Đò Dọc

Chương 15

- Thôi mai nó về là xong! Ông Nam Thành nói nho nhỏ trong bóng đêm. - Xong làm sao được! Con mình đã yêu nó rồi. Nếu việc không thành thì tai hại không thể lường được. Lại cả hai ba đứa yêu nó! Chị em nó thương yêu nhau biết bao nhiêu, mà bây giờ lại đến  cả đánh lộn với nhau. Cũng tại ông.

- Bà cứ đổ lỗi cho tôi hoài!

- Tôi đã nói có con gái lớn, lùi về quê không được.

- Không, tại mình rủi ro đó chớ. Tai nạn xe hơi trước nhà, chỉ có trời mà đoán trước được.

Nhưng rủi ro ấy có phải là nguyên nhân chánh của biến động trong gia đình mình đâu.

- Sao không phải? Bà đã chẳng cho rằng vì về quê, sống xa xã-hội riêng biệt của mình, nên bất kỳ người con trai nào hiện đến là con mình yêu ngay đó sao.

- Đúng. Nhưng nếu không có tai nạn xe hơi, không có khách, thì con mình vẫn khổ như thường.

Ông Nam Thành thở dài.

Trong khi hai ông bà bàn-khóan cho số phận con cái thì cô Quá nước mắt ràn-rụa ướt cả gối mền. Những lời cô rình nghe lóm được bên giếng không còn để nghi-ngờ nào lại cả. Đã rõ-ràng như hai với hai là bốn rằng chị cô và Long đã yêu nhau, và Long định cưới chị cô.

Quá không mảy-may ganh với chị. Cô chỉ tủi cho cái không may mắn của cô thôi. Thất vọng chỗ này, cô lại ân-hận đã bỏ lỡ cơ-hội kia, khiến cha mẹ buồn phiền, mà cơ-hội ấy có thể không bao giờ đến nữa, y như đối với mấy chị của cô. Như vậy, cha mẹ cô sẽ mất luôn hy-vọng cuối cùng được gả đứa con gái út.

Thật ra Quá chưa đến quýnh lấy chồng thì có nghĩ cho dẫu cơ-hội không bao giờ đến cũng chẳng sao. Ý nghĩ ấy rồi vài năm nữa đây, một khi đã luống tuổi, cô có thay đổi hay không thì chưa rõ, nhưng hiện giờ cô tin chắc như vậy.

Nhưng con  gái thơ thì yêu chỉ để đáp lại tiếng gọi của tình-cảm đang thời tốt giọng của nó chớ không phải tha-thiết lấy chồng, lắm khi cũng chẳng thèm nghĩ đến việc xác thịt.

Và con gái thơ, mà trai tơ cũng thế, yêu dại lắm, họ xem tình yêu là tất cả cuộc đời, mất đi là vũ-trụ cũng đổ theo, đời không còn nghĩa nữa. Và mối tình đầu nào, cho dẫu không có gì cao, đẹp lắm, cũng là mối tình có thể giết người.

Nằm chung buồng với em, cô Hương không hay biết gì cả, vì Quá chỉ lặng-lẽ khóc, nằm yên không day trở. Đó là một kẻ cố chạy cho mút con đường, nhưng chừng đến nơi, y thấy trước mặt một cái hố sâu, khó mong tiến thêm được nữa, y chán-nản quá không còn biết mệt mà chỉ nghe oải tay oải chơn như quá đuối sức.

Cô Hương, một kẻ lương-tâm bình yên, nằm một lát rồi ngủ khò. Quá rón-rén ngồi dậy, thắp cây đèn trứng vịt lên, rồi che kín ngọn đèn, sợ lọt ánh-sáng qua vách ngăn rồi ông bà Nam Thành sanh nghi.

Cô viết bốn bức thơ dài, thơ cho cha mẹ, cho Hồng cho Long và cho hai chị là Hương và Hoa.

Bây giờ có lẽ đã quá nữa đêm. Dưới kia người thanh niên ngủ ngáy đều đều, nhắc nhở Quá cái đêm đầu mà người ấy vừa tỉnh lại. Từ cái đêm ấy, mối tình của cô nảy lộc đâm chồi, rồi bây giờ lại tàn rụng. Chỉ mới có non hai mươi ngày thôi, nhưng sao mà cô nghe như đã lâu lắm rồi.

Cô yêu nhiều quá, sống mãnh liệt quá với mối tình cảm lặng ấy, nên thấy nó ưa lắm, như là yêu đã hai ba năm.

Tàn rụng! ý nghĩa tàn rụng lại đầy tràn nước mắt cô ra. Quá ngòi đó mà khóc, không biết bao lâu nữa đến chừng cạn lệ, cô đứng lên đem bốn bức thơ lại nhét dưới gối mình.

Đêm nào bốn chị em cũng có đem lên gác một chai nước chín phòng khi khát nước mà không dám xuống buồng ăn.

Quá rót một ly nước rồi thò tay vào túi lấy ra ống thuốc ngủ mà lúc đầu hôm cô đã tìm thấy trong tủ thuốc gia đình do Hương sắm.

Mặc dầu không thiết sống nữa, Quá vẫn nghe ghê rợn khi cầm xem vật giết người ấy! Những viên thuốc nhỏ xíu này, bỏ vào miệng cô dễ-dàng như là những viên thuốc cảm sốt.

Thật là lạ kỳ, nó dữ tợn thế mà sao ngậm vào miệng không nghe gì lạ cả,  cũng chẳng đắng cay gì. Thế rồi thần kinh cô được dỗ ngủ, thế rồi nó tê-liệt hẳn, ngăn tim cô đập tiếp, thế là hết. Từ cái sống nóng hổi, say sưa này bước qua cái chết yên lặng kia sao mà phẳng lì, vái phẳng lì không xứng đáng chút nào đối với sự sống vĩ đại và cái chết thê thảm cả. Không, phải đau đớn quằn quại mới được, để nâng cao giá trị của sự sống đẹp và quý giá trị của cái hy sinh thê thảm sự sống ấy.

Nhưng Quá không có gan chết oanh liệt như vậy. Nàng nhớ có nghe ai kể chuyện một cô kia tự tử bằng pháo chà. Ghê quá! Họ nói chất lân nó cháy trong bụng cô ấy, nổ nghe lụp bụp (không biết nói thật hay nói quá) và cô ta lộn nhào kêu khóc rất thảm thương.

Cô không có gan chết oanh liệt mà cả đến chết êm rơ bằng thuốc ngủ, cô cũng do dự nãy giờ. Ai bảo quyên sinh là hèn nhát? Riêng cô, cô thấy phải cam đảm lắm mới tự tử được.

Mỗi lần Quá mở nắp hộp ra là cô rùng mình rồi vội vàng đậy lại. Nhưng rồi cứ muốn mở ra. Mà thuốc ngủ xúi giục chăng? Người ta nói vòng thắt cổ có ma. Đó là ma thần vòng. Người nào bị ma ấy bắt, cứ muốn thắt cổ mãi chiến đấu với nó khổ sở hết sức mà cứ nghe thèm thắt cổ.

Mình bị ma thuốc ngủ bắt hay chăng? Mình không muốn chiến đấu với nó, chỉ sợ nó thôi, nhưng nó vẫn quyến rũ, kêu gọi mình.

Quá lẩn thẩn nghĩ đến tác động sinh lý hóa của chất thuốc ngủ để kéo lùi lại giây phút vĩnh biệt cuộc đời.

Thuốc ngủ sẽ bị tiêu hóa rồi thấm vào cơ thể, làm tê liệt thần kinh. Thần kinh không lay động trai tim nữa, thế là chết, chết trong lúc cơ thể còn nguyên vẹn, mọi cơ quan, một tạng phủ đều lành mạnh. Bộ máy còn tốt và chiếc dây thiều lại ngưng đẩy nó đi, chỉ có thế thôi.

Nhưng nếu nó vì một may mắn nào, dây thiều làm việc trở lại? Trời ơi. Ghê quá!

Quá nhớ lại vụ một thiếu nữ khác tự tử bằng á phiện. Sau năm năm chôn cất, người là lấy cốt cô. Khi bửa hòm ra, họ thấy bộ xương ngồi dậy. Người ta kết luận rằng động tác tê liệt thần kinh của chất ma tuý, sau khi hết hiệu quả, người chết sống lại được trong một vài trường hợp.

Sợ nghĩ vẩn vơ mãi rồi không dám uống độc dược nữa. Quá lội  kéo ý nghĩ của cô trở về mối sầu tuyệt vọng.

Cô nhăn mặt như thuở cô bé sốt rét bị uống kí-ninh rồi nhắm mặt lại, thảy một viên thuốc vào miệng, hớp một ngụm nước rồi nuốt đánh ực một cái.

Ống thuốc còn chẳn mười viên, Quá uống đến mười lần như thế mới hết.

Thế là xong cái khổ dịch uống thuốc và xong một đời. Bây giờ cô đã rơi xuống vực sâu, kêu cứu cũng khó lòng mà ai cứu được. Nhưng cô không sợ hãi lắm đến phải kêu cứu.

Không có gì khó chịu, không đau đớn chút nào. Chết sao mà dễ quá như thế này? Trời ơi sự sống con người quý báu thế kia, tốn công, tốn của thế kia mới gìn giữ được, vậy mà huỷ diệt nó có khó khăn gì đâu! Trời ơi! Quý báu, sự sống quý báu! Trời ơi, đời đẹp biết bao nhiêu!

Trời ơi! Ngày mai, trời lại sáng, ánh thái dương lại soi tươi vạn vật, vạn vật lại reo vui lên! Ngày mai, có kẻ lên đường với hy vọng trở lại đây mà cưới một người, rồi cả hai cùng hưởng hạnh phúc.

Nước mắt Quá bỗng chảy đầm đìa, cô tủi phận không, biết đâu mà nói.

Bỗng cô nghe mi mắt cô nằng nặng và tâm thần dã dượi. Thôi rồi, con ma ngủ đã đến. Quá nằm sải tay sảy chơn, không buồn chống trả lại sự buồn ngủ nó tới mau lẹ quá chừng.

Long dậy một lượt với gia đình. Chàng định đi trước bữa ăn sáng cho khỏi làm rộn người nhà, nhưng khi mấy chiếc va li đã gài lại vừa xong thì cà phê nóng vừa bưng lên.

Cả nhà cùng dùng bữa ăn lót dạ một lượt. Hương bảo rằng Quá còn ngủ. Người biết chuyện đinh ninh rằng cô Quá muốn tránh mặt Long, những người khác cũng không có gì phải ngạc nhiên, cô gái út ấy lười biếng như vậy đã nhiều khi lắm rồi.

Họ ăn bánh mì nguội hôm qua, hấp lại và muối mỡ hành. Bữa ăn cũng khá vui, nhứt là ông bà Nam Thành, ông bà nghe nhẹ nhõm như đang trút gánh nặng.

Hoa lì lợm, tuy không có lý lẽ gì để vui cảm nhưng vẫn can đảm được như thường.

Ăn xong, Long xách va li từng chiếc một ra đường. Vì về bất thình lình nên chàng đón xe đò mà đi chớ không có mẹ lên rước.

Cả nhà đưa chàng ra tận cửa, cà xe chạy khuất dạng rồi họ mới chịu vô.

Thái huyên trang thở ra vì nghe nhẹ gánh mà cũng vì nghe nặng một ngậm ngùi gì khó ta.. Non một tháng trời người con trai ấy đã làm huyên náo không khí trầm lặng ở đây. Hắn đi, sự náo nhiệt đi theo hắn, và Thái huyên trang trở lại quạnh quẽ đìu hiu.

Mãi đến tám giờ, bà Nam Thành mới nhớ lại cô Quá.

- Tư a, con lên coi em nó ngủ gì mà ngủ dữ quá như vậy. Coi nó có đau ốm gì chăng? Bà bảo Hoa như thế.

Hoa vừa cho gà ăn xong, phủi tay rồi vào nhà để lên gác. Cô không thấy gì lạ cả, nhưng lay em rất mạnh một hơi mà không nghe ừ hữ gì, cô mới đâm nghi.

Hoa nhìn quanh quẩn trong buồng và mắt cô dừng lại trước cái ống nhôm cạnh ly nước, cô bước tới cầm ống thuốc lên xem rồi hoảng hốt, cô nhảy xuống thang từng hai ba nấc một, gỗ bực thang kêu lên rầm rầm khiến cả nhà thất kinh.

Ra tới sân cô mếu máu nói:

- Ba má ơi! Hai chị ơi! Con Quá nó tự vận rồi, nó chết rồi!

- Trời ơi! Bốn người đang đứng nơi sân, kêu lên một lượt như vậy rồi đâm sầm chạy vào nhà, trừ bà Nam Thành té xỉu trên cỏ.

Hoa đỡ mẹ lên, dìu mẹ vào nhà và hai mẹ con rống lên khóc. Ba người kia chạy lên tới buồng trên thì mặt mày không còn một chút máu.

Ông Nam Thành lặng lẽ cắn răng mà nhỏ lệ. Trong khi Hương chạy lại rờ em trong một cử chỉ, máy móc của nhà nghề.

- Chưa chết ba à, nó còn nóng hổi, chắc mới uống đây thôi, Hồng ra đón xe! Chị với ba khiêng em xuống.

Hồng tuột thang còn lẹ hơn Hoa hồi nảy nữa, trong khi ông Nam Thành chạy lăng xăng. Rốt cuộc ông nói:

- Thang đứng mà hẹp quá, khiêng không được đâu. Thôi để một mình ba cõng em con.

Ông Nam Thành đỡ xốc con lên. Hương giúp cha, xô áp em vào lưng ông. Cô lấy khăn tay cột em lại trước cổ ông Nam Thành nếu không, Quá không ôm cổ được, sẽ ngã ngửa ra.

Ông Nam Thành run rẩy bước xuống thang, miệng lẩm bẩm:

- Vái trời cho kịp.

Không sao đâu ba, Hương an ủi ông. Con nhớ lại thì đó là thứ viên nhỏ cho trẻ con. Viên nhỏ và trong hộp chỉ còn phân nửa thôi, thì chẳng đến đổi gì.

Bà Nam Thành chạy lại ôm con khi ông xuống tới đất, rồi bà đi theo sau ông, vừa đi vừa khóc kể như đưa đám ma.

Ông Nam Thành và Hương đưa Quá xuống nhà thương Bà Chiểu. Bôm rửa, chọc cho nôn ọe, đổ cà phê, tiêm chất kích thích, độ một tiếng đồng hồ thì Quá tỉnh dậy được.

Bác sĩ nhà thương xác nhận lời của Hương: uống thuốc độc không lâu, và liều thuốc khác nhẹ.

Ông Nam Thành kéo ghế lại sát giường con, rồi hai cha  con nhìn nhau lặng lẽ khóc. Ông Nam Thành hiểu được tâm trạng của con, thương cho tình thế của con và hối hận đã quên nghĩ đến con lúc lui về vườn. Lui về vườn là việc tốt đối với ông. Nhưng con gái sắp lấy chồng mà cho đi an trí như vậy, ông mới nhận thấy là tội nghiệp.

Ngồi trong buồng nhà thương, ông mới nghĩ đến những việc về lòng người, trước kia không bao giờ thoáng qua óc ông: những cô gái quê thì ở thôn quê vẫn lấy chồng dễ dàng như thường nhưng gái chợ đổi chỗ ở thình lình trong thời cưới gả thì không phải lúc. Giang sơn nào, xã hội nấy.

Mãi đến trưa, ông Nam Thành mới ra về, sau khi hôn lên trán con như Quá còn nhỏ em lắm vậy. Ông đứng ở cửa phồng bịnh mà căn dặn mãi cô con gái lớn:

- Đừng quên cho em uống cà phê.

Từ sáng đến giờ, nhà thương bắt người bịnh uống hết cà phê nầy đến ly cà phê khác, cốt lấy chất kích thích ấy chống lại với chất an thần quá mạnh là thuốc ngủ kia.

Thấy nhà có việc lộn xộn và nghe bà Thái-huyên (người ta gọi tắt hai ông bà như vậy) khóc lóc kể lể, và cô Quá được  chở đi cấp tốc, những người ở lối xóm chạy đến hỏi thăm lăng xăng.

Mặc dầu bứt rứt về số mạng con, bà Nam Thành vẫn phải rán trấn tỉnh bịa chuyện để cắt nghĩa cho trôi vụ đó.

- Nó ăn nhằm nấm đội. Nội nhà không ai ưa nấm hết nên ai cũng chỉ ăn vài tai thôi. Một mình nó ăn hết cả dĩa nên mới nặng như vậy. Nó bắt đầu đau bụng hồi mười một giờ khuya, mà phải đợi đến sáng mới chở đi nhả thương được.

Khách về hết, bỏ bà Nam Thành ở lại với nỗi lo lắng của bà. Bà ngồi ở phòng tiếp khách mà ngó mãi ra đường, mỗi lần thấy xe lên bà hồi hộp ngóng cổ dòm ra, xe qua mà không ngừng, bà thất vọng và lo rình chiếc khác.

Lúc đồng hồ gõ mười một tiếng, bà chịu không được nữa, định sai Hồng đi xem thử thì một chiếc xe đò ngừng lại trước trại.

Nội nhà ngó ra rồi mừng rỡ thấy ông Nam Thành bước xuống xe, thong thả đi vào nhà. Dáng điệu của ông là tin lành giúp họ an lòng được ngay.

Gần tới nhà, ông đã nói lớn từ ngoài sân:

- Không sao, sợ nhiều nhưng hại ít. Mai mốt là nó về được.

Bà Nam Thành thở ra nhẹ nhõm.

Bữa cơm trưa hôm đó, tuy thiếu hai người, nhà tuy vắng vẻ sau khi người khách đã đi, tuy vừa qua một thảm kịch, cũng vui vẻ được. Đó là cái mừng chết hụt nó đánh bẹp tất cả lo âu khác và khó khăn, khổ sở nào cũng bị đẩy lùi ra hàng sau cả.

- Chỉ hai ba ngày là nó khỏi, ông Nam Thành lặp lại, giọng bằng lòng lắm.

- Nhưng không biết bao giờ nó mới khỏi được việc khác, bà Nam Thành thấy cần tốp bớt lạc quan của ông nên nói thế.

Ông Nam Thành như không thèm để ý tới lời đó, nói với Hồng:

- Ngày mai con xuống thay thế cho chị con để nuôi em, rồi mốt tới phiên con Hoa.

Mấy chị em lại một lần nữa, biến thành nữ khán hộ, nhưng là nầy con bịnh là người nhà chớ không phải chàng thanh niên đẹp trai và sanh chuyện nữa.

Ba cô nuôi em vừa đủ mỗi người một phiên thì bác sĩ cho về.

- Thôi con đừng buồn nữa. Vài bữa về Saigon rồi ở luôn dưới ấy với má.

Ba Nam Thành dỗ ngọt Quá mà bà để trên gác cho cô yên nghỉ.

Cô Quá chết hụt, hết nghe muốn chết nữa. Sầu tình của cô cũng biến đổi khác lại. Đây là một sự chán nản, một sự rỗng không. Cô chưa được yêu lần nào. Mối tình của cô là một ảo ảnh. Ảo ảnh tan là không còn gì cả trong lòng cô. Kỷ niệm không có thì ngậm ngùi cũng không.

Không khí Thái huyên trang chẳng những trở lại với sự cô quạnh trước mà còn đượm hơi hám bẽ bàng. Niềm riêng của người này người kia không rõ thấu được, tuy vẫn biết nó thuộc vào loại nào. Nhưng những cô gái thẳng thắn ấy không xấu hổ vì họ đã yêu. Họ chỉ mắc cỡ với nhau vì vô tình họ đã yêu trùng một người. Vô tình thì không tội lỗi gì cả, nhưng lại là cái tội chọn liều, vì người yêu quá hiếm hoi.

Tuy vậy qua vài ngày thì sự thương mến len lén trở lại, ban đầu hơi bỡ ngỡ một chút, rồi dạn lần ra, rốt cuộc mấy chị em làm lành lại với nhau được và thương mến nhau như cũ.

Gia đình Thái huyên trang là một gia đình nề nếp là một gia đình hòa thuận thì cơn sóng gió nào cũng chỉ là cơn sóng gió qua đường thôi. Lẽ phải ở đây luôn luôn vượt lên trên, và sự tranh giành chỉ là những phút điên phù du.

Vì vậy tuần sau, lên chơi đay, bà chủ không ngờ bảo tố dữ dội đã qua đó.

Bà Phủ lịch sự, không hề nói lên đó để tạ ơn tạ nghĩa gì. Bà chỉ viếng thăm thường thôi, mặc dầu có mang quà xứng đáng lên.

Bà không quên cho hay tin tức về Long, tên mà ai cũng nóng lòng nghe, nhưng bà cho hay một cách kín đáo, cố tránh dài dòng và tìm nói về gia đình này hơn là nói đến con mình.

Người được bà phủ hỏi đến nhiều hơn hết là cô Hồng. Thấy rõ là Long có nói ý định của chàng cho mẹ nghe.

Nhưng bà Phủ khéo quá, chia đều cảm tình của bà ra, thành thử không cô nào phải tủi thân hết, mặc dầu ai cũng thấy được là chuyến đi của bà hôm ấy là chuyến đi coi dâu, và cô nào được chọn thì cô đó là dâu hờ của bà.

Long ngồi trước tờ giấy trắng một hơi, rồi buông viết đứng lên đi ra ngoài.

Từ hôm về Saigon đến nay, không ngày nào chàng không sửa soạn để viết thơ cho Hồng. Nhưng muốn viết thơ cho Hồng mà khỏi ai nghi kỵ thì phải viết cho những người khác trong nhà. Đó là khổ dịch mà chàng chưa tìm được can đảm để làm.

Đi qua đi lại một hơi, chàng buồn cười cho thái độ đà điểu của mình, nên quả quyết trở vô ngồi lại bàn giấy.

Bức thơ đầu chàng viết cho ông bà Nam Thành, nói chuyện nhớ ơn, nhớ Thái huyên trang, hỏi thăm sức khỏe ông bà, hẹn sẽ lên thăm viếng ông bà và xin phép ông bà để gởi thơ riêng cho bốn cô con gái.

Thật là chán phèo, công việc viết một bức thơ xã giao như vậy. Long hì hục mãi mới viết xong, y như một học trò lớp ba làm bài tác văn đầu tiên.

Chàng chọn giấy thật dầy, để viết thơ nầy và ba thơ khác. Bức thơ thứ năm sẽ viết trên giấy thật mỏng, để người ta ngỡ chàng viết lấy lệ cho người đó, không có gì để nói cho nhiều.

Thơ cho cô Hương cũng là một bức thơ xã giao, hơi dễ viết hơn thơ cho ông bà Nam Thành, vì đùa cái tài lang băm của ân nhân cũng đã đầy nửa trang giấy rồi.

Hai bức thơ khó nhứt là thơ cho hai cô Hoa và Quá. Làm thế nào cho hai cô trở về với lẽ phải mà khỏi nói rõ ràng gì cả.

Hai bức thơ ấy, Long phải khổ sở tới tối mới viết xong. Đây là sự hy sinh cần thiết, không qua hai ải khó đó thì không đến Tràng An được.

Tràng An  là một bức thơ tràng thiên nói gì không ra gì mà chàng lại ham viết.

Em Hồng.

“Anh đã liều mạng kêu em bằng em. Em không phản đối nên nay anh cũng xin kêu như thế trong thơ. Thơ này sẽ qua hai bác kiểm duyệt hay không, anh chưa biết. Nhưng dẫu nó có lọt vào tay hai ác, chắc cũng chẳng hề gì. Em không có thái độ nào trải đạo cả và anh sắp xin cưới em.

Có cần chi nói rằng ngày đêm gì anh cũng nghĩ đến em luôn hay không.

Ở đây nhiều đèn quá, chơn trời của anh là hẹp, ra sân ngó lên trời chỉ thấy một mảnh đen nhỏ xíu, như đang ở dưới miệng giếng. Thành thử anh không tìm được con sao hôm của chúng ta.

Nhưng không tìm được nó trên không, anh phải cố tìm nó mãi trong trí tưởng của anh và vì thế anh cứ nghĩ đến em...”

Đại để như vậy từ đầu đến cuối thơ. Bọn trẻ yêu nhau, sao mà nói nhiều được những cái không có gì hết. Long viết mãi mà không dừng được vì đó không phải là những câu chuyện có đuôi.

Thơ đi rồi thì bà phủ về. Long nhìn mẹ cười ngỏn ngoẻn như trai mười tám ngày xưa mắc cỡ vì chuyện vợ con. Bà phủ cũng cười mà nói:

- Con chọn lựa cũng khéo đó. Nó dễ thương lắm mà cũng xinh đẹp, gia đình xem ra có đức, mấy chị em của nó cũng có nết. Nhứt là nấu ăn thì má vừa lòng lắm...

Trong bữa cơm tối, bà Phủ trở lại chuyện đó.

- Nhứt gái hơn trai, nhì trai hơn một, con hăm bảy nó hăm sáu là hợp lắm. Con muốn chừng nào má cậy mai lên trên ấy? Theo chỗ má biết, qua câu chuyện với ông bà Nam Thành thì mình với nhà đó có người quen chung. Vậy thì tiện việc lắm, người quen chung đó là mai dong đắc lực đa.

- Ai đó vậy má?

Ông bà thông Tài, ngày trước có làm việc với ba con và cũng có làm cùng tỉnh với ông Nam Thành.

- Nhưng má có vui lòng hay không? Nhà đó nghèo lắm.

- Má dư biết. Mà mình có cần gì thông gia với nhà giàu đâu.

- Má thật ít có người bằng. Thôi, con an lòng rồi mà để thủng thỉnh rồi con tính.

- Mày còn tính cái gì nữa, mầy già rồi đó, không lo, ế vợ chết.

Long cười hì hì:

- Nếu không lo, con đâu xó xin má lên trên ấy. Đời bây giờ khác xưa má à, con trai ba mươi chưa già đâu.

- Tao cứ muốn lo cho xong. Tao chết ngày nào ai biết được...

- Má khỏi lo, để con tính xong chuyện khác, rồi sẽ tính đến chuyện đó liền.

Chuyện khác ấy là chuyện cô Hoa, một người bạn hiền lành của chàng, làm công chức, mà lý tưởng là cưới một cô vợ ở nhà quê mà có học.

Chàng sẽ làm người mai trước khi làm rể. cô Hoa sẽ được hạnh phúc và không khí Thái huyên trang sẽ an vui.

Còn cô Quá? Nhưng thế nào Bằng cũng lo cho cô em út nầy.

Cô Hương thì thủ phận lắm, không gây rắc rối cho ai cả.