Thượng Quan Kỳ đắn đo: “Không những mình bị thương mà mấy ngày lại chưa ăn uống gì. Tuy con vượn này nhỏ nhưng lại cao đến hơn hai thước, tất khí lực của nó mạnh lắm”.
Chàng còn đang suy nghĩ thì con vượn từ từ đi đến trước mặt.
Chàng toan ngồi dậy để kháng cự song lại nghĩ rằng:
- “Chỗ này tuy có đầm nước uống khi khác nhưng lại không có gì để ăn, dù không gặp sự gì nguy hiểm nhưng rồi cũng đi đến chết đói. Âu là giả vờ như không biết gì để mặc cho con vượn nhỏ lông vàng kia muốn làm gì mình thì làm”.
Chàng liền nhắm mắt lại, nín thở nằm yên không nhúc nhích. Bỗng thấy bàn tay đầy lông lá nhẹ nhàng để lên trên mặt chàng rồi rút lại ngay.
Thượng Quan Kỳ hé mắt nhìn xem thí thấy con vượn đã đứng ra ngoài sáu bảy thước. Nó đang thu mình tựa như sắp nhảy xổ vào.
Hai mắt nó tròn xoe nảy lửa, chăm chú nhìn chàng.
Lát sau, nó bước đến vừa đi vừa lắc lắc cái đầu, vươn tay ra sờ lên người Thượng Quan Kỳ. Thượng Quan Kỳ đã không còn sống.
Chàng thấy nó đưa tay sờ lên người mình không khỏi gờm gờm, chàng lại nhắm mắt lại. Lúc đầu chàng cảm thấy khó chịu, dần dần chàng bình tĩnh trở lại thì thấy tay nó mềm mại dễ chịu nên không chán ghét nó nữa. Sau lại thấy nó đưa tay lên sờ khắp người chàng và có vẻ bạo dạn hơn trước. Toàn thân chàng cảm thấy khoan khoái. Đột nhiên nó lại rụt tay về, Thượng Quan Kỳ mở to mắt ra nhìn thì đã thấy nó đã co mình chạy về phía vách núi, tay bám vào dây leo thoăn thoắt trèo lên, ẩn vào phía sau vách đá không thấy đâu nữa.
Thượng Quan Kỳ thấy con vượn đi rồi, trong lòng cảm thấy bâng khuâng mong nó trở lại. Bất giác chàng đưa mắt nhìn lên vách núi chỗ có mỏm đá nhô ra thấy có ánh vàng động đậy. Có đến bốn con vượn lông vàng đang bám dây leo trèo xuống. Mỗi con trên lưng đều mang một túm dây leo. Bốn con xuống rất mau và lần này không do dự chạy thẳng đến trước mặt Thượng Quan Kỳ.
Thượng Quan Kỳ tự hỏi:
- “Không biết mấy con vật này có ý định gì với mình. Đằng nào mình cũng chết thôi thì để yên xem chúng làm gì!”.
Nghĩ vậy chàng cảm thấy bình tĩnh trở lại và nhắm mắt nằm yên.
Bốn con vượn đi xung quanh mình Thượng Quan Kỳ miệng kêu “Khẹc, khẹc” tựa hồ như tranh giành một thứ gì. Thượng Quan Kỳ tựa hồ như không còn sợ hãi một thứ gì nữa. Trái lại, chàng nghĩ mình lạc vào khe núi tịch mịch này, tuyệt không có dấu chân người, nếu được mấy con vượn này làm bạn càng hay.
Chàng thấy chân tay mình bị đưa hạ xuống, rồi cả thân mình cũng bị khiêng lên.
Chàng mở mắt ra nhìn, nhưng lại sợ làm kinh động chúng, chúng sợ chạy mất nên đành bỏ tính hiếu kỳ, cứ nhắm mắt nằm im mặc kệ chúng.
Sau chàng thấy hai chân bị quấn lại, tiếp đến bị trói chặt cả thân mình trong lòng không khỏi kinh hãi. Chàng mở mắt ra nhìn thấy bốn con vượn lông vàng tay con nào cũng cầm dây sắn đang buộc mình. Chàng ngấm ngầm vận nội lực định làm cho dây đứt, song thấy kinh mạch đau nhói lên nên không dám vận động nữa.
Bốn con vượn chân tay rất nhanh, chỉ trong khoảnh khắc đã lấy dây trói chặt toàn thân Thượng Quan Kỳ rồi hợp sức khiêng lại vách núi.
Chàng thấy mình mở mắt ra nhìn mà bốn con vượn vẫn không sợ, chúng há miệng nhe răng ra cười rồi để chàng xuống, chúng nhảy múa với nhau ra chiều vui thích.
Bốn con vượn nhảy múa một hồi, đột nhiên một con hú lên một tiếng dài, nó nhảy lên cao đến bốn thước nắm vào đầu dây xoắn thòng xuống, cả chân tay nó bám vào trèo lên thoăn thoắt rất mau. Chớp mắt đã lên cao đến trăm trượng, đến chỗ góc núi nhô ra.
Một con nữa cũng trèo lên theo.
Hai con ở dưới đất buộc đầu dây phía trên thòng xuống đất trói mình Thượng Quan Kỳ lại xong chúng ngẩng đầu lên hú một tiếng dài. Hai con vượn đứng bên trên nghe tiếng hú lập tức rút dây kéo Thượng Quan Kỳ lên.
Lên đến lưng chừng Thượng Quan Kỳ nhìn xuống thấy hai con vượn dưới đáy vực đang ngẩng đầu nhìn lên, bất giác chàng bật cười lẩm bẩm:
- “Té ra Thượng Quan Kỳ này để cho mấy con khỉ làm trò”.
Chàng thấy thân mình mỗi lúc một lên mau rồi đột nhiên bên tai nghe có tiếng gì lạ lạ.
Chàng định thần nhìn kỹ thì ra mình đang nằm trên một phiến đá trong thạch động, cửa động này vào rất sâu có đến hai thước. Vì có tảng đá nhô ra nên trong động nhìn ra chẳng thấy gì.
Hai con vượn sau khi kéo Thượng Quan Kỳ lên xem chừng mệt nhọc, tựa người vào phiến đá nơi cửa động nghỉ ngơi, miệng kêu chí chóe ra chiều vui thích.
Đột nhiên lại nghe thấy những tiếng hú dài.
Thoáng cái đã thấy hai con vượn dưới đáy vực cũng lên tới nơi. Cả bốn con nhảy múa một lúc rồi khiêng Thượng Quan Kỳ vào trong thạch động.
Thượng Quan Kỳ để ý quan sát, thấy thạch động này khô khan, sâu rộng.
Bốn con vượn khiêng mình quanh co bốn năm lượt rồi để xuống. Đây là căn thạch thất có hai ngăn, dưới đất trải cỏ khô mềm mại, nằm lên trên duỗi chân ra chẳng khác gì nằm trên giường nệm rất dễ chịu.
Đột nhiên bốn con vượn tranh nhau chạy ra. Chẳng lâu sao bốn con lại quay về tranh nhau vô trước, đến bên Thượng Quan Kỳ thì dừng lại. Trong tay lông lá của chúng đều cầm trái đào đưa cho chàng. Chàng đã mấy ngày đêm nhịn đói, vừa thấy mấy trái đào thơm ngon to lớn, thèm nhỏ rãi ra nhưng tay còn bị cột chặt nên không với lấy được. Một con vượn tinh khôn phát giác ra tay chàng bị trói vội chạy lại cởi dây trói cho chàng.
Thượng Quan Kỳ vừa thò tay ra được vội cầm đào ăn ngay, ngon ngọt lạ thường.
Ba con vượn kia đặt đào xuống đất, miệng kêu “Khẹc, khẹc” tỏ ý vui vẻ rồi lại chạy đi.
Thượng Quan Kỳ ăn hết bốn trái đào, trong bụng đỡ đói, tinh thần hồi phục, nhắm mắt nghỉ một lúc rồi tự mình cởi hết dây trói ra, vịn tay vào vách đá đứng dậy một lúc. Tuy kinh mạch bị thương nhưng chàng vẫn có thể đi đứng được, có điều không thể vận động nội lực, võ công mất hết. Bất giác chàng than thầm:
- “Mình ở trong động thâm sơn cùng cốc này dù không bị hổ báo ăn thịt thì cũng khó lòng ra khỏi nơi đây”.
Thượng Quan Kỳ đang than thở bỗng thấy một con vượn lông vàng cực lớn chạy vào. Con vượn này cao bằng đầu người, toàn mình lông vàng, tay dài quá đầu gối, mắt đỏ tròng vàng, lông trên đầu dài như tóc rũ xuống vai. Nó tỏ ra có sức khỏe phi thường, ai trông thấy cũng phải khiếp sợ. Theo sau đó là bốn con vượn nhỏ, chỉ cao bằng một nửa.
Thượng Quan Kỳ há hốc miệng ra nhìn, tuy chàng sợ nhưng cũng chẳng làm thế nào được. Dù có bị tát chết cũng đành chịu. Bỗng thấy con vượn già thò tay ra, miệng kêu “Khẹc, khẹc” như muốn nói chuyện với người. Chàng thấy vậy trong lòng bình tĩnh trở lại nhưng chẳng hiểu ý nó ra sao nên đành chỉ mỉm cười, rồi nằm xuống đống cỏ êm ái.
Con vượn già thấy vậy vẫy tay cho bốn con vượn nhỏ lui ra, rồi nó cũng từ từ đi ra luôn. Chàng biết là giống vượn này có linh tính, muốn để một mình chàng nằm yên tĩnh nghỉ ngơi. Thế rồi chàng nhắm mắt ngủ đi lúc nào không biết.
Sau một giấc ngủ, chàng thấy trong mình khỏe khoắn hơn nhiều, chỉ có cái là không vận khí được còn ngoài ra đều không có gì khác thường.
Thời gian thấm thoát, Thượng Quan Kỳ đã ở trong thạch thất này được mười ngày. Trong mười ngày này, con vượn lớn ít khi xuất hiện, chỉ có bốn con vượn nhỏ đi kiếm trái cây đưa cho chàng ăn.
Một hôm vào lúc trời tối, đột nhiên con vượn già và bốn con vượn nhỏ chạy vào nhà đá, nắm lấy tay Thượng Quan Kỳ lắc mãi, miệng kêu “Khẹc, khẹc” loạn lên, mặt lộ vẻ hoảng hốt.
Thượng Quan Kỳ tuy ở với chúng gần nửa tháng nhưng vẫn không hiểu được chúng. Lần này thấy chúng có vẻ hoảng hốt chàng đoán là nếu không có gì nguy hiểm cũng không có sự gì vui mừng lắm đâu.
Con vượn lớn kéo tay chàng mỗi lúc một mạnh, tiếng kêu cấp bách hơn, chàng đành phải đứng dậy. Con vượn lớn thấy Thượng Quan Kỳ đứng lên rồi nó không lắc tay chàng và cũng không kêu nữa. Thượng Quan Kỳ do dự một lúc rồi đi theo nó, bốn con vượn nhỏ cũng đi sát bên chàng.
Thượng Quan Kỳ đi theo con vượn hết bảy tám khúc đường thì đến một khu rộng rãi. Bỗng con vượn lớn hú lên một tiếng dài rồi tung mình nhảy xuống.
Trời tối đen như mực, không rõ cảnh vật phía trước. Thượng Quan Kỳ thấp thấy con vượn lớn, rồi lờ mờ thấy bóng nó chập chờn, tựa hồ như ở một quãng đất rộng rãi biến vào trong bóng tối.
Thượng Quan Kỳ nghĩ thầm:
- “Chỗ con vượn vừa nhảy này xem chừng sâu lắm mà mình thì mất hết công lực không dùng khinh công được thì làm sao nhảy xuống”.
Chàng đành từ từ đi về phía trước.
Đi được một trượng, cúi đầu nhìn xuống thấy chỗ này cao chừng hơn trượng.
Bỗng thấy bốn con vượn nhỏ nhảy cả xuống xem chừng không có gì nguy hiểm.
Chàng cũng đánh bạo nghiến răng nhảy theo. Vừa nghe “huỵch” một tiếng, chàng ngã lăn ra, đầu nhức tai ù, toàn thân đau đớn.
Hồi lâu chàng mới ngồi dậy được thì năm con vượn đã đi đâu mất.
Chàng sờ tay vào chỗ mình ngồi thấy mềm thì biết rằng đã ra khỏi hang đá và chỗ này là đất rồi, tinh thần phấn chấn, chàng cố gượng đứng lên đi về phía trước. Bỗng thấy có ánh sáng, chàng ngẩng đầu nhìn lên thấy trên trời dày đặc những sao. Gió thổi hiu hiu đưa mùi thơm hoa lại.
Thượng Quan Kỳ mừng thầm mình đã ra khỏi hang đá, chỗ này rộng rãi đủ các loại hoa cỏ là có hy vọng sống được đây.
Bất thình lình có tiếng vượn hú xa xa vọng lại. Bốn con vượn nhỏ dường như sợ hãi lắm, chạy về phía sau lưng Thượng Quan Kỳ nấp lại. Chàng nghe thấy tiếng hú lớn hơn, bốn con vượn nhỏ cũng vừa kêu vừa hú đáp lại, tựa hồ như để trợ oai cho tiếng hú kia.
Đột nhiên bốn con vượn đưa tay nắm lấy áo Thượng Quan Kỳ lôi đi.
Thượng Quan Kỳ chợt tỉnh ngộ nghĩ thầm:
- “Phải rồi đây, chắc con vượn lớn gặp phải cường địch, nó không đánh nổi nên kéo mình ra đây để trợ giúp”.
Chàng lắng tai nghe, quả nhiên văng vẳng có tiếng hú dữ dội giống như tiếng con vượn lớn. Tiếng hú mỗi lúc một thê thảm, chói tai khiến người nghe ù cả tai.
Bốn con vượn nhỏ nghe thấy tiếng hú cũng kêu ầm lên những tiếng lạ lùng.
Hai con kéo vạt áo Thượng Quan Kỳ, còn hai con kia đẩy chàng đi về phía trước.
Thượng Quan Kỳ bị bốn con vượn nhỏ lôi kéo, không tự chủ được đi về phía trước chừng hơn một trượng thì đến một khu rừng rậm. Chàng thấy hai con vượn lớn đang đánh nhau, một con lông vàng, một con lông đen. Chúng nhe nanh, giơ vuốt nhảy xổ vào cấu xé nhau rất mãnh liệt.
Con vượn vàng thấy Thượng Quan Kỳ đến càng trổ tài phấn đấu. Đột nhiên hú lên một tiếng dài, co mình lại nhảy lên trên không lộn đi mấy vòng, huy động cả chân tay nhanh như cắt đánh xuống con vượn đen.
Con vượn đen lui về phía sau để tránh rồi cũng nhảy lên đánh trả rất mãnh liệt. Đột nhiên hai con vượn lớn nhảy lên không trung đánh nhau rồi té xuống đất “Huỵch” một cái, đất cát bay mù mịt. Thế mà chúng vẫn chưa chịu buông tay, chúng nắm lấy đám lông dài quấn nhau, lăn đi lộn lại trên mặt đất, chân đá tứ tung, miệng gặp đâu cắn đấy. Con nào cũng liều chết chiến đấu.
Bốn con vượn nhỏ buông Thượng Quan Kỳ ra, hú lên một tiếng thật to rồi nhất tề nhảy xổ vào đánh con vượn đen.
Dè đâu con vượn đen to lớn, tuy không rảnh tay đối địch với bốn con vượn nhỏ nhưng nhờ có da dầy, lông rậm để che đỡ. Đột nhiên nó lăn mình về phía sau hất mạnh vào bốn con vượn nhỏ. Bốn con nhỏ bị xô mạnh quá ngã lăn ra xa bốn năm thước kêu “Khẹt, khẹt”.
Con vượn lớn thấy bốn con vượn nhỏ bị thương lại càng tức giận, nó thừa lúc con vượn đen phân lực đánh bốn con vượn nhỏ liền cắn con vượn đen một miếng bất thình lình.
Trong bóng tối Thượng Quan Kỳ nhìn một lúc quen mắt, nhìn thấy con vượn vàng hùng hổ nhe răng cắn chặt vào tay con vượn đen. Con vượn đen đau quá gầm lên một tiếng, giựt mạnh tay ra rồi chạy biến vào rừng.
Con vượn lớn chạy đến bên bốn con vượn nhỏ nâng dậy. Thượng Quan Kỳ thấy trong bốn con vượn nhỏ có một con đứng lên không vững kêu luôn miệng, đi được một bước lại ngã lăn ra. Chàng từ từ bước lại xem thấy con vượn nhỏ này bị con vượn đen vật trẹo một chân.
Chàng đưa tay dìu nó đứng dậy rồi cho nó nằm xuống đất, vừa sờ vừa nắn.
Đột nhiên con vượn nhỏ kêu thét lên một tiếng rồi đứng dậy được.
Thượng Quan Kỳ tuy mất hết công lực nhưng thần trí vẫn không bị gì, chàng sờ thấy chân nó sai khớp nên nắn sửa lại được.
Con vượn nhỏ vừa đứng lên thì chàng đột nhiên đầu nhức mắt hoa, ngã lăn xuống đất ngất đi.
Nguyên vì lúc nãy chàng vừa bị ngã, những kinh mạch bị thương lại bị chấn động làm cho khí huyết không lưu thông được dễ dàng, hơn nữa chàng chú ý xem hai con vượn đấu nhau đầu óc bị căng thẳng. Cả về tinh thần lẫn thể chất chàng không chống đỡ nổi nên ngã lăn ra đất ngất đi.
Lúc tỉnh dậy thì cảnh vật đã khác hẳn. Thượng Quan Kỳ thấy mình nằm cạnh gốc cây to có trải cỏ khô dưới đất. Nhìn lên ánh lá phất phơ để lộ một màu trời xanh ngắt. Mùi thơm từng cơn thoang thoảng khiến cho tinh thần chàng dễ chịu. Chàng toan ngồi dậy nhưng kinh mạch chàng cứng ngắt không ngồi dậy được.
Chàng nhớ lại cuộc chiến đấu của mấy con vượn vừa rồi ngẩng đầu lên nhìn. Đột nhiên có vết máu đỏ, chàng nhìn kỹ lại thì bất giác thất kinh vì bên đống máu thấy vô số lông vàng cùng mấy đốt tay bị gãy. Đúng là con vượn nhỏ chết rồi. Chàng không khỏi bâng khuâng vì mình đã bầu bạn với đám vượn này gần nửa tháng trời.
Chàng đang bâng khuâng trong dạ bỗng nghe một tiếng gầm thật lớn, một con vượn đen to tướng đứng trước mặt. Con vượn đen tay bên trái dấu cắn bị thương vẫn còn.
Thượng Quan Kỳ không hiểu con vượn đen này muốn làm gì mình. Nhưng dù sao cũng đành để mặc vì không còn hơi sức chống cự nữa. Bỗng thấy nó từ từ vươn tay ra, móng nhọn hoắc sờ vào mặt mình. Chàng khẽ thở dài một tiếng than thầm: “Thế là xong đời!” rồi chàng nhắm mắt lại.
Con vượn đen sờ vào người Thượng Quan Kỳ một lúc rồi đột nhiên ôm lấy chàng chạy phăng phăng đi. Thấy gió tạt vào mặt mát rượi chàng biết nó chạy nhanh lắm. Chàng bị thương nặng nhưng còn ngoảnh đầu lại được, thấy hoa cỏ thoáng qua mặt luôn luôn thì biết rằng con vượn đang ôm mình chạy vào rừng rậm.
Chạy một lúc con vượn đột nhiên dừng lại, tai chàng nghe thấy tiếng một người đàn bà hỏi:
- Ngươi ôm cái gì đấy?
Giữa chốn thâm sơn cùng cốc không có một bóng người qua lại, Thượng Quan Kỳ đột nhiên nghe thấy tiếng đàn bà, lòng rất đỗi nghi ngờ nhưng vẫn chưa nhìn ra được người nói đó đứng ở chỗ nào, con vượn đen kêu lên hai tiếng “Khẹt, khẹt”.
Nó ôm Thượng Quan Kỳ trong một tay mà tung mình nhảy lên cao đến bốn năm thước, đồng thời đưa tay kia vớ lấy một cành cây, chằng mình một cái đã ngồi lên chỗ chăng ba rồi đi trên một thân cây to bằng miệng bát.
Đột nhiên Thượng Quan Kỳ thấy tối om, dường như con vượn đen đã đem mình vào trong một phòng kín.
Con vượn đen rất tinh tế, nó đặt chàng xuống rồi quay ra cửa ngồi.
Thượng Quan Kỳ chú ý nhìn chung quanh thì đây là một gian nhà làm bằng cành cây. Trong góc nhà, dây mây chằng chịt thành một cái giường nằm. Trên giường có một người đàn bà đứng tuổi, da mặt vàng nhợt ngồi đó. Quần áo nàng đã rách tươm để hở cả da thịt ra.
Thượng Quan Kỳ nhìn kỹ thì người đàn bà này trước kia có lẽ đẹp lắm, nhưng bây giờ má đã nhăn nước da lại vàng, tựa hồ như một bà già. Nhưng da thịt trong mình trông rất nõn nà. Người đàn bà trông thấy Thượng Quan Kỳ không biết là sợ hay mừng. Nàng ngây người ra một hồi rồi mới hỏi:
- Phải chăng y đánh tướng công rồi...?
Trong nhà chỉ có hai người và một con vượn. Vậy thì tiếng “y” đúng là nói con vượn rồi.
Thượng Quan Kỳ lắc đầu đáp:
- Tại hạ bị kẻ thù đẩy xuống vực sâu, nhưng may rớt trúng vào giữa đầm nước nên chưa chết. Song ngũ tạng kinh mạch đều bị thương tổn chứ y không làm gì tại hạ cả.
Hai người dùng tiếng người nói chuyện với nhau, con vượn đen lớn ngồi nghe không biết có hiểu hay không. Nó đứng lên kêu “Khẹt, khẹt” hai tiếng.
Người đàn bà đứng tuổi bắt chước con vượn đen kêu lên mấy tiếng.
Con vượn đen tung mình nhảy đi.
Thượng Quan Kỳ rất lấy làm lạ hỏi:
- Thưa cô nương! Cô nương hiểu tiếng vượn ư?
Người đàn bà đứng tuổi mặt ửng đỏ than rằng:
- Ta đã già rồi, từng chôn sống cái xuân xanh hơn hai chục năm nay trong căn nhà này.
Thượng Quan Kỳ cả kinh hỏi:
- Cô nương ở đây đã hai mươi năm ư?
Người đàn bà cúi đầu xuống trầm ngâm một lát rồi từ từ ngẩng đầu lên nói:
- Nơi đây không có vết chân người, ta đã cùng giống vượn kết đôi hai mươi năm nay. Trong khoảng thời gian hai mươi năm nay, đối với một cô gái đang tuổi xuân thì đau khổ biết dường nào!
Ngừng một lát, nàng nói tiếp:
- Trong cuộc đời này ta còn nói đến chuyện ra khỏi chốn thâm sơn này chẳng hóa ra tướng công cảm thấy buồn cười lắm ư? Không những ta kết đôi với vượn mà...mà...
Thượng Quan Kỳ là người thông minh, thấy nàng ấp úng không nói hết lời thì biết rằng trong lòng nàng có chỗ đau khổ dị thường. Thốt nhiên chàng trổ lòng nghĩa hiệp nói rằng:
- Tại hạ bị trọng thương, dù không bị ngoại lực sát hại thì cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Cô nương có cần điều chi, tại hạ sẽ tùy theo sức mình hết lòng giúp đỡ.
Người đàn bà tủm tỉm nói:
- Ta còn nhớ lại thuở nhỏ, thân mẫu ta gọi ta là A Liên. Nơi đây trừ loài vượn và thú ra, chỉ có ta là người. Đừng nói tướng công trong người bị thương không cứu được ta, mà giả tỷ có khả năng cứu được ta đi nữa nhưng kiếp này ta không muốn rời nơi đây nữa.
Nàng buồn rầu ảm đạm, ngẩng đầu lên nhìn đám dây leo buộc lại thành mái nhà, nước mắt tầm tã, giọng nói thê lương nàng tiếp:
- Trước đây hai mươi năm, lúc ta mới mười tám tuổi. Một hôm vào lúc giữa trưa trong thôn ta ở đột nhiên có con kim tiền báo rất hung dử chạy đến. Liền một lúc nó cắn chết hơn mười người trong thôn, nhà nào cũng sợ hãi đóng cửa cài then bỏ cả gia súc mặc cho nó bắt ăn. Từ đó nó thường lui tới thôn ta tàn sát súc vật.
Những người trong thôn ta không dám đi đâu, đường xá vắng tanh, ruộng đất bỏ hoang. Ai cũng thấy rõ nguy cơ thì đột nhiên có một con vượn đen xuất hiện đánh nhau với con kim tiền báo...
Thượng Quan ngắt ngang:
- Phải rồi! Chắc là con vượn đen trừ đi đại họa cho quí thôn. Người trong quí thôn cảm kích rồi đem cô nương...
Chàng không tiện nói hết câu nên ngừng lại. A Liên gượng cười nói tiếp:
- Gia phụ ta là người có danh vọng trong thôn, dù người ngoài có ý đó cũng không ai dám nói ra. Chỉ vì ta động tính hiếu kỳ chạy ra ngoài xem hai con vật đánh nhau rồi bị con vượn cõng đi, gây nên cái thảm trạng làm vợ giống thú.
Thượng Quan Kỳ khẽ thở dài nói:
- Hoàn cảnh của cô nương thật đáng thương tâm!
Rồi chàng cất cao giọng nói tiếp:
- Cô nương đã nhẫn nhục hai mươi năm vậy thì cố nhịn thêm mấy ngày nữa để Thượng Quan Kỳ nghĩ cách đem cô nương về nhà cho cốt nhục đoàn viên.
A Liên lắc đầu đáp:
- Giả tỷ tướng công ra được nơi này ta cũng đành ở đây, không còn mặt mũi nào để về nhìn song thân nữa.
Thượng Quan Kỳ buồn rầu không nói gì nữa.
A Liên gượng sầu làm tươi nói:
- Thôi việc đã qua rồi còn nói làm chi, để ta đi nướng mấy món ăn đãi khách.
Nói xong nàng đứng dậy, quần áo nàng cũ rách quá, phải vớ lấy một mảnh cỏ đen quấn vào mình rồi đi ra cửa. Nàng lấy một miếng đá lửa xát mạnh vào cục sắt cho lửa bật cháy lên vào nắm bông, rồi lấy cỏ khô đốt lên nướng thịt.
Nàng vừa nướng thịt vừa kể tiếp:
- Ta ở với vượn được sáu năm thì sinh được một đứa con. Nói ra tướng công đừng cười, đứa con này tuy người chả ra người, thú chẳng ra thú nhưng nó là cốt huyết của mình sinh ra. Ta đem hết tâm huyết dạy cho nó nói năng, tập cho nó mặc quần mặc áo, hy vọng sau này nó còn giữ được một chút bản chất của loài người.
Nàng chưa nói xong, bỗng nghe thấy một tiếng gọi ấm ớ không đúng hẳn là tiếng người nhưng tựa hồ như tiếng gọi “má, má”.
Thượng Quan Kỳ nhìn ra thì là một đứa nhỏ nửa người, nửa vượn mình đầy lông lá, trên lưng buộc một cái quần cỏ, tay trái cầm một con thỏ rừng, tay phải cầm một trái cây màu đỏ to bằng cái chén. Nó đứng tựa vào lưng A Liên giương hai mắt tròn xoe nhìn Thượng Quan Kỳ không chớp mà cũng không tỏ vẻ gì kinh dị.
A Liên đưa tay lên khẽ vỗ đầu đứa nhỏ nửa người nửa vượn bảo:
- Con mau vào bái kiến thúc thúc đi.
Đứa bé đặt con thỏ và trái cây rừng xuống đất, kéo ngay lại cái quần bằng cỏ đan, kêu lên một tiếng “thúc thúc” rồi lạy hụp xuống đất.
Thượng Quan Kỳ vì kinh mạch cứng đơ không dậy được để nó, chàng nói:
- Đứng dậy đi!
Thằng nhỏ vẫn phục dưới đất quay sang nhìn A Liên.
A Liên gật đầu nói:
- Thúc thúc bảo con đứng lên thì con đứng dậy đi.
Nghe mẹ bảo, đứa nhỏ ngoan ngoãn đứng dậy.
Thượng Quan Kỳ khen thầm:
- “Không ngờ đứa bé nửa người nửa thú mà có lòng hiếu thuận như vậy”.
A Liên nói:
- Thằng bé này từ thuở nhỏ đã theo cha nó vào tận rừng sâu ăn trái cây để sống cho nên mình mọc đầy lông lá. Ít khi nó ở nhà để ta dạy nó nói. Vì thế mà dạy nó được câu nào là nó quên đi. Đến bây giờ mà nó cũng chưa nói được mấy câu. Có điều ta cũng được an ủi là nó một lòng hiếu thảo.
Thượng Quan Kỳ cười nói:
- Đúng vậy! Sỡ dĩ mình đứa nhỏ này mọc đầy lông là vì nó ăn trái cây cùng cỏ nội. Nếu chịu đổi cho ăn cơm gạo thì chẳng bao lâu lông sẽ rụng hết.
A Liên gượng cười nói:
- Tiểu phụ cũng không mong gì hơn là khi tướng công khỏi nội thương, khi ra đi xin cho nó theo. Nếu quả nó rụng hết lông thì thật là phước qua. Xin nhờ tướng công răn dạy nó. Nếu nó không hết lòng thì xin tướng công đưa nó về nhà ông ngoại nó để có người nuôi nấng nó vậy.
Thượng Quan Kỳ nghĩ thầm:
- “Mình đã bị trọng thương không biết còn có được ngày nào ra khỏi chốn thâm sơn này nữa không”.
Bỗng trong đầu chàng thoáng qua một ý nghĩ:
- “Quái nhân trong chùa cỗ vẫn chưa biết ta bị nạn ở đây. Nếu đưa tin được cho lão thì lão có thể cứu được mình cũng không chừng”.
Nghĩ vậy chàng liền nói với A Liên:
- Tại hạ có một việc muốn nhờ chú bé đây giúp cho.
A Liên nói:
- Ta đang tính nhờ họ ông ngoại đặt cho nó một cái tên. Nhưng sau ta nghĩ rằng nó không phải cốt nhục nhà họ Vương mà phụ thân ta lại là người có học, tất không vui lòng. Song vì cha nó là vượn nên ta đặt cho nó là Viên Hiếu. Tướng công muốn sai bảo gì nó thì cứ nói với Viên Hiếu.
Thượng Quan Kỳ nói:
- Phu nhân thật là tài tình. Cái tên đặt nghe hay quá!
A Liên cười nói:
- Tiểu phụ thuở nhỏ có được đọc sách nên cũng hiểu được chút ít nhưng chữ nghĩa sơ sài lắm. Xin tướng công đừng cười.
Thượng Quan Kỳ nói:
- Hiện giờ tại hạ bị thương rất nặng không thể ra khỏi nơi đây ngay được.
Chỉ có một con đường sống nhưng hy vọng lại mong manh và phải nhờ đến sức lệnh lang.
A Liên nói:
- Tướng công muốn sai khiến nó điều chi xin cứ dặn bảo nó. Tuy nó không thông minh bằng người nhưng tính tình trung thực. Chỉ cần tướng công dặn dò nó cặn kẽ quyết nhiên nó không sơ suất.
Thượng Quan Kỳ trong lòng phấn khởi hỏi:
- Không biết lệnh lang có hiểu được tiếng người không?
A Liên cười đáp:
- Xin tướng công đừng vội nóng, để ta nướng mấy miếng thịt hươu cho tướng công ăn tạm rồi hãy dặn nó cũng chưa muộn.
Thượng Quan Kỳ không nói gì nữa ngồi viết thư cho quái nhân.
Chỉ trong khoảnh khắc, mùi thịt chín thơm ngon bay lên ngào ngạt. A Liên đưa thịt lên nói:
- Nơi đây không có bát đũa chi hết. Tướng công dùng tay bốc ăn vậy.
Thượng Quan Kỳ đang đói, thò tay bốc ăn ngon lành. Viên Hiếu lễ phép đúng bên cạnh mẫu thân.
Thượng Quan Kỳ ăn thịt hươu xong thấy có sức lực hơn trước nhiều. Chàng lấy hòn than viết thơ vào mảnh áo như sau:
“Vãn bối bị người áo xanh tàn ác đẩy xuống vực thẳm, kinh mạch nửa người bị cứng ngắc không cử động được. Nếu lão tiền bối có cách gì cứu được xin phúc thơ giao cho gã này đem về”.
Viết xong chàng gọi Viên Hiếu, lấy than gạch xuống đất địa thế ngôi chùa cổ và vị trí căn gác lão quái nhân ở, dặn nó rất cặn kẽ.
Viên Hiếu tuy được mẫu thân khổ công dạy nói tiếng người song vẫn chưa hiểu được rõ ràng Thượng Quan Kỳ muốn nói gì? May có A Liên dịch ra tiếng vượn và giải thích cho nó nghe, thế là nó hiểu rõ ràng cặn kẽ.