Điệp Viên Hoàn Hảo X6

Chương 4 (tt)

Docsach24.com
rên khoảnh sân bên hông nhà, ông Ẩn mở những chiếc tủ đựng tài liệu và lấy ra một chồng trong đống tài liệu rách nát ấy. “Giờ thì mấy thứ này đã có ở Trung tâm Việt Nam tại Đại học Công nghệ Texas rồi”, Ẩn cười lớn. “Sau khi tôi chết thì vợ tôi sẽ vứt hết. Chỉ có chúng ta mới quan tâm tới chúng”. Giám đốc của Trung tâm Việt Nam, ông Jim Reckner, là người bạn của cả hai chúng tôi, và đã giới thiệu chúng tôi với nhau mấy năm về trước. Jim và Lê Khanh, một người bạn khác cũng đang làm việc ở trung tâm, đã làm khách ở nhà Ẩn nhiều lần, và tôi biết họ đã đề nghị Ẩn xem xét việc chuyển các tài liệu của ông tới Phòng lưu trữ Việt Nam tại Đại học Công nghệ Texas để có thể bảo quản các tài liệu này cho mai sau.

Không có tài liệu nào trong số Ẩn cho tôi xem hôm đó hoặc bất cứ ngày nào khác được coi là bảo vật của tình báo hoặc chứa đựng các bí mật quân sự quan trọng, nhưng Cộng sản Việt Nam thời đó hiểu biết rất hạn chế về các chiến thuật đang được phát triển để phục vụ cho một loại hình mới của “chiến tranh đặc biệt”. Sự xuất hiện của trực thăng Mỹ và các trận càn của Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã gây ra tổn thất nặng nề cho Việt Cộng. Nhiệm vụ của ông Ẩn là phân tích các chiến thuật mới để những nhà lãnh đạo quân sự Cộng sản có thể xây dựng các đối pháp. “Họ tin tưởng tôi nên đưa cho tôi những tài liệu này, kể cả ông Tuyến”, ông Ẩn nói. “Vì thế tôi đọc tất cả, nói chuyện với các cố vấn Mỹ và bạn bè tôi vừa đi huấn luyện về, rồi tôi viết báo cáo, chỉ có vậy thôi. Khi mà tôi đã có tài liệu rồi thì mọi chuyện trở nên đơn giản… Tất cả những gì tôi làm là đọc tài liệu của họ, tham dự các buổi họp báo, lắng nghe người ta nói, đưa ra sự phân tích và sau đó gửi báo cáo vào rừng. Tôi không biết điều gì xảy ra tiếp sau đó cho tới mãi nhiều năm về sau”.

Trong giai đoạn 1961 - 1965, ông Ẩn đã gửi đi hầu như mọi tài liệu quan trọng liên quan đến kế hoạch quân sự và dân sự phục vụ các chiến dịch ở miền Nam. “Nhiệm vụ cho trận Ấp Bắc là cung cấp thông tin về chiến thuật”, ông Mai Chí Thọ, người đã huy động tiền để Ẩn đi Mỹ học, cho biết, “ông Ẩn đã cho chúng tôi biết những chiến thuật mới mà người Mỹ đang triển khai, vì thế chúng tôi đã có thể phát triền phương án đối phó. Những người khác đã xây dựng kế hoạch mới để triển khai các phương án đối phó ấy, và sau đó những người khác nữa chiến đấu anh dũng tại Ấp Bắc, nhưng chính ông Ẩn là người cung cấp những tài liệu và báo cáo giúp thực hiện thành công chiến thuật”. Ẩn cũng nói với tôi điều tương tự khi chỉ cho tôi bản sao luận thuyết năm 1732 của Saxe: “Phân tích chiến lược cũng đòi hỏi phải am hiểu chiến thuật”. “Nhiệm vụ của tôi trong giai đoạn này là giúp họ hiểu được phương thức mới của Mỹ về chiến tranh đặc biệt để họ triển khai chiến thuật mới. Tôi cung cấp bản phân tích; những người khác quyết định cách đánh và nơi đánh”.

Tổng thống đắc cử John Fitzgerald Kennedy tin rằng Edward Lansdale là một trong số ít người Mỹ đủ khả năng tham mưu cho ông về chiến tranh phi chính quy và vai trò của Mỹ ở Đông Dương.(26) Lansdale đã rời Sài Gòn vào năm 1957, năm mà Ẩn đến California, để làm việc tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong vai trò phó trợ lý bộ trưởng phụ trách các chiến dịch đặc biệt.

Trong giai đoạn chuyển giao ghế tổng thống năm 1961, Kennedy đã chỉ đạo Lansdale tới Việt Nam để đánh giá toàn bộ hoạt động nổi dậy. Có rất nhiều cuộc gặp cấp cao và thị sát chiến trường trong chuyến thăm đó, nhưng Ẩn nhớ ông và Lansdale có hai lần gặp. Cuộc gặp đầu ít nghi thức hơn. Họ đã tán gẫu về thời gian hai năm của Ẩn ở Mỹ. Sau khi ca tụng vẻ đẹp của vùng duyên hải California, Lansdale hỏi Ẩn có cần gì không thì trong chuyến thăm California tới đây ông ta sẽ kiếm giùm, ông Ẩn nói nếu tiện thì Lansdale ghé đâu đó trên xa lộ 17 Dặm chạy qua Pacific Grove và Pebble Beach kiếm cho ông vài viên tinh hoàn hải cẩu để ngâm rượu Black & White. Ông Ẩn nói với Lansdale rằng thứ rượu này là thuốc cường dương hiệu quả nhất!

Lansdale sau đó đã trở lại tay không, giải thích với Ẩn rằng ông không thể tìm ra phương cách nào buộc lũ hải cẩu đứng yên để thực thi cái nhiệm vụ mà Ẩn giao.

Cuộc nói chuyện thứ hai của họ nghiêm túc hơn. Lansdale, lúc này đã được biết Ẩn làm việc cho bác sĩ Tuyến, rất quan tâm tới đánh giá của Ẩn vẻ tình hình nổi dậy. Ông Ẩn nói với Lansdale đúng những gì mà ông đã nói với Tuyến. “Tôi không có lý do gi để nói dối với Lansdale về điều này, đặc biệt là tôi biết chắc ông ta sẽ nói chuyện với Tuyến. Tôi cần phải nhất quán và khách quan trong phân tích của mình”, Ẩn nói. “Tồi quen Lansdale đã lâu. Ông ấy là bạn tôi, và việc chúng tôi nói với nhau mấy chuyện đó cũng là lẽ thường. Tôi nói với Lansdale điều mà tôi nghĩ, còn ông ấy cũng chia sẻ những nhận định của ông ấy. Lansdale đã cung cấp cho tôi những thông tin quý giá. Ông ấy luôn chỉ vẽ cho tôi và tôi luôn láng nghe. Lansdale bảo tôi nên đọc cuốn “Tâm lý chiến” của [Paul] Linebarger.(27) Tôi học được từ Lansdale rất nhiều điều về chống nổi dậy, nhiều phương cách chiến đấu chống Cộng và về Sherman Kent”.

Điều mà Lansdale không biết đó là mọi thứ ông Ẩn nắm được đều sẽ được gửi ra Hà Nội. “Năm 1962, Hai Trung gửi ra hai mươi bốn cuộn phim của tất cả các kế hoạch liên quan tới chiến lược Chiến tranh Đặc biệt của Mỹ”, Mười Nho, cấp trên trực tiếp của Ẩn hồi đó, kể. “Trong đó bao gồm kế hoạch tổng thế của cuộc chiến, các tài liệu về xây dựng lực lượng quân sự, sự hỗ trợ của quân Mỹ, kế hoạch lập ấp chiến lược, kế hoạch tái chiếm vùng giải phóng và kế hoạch củng cố lực lượng ngụy quân bằng trang thiết bị quân sự của Mỹ”. (28)

Ông Mười Nho tự tay rửa phim; và ông run lên khi thấy toàn bộ báo cáo của Staley và Taylor hiện ra trước mặt. “Có cả tỉ đôla cũng không thể mua được những tài liệu như vậy. Việc hiểu địch đã giúp ta có kế hoạch chủ động đối phó, các đợt càn quét dữ dội của quân ngụy sau đó hầu hết chỉ nhằm vào chỗ trống… Thất bại hoàn toàn trong trận Ấp Bắc đã buộc Mỹ phải chấm dứt theo đuổi kế hoạch chiến tranh đặc biệt và tìm kiếm một chiến lược mới”.(29)

Khi tôi hỏi Mai Chí Thọ rằng ông ta đánh giá đóng góp nào của Phạm Xuân Ẩn là quý giá nhất, ông ta đã khiến tôi ngạc nhiên khi nói, “Ông Ẩn gửi cho chúng tôi mọi thứ về chương trình bình định hóa, ấp chiến lược, nhờ đó mà chúng tôi có thể lập đối pháp để đánh bại họ”. Nhưng ông Ẩn đã không nhận được huân chương nào cho các hoạt động đó, tôi bảo. Ông Thọ cười. “Còn rất nhiều công trạng mà ông Ẩn lập nên xứng đáng được thưởng huân chương nữa, nhưng tôi cho rằng đây là đóng góp quan trọng nhất bởi tầm chiến lược của nó”.

Hơn hai mươi năm sau, Lansdale đã cảm thấy rất khó chấp nhận thực tế rằng ông Ẩn làm việc cho phía bên kia. Năm 1982, Bob Shaplen viết thư cho Lansdale để kể về một bài báo của Stanley Karnow trong đó nhận diện Ẩn là một người có cuộc sống hai mặt. Lansdale hồi đáp, “Tôi không biết điều Karnow nói về Ẩn và Phạm Ngọc Thảo. Nhưng tôi sẽ hoài nghi bất cứ thứ gì ông ta nói về những người Việt này. Tôi tin là ông biết rõ hơn. (30)

Cuối tháng 1 năm 1961, Lansdale trở về Washington để họp với Kennedy và các cố vấn cấp cao của tổng thống. Sau khi nói với Kennedy rằng “Cộng sản cho rằng 1961 là năm của họ”, Lansdale đã hối thúc chính quyền ủng hộ Diệm bằng cái mà ông gọi là “niềm tin bằng hữu”. Kennedy chấp thuận hầu hết các đề xuất của Lansdale bằng cách duyệt 28,4 triệu đôla để nâng quân số của Việt Nam Cộng hòa thêm hai mươi ngàn quân và 12,5 triệu đôla để cải thiện lực lượng bảo an. Kennedy đã phê chuẩn Kế hoạch chống nồi dậy cho Việt Nam, tài liệu mà sau này Ẩn đã có được. Vào tháng 5, Phó tổng thống Lyndon Johnson thăm Việt Nam ba ngày, ông gọi Diệm là Winston Churchill của Việt Nam cũng như so sánh ông này với George Washington, Woodrow Wilson, Andrew Jackson, và Franklin D. Roosevelt. Sau này, khi Stanley Kamow hỏi rằng ông có thực sự tin vào điều mà mình từng nói hay không, Lyndon Johnson đã đáp, “Hừm, Diệm là thằng nhóc duy nhất mà chúng ta có ở đó”. (31)

Thuật ngữ chiến tranh đặc biệt bao hàm các biện pháp và hoạt động quân sự cũng như bán quân sự liên quan tới chiến tranh phi chính quy, chống nổi dậy và tâm lý chiến. Theo lời của chính Kennedy thì, “Để thắng cuộc chiến, các sĩ quan và binh sĩ của chúng ta phải hiểu và kết hợp giữa hoạt động chính trị, kinh tế, và dân sự với những nỗ lực quân sự thuần thục trong khi thực thi sứ mệnh này”. Chương trình chống nổi dậy cung cấp cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa thêm nhiều cố vấn, trực thăng và thiết xa để tăng tính cơ động trên chiến trường trong các chiến dịch chống nổi dậy, bao gồm cả vai trò quan trọng của công tác huấn luyện cho lực lượng Nam Việt Nam về chiến thuật mới.(32) Chống nổi dậy còn được bổ sung các chương trình ấp chiến lược, rải hóa chất và chất gây rụng lá xuống các khu vực du kích đóng quân và thiết lập các doanh trại của Lực lượng Đặc biệt vốn có vai trò được giới hạn trong hoạt động huấn luyện biệt kích cho Nam Việt Nam.

Với niềm tin rằng cần có những ý tưởng mới mẻ về Việt Nam, Kennedy đã cử sang một nhóm nghiên cứu kinh tế, dẫn đầu là Tiến sĩ Eugene Staley của Viện Nghiên cứu Stanford. Báo cáo của họ nhấn mạnh đến tác động không tách rời của viện trợ kinh tế và quân sự lên tình hình an ninh tại Việt Nam, nhận diện Việt Cộng là một kẻ thù “tàn bạo, tài giỏi và khó lường”, đòi hỏi phải “huy động toàn bộ nguồn lực kinh tế, quân sự, tâm lý và xã hội của đất nước này và sự giúp đỡ mạnh mẽ từ phía Mỹ”. (33)

Ngay khi Staley từ Sài Gòn trở về, Tổng thống Kennedy đã thông báo rằng Tướng Maxwell D. Taylor sẽ thăm Việt Nam với tư cách là đại diện auân sự của tổng thống. Taylor được tháp tùng bởi Walt W. Rostow, Chủ tịch Hội đồng Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao. Đoàn tới Sài Gòn vào ngày 18 tháng 10 và dành một tuần tập trung vào vấn đề triển khai quân tại Việt Nam. “Ngay khi vừa đến, Taylor và Rostow đã nhận ra rằng tình hình tồi tệ hơn so với hình dung của họ”.(34) Taylor cho rằng đây “là giai đoạn đen tối nhất kể từ những ngày đầu năm 1954… Không cường điệu khi nói rằng tinh thần của cả dân tộc đang suy sụp”.(35) Các cuộc tấn công và đột nhập thành công trong thời gian gần đó của Việt Cộng khiến cho Taylor và các thành viên đoàn công tác nhận thấy rằng cách duy nhất để cứu Diệm là đưa quân Mỹ vào.

Bản báo cáo Taylor-Rostow cuối cùng, đề xuất một kế hoạch toàn diện về việc Mỹ hóa cuộc chiến, được trình bày trước Kennedy vào ngày 3 tháng 11.(36) Mô tả một “cuộc khủng hoảng kép về niềm tin” trong cả quyết tâm của Mỹ lẫn năng lực của Diệm, Taylor đã thúc đẩy sự dấn thân sâu hơn của Mỹ bằng lời kêu gọi đưa tám ngàn lính lục quân, kỹ sư thiết yếu và nhân viên hậu cần, cùng các đơn vị lính chiến vào Đồng bằng sông Mê Kông để thiết lập nền tảng an ninh. Lực lượng hỗn hợp tám ngàn người này sẽ hoạt động dưới vỏ bọc cứu trợ nhân đạo cho khu vực rộng lớn bị ngập lụt tại đồng bằng, nhưng thực ra là để tạo ra “một biểu tượng rõ ràng về sự nghiêm túc trong các ý định của Mỹ”.(37) Taylor tin rằng những đội quân ấy có thể “được lệnh tham chiến để tự bảo vệ mình, bảo vệ cho các đối tác làm việc và cho khu vực họ đóng quân”. Taylor có vẻ không lo ngại về “những nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến lớn ở châu Á”, vốn là “món quà” nhưng “không ấn tượng”.

Theo cách nhìn của Hà Nội, những chuyến thăm công khai này gây ra quan ngại đặc biệt lớn. Đây là đánh giá trong một ấn phẩm của Cộng sản vào năm 1965: “Miền Nam đã trở thành nơi để quân đội Mỹ thực hành chiến thuật chống quân nổi dậy, một cuộc chiến thực nghiệm mà trước đây nước Mỹ chưa bao giờ triển khai".(38)

Ông Ẩn tiết lộ với tôi rằng Tướng Giáp rất lo ngại nên đã cử hai phái đoàn đến Moscow để bàn bạc với các lãnh đạo quân đội Liên Xô về phương cách chống chiến tranh đặc biệt của Mỹ, nhưng lúc bấy giờ người Nga chỉ biết tới chiến tranh chính quy. Ông Giáp sau đó đã cử một đoàn tới gặp các tư lệnh quân sự Trung Quốc từng chiến đấu chống lại quân Đồng Minh tại Triều Tiên, nhưng họ cũng chẳng giúp ích được gì nhiều. “Tôi là người đã làm việc đó. Tôi giúp họ hiểu về phương thức chiến tranh mới của Mỹ, và điều đó đã khiến ông Giáp rất vui mừng. Đã có hai kế hoạch thất bại, và rồi tôi giúp xây dựng chương trình đối phó”.

NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 1962, Sư đoàn 7 Bộ binh Việt Nam Cộng hòa, đóng tại Đồng bằng sông Mê Kông, được lệnh thu giữ một máy truyền sóng vô tuyến của PLAF (Quân Giải phóng nhân dân) hoạt động gần làng Ấp Bắc, vốn đang được một đơn vị Việt Cộng nhỏ với chừng 120 tay súng bảo vệ. Cố vấn cấp cao người Mỹ của Sư đoàn 7 Quân lực Việt Nam Cộng hòa là John Paul Vann, người đã ở Việt Nam trong tám tháng và chưa từng giáp mặt kẻ thù. Trung tá lục quân Vann là một trong những nhân vật huyền thoại của Chiến tranh Việt Nam. Ông tử nạn trong một vụ rơi trực thăng tại Việt Nam vào ngày 9 tháng 6 năm 1972.(39)

Vann ngứa ngáy muốn tham gia trận đánh để ông ta có thể đánh giá xem các tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã hấp thu các bài huấn luyện của ông tới mức nào. Ở phía bên kia, viên tư lệnh Việt Cộng cũng đã chuẩn bị giáng một đòn vào các máy bay trực thăng Mỹ. Sự xuất hiện của đại đội trực thăng vận đầu tiên của Mỹ vào tháng 12 năm 1961 đã gây ra nhiều khó khăn cho du kích quân, tương tự như các “trận càn” bạo liệt do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện vào ban ngày quét qua các làng mạc để truy bắt Quân giải phóng. “Lúc bấy giờ chúng tôi không biết cách nào để chống lại trực thăng và thiết xa”, ông Mai Chí Thọ nói với tôi. “Ông Ẩn đã cung cấp các thông tin giúp chúng tôi xây dựng một lối đánh ở tầm chiến thuật”.

Giờ đây, được trang bị một kế hoạch chiến lược mới, Quân giải phóng đã sẵn sàng chọi lại trực thăng. Vài tuần trước, để tính toán tầm bắn hiệu quả nhất, họ đã tập luyện tại vùng Đồng Tháp Mười với mục tiêu là mô hình trực thăng Shawnee và Huey làm bằng giấy bìa gắn trên cọc tre để mô phỏng các đặc điểm bay của chúng.(40) “Một trong những sự kiện hiếm hoi, trong cuộc xung đột với những chuỗi đụng độ dường như không bao giờ ngơi nghỉ vốn có vẻ như không có ý nghĩa thực chất nào, sắp sửa xảy ra - đó là một trận đánh quyết định có thể ảnh hưởng tới cục diện của cuộc chiến tranh”, Neil Sheehan viết. “Giờ đây Việt Cộng đang vùng dậy chiến đấu”.(41)

Tin tức tình báo của Vann đã sai; không phải là một đại đội 120 người, ông ta đã đối mặt với Tiểu đoàn 261 chính quy của Việt Cộng với 320 quân được sự hổ trợ của 30 dân quân. Nhưng Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn vượt trội về số lượng lẫn phương tiện. Một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 Bộ binh gồm 330 binh sĩ, được yểm trợ bởi hai tiểu đoàn bảo an và một đại đội gồm mười ba xe thiết giáp chở quân M-113, thêm vào đó là một đại đội bộ binh cùng xe bọc thép chở quân (APC) mười tấn được Việt Cộng gọi là “rồng xanh”. Tổng quân số lên tới hơn 1.000.(42)

Mới bước vào trận, quân Việt Nam Cộng hòa ngay lập tức đã hứng chịu tổn thất về nhân mạng và các sĩ quan chỉ huy đã gọi quân tiếp viện từ làng Tân Hiệp gần đó. “Mười trực thăng Shawnee và năm trực thăng tấn công Huey thế hệ mới” bay đến.(43) Khi chúng vừa tới Ấp Bắc, chiếc lưới đã được bủa ra với hàng loạt đạn được bắn lên từ dưới các hàng cây trên bờ đê. Trong vòng vài phút, mưòi bốn trong số mười lăm trực thăng bị bắn trúng, bốn chiếc rơi, trong đó có một chiếc Huey, và ba người Mỹ thiệt mạng. Quân Việt Nam Cộng hòa vẫn còn cơ hội cứu vãn tình hình bởi Việt Cộng đã bị bao vây và lối rút quân duy nhất là băng qua cánh đồng phía đông. Vann vội điều động thiết xa nhưng Diệm trước đó đã ban lệnh rằng không ai được tham chiến nếu không được Sài Gòn trực tiếp chuẩn thuận, ông cũng chỉ đạo tất cả tư lệnh các quân đoàn và sư đoàn là phải tránh tổn thất lớn về nhân mạng. Ai không tuân theo chỉ thị đơn giản này sẽ không được thăng cấp. Viên tư lệnh Việt Nam Cộng hòa ở đấy đã không chấp hành chỉ đạo của Vann về việc bít đường rút quân của Việt Cộng. Khi hoàng hôn xuống, quân Việt Cộng rút lui.

Vann coi trận này là bằng chứng cho thấy đội quân mà ông được giao nhiệm vụ huấn luyện kém năng lực một cách tệ hại. “Một thành tích quá tồi tệ. Những người này không chịu nghe lệnh. Bọn họ cứ lặp đi lặp lại những lỗi chết tiệt”. (44) Trận đánh cho thấy những binh sĩ chiến đấu cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ chết uổng mạng nếu đặt họ dưới sự chỉ huy của mấy viên tướng bất tài và chuyên nịnh hót mà Diệm đã đưa vào các vị trí chủ chốt. “Trận Ấp Bắc đã bộc lộ cái chính sách thăng tiến và bổ nhiệm vào thành phần lãnh đạo Quân lực Việt Nam Cộng hòa mà chỉ dựa vào lòng trung thành với Diệm chứ không dựa trên năng lực nghiệp vụ là hoàn toàn sai lầm”, ông Ẩn nói với tôi. Tướng Huỳnh Văn Cao, người được Diệm tin tưởng là nhân vật trung thành nhất với gia đình họ Ngô và đã được thăng cấp rất nhanh, đã bộc lộ cả sự bất tài và hèn nhất, “ông Diệm có những vị tướng chưa bao giờ hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn được thăng cấp bởi họ từng hôn tay Nhu và Diệm. Ấp Bắc là nơi những con gà trống đầu tiên về nhà”, Ẩn nói kèm theo nụ cười và nhìn vào bộ sưu tập chim của ông.

Báo cáo tổng kết trận chiến của Vann là bản cáo trạng đối với tư lệnh ở tất cả các cấp vì họ đã không hành động quyết đoán và không khích lệ binh sĩ của mình. Cố vấn cấp cao của Mỹ, Đại tá Daniel B. Porter, coi Báo cáo tổng kết này “có lẽ là bản nhiều tư liệu nhất, toàn diện nhất, có giá trị nhất và tiết lộ nhiều vấn đề nhất trong tất cả các bản báo cáo” từng được trình lên trong năm vừa qua.(45)

Không thể đánh giá thấp ý nghĩa của trận Ấp Bắc đối với Quân giải phóng ở miền Nam và uy tín của Ẩn tại Hà Nội. Ấp Bắc trở thành một lời hiệu triệu, và Trung ương cục miền Nam đã phát động một phong trào “Thi đua Ấp Bắc”(*) trên khắp miền Nam Việt Nam. Báo cáo đánh giá tình báo đặc biệt của CIA vào ngày 17 tháng 4 năm 1963 kết luận rằng “Việt Cộng đã cho thấy họ là một kẻ thù đáng gờm và là lực lượng du kích hiệu quả… Họ đã chứng tỏ sự linh hoạt trong việc điều chỉnh chiến thuật để đối phó với mô thức chiến dịch kiểu mới của Nam Việt Nam… Một nhân tố quan trọng góp phần vào thành công này chính là hệ thống tình báo hiệu quả của họ. Những người mật báo và có cảm tình với họ có mặt khắp vùng nông thôn, và rõ ràng Việt Cộng đã duy trì được mạng lưới tình báo phủ sóng ở mọi cấp trong hệ thống quân sự và dân sự của Nam Việt Nam”. (46)

Có lẽ đánh giá rõ ràng nhất là bản Báo cáo tổng kết sau trận Ấp Bắc của chính Quân giải phóng, thường được biết đến với tên gọi “Tài liệu Việt Cộng về Trận Ấp Bắc, ngày 2 tháng 1 năm 1963”.(47) Tài liệu này thu được từ đối phương và được dịch ra tiếng Anh rồi lưu hành tại tổng hành dinh của MACV vào cuối tháng 4 năm 1963. Phía Việt Cộng coi “trận chống càn vào ngày 2 tháng 1 năm 1963” là một “thắng lợi to lớn của quân và dân ta… Chiến thắng trong trận chống càn Ấp Bắc cho thấy quản ta đã lớn mạnh về kỹ và chiến thuật… Thắng lợi này cũng cho chúng ta thấy rõ các lợi điểm về chiến thuật của kẻ thù”.

Với những đóng góp trong trận Ấp Bắc, Ẩn về sau đã nhận Huân chương Chiến công đầu tiên trong bốn huân chương loại này mà ông được trao tặng. Chỉ có hai tấm huân chương được trao tặng cho trận đánh vào thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh này, một được trao cho Nguyễn Bảy(**) một chỉ huy thuộc Quân giải phóng nhân dân, và tấm còn lại được trao cho phóng viên của Reuters, Phạm Xuân Ẩn, vì những báo cáo mà ông gửi về đã giúp thay đổi tính chất của cuộc chiến.

______________________

(*) Phong trào này có tên gô “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”

 (**) Nguyễn Bảy, tên thật là Đặng Minh Nhuận (còn có tên là Đoàn Triết Minh, Bảy Đen), là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 261, chỉ huy trực tiếp trong trận Ấp Bắc. Ngày 30-8-1963, ông chỉ huy bộ đội tiến công và tiêu diệt đồn Thạnh Nhựt (nay thuộc huyện Gò Công Tây, tinh Tiên Giang), ông bị thương nặng trong quá trình công đồn và không qua khỏi.

______________________

Thật trớ trêu là tấm Huân chương Chiến công đầu tiên của Ẩn, cũng như tấm thứ ba cho những đóng góp của ông vào Tổng tấn công Mậu Thân 1968, đều đánh dấu những thời điểm bước ngoặt trong hoạt động đưa tin về cuộc chiến. Trận Ấp Bắc là thời điểm bùng phát của cơn thù nghịch âm ỉ giữa báo chí và Phái bộ quân sự Mỹ ở Sài Gòn, vốn luôn khăng khăng phe mình đã thắng trận. “Tôi không hiểu tại sao có người lại coi trận Ấp Bắc là một thất bại”, Tướng Paul Harkins, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Viện trợ quân sự của Mỹ tại Việt Nam (MACV), nói. “Lực lượng của Chính phủ đã xác định mục tiêu (là máy truyền sóng vô tuyến), chiếm được mục tiêu đó, rồi Việt Cộng rút lui và thương vong của chúng lớn hơn tổn thất bên phía quân Chính phủ - Quý vị còn muốn gì nữa?”. Khi Peter Amett của hãng tin AP đặt một câu hỏi khó tại một cuộc họp báo sau trận Ấp Bắc, Đô đốc Harry D. Felt đã độp lại: “Trở về hàng ngũ đi”.

“Trước trận Ấp Bắc”, Sheehan viết, “chính quyền Kennedy đã thành công trong việc ngăn dân chúng có một sự hiểu biết rõ ràng rằng đất nước này đã can dự vào một cuộc chiến tranh ở một xứ sở gọi là Việt Nam… Thế rồi trận Ấp Bắc đã đưa Việt Nam lên trang nhất các tờ báo và trong các bản tin truyền hình buổi tối nhiều tới mức không có sự kiện nào sánh bằng”.(48) Các phóng viên như Neil Sheehan và David Halberstam đã tới Ấp Bắc và biết chuyện gì xảy ra ở đấy. “Ấp Bắc đã châm ngòi cho sự phân rã của chế độ Ngô Đình Diệm”, ông Ẩn nói. “Chúng tôi biết điều đó và chẳng bao lâu sau mọi người đều biết”.

Sếp của Ẩn là Nick Turner cùng với Sheehan có mặt tại chiến trường, tận mắt chứng kiến xác những chiếc trực thăng Mỹ bị bắn hạ và xác binh sĩ Việt Nam Cộng hòa. Halberstam được đưa đến hiện trường bằng một máy bay nhỏ. “Tôi không bao giờ quên được vẻ mặt (của Ẩn) khi ông ấy lao vào phòng với những tin tức về Ấp Bắc”, Nick Turner hồi tưởng, “và nhấn mạnh tầm quan trọng của trận này, trước khi những bản tin đầu tiên được truyền về”. (49)

Ồng Ẩn cũng nhanh chóng đến Ấp Bắc bằng máy bay trực thăng dành cho báo chí vào ngày 3 tháng 1. “Tôi tới đó trong vai trò là phóng viên, giúp các đồng nghiệp hiểu điều gì đã xảy ra cũng như để chứng kiến tận mắt”, Ẩn, với vỏ bọc cho phép ông được coi là một thành viên phe này, kể lại. “Những người bạn thân nhất của chúng tôi đều làm cho các báo như bản thân chúng tôi”, David Halberstam viết trong cuốn Tạo ra vũng lầy. “Phạm Xuân Ẩn của Reuters, Nguyễn Ngọc Rao của UPI, Võ Huỳnh của NBC và Hà Thúc Cần của CBS. Họ là những người xuất sắc… Họ đều có ý thức sâu sắc về công việc của một phóng viên… Họ đều kiêu hãnh; họ là những thành viên tự do hiếm hoi của một xã hội khép kín, và có lẽ họ còn cảm thấy bị xúc phạm nhiều hơn chúng tôi khi bất cứ ai đó tìm cách nhồi nhét cho họ những câu chuyện láo toét”. (50)

Ấp Bắc làm thay đổi phương cách tiếp cận lẫn nhau giữa báo chí và chính quyền. Có vẻ như MACV luôn thể hiện rằng cuộc chiến đang tiến triển thuận lợi, rằng sức mạnh của quân địch sa sút, rằng có thêm nhiều thôn ấp được kiểm soát, vùng nông thôn đã được bình định, nhưng các phóng viên ở đấy thì không thấy vậy. Phóng viên Malcolm Browne của AP nhanh chóng nhận ra rằng để có được một câu chuyện chân xác ở Sài Gòn đòi hỏi “những phương pháp không mấy thoải mái gần giống với cách thức hoạt động của gián điệp chuyên nghiệp. (51) Cuộc chiến thông tin đã đặt đội ngũ nhà báo đối chọi với lời khẳng định cuộc chiến đang tiến triển thuận lợi của tổng thống, đại sứ quán và MACV. Tình hình rất khốc liệt dưới thời Kennedy, và mọi sự càng tồi tệ hơn khi chiến tranh trở thành cuộc chiến của người Mỹ. Khi có các phóng viên chuẩn bị đến Việt Nam, Lyndon Johnson thường bảo họ: “Đừng có giống mấy tay Halberstam và Sheehan nhé. Bọn chúng là những kẻ phản quốc”.(52)

Cánh báo chí trở thành mục tiêu đặc biệt của bà Ngô Đình Nhu, thường được gọi là Bà Nhu, em dâu của ông Diệm, người mà sự kiêu căng đã trở thành biểu tượng của chế độ họ Ngô. Được biết đến với biệt danh “Rồng cái Việt Nam Cộng hòa” bởi tinh thần chống Phật giáo kịch liệt và ủng hộ Công giáo mãnh liệt, Bà Nhu tố cáo Phật giáo đã bị Việt Cộng cài cắm. Khi một nhà sư ở Huế tự thiêu để phản đối, bà đã tố cáo rằng chính các chức sắc Phật giáo “nướng” vị sư kia, và cả sau này nữa, đã dựa dẫm vào viện trợ từ nước ngoài bởi xăng là mặt hàng nhập khẩu. Sau khi nổ ra thêm nhiều hành động chống đối nữa, bà lại tuyên bố, ''Tôi sẽ vỗ tay hoan nghênh các vụ tự thiêu”.

Cuộc chiến nhằm vào báo chí tại Sài Gòn đã lên đến đỉnh điểm vào mùa hè năm 1963 khi phóng viên trưởng của Time tại Sài Gòn, Charles Mohr, thực hiện một bài viết chỉ trích Bà Nhu. Lúc bài viết được chuyển về New York, nó đã va chạm với quan điểm về thế giới của Henry Luce. Bài báo đã được sửa lại, chọc giận Mohr bởi toàn bộ kết luận của ông đã được sửa đổi đến mức có vẻ như ông ủng hộ lập trường của chính quyền rằng không tìm được phương án thay thế Diệm.

Vài tuần sau, Time công kích các phóng viên tại Sài Gòn bằng lời buộc tội rằng cánh nhà báo tại hiện trường “thay vì gỡ rối thì lại đang góp phần làm cho độc giả ở quê hương rối tinh rối mù”. Time tố cáo các phóng viên suốt ngày ngồi ở “quầy rượu trên lầu tám khách sạn Caravelle” và đưa ra những lời kết tội, các thông tin không xác thực và những lời ta thán. Kết quả là “các phóng viên có xu hướng hoàn toàn đồng ý với nhau về hầu hết những gì mình thấy. Nhưng sự đồng thuận đó là rất đáng ngờ bởi vì nó rõ ràng là xuất phát từ một mối. Các nhà báo đã biến mình thành một phần trong mớ hỗn độn về Nam Việt Nam; họ đã đưa tin về một bối cảnh phức tạp với chỉ một góc nhìn duy nhất, cứ như thể kết luận của riêng họ đã làm sáng tỏ mọi vấn đề cần thiết”. (53)

Trước khi xảy ra trận Ấp Bắc, hầu hết các phóng viên tại Sài Gòn đều ủng hộ mục tiêu của chính quyền đối với vấn đề Việt Nam. David Halberstam sau đó đã thay đổi quan điểm về cuộc chiến, cho rằng “sự thật, và sau bao năm vẫn còn nguyên vẹn trong tôi một sự thật đau đớn, là giới truyền thông chúng tôi sai lầm không phải bởi quá bi quan, mà là không đủ bi quan… Chúng tôi không bao giờ tìm cách đưa vào các bài viết của mình những điều mà cuộc chiến tranh thời Đông Dương thuộc Pháp đã gây ra đối với Việt Nam, và bằng cách nào nó đã tạo ra một xã hội hiện đại năng động ở miền Bấc và bằng cách nào nó đã mang đến cho chúng ta một trật tự giãy chết thời hậu phong kiến… [tội lỗi của chúng tôi] không phải nằm ở chỗ chúng tôi thiếu lòng yêu nước hoặc chúng tôi coi thường một mục đích dân tộc cao cả khác - mà nằm ở chỗ ngay từ đầu chúng tôi đã không viết rõ ra rằng đây là một cuộc chiến bất khả thi”. (54)

Chính quyền trở thành nơi mà phóng viên không thể coi là nguồn tin để phục vụ các bài viết về sự thật của cuộc chiến. Tinh trạng thiếu thông tin đáng tin cậy đã cho phép Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng củng cố vỏ bọc nhà báo của mình bởi ông có thể cung cấp cho các phóng viên tại Sài Gòn những thứ mà họ cần, đồng thời lấy được những thông tin phục vụ các báo cáo chiến lược của chính ông rồi gửi vào rừng.

Vào giai đoạn này, chế độ Diệm đang đứng trước bờ vực phá sản, từ chối những quyền tự do cơ bản của Phật giáo và cắt giảm mọi thứ, trừ lòng trung thành tuyệt đối vào gia đình họ Ngô. Năm 1962, bác sĩ Trần Kim Tuyến, cũng giống như Nguyễn Thái và nhiều người khác, không còn chịu đựng nổi sự khuynh loát của Bà Nhu trong chính trường. Trong một lá thư dài trình lên ông Diệm, Tuyến hối thúc Diệm gạt bỏ Bà Nhu ra khỏi trung tâm sân khấu chính trị. Khi người em trai của tổng thống và là chồng của Bà Nhu, ông Ngô Đình Nhu, biết được lá thư ấy, số phận của Tuyến coi như đã bị định đoạt. Tuyến bị điều đi làm tổng lãnh sự ở Cairo, nhưng Nhu quản thúc tại gia cả gia đình ông ta tại Sài Gòn. Trước khi rời Sài Gòn, Tuyến đã đưa ra một kế hoạch đảo chính chi tiết và chia sẻ với ông Ẩn cùng những người khác. Tuyến không tới Cairo mà quyết định sang Hồng Kông để quan sát tình hình, đợi ngày trở về Sài Gòn sau khi chính quyền Diệm sụp đổ.

Một trợ lý thân tín khác của Tuyến là Ba Quốc (bí danh của Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức) vượt qua một vài vòng kiểm tra nói dối và sau đó được chuyển qua cơ quan CIO mới được thành lập, nơi ông được đặt biệt danh là “Tá Bụt” vì ông “hiền như Bụt”. Ba Quốc trở thành trợ lý của giám đốc Cục tình báo Quốc nội. Ông đã tiếp cận được những tài liệu tối quan trọng của mạng lưới tình báo Việt Nam Cộng hòa. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy gián điệp của Cộng sản Bắc Việt đã đột nhập thành công thực sự vào mọi cấp trong xã hội miền Nam Việt Nam, bao gồm cả các cơ quan tình báo Việt Nam Cộng hòa vốn có nhiệm vụ tiễu trừ Việt Cộng. Trong khi đó thì có vẻ như không có một điệp viên đối thủ ngang tầm Phạm Xuân Ẩn hoặc Ba Quốc hoạt động ở miền Bắc, đó có lẽ là lý do tại sao tình báo Mỹ từng cố gắng chiêu mộ Ẩn vào CIA hai lần nhưng đều thất bại.

Ba Quốc không hề biết Ẩn đang hoạt động ngầm: “Tôi quen với Hai Trung, nhưng chỉ biết anh ta là một nhà báo có ảnh hưởng rất lớn đang làm việc cho người Mỹ và có nhiều quan hệ… Vì biết anh ta là người có ảnh hưởng lớn nên tôi muốn tạo quan hệ để moi tài liệu. Tôi bảo cáo lên cấp trên về ý định này nhưng rồi nhận được chi thị không được liên lạc với anh ta”. Ẩn cũng không hề biết tới vai trò thực sự của Ba Quốc.(55)

Có lẽ trường hợp đáng ngạc nhiên nhất trong lĩnh vực tình báo là câu chuyện của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, người có nhiệm vụ tạo bất ổn cho chính quyền chống Cộng ở miền Nam Việt Nam. Thảo cũng trở thành một chuyên gia đảo chính nổi tiếng, thường họp tác với bác sĩ Tuyến và các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa, làm tất cả mọi việc mà ông ta có thể thực hiện được để làm giảm uy tín chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Shaplen mô tả Thảo là “nhân vật cách mạng đầy mưu mô bước ra từ tiểu thuyết của Malraux”. (56)

Thảo và Ẩn là bạn, và cho dù Ẩn có biết về sứ mệnh của Thảo nhưng ông không bao giờ hé lộ một lời về điều đó với Thảo, người đồng thời cũng là bạn của bác sĩ Tuyến và Bob Shaplen. Thảo hoạt động trong vai trò một trong những trợ tá đáng tin cậy nhất của Diệm và thường được ca ngợi rộng rãi như là chiến binh chống Cộng thành công nhất. Sau khi chứng kiến việc làm của Thảo ở tỉnh Bến Tre, nơi Cộng sản hoạt động mạnh, Shaplen đã viết một bài ca ngợi các kỹ năng chống nổi dậy của ông.

Xuất thân từ một gia đình gia giáo theo Công giáo ở miền Nam, Thảo được cha mẹ giới thiệu với Ngô Đình Thục, anh trai của Diệm và lúc bấy giờ đang là giám mục giáo phận Vĩnh Long. Thảo thuyết phục người anh cả của Diệm rằng ông hoàn toàn tin tưởng vào sự nghiệp chống Cộng và mong muốn được phục vụ Diệm hết khả năng. Nhiệm vụ của Thảo đã được cấp cao nhất là Bộ Chính trị chấp thuận. Thảo được cử sang tu nghiệp tại Trường Sĩ quan tại Kansas và sau đó được thăng hàm đại tá. Ông làm tư lệnh Địa phương quân tại tỉnh Vĩnh Long, rồi tư lệnh Địa phương quân ở tỉnh Bình Dương, sau về làm tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre.

Thảo trở thành một trong những ủng hộ viên nhiệt tình nhất của chương trình khu trù mật, kiểu làng tự quản hiện đại nhằm mục tiêu chia cách quân nổi dậy với dân chúng bằng cách đẩy nông dân vào những khu làng rộng lớn, có hàng rào và hệ thống phòng thú vững chắc để tạo điều kiện cho chính quyền bảo vệ họ. Thảo biết chương trình này sẽ khiến nông dân oán hận, đó là lý do tại sao ông ủng hộ nó mạnh mẽ nhất.(57) Nông dân ghét khu trù mật vì nhiều lý do, đầu tiên là việc họ bị buộc phải tham gia xây dựng làng xong mới rời nhà để vào đấy ở. Chương trình này đã làm dấy lên làn sóng phản đối và chán ghét chính quyền Diệm. Khi chương trình bị hủy bỏ, Thảo tập trung vào việc xây dựng ấp chiến lược, thuyết phục Diệm thực hiện càng nhanh càng tốt bởi nếu để lâu sẽ khiến nông dân oán hận và thù địch. “Thay vì thử nghiệm nhiều lần, họ cứ đẩy nhanh tiến độ theo kiểu Mỹ rất đặc trưng, với sự giúp sức của Phạm Ngọc Thảo”, ông Ẩn cho biết. “Thảo có nhiệm vụ khác xa tôi. Tôi là tình báo viên chiến lược; anh ta là người gây bất ổn cho chính quyền và lập kế hoạch đảo chánh. Sứ mệnh của anh ta nguy hiểm hơn tôi nhiều”.

Tôi hỏi Ẩn tại sao rất nhiều người ngưỡng mộ ông Thảo. “Bob Shaplen thích Thảo vì ông ta nghĩ đầu óc của Thảo là tách rời và khác xa Hà Nội. Thảo là một người mơ mộng, giống như nhiều người trong chúng tôi”. Người bạn thiếu thời của Thảo giải thích rằng “Thảo là người suốt đời chiến đấu với một mục tiêu duy nhất là độc lập cho Việt Nam. Ông ta là người theo chủ nghĩa dân tộc, chứ không phải theo chủ thuyết nào đó, là người có thái độ và mục đích sống được định hình trong giai đoạn Việt Nam là một thuộc địa bị áp bức về chính trị và bị khai thác về kinh tế của Pháp… Nhìn lại cuộc đời ông ta, không cường điệu chút nào khi nói rằng một mình ông ta đã làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị giữa chính quyền Sài Gòn và Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ông ta góp phần làm suy yếu Diệm và Nhu bằng cách giúp làm thất bại chương trình bình định nông thôn, và ông ta là nhân vật chính trong con lốc xoáy của các âm mưu phá hoại ngầm vốn làm suy sụp và cuối cùng là tiêu diệt chính quyền này”. (58)

Thảo bị giết vào ngày 17 tháng 7 năm 1965. Nguyễn Văn Thiệu được cho là đã ra lệnh xử tử Thảo, lúc này đã bị thương nặng, bằng cách dùng dây da thắt cổ và tinh hoàn. Khi nghe tin Thảo chết, Thiệu đã khui sâm banh cùng vợ uống mừng.(59)

Trong một lần nói chuyện sau chót của chúng tôi, tôi đã đùa rằng hóa ra bác sĩ Tuyến chỉ là một gã xoàng trong chiến dịch truy bắt gián điệp Cộng sản bởi Ba Quốc, Thảo và Ẩn đều khởi đầu sứ mệnh trong tổ chức của Tuyến. Đấy là một lần hiếm hoi trong các cuộc trao đổi của chúng tôi mà Ẩn đổi giọng. “Có những điều mà tôi không thể nói với ông, nhưng tôi không phải là người duy nhất cứu mạng Tuyến; Thảo cũng đã làm vậy bởi vì Tuyến đã giúp phóng thích rất nhiều tù nhân của chúng tôi sau khi ông ta không còn được Nhu và Diệm sủng ái!” Sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, Tuyến từ Hồng Kông bay về Sài Gòn nhưng ngay lập tức phải vào tù vì bị nghi ngờ lập mưu đảo chính, ông ta phải ngồi hai tháng trong tù, bị cô lập, tra tấn, bỏ đói, lột trần và sống với lũ chuột.(60)

Chính Thảo, viên đại tá uy tín của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đã sử dụng ảnh hưởng của mình để Tuyến được tha. “Bác sĩ Tuyến là bạn tôi”, Ẩn nói. “Ông ấy cũng là bạn của Thảo, và chúng tôi cứu mạng ông ấy vì ông ấy đã giúp người của chúng tôi trong tù. Điều này có thể cho ông biết đôi chút về tình bạn của chúng tôi”. Tôi nhớ lúc bấy giờ mình đã nghĩ rằng có quá nhiều cái hộp lồng vào nhau trong cuộc đời của Ẩn.

ẨN NHẬN HUÂN CHƯƠNG CHIẾN CÔNG thứ hai vì đã có báo cáo đánh giá chiến lược về khả năng Mỹ có đưa bộ binh sang vào giai đoạn 1964-1965 hay khỏng. Theo sau cuộc đảo chính lật đổ Diệm vào năm 1963, một vài nhân vật ở Hà Nội cho rằng Mỹ sẽ tìm kiếm một hình thức dàn xếp hoặc hòa giải bằng thương lượng. Ngày 1 tháng 11, Diệm và em trai bị hạ sát trong thùng chiếc xe bọc thép chở quân do Mỹ sản xuất. Cuộc đảo chính này là do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện, nhưng CIA đã can dự vào rất sâu thông qua người bạn của Ẩn là Lou Conein.

“Tôi bất ngờ trước cuộc đảo chánh”, Ẩn nói. “Người Mỹ đã đầu tư vào Diệm quá nhiều, nhưng Lansdale là người duy nhất có thể kiềm chế ông ta. Cấp trên của tôi đã nhận định sai rằng sau khi lật đổ Diệm, Mỹ cũng sẽ rút khỏi Việt Nam. Tôi phá lên cười và bảo, 'Không đâu, họ đang tới đây và các anh nên chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh lớn’. Tôi nói với họ rằng ông Diệm cũng chống việc Mỹ đưa quân vào và đó là một lý do nữa để CIA lật đổ ông ta. Ông ta phải trả giá vì đã vượt ra khỏi cái dây xích của người Mỹ”.

Cuộc can dự quy mô lớn của Mỹ vào Việt Nam được quyết định vào ngày 28 tháng 7 năm 1965,(61) nhưng các báo cáo của Ẩn bắt đầu vào năm 1964 trong thời gian Nguyễn Khánh nắm quyền. Ẩn kể cho tôi đúng cái điều mà ông đã nói riêng với Bob Shaplen ba mươi năm về trước, rằng khi CIA biết được những lời đề nghị bí mật của Nguyễn Khánh với Mặt trận Dân tộc Giải phóng, ông ta sẽ bị truất quyền lãnh đạo vì chính quyền của Johnson đang hướng tới việc Mỹ hóa cuộc xung đột.(62) “Tôi đã biết rằng người Mỹ không bao giờ ra đi. Sau này tôi mới biết nhiều người ở Hà Nội nghĩ khác, nhưng hồi đó tôi không hay biết về suy nghĩ của họ. Tôi chỉ đưa cho họ sự phân tích chân xác của mình và sau đó mới hay tôi được trao huân chương”.

Ông Ẩn cho biết nguồn cung cấp chính các thông tin về Nguyễn Khánh là thành viên CIA Lou Conein, nhưng tôi ngờ rằng ông còn có các nguồn khác nữa. “Một ngày nọ, Lou Conein trở về sau chuyến bay bằng trực thăng với Nguyễn Khánh và hét lên với tôi, 'Ẩn, gọi cho vợ con và gia đình ông thu dọn đồ đạc rồi biến khỏi đây. Mất sạch rồi. Đất nước của ông sắp rơi vào tay Cộng sản rồi. Mọi việc tệ hơn tôi tưởng, Khảnh đã lên giường với Mặt trận Dân tộc Giải phóng’. Ông Ẩn giải thích rằng trong khi đang ngồi chung máy bay, Conein quyết định “thử” Khánh bằng cách nói vài câu dẫn tới ý niệm rằng “bây giờ có lẽ đã đến lúc tìm kiếm một chính phủ liên minh và đàm phán với Mặt trận Dân tộc Giải phóng”.

Khánh sập bẫy ngay khi nói rành mạch, chi tiết ý nghĩ của mình với Conein, người không thể kiềm chế được cảm xúc của mình. “Tôi chưa bao giờ thấy Lou Conein giận dữ như thế, nhưng ông ấy cũng rất lo cho tôi và gia đình. Ông ấy cứ quát tháo liên hồi, 'Mất sạch rồi, mất sạch rồi’, Ẩn nhớ lại. “Khi bình tĩnh lại, Conein nói với tôi rằng ông ấy không nghĩ Khánh sẽ có thể tìm kiếm được sự ủng hộ cho kế hoạch đàm phán với Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Lúc bấy giờ tôi đã biết rằng CIA sẽ không để Khánh ở lại lâu. Người Mỹ sẽ không cho phép đàm phán với Mặt trận bởi vì người Việt Nam không được phép tự tìm kiếm sự đồng thuận, điều đó không phù hợp với lợi ích của Mỹ”.

Vụ đánh bom vào doanh trại Lục quân Mỹ tại Pleiku vào ngày 7 tháng 2 năm 1965, làm thiệt mạng tám người Mỹ và làm bị thương hơn một trăm người, đã châm ngòi cho một loạt sự kiện tiếp theo dẫn tới việc lực lượng chiến đấu mặt đất của Mỹ được đưa tới Việt Nam. Một ngày sau cuộc tấn công, Johnson đưa ra lời cảnh báo công khai. “Chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sẵn sàng hành động và tỏ rõ quyết tâm của chúng ta trong việc hỗ trợ miền Nam Việt Nam chiến đấu đề duy trì độc lập”.

Trợ lý đặc biệt của tổng thống, McGeorge Bundy, có mặt tại Pleiku trong ngày xảy ra vụ tấn công. Ông ta đánh về cho Lyndon Johnson một bức điện nêu rõ “tình hình tại Việt Nam đang xấu đi tệ hại, và nếu Mỹ không có một chương trình hành động mới thì thất bại là không tránh khỏi”. Ngày 13 tháng 2, Johnson khởi động Chiến dịch Sấm Rền, một chiến dịch ném bom có hệ thống và rộng khắp nhằm vào các mục tiêu của Bắc Việt.

Giữa lúc nhịp độ của chiến dịch không kích trở nên nhanh hơn, quyết định đưa lực lượng tham chiến mặt đất của Mỹ vào Việt Nam cũng đồng thời được đưa ra. Đầu tiên, 3.500 lính thủy quân lục chiến tràn lên bờ biển để bảo vệ căn cứ không quân trọng yếu tại Đà Nẵng; tới ngày 7 tháng 6, Tướng William Westmoreland đề xuất tăng thêm bốn mươi bốn tiểu đoàn để giúp miền Nam tránh khỏi thất bại. Suốt sáu tuần sau đó, vấn đề Mỹ hóa cuộc chiến đã chiếm lĩnh sân khấu chính trị tại Washington và được Hà Nội đặc biệt quan tâm theo dõi. “Tôi luôn cập nhật thông tin về cuộc tranh luận từ các đầu mối ở trong dinh”, Ẩn kể. “Tôi không bao giờ nghi ngờ về việc người Mỹ sẽ không bỏ đi. Họ đã đổ quá nhiều tiền và uy tín vào đây, nên câu hỏi của tôi lúc bấy giờ là họ sẽ đầu tư thêm bao nhiêu nữa. Khoản đầu tư sẽ rất lớn và đủ cho họ trụ vững dài lâu hơn, nhưng người Mỹ không bao giờ chịu đầu tư để tạo ra một thế hệ lãnh đạo mới tại miền Nam. Đó là sai lầm lớn của họ”.

Ý kiến bất đồng duy nhất trong chính quyền Johnson lúc bấy giờ xuất phát từ Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, người đã tìm cách cảnh báo cho Johnson về việc ông ta đang khởi động một cuộc chiến tranh mới đặt Mỹ vào sự đối đầu với Việt Cộng. “Có lẽ việc đưa lực lượng quân sự quy mô lớn của Mỹ với hỏa lực mạnh sẽ buộc Hà Nội và Việt Cộng đi đến quyết định mà chúng ta đang tìm kiếm. Mặt khác, chúng ta có lẽ sẽ không thể thực hiện cuộc chiến này một cách đủ thành công - dù có đưa sang miền Nam Việt Nam 500.000 quân Mỹ thì chúng ta cũng cần phải có nhiều bằng chứng hơn so với hiện nay rằng quân của chúng ta sẽ không sa lầy trong rừng rậm và trên các ruộng lúa - trong lúc chúng ta từ từ cho nổ tung đất nước này thành muôn mảnh”. Trong một bản ghi nhớ, Ball viết rằng “về khía cạnh chính trị thì miền Nam Việt Nam là một thất bại… Hà Nội có một chính phủ, một mục tiêu và một nền kỷ luật. Chính quyền ở Sài Gòn thì lại là một trò đùa. Thực sự thì miền Nam Việt Nam là một đất nước có quân đội nhưng vô chính phủ. Theo quan điểm của tôi, một sự can dự sâu của Mỹ vào chiến trường trên bộ tại Nam Việt Nam là một sai lầm chết người. Nếu từng có một dịp để tiến hành một cuộc rút quân chiến thuật thì chính là lúc này đây”. (63)

Lời của Ball chẳng có ai nghe. Ngày cuối cùng của ông ở nhiệm sở là vào cuối tháng 7, vài ngày trước khi Johnson tuyên bố Westmoreland sẽ có tất cả những gì ông ta cần. Tổng thống đã nói với Ball rằng Mỹ sẽ mất uy tín nếu rút quân. “Không đâu, thưa ngài”, Ball đáp. “Thất bại tồi tệ hơn sẽ là việc quốc gia hùng mạnh nhất quả đất không thể khuất phục được một nhúm nhỏ du kích”. Như sau này Ẩn giải thích, “Mỹ là một quốc gia tươi đẹp, với những con người dễ mến; họ chỉ không học thuộc lịch sử thôi”. (64)

TRONG VÒNG NĂM NĂM sau khi trở về từ Mỹ, Phạm Xuân Ẩn đã nhận hai Huân chương Chiến công nhờ các báo cáo chiến lược và những đóng góp của ông đối với trận Ấp Bắc và quá trình Mỹ hóa cuộc chiến tranh, ông cũng tạo dựng được danh tiếng có lẽ là nhà báo Việt Nam giỏi nhất làm việc cho báo chí phương Tây. Tuy nhiên, trong thập niên sau đó, từ 1965 tới 1975, ông sẽ còn tạo dựng dấu ấn không thể phai mờ đối với hoạt động của ông trong lĩnh vực tình báo cũng như trong vai trò là một ký giả của tờ Time.

______________________

CHÚ THÍCH:

BẮT ĐẦU CUỘC SỐNG KÉP

(1) Báo cáo sau trận đánh, Hộc 86, Tệp Ấp Bắc, Tài liệu của Sheehan.

(2) Lost Victory, 39.

(3) Phỏng vấn Nguyễn Thái.

(4) Sách đã dẫn.

(5) Peter Smark, “Death and Vomit: The Real Meaning of War”, báo Sydney Morning Herald, 12-7-1990.

(6) Nick Turner, “Media and War: Reflections on Vietnam-Nick Turner Recalls His Experience as a War Correspondent During the Vietnam War”, tạp chí New Zealand International Review 28, so 4 (tháng 7 - 8. 2003).

(7) Ronald Seth, Anatomy of spying (New York: Nhà xuất bản Dutton, 1963). Halberstam không nhớ mình từng tặng cuốn sách này cho Ẩn.

(8) Tên người như cuộc đời. Merle Pribbenow và Ti Ti Mary Trần dịch.

(9) Anatomy of spying, trang 57.

(10) Bắt đầu vào ngày 21-2-2004, trang mạng của báo Thanh Niên đăng loạt bài về Ba Quốc với nhan đề “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng”, số ngày 10-3-2004, truy cập ngày 11-3-2004, tại địa chỉ http://www.thanhnien.com.vn/TiriTuc/Xa- Hoi/2004/3/10/10518; Merle Pribbenow dịch.

(11) Trích dẫn trong “Những huyền thoại để lại”.

(12) Xin cảm ơn Merle Pribbenow về vấn đề này.

(13) Mười Nho là cấp trên trực tiếp của Ẩn giai đoạn 1961-1965, sau đó là Tư Cang 1966-1972 và Ba Minh 1972-1975. Thật thú vị là sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, việc các lãnh đạo vào Sài Gòn trở nên quá nguy hiểm. “Vì thế, chúng tôi chỉ trao đổi thư từ và tới sau ngày giải phóng mới gặp nhau”, Ba Minh cho biết. A General of the Secret Service, trang 118.

(14) Strategic Intelligence; https://www.cia.gov/csi/books/shermankent/toc.html

(15) Xem Anatomy of spying, chương 2.

(16) Roger Trinquier, Modem Warfare: A French View of Counterinsurgenqr (New York: Nhà xuất bản Praeger, 1961), trang 4. Sách xuất bản lần đầu tại Pháp năm 1961, đây là ấn phẩm mà ông Ẩn sử dụng. Sau đó ông nghiên cứu cuốn Counterinsurgency Warfare: Theory and Practice của David Galula (New York: Nhà xuất bản Praeger, 1964).

(17) T. R. Phillips, Roots of Strategy: A Collection of Military Classics (Harrisburg, PA: Nhà xuất bản Military Service Publishing Co, 1940), trang 36-37.

(18) William Prochnau, Once upon a Distant War (New York: Nhà xuất bản Times Books, 1995), trang 154.

(19) CIA Current Weekly Intel Summary, 17-3-1960, Advice and Support, trang 349.

(20) “Country Team Study Group Report on Internal Security Situation in Vietnam”, Advice and Support, trang 330-331.

(21) Ước tính sản phẩm của Việt Nam, 1948-1978 (Washington, D.C.: Cục ấn loát Chính phú, 2005), 23-8-1960, Special National Intelligence Estimate (SNIE) 63. 1-60.

(22) Xem James Lawton Collins, Jr, The Development and Training of the South Vietnamese Army (Washington, D.C.: Bộ Ngoại giao, 1975), trang 5; xem thêm Advice and Support, trang 365.

(23) Sách đã dẫn, Advice and Support, 365.

(24) “Báo cáo mười hai tháng đầu tiên của chỉ huy MAAG, Việt Nam”. Tháng 9-1961. Kế hoạch này là một đề cương chi tiết về tái cấu trúc Quân đội của Việt Nam Cộng hòa, trong đó có đẻ nghị của McGarr về việc đặt Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Tự vệ dân sự/lực lượng Bảo an trong cùng một hệ thống chì huy.

(25) Biên bản cuộc họp, 24-4-1961. FRUS, 1961-1963. Tập 1, Việt Nam, trang 78; Chương 6, “The Advisory Build-Up, 1961-1967”, trong bộ Hỗ sơ Lâu Năm góc (The Pentagon Papers), Ẩn bản của Gravel, tập 2 (Boston: Nhà xuất bản Beacon Press, 1971), trang 408-514; Mục 1, trang 408-457.

(26). http://www. statecraft. org/ Chương8. html.

(27) Paul M. A. Linebarger, Psychological Warfare. (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Infantry Journal Press, 1948).

(28) A General of the Secret Service, trang 83-84.

(29) Trích dẫn trong Những huyền thoại để lại.

(30) Lansdale nói với Shaplen, 8-6-1982, Hộc 1, Tệp 14, Tài liệu của Lansdale. Xem Stanley Kamow, “In Vietnam, the Enemy Was Right Beside Us”, báo Washington Star, 22-3-1981.

(31) Stanley Karnow, Vietnam: A History (New York: Nhà xuất bản Viking, 1983), trang 214; xem thêm Sài Gòn, Việt Nam, Ghi chép làm hồ sơ lưu, 9-9-1963, Hộc 22, Tệp 1, UPI, Tài liệu của Sheehan.

(32) R. B. Smith, An International History of the Vietnam War, tập 2 (New York: Nhà xuất bản St. Martin's, 1985), trang 58.

(33) FRUS, 1961-1963, tập 1, Việt Nam, trang 179.

(34) Xem Andrew Preston, The War Council: McGeorge Bunđy, the NSC, and Vietnam (Cambridge, MA: Nhà xuất bản Harvard University Press, 2006), trang 91.

(35) Maxwell Taylor, Swords and Plowshares (New York: Nhà xuất bản Perseus Books, 1990), trang 228-229.

(36) “Taylor to Kennedy”, 3-11-1961, FRUS 1961-1963, Việt Nam, tập 1, trang 478; xem từ trang 477-532 để đọc toàn bộ báo cáo.

(37) Những yêu cầu mới này có thể làm đổi thay sự cam kết vốn chỉ đơn thuần giới hạn trong vai trò cố vấn. Tháng 2-1962, Bộ chỉ huy Viện trợ quân sự của Mỹ tại Việt Nam (MACV) đã ra đời, thay thế MAAG. Cơ cấu chỉ huy mới này đã hiện thực hóa sự gia tăng của vai trò cố vấn của Mỹ đối với Quân lực VNCH.

(38) “Kế hoạch Staley-Taylor là kế hoạch 'chiến tranh đặc biệt' được quân đội Sài Gòn thực hiện dưới sự chủ trì của các cố vấn Mỹ”. Thất bại của chiến tranh đặc biệt, 1961-65. Số 1, Nghiên cứu Việt Nam (Hà Nội, Xunhasaba, 1965).

(39) http://www.medaloffreedom.com/JohnPaulVann.htm.

(40) Once upon a Distant War, trang 214-219.

(41) A Bright Shining Lie, trang 205-206; Sheehan giải thích rằng “trận chiến này được biết đến với tên gọi là trận Ấp Bắc thay vì trận Bác bởi vì tin tức về cuộc chiến đều bao gôm chữ 'ấp', nghĩa là một 'làng' như là một phần của địa danh”.

(42) Tôi sử dụng nhiều chi tiết từ cuốn The Battle of Ap Bac, Vietnam của Toczek và A Bright Shining Lie của Sheehan.

(43) Once upon a Distant War, trang 224.

(44) A Bright Shining Lie, 277.

(45) Tệp Ắp Bắc, Hộc 86, Tài liệu của Sheehan.

(46) The U.S. Army in Vietnam. Trích từ ấn phẩm tái bản của loạt Tài liệu về Lịch sử Quân đội Mỹ, Trung tâm Lịch sử Quân sự của Lục quân Mỹ, trang 634; Đánh giá của Lục quân Mỹ về Ấp Bắc nêu “Tầm quan trọng của trận Ấp Bắc vượt ra ngoài khuôn khổ một trận đánh. Thất bại này là một điềm báo cho những gì sẽ xảy đến. Với việc giờ đây đã có thể thách thức các đơn vị VNCH với sức mạnh tương đương trong các trận đánh mang hơi hướng chính quy, Việt Cộng đang tiến tới một bước quyết liệt hơn trong cuộc chiến tranh cách mạng”.

(47) Tài liệu Việt Cộng về trận Ấp Bắc, 2-1-1963, Tệp Ấp Bắc, Hộc 86, Tài liệu của Sheehan.

(48) A Bright Shining Lie, trang 277-8.

(49) E-mail, 10-10-2006

(50) Xem David Halberstam, The Making of a Quagmire (New York: Nhà xuất bản Ballantine Books, 1968).

(51) Trích lời trong Once upon a Distant War, trang 13.

(52) The Powers That Be, trang 450. Xem Daniel C. Hallin, The “Uncensored War”: The Media and Vietnam (Berkeley: Nhà xuất bản University of California Press, 1989), trang 41.

(53) Sheehan có lần hỏi Bà Nhu rằng bà ta có nghĩ là Cộng sản đã xâm nhập vào báo chí Mỹ hay không. “Chắc chắn rồi”, Bà Nhu đáp. Cộng sản “luôn chọn những tổ chức nổi tiếng hoặc nghiêm túc nhất như Đại học Harvard hoặc báo New York Times”. Bà nói, “Tạp chí Time thì thường nịnh tôi”. Once upon a Distant War, trang 121-122.

(54) Trích dẫn trong Thomas B. Morgan, “Reporters of the Lost War”, tạp chí Esquire, 7-1984, trang 52.

(55) Ông Ẩn nói, “Tôi biết ổng là Nguyễn Văn Tá, sĩ quan của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo”. Trang mạng của báo Thanh Niên, 21-3-2004, truy cập ngày 21-3-2004 tại địa chỉ http://www!thanhnien.com.vn/TinTuc/Xa-Hoi/2004/3/21/11594/. Merle Pribbenow dịch.

(56) Robert Shaplen, The Road from War (New York: Nhà xuất bản Harper & Row, 1970). Xem bài viết ngày 20-3-1965 của shaplen, trang 1-9.

(57) “In Vietnam, the Enemy Was Right Beside Us”, báo Washington Star, 22-3-1981.

(58) Trương Như Tảng, A Vietcong Memoir (New York: Nhà xuất bản Vintage), trang 60.

(59) Hộc 8, Việt Nam, Tài liệu của McCulloch. Đây là các ghi chú phỏng vấn của McCuiloch.

(60) Tài liệu năm 1975 của Shaplen có câu trả lời của Tuyến về tình trạng nhà tù thời đó: “Tuyến: bị bắt, biệt giam, trân truồng, 5 tuần, 2 bát cơm mỗi ngày, mới chín tới, không có thức ăn nào khác, một chai nhỏ nước máy, nôn ra máu, rất ốm yếu. Ngồi tù 73 ngày, ra ngày 2-11” Hộc 93, Tài liệu của Shaplen.

(61) Xem Larry Berman, Planning a Tragedy (New York: Nhà xuất bản W. W. Norton, 1982).

(62) “ẨN: Mặt trận Dân tộc Giải phóng “đề nghị điều tương tự với Nguyễn Khánh vào năm 1964 (tham gia chính phủ) và Khánh sẵn sàng thực hiện điều đó, đã viết cho Nguyễn Hữu Thọ. CIA bắt được - lá thư thứ hai - và loại Khánh. Lúc đấy Khánh sẵn sàng nói chuyện”. Tài liệu của Shaplen, Ghi chú phỏng vấn. Hộc 93.

(63) Planning A Tragedy, 109

(64) Ẩn nói điều này với phóng viên ảnh Ted Thái. Tác giả cũng phỏng vấn Thái.