Bài phú Long Trì của Bảo Kim nổi tiếng trong xã hội văn chương thời ấy. Các danh sĩ đều thán phục là một thiên cổ kỳ bút. Gần xa ai ai cũng biết đến Bảo Kim, người ta thi nhau chép cho được bài phú Long Trì; họ đọc họ ngâm, họ phê bình. Nhiều người quá hâm mộ, còn học cả lối chữ thảo của Bảo Kim để viết bài phú ấy. Thiên hạ khen là nhà Nguyễn Thị lang có phúc; họ cho là trời đền công cho vị quan thanh liêm mà không được hưởng lộc trời, nhất là cho Nguyễn phu nhân, một bà hiền mẫu có tấm lòng trung hậu cả kinh thành đều biết. Họ đoán rằng, với cái tài của Bảo Kim, chàng sẽ không khó nhọc gì mà giật giải khôi nguyên trong kỳ thi sắp tới.
Tuy vậy, thiên hạ vẫn lo sợ nơm nớp cho Bảo Kim. Phu nhân cũng cùng chung một mối sợ. Việc Bảo Kim cùng anh em đánh lại Cậu Trời trong buổi dạ hội ở Long Trì, khắp chốn kinh kỳ đều biết. Người ta lại lấy làm lạ rằng đã sáu bảy hôm Đặng Lân không ra khỏi phủ. Thực là một sự quái gở vì ai cũng biết em trai Tuyên phi rất hay thâm thù, không có lẽ nào lại làm ngơ cho bọn Bảo Kim. Nhiều người đồn rằng Lân sợ Nguyễn Mại; lắm kẻ cho rằng Lân đương nghĩ một mưu thâm hiểm gì để hại kẻ thù; có người mạnh đoán lại cho là Cậu Trời ốm. Lời nói này làm cho nhiều người nói:
- Thôi thì cũng lạy trời bắt nó ốm cho nó chết đi, để cho nhẹ kiếp dân kinh thành! Không biết đất Thăng Long có động ở chỗ nào mà trời sai thằng quỷ sứ ấy xuống gieo tai rắc vạ?...
Lân cùng Tuyên phi là con một ông đồ nghèo ở làng Chè. Thuở bé Lân đã ngỗ nghịch không chịu học hành. Khoảng 13, 14 tuổi đã nát rượu, ham cờ bạc, và đã dự vào những trận ăn cướp ở quanh vùng. Lớn lên, lại càng lăng loàn, đầu óc chỉ sắp đặt những mưu mô chim chuột đàn bà con gái, đã thích người nào thì kỳ cho thỏa mãn lòng dục mới thôi. Đào tường khoét vách, hãm hiếp giữa đường, Lân không từ một thủ đoạn nào, nhiều khi bị đánh gần chết mà vẫn không bỏ.
Đến khi Tuyên phi đắc thế, được chị gọi vào kinh, Lân tha hồ phóng túng, thả lỏng lòng dục, trác táng tuổi thanh niên. Óc lại giàu tưởng tượng, Lân thường bày ra nhiều cảnh huy hoàng dâm đãng, cuộc truy hoan có khi thâu đêm suốt sáng, tiếng ca hát, tiếng cười nói chớt nhả, làm rờm tai những người xung quanh phủ, đến nỗi nhiều nhà phải dọn đi chỗ khác, thành thử phủ Lân biệt lập hẳn một nơi. Con người xa xỉ ấy chỉ sống khi có giai nhân bên cạnh, hay trên chiếu bạc, hay trước một bình rượu tốt, một mâm cơm ngon. Lân muốn tận hưởng tuổi thanh niên phong phú, biết hết các loại đàn bà, nếm hết những mùi ngon của hiếm trên đời. Vì thế Lân ở rất sang, mặc rất đẹp, ăn uống lại càng chú ý. Mỗi bữa cơm của Cậu Trời, mỗi bữa tiệc thì đúng hơn, là một buổi trưng bày rực rỡ về bảo vật, màu sắc và hương thơm...
Sau khi bị đánh ở Long Trì, Lân dẫn gia nhân lủi thủi về, nghiến răng mắm lợi giận uất lên tới cổ.
Về đến phủ, Lân nằm lăn trên sập, rên rỉ:
- Thù này không báo được thì đến chết mất mà thôi!
Ba tên hầu thân cận nhất của Lân là Bùi Đãng, Đào Văn Kiên và Hồ Trọng Vũ cầm quạt lại quạt cho chủ và ton hót:
- Thưa cậu, cậu hãy nguôi giận rồi ta sẽ nghĩ kế phục thù.
Lân truyền đem rượu ra uống. Nốc cả một bình rượu tốt, say mềm nằm lả ra. Bùi Đãng nhanh nhảu dẫn một lũ con gái vẫn bắt giam dưới nhà đem lên để đấm bóp cho Cậu Trời.
Lân đang say khướt, bỗng trừng trừng nhìn mấy người con gái, cất giọng đầy hơi rượu hỏi:
- Quỳnh Hoa đấy ư em?
- Thưa cậu, em đây mà, Quỳnh Hoa nào? Một người con gái trẻ trả lời.
- Quân chó này, ai bảo chúng bay lên? Tao có bảo không mà chúng mày dám tự tiện.
Bùi Đãng sợ hết hồn thưa:
- Thưa cậu, chúng nó lên để hầu cậu.
- Tao thèm hạ mình với lũ bần tiện ấy à?
Rồi Lân thét ầm ĩ. Chợt gọi:
- Bùi Đãng! Lấy gươm!
Đãng dạ, dâng gươm. Lân cầm lấy. Người con gái thưa lúc nãy kêu lên một tiếng hãi hùng, chạy ra sân thì Cậu Trời đã sấn lại, chém một nhát ngã gục xuống, lấy chân đá cái thây văng ra xa. Hai người con gái trong nhà chết ngất đi vì sợ.
Những sự chém giết ấy không mấy ngày không diễn ra trong phủ Đặng Lân. Con người tửu sắc dâm dật và có máu điên ấy thích cái thú quái gở là giết đàn bà con gái, sau những khi hành lạc, hay trong những lúc say rượu.
Khi đã làm xong tội ác, Đặng Lân quăng kiếm cười ha hả, chân nam đá chân chiêu, bước lên sập nằm thản nhiên như không có sự gì xảy ra. Một lát lại ngáy, thỉnh thoảng lảm nhảm gọi:
- Quỳnh Hoa Quận chúa! Quỳnh Hoa Quận chúa!
Bùi Đãng sai người quét tước và đem chôn cái thây ở bên vườn rộng đằng sau. Trời vừa sáng bạch. Đãng thì thầm bảo tên Kiên:
- Cậu mê Quận chúa rồi.
- Ăn thua gì, đời nào Chúa thuận!
- Biết đâu đấy. Có bà Tuyên phi thì không ai nói trước được.
Mãi trưa hôm ấy, Đặng Lân mới dậy. Bùi Đãng dọn tiệc lên rồi cùng bọn gia nhân chắp tay đứng hầu, trong khi một người thiếu phụ có nhan sắc đứng chuốc rượu.
Cậu Trời hỏi:
- Chúng bay có trông thấy Quận chúa Quỳnh Hoa không?
Bùi Đãng thưa:
- Thưa cậu, thực là một trang tuyệt sắc!
- Ta ngắm con gái đã nhiều, nhưng chưa bao giờ thấy một người đẹp như thế. Không ngờ Tĩnh Đô Vương lại có con gái đến bực ấy. Ta được sánh duyên với Quỳnh Hoa thực là thỏa một đời. Chúng bay bảo ta có lấy được Quỳnh Hoa không?
Đào Văn Kiên đáp:
- Thưa cậu, làm gì mà chẳng được. Tuyên phi chỉ nói một câu là mọi sự phải thành.
- Thế nhỡ Quận chúa không thuận?
Hồ Trọng Vũ sợ các bạn cướp mất lời, vội nói:
- Thưa cậu, không thuận là thế nào? Chúa thuận thì Quận chúa phải thuận. Cậu cứ nói với Tuyên phi đi, thế nào cũng được. Con cam đoan thế.
Bùi Đãng nói:
- Em bà Tuyên phi lấy con Chúa, môn đăng hộ đối, cậu còn phải nghi ngại gì nữa.
- Ta cũng hỏi chúng bay thế thôi chứ con Quỳnh Hoa đã cao quý gì mà ta không lấy được? Ta quyết lấy được nó mới thôi. Được làm chủ bông hoa ấy, mở khóa động đào, kể thực là một điều sung sướng nhất đời ta.
Nói đến đây, lấy làm khoái chí, Lân nốc luôn mấy chén rượu, rồi cầm cả cái tỏi gà gậm nhá, vứt xương tứ tung, tay bẩn chùi cả vào quần áo người thiếu phụ ôm trong tay.
Bùi Đãng chợt thưa:
- Thưa cậu, thế còn thằng Bảo Kim?
- Giết nó lúc nào chả được. Cả lũ bạn nó, cũng không tha một đứa nào. Con mẹ nó không răn dạy nó, cũng giết nốt.
- Thưa cậu, thế còn thằng đeo kiếm?
- Chúng bay ngu nên không biết. Giá cứ để chúng bay đánh lũ Bảo Kim thì tên đeo kiếm nó đến giết tao. Nó là thằng Nguyễn Mại. Nó theo quan quân đánh chúa Nguyễn ở phương Nam. Chúa Tĩnh Đô rất yêu. Nhưng yêu, ta bảo cũng phải giết, không giết không được cho mà xem... Nó khỏe lắm đấy, tinh thông cả thập bát ban võ nghệ, quân Nguyễn sợ lắm, gọi là hổ tướng. Chúng bay trêu vào nó thì mất xác ngay. Vì thế, ta chịu nhịn nó, tránh voi chẳng xấu mặt nào. Vài hôm nữa, ta nói với chị ta, thì nó lại bị bêu đầu sớm. Hống hách với ai chứ với Cậu Trời thì chỉ có chết.
Bùi Đãng nói:
- Chúng con xin cậu nói với Tuyên phi giết cho được lũ Nguyễn Mại và Bảo Kim để rửa cái nhục ở Long Trì.
- Có khó gì!
Chiều hôm ấy, Lân sai thắng ngựa vào phủ chúa tìm Đặng Tuyên phi. Phủ chúa tuy là nơi nghiêm mật, nhưng Lân được độc quyền ra vào tự do, không ai dám cản trở.
Chúa Tĩnh Đô bận việc ở nhà Nghị sự. Trong cung, duy còn có Đặng Tuyên phi.
Hai chị em gặp nhau mừng mừng rỡ rỡ...
Tuyên phi hỏi:
- Đã nửa tháng nay, chị thấy mất mặt em, chị định mai ra thăm, không ngờ em lại đến.
Lân thưa:
- Thưa chị, em độ này bận lắm.
- Bận cái gì? - Tuyên phi vừa nói vừa âu yếm nhìn em. - Chị thấy nói em độ này làm nhiều điều phi pháp lắm. Em nên liệu đấy, kẻo quá lắm chị cũng không bênh được nữa.
- Chị dạy, em xin theo. Nhưng em có làm điều chi gọi là phi pháp? Chị đừng nghe người ta mà oan cho em. Vả em cũng không muốn lông bông nữa, em muốn định bề gia thất, chị giúp em nhé.
- Chị đã mấy lần khuyên em về việc này, em không nghe, nay em đã biết nghĩ, thực là phúc cho họ Đặng nhà ta. Mẹ mất sớm, cha đã hiếm hoi, chỉ có em là trai. Hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi đầu vẫn chưa có vợ, bao giờ cho cha có cháu ẵm?
- Thưa chị, chính vì thế mà em nghĩ đến nhân duyên.
- Em đã thuận đám nào chưa?
- Đã, nhưng cũng khó lắm. Đám này, phi chị giúp cho thì không thành được.
- Ai?
- Con gái chúa Tĩnh Đô.
- Ai! Quỳnh Hoa Quận chúa?
- Vâng. Quỳnh Hoa Quận chúa.
- Em muốn lấy Quỳnh Hoa Quận chúa? - Tuyên phi trố mắt nhìn em.
- Em muốn lấy Quỳnh Hoa Quận chúa. Chị không nói giúp mà đám ấy không thành, thì em quyết không lấy ai cả.
Tuyên phi ngồi trầm ngâm nhận rõ cả nỗi khó khăn của công việc. Tuyên phi bảo Đặng Lân:
- Để chị thử xem sao.
Đặng Lân nói:
- Em không muốn chị thử. Chị phải làm cho bằng được.
- Em nên kiên nhẫn một chút. Việc gì chị xin Chúa cũng được, không biết đến việc này có xuôi không? Hình như Chúa đã định gả Quỳnh Hoa cho ai rồi, bây giờ phá kể cũng hơi khó. Vả Quỳnh Hoa là đứa cao đạo, chỉ ưa những văn nhân mặc khách...
- Xin chị cứ giúp em. Chị giúp thì còn khó gì?... Chị xin gì mà Chúa chẳng cho?
- Phải từ đồ mới được. Việc này không phải là chuyện đùa. Em để yên cho chị nghĩ mưu sắp kế, nhưng phải đợi, không nên hấp tấp. Và chị dặn điều này: muốn cho việc thành, em nên ăn ở cho ngoan ngoãn, không được vọng động, không được làm điều gì phạm pháp khiến chị khó nói, em đã nghe chưa?
- Em xin nghe chị.
- Thôi em về đi. Chúa sắp tới.
Đặng Lân dạ dạ lui ra, lòng mừng khấp khởi. Về đến phủ riêng, Lân gọi bọn Bùi Đãng bảo rằng:
- Lệnh bà hứa sẽ giúp ta. Nhưng lệnh bà cấm ta không được hoành hành như trước. Vậy bao nhiêu thù oán hãy xếp lại một nơi, không hỏi đến vội. Việc thằng Bảo Kim, thằng Nguyễn Mại, ta tạm để đấy, đợi khi ta lấy được Quỳnh Hoa rồi bấy giờ sẽ hỏi tội chúng nó cũng không muộn.
Bùi Đãng thưa:
- Thưa cậu, cậu dạy thế là phải. Kiến trong miệng chén có bò đi đâu. Chúng con chỉ mong sao cậu toại nguyện, chúng con là lũ tôi tớ cũng được thơm lây.
Tiệc rượu đã bày, khói xông nghi ngút trên bình vàng, chén ngọc, và bát đĩa sứ men đẹp, nét vẽ cầu kỳ.
***
Đặng Lân vừa ra thì chúa Tĩnh Đô vừa ngự tới Bội Lan thất. Tuyên phi ra trước thềm, quỳ dâng một lẵng hoa. Chúa nâng nàng dậy, đỡ lấy lẵng hoa phán:
- Sao ái phi lại làm thế? Đã là chỗ vợ chồng lại còn giữ lễ! Trong chốn buồng thêu, ta cũng không nên câu nệ quá!
Nàng cất tiếng êm và uyển chuyển như lời ca:
- Tâu Chúa thượng, vợ chồng tương kính như tân. Tiện thiếp chẳng qua là làm theo sách.
Nàng liếc mắt nhìn Chúa, Chúa cả cười, không uống đã say. Chúa cầm lấy bàn tay nàng trắng muốt và mịn như nhung, bật nổi một chiếc nhẫn kim cương lóng lánh. Chúa bỗng cúi xuống đặt trên mu bàn tay tuyệt mỹ một cái hôn đắm đuối.
Tuyên phi rước Chúa vào trong nhà. Tài khéo của Tuyên phi đã làm cho khu nàng ở thành một nơi mộng ảo, và chốn thâm cung thành một cái tổ thần tiên. Mà quả vậy, những cột rồng đã mất vẻ trang nghiêm, câu đối hoành phi cũng không còn nhắc những lời đạo lý khô khan nữa. Mắt vào đây được yên nghỉ, màu sắc điều hòa êm dịu, và vườn hoa, một công trình mỹ thuật vô song thoang thoảng đưa vào gió mát và hương thơm. Những màn hoa bay phấp phới, như những cờ mừng Chúa, nhưng có vẻ đầm ấm hơn là vẻ uy nghi. Đây toàn là sinh thú, toàn là ái tình. Chúa sóng vai cùng Tuyên phi, đi trên chiếc thảm gấm, thỉnh thoảng lại nhìn nàng, khuôn mặt trái xoan, làn môi tình tứ, đôi mắt đen nhánh đẹp tuyệt trần ẩn dưới đôi lông mày lá liễu, như suối chảy dục tình. Thân nàng mềm mại và uyển chuyển, vừa phong lưu, vừa quyến rũ, phảng phất như một thứ hương mê ly. Chúa nhìn nàng, như ngốn bằng đôi mắt đa tình, tất cả cái lâu đài xác thịt kia đã bao lần ngài ngắm mà không lần nào thấy chán; mỗi lần ngắm là một lần tìm thấy một vẻ đẹp khác.
Thấy Chúa nhìn mình không chớp, Tuyên phi ngượng, mặt hoa ửng hồng, uyển nhiên như trứng gà bóc.
Chúa ngồi xuống một chiếc ghế thêu, mắt Chúa không thấy gì khác ngoài vẻ đẹp vinh quang kia. Ngài say sưa, chỉ họa chăng còn thấy mơ màng chiếc giường thất bảo lộng lẫy với đôi gối thêu.
Tuyên phi vòng tay qua cổ Chúa, nâng một chén trà thơm và thưa:
- Xin Chúa thượng thưởng trà.
Chúa Tĩnh Đô nghiện trà và rất sành thưởng thức. Nội những phi tần không ai pha trà vừa ý Chúa. Duy Tuyên phi có cái nghệ thuật tuyệt vời về nghề này, Chúa chỉ có những lời bái phục.
Chúa tiếp lấy chén trà và nói:
- Ái phi cùng ta uống. Sắc đẹp của ái phi là sắc đẹp thần tiên, kẻ tục tử này đâu dám vô lễ mà uống trà trước.
Nàng quỳ xuống, nói:
- Chúa thượng tuy là rộng lượng nhưng tiện thiếp đâu dám tiếm vượt?
- Ái phi không được khách sáo.
Và Chúa đỡ nàng dậy, chính tay rót một chén trà đưa cho. Tuyên phi cung kính đỡ lấy. Chúa uống xong, nói:
- Chưa bao giờ ái phi đẹp như hôm nay, mà cũng không bao giờ trà của ái phi ngon như hôm nay.
Trên bàn có mấy giỏ hoa huệ tươi và hương thơm ngát, để trong lọ sứ Giang Tây. Chúa tươi cười nói:
- Hoa đẹp trùng với tên ái phi, ta không kịp chào, thực là thất lễ!
Chúa ngắm bông hoa rồi lại nhìn Tuyên phi, lẩm bẩm:
- Huệ! Huệ! Ta tu từ kiếp nào mà được sánh cùng ngươi, hỡi Huệ!
Chúa đứng dậy ngửi bông hoa, ngây ngất. Chợt Tuyên phi quỳ xuống trước mặt Chúa. Chúa nâng nàng dậy, nàng nhất định không đứng lên, ngập ngừng như muốn nói lại thôi. Chúa lấy làm lạ hỏi:
- Ái phi có điều chi thì cứ thực mà nói ra. Ta từ trước đến giờ, kể từ ngày trời đưa ái phi lại, có từ chối ái phi việc gì đâu. Ái phi muốn gì ta cũng cho.
- Tâu Chúa thượng, tiện thiếp đội ơn Chúa thượng rất nhiều nên mới được như thế này. Đáng nhẽ tiện thiếp phải an phận, không được làm phiền Chúa thượng mới phải.
- Ái phi không biết: cái phiền nhất của ta là thấy ái phi có điều phiền muộn. Ái phi nói đi!
Chúa cố kéo nàng dậy. Nhưng Tuyên phi vẫn quỳ, ôm lấy hai chân Chúa, nàng không nói gì, mắt mơ màng, toàn thân là một sự khẩn cầu. Lúc ấy dáng nàng lại thập phần kiều mị. Chúa động lòng thương, chỉ đợi nàng nói ra, có điều gì cũng ưng chuẩn ngay.
Tuyên phi như đã dò xét ý Tĩnh Đô, sẽ cất tiếng oanh thỏ thẻ:
- Tiện thiếp có việc này, muốn nói với Chúa thượng, chỉ sợ không được lại đèo thêm nỗi hổ thẹn, vì thế còn do dự.
Chúa nói:
- Ái phi cứ nói. Ta là chúa tể nhân gian, cầm quyền thiên hạ, chỉ trừ có trời, còn cái gì ta không cho ái phi được?
- Tiện thiếp đắn đo mãi, nay mới dám nói. Em tiện thiếp là Đặng Lân...
- Ta đã phong làm Quốc cữu, được mở phủ đệ như những vị vương hầu, thậm chí Quốc cữu giết cả đại thần, ta cũng ngơ cho, vì ái phi đó...
- Em tiện thiếp được Chúa thượng săn sóc, ơn ấy tiện thiếp xin ngậm vành kết cỏ. Còn việc đại thần, chẳng qua người ta ghen mà vu cho, chứ em tiện thiếp là con nhà nho, đời nào lại ngỗ nghịch thế?
- Vậy ái phi xin gì cho Quốc cữu?
Chúa cúi xuống, ghé vào tai nàng giục nói. Ngài thấy cả người rung động một mối tình mãnh liệt. Lâu lâu, Tuyên phi se sẽ thưa:
- Tâu Chúa thượng, Quốc cữu không biết phận hèn, lại muốn chơi trèo, nay nhờ tiện thiếp nói với Chúa thượng xin Quỳnh Hoa Quận chúa...
- Quỳnh Hoa Quận chúa!
Chúa giật bắn người lên, hoang mang như một người bị ngã. Tuyên phi ngước mắt nhìn Chúa, thấy Tĩnh Đô tái mặt đi. Thoáng một cái, nàng đã nhận thấy trong nét mặt rất dễ thay đổi kia, vẻ giận dữ, vẻ đau đớn, vẻ hoài nghi, xen với một vẻ kiêu ngạo không bờ bến. Nàng cầm lấy tay Chúa lúc nào Chúa cũng không biết. Nàng nói:
- Tâu Chúa thượng, tiện thiếp biết: chị em tiện thiếp là hạng tầm thường, thực không dám sánh với cành vàng lá ngọc. Chỉ vì em tiện thiếp khẩn khoản, chẳng nhẽ không tâu cùng Chúa thượng, nên tiện thiếp...
- Ta có luận gì quý tiện. Cốt được người.
- Em tiện thiếp, Chúa thượng xem ra sao?
- Kém ái phi nhiều lắm, tính lại nóng nảy, mà Quận chúa là một người yếu ớt, dễ xúc cảm, hơi một tí là ngất ngay đi...
- Tiện thiếp đã làm cho Chúa thượng ưu phiền. Nhưng Chúa thượng đã không ưng, tiện thiếp đâu dám ép, chỉ xin Chúa thượng tha cho tiện thiếp tội chết, thế là may mắn lắm rồi.
Nàng đứng dậy, rung chiếc chuông vàng. Một người thị nữ tiến vào trước thềm quỳ đợi lệnh. Tuyên phi truyền:
- Đốt trầm hương và bưng chiếc dương cầm cho ta.
Thị nữ dạ dạ. Một lúc đỉnh trầm ngào ngạt hương thơm đã đặt trên long kỷ. Thấy khói bốc lên hoa huệ, sợ phạm đến hoa, Chúa sẽ xê lọ sứ Giang Tây sang một bên. Tuyên phi ngồi trên thảm gấm, dưới chân chúa Tĩnh Đô, mỗi tay cầm một chiếc búa ngà nho nhỏ, cổ tay trái bật nổi một vòng ngọc thạch màu xanh nhạt. Vòng ngọc thạch không phải là vật vô tri nữa. Nó cũng có một linh hồn và một sức quyến rũ. Chúa đăm đăm nhìn vòng ngọc, ước ao được như nó luôn luôn quấn lấy cổ tay tuyệt mỹ. Dây đương so, Chúa tưởng như đàn đã thành. Chợt khúc đàn dìu dặt tấu lên, hồn Chúa trước còn lội trong bến, sau phiêu diêu bơi ra giữa dòng sông, thân đầm trong nhạc.
Tiếng đàn vừa dứt, Tuyên phi lúc ấy có một vẻ đẹp nhu mì. Chúa ái ngại, hối hận rằng mình đã không chiều lòng người ngọc.
Vừa lúc ấy, có tiếng trẻ êm đềm hỏi ở ngoài cửa nhà Bội Lan:
- Phụ vương đâu?
Tĩnh Đô nhận ra ngay tiếng nói của Thế tử Trịnh Cán. Thế tử lấp ló ngoài thềm với người bảo mẫu.
Chúa nói:
- Con ta sao không vào?
Tuyên phi thưa:
- Con còn đợi lệnh.
- Sao ái phi cứ vẽ ra thế, bố con còn giữ lễ thế thì mất cả tình thân.
- Tâu Chúa thượng, trị nước phải bắt đầu nghiêm từ chốn khuê phòng.
- Ái phi khắc nghiệt hơn ta.
Thế tử đã chạy vào. Đó là đứa trẻ độ lên bốn, lên năm, mắt rất sáng, trông có vẻ thông minh đĩnh ngộ. Thế tử tới trước Tĩnh Đô, quỳ xuống hô: “Thiên tuế”. Chúa cười vui vẻ, ẵm con âu yếm. Tuyên phi đứng sau lưng Chúa, tựa vào tay ghế, đăm đăm nhìn chồng và con. Chúa bỗng quay lại nhìn nàng, vừa cười vừa nói:
- Từ lúc đẻ thằng Cán, ta mới đỡ lo cho cơ nghiệp Chúa. Tông không kham được việc lớn.
Tuyên phi quỳ xuống tâu:
- Tiện thiếp chân thành mong nghiệp chúa vững muôn thu.
Chiều hôm ấy, Chúa, Tuyên phi và Thế tử cùng ngự thiện. Sáng hôm sau, Chúa ra phủ, canh cánh bên lòng vì câu chuyện Quỳnh Hoa. Chúa rất yêu nàng, săn sóc từng li từng tí. Chúa vẫn để tâm kén rể. Triều đình, phủ liêu thiếu gì người tài giỏi, vậy mà Chúa vẫn không ưng một đám nào. Ít lâu nay, Chúa để ý đến chàng Bảo Kim. Chàng không những là con nhà vọng tộc, lại là một người tài mạo song toàn. Ý Chúa muốn khuyến khích văn chương, đem lại cho nước Nam một thời đại rực rỡ như Hán, Đường. Vì thế Chúa rất trọng bậc văn tài. Bài phú Long Trì của Bảo Kim, Chúa không hết lời khen ngợi. Đến sau xem bài Hoa Đình ký của chàng, văn chương tao nhã, ý tứ hào hùng, Chúa lại càng thán phục.
Chưa nói ra, nhưng ngài đã có ý gả Quỳnh Hoa cho chàng. Vả lại, xem ý, Chúa đã biết con gái có chút tình thầm kín đối với con quan cố Thị lang họ Nguyễn.
Trong trạch các, công văn bộn bề, nào sớ, nào khải, nào biểu, nào án từ. Tuy lòng rối như canh hẹ mà Chúa cũng phải xem xét, châu phê cho xong. Không bao giờ việc nước lại nhiều như thời chúa Trịnh Sâm.
Chiều hôm ấy, về Bội Lan thất, Chúa vẫn thấy lòng bối rối. Phần thì nể Tuyên phi, phần thì thương con, không nhẽ ngài lại gả con gái yêu cho một kẻ ăn chơi phóng đãng. Con một vị chúa tể trong nước, lại có sắc tài, thiếu chi người rắp cung bắn sẻ?...
Nhưng khi xe đỗ trước cung Tuyên phi, ngài lại thay đổi ý định. Ngài không nỡ làm phật ý người tuyệt sắc đã cho ngài những phút đầm ấm nhất đời. Luôn ba ngày chúa Tĩnh Đô ở trong một tình trạng vô cùng khó xử.
Ngày thứ tư, Chúa thất kinh được tin nàng ốm. Chúa giậm chân nghĩ:
- Chỉ tại ta thôi. Người ngọc ấy mà có mệnh hệ nào thì ta sống làm sao được. Nàng hay lo nghĩ, hơi một tý thì se mình. Con gái thì đặt đâu phải ngồi đấy, tùy trời, tính làm sao cho hết được?
Chúa vén rèm bước vào Bội Lan thất. Tuyên phi tung chăn vùng dậy. Chúa lật đật chạy lại, đỡ nàng nằm xuống:
- Ái phi se mình, không cần phải giữ lễ.
Nàng nằm xuống, se sẽ tâu.
- Tiện thiếp tội thực đáng chết!
Mặt đỏ bừng và môi đỏ thắm, mái tóc bơ phờ, trôi trên gối đệm, hòa với dáng mỏi mệt, càng làm tăng vẻ khuynh thành.
Chúa thân hành đi đóng những cửa sổ trong phòng, kê một chiếc ghế bên giường, tay sờ trán người yêu, âu yếm hỏi:
- Ái phi cảm từ bao giờ?
- Tâu Chúa thượng, cảm đối với tiện thiếp như cơm bữa, mai lại khỏi, tiện thiếp không dám để Chúa thượng bận lòng. Chúa thượng đã bận việc nước nhiều rồi. Tiện thiếp không làm sao cả.
- Hay về việc Quỳnh Hoa?
Nàng nhoẻn miệng cười, liếc mắt nhìn Chúa:
- Tâu Chúa thượng, có phải vì thế đâu? Tiện thiếp biết phận mình, chẳng qua tiện thiếp thương em mà tâu với Chúa thượng, chứ vẫn biết trước là sự không thành.
Chúa bất nhẫn hỏi:
- Nhưng ta đã nói gì đâu?
- Tâu Chúa thượng, việc ấy ta bỏ đi. Làm cho Chúa thượng phải khó nghĩ, tiện thiếp tự biết là mang tội. Xin Chúa thượng lượng xá cho tiện thiếp.
Chúa rung chiếc chuông vàng. Một tên nội giám bước vào, Chúa truyền:
- Gọi ngự y.
Ngự y bốc thuốc. Chúa thân hành bưng thuốc cho nàng uống. Chiều hôm ấy, nàng sốt dữ, người nóng như lửa, trằn trọc mãi, mấy lần phải gọi đến ngự y.
Mãi đến quá nửa đêm, nàng mới thiếp đi. Chợt nàng nói sảng:
- Chúa thượng... Khoan dung - Thôi... em đừng mơ tưởng hão... chị cũng... khổ lắm... để chị đón cụ Lãn Ông bốc thuốc cho em. Nhà có hai chị em, em làm sao thì chị cũng chết mất.
Bỗng nàng sấp mặt vào gối, thổn thức khóc. Chúa ái ngại ôm lấy nàng. Tuyên phi tỉnh dậy, mặt nàng còn đọng một hai giọt lệ. Chúa mỉm cười hỏi:
- Ái phi có đỡ không?
- Xin cám ơn Chúa thượng, tiện thiếp thấy đỡ nhiều. Sao Chúa thượng còn thức?
- Ái phi phiền muộn về việc Quỳnh Hoa lắm phải không?
- Tâu Chúa thượng, có lẽ nào? Trong lúc mê sảng, tiện thiếp có lời chi bất kính?
- Người yếu thì hay mê sảng, ai luận tội người ốm bao giờ? Nhưng có một điều ái phi giấu ta, lại nói hở trong cơn mê. Ái phi không phải bận tâm về việc ấy nữa. Quỳnh Hoa Quận chúa, ta sẽ gả cho Quốc cữu, cho hai họ thêm thân.
Tuyên phi trấn tĩnh, cố giấu nỗi mừng. Nàng tâu:
- Hôn nhân là việc lớn, xin Chúa thượng nghĩ chín cho, kẻo tiện thiếp mang tiếng. Chúa thượng cho thì phúc cho nhà tiện thiếp, mà không cho tiện thiếp cũng vui lòng. Chúa thượng mới là quý, chị em tiện thiếp có kể làm gì?
- Ý ta đã quyết. Con gái, cha mẹ đặt đâu phải ngồi đấy. Ta sẽ gây dựng cho Quốc cữu, con ta tự khắc được sung sướng. Con vất vả hay an nhàn là ở ta chứ ai? Nhưng ái phi phải bảo Quốc cữu nên tu tỉnh mới được.
- Tâu Chúa thượng, tiện thiếp biết lấy gì báo đáp thánh ân? Nhưng em tiện thiếp có làm chi mà phải tu tỉnh? Có chăng chỉ tại thiên hạ thấy Chúa thượng cho chị em tiện thiếp được nhuần ơn mưa móc, họ sinh lòng ghen ghét, đặt để nên điều, mong hãm hại người vô tội; thói thường vẫn thế. Chị em tiện thiếp là dòng dõi nhà nho, đến tiện thiếp là phận gái còn được học đòi lễ nghĩa, huống chi em trai tiện thiếp là kẻ phải nối dõi tông đường?
- Ái phi nên gìn vàng giữ ngọc. Thôi ta thu xếp thế là ổn thỏa chứ?
Nàng ngập ngừng rồi lại nói:
- Ơn trời biển của Chúa thượng, kiếp sau tiện thiếp nguyện đầu thai làm khuyển mã để báo đền. Chỉ nghĩ em tiện thiếp hiện nay nhiều người ghét. Mỗi khi đi đâu, thường có nhiều kẻ rình ám hại. Kẻ ghét nhất em tiện thiếp là Nguyễn Mại. Người này, tiện thiếp nghe như Chúa thượng mới phong cho làm chức Hộ thành?
- Nguyễn Mại là một chính nhân quân tử, ái phi không phải quan tâm.
- Tâu Chúa thượng, người ta đã không ưa nhau thì dễ sinh ra xát cọ. Nguyễn Mại làm Hộ thành, thì em tiện thiếp, tuy làm rể Chúa thượng cũng chẳng chắc được yên.
- Một khi đã làm rể ta thì ai dám phạm đến.
- Đó là tiện thiếp lo xa cho em, vì nó chỉ có Chúa thượng che chở, mà quân thù thì khắp kinh thành, nhất là quan Hộ thành mới.
- Như ý ái phi ta nên cất chức Nguyễn Mại?
- Tâu Chúa thượng, tiện thiếp đâu có ý ấy. Chỉ xin Chúa thượng rủ lòng thương đến em tiện thiếp mà che chở cho chu đáo.
- Ý ái phi muốn thế nào? Ta không che chở cho con rể thì che chở cho ai?
- Em tiện thiếp có lệ hay xuất du. Những lúc ấy thân cô, thế cô, tiện thiếp lo cho nó lắm. Cha mẹ tiện thiếp sinh có nó là trai, có mệnh hệ nào thì là mất giống. Vậy xin Chúa thượng ban cho nó mấy chữ đề vào biển hay cờ để cho thiên hạ sợ uy Chúa thượng không dám phạm đến nó.
Chúa cười và nói:
- Ái phi sốt, nên nghĩ lảm nhảm, ái phi cứ yên tâm, ta tự đảm nhận việc ấy.
- Trăm sự tiện thiếp nhờ Chúa thượng cả. Tiện thiếp phận ngu chỉ vì quá thương em nên mới quấy nhiễu Chúa thượng, xin Chúa thượng lượng tình cho.