Những công dân dễ dàng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ rốt cuộc lại dễ gặp vấn đề với các hóa đơn lớn.
SỰ THUA LỖ KÉO DÀI XẢY RA TRONG CÁC NGÀNH HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP THÌ SAO?
Gần đây, việc các cơ quan công quyền của chính phủ gây ra sự thất thoát lãng phí lớn đang được giới báo chí và truyền thông ưu tiên khai thác. Nếu để liệt kê cho đầy đủ các vấn nạn liên quan, từ sự lãng phí của cơ quan chính phủ, nạn tham nhũng của viên chức, gian lận trong gói thầu xây dựng các công trình công cộng, đến việc moi tiền lương hưu ảo từ cơ quan bảo hiểm, tài khoản quỹ đen, từ giao dịch phi pháp của nhân viên, nhiều khoản trợ cấp vô lý dành cho quan chức đầu ngành và ủy viên quốc hội, đến hình ảnh các dinh thự xa hoa của công nhân viên nhà nước, v.v… thì không biết chúng ta phải tốn bao nhiêu thời gian.
Chính vì thế, tại chương này, chúng ta chỉ tiếp cận một phần các hoạt động tài chính của chính phủ ở khía cạnh chi phí, bắt đầu từ các cơ quan hành chính sự nghiệp. Theo tình hình Nhật Bản hiện nay, các doanh nghiệp hành chính sự nghiệp đang báo lỗ liên tục qua nhiều năm và lấy tiền thuế của nhân dân để bù vào phần thâm hụt đó. Đối với các đối tượng này, các loại chi phí sẽ được tính toán như thế nào?
Tôi đã từng lấy ví dụ về việc bạn có một chiếc máy ảnh kỹ thuật số bị hỏng và dựa trên ví dụ này để điều chỉnh lại. Một chiếc máy ảnh kỹ thuật số có giá là 50.000 yên, với thời hạn sử dụng dự tính trong vòng ba năm nhưng chỉ sau một năm rưỡi, món đồ trên đã bị hỏng. Ở đây, ta có hai cách giải quyết, một là sửa chiếc máy trên với chi phí khoảng 30.000 yên, hai là mua mới một chiếc máy ảnh khác, do mặt hàng này hạ giá nhanh nên giá hiện thời chỉ còn 20.000 yên. Dù chọn phương án nào, kết quả vẫn là ta có thể sử dụng một chiếc máy ảnh kỹ thuật số giống hệt như chiếc ban đầu. Chính vì thế, nếu xem xét dựa trên yếu tố chi phí thì ta nên mua mới lại vật dụng này. Vì giá sản phẩm này ban đầu là 50.000 yên nên nhiều người có xu hướng nghĩ “sẽ lãng phí nếu không sửa lại”, nhưng thật ra, nếu là một người tiêu dùng thông minh, bạn nên quên con số 50.000 yên đi. Ngoài ra, một chiếc máy ảnh kỹ thuật số đã vỡ, không bán lại được dưới dạng hàng “second-hand” thì bạn không thể thu hồi chi phí ban đầu để mua và được gọi là “chi phí chìm” (phí mất đi). Nếu không biết mua sắm một cách hợp lý, phí chìm sẽ là phần giá trị bị mất đi của sản phẩm và ta nên có tâm lý gạt bỏ không thương tiếc chi phí này.
Dù có người sẽ có cảm giác lãng phí nguồn tài nguyên ban đầu để làm ra sản phẩm trên hoặc lo lắng về những ảnh hưởng tác động đến môi trường nhưng dù sao bạn cũng nên mua một chiếc máy ảnh mới. Bởi, nếu muốn sửa chữa, ta vẫn phải thay thế linh kiện, nghĩa là nhà sản xuất vẫn phải tiếp tục sử dụng tài nguyên ban đầu. Thứ hai, với những thiết bị bị hỏng, nhà sản xuất sẽ phân rã nó và tái chế các linh kiện vẫn còn có thể sử dụng tốt.
Hình 43: Việc quên đi các chi phí trong quá khứ là một điều cần thiết
Trị giá của nguyên liệu gốc trong sản phẩm sau khi đã tái chế chỉ khoảng 5.000 yên nhưng nó không được tính là lãng phí. Thực ra, ngay từ đầu, giá trị của nguyên liệu tạo ra linh kiện trong máy cũng chỉ khoảng 5.000 ngàn yên mà thôi. Khi bạn mua một chiếc máy ảnh kỹ thuật số mới, nhà sản xuất sẽ sử dụng 5.000 yên giá trị cho linh kiện trong sản phẩm mới nhưng nhờ bạn trả lại chiếc máy ảnh kỹ thuật số bị hỏng mà 5.000 yên đó được sử dụng theo một cách khác có hiệu quả hơn. Có thể, khi mua hai phần linh kiện cho một thiết bị máy ảnh, bạn có thể thấy “phí phạm” nhưng đa phần số tiền mà bạn chi ra cho sản phẩm máy ảnh kỹ thuật số là dành cho việc phát triển công nghệ, thời gian và công sức của quá trình gia công và hoạt động phân phối ra thị trường của sản phẩm trên.
Vấn đề mấu chốt của chúng ta ở đây là phải “bỏ qua” phí mua sản phẩm 50.000 yên trong quá khứ, tương tự như vậy với chi phí 20.000 yên ta sắp chi ra để mua máy ảnh kỹ thuật số mới. Dù trong quá khứ, bạn đã chi trả bao nhiêu, thì bạn cũng phải gạt nó sang một bên, tính toán các loại chi phí phụ thêm khác và đưa ra lựa chọn đúng đắn trong hoạt động mua sắm của mình.
Bây giờ ta sẽ thảo luận về những kế hoạch công việc không theo sát với kế hoạch ban đầu của một doanh nghiệp nhà nước. Đây là ví dụ ít nhiều được đơn giản hóa tuy nhiên trong thực tế, rất nhiều hoạt động khác có tính chất gần giống với ví dụ trên.
Giả sử, tuyến đường sắt Ototsu yêu cầu tổng chi phí đầu tư xây dựng là 20 tỷ yên, phí quản lý một năm khoảng 1 tỷ yên, dự định phục vụ nhu cầu đi lại của một phần tư dân cư và lợi nhuận thu về hàng năm khoảng 300 triệu yên. Như vậy, mỗi năm tuyến đường sắt này gây thâm hụt 700 triệu yên và chính phủ phải dùng tiền thuế trong ngân sách bù vào. Tuy nhiên, nếu gặp trường hợp tổng phí đường sắt thu về ít hơn phí quản lý thì số tiền thâm hụt trên sẽ tiếp tục tăng lên.
Hình 44: Khi không xác nhận được lỗi…
Nếu đã lường trước được tình trạng trên là không thể khắc phục được, đơn vị chủ quản nên thẳng thắn thừa nhận rằng: “Dự án đường sắt Ototsu đã thất bại”. Sau đó, phải gạt bỏ chi phí 20 tỷ yên đã mất và quyết định dừng dự án. Chúng ta có thể xem 20 tỷ yên này giống với 50.000 yên đã mất trong ví dụ về máy ảnh kỹ thuật số.
Nếu dừng dự án, số tiền 700 triệu yên hàng năm từ ngân sách để bù lỗ cho dự án này có thể sử dụng cho hoạt động khác hữu ích hơn. Cho dù khoản đầu tư khổng lồ 20 tỷ yên đã mất đi nhưng phía doanh nghiệp nhà nước vẫn nên chọn phương án dừng dự án trên. Vì giả sử, họ tiếp tục vận hành dự án thì 3 năm sau, khoản ngân sách bị rút ra để bù cho phần thâm hụt sẽ lên đến 2 tỉ 100 triệu yên, như vậy, việc đình chỉ dự án ngay từ đầu sẽ giúp giảm thiểu sự lãng phí.
Tuy nhiên, nếu về phía đơn vị hành chính vẫn ngoan cố bảo lưu luận điểm “Có khả năng trong tương lai, lượng người sử dụng hệ thống trên sẽ tăng” và tiếp tục vận hành công trình trên. Đó là bởi họ không muốn thừa nhận sai lầm của mình. Ngoài ra, họ không có khả năng nhìn ra tình hình nếu mọi thứ diễn tiến theo chiều hướng xấu hơn. Về phía chủ đầu tư công trình, vì không muốn dự án trong quá khứ của mình là một sai lầm, có thể, họ sẽ tăng cường quảng bá hoặc tạo những sự kiện thu hút người sử dụng và tăng doanh thu thu được từ tiền vé sử dụng tuyến đường này một cách khiên cưỡng. Về cơ bản, phương kế trên còn gây ra tác dụng ngược (chỉ làm lãng phí thêm ngân sách quốc gia).
Điều tồi tệ nhất là, vì có sự xuất hiện của tuyến đường sắt trên mà những công trình như công viên, nhà tập thể hay các công trình công cộng khác cũng dần được xây dựng. Và rồi, rất nhanh chóng, các doanh nghiệp tư nhân − những người nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin và khát khao nguồn lợi nhuận mới − cũng cấp tốc xây dựng các khu chung cư hoặc cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, tính tiện lợi của tuyến đường sắt này lại không tương xứng với sự phát triển của khu vực dọc hai bên, nên số người sử dụng vẫn không tăng.
Nếu dùng tiền thuế để đầu tư phát triển khu vực dọc đường ray thì khu vực trên sẽ trở thành những khu vực có đông dân cư sinh sống. Lúc này, việc xử lý các vấn đề như về giao thông, hay hệ thống thoát nước vẫn chưa được hoàn thiện, lại cần thêm một số tiền lấy từ ngân sách. Thật đáng tiếc, trên thực tế, chúng ta còn bắt gặp thêm nhiều ví dụ khác thậm chí còn gây lãng phí ngân sách ở mức độ cao hơn trong các hoạt động đầu tư của nhà nước.
Đối với vấn đề này, có những công trình hoặc chính sách trọng yếu thu hút dư luận thì các chính khách hoặc đại biểu quốc hội lại tỏ vẻ “quan tâm” và biến nó trở thành vấn đề lớn. Nhưng cũng có những công trình không thể thiếu vai trò của chính phủ nhưng nếu “khuất mắt” cử tri thì phía chính phủ lại cố chối bỏ trách nhiệm. Những ví dụ như tôi vừa nêu, trong tương lai không biết còn tái diễn hay không nhưng chí ít chúng ta cũng không cần phải quá lo lắng khi nó xảy ra. Vấn đề nghiêm trọng hơn đa phần xảy đến với các hoạt động không quá nổi bật, vì nó không được chú ý trong hoạt động tranh cử nên trên thực tế thường có xu hướng bị “cắt giảm ngân sách”. Ví như, chính sách đối phó với tình trạng gia tăng số lượng bệnh nhân nhiễm AIDS trong vòng 10 năm đã giảm xuống còn một phần ba so với ngân sách ban đầu (theo tờ Kinh tế Nhật Bản, số ra ngày 18/9/2006).
Những năm gần đây, các sự cố xảy ra trong quá trình sử dụng sản phẩm đã trở thành một vấn đề thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng. Tuy năng lực quản lý chất lượng hàng hóa Nhật còn thấp nhưng ngân sách dùng cho việc “kiểm định chất lượng” của rất nhiều loại sản phẩm lại bị cắt giảm mạnh (Theo tờ Buổi sáng, số ra ngày 12/11/2006) đặc biệt, ngân sách dành cho việc kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các địa phương đã giảm xuống còn một nửa.
Thêm vào đó, hai tờ Đời sống nhân dân và Điểm tin chuyên đăng tải thông tin về các cuộc kiểm tra chất lượng công trình và sản phẩm cũng như các phương án xử lý, đã phải tuyên bố đóng cửa dưới sức ép của việc cắt giảm chi phí hằng năm của Bộ Tài chính. Tôi cho rằng việc dùng tiền từ ngân sách để hỗ trợ hoạt động xuất bản của hai ấn phẩm trên là một trong những việc làm đúng đắn mà chính phủ nên làm.
Ngoài ra, phần ngân sách dành cho Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng ở các địa phương cũng đã bị cắt giảm khoảng 30% trong vòng 5 năm gần đây (theo Nhật báo, số ra ngày 15/1/2007). Số lượng các hoạt động gian lận trong việc quyết toán đang tăng lên, tính chất bất minh trong hệ thống lưu thông tài chính cũng tăng nhanh, tuy nhiên, nhân viên phụ trách tư vấn các khách hàng bị hại tại khu vực ủy ban lại giảm đi, phạm vi hoạt động của ủy ban đang dần bị thu hẹp và phụ thuộc vào cách giải quyết của các doanh nghiệp tư nhân sản xuất.
Những hoạt động như chính sách đối với bệnh AIDS, hoạt động kiểm định chất lượng sản phẩm, hay việc tiếp nhận khiếu nại của nhân dân đến Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng, v.v… đều là những vấn đề, có ý nghĩa mà chính quyền (ở trung ương lẫn địa phương) nên ưu tiên thực hiện. Trong khi đó, những công trình tuy không ưu tiên thực hiện thì cũng xảy ra vấn đề lớn nhưng lại thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng (ví dụ như triển lãm hoặc sự kiện thể thao quốc tế) lại ngốn một lượng lớn ngân sách từ tiền thuế của nhân dân để xây dựng thêm trang thiết bị hay tổ chức với quy mô hoành tráng.
KHÁM CHỮA BỆNH MIỄN PHÍ CHO TRẺ EM LÀM GIA TĂNG SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG
Khi các chính sách của cơ quan chính phủ tại địa phương trở nên ngày càng kém sáng suốt thì thái độ của chính bản thân công dân cũng là một vấn đề đáng nói. Ví dụ điển hình minh chứng minh cho luận điểm này là gần đây, một trong những vấn đề gây tranh cãi trong các cuộc chạy đua tranh cử vào quốc hội và các vị trí cấp cao là hiện tưởng “tỷ lệ sinh giảm”. Một trong những “yếu huyệt” trong cương lĩnh tranh cử của nhiều ứng cử viên, là cam kết miễn chi phí y tế cho đối tượng trẻ em (đặc biệt là trẻ sơ sinh). Tại nơi tôi đang sống, trong cuộc bầu ỉnh trưởng vào tháng 2 năm 2007, ngài Tỉnh trưởng đương nhiệm đã đưa đề xuất “miễn phí thăm khám bệnh cho mọi trẻ em từ sơ sinh đến tiểu học, miễn viện phí cho trẻ em cho đến độ tuổi tốt nghiệp trung học” trong bản cương lĩnh tranh cử của mình và tái đắc cử.
Thoạt nhìn, những bậc cha mẹ có con nhỏ sẽ cảm thấy biết ơn chính sách này, tuy nhiên đứng từ quan điểm cá nhân, tôi lại khó lòng tán thành chính sách trên. Đầu tiên, việc sụt giảm nguồn nhân lực y bác sĩ trong khoa sản-nhi có tác động tiêu cực đến hoạt động mang thai và nuôi dưỡng trẻ em. Mỗi lần con tôi bị bệnh, tôi phải chờ rất lâu tại khoa Nhi ở các bệnh viên để được khám bệnh. Tuy nhiên, khi nghe đến cam kết “miễn chi phí khám chữa bệnh cho trẻ em” trong cương lĩnh của các cuộc bầu cử, thì các bậc cha mẹ thường cảm thấy “hạnh phúc”.
Hình 45: Khi áp dụng chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho đối tượng là trẻ em
Tuy nhiên, trên thực tế, ta có thể thấy hiện tượng giống như mô tả trong hình 45 xảy ra rất phổ biến. Ở đây, tôi đã đưa ra sự so sánh về tình hình người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước và sau khi áp dụng chính sách “miễn phí khám chữa bệnh cho đối tượng trẻ em”. Giả sử trước khi áp dụng chính sách này, thời gian một bệnh nhi phải chờ tại khoa Nhi để được khám bệnh là 30 phút. Sau khi chính sách này được áp dụng, số lượng đối tượng là trẻ nhỏ dù không thực sự cần thiết nhưng vẫn được đưa đến để thăm khám bệnh đã tăng lên. Thay vì bỏ tiền ra mua các loại thuốc phổ thông được phép bán trên thị trường, việc đến khám tại cơ sở y tế và nhận thuốc về sẽ rẻ hơn (vì được miễn phí). Chính vì điều này mà số lượng các bậc phụ huynh đưa con em đến bệnh viện khám gia tăng là kết quả tất yếu.
Ta có thể hình dung được nhiều hơn về những chính sách y tế không hiệu quả bằng cách xem xét tình trạng gọi xe cứu thương. Nhiều người vẫn gọi xe cấp cứu dù chỉ bị thương nhẹ, thay vì gọi taxi để đến bệnh viện. Điều này thực sự trở thành một vấn đề lớn khi nó tiêu tốn khá nhiều ngân sách quốc gia. Thật đáng tiếc, vẫn có nhiều người sử dụng dịch vụ công miễn phí vào việc vô ích hoặc không tốt và chính quyền nên nghĩ đến trường hợp này trước khi áp dụng một chính sách nào đó. Thậm chí, dù bản thân số lượng nhân viên làm việc tại khoa Nhi đang giảm xuống, gây ra tình trạng thiếu nhân lực, nhưng với số lượng bệnh nhi đến khám tăng lên, thì điều gì có thể xảy ra? Thật đáng tiếc, do yếu tố lợi nhuận của bệnh viện nói chung và của các cán bộ y tế tại khoa Nhi nói riêng, với chính sách miễn phí khám bệnh cho trẻ em thì chuyện số lượng nhân viên chăm sóc y tế tăng theo là một điều viển vông.
Việc mở rộng hoặc tăng số lượng khoa Nhi, đứng từ lập trường của nhân viên khám chữa bệnh mà nói, vì có rất nhiều người đến khám dù không cần thiết nên họ sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn, trong khi thu nhập lại không được tăng lên tương xứng. Từ đó dẫn đến nguy cơ cao là số lượng y bác sĩ làm việc trong khoa Nhi giảm. Xét về lâu dài, chính sách miễn phí tiền khám chữa bệnh cho trẻ em sẽ có tác động sâu sắc đến nguồn nhân lực công tác tại khoa Nhi, còn về ngắn hạn, nó sẽ tạo ra hai trường hợp sau. Một là, do sự tập trung đông đúc và hỗn loạn của nhiều đối tượng đến khám chữa bệnh dẫn đến sự chậm trễ trong việc cứu chữa những trường hợp thực sự khẩn cấp. Điều này quả là một vấn đề đáng quan ngại. Thứ hai là, nó làm nảy sinh một sự bất bình đẳng khá lớn. Giống như tại phần bên dưới của hình 45, vì chính sách miễn phí trong hoạt động khám chữa bệnh mà số lượng người đến cơ sở y tế tăng cao hơn và mọi thứ sẽ trở nên rất hỗn loạn nên thời gian cần thiết cho việc chờ đợi và được khám bệnh được cho là tốn khoảng 3 giờ. Số lượng bệnh nhi tăng lên dẫn đến thời gian chờ đợi cũng lâu hơn, có thể nói, phần lớn thời gian đến bệnh viện chỉ để chờ đợi. Chúng ta hãy so sánh chi phí thời gian giữa hai người lớn mang con em mình đến bệnh viện, đầu tiên là một người bà đã về hưu, trường hợp còn lại là một người mẹ bận rộn với công việc ở sở làm. Như vậy, chi phí thời gian của người bà hầu như không có, nhưng người mẹ đã phải xin nghỉ việc để đưa con đến bệnh viện. Nếu tính cả thời gian đi lại, ngồi chờ ở bệnh viện và thời gian khám chữa bệnh, nhận thuốc, thì chi phí khi nghỉ làm ở nhà đưa con đi bệnh viện của người mẹ là khá cao. Tại hình, chi phí này được giả định trung bình khoảng 3.000 yên. Dù cho việc khám chữa bệnh là miễn phí nhưng do tình trạng quá tải tại bệnh viện mà thậm chí tính trên tổng chi phí, ta lại mất nhiều hơn được.
Đầu tiên, chính sách miễn phí khám chữa bệnh này sẽ làm tăng sự thâm hụt ngân sách địa phương và chẳng mấy chốc con cháu chúng ta sẽ phải gồng mình để trả nợ. Việc những trường hợp không thực sự cần đến bệnh viện nhưng vẫn đổ xô đến khám gia sẽ gây áp lực cho các cán bộ y tế làm việc tại khoa Nhi. Việc bệnh nhân nào cũng muốn mình được khám sớm nhất khiến tình hình ở cơ sở y tế trở nên hỗn loạn, việc chữa bệnh bị chậm trễ. Những điều trên có thể dẫn đến hậu quả xấu và gây ra sự bất lợi lớn cho tất cả mọi người. Ngoài ra, khi có quá nhiều người tập trung tại một chỗ như bệnh viện trong một thời gian dài, nguy cơ nhiễm những bệnh dễ lây như cảm cúm và mang mầm bệnh về nhà rất cao. Bản thân những đứa trẻ, thay vì được vui chơi ở nhà trẻ, cũng phải chầu chực ở bệnh viện trong thời gian dài, cũng không vui vẻ gì.
Tôi cho rằng, rất ít người có khả năng tính toán kỹ lưỡng về yếu tố chi phí để nhìn ra những mặt bất cập đằng sau chính sách giúp các bậc cha mẹ giảm thiểu phần chi phí khám chữa bệnh cho con trẻ. Nếu chính phủ truyền đạt một cách cặn kẽ tất cả những ưu nhược điểm của chính sách này, tất nhiên sẽ có một số người tán thành nhưng chắc chắn phần lớn những người có con nhỏ đều phản đối việc áp dụng nó.
Hơn nữa, nếu xét riêng yếu tố chi phí, chính sách này ngầm làm nảy sinh “sự bất bình đẳng” khiến những người mẹ (hoặc bố) đang đi làm phải chịu mức tổn hại cao. Một trong những nguyên nhân làm giảm tỷ lệ sinh mà một người phụ nữ vừa muốn đi làm vừa muốn sinh con là việc chuẩn bị sẵn môi trường để dung hòa cả hai vai trò trên. Nếu chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho đối tượng trẻ em mang lại sự bất lợi cho những người phụ nữ đó thì rõ ràng nó sẽ phản tác dụng.
Quay trở lại với vấn đề “chênh lệch thu nhập” chúng ta cũng sẽ thấy chính sách này có ảnh hưởng tiêu cực nhất định dẫn đến việc phân hóa giàu nghèo ngày một sâu sắc. Trường hợp (1), một gia đình khá giả với mức tổng thu nhập cao, có người phụ nữ chỉ ở nhà chuyên lo việc nội trợ hoặc người bà đã về hưu thì xét riêng về chi phí thời gian khi họ đưa con em mình đến bệnh viện thăm khám, chi phí đó gần như bằng 0. Trường hợp (2) là một gia đình có thu nhập khiêm tốn, người phụ nữ trong gia đình phải tất bật với những công việc bán thời gian để tăng thu nhập cho gia đình và không được ông bà hỗ trợ, hoặc một bà mẹ đơn thân vừa đi làm vừa nuôi con, thì sự hỗn loạn và trì trệ tại các cơ sở y tế quả thực sẽ có tác động tiêu cực đến thu nhập của người mẹ nói riêng và tình hình tài chính của cả gia đình nói chung.
Khi áp dụng chính sách miễn phí khám chữa bệnh cho trẻ em, gia đình ở trường hợp (1) sẽ được hưởng lợi, trong khi gia đình ở trường hợp (2) phải chịu thiệt hại. Như vậy, chính sách “miễn phí dịch vụ khám chữa bệnh cho trẻ em” khiến không chỉ số lượng các phòng khám Nhi giảm xuống, mà còn gây ra nhiều vấn nạn cho xã hội, thậm chí, nó còn làm tăng nguy cơ phân hóa giàu nghèo trầm trọng hơn.
Nếu muốn đề ra các chính sách liên quan đến y tế và đối phó với tình trạng tỷ lệ sinh giảm thì chính quyền nên khắc phục các vấn đề khiến các bậc cha mẹ cũng như những người muốn sinh con lo lắng bằng cách tăng cường số lượng y bác sĩ phục vụ trong khoa Sản và khoa Nhi. Để làm được điều này, phải chăng cần nhiều chính sách giúp tăng mức độ đãi ngộ (như lương thưởng) cho đội ngũ y bác sĩ ở ngành này cao hơn so với ngành khác?
Có thể có nhiều người trong xã hội phê phán quan điểm trên, “Đúng là tăng mức đãi ngộ có thể thúc đẩy số lượng y bác sĩ phục vụ trong lĩnh vực Nhi – Sản, nhưng tôi không muốn được khám bởi một bác sĩ làm việc vì tiền”, tuy vậy, tôi xin phép được phản biện cách nghĩ này. Có nhiều người làm những công việc đóng vai trò rất lớn đối với xã hội nhưng do thiếu nguồn nhân lực nên họ luôn trong tình trạng làm việc quá tải. Nếu những người làm những việc kiểu này mà không thể kiếm được mức thu nhập cao thì ai mới xứng đáng được nhận mức đãi ngộ cao nữa? Nếu các chính sách không thể mang lại cho họ những đãi ngộ về lương bổng thì họ nên được hỗ trợ ở các phương diện khác.
Mọi thứ trong xã hội đang phát triển theo hướng mà tôi lo sợ, điển hình như tại Tokyo, 19/23 quận của khu vực này thực hiện chính sách miễn phí các dịch vụ khám chữa bệnh (không kể đến thăm khám hay nhập viện) của trẻ em cho đến khi chúng tốt nghiệp đại học. Đây là một phương châm của chính quyền nhằm hỗ trợ các gia đình có trẻ em (theo tờ Kinh tế Nhật Bản, số ra ngày 27/2/2007). Liệu điều này có đúng đắn?
Ngoài ra, bản thân chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vào các chính sách hoặc hỗ trợ về mặt kinh tế từ phía chính phủ. Giống như trường hợp của chính sách “tăng cường việc khám chữa bệnh miễn phí cho đối tượng trẻ em”, chúng ta bị thu hút bởi những chính sách thoạt nhìn tưởng như có lợi nhưng lại mang đến vô vàn bất cập, làm tăng nhiều loại chi phí vô hình mà bản thân chúng ta rất khó nhìn thấu. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tâm lí của cử tri biến thành “đích nhắm” của các chính trị gia trong mỗi cuộc bầu cử.
Việc bản thân mỗi công dân yêu cầu chính phủ đưa ra những chính sách đơn giản thì tùy mức độ thay đổi mà những yêu cầu của chúng ta sẽ bị lợi dụng để phục vụ cho những mưu đồ thiếu minh bạch của các chính trị gia, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề khó lường. Mỗi công dân chúng ta nên nghiêm túc và tỉnh táo hơn trong vấn đề trên.