Đi Tìm Lẽ Sống

Lời Cuối

Vào ngày 27 tháng 01 năm 2006, kỷ niệm 60 năm giải phóng trại “tử thần” Auschwitz - nơi 1,5 triệu người đã chết - nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành lễ Tưởng niệm các nạn nhân trong thời Đức quốc xã. Một vài tháng sau, họ cũng tổ chức lễ kỷ niệm một trong số các tác phẩm văn học bất hủ được sáng tác trong giai đoạn khủng khiếp này. Tác phẩm này đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Đức vào năm 1946 với nhan đề A Psychologist Experiences the Concentration Camp (Những trải nghiệm của một nhà tâm lý học trong trại tập trung) và sau này được đổi tên thành Say Yes to Life in Spite of Everything (“Hãy nói ‘Có’ với cuộc sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào”), các ấn bản sau này được bổ sung lời giới thiệu về Liệu pháp ý nghĩa, và một bản tái bút về tinh thần lạc quan khi đối mặt với nỗi đau, tội lỗi và cái chết. Bản dịch tiếng Anh, lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1959 với tiêu đề Man’s Search for Meaning (Đi tìm lẽ sống).

Tác phẩm của Viktor Frankl đã bán được hơn 12 triệu bản bằng 24 ngôn ngữ[59]. Theo khảo sát vào năm 1991 của thư viện quốc gia Hoa Kỳ (Library of Congress), các độc giả được yêu cầu kể tên “một cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời bạn” và Đi tìm lẽ sống là một trong số mười cuốn sách có ảnh hưởng nhất tại Mỹ. Nó đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà tư tưởng về tôn giáo và triết học, các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần, các giáo viên, sinh viên và những độc giả đại chúng. Đây là cuốn sách được chỉ định cho các nghiên cứu sinh, sinh viên cao đẳng, đại học, và học sinh trung học về tâm lý học, triết học, lịch sử, văn chương, các nghiên cứu về Đức quốc xã, tôn giáo và thần học. Điều gì đã khiến nó có ảnh hưởng sâu rộng và có giá trị lâu dài đến vậy?

Cuộc đời của Viktor Frankl trải dài gần hết thế kỷ 20, từ lúc ông sinh ra vào năm 1905 đến khi ông mất vào năm 1997. Từ lúc 3 tuổi, ông đã quyết định sẽ trở thành một y sĩ. Trong tiểu sử của mình, ông bộc bạch rằng ngay từ lúc còn trẻ ông đã “thỉnh thoảng nghĩ về ý nghĩa cuộc sống. Nhất là về ý nghĩa của một ngày sắp tới và ý nghĩa của nó đối với tôi”.

Đến tuổi vị thành niên, Frankl đã đam mê triết học, tâm lý học thực nghiệm và phân tâm học. Để bổ sung thêm kiến thức cho các lớp bậc trung học của mình, ông đã tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức và bắt đầu trao đổi qua lại bằng thư từ với Sigmund Freud, đưa tới việc Freud đã nộp bản thảo của Frank cho Tạp chí phân tâm học quốc tế (International Journal of Psychoanalysis). Bài viết đã được chấp nhận và xuất bản sau đó. Cũng cùng năm đó, khi 16 tuổi, Frankl đã tham dự một hội thảo chuyên đề nằm trong chương trình bồi dưỡng chuyên môn về triết học. Vị giáo sư hướng dẫn đã nhận ra tài năng hiếm có của Frankl nên đã mời ông cùng thuyết giảng về ý nghĩa cuộc sống. Frankl đã nói với khán giả rằng: “Chính chúng ta phải tự trả lời câu hỏi mà cuộc sống hỏi ta, và trước những câu hỏi đó, chúng ta chỉ có thể trả lời bằng cách chịu trách nhiệm cho chính sự tồn tại của mình”. Niềm tin này trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống và định hình lý tưởng nghề nghiệp của Frankl.

Chịu ảnh hưởng từ một số quan điểm của Freud, khi còn là học sinh trung học, Frankl đã quyết định sau này sẽ trở thành bác sĩ thần kinh. Một người bạn học từng nói với Frankl là ông được phú cho khả năng giúp đỡ những người khác, như được tiếp thêm động lực, Frankl bắt đầu nhận ra rằng ông không những có khả năng chuẩn đoán các vấn đề về thần kinh mà còn có khả năng tìm ra động lực thúc đẩy con người.

Công việc tham vấn tâm lý đầu tiên của Frankl hoàn toàn do ông khởi xướng - ông đã sáng lập ra chương trình tham vấn tâm lý riêng dành cho giới trẻ đầu tiên ở thủ đô Vienna, Áo. Từ 1930-1937, ông là bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Đại học Y ở thủ đô Vienna, chuyên chăm sóc các bệnh nhân đã từng tự tử. Ông tìm cách giúp các bệnh nhân của mình tìm ra con đường khiến cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn, cho dù họ mắc phải căn bệnh trầm cảm hoặc tâm thần. Năm 1939, ông trở thành trưởng khoa thần kinh tại bệnh viện Rothschild - bệnh viện Do Thái đầu tiên ở Vienna.

Trong những năm đầu chiến tranh, công việc của Frankl tại Rothschild đã giúp ông và gia đình được bảo vệ khỏi nguy cơ bị trục xuất. Tuy nhiên, khi bệnh việc bị chính quyền phát xít đóng cửa, Frankl nhận ra rằng họ có nguy cơ lớn bị đưa đến trại tập trung. Năm 1942, đại sứ quán Mỹ ở Vienna thông báo rằng ông được cấp thị thực định cư ở Mỹ. Mặc dù thoát khỏi Vienna sẽ giúp ông hoàn thành cuốn sách về liệu pháp ý nghĩa, nhưng ông đã quyết định huỷ bỏ thị thực: ông cảm thấy mình nên ở lại Vienna vì cha mẹ già. Tháng 09 năm 1942, Frankl và gia đình bị bắt và bị trục xuất. Ông đã trải qua 4 trại tập trung trong suốt 3 năm - Theresienstadt, Auschwitz-Birkenau, Kaufering và Türkheim, một bộ phận của trại Dachau.

Điều quan trọng cần lưu ý rằng việc tù đày của Frankl không phải là động cơ duy nhất thôi thúc ông viết Đi tìm lẽ sống. Trước khi bị trục xuất, ông đã bắt đầu phát triển hệ thống các luận cứ chứng minh rằng tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống là chìa khoá cho sức khoẻ tinh thần và giúp con người trưởng thành. Trở thành một tù nhân trong trại tập trung, ông bỗng nhiên bị buộc phải quyết định xem chính cuộc sống của mình có ý nghĩa hay không. Sự sống sót của ông là kết quả kết hợp từ ý chí sống với bản năng sinh tồn, những hành động khoan dung đầy tính nhân văn và sự khôn khéo; dĩ nhiên, không thể không kể đến vai trò của yếu tố may mắn chẳng hạn như nơi ông bị giam giữ, tính khí bọn lính canh và các quyết định tuỳ hứng của chúng về vị trí xếp hàng, và những người bạn đáng tin cậy. Tuy nhiên, có một số yếu tố chỉ có riêng ở mỗi người đã giúp họ vượt qua sự đói khổ và suy đồi ở trại. Frankl đã rút ra những khả năng chỉ có ở con người chẳng hạn như sự lạc quan bẩm sinh, sự hài hước, tâm lý tách rời, những giây phút trầm ngâm ngắn ngủi, sự tự do bên trong, và sự quyết tâm không gục ngã hoặc tự tử. Ông nhận ra rằng ông phải sống vì tương lai, và rút ra sức mạnh từ những tình cảm sâu sắc đối với người vợ và niềm khao khát hoàn thành cuốn sách về liệu pháp ý nghĩa. Ông cũng tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong cảnh đẹp như tiên và nghệ thuật, dù trong những khoảnh khắc thoáng qua. Điều quan trọng nhất là ông đã nhận ra rằng cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, ông vẫn có thể tự do để lựa chọn thái độ trước những đau khổ của mình. Ông đã nhìn thấy điều này không chỉ đơn thuần như một sự lựa chọn mà là trách nhiệm của ông và của mỗi người để quyết định “những bước đi cuộc đời trên con đường vận mệnh”.

Đôi khi các ý tưởng của Frankl cũng truyền cảm hứng cho người khác, như khi ông giải thích với các bệnh nhân đang hấp hối và bị liệt về cách để đối mặt với số phận của họ. Những người khác cũng truyền cảm hứng cho ông như khi ông khẳng định rằng một người tìm thấy ý nghĩa qua việc “đấu tranh cho một mục đích xứng đáng, tự do chọn nhiệm vụ cho mình”. Ông chỉ ra rằng sự thất vọng về việc tồn tại có thể sản sinh và khuyến khích một nhà ngoại giao[60] bất hạnh tìm thấy một sự nghiệp mới, vừa ý hơn. Tuy nhiên, Frankl cũng sử dụng các lời khuyên về đạo đức để gây chú ý đến “khoảng cách giữa việc một người là gì với việc một người cần phải trở thành” và rằng “con người có trách nhiệm phải biến các ý nghĩa tiềm tàng trong cuộc sống của mình thành hiện thực”. Ông xem quyền tự do và trách nhiệm như hai mặt của một đồng xu. Khi ông diễn thuyết trước các khán giả Mỹ, Frankl nói: “Tôi cho rằng ngoài bức tượng nữ thần Tự do ở bờ Tây, nên có thêm một tường thần Trách nhiệm ở bờ Đông”. Theo ông, để tìm được ý nghĩa cuộc sống, con người phải biết “vượt thoát khỏi những ham muốn cá nhân bằng cách làm điều gì đó có ý nghĩa với ai đó hay sự vật / sự việc nào đó ngoài bản thân mình…, hay bằng cách trao cho mình một lý do để phụng sự hoặc tìm cho mình một ai đó để yêu thương”. Chính Frankl đã quyết định thể hiện sự hiếu kính đối với cha mẹ bằng cách ở lại Vienna trong khi ông có thể sống an toàn ở Mỹ. Trong lúc ở cùng trại tập trung với cha mình, Frankl đã sử dụng morphine để giảm đau cho cha và ở cạnh cha suốt những ngày cha hấp hối.

Thậm chí khi đối mặt với sự mất mát và đau buồn, tinh thần lạc quan, thái độ quả quyết và tấm lòng dạt dào tình cảm, tin yêu cuộc sống đã khiến ông luôn tin tưởng rằng niềm hy vọng và năng lượng tích cực có thể chuyển những thách thức thành chiến thắng. Trong Đi tìm lẽ sống, ông nhấn mạnh rằng không nhất thiết phải đau khổ mới tìm thấy ý nghĩa sống, mà là “ý nghĩa sống vẫn tồn tại bất chấp mọi đau khổ”. Quả thật như vậy, “những đau khổ không cần thiết sẽ biến ta thành ngớ ngẩn hơn là anh hùng”, ông tiếp tục khẳng định.

Lần đầu tôi đọc Đi tìm lẽ sống là trong tư cách một giáo sư triết học vào giữa những năm 1960. Một triết gia Na Uy - người đã bị giam cầm ở trại tập trung Đức quốc xã - đã khiến tôi chú ý tới tập sách này. Người đồng nghiệp này của tôi nhấn mạnh rằng ông ủng hộ Frankl về tầm quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự tự do bên trong của một người, nắm lấy giá trị của vẻ đẹp trong tự nhiên, nghệ thuật, thơ ca, văn chương và cảm giác yêu thương dành cho gia đình và bạn bè. Những lựa chọn, hoạt động, mối quan hệ, sở thích và thậm chí những niềm vui giản dị của cá nhân cũng có thể đem lại ý nghĩa cuộc sống. Vậy thì tại sao một vài người lại thấy trống rỗng? Sự thông thái của Frankl ở đây đáng để nhấn mạnh: đó chính là thái độ của mỗi người trước những thử thách và cơ hội, dù lớn hay nhỏ. Một thái độ tích cực có thể cho phép một người gia tăng sức chịu đựng và niềm hạnh phúc. Một thái độ tiêu cực sẽ tăng nỗi đau và sự thất vọng, nó phá huỷ và tiêu giảm niềm vui, hạnh phúc và sự thoả mãn; thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm và gây bệnh.

Norman Cousins - một người bạn và cũng là đồng nghiệp cũ của tôi - đã ủng hộ không mệt mỏi cho giá trị của các cảm xúc tích cực trong việc gia tăng sức khoẻ và anh ấy đã cảnh báo rằng các cảm giác tiêu cực có thể gây nguy hiểm cho giá trị ấy. Mặc dù có một vài người chỉ trích quan điểm của Cousins là quá đơn giản, nhưng các nghiên cứu sau đó về chứng rối loạn thần kinh đã củng cố cách thức mà các cảm xúc, sự kỳ vọng và thái độ tích cực gia tăng sức đề kháng của cơ thể như thế nào. Nghiên cứu này cũng củng cố niềm tin của Frankl rằng cách tiếp cận của một người trước những sự việc xung quanh, từ những thách thức đe doạ cuộc sống cho đến các tình huống hằng ngày, cũng giúp hình thành nên ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Chân lý đơn giản mà Frankl đã hết lòng cổ xuý có tầm quan trọng sâu sắc đối với những ai lắng nghe ông.

Con người nên chủ động đưa ra các lựa chọn thay vì thụ động chấp nhận những gì xảy đến với mình. Qua việc đưa ta quyết định, chúng ta khẳng định sự tự do ý chí của mình. “Con người không phải là một mắt xích trong chuỗi sự việc; các sự việc quy định lẫn nhau nhưng con người là người quyết định cuối cùng. Con người hoàn toàn có khả năng vượt qua những giới hạn của môi trường và hoàn cảnh sống, vượt lên chính mình”. Chẳng hạn như câu chuyện về một người lính Israel trẻ đã bị mất cả hai chân trong trận chiến Yom Kippur, sự tuyệt vọng khiến anh muốn tự sát. Một ngày nọ, một người bạn để ý thấy dường như tinh thần của người lính trẻ này đã có chút khởi sắc. Người lính trẻ đã thay đổi khi đọc Đi tìm lẽ sống. Khi Frankl được kể về câu chuyện của người lính ấy, ông bình luận “liệu có phương pháp điều trị nào như phương pháp autobiblitherapy - chữa trị qua đọc sách không?”.

Nhận xét của Frankl chỉ ra lý do tại sao Đi tìm lẽ sống có tác động mạnh lên nhiều độc giả đến vậy. Những người đang gặp khó khăn về cuộc sống hoặc khủng hoảng có thể tìm thấy lời khuyên hoạc lời hướng dẫn từ gia đình, bạn bè, các chuyên gia tâm lý, hoặc từ những bậc tu hành. Những người đang đứng trước những lựa chọn khó khăn có thể không hoàn toàn đánh giá cao thái độ của họ có tác động nhiều đến các quyết định mà họ cần đưa ra hoặc hành động họ sẽ làm như thế nào. Frankl đem lại cho người đọc, những người đang tìm kiếm câu trả lời cho những tình huống khó xử trong cuộc sống, quyền tự quyết định - “Ông ấy không bảo mọi người phải làm cái gì, nhưng ông cho họ thấy tại sao phải làm điều đó”.

Vào năm 1945, sau khi thoát khỏi cái chết cận kề do bệnh sốt phát ban trong trại Türkheim và được trả tự do, Frankl phát hiện rằng mình hoàn toàn cô độc. Vào ngày đầu tiên trở về Vienna vào tháng 8 năm 1945, Frankl biết rằng Tilly - người vợ đang mang trong mình giọt máu của ông đã chết trong trại tập trung Bergen - Belsen. Cha mẹ và em trai của ông cũng đều chết trong trại. Vượt qua nỗi mất mát và suy sụp của mình, ông vẫn tiếp tục làm việc tại Vienna với tư cách là một chuyên gia về tâm thần học - đây là một quyết định bất thường bởi vì nhiều người, nhất là các nhà phân tâm học và tâm thần học người Do Thái, đều định cư ở các quốc gia khác. Nhiều nhân tố đã góp phần đưa đến quyết định này của ông: Frankl cảm thấy có mối liên hệ mật thiết với Vienna, nhất là với các bệnh nhân tâm thần cần sự giúp đỡ của ông trong giai đoạn hậu chiến. Ông cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng sự hoà giải tốt hơn việc trả thù; ông đã từng nhấn mạnh: “Tôi không quên bất kỳ nghĩa cử tốt đẹp nào tôi đã được nhận, nhưng tôi không nuôi lòng oán giận về những hành xử tồi tệ”. Ông đặc biệt phản đối quan điểm về tội lỗi tập thể. Frankl có thể chấp nhận rằng các đồng nghiệp và những người hàng xóm ở Vienna có thể đã biết hoặc thậm chí đã tham gia vào việc bức hại ông, nhưng ông không chỉ trích họ vì đã không kiên quyết giữ vững lập trường quan điểm đến cùng hoặc chết một cách anh dũng. Thay vào đó, ông giữ vững quan điểm rằng thậm chí một tội phạm Đức quốc xã xấu xa hoặc một người tâm thần dường như vô phương cứu chữa cũng có khả năng vượt qua sự xấu xa hoặc điên rồi bằng cách đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm.

Ông đã vùi mình vào nghiên cứu. Năm 1946, ông tái cấu trúc và chỉnh sửa cuốn sách đã bị tiêu huỷ khi bị đưa vào trại tập trung - The Doctor and the Soul (Bác sĩ và tâm hồn), và cũng trong năm đó - chỉ trong vòng 9 ngày - ông đã viết xong Đi tìm lẽ sống. Ông hy vọng những gì ông viết sẽ giúp chữa trị tình trạng cô lập bản thân và sự bất ổn, xáo trộn về văn hoá - những nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy “trống rỗng nội tâm”. Có lẽ lòng nhiệt tình đối với công việc đã giúp Frankl khôi phục lại ý nghĩa cuộc sống trong ông.

Hai năm sau, ông kết hôn với Eleanore Schwindt. Giống như Tilly, người vợ trước của ông - Eleanore cũng là một y tá. Tilly theo đạo Do Thái, còn Elly (tên gọi thân mật của Eleanore) theo Thiên Chúa giáo. Mặc dù việc hai người vợ của ông theo hai tín ngưỡng khác nhau chỉ đơn thuần là sự trùng hợp nhưng qua đó cũng thể hiện được tính cách của Victor Frankl - ông luôn tôn trọng tất cả mọi người bất kể tín ngưỡng, tôn giáo của họ. Lòng trân trọng sâu sắc của ông trước sự độc đáo và phẩm giá của một cá nhân được thể hiện rõ qua việc ông ngưỡng mộ Freud và Adler, cho dù ông không đồng ý với các học thuyết tâm lý và triết học của họ. Ông cũng tự hào về mối quan hệ riêng của mình với các triết gia thuộc các trường phái hoàn toàn đối lập như Martin Heidegger - người trước đây từng ủng hộ chế độ phát xít, nhưng sau này đã được cải hoá, hay Karl Jasper - người tán thành ý tưởng về tội lỗi tập thể, và Gabriel Marcel - một triết gia và văn sĩ theo Thiên Chúa giáo. Với tư cách là một chuyên gia tâm thần, Frankl đã tránh đối chiếu với niềm tin tôn giáo của bản thân. Ông hãnh diện khi nói rằng mục tiêu của nhà tâm thần học là chữa trị tâm hồn, còn tôn giáo là để cứu rỗi tâm hồn.

Ông phụ trách giảng dạy và quản lý khoa thần kinh thại Bệnh viện Ngoại trú Vienna trong suốt 25 năm và đã viết hơn 30 cuốn sách chuyên sâu về tâm lý học cùng với các đầu sách phổ thông khác. Viktor Frankl cũng diễn thuyết ở khắp các châu lục trên thế giới, từ châu Âu, châu Mỹ, Úc, châu Á đến châu Phi; ông cũng được mời giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới như Harvard, Stanford, Pittsburgh. Ông là Giáo sư đặc biệt (Distinguished Professor) về Liệu pháp ý nghĩa tại Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (U.S International University), thành phố San Diego. Ông đã gặp các chính trị gia, những nhà lãnh đạo thế giới như Đức Giáo Hoàng John Paul VI, các triết gia, sinh viên, giáo viên. Vô số độc giả đã được truyền cảm hứng từ những cuốn sách của ông. Thậm chí ở tuổi 90, Frankl vẫn tiếp tục tham gia đối thoại với các du khách từ khắp nơi trên thế giới và trả lời thư riêng cho hàng trăm bức thư ông nhận được mỗi tuần. 29 trường đại học đã dành tặng ông học vị danh dự, và hiệp hội bệnh tâm thần Mỹ đã vinh danh ông với Giải thưởng Oskar Pfister[61].

Frankl được tôn vinh vì đã sáng lập ra liệu pháp ý nghĩa như một phương pháp tâm lý dùng các phân tích về sự tồn tại để giúp người bệnh giải quyết các xung đột về cảm xúc. Ông khuyến khích nhiều chuyên gia nhìn sâu hơn về quá khứ hoặc các vấn đề ở hiện tại của bệnh nhân để giúp họ hoạch định một cuộc sống tích cực trong tương lại bằng việc đưa ra những lựa chọn cá nhân và chịu trách nhiệm với chúng. Nhiều thế hệ chuyên gia tâm lý đã được truyền cảm hứng bởi cách nhìn nhân văn của ông và có những bước đột phá trong sự nghiệp của mình nhờ vào các bài viết, bài diễn thuyết đầy sức hút của Frankl. Ông đã khuyến khích mọi người nên dùng cách phân tích về sự tồn tại một cách sáng tạo thay vì lập ra một học thuyết chính thức. Ông cho rằng các nhà trị liệu nên tập trung vào nhu cầu cụ thể của từng bệnh nhân hơn là đưa ra kết luận từ các lý thuyết trừu tượng.

Mặc dù lịch làm việc dày đặc, Frankl cũng dành thời gian để học lái máy bay và theo đuổi niềm đam mê cả đời ông là chinh phục những đỉnh núi. Ông đã đùa rằng, trái ngược với “độ sâu tâm lý” của Freud và Adler - vốn nhấn mạnh vào việc đào sâu quá khứ, bản năng vô thức và ước muốn của cá nhân - ông đã thực hành “độ cao tâm lý” - tập trung vào tương lai, những quyết định và hành động có ý thức của một người. Cách tiếp cận của ông với liệu pháp tâm lý nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc giúp đỡ mọi người đạt tới tầm cao mới về ý nghĩa của bản thân qua việc tự thay đổi chính mình: áp dụng các nỗ lực, phương pháp tích cực, chấp nhận những giới hạn và đưa ra các quyết định khôn ngoan. Mục tiêu của ông là muốn mọi người nhận ra rằng họ có thể và nên rèn luyện khả năng chọn lựa để đạt được mục đích của mình. Viết về sự lạc quan trong bi kịch, ông lưu ý chúng ta rằng “thế giới ở trong tình trạng tồi tệ, nhưng mọi thứ sẽ vẫn tồi tệ trừ khi mỗi chúng ta cố gắng hết mình”.

Một lần, mọi người yêu cầu Frankl tóm gọn ý nghĩa cuộc sống của ông trong một câu. Ông đã viết câu trả lời trên giấy và hỏi các sinh viên của mình rằng ông đã viết cái gì. Sau một hồi im lặng, một sinh viên đã khiến Frankl ngạc nhiên khi nói: “Ý nghĩa cuộc sống của thầy là giúp những người khác tìm ra ý nghĩa cuộc sống của họ”.

“Chính xác” - Frankl nói. “Đó chính là những lời mà tôi đã viết”.

- William J. Winslade[62]