còn nếu gió nhẹ, thì bay như dĩa bay mà các cô thấy trong chiếu bóng.

Thú nhứt là rượt bông lồng mức. Bên kia đường, một cây lồng mức già trụi lá đứng đó bồi thêm vài vệt buồn vào cảnh khô hạn ở Xóm Thuốc nầy.

Trái lồng mức tròn mà dài như trái đậu bắp. Chiều chiều, vỏ cứng như vỏ sô của trái ấy nổ tách ra làm hai rồi thả ra muôn ngàn cái bông trắng, bay như tuyết đổ.

  Bông gồm một hột vàng nhỏ như hột lúa, trên đầu hột lòng trắng, mọc tua tủa ra, lông mịn như tơ, mà cong như lông mi, dùng làm cánh dưa hột vàng về những nơi xa lạ.

  Nhiều bông quá nặng, cánh chở không nổi, sa xuống trên sàn, nhưng vẫn bay là là ngang đầu người chớ không chịu rơi xuống đất.

Các cô rượt bắt mớ bông ấy, ai bắt được một chiếc thì sung sướng vô cùng. Chỉ vò mớ lông trắng mịn giữa hai ngón tay cũng đủ vui vẻ một buổi chiều trống rỗng.

Cái thú thứ nhì là xem trẻ trong xóm giành nhau mà lượm xoài non, trái nhỏ bằng ngón tay cái: Ở nhà quê ít bánh hàng nên thứ gì trẻ nhỏ cũng thích ăn: me non, dái mít, xoài non, và những trận lượm xoài thì hào hứng như cuộc tranh sống thật sự.

Người gia - trưởng Thái - huyên - trang thấy con vui thì mừng, nhưng  không vui được với con.

Trong bữa cơm chiều nào ông cũng nói:

- Cảnh ở dây khác dưới mình nhiều quá. Mỗi mùa có màun sắc, có mùi vị riêng của nó. Nhưng màu sắc, mùi vị nầy không giống màu sắc mùi vị ở quê ta. Nhớ nhà quá đi thôi.

Ông Nam Thành dùng tiếng mình, (1) nhưng ông quên rằng chỉ có ông là nhớ nhà. Con ông lớn lên ở Saigon, nếu có nhớ thì nhớ đô - thành.

  Nếu chúng không bận bịu với đô - thành vì ở đó thiếu cảnh đẹp thì chúng vui với cảnh ở đây là hợp lý, không thể kéo chúng vào phe nhớ quê hậu - giang được.

*

Cả nhà nghe như có một cái nắp đậy lên đầu họ trong những ngày đầu mùa. Nắp ấy ban đầu vô hình, sau rồi hiện ra thành một tốp mây đen.

  Những trận mưa đầu mùa ồ ạt như bão tố, đã đánh vỡ được cái nắp kia, khiến họ nghe giải thoát.

Cô Hồng nghe nhẹ người hơn ai cả vì khổ dịch kéo nước tưới cây khỏi phải làm nữa.

Ông Nam Thành thì bận túi bụi sửa lại chuồng heo, chuồng gà dựng sơ sịa hôm còn nắng.

Hai cô con gái sau thì lo ngại nhiệm - vụ của hai cô từ đây biến thành khổ - dịch; nuôi heo, nuôi gà trong mùa mưa là một công việc cực nhọc: cho heo ăn phải bị ướt át, gà lăn ra chết toi vào lúc đầu mùa mưa nầy thì nội cái việc đào lỗ chôn xác để tránh sự truyền nhiểm cũng đủ hụt hơi rồi.

Trời mưa liên tiếp mỗi ngày cho đến suốt tuần lễ mà chưa thôi, làm như là nước đọng cả nửa năm nhiều quá, bây giờ đổ xuống được là nó cứ đổ tràn trề.

Thôi, từ giã rượt bông lồng, từ giã đi thăm anh Xòn, thăm cậu hai Quờn, và đi dạo mỗi chiều trên đường nhựa.

Bốn chị em ngồi đó mà nhìn mưa xa chạy về như ai kéo màn trắng đến. Mưa trắng xóa, xóa mờ cả chơn trời, cả cánh đồng trống trước nhà, cả những đoàn xe hơi cứ nối đuôi nhau mà chạy.

*

Mùa mưa buồn nhưng lại giúp bốn chị em tìm được thêm bạn mới.

Chiều hôm ấy cô Hồng mắc mưa ở xóm trên. Không muốn làm rộn ai, cô chạy vào lò rèn của thợ Hổ là nơi gần như là công cộng: người đi lỡ đường ghé lại đó nghỉ chơn, những ông già rỗi rãi trong xóm, đến đó để đánh cờ tướng, trẻ nhỏ bán quà vặt cũng hay lân la nơi đó để tìm khách hàng.

Cô Hồng chạy vào tới lò thì giọt tranh đã to bằng ngón tay út rồi. Để tránh tạt, cô vào đứng giữa lò, gần bếp lửa.

Ông thợ Hổ không thể dừng tay vì sắt đang đỏ, vừa tiếp tục đập vừa nói:

- Coi vậy mà không sao, cô ba cứ đứng yên đó.

Nhưng những đóm lửa bay tua tủa ra khiến Hồng sợ hãi nhảy lui ra ngoài, bị tạt ướt cả ống quần.

- Hay là cô lên ghế ống thụt mà ngồi, ông tư Hổ đề nghị.

Sau bếp lửa đứng lên hai ống bễ to tướng. Một thằng bé con ngồi trên một con ngựa cao đặt sau đó, thụt mãi không thôi.

Ông bễ thở khò khè như mệt hổn hển, mỗi lần nó thở ra một cái là than trong bếp lại đỏ tươi lên.

Mừng được nơi ngồi yên chỗ, Hồng chạy ra sau bếp rồi trèo lên ngựa mà ngồi chung với thằng bé. Mặt ngựa khá dài để hai người ngồi mà người nầy không ngăn trở công việc làm của người kia.

Bây giờ thoát khỏi lửa. Hồng sung sướng mà nhìn nó, nhận thấy nó đẹp lắm! Thằng bé mỏi tay lơi thụt, than lu mờ, tư Hổ nạt nó, nó vội thụt lia lịa, than hồng lên, xem trong trẻo lạ. Những thanh sắt đã nướng, đỏ lần lần như lửa đã rửa được cái đen đúa dơ dáy của nó. Đẹp nhứt cố nhiên là mưa lửa bắn ra mỗi lần búa nện xuống đe. Giò ông tư Hổ bộ bằng sắt sao ấy, mà lửa văng vào đó tới tấp, ông vẫn đứng yên mà đập sắt.

Ở đây có cái mùi ngồ ngộ như mùi hơi đất xông lên sau trận mưa đầu mùa. Đó là mùi sắt đỏ trui trong nước lạnh, nghe khen khét một cách thật dễ chịu.

Ấm lạ! Mặc dầu gió vào tứ phía, bụi mưa bay khắp nhà, Hồng cũng nghe thấy ấm, nhứt là ấm trong lòng cô, giữa sự xúm xít nầy, ông chủ lò rèn, hai ông lão đánh cờ, ba nông dân trai tráng, và hai đứa con gái bán bánh ít trần, bánh cam.

Bỗng trời chớp một cái rồi tiếp liền theo một tiếng sét nổ long trời.

Thằng bé thụt ống lửa, giựt mình ngừng tay lại. Ông tư Hổ không mắng nó như mấy lần trước, mà trái lại chính ông cũng thôi đập.

Ông gỡ kiếng ra, ngó ra cánh đồng trước nhà rồi nói:

- Có quỉ núp đâu gần đây...

Hai ông lão đánh cờ cũng vừa xong một ván, ngửng mặt lên và một ông bắt chuyện.

- Nói quỉ, tôi mới nhớ lại một lần đi ghe. Ghe chúng tôi mắc mưa từ lúc mới chun vào kinh tắt để băng qua sông Saigon. Khi tới Vàm Nông sắp đặt đổ ra sông lớn thì...

Rồi mỗi người có mặt ở đó, người nào cũng sẵn một câu chuyện yêu, tinh, ma, quỉ, một câu chuyện lưỡi tầm sét để mà kể lại.

Ông tư Hổ kể chuyện linh động hơn hết, có cả đối thoại của nhân vật trong truyện mà ông nhái giọng nghe rất là sống.

Ông lại nhớ cả chuyện xưa tích cũ trong làng, chuyện dắp con đường Thiên lý trước nhà và lịch sử phát triển của chợ Thủ Đức.

Trời bớt hột lần lần, khách lần lượt rút đi.

- Thôi, thụt mầy!

Tư Hổ vừa đeo kiếng trở vào, vừa ra lịnh cho thằng bé tiếp việc. Nhưng Hồng đã giành lấy hai cây thụt, ngồi xích vào giữa rồi ra tay thử.

Lạ quá, thằng bé còn nhỏ thế, mà nó thụt coi nhẹ hều, còn cô, sao cô ráng hết sức mà nhấn không nổi.

Ống bễ dưới tay cô giống như người nghẹt mũi, ống nầy kêu một cái khè khó khăn mệt nhọc, thì ống kia còn hịt hịt như bị bít hơi.

Cô gái Thái Huyên trang cười ngất rồi giao cây thụt lại cho thằng bé nó cũng đang bành miệng ra mà cười. Cô từ giả ông Tư, ra về dưới mưa thưa, đinh ninh sẽ trở lại đó lúc nào trời chuyển mưa. Ông tư là cái kho tàng trử tích hay chuyện lạ, không tới lui với ông, lấy gì giải trí trong mùa nầy?

Từ đó, xế trưa nào, không chị thì em, các cô Thái Huyên trang đều có mặt ở lò rèn để hưởng một buổi đụt mưa ấm cúng.

Cuộc đời phẳng lặng của mấy chị em thêm được những buổi vui ngắn ngủi và phù du như đốm lửa ở mặt đe văng ra, bừng cháy trông rất xôm, mà chết đi cũng mau lẹ vô cùng.

Như vào mùa đông ở các xứ miền Bắc, ở xứ ta người trong gia đình xúm xít lại gần nhau trong mùa mưa.

Nhứt là vào những buổi đầu hôm, dưới ngọn đèn un khói, họ quây quần quanh người gia trưởng để bàn chuyện tương lai, để nhắc kỷ niệm cũ, để nghe kể chuyện đời xửa đời xưa.

Hồn muôn thế hệ qua như phảng phất hiện về đây đó, rồi truyền thống của gia đình, của dân tộc được hồn ma xưa bí mật thổi nó vào tâm hồn người đời nay đang có mặt bên đèn.

Ngoài kia, mưa rơi trên tàu chuối, mưa tạt vào phên tre, mưa rao điệu ai cho ãnh ương hòa tấu bản nhạc buồn...

Bà Nam Thành nhìn từng đứa con của bà rồi thoáng ái ngại nhận thấy rằng ở đây không phải chỗ của chúng nó. Chỗ của chúng phải vui tươi trẻ trung, sinh động hơn cái không khí ủ rủ nầy.

- Ông à, tôi có chuyện muốn bàn với ông.

- Ừ, thì cứ nói đi.

- Lên gác hãy nói.

- Như vậy gọi tôi bây giờ làm gì.

- Để ông lên gác.

- Bà buồn ngủ mà sợ ma không dám lên một mình thì cứ thú thật để tôi đưa lên, đừng có kiếm chuyện.

Bà Nam Thành cười hơi rung rinh cái nây. Bà cố cười cái cười thú tội, làm bộ như mặc nhận lời đoán của chồng là đúng, hầu lên gác tự nhiên cho khỏi băn khoăn về câu chuyện mà bà muốn giữ kín.

Bà nhả trầu, súc miệng, doạn pha trò với mỗi đứa con một câu rồi mới theo ông mà lên lầu.

- Chuyện gì mà bí mật dữ vậy, ông Nam Thành hỏi một khi lên đến nơi.

- Bữa nay yên xong mọi việc tôi mới rảnh trí để nhớ lại chuyện nhà...

Bà nín một lát lâu, dường như không biết bắt đầu nơi đâu câu chuyện của bà. Rồi dột ngột, bà hỏi chồng:

- Ông có bao giờ nghĩ đến việc chồng con của con hay không?;

Ông Nam Thành ngạc nhiên quá, ông đã đoán nhiều chuyện mà bà Nam Thành sắp nói, trừ chuyện nầy. Giây lâu ông mới đáp:

- Không, à...ơ... nghĩa là có...mà ít khi lắm.Mấy năm trước bận  buôn bán, rồi bận lo nghĩ về túng thiếu, bây giờ thì say thú làm vườn. Sao, có gì lạ?

- Không có gì lạ tôi mới lo. Ông thử tưởng tượng thử coi làm sao con mình lấy chồng được.

- Thì sớm muộn gì cũng có người đến hỏi chúng nó chớ.

- Nếu mình còn ở Saigon thì như vậy. Nhưng lại đây là khác rồi.

- Khác làm sao?

- Muốn gã lấy chồng, phải giao thiệp. Các mối giao thiệp ấy lại phải lâu ngay chầy tháng. Mình rời quê, mất cả quen lớn ở dưới. Lên Saigon, vì là thành phố lớn lại vì mình chưa vững. Vì vậy con Hương phải chịu lỡ thời. Nó rủi là phải rời quê giữa lúc đương thi, rồi sống trong chỗ thờ ơ cho đến ngày nay nên đã hăm tám rồi mà còn cô độc một thân.

- Cũng tội nghiệp cho con Hương thật đó. Nhưng ba đứa sau thì khỏi lo. Rồi giao thiệp ở đây.

- Ông nói niếc sao chớ! Giao thiệp ở đây? Ông định gả con ông cho ai?

- Thì gả cho con nhà nào đồng địa vị với mình.

- Thí dụ ông cụ Hương cả Quan? Xứng hay không?

-  Ừ, thí dụ ông ấy. Xứng sui gia lắm.

- Nhưng liệu con mình chịu ưng cậu công tử nhà quê ấy hay không?

- Sao lại không. Nó cũng khá trai, lại có học đến lớp nhứt, và là con một của một nhà giàu có nữa, thì tại sao con mình lại không ưng nó?

- Ông lầm. Tôi thấy giai cấp nào lấy giai cấp nào cũng có thể tốt đôi cả. Thí dụ con ông chủ hãng cưới con gái bác thợ trong xưởng của cha anh ta. Mà đến con gái ông đốc tơ ưng thầy phạm nhe cũng đã xảy ra rồi mà họ đều ăn ở hòa thuận với nhau được. Nói giai cấp nầy, không thể lấy giai cấp kia, là xúi dại người ta.

Nhưng có hai giai cấp không thể lấy nhau được mà không ai ngờ: giai cấp chợ và giai cấp quê.

- Chợ và quê là giai cấp à?

- Không đúng lắm. Nhưng tôi nói như vậy cho dễ phân biệt.

- Hừ, tại sao có chuyện lạ như vậy? Ông huyện Bỉ không cưới con gái hương sư Sen đó à? Ngày xưa người ta chỉ cưới gái quê thôi, còn gái chợ thì a... lê...

- Phải, ngày xưa thì như vậy. Ông Huyện Bỉ cũng là người ngày xưa. Bây giờ ông ta đã Đốc phủ rồi kia mà. Ngày xưa không có đời sống đô thị, người ở chợ chẳng khác người ở đồng áng bao nhiêu. Nay thì khác. Tôi đã nghe từ lâu chúng

nó nói chuyện nhiều lắm rồi về vấn đề chợ và quê đó.

Vả lại ông chỉ nêu ra thí dụ một chiều thôi: trai chợ cưới gái quê, mà không chỉ được gái chợ nào lại ưng trai quê. Gái quê khác trai quê nhiều, như xưa khác nay.

Con gái không có đời sống bên ngoài, ở nhà mà lo nội trợ thì quê hay chợ cũng như nhau. Ông nghĩ thử một anh chồng con Hoa hay con Quá mà mặc bi da ma hường đi ngoài đường, không biết nghiêng mình thi lễ thì coi được hay không?

Ông Nam Thành nín lặng, trầm ngâm rất lâu. Những điều vợ ông vừa nói ra, thật chưa bao giờ ông nghĩ đến. Lý lẽ mới lạ của bà, ông nghe lại đúng, thế mới chết. Định bụng là vợ ông sắp kết luận để buộc ông cái tội đày con về quê, ông đùa cho khỏ lấp:

- Thành ra có con gái đến tuổi lấy chồng, không nên lui đi vườn.

- Lui thì lui, nhưng phải để chúng nó ở lại thành phố.

- Để chúng nó một mình vậy nè.

- Có mẹ chúng nó lo.

- Ha... ha... Té ra bà muốn về dưới. Nhớ tay bài rồi hả?

Bà Nam Thành cũng được, nhưng bà lại lập nghiêm mà rằng:

- Tôi nói là nói thật chớ không phải giỡn đâu. Cũng chẳng nhớ tay bài hay hụi h gì hết. Tôi thề theo ông trọn đời, ông đâu tôi đó. Nhưng bài toán gả con nan giải kia, ông nên liệu, kẻo tội nghiệp con.

Ông Nam Thành thở dài mà làm thinh.

Chú thích.

 1- Tiếng địa phương miền Nam, mình có nghĩa là chúng ta.