Đêm qua sân trước một cành mai

Bên đàn vịt trời

Có một vùng hồ núi, cỏ cây xanh tốt, ít người qua lại. Vùng này nhiều đầm lầy, sinh vật sống từng đàn, không thiếu loài gì. Quanh năm khí hậu điều hòa, loài chim trốn lạnh thường về trú ẩn nơi đây.

Đặc biệt vùng này rất nhiều giống vịt trời, bay lượn từng đàn, chúng có bộ long màu xám thẫm. Vùng này vốn ít người lui tới, nên đàn vịt trời rất dạn dĩ, càng ngày sinh sản càng đông.

Một buổi sáng nọ, nghe đâu đây văng vẳng có tiếng trẻ con ca hát. Loài vịt vội bay lên ngọn cây, nghiêng đầu lắng nghe. Tiếng hát vừa rõ tìh một đám trẻ con đi tới. Đi sau các đứa trẻ là một lão trượng mập mạp, mặt mày tươi vui, lưng đeo một cái túi lớn.

Trẻ con vừa thấy hồ nước và đàn vịt trời, reo hò ầm ĩ. Đàn vịt phành phạch vỗ cánh, lão trượng nhìn theo, cười vui lẩm bẩm:

- Đàn chim bay đi, bầu trời lại yên tĩnh.

Trẻ con vừa tản ra đi chơi bốn phía, loài vịt lại hạ cánh bên hồ. Lão trượng lại lẩm bẩm:

- Lúc tụ, lúc tán, pháp cứ thế mà sinh diệt.

Bỗng đàn vịt xao xác sợ hãi. Lão trượng quay người lại thì thấy một nhân trạng hình thù quái dị. Y mang cái bụng to như cái trống. Cổ y cực dài, ốm nhỏ như ống trúc. Tứ chi lỏng khỏng, đi không giống đi, bò không giống bò, mắt gần như hai ngọn đèn, mặt mày xem ra cực kỳ đau khổ.

Lão trượng chưa kịp nói gì, bỗng nhân trạng quái dị kia nhoài người chụp một con vịt trời. Vịt trời đã nhanh mà y còn nhanh hơn. Y tóm cổ một con vịt trời đưa lên miệng định nuốt sống. Cổ y phát ra một tiếng “ục, ục” cơ hồ đắc chí. Vừa đưa lên miệng, y bỗng bỏ xuống, buông thả con vịt trời đang kêu quàng quạc. Mặt mày quái nhân càng thêm đau khổ, nước mắt tuôn chảy từng dòng.

Lão trượng bỗng cất tiếng nói:

- Ngạ Sa, đáng thương thay, ngươi chỉ ăn được cháo lỏng.

Ngạ Sa khóc lên thành tiếng, vừa đi vừa bò, la liếm trên cành cây ngọn cỏ, phút chốc đã bỏ bờ hồ xanh biếc đi mất dạng.

Lão trượng nhìn theo, suy nghĩ điều gì không ai rõ. Bỗng có ai cất tiếng nói:

- Xin hỏi lão trượng, Ngạ Sa là loài gì?

Lão trượng quay người lại, thì ra là một con vịt trời. Con vịt trời này giống hệt những con vịt khác, chỉ khác chỗ màu long trắng bạc. Lão trượng mĩm cười nhìn vịt lông trắng:

- Ngạ Sa là một loài chúng sinh gần như loài người, nhưng hạnh nghiệp của chúng phần nhiều xấu ác. Nghiệp nặng nhất của chúng là tham lam, hiện thành nghiệp đói.

Vịt lông trắng rùng mình mấy cái:

- Chịu nghiệt đói sao y không ăn được, chỉ ăn cháo lỏng?

- Đó chính là ác nghiệp đã nhiều đời chồng chất. Bụng y đã đầy thức ăn, không chứa chất thêm được nên cổ họng y nhỏ như sợi chỉ. Vì không ăn được, y lại càng thèm khát.

Vịt lông trắng nhìn đàn vịt đang kiếm ăn bên bờ hồ, nghiêng đầu lắng nghe tiếng cười của trẻ con đâu đó:

- Sung sướng thay cho loài người, không phải chịu ác nghiệp như vậy.

Lão trượng cười đôn hậu:

- Người tưởng loài người không có nghiệp tham lam sao, không có nghiệp đói sao? Nếu có loài thèm khát thức ăn thì cũng có loài thèm khát những điều vi tế hơn như cái mà loài người gọi là danh vọng, tri thức, trình độ, niết bàn…

Vịt lông trắng nhớ lại tướng Ngạ Sa mà còn rùng mình:

- Nhưng hình tướng loài người đẹp đẽ hơn loài Ngạ Sa!

- Nghiệp tham lam thuộc thân thì sanh quái dạng ở thân, nghiệp tham lam thuộc tâm thì sanh quái dạng ở tâm, đâu có gì khó hiểu. Ngươi không thấy, chứ quái dạng thuộc tâm còn muôn hình muôn vẻ, còn đáng sợ hơn quái dạng thuộc thân. Biết bao chúng sinh mang dạng người mà hành xử còn hơn loài yêu quái.

Vịt lông trắng tỏ vẻ nghi ngờ:

- Theo lời lão trượng thì như thế không có gì khác biệt nào giữa loài người và súc sinh. Loài người có ý thức tất phải khác loài không có nghĩ suy.

Lão trượng thở dài một tiếng:

- Ý thức chỉ là phần cạn cợt của tâm, đâu phải là cốt lõi. Người đang mang dạng súc sinh, người vẫn có ý thức đó. Khác biệt giữa người và súc sinh và tất cả chúng sinh trong cõi ta bà này nằm ở hạnh nghiệp của chúng mà thôi. Nghiệp làm cho chúng cảm ứng với cái đẹp cái xấu, nghiệp làm chúng sinh thấy ra cảnh giới của mình, nghiệp chủ động sinh ra hình tướng thuộc tâm, thuộc thân.

Lão trượng nhìn vịt lông trắng chăm chú:

- Vịt trời lông trắng, ngươi sẽ làm kiếp người và hãy nhớ mọi suy nghĩ, hành động không xuất phát từ ý thức mà xuất phát từ nghiệp. Ngươi gọi nghiệp là “bản năng” hay “tiềm thức” hay “vô thức” tùy người, còn ý thức chỉ có nhiệm vụ kiểm soát tư duy và hành động cho hợp với những lề luật do xã hội loài người đặt ra.

Vịt trời lông trắng ngẩng đầu nhìn lão trượng:

- Hành tung của nghiệp kỳ bí như thế, làm sao nắm bắt được nó?

Lão trượng ha hả cười:

- Như con mắt nhìn được muôn vật, nhưng không thể tự thấy. Đúng là khó hiểu được nghiệp của chính mình. Nghiệp tạo ra thân tâm và cảnh giới, rồi chính thân tâm và cảnh giới tiếp tục tạo ra nghiệp, cứ ròng rã như thế. Sự vật cứ dựa lên nhau mà có, mà biến hóa, mà sinh thành. Trong quá trình đó, không có gì bất biến, không có ngã. Người hãy theo dõi những loại nghiệp ngắn ngủi như một cơn giận dữ, một phút giây sợ hãi của chính ngươi, may ra ngươi có thể hiểu được nghiệp của mình.

Vị trời lông trắng cúi đầu ngẫm nghĩ. Bỗng đàn vịt bên hồ xôn xao sợ hãi, bay tán loạn. Sau tàn cây, hình thù Ngạ Sa xuất hiện. Mới qua một giây mà bây giờ Ngạ Sa đã già yếu, mặt mày thiểu não cực độ. Cổ y bây giờ như cây tăm, có lẽ y không tìm đâu ra cháo lỏng.

Ngạ Sa bò lết đến trước mặt lão trượng, cất tiếng người:

- Lão trượng, xin cứu đệ tử!

Vừa nói, y vừa nhìn túi vải trên vai lão trượng.

Lão trượng cười hiền hậu, giơ tay vung túi vải như một đám mây trắng chụp trên đầu Ngạ Sa. Trong túi vải đổ ra vô số kẹo bánh. Ngạ Sa vừa mừng rỡ, bỗng nhớ ra điều gì, nước mắt lại hai hàng. Lão trượng gọi lớn:

- Ngạ Sa, người chỉ ăn được cháo lỏng!

Vừa nghe tiếng gọi, Ngạ Sa thấy túi vải biến thành một cái nồi cực lớn, bánh kẹo đã biến thành cháo trắng, lỏng như nước. Y say sưa húp cháo, húp tới đâu cảm thấy sinh lực tràn trề tới đó.

Một giọt nước mắt còn đọng lại trên mặt nhỏ xuống nồi cháo, Ngạ Sa sực nhớ điều gì, ngẩng đầu hỏi lão trượng:

- Lão trượng, tại sao bánh kẹo bây giờ lại hóa thành cháo lỏng?

Lão trượng nhìn trừng trừng Ngạ Sa, quát:

- Ngạ Sa, nếu chính người không biết điều đó thì ai biết?

Tiếng quát cực lớn, vang động cả một vùng hồ núi.

Ngạ Sa ngơ ngác một giây, rồi nấc lên một tiếng, ngã gục bên túi vải đầy kẹo bánh.

Lão trượng mĩm cười đưa mắt nhìn lên, trên không tự nhiên vang lên tiếng người:

- Kính lễ Bồ Tát Di Lặc.

Lão trượng quay nhìn vịt trời lông trắng:

- Lành thay, chỉ một tiếng quát mà Ngạ Sa đại ngộ, bỏ được nghiệp quỉ đói.

Trẻ con vừa trở lại, thấy lão trượng nói chuyên với vịt trời, ngạc nhiên hỏi:

- Lão trượng, loài vịt hiểu được tiếng người sao?

Vịt trời lông trắng sẽ làm kiếp người, loài người gọi y là Konrad Lorenz (1).

 

---

1. Konrad Lorenz, (1903 – 1989), là nhà bác học nổi tiếng người Áo, một trong những nhà sáng lập thuyết ‘tập tính học” hiện đại, chuyên nghiên cứu “thái độ và cách phản ứng của loài người và loài vật”, nhất là loài chim. Ông cho rằng động lực của mọi phản ứng là “bản năng”, vốn do tác động qua lại của các “gen” bẩm sinh. Năm 1973, ông được lãnh giải Nobel về y khoa với hai động nghiệp khác. Công trình của Lorenz có ảnh hưởng sâu đậm trong ngành y khoa và tâm lý học. Ông yêu mến đặc biệt loài vịt trời. Lúc lên năm tuổi, ông đã thích chơi với vịt trời và giữ niềm vui đó cho đến cuối đời.