Đèn Không Hắt Bóng

Chương XIV

Bà Ritsuko bắt đầu học chơi mạt chược cách đây hai năm. Còn Yutaro thì đã trở thành một tay máu mê ngay từ thời sinh viên. Và sau khi mở được bệnh viện riêng, ông vẫn thỉnh thoảng mời những ông bạn mạt chược cũ đến chơi một vài ván.

Thời gian gần đây ông chơi với hai bác sĩ Hirayama và Uchimora ở khu vực Meguro. Cả ba người đều bận đến tận cổ cho nên không mấy khi tụ tập được, mỗi tháng chỉ được một lần, nhưng mỗi lần như vậy họ đều chơi đến khuya. Yutaro hay vắng mặt trong những buổi ấy: hoạt động của ông trong Hội đồng thị chính và ban quản trị Hội lương y không để lại cho ông được bao nhiêu thì giờ rỗi.

Yutaro tự nguyện dạy cho Ritsuko đánh mạt chược. Người ngoài nhìn vào có thể thấy buồn cười. Ai lại bỏ công đi dìu dắt từ những bước đầu cho một bà vợ ngũ tuần tập chơi một trò chơi cực kỳ phức tạp, nhưng ông Yutaro có một ý đồ riêng mà không ai biết. Với tuổi tác, bà Ritsuko đã trở thành khó tính, dễ kích động, hay gắt gỏng. Ngoài ra đó dường như là một cách chuộc lại cái tội lỗi của ông trong vụ Mayumi. Nhưng điều chủ yếu là những ván bài sau mười hai giờ đêm giúp ông lảng tránh việc làm tròn những bổn phận của người chồng.

Lúc đầu Yutaro sợ rằng vợ mình sẽ không muốn động não để tập đánh mạt chược. Tuy vậy ông thỉnh thoảng lại khích lệ bà: “Chỉ ngồi xem thôi thì thích thú gì. Giá mình học đánh đi thì hay. Mình không thể tưởng tượng nó thú vị như thế nào đâu”. Rồi đột nhiên Ritsuko bắt đầu thấy ham.

Yutaro đã tận tình dành ra mấy buổi tối để bày vẽ cho vợ hiểu rõ những qui tắc của trò chơi. Nhưng chẳng bao lâu ông phát chán. Thế là ông bèn khoán trắng cho Yuji việc dạy bảo Ritsuko và Mikiko.

Song dần dần Yutaro hiểu ra rằng mình đã tính nhầm một cách nghiêm trọng. Ritsuko mê mải với mạt chược, ngồi đánh suốt buổi với Sekiguchi, và khi đã thành thạo, lại lôi kéo luôn cả vợ chồng Hirayama vào cuộc.

Rốt cuộc Yutaro phải gánh chịu những hậu quả tai hại của cái mưu do chính ông bày ra. Bởi vì nếu trước đây ông có thể lấy cớ đi đánh mạt chược để chạy đến nhà Mayumi thì bây giờ cái cớ ấy không còn dùng được nữa. Còn tệ hơn thế: bà Ritsuko đã dạy cho bà Hirayama chơi, thành thử bây giờ họ có thể làm thành hai đôi quanh bàn mạt chược. Đồng thời chính hai bà ấn định những buổi chơi bài với nhau: họ đều biết rất rõ thời dụng biểu của chồng, thành thử rất khó lòng có thể tìm được một cái cớ thoái thác những buổi ấy.

Yutaro rất thích đánh mạt chược, nhưng một thành phần như vậy không làm cho ông hài lòng lắm. Nếu đã chơi thì phải chơi lớn, để có cái thú hồi hộp của sự thua to hay được lớn, chứ chơi như thế này thì có nghĩa lý gì? Những số tiền đặt chẳng đáng là bao, dù thua dù được thì tiền cũng chuyển từ tay chồng sang tay vợ, từ tay vợ sang tay chồng. Yutaro phát bẳn: bài bạc như thế thì còn thích thú cái nỗi gì?

Hirayama, nói chung cũng nghĩ như vậy; nhưng đã từ lâu ông không còn quan tâm đến gái nữa, và đánh mạt chược trong không khí gia đình, lạ thay, lại làm cho ông thích thú.

Trong bốn người chỉ có một mình Yutaro bứt rứt khó chịu - tâm trí ông mải nghĩ đến Mayumi, nhưng để lộ nỗi bứt rứt ấy ra thì không xong, cho nên ông tự an ủi bằng cách nghĩ rằng trong cái họa cũng có cái phúc: bà Ritsuko chơi khuya mệt sẽ không cần đến ông nữa.

Tối hôm ấy họ chỉ đánh có ba ván, Ritsuko được sau đó là hai vợ chồng Hirayama, Yutaro thì đứng chót.

Tuy có thái độ khinh thường đối với các bạn chơi bài, thường thường Yutaro vẫn bị lôi cuốn và chơi rất máu me. Nhưng hôm nay, tuy thua (điều này rất ít khi xảy ra với ông) mà ông vẫn không bực tức; có một điều còn làm cho ông lo lắng hơn nhiều: ông đã gặp Mayumi và đã lại thất bại.

Họ bắt đầu chơi lúc sáu giờ, và đến khoảng mười giờ đã xong. Nhưng họ không vội chia tay, ngoài việc đánh bài ra, các bà bao giờ cũng nhân cơ hội để nói chuyện phiếm. Lẽ tự nhiên đề tài nói chuyện chính là cái đề tài gần gũi với mọi người: bệnh viện, nghề thuốc.

- Các nữ y tá bên ông bà ra sao? - Bà vợ ông Hirayama hỏi thăm.

- Chúng tôi thay họ bằng những cô tập sự, thành thử cũng đỡ được ít nhiều. - Ritsuko vừa uống hết cả một chai bia cho nên mắt bà hơi đỏ.

- Còn bên chúng tôi thì chỉ còn lại có ba cô.

- Bên ông bà trước kia có bốn kia mà?

- Trước kia thì thế. Bà có nhớ không, hai năm trước có một cô đến học ở bệnh viện chúng tôi - tên là Yano. Cô ta lại còn trọ ở nhà chúng tôi nữa.

- Tôi nhớ, tôi nhớ. Cái mặt dài dài... Một cô gái rất dễ thương.

- Thì đấy. Cô ta làm việc ở chỗ chúng tôi và học làm y tá. Từ sáng đến trưa ở bệnh viện, rồi buổi chiều đi theo lớp. Thế rồi, bà thử tưởng tượng mà xem...

- Cô ta đi mất à? Tại sao?

- Cô ta nói bà mẹ đau tim. Nhưng dĩ nhiên đó chỉ là một cái cớ. Từ trước cô ta cũng đã biết là mẹ ốm nặng.

- Làm sao lại có thể như thế được? Chẳng lẽ trước đó ông không giao hẹn với cô ta là sau khi học xong, cô ta sẽ làm việc mấy năm ở chỗ ông bà hay sao?

- Có, có giao hẹn miệng. Cô ta hứa sẽ làm việc hai năm.

- Đã giao hẹn thì phải làm chứ!

- Dĩ nhiên! Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi đã yêu cầu ông bác sĩ nói chuyện với cô ta cho cương quyết một chút... - bà Hirayama quen gọi chồng là “ông bác sĩ”, - nhưng ông ấy không chịu nghe. Ông ấy bảo là mẹ người ta ốm thì phải để cho người ta về.

- Ôi, ông nhà tôi cũng cù lần thế đấy!

Câu chuyện có một chiều hướng không hay ho lắm, cho nên hai người đàn ông thấy nên im lặng uống bia là hơn.

- Ở chỗ chúng tôi năm ngoái cũng xảy ra một chuyện đúng như vậy.

- Thật là đáng giận: nai lưng ra giúp đỡ cho người ta học, rồi đến khi học xong người ta chẳng thèm nhớ ơn mình.

- Ừ... các cô gái bây giờ không hề biết thế nào là ơn nghĩa... Được việc rồi là thôi, vĩnh biệt.

- Ông bà đỡ hơn chứ, bệnh viện nhỏ xíu, việc chẳng có mấy. Chứ bên chúng tôi thì không sao làm xuể.

- Lớn nhỏ có gì khác nhau? Bác sĩ tư ai mà chả khổ. Các bệnh viện công và bệnh viện thị xã cứ dỗ dành các nữ y tá về làm, không thèm nể ai.

- Vâng, đến khổ với mấy cô y tá này. Không còn biết làm sao cho vừa ý họ nữa. Không thể hiểu ai làm cho ai: họ làm cho mình hay mình làm cho họ.

- Thế ở cái Hội lương y của ông không đặt vấn đề này ra à?

- Dĩ nhiên. - Trong giọng nói của Yutaro có thể nghe rõ ý bực mình. Vấn đề các nữ y tá có thể nói là đã dính răng mọi người, ở Hội lương y nó được thảo luận mãi rồi. - Mỗi khu vực đều có lớp đào tạo nữ y tá, nhưng số người muốn học thì ít.

- Thế tại sao không ai muốn làm nữ y tá?

- Lương ít lắm.

- Ông cho là như thế à? Còn theo tôi thì họ trả lương y tá như thế là hoàn toàn phải chăng.

- Nếu tính khối lượng công việc thì chẳng nhiều đâu.

- Khối lượng công việc à? Nhưng họ chỉ ngồi không thôi chứ có làm gì!

- Không, dù sao hiểu biết của họ cũng khá, mà trách nhiệm của họ cũng không phải là nhỏ lắm.

- Biết làm thế nào được? Nếu tăng lương cho họ thì các bệnh viện tư sẽ phá sản hết.

- Cứ thế này, kinh tế cũng đã gặp gay go lắm rồi, - Ritsuko thở dài. Nói cho đúng ra, bà chẳng biết gì bao nhiêu về những công việc của bệnh viện Oriental, nhưng mỗi khi nghe bàn đến tiền bạc là bà rất thích phán đoán.

- Vâng... Nếu cứ tiếp tục như thế này thì chúng tôi chẳng bao lâu nữa sẽ bị gậy lên đường, - bà Hirayama tán đồng.

- Bao nhiêu tai họa đều do tiền viện phí quá thấp, - Yutaro kết luận.

Hirayama và hai bà cùng gật đầu một lượt. Về vấn đề này thì hai đôi vợ chồng hoàn toàn ăn ý với nhau.

- Giường nằm, ngày ăn ba bữa - ngần ấy thứ mà chỉ có một ngàn bốn trăm tám mươi yên mỗi ngày! Ngay đến một khách sạn rẻ tiền như vậy bây giờ cũng không tìm đâu ra!

- Bà nhớ đến từng yên kia à? - Bà Ritsuko kinh ngạc.

- Chứ sao! - Bà Hirayama đáp, không khỏi có phần đanh đá. - Ở bệnh viện của chúng tôi không phải như bên ông bà - người thì ít, thành thử tôi phải ngồi ở phòng tiếp bệnh nhân, lại phải đóng gói thuốc thang, tính các khoản tiền, và cả theo dõi bệnh nhân nữa. Công việc thật là lút đầu lút cổ.

- Thì tôi cũng phải làm đủ các việc ấy! - Bà Ritsuko chen vào.

- Làm sao có thể bì với bệnh viện của ông bà - Bao nhiêu giường nhỉ? Bảy chục phải không?...

- Nhưng ông Hirayama ạ, bệnh viện lớn tuyệt nhiên không có nghĩa là doanh thu lớn, - ông Yutaro vừa mồi thuốc lá vừa nói. - Ông không biết chứ đôi khi tôi thấy một bệnh viện có năm người làm việc có lời hơn nhiều. Còn cơ nghiệp càng lớn lên thì chi phí càng cao: thêm một khoản lương là thêm bao nhiêu chi phí... Ở các xí nghiệp khác, đầu tư càng nhiều, lợi nhuận càng lớn. Còn chúng ta thì ngược lại...

- Phải, trên nguyên tắc, - ông Hirayama góp chuyện, - hễ xí nghiệp mở rộng, lợi nhuận ắt phải tăng, nhưng trong nghề thuốc rõ ràng là không phải đơn giản như vậy.

- Thế thì sao? Một bệnh viện nhỏ như của chúng tôi là trường hợp tối ưu sao? - Bà Hirayama hình như có phần yên tâm.

- Ấy, điều này thì chẳng phải ý tôi.

- Cái khổ là ở chỗ người ta thường không thích nằm các bệnh viện nhỏ: ngay chỉ là bệnh viêm ruột thừa thông thường người ta cũng thích nằm bệnh viện lớn hơn, - bà Hirayama lại than phiền. - Vừa rồi có một anh hàng thịt đến chỗ chúng tôi: cửa hiệu anh ta cũng ở gần đây. Bác sĩ Hirayama khám cho anh ta rồi nói: “Phải làm phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa”. Anh ta ưng thuận. Chúng tôi chuẩn bị cho anh ta một chỗ trong phòng bệnh, dọn cho anh ta một cái giường chăn đệm mới tinh. Chúng tôi chờ đợi. Thế rồi ông bà có biết sao không? Anh ta không đến. Chúng tôi gọi điện đến nhà hỏi xem cơ sự ra sao. Thế thì ông bà có thể tưởng tượng được không, anh ta trả lời là anh ta đã nghĩ lại: có một người bà con nào đấy của anh ta nằm ở bệnh viện thành phố, cho nên anh ta cũng định đến đấy nằm.

- Có lẽ anh ta sợ tôi không mát tay chăng? - Hirayama cười nhạt một cách không vui.

- Trước đây tôi bao giờ cũng mua thịt của anh ta, nhưng bây giờ tôi sẽ không bao giờ đặt chân đến đấy nữa!

- Thật là đồ vô lại! - Bà Ritsuko tán đồng. - Ai đời đi so sánh bác sĩ Hirayama với một thằng nhãi ranh nào đấy ở bệnh viện thành phố?

- Thế còn viện phí... các vị thử nghĩ mà xem: một lần mổ ruột thừa chỉ được mười ngàn yên! Các vị có thể tưởng tượng được không - bà Hirayama im bặt, vẻ công phẫn.

- Chẳng lẽ ít thế thôi à? - Ritsuko ngạc nhiên.

- Đấy các vị thấy chưa! - Bà vợ ông Hirayama thậm chí còn có vẻ mừng rỡ. - Tôi đã nói mà: chẳng qua cũng chỉ vì bệnh viện của chúng tôi nhỏ quá... Ôi, sao tôi ganh tị với ông bà thế! Thật chỉ mong sao được sống yên ổn như ông bà, không phải tính từng đồng yên!...

- Mười ngàn yên... Vào một quán rượu ở khu Chinđzê thì mười ngàn yên không đủ ngồi nửa tiếng, - Yutaro nhận xét.

- Gì thì gì, chứ cái này ông biết quá rõ, - bà Ritsuko châm chọc chồng. - Ông chỉ biết la cà ở các quán rượu. Trong khi số thu nhập thì thảm hại như vậy.

- Tôi nói một đằng thì bà lại nói một nẻo, đây là hai chuyện khác nhau! - Yutaro cau mày bực tức, và Hirayama vội vàng lái câu chuyện sang một hướng khác.

- Dĩ nhiên là có thể kiếm thêm - bằng tiền thuốc uống, thuốc tiêm... Tuy có thể nói riêng với nhau là chúng ta gần như đã nuôi bệnh nhân toàn bằng thuốc.

- À, anh không nghe nói Yasui đã nghĩ ra được một cái trò gì à? - Yutaro hỏi khẽ Hirayama, không cho vợ nghe.

- Yasui nào? Cái anh ở khu Mita ấy à?

- Có một lần sau buổi họp ở Hội, tôi với anh ta rủ nhau đi uống rượu, và anh ta đã kể cho tôi nghe. Cứ mỗi lần có một bệnh nhân vào nằm viện theo chế độ trợ cấp bảo hiểm, Yasui thế nào cũng phát hiện ra rằng bệnh nhân ấy có một cái ruột thừa nổi.

- Vậy thì kết quả sẽ ra sao? Hóa ra tất cả các bệnh nhân thanh toán viện phí bằng trợ cấp bảo hiểm đều có ruột thừa nổi hết à?

- Chính thế.

- Chao ôi...

- Phẫu thuật thì tối đơn giản: cố định đầu ruột thừa lại là xong. Còn bệnh nhân nào ruột thừa chẳng sao cả thì chẳng phải làm gì sốt. Chỉ việc rạch ra rồi khâu lại. Rồi sau đó nếu có gì, lúc nào cũng có thể nói rằng cái ruột thừa lại tuột ra; dù sao thì cũng chẳng ai biết được.

- Thế khi nào cắt bỏ ruột thừa thì sao? Nó sẽ thành một chuyện khôi hài: làm giấy thanh toán hai phẫu thuật cùng một lúc.

- Dĩ nhiên. Trong những trường hợp như thế thì sẽ viết vào bệnh án là hai phẫu thuật được thực hiện vào hai thời điểm khác nhau.

- Theo tôi thì làm như vậy cũng quá quắt!

- Nhưng có lợi.

- À vâng... Thế sao, Yasui dùng cái mẹo này đã lâu chưa?

- Cũng hai ba năm rồi. Có ai mách cho anh ta đấy.

- Thế ban kiểm tra của hội bảo hiểm không nhận thấy gì sao?

- Cũng đã có lần họ nói xa xôi với anh ta rằng ở bệnh viện anh ta quá nhiều trường hợp ruột thừa nổi.

- Thế thì dù sao cũng lộ mục tiêu rồi, - Hirayama phì cười.

- Nhưng anh ta chỉ làm cái trò này với những bệnh nhân nằm theo trợ cấp bảo hiểm mà thôi, thành thử chẳng bị lôi thôi gì.

- Tôi thì có lẽ, tôi chả làm như thế.

- Thế thì cứ suốt đời hẩm hiu thôi, - bà Hirayama phì cười.

- Không biết thì dựa cột mà nghe.

- Đấy ông ấy thì lúc nào cũng vậy, - bà vợ than phiền. - Không cho ai nói lấy nửa lời... À mà cả bà vợ của Kaita, cái ông ở gần nhà ga ấy, cũng không bằng lòng.

- Bà ấy thì có gì mà không bằng lòng? Phòng khám của họ bao giờ cũng đầy ắp.

- Ông này làm nhãn khoa. Mà bác sĩ nhãn khoa thì nhiều việc ít tiền. Một lần rửa mắt chẳng hạn được có bảy mươi yên. Thế mà mất bao nhiêu là thì giờ! Kaita có nói là làm nha khoa lời hơn cả.

- Không, bở nhất là làm thú y, - Yutaro nói. - Ở đây không bao giờ có vấn đề trợ cấp bảo hiểm...

- Mà lại muốn đòi bao nhiêu thì đòi, - Hirayama cười nụ.

- Mà bệnh nhân thì toàn là những người có của.

- Sao lại bệnh nhân! Chủ của chúng nó chứ!

Mọi người cười rộ.

- Nhỡ có chẩn đoán sai thì cũng không sao, chẳng phải chịu trách nhiệm gì...

- Có lẽ ông nên đi học lại để chuyển ngành sang thú y, nhỉ? - Bà Hirayama bàn với chồng.

- Thế bà có thích mó tay vào chó dại không?

- Không đời nào.

- Thì tôi cũng thế!

Mọi người lại cười rộ.

- Nói chung đây là cả một nghịch lý. - Hirayama đột nhiên buồn hẳn đi, - Thầy thuốc càng tồi thì càng hay phải mổ lại, và do đó thu nhập càng nhiều. Bây giờ thầy thuốc chẳng phải là thầy thuốc mà là những anh quản lý, những anh làm hành chính.

- Nghịch lý thì nhiều: một bác sĩ không có kinh nghiệm, mới rời ghế nhà trường, và một giáo sư, tiền thù lao làm phẫu thuật đều hưởng như nhau.

- Giáo sư thì cũng có nhiều hạng khác nhau.

Lúc bấy giờ đã khuya lắm, nhưng các bà chưa hề nghĩ đến việc ra về. Họ cảm thấy thoải mái lắm: chồng thì ở bên cạnh, con cái thì lớn cả rồi. Ở nhà không gọi điện đến tức là mọi sự đều yên ổn.

Nhưng Yutaro thì thấy chán. Cùng về nhà với Ritsuko ông cũng chẳng thích. Hôm nay bà ta cứ cuống lên đòi đi đánh mạt chược, thậm chí lại còn được nữa. Thôi cứ để cho bà ta vui, ba hoa cho thỏa thích. Bà ta sẽ mệt đi và đi ngủ trong một trạng thái thỏa mãn. Được như thế thì tốt hơn.

Yutaro lại nhớ đến Mayumi. “Phải, mình già rồi”. - Ông tự nhủ, lòng buồn rười rượi.

Hai bà tiếp tục nói chuyện phiếm. Bây giờ họ bàn đến vấn đề tình trạng khan hiếm các chàng rể. Câu chuyện rõ ràng là đang làm cho họ say sưa.

Nghe hai bà lải nhải được một lúc, Hirayama quay sang Yutaro:

- Tôi cũng có thể kể cho anh nghe cái này. Anh cũng biết rằng khi xử lý chứng viêm mũi và chứng viêm xoang Highmore, người ta rửa mũi bằng tăm bông nhúng vào dung dịch xyrocain. Thế thì ngoài ra còn có một cách khác nữa: dùng procain. Hiệu quả thực tế cũng như thế, nhưng procain giá rẻ hơn nhiều.

- Dĩ nhiên tôi có biết. Chúng tôi cũng dùng procain để gây tê cục bộ.

- Anh nghe đây. Có một điều rất quan trọng: procain có tính chất ma túy, tuy rất nhẹ nhưng vẫn có. Nếu dùng hàng ngày, ở bệnh nhân sẽ phát sinh một nhu cầu procain bền vững. Bệnh nhân sẽ bứt rứt không yên chừng nào niêm mạc chưa được bôi procain một lần nữa.

- Sau khi khỏi bệnh Highmore, bệnh nhân vẫn đến tìm bác sĩ như cũ chứ gì?

- Chính thế đấy. Có nhiều bác sĩ tập cho bệnh nhân nghiện procain một cách có dụng tâm.

- Thế là song tiễn tề xuyên. Phải, mỗi người đều có một bí quyết riêng.

Hirayama rót thêm bia cho Yutaro.

- Ba nó này, - bà Ritsuko quay sang phía chồng - phải cố làm sao cho buổi xem mắt sắp tới thành công.

- Được rồi... - Yutaro phản ứng một cách uể oải trước cuộc tấn công đột ngột của bà vợ.

- Đáng lẽ ông phải nói chuyện kỹ kỹ với con Mikiko từ lâu mới phải!

- Tôi sẽ nói.

- Không thể chần chừ được đâu. Mình sẽ không có đám nào được như thế.

- Nhưng cái anh ấy có một cái gì đó mà con Mikiko không thích phải không? Hình như nó bỏ buổi xem mắt trốn đi đâu ấy phải không? - Bà Hirayama hỏi.

- Tôi cũng chẳng biết có chuyện gì thế nữa, - Bà Ritsuko thở than. - Bây giờ nó cứ kín như bưng ấy, không nói gì với tôi cả. Có lẽ nó có nói gì với Yasuko nhà chị chăng?

- Tôi cũng chẳng biết. Con Yasuko nhà tôi thì cũng chẳng ai moi được của nó một câu nào.

Yutaro nhớ lại những điều Mayumi đã nói với ông. Chẳng lẽ Mikiko yêu Naoe ư? Mà tại sao lại không? Cách biệt về tuổi tác ư? Thì bản thân ông tuổi chẳng gấp đôi Mayumi là gì? Ý nghĩ này đến với ông một cách bất ngờ, và lần đầu tiên Yutaro bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc này.

- Thật đáng tiếc, nếu một cái bệnh viện tuyệt vời như thế mà chẳng biết để lại cho ai, - bà Hirayama tỏ ý đồng cảm.

- Giá như thằng Yuji chịu học y khoa... Nhưng nó lại ghét nghề thuốc mới khổ chứ. Mà nó cũng dại. Bác sĩ thì cũng chẳng kiếm được nhiều, nhưng bao giờ cũng đủ sống.

- Giá tôi có con trai thì tốn đến mười triệu tôi cũng không tiếc, miễn là nó được học trong một trường đại học y khoa.

- Khoan khoan! Mình nói cái gì thế? Nhà mình làm gì có số tiền đó? - Hirayama kinh ngạc.

- Không sao. Sẽ đi vay chứ. Kìa như cái bệnh viện kia, đã đầu tư vào đấy bao nhiêu là tiền! Nhà, thiết bị: phải đến năm mươi triệu là ít! Thế mà có ra sao đâu. Đến khi ông bác sĩ nhà tôi về già thì tất cả đều đi tong. Thiết bị thì không bán được: lỗi thời rồi, còn tòa nhà thì không thể dùng vào việc gì khác... Không, tôi sẵn sàng bỏ ra bất kỳ bao nhiêu, miễn là đừng phải bán cái bệnh viện. Còn như ông bà thì đã tiêu vào cái bệnh viện kia mấy trăm triệu chứ có phải ít đâu.

Đáp lại, Ritsuko chỉ buông ra một tiếng thở dài cay đắng.

- Thế cái anh vị hôn phu của Mikiko sẽ nhận họ Gyoda chứ? - Bà Hirayama hỏi thăm.

- Bà này! - Ritsuko vỗ hai tay vào nhau đánh đét một cái. - Thanh niên bây giờ họ không chịu đâu. Nhưng nó là bác sĩ nội khoa, nên chúng tôi sẽ vui lòng trao cái bệnh viện Oriental lại cho nó.

- Phải... Trong cái nghề của chúng ta, làm sao cho con cái nối nghiệp bố mẹ là điều hết sức quan trọng.

- Khỏi phải nói... Phải có bao nhiêu phương tiện mới kiếm được đủ thiết bị, nhất là đối với một bác sĩ mới vào nghề. Rồi lại còn phải tìm những bác sĩ giỏi, những nữ y tá thạo việc...

- Nhưng ông bà gặp may đấy, - bà Hirayama nhận xét. - Ông bà có được một bác sĩ ưu tú như Naoe thật là có phúc.

- Biết nói với ông thế nào đây... - Bà Ritsuko mỉm cười gượng gạo. - Quả là một đôi bàn tay vàng, nhưng...

- Ông ta sống độc thân phải không? Chắc mê gái lắm nhỉ?

- Ấy, vấn đề chính là ở chỗ ấy. Ngay trong bệnh viện ông ta cũng có một cô.

- Thôi đi bà, - Yutaro ngăn vợ. - Về thôi.

- Đã khuya đâu? Thật chưa muốn về tí nào...

Cái đồng hồ trên tủ chè chỉ mười một giờ.

- Ông bà đi đâu mà vội? Ngồi chơi chút nữa, - bà chủ nhà vui vẻ giữ khách.

- Không, ngày mai nhiều việc lắm. - Đoạn Yutaro đứng dậy trước.

***

Về đến nhà, họ ngạc nhiên nhận thấy cổng hãy còn thắp đèn sáng trưng, cánh cổng không khóa. Phía trên cổng ra vào vẫn có ngọn đèn con, tuy thường thường sau mười giờ chị người làm đều tắt hết đèn và khóa cửa chính, chỉ để ngỏ lối cửa ngách.

Trong phòng khách vắng tanh. Chị người làm ngủ, còn Yuji và Mikiko hình như đã về phòng riêng trên tầng hai.

- Yên lặng một cách khả nghi, - Ritsuko nhận xét trong khi cởi áo ngoài.

Được một lát Yuji xuất hiện trên cầu thang.

- Con ăn tối chưa? - Bà Ritsuko hỏi.

- Con ăn rồi ạ. - Yuji mở tủ lạnh lấy ra một hộp bia. - Chị Mikiko không đi với ba má à?

- Không. Mà sao?

- Chưa về kia à?

Ritsuko lo lắng nhìn con trai. - Thế thì chị ấy ở đâu?

Yuji mở hộp bia nốc một ngụm.

- Ai biết đâu đấy. Nói chung thời gian gần đây chị ấy bụi quá.

- Đừng nghĩ vớ vẩn...

- Đúng thế đấy! Hôm nào cũng về muộn, có hôm lại còn ngủ lang ở đâu.

- Như thế có nghĩa là chị ấy ở lại nhà bạn, - Ritsuko nói. Nhưng nỗi lo lắng mỗi lúc một mạnh thêm nên bà quyết định đánh thức chị người làm.

- Tomiyo, cô ngủ đấy à?

- Hả?... - Tomiyo hình như đang ngủ thật.

- Thôi cứ nằm, đừng dậy. Cô có biết Mikiko biến đi đằng nào không?

- Thưa bà tôi không biết. Cô ấy có gọi điện nói là tối nay cô sẽ không về.

- Nó gọi điện từ đâu?

- Từ nhà một người bạn gái. Cô ấy xin nhà đừng lo lắng gì cả.

- Cô không hỏi thử xem bạn gái nào, tên gì à?

- Cô ấy chẳng nói đâu. Có hỏi cũng vô ích... - Tomiyo càu nhàu.

Một linh cảm chẳng lành tràn vào lòng Ritsuko. Đứng tần ngần một lúc trên cầu thang, bà đi xuống phòng ăn gặp Yutaro.