Điệp Viên Hoàn Hảo X6

Chương kết

Docsach24.com
ĩnh biệt người anh, người thầy và người đồng nghiệp của chúng ta - Hai Trung, một người anh hùng thầm lặng của Việt Nam, người có nhiều phẩm chất khác thường nhưng nhân ái đến mức ông được cả bạn bè lẫn kẻ thù kính trọng, đến mức phi thường gần như là thần thoại. Bây giờ mọi sự đã khép lại, cầu mong ông được yên nghỉ trong cuộc đời tiếp theo của mình, với tất cả nỗi đau và sự trớ trêu, tất cả bí mật và ký ức về những ngày xa sưa tốt đẹp mà không phải tất cả đều được người đời hiểu đúng, cũng được ông mang theo sang thế giới bên kia.

Nguyễn Quang Dy, lưu bút trong sổ tang của Ẩn, ngày 22 tháng 9 năm 2006

TÔI GẦN HOÀN TẤT bản thảo cuối cùng của cuốn Điệp viên hoàn hảo thì Phạm Xuân Ẩn mất do bệnh phổi vào ngày 20 tháng 9 năm 2006, chỉ tám ngày sau sinh nhật lần thứ 79 của ông. Vì một lý do nào đó mà khi nghe tin Ẩn qua đời, trí nhớ tôi bỗng quay về dịp sinh nhật lần thứ 74 của ông, “là ngày đen tối nhất trong đời tôi”, như ông nói. Sau khi hai chiếc máy bay vừa đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới thì từ phía bên kia của múi giờ quốc tế, ông Ẩn nhận được điện thoại giục bật ti vi lên. “Tôi choáng váng. Tôi không thể thốt lên một lời, và suy sụp kéo dài. Tôi không thể mừng sinh nhật của mình hay làm bất cứ việc gì. Tôi buồn vô cùng”. (1)

Cuộc đối thoại đó diễn ra khi chúng tôi mới gặp nhau. Vài năm sau, ông Ẩn đã tiêu hóa hoàn toàn bản báo cáo của Uỷ ban 11 tháng 9. Trong vòng hai ngày, ông đã nằng nặc đòi tôi lắng nghe phân tích của ông về tình báo Mỹ trước khi xảy ra vụ tấn công.

Ngồi trong phòng của ông, tôi tự ghi cho mình một nhận xét, “Điên rồ tới mức không thể diễn tả bằng lời”, ý nói điệp viên hàng đầu của Việt Nam thời chiến tranh hiện vẫn còn say sưa theo đuổi đề tài về thất bại của tình báo.

Sau này tôi mới biết Ẩn chưa thực sự bước ra khỏi nghề tình báo; ông vẫn còn là “cố vấn” cho Tổng cục tình báo Quốc phòng của Hà Nội mãi đến thời điểm sáu tháng trước khi ông qua đời. “Họ luôn yêu cầu tôi đọc tài liệu rồi phân tích. Họ biết tôi sẽ đưa ra những đánh giá chân thực nhất bởi tôi chẳng cần gì ở họ cả. Nhưng bây giờ tôi mệt quá rồi và nhiều khi tôi không có thời gian đọc tất cả để phân tích theo đúng phương pháp mà tôi nên làm”, Ẩn nói.

Rồi tôi nhớ đến cái ngày tôi cùng hai người bạn tới thăm ông Ẩn. Chúng tôi vừa trở về từ Khe Sanh, nơi ba mươi lăm năm trước, Binh nhất Michael Holmes, một thành viên của Trung đoàn Thủy quân lục chiến số 9, biệt danh “xác chết di động”, bị những vết thương trí mạng. Michael mang theo trong túi tấm huân chương Anh dũng bội tinh do chính quyền Việt Nam Cộng hòa trao tặng “cho những hành động dũng cảm trong việc yểm trợ Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong trận chiến chống lại Cộng quân”. Đại úy H. M. Baker từng là cố vấn bộ binh cho Sư đoàn 9 bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa từ tháng 1 đến tháng 9 năm 1969. Baker có mặt tại Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975 để sơ tán bạn bè và đồng nghiệp. Baker đi tìm lại những ký ức dĩ vãng dọc sông Măng Thít và tại Sa Đéc; Michael thì hy vọng sẽ xua được những bóng ma luôn ám ảnh kể từ ngày mà thế giới của ông thay đổi, ngày 13 tháng 4 năm 1968, tại Đồi 861. Đây là lần trở lại Việt Nam đầu tiên kể từ thời chiến tranh của họ.

Ông Ẩn mở cánh cổng màu xanh đón ba người vào và mời chúng tôi ngồi trong lúc bà vợ pha trà. “Hai ông từng phục vụ ở đâu?” Ẩn hỏi. Trong vòng hai giờ tiếp theo, ông Ẩn nói lại chi tiết các vấn đề chiến lược tại Khe Sanh và các chiến dịch tình báo vùng Đồng bằng Cưu Long. Ẩn quen rất nhiều người bạn của Baker tại Sư đoàn 9 bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Thiếu tướng Trần Bá Di là Tư lệnh Sư đoàn 9 trong thời gian Baker ở đấy từ năm 1968 đến 1969. Sau chiến tranh, ông Di ngồi mười bảy năm và năm ngày trong các nhà tù Cộng sản. Baker đã cố gắng tìm kiếm các manh mối về hành tung của Di nhưng chẳng thu được kết quả nào, cho đến lúc ông gặp một Phạm Xuân Ẩn vẫn còn rất nhiều đầu mối; ông Ẩn đã chỉ cho Baker nơi ông Di đang sống tại Mỹ. Ông Di giờ đang làm việc tại Disneyland. Các bình luận của Ẩn trong ngày hôm đó đều mang tính phân tích và khách quan; ông không bao giờ nói điều gì cho thấy ông ở bên phía thắng cuộc, ông vẫn là một bậc thầy trong nghề của mình. Tôi đã ghi lại hồi ức của ông về những ngày tháng và những con người cũng như việc ông cung cấp cho các bạn của tôi thông tin mà họ cần cho việc thực hiện những chuyến phiêu lưu cá nhân.

Khi chúng tôi rời nhà ông Ẩn, Michael nhận xét: “Khi tôi đến vào năm 1968, không ai nói cho tôi biết lý do vì sao tôi lại đến đây. Chúng tôi làm theo mệnh lệnh và không bao giờ nghĩ đến việc phải tìm hiểu kẻ thù và tại sao họ chống lại chúng ta. Giờ đây, sau ba mươi lăm năm, tôi đã gặp kẻ thù và cuối cùng đã hiểu”. Baker nhận xét “vị tướng này” rất khiêm tốn và không hề tó ra tự phụ, nhưng lại luôn kiểm soát được cuộc “họp báo”. Đó chính là đặc trưng Phạm Xuân Ẩn.

Lần cuối cùng tôi gặp ông Ẩn là tháng 6 năm 2006.

Chúng tôi dành buổi sáng để thảo luận về cuộc phỏng vấn của tôi với Tư Cang về Tổng tấn công Tết Mậu Thân.

Ẩn mở đầu, “Hôm nay tôi thấy rất mệt và yếu, có lẽ chúng ta chỉ nói trong vòng một tiếng đồng hồ”. Bốn giờ sau, Ẩn nói rằng đã đến lúc nằm nghỉ, đây luôn là tín hiệu để tôi thu xếp ra về. Sáng hôm sau tôi lên đường trở về Mỹ và hẹn gặp lại ông vào đầu tháng 10, trước khi cuốn sách được chuyển đi nhà in. “Hy vọng sẽ gặp lại, nhưng ông đã có đủ tư liệu rồi, quá nhiều là đằng khác”, ông cười.

Khi tôi trở lại thảm vào tháng 10, sự hiện diện của Ẩn vẫn còn ở khắp nơi trong căn nhà của ông. Theo truyền thống của người Việt Nam, phòng làm việc của ông Ẩn đã được biến thành phòng thờ. Có một bức ảnh lớn chụp ông trong bộ quân phục cấp tướng, và bằng cấp cùng với huân chương của ông được đặt ở những nơi trang trọng. Một chén thức ăn được đặt thường xuyên ở đấy để ông Ẩn không bị đói trong hành trình sang thế giới bên kia. Một chiếc lư hương với nhiều cây nhang đang cháy, kề đó là chiếc cốc cà phê từ Trường Orange Coast có chữ ký của những người bạn ở tờ Barnacle. Bốn cuốn sổ tang được đặt ở đấy để khách đến viếng viết lưu niệm.

Tôi tới để chia buồn cùng gia đình trong thời gian họ còn chịu tang. Tôi đã hỏi một người bạn làm sao nói cụm từ tiếng Việt “Tôi xin chia sẻ nỗi đau buồn này”. Và tôi đã nói “Chia buồn” với bà Thu Nhàn. Chúng tôi ngồi và nói chuyện về người chồng của bà. Sau đó, tôi theo Hoàng Ân ra mộ ông để thắp nhang và suy tưởng về những gì đã được chia sẻ giữa hai chúng tôi trong năm năm qua.

Trong mấy ngày kế tiếp, tôi vẫn có thể gặp lại và trò chuyện với người hiểu Ẩn hơn bất cứ ai, đó là vợ ông. Bà Thu Nhàn biết rằng cuốn sách của tôi đã được hoàn tất, nhưng tôi vẫn còn một số câu hỏi. Bằng cách nào đó, bà đã lấy lại bình tĩnh và sự vững vàng để giúp tôi theo những cách mà tôi không ngờ tới. Bà và Hoàng Ân đã cố hết sức để đóng vai trò làm chiếc cầu nối ký ức. Sau đó, tôi được đưa tới Long An để gặp và ăn trưa cùng nữ liên lạc viên lâu năm của ông Ẩn, bà Nguyễn Thị Ba. Rồi tôi phỏng vấn người đã huy động tiền để cho ông Ẩn sang Mỹ, Đại tướng Mai Chí Thọ, em trai của ông Lê Đức Thọ.

Trong chuyến đi ấy, tôi đã gặp hai người Việt Nam viết hồi ký cho ông Ẩn cũng như đạo diễn của bộ phim tài liệu về cuộc đời Ẩn do Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất. Lần đầu tiên chúng tôi đã nói chuyện với nhau trong sự tưởng nhớ Ẩn, có nghĩa là, mỗi chúng tôi đều cố gắng tìm một vị trí cho ông trong lát cắt lịch sử đầu tiên của riêng mình. Khi chúng tôi trao đổi những câu chuyện, tôi tự hỏi liệu ai, ngoài người vợ của ông Ẩn, thực sự hiểu rõ ông? Tôi đã dành toàn bộ thời gian vừa qua ở cạnh ông, thu được rất nhiều thông tin về những mối quan hệ đan chéo nhau trong cuộc đời ông, nhưng chỉ biết được cái phần mà Ẩn cho phép tôi bước vào. Làm sao tôi có thể dám chắc rằng tôi đã lần tới đoạn cuối cùng cuộn chỉ cuộc đời của một điệp viên bậc thầy có vỏ bọc hoàn hảo? Có lẽ Ẩn lại một lần nữa thể hiện nguyên tắc lý trí và kỹ năng phần thân mà ông từng áp dụng trong chiến tranh, khi không người bạn Mỹ hay Việt Nam nào của ông thực sự hiểu ông.

Trong một lần nói chuyện về cuối, ông Ẩn đã khiến tôi ngạc nhiên khi nói, “ông đã có đủ tư liệu để viết sách rồi, giờ ông cần đọc cái này rồi mai nói chuyện tiếp”. Ẩn đưa cho tôi cuốn “Thời gian của người (*), một cuốn sách mà tôi chưa từng biết. Vào đầu thập niên 1980, các cơ quan an ninh và chính trị tại Việt Nam đã yêu cầu nhà văn nổi tiếng Nguyễn Khải viết tiểu thuyết tư liệu về cuộc sống của những anh hùng miền Nam đã cống hiến cho cách mạng.(2) Sau này, Nguyễn Khải đã viết trong sổ tang, “Anh sẽ sống trong lòng bạn đọc mãi mãi, và mãi mãi là Người anh lớn của tôi”.

______________________

(*) Nguyên văn tiếng Anh là Past Continuous (Thời quá khứ tiếp diễn); nhan đề gốc tiếng Việt là Thời gian của người, tiểu thuyết cúa nhà văn Nguyễn Khải, do Phan Thanh Hảo vá Wayne Karlin chuyển ngữ.

______________________

Xuất bản năm 1983, tiểu thuyết của Nguyễn Khải viết về cuộc đời của ba nhân vật chính chiến đấu cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng chống lại Mỹ và chính quyền miền Nam Việt Nam: Quân, một điệp viên; Vinh, một linh mục Công giáo; và Ba Huệ, nữ tiểu đoàn trưởng một đơn vị du kích tinh nhuệ của Việt Cộng. Nhân vật Quân, điệp viên được bí mật cài vào một vị trí chủ chốt trong Bộ Thông tin của Chính quyền miền Nam Việt Nam, được xây dựng dựa trên cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn. Ông Ẩn đã được Nguyễn Khải phỏng vấn kỹ càng và hiểu rằng tác giả sẽ trộn những cái tên hư cấu vào các sự kiện có thật nhằm ngụy trang chân dung thật của Ẩn - “một thể loại thuộc trường phái văn chương Liên Xô”, ông Ẩn vừa nói vừa cười lớn.

Càng đọc Thời gian của người, tôi càng chìm sâu vào thế giới điên đảo của Alice(*). Đây là điều mà Nguyễn Khải đã miêu tả Quân cho người Việt Nam vào năm 1983:

Quân là chiến sỉ của hai cuộc chiến tranh giải phóng, nhưng suốt ba chục năm chiến tranh anh chỉ biết có quân địch mà chưa được biết rõ mặt quân ta. Anh là bạn bè hoặc thân hoặc sơ, chí ít thì cũng đã một vài lần tiếp xúc, với các cố vấn Mỹ và sĩ quan cao cấp ngụy từ Vùng I đến Vùng IV, ở các binh chủng đặc biệt tới các cơ quan mật của Bộ Tổng tham mưu. Nhưng với đồng chí và đồng đội thì họ mới thực sự là bạn của anh từ năm chiến tranh kết thúc. Anh là một chiến sĩ đặc biệt tác chiến trên một chiến trường đặc biệt, đồng đội thì rất xa, kẻ địch thì ở cùng phòng, cùng nhà, giờ trước còn là bồ bịch, giờ sau đã có thể bị treo ngược trong phòng tra tấn. Một trận đánh kéo dài suốt ba mươi năm, choán chiếm toàn bộ không gian, thời gian của người chiến sĩ. Hầu như anh không có cuộc sống riêng, ở cái riêng nhất vẫn cứ phải đề phòng như đang có nhiều cặp mắt chú mục. Anh không thể ghi nhật ký, viết thư cho bạn, trò chuyện với gia đình và họ hàng, vui sướng và buồn bực, hy vọng, mong chờ, tính toán về tương lai như mọi người. Từng chi tiết đều phải che đậy, phải làm cho hợp lý, làm như thật, như vốn anh là thế, chỉ có thế, luôn luôn vẫn thế, chứ không là cái gì khác. Giả như thật, thật mà giả, ngày qua tháng lại tưởng chừng sẽ là mãi mãi khi cuộc chiến vẫn tiếp tục mở rộng ra, gay gát thêm. Bây giờ chiến tranh đã kết thúc, vai trò của người chiến sĩ tình báo đã thay đổi, anh đã được sống như mọi người, một cuộc sống thật với những vui buồn có thật, không phải che giấu. Một đời người mà quá nửa là sống trong tù, bổng chốc là người tự do, hoàn toàn tự do, tự do ở mọi nơi, ở tất cả, ào ạt, mênh mông đến ngộp thở. Và những ngày tự do đầu tiên, con người lần đầu tiên được tự do luôn ngơ ngác tự hỏi: Mình sẽ phải sống ra sao nhỉ? Sống theo cách nào nhỉ? Thì sống như mình vốn có ấy. Nhưng cái vốn có từ lâu đã bị che phủ, bị chôn vùi, làm cho nó thui chột để trở thành một tính cách khác, phù hợp với nhiệm vụ phải hoàn thành. Nay bảo tìm lại cái nguyên vẹn của mình quả thật là khó. Sống như những năm vừa qua là không thể, nhưng cách sống từ ba mươi năm trước là cách sống nào? Trong các mối quan hệ mới mẻ mà anh là một phía, tôi luôn bắt gặp sự mò mẫm của anh, cái ngỡ ngàng đôi chút ở anh, cái bẽn lẽn và vụng về đến tức cười. Và cả một chút thiếu tự tin nữa. Luôn luôn anh nói với tôi: “Theo cách tôi nghĩ là như thế này…” Mà kinh nghiệm của anh, cách nghĩ của anh đâu có tầm thường. Là những đóng góp có ý nghĩa tích cực cho một phương hướng, một chủ trương, một chính sách, một khẩu hiệu, một kế hoạch tác chiến…

Một tình báo viên hoạt động suốt ba chục năm, có quan hệ thân thiết với đủ loại sếp lớn của chế độ mà không một lúc nào bị ngờ vực, bị cản trở trong công việc của mình! Quân có nhiều cách tự kiểm tra qua các nguồn tin khác nhau, cũng phải khôn ngoan lám, từng trải lắm. Nhưng khi nghe Quân kể lại những việc làm của anh thì tôi lại nhận ra cũng không ít lỗi lầm sơ hở.

Ngày hôm sau, Ẩn chỉ cho tôi biết những nơi chốn được đề cập trong cuốn sách mà đã có sự ngụy trang về sự kiện và tên gọi, có khi ông nói, “Đây là thật, đúng như miêu tả”, nhưng lúc khác ông lại bảo, “Ông ấy đã thay đổi tên gọi, thực ra thì Peter Smark đã nói với tôi điều đó, không phải là Rufus Phillips.(3)

“Vậy thì”, tôi hỏi, “làm sao để tôi biết được đâu là thật, đâu là không?”

“Tôi sẽ nói cho ông biết, nhưng chỉ những điều liên quan tới cuốn sách của ông thôi. Còn nhiều chuyện mà tôi vẫn không thể nói ra”, ông Ẩn nói, rõ ràng là mô phỏng phong cách của Mad Hatter(**).

______________________

(*) Tức nhân vật Alice trong bộ tiểu thuyết Alice's Adventures in Wonderland (Những cuộc phiêu lưu cúa Alice ở xứ sớ thần tiên) của nhà văn Anh Lewis Carroll (1832 -1898)

(**) Mad Hatter, tức The Hatter, là một nhân vật nam trong bộ tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu cúa Alice ở xứ sớ thần tiên

______________________

Và chính lúc đó, Ẩn đã nói rất nhiều về nỗi cô đơn và ước nguyện của ông. “Chiến tranh đã kết thúc, tất cả những gì tồi muốn là trở thành một người giống Tarzan sống trong rừng, thoát khỏi mọi rằng buộc. Tôi muốn tới Mỹ và tiếp tục công việc tại Time, có thể là một phóng viên thường trú ở vùng Duyên hải miền Tây đóng gần Costa Mesa”. Tôi đùa rằng nếu tới đó thì ít nhất ông cũng ở rất gần lũ hải cẩu tại xa lộ 17 Dặm. “Nó tốt hơn Viagra nhiều, thật đấy”, Ẩn nói và khẽ cười.

Tôi cho rằng mỗi người trong chúng ta sẽ nhớ về Ẩn theo cách khác nhau. Đọc những bài cáo phó và lời tán dương do các đồng nghiệp cũ viết, tôi đặc biệt bị cuốn hút bởi ba bài viết vượt ra ngoài chuẩn mực của thể loại tiểu sử. Viết trên tờ Independent, Bruce Palling nhận xét rằng “Trong khỉ rất phức tạp để xác định tác động của tình báo lên kết quả của một cuộc chiến tranh kéo dài, thì Phạm Xuân Ẩn vẫn xứng đáng được coi là một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ 20”. (4) Palling đề cập đến vai trò trọng yếu của Ẩn trong hai sự kiện bước ngoặt của cuộc chiến - Ấp Bắc 1963 và Tết Mậu Thân 1968.

Trên tờ Boston Globe, David Greenway, người thường mua các loại chim biết hót từ Bangkok cho Ẩn, đặt câu hỏi: “Phải chăng tình bạn của Ẩn tất cả đều là dối trá và phản bội? Có quá nhiều sự đối trá và phản trắc, quá nhiều lòng trung thành xung khắc trong cuộc phiêu lưu bất hạnh của chúng ta tại Việt Nam tới múc bất kỳ ý niệm nào về việc chúng ta đã sai đều đã trở nên phai nhòa”.(5)

Và trên tờ Time, cựu trưởng văn phòng Stanley Cloud viết, “Tôi từng cảm thấy mình biết ông ấy rất rõ, nhưng tôi đã nhầm”. Cloud coi Ẩn là một người theo chủ nghĩa dân tộc với lòng yêu nước lớn hơn bất cứ ý thức hệ nào. “Thời chiến tranh, có một đồng nghiệp đã nói với tôi, 'Tôi nghĩ rằng Phạm Xuân Ẩn là một ví dụ hoàn hảo về con người tốt nhất trong xã hội Việt Nam’. Lúc ấy tôi cũng cảm thấy vậy. Bây giờ vẫn thế”.(6)

Tôi khá chắc chắn rằng các bạn của Ẩn đều nhìn nhận ông như cách của Jolynne D'Ornano: “Tôi vô cùng ngưỡng mộ việc anh đã sống nhiều cuộc sống khác nhau một cách thành công như thế, và tôi tin điều đó, rất chân thành”, bà viết trong một lá thư gửi vào lúc cuối đời của Ẩn. “Bên cạnh gia đình, anh có hai sự thủy chung - với đất nước của anh và với nước Mỹ cùng những người Mỹ mà anh kết bạn. Tôi không thể thấy bất cứ điều gì mâu thuẫn trong những điều anh làm. Anh có thể yêu một quốc gia khác vì những giả trị mà nó đại diện và chống lại các chính sách của quốc gia đó, đặc biệt là khi các chính sách ấy đang tàn phá đất nước và nhân dân của anh. Bản tính của anh không cho phép khoanh tay ngồi nhìn, không làm gì cả và để cho tự nhiên cùng những sự kiện của nó cứ thế xảy ra. Vai trò mà anh đóng trong việc định hình lịch sử không chỉ đòi hỏi niềm tin lớn lao mà cả lòng quả cảm vĩ đại và tôi khâm phục điều đó”. (7)

Tất cả những gì Ẩn muốn có cho nhân dân Việt Nam là cơ hội tự quyết định tương lai của mình, thoát khỏi sự can thiệp của ngoại bang. Ông đã tham gia cuộc cách mạng thấm đẫm các lý tưởng dân tộc để chiến đấu chống thực dân với niềm hy vọng sẽ tạo ra một xã hội dựa trên công bằng xã hội và bình đẳng kinh tế. Khi người Mỹ mang tiền và các cố vấn của họ tới, tiếp đó là quân đội, ông Ẩn đã gánh lấy nghĩa vụ quốc gia để làm việc trong lĩnh vực tình báo. Ông không thích làm một điệp viên, và lúc chiến tranh kết thúc, ông đã phải chịu nhiều đớn đau khi cố gắng hạ thấp những công lao của mình.

Bốn mươi năm sau khi gặp Lee Meyer lần cuối, biên tập viên trẻ tuổi mà ông đã phải lòng tại Trường Orange Coast, Ẩn đã viết cho bà một thư điện tử dài: “Bây giờ là lúc ngồi thống kê lại những gì tôi đã làm kể từ khi rời Quận Cam. Mùa hè năm 1959, tôi tập sự tại báo Sacramento Bee rồi sau đó một mình đi xuyên qua lòng nước Mỹ trong bảy ngày trên chiếc Mercury mười hai năm tuổi để tới New York tham gia hoạt động báo chí tại Liên Hiệp Quốc và rồi trở về Việt Nam. Tôi làm việc cho Việt Tấn xã vào năm 1960 và sau đó là Hãng tin Reuters cho đến năm 1964 thì tới làm cho tờ New York Herald Tribune cho tới lúc ấn bản toàn quốc bị ngưng vào năm 1965. Rồi tôi được tạp chí Time thuê và làm việc cho họ tới lúc chiến tranh kết thúc và đến mùa hè năm 1976 thì văn phòng của Time bị chế độ mới đóng cửa. Nghề yêu thích của tôi bị kết liễu và chế độ mới khoác cho tôi chiếc áo là nhà tư vấn của mọi ngành nghề”. (8)

Chính là như thế. Không hề đề cập đến hoạt động tình báo; đến danh hiệu Anh hùng hay thậm chí đến quân hàm cấp tướng. Ẩn đang làm những gì mà ông đã làm trong năm thập kỷ, luôn tự giới thiệu mình với người khác theo cái cách mà ông muốn người khác nhìn nhận mình, vẫn còn quá nhiều bí mật đối với rất nhiều người, nhưng ông dường như đã là bạn của hầu như mọi người. Cứ như thể là ông vẫn còn sống trong cuộc đời nhiều ngăn thời chiến, một nhà báo đối với người Mỹ; một anh hùng đối với đất nước của ông. Khi chiến tranh kết thúc, có người nghĩ rằng mình biết rất rõ Ẩn như bất kỳ người nào khác, lại phần vân làm thế nào có thể xảy ra chuyện cái con người mà mình từng dựa vào những lời khuyên trong một thời gian dài hóa ra là một điệp viên Cộng sản mà chưa bao giờ thể hiện cho họ thấy chất Cộng sản của mình. “Ông ấy chắc chắn là một trong những người thạo tin nhất thành phố và có vồ số nguồn tin mà có vẻ như không ai khác có được”, Bob Shaplen viết. “Trong các cuộc trò chuyện của chúng tôi qua nhiều năm, thường mỗi cuộc kéo dài hàng giờ, tôi phát hiện ra rằng những số liệu và ý kiến mà ông cung cấp về Cộng sản, về chính quyền, về nhiều cá nhấn và tổ chức đang đấu tranh - bao gồm cả Phật giáo và Công giáo chống cả hai phe trong cuộc chiến - luôn đầy đủ hơn bất cứ thứ gì mà tôi lấy được từ những nguồn tin khác, kể cả Đại sứ quán Mỹ, vốn thường biết ít đến mức ngạc nhiên về những gì đang diễn ra giữa những người Việt Nam không thuộc tổ chức nào. (9)

Ông Ẩn nhìn về bản thân như thế nào? Các giá trị Nho giáo của Ẩn có thể là chìa khóa để hiểu con người này. “Ẩn rất đậm chất Nho giáo - điều này thì tôi biết chắc”, người bạn Douglas Pike viết. “Ông là một người rất đạo đức, rất tự trọng và thường xuyên hành động theo các giá trị Nho giáo. Một trong những giá trị đó có những nguyên tấc của tình bằng hữu. Nó nhấn mạnh sự thủy chung và ngăn cấm việc lợi dụng bạn bè”. (10)

Tôi chưa bao giờ nghe ông Ẩn nói về việc làm điệp viên như là một điều gì khác, ngoài việc đấy là một nhiệm vụ với mục tiêu cuối cùng là thống nhất đất nước. Khi Ẩn kể về công việc của mình tại tờ Time và Bamacle, giọng ông luôn tràn đầy hưng phấn. Có lẽ điều rõ ràng nhất là việc trước khi Ẩn qua đời, các bức tường trong nhà ông không bao giờ treo huy chương hoặc bằng khen cho quá trình phục vụ của một Anh hùng cách mạng; thực ra thì ông lưu giữ những thứ này trong ngăn kéo hoặc trong phòng ngủ trên gác.

Trong suốt thời gian quen biết Ẩn, tôi chưa bao giờ thấy một tấm ảnh nào chụp ông trong bộ quân phục được để ở bất cứ nơi đâu dưới tầng trệt. Trong nhà các anh hùng Nguyễn Thị Ba và Tư Cang, hình Hồ Chí Minh, những tấm huân chương, dây đeo huân chương và bằng khen được treo trân trọng trên khắp tường.

Tài sản dễ thấy nhất của ông Ẩn là những cuốn sách chất đầy trong thư viện và những cái bàn gần đó cùng chồng tạp chí Time mà ông nhận được hằng tuần. Các vị khách thường biết rằng để lấy lòng Ẩn thì hãy mang sách mới đến cho ông. Ông là người ham đọc sách. Người chịu lắng nghe thì sẽ học hỏi được nhiều điều.

Sau cuộc chiến tranh với người Mỹ, Ẩn có lẽ là thành viên duy nhất của bên thắng cuộc không căm hận kẻ thù đã gây ra quá nhiều cảnh chết chóc và điều tàn cho đất nước ông. “Tôi đã sống và làm việc với người Mỹ rất lâu. Tôi biết họ là người tốt. Phần lớn người Mỹ tin vào những điều mà chính phủ nói với họ; họ không biết những người Việt Nam thực sự. Tôi không có lý do gì để ghét người Mỹ, cũng như những người Mỹ quen biết tôi trước chiến tranh không có lý đo gì để ghét tôi”.

Chế độ mới nhận thấy rằng nỗ lực lập trình lại tư duy của Ẩn đã không có kết quả bởi vì trí tuệ ông không thể sống sót trong một xã hội khép kín. Germaine Lộc Swanson nói với tôi rằng “Ẩn luôn là một người theo chủ nghĩa dân tộc. Ông ấy trở thành Cộng sản chẳng qua chỉ là bổn phận”. Nhưng, bất chấp những gì mà một số nhà bình luận đã viết, Ẩn không phê phán tệ tham nhũng nghiêm trọng tại Việt Nam hoặc thậm chí không chỉ trích hệ thống này một cách chung chung. Bất kỳ khi nào được hỏi, ông sẽ nói ra sự thật, như ông từng làm trong suốt cuộc chiến tranh, ông đay nghiến những “nhà tư bản đỏ”, hay “những người Cộng sản xanh”, nói với tôi và những người khác rằng, “Tôi không chiến đấu vì những thứ ấy”. Ống không bao giờ viết những lời chỉ trích chính quyền một cách còng khai. Ồng chỉ thổ lộ tư duy của mình về một tầm nhìn khác biệt cho tương lai. Ông luôn hối tiếc về sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh với thương vong nặng nề cho cả hai phía. Vào tháng 12 năm Ẩn viết thư cho Rích và Rosann Martin rằng “về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, đó là một điều rất đáng buồn”.

Có lần tôi hỏi Hoàng Ân rằng cậu nghĩ cuốn sách của tôi về cha của cậu nên được đặt tên gì. Cậu ngẫm nghĩ một lúc rồi gợi ý Bạn bè và Điệp viên bởi vì “bằng cách nào đó, đối với ba tôi, hai điều này không luôn đi cùng nhau trong nghề tình báo. Tôi hy vọng ông sẽ luôn được nhớ tới bởi lòng trung thành, với bạn bè và đất nước. Đôi khi trong cuộc đời, người ta cần phải lựa chọn giữa những lợí ích. Trong tiếng Việt, từ 'tâm' có nghĩa là 'trái tim’. Ba tôi luôn được dẫn dắt bởi trái tim, không phải bởi lợi ích bản thân. Khi không cảm thấy cắn rứt trong lòng, người ta sẽ làm điều phải. Ba tôi không bao giờ thấy cắn rứt”.

Trong giai đoạn 1975-1986, khi bị theo dõi chặt chẽ, Ẩn đã dành khá nhiều thời gian để đọc sách cùng con cái, tìm cách truyền đạt cho các con phần cốt lõi của những giá trị mà ông học được từ rất nhiều người bạn của ông. “Tôi muốn các con tôi coi trọng điều nhân và ý thức được rằng kiến thức quý hơn tiền bạc. Hoàng Ân học được điều đó từ gia đình ở đây và gia đình thứ hai tại Chapeỉ Hiỉl, giống như tôi đã hấp thu văn hóa Mỹ ở California. Người Mỹ rất nhân văn, họ biết cười và sống tự do như thế nào, điều đó rất đặc biệt”.

Có một thông tin được đăng tải rộng rãi rằng vào năm 1997, Chính phủ Việt Nam đã khước từ cấp thị thực xuất cảnh cho phép Ẩn tới dự một hội thảo cùng các nhà báo khác tại New York để thảo luận vấn đề di sản của Việt Nam. “Như chúng tôi được biết, do tuổi cao và sức yếu, ông Phạm Xuân Ẩn đã không xin thị thực xuất cảnh”, Bộ Ngoại giao thông báo.(11)

Điều này là không đúng. “Tôi rất muốn dự hội thảo đó”, ông Ẩn nói với tôi. “Họ không hiểu tôi, thế nên họ sợ tôi. Tôi hiểu vì sao không ai muốn ký vào thị thực xuất cảnh của tôi và chịu trách nhiệm về việc cho phép tôi ra nước ngoài. Tôi có thể hủy hoại sự nghiệp của họ nếu tôi nói hoặc làm điều gì đó sai”.

Rồi ông đùa, “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi kiếm được một cô bạn gái khác ở Mỹ?”. (12)

Nhưng, với những người cho rằng Ẩn phải chịu trách nhiệm cho cái chết của không chỉ hàng trăm mà là hàng ngàn người Mỹ cơn giận vẫn còn hừng hực. “ông ta không thể hoàn thành những nhiệm vụ mà ông ta đã hoàn thành mà không làm tổn thất sinh mạng của người Mỹ”, Ross Johnson, người từng sống chung kí túc xá với Ẩn ở California, nói. “Bất cứ ai nghĩ là ông ta không làm như vậy thì người đó thật ngây thơ”. (13)

Thật khó mà không đồng tình với kết luận rằng nhiều người chết bởi sự thành công của điệp viên bậc thầy này, nhưng tôi nghĩ cơn giận ấy đã làm mờ đi sự thực là Ẩn chiến đấu để bảo vệ đất nước của ông. Wendy Larsen, người từng có thời gian ở gần Ẩn khi chồng bà, ông Jon, là trưởng văn phòng của Time, đã viết thư cho tôi rằng, “Tôi muốn nghĩ về việc nếu tình hình đảo ngược, tôi có lẽ chỉ thể hiện được một phần trăm lòng dũng cảm mà Ẩn đã dành cho đất nước của ông ấy”. Sau khi biết tin Ẩn qua đời, Jill Owings, con gái của Mills Brandes, đã viết cho tôi về “sự ra đi của một trong những người bạn thân nhất của gia đình. Tôi không hề ngạc nhiên rằng lòng trung thành trên hết của ông Ẩn là dành cho đất nước của ông. Chúng ta sẽ không làm như vậy ư?”

Ông Ẩn đã sống đủ lâu để được chứng kiến một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Thực ra, ông đã trở thành một phần trong tiến trình hòa giải rộng lớn hơn giữa hai kẻ cựu thù, và tới đây tôi tin rằng cuộc đời của Ẩn đã trở về nơi xuất phát. Khi nhiệm kỳ đại sứ của Raymond F. Burghardt kết thúc, ông Ẩn được mời tới dự tiệc chiêu đãi để chào đón ngoại giao đoàn mới và chia tay ngài đại sứ sắp mãn nhiệm. Vài ngày trước khi sự kiện diễn ra, ông Ẩn bị chú chim cắt nuôi ở nhà cắn nên không dự được, Hoàng Ân đã thay mặt gia đình tới.

Khi ngài đại sứ biết chuyện Ẩn phải nằm nhà, ông đã yêu cầu tài xế chở mình tới để chào tạm biệt với tư cách cá nhân. “Tôi không muốn rời Việt Nam mà không chào tạm biệt ông Ẩn”, Đại sứ Burghardt nói với tôi. “Câu chuyện, cuộc đời của ông ấy quả thực không thể tin được, nhưng còn hơn thế, ông là một biểu tượng quan trọng trong quan hệ hữu nghị mới giữa hai đất nước chúng ta. Và con trai ông ấy cũng là một nhân vật rất đáng chú ý”.

Vài tuần sau, Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh Emi Lynn Yamauchi đã ăn Tết truyền thống của Việt Nam với gia đình Ẩn. “Chúng tôi muốn bà ấy, với tư cách một người bạn, đến chung vui cùng một gia đình Việt Nam điển hình vào dịp này trong năm”, Hoàng Ân nói. “Hiểu văn hóa và truyền thống của nhau là rất quan trọng”.

Nhiều vòng hoa tại đám tang của Ẩn đã nói lên vai trò của ông trong quá trình hòa giải. “Kính viếng người thầy yêu quý Phạm Xuân Ẩn, chúng tôi sẽ nhớ mãi sự thông thái và tình hữu nghị của thầy”, là dòng chữ trên vòng hoa của Dự án Việt Nam, Đại học Harvard; “Dành sự biết on sâu sắc nhất của chúng tôi về những ý kiến tư vấn và lời khích lệ của ông”, - thông điệp từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; và, tất nhiên, từ một người bạn, “Với sự khâm phục và những ký ức đầy yêu thương đối với Phạm Xuân Ẩn”, của Neil, Susan, Catherine và Maria Sheehan.

Phạm Xuân Ẩn được tôn kính và yêu mến tại Việt Nam vì đóng góp của ông vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Sau khi ông qua đời vào ngày 20 tháng 9 năm 2006, linh cữu của ông được quàn hai ngày cho công chúng đến viếng trước khi một lễ tang với đầy đủ nghi thức quân đội được cử hành, ông được an táng cạnh ông Ba Quốc và những nhà tình báo khác trong một khu vực đặc biệt tại nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.

Một bài viết trên báo Thanh Niên nhận xét rằng Phạm Xuân Ẩn “đã làm được những việc ít có nhà tình báo cổ kim đông tây nào làm nổi… Hiểu vì sao Phạm Xuân Ẩn được 'Việt Cộng’ dung nạp thì dễ, nhưng tôi chắc còn lâu lãm chúng ta mới đánh giá hết về con người… và những điều ông để lại”. Ông Tư Cang đã viết một bài thơ như sau để tưởng nhớ Ẩn, mà theo tôi, như là một phép ẩn dụ về một cuộc chiến tranh và về một cuộc đời mà vẫn còn rất ít người hiểu được:

Tiễn Bạn

Đời người tình báo thế là xong

Tinh dân nghĩa Đảng, nợ non sông

Làm trai trong suốt thời ly loạn

Anh thật xứng đanh một anh hùng.

Nay anh nằm đó, anh Hai Trung

Nhớ giọng anh cười, thật ấm lòng

Những lúc hiểm nguy căng sợi tóc

Vẫn nói, vẫn cười, vẫn ung dung.

Xuân Ẩn từ nay ẩn thật rồi

Bạn bè thương tiếc mãi không nguôi

Riêng tôi nhớ mãi người đồng chí

Dũng cảm, thông minh, nhớ suốt đời…

______________________

CHÚ THÍCH

(1) Phỏng vấn Ẩn; cũng có trong thư gửi Jolynne D'Omano.

(2) Nguyễn Khải, Past Continuous (Willimantic, CT: Nhà xuất bản Curbstone Press, 2001). Ông Khải bắt đầu xuất bản sách vào năm 1951, đã viết hơn 30 tiểu thuyết và truyện ngắn. Ông là cựu phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và nhận giải thướng văn chương ASEAN năm 2000.

(3) Đây là đoạn trích liên quan: “Anh Quân kể: Đầu nãm 1961, nhân một câu chuyện nói chơi với Đại tá Edward Geary Lansdale, người 'anh hùng' của Phi Luật Tân, đã có công đưa Ramon Magsaysay lên làm tổng thống, Lansdale cho biết Mỹ vừa thanh lập ở Bến Cát một trại chăn nuói bò sữa, giúp vào việc phát triển kinh tế của Việt Nam Cộng hòa. Lansdale là ông trùm của tình báo miền Nam, dân OSS cũ, mà lại quan tâm tới phát triển kinh tế? Hắn nói do sơ ý hay định nhằm mục đích nào? Tôi nghe qua và không gặng hói thêm. Cách vài ngày sau, nhân gặp Rufus Philipps là phụ tá của I.ansdale tại tòa đại sư Mỹ, tôi nói bằng quơ: 'Cách đây mấy tháng ông Trần Chánh Thành có báo tôi đi Bến Cát để xem xét đời sống của dân chúng trong các khu trù mật, tôi đã chú ý những đồng có rất mênh mông ở đó. Tại sao người ta không chăn nuôi gì nhỉ? Như bò chẳng hạn… Rufus nói liền: 'Chúng tôi đang giúp chính phủ các anh lập một trại bò sữa ở vùng đó rồi, bò Úc’. Khi tôi hỏi lại hãng nào của Mỹ sẽ đứng ra kinh doanh, thì Rufus trả lời: 'Một nhà kinh doanh người Úc, tên là Arthur, ông ta có mấy cơ sở bán sữa tươi ngay tại Sài Gòn’” Trang 58-59.

(4) Bruce Palling, “Phạm Xuân Ẩn: Vietnam War Journalist and Spy”, báo Independent, 22-9-2006.

(5) H. D. S. Greenway, “Mỹ Friend the Spy”, báo Boston Globe, 26-9-2006.

(6) Stanley Cloud, “The Journalist Who Spied”, tạp chí Time, 21-9-2006.

(7) Thư gửi Phạm Xuân Ẩn vào tháng 2-2006.

(8) Thư tín do ông Ẩn cung cấp cho tác giả.

(9) Bitter Victory, 11.

(10) “Ẩn, bạn tôi”. Pike viết vào năm 1988: “Bởi vì còn nhiều nghi ngại dễ hiểu, tôi chưa sẵn sàng lên án Ẩn. Có lẽ tôi chỉ đang lảng tránh cái bản ngã sẽ bầm dập của mình nếu như tôi thừa nhận rằng tôi đã bị chơi khăm suốt mười lăm năm”.

(11) “Vietnam: Time's Spy-Correspondent Too 111 to Leave”, AP, 2-1-1997; xem thêm Robert D. McFadden, “Wartime Journalists Fondly Recall Vietnamese Double Agent”, báo Dallas Morning News, 3-5-1997, trang 47A.

(12) “Sự hài hước là nhựa sống nuôi dưỡng niẻm vui của người Mỹ”, Ẩn viết trong bài “Sinh viên ngoại quốc mang chất hài Ba Tư đến trường”, báo Bamacle, 18-4-1958.

(13) Phỏng vấn Ross Johnson.