Dấu binh lửa

SAU TÁM NĂM Ở LÍNH

Tiếng Việt qủa thần diệu, có những chữ thật đơn sơ cũng đủ sức để tạo thành hình ảnh linh động. Những chữ với âm thanh tầm thường khô cứng như tiếng gõ vô nghĩa trên mặt bàn của một bàn tay nhàn rỗi, trong giây phút trống rỗng.  “ở lính” nghe buồn buồn, nhạt nhạt, vô nghĩa nhưng chất chứa chịu đựng ngặt nghèo lặng lẽ. Tôi đã ở lính tám năm, sau thời gian đằng đẵng đó những danh từ to lớn như đầu quân, gia nhập quân đội, người chiến binh, đời quân ngũ hay thời thượng vụng về như tuổi lính, tuổi chiến trường đối với tôi vô duyên như sau lần ân ái ngượng ngùng.

Tôi ở lính tám năm, năm nay hai mươi sáu, đi lính năm mười tám. Suốt tám năm của thời lớn lên tôi đem tặng hết cho quân đội, và không phaỉ đến bây giờ vì thất vọng, chán nản do công danh không toại ý, cuộc sống bị ép buộc không đúng như mơ ước nên cay cú hằn học với nhà binh. Không như vậy, tôi đi lính năm mười tám tuổi vào học trường tình nguyện ra làm ông quan Một. Chẳng có ai lôi kéo tôi vào trường ấy, tôi tự động hăng hái, hãnh diện để trở thành một sinh viên sĩ quan với ý nghĩ đã chọn đúng cho mình hướng đi, một chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Tôi có những rung động thật thành thực khi đi trong rừng thông, hương nhựa thông toả đặc cả một vùng đồi, sung sướng vì thấy đã đưa tuổi trẻ vào trong một thế giới có đủ mơ mộng và cứng rắn, một thế giới pha trộn những ước mơ lãng mạn hào hùng... Chuyển quân đi trong sương đêm, giữa mây mù, ánh lửa mục tiêu đêm đông trong hốc núi hoang vắng, thế giới mạo hiểm giang hồ của Jack London phảng phất đâu đây. Tôi say mê, thích thú với những khám phá mới mẻ đó. Nắng cao nguyên những ngày cuối năm vàng tươi rực rỡ, đứng ở đồi nhìn xuống hồ suối Vàng trong vắt yên lặng... Người như muốn tan vỡ thành muôn ngàn mảnh nhỏ theo cơn gió bay chập chờn qua vùng đồi trùng điệp và loãng tan đi cùng nước hồ xanh ngắt.

Cũng phảii nói thật những ngày đầu đời lính của tôi đầy trong sáng và đẹp đẽ. Trong sáng như giấc mơ của tuổi mười chín, giấc mơ mù mờ giăng cánh chim trắng bay chậm rãi qua rừng thông... Nhưng đời sống nhà binh không hẳn chỉ vậy, nó còn có sĩ quan cán bộ, nghi lễ, có đủ những phiền toái hỗn độn mà đời sống dân sự không ai nghĩ ra được; nên khung trời đầy sương mù bí ẩn ngoài khung của sổ hiện ra như một thách thức đối với đời sống kìm kẹp của tôi hiện tại.

Đây cũng là một thời gian thật khủng hoảng, mỗi đêm nhìn về phía thành phố đầy ánh đèn tôi không ngủ được, tươœng như có một tiếng gọi cuœa đời sống ơœ bên ngoài quân ngũ đang nhắc nhơœ thúc giục, một đời sống thực sự tôi không có. Từ khung cửa sổ nhìn những giàn đồi im lặng thấp thoáng giữa thung lũng sương mù và đằng xa ánh đèn xanh vườn Bích Câu ma quái, diễm ảo, tôi thấy rõ trong tôi nỗi cô đơn khủng khiếp hiện hình sừng sững. Những lúc ấy tôi thấy được con người thật của mình, một gã trai trẻ, vô định hướng. Những cười đùa ban ngày, những buổi học, bữa ăn tập thể không ảnh hưởng gì đến con người trong tôi. Không thể có được một ý niệm về chuyên môn quân sự mà bằng tất cả mọi cách nhà trường cố nhét vào trong đầu óc. Đội hình tác chiến, cung cách chỉ huy, chi tiết kỹ thuật về vũ khí trôi qua trí não mơ hồ như một cơn gió nhẹ. Hai năm sống ở mái trường đó như một cơn phiếm du. Chỉ thật thắm thiết rung động khi nửa đêm về sáng dưới ánh đèn pha vọng gác kho đạn tôi khám phá được thế giới của cây cỏ đang thở, đang lớn lên. Những giây phút khoảng năm giờ sáng, sau phiên gác, nhìn xuống phòng sĩ quan trực, người lính kèn im lặng đưa lên môi thổi hồi kèn báo thức. Và không gì hơn suốt ngày chủ nhật một mình một ngựa chạy như bay vào hướng đồn Daksard. Con đường đỏ còn ướt sương đêm, trời chưa tan hẳn mù, ngựa phi như gió cuốn, ngựa đi vào trong một vùng mù đặc, rừng thông chuyển động ào ào, cả trời cao nguyên tan biến chập chờn theo vó ngựa. Kết quả sau hai năm ăn nhờ chánh phủ tôi được trở thành ông quan một, ra trường đi binh chủng hung hãn nhất.

Tôi biến thành một người lính thực thụ, trận lớn, trận nhỏ, chiến dịch hai tháng, ba tháng, dài ngắn, từ Sài Gòn ra Bến Hải, tôi đi đủ. Những địa danh xa xôi bất kỳ một xó xỉnh hẻm hóc nào của miền Nam này tôi cũng có thể biết rõ một cách tường tận. Từ những miền nổi tiếng như Khe Sanh, Cồn Tiên đến những làng nhỏ từ cửa Việt đi ra - Diêm Hà Trung, Diêm Hà Nam - cái làng nhỏ cuối thung lũng sông Kim Sơn, làng Hà Tây, đèo ông Hổ đổ xuống Phù Củ ra Phù Ly, Phù Cát thẳng đến biển là núi Lồi, đầm Trà Ổ, xuống phía Nam, đầm Nước Ngọt. Lên đến Pleiku, trực thăng vận xuống phía Nam biên giới Lào-Việt, đầu ngọn sông Ia-Drang... Đâu đâu tôi cũng đến. Năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba tôi sống thoải mái, vì đã đi đủ, nhìn đủ. Tôi cũng chấp nhận cho sự góp mặt ở chiến cuộc, góp mặt để chấm dứt chiến tranh. Thắng bại không kể, nhưng cốt yếu là không ở ngoài, không chạy trốn trong khi bạn bè những người cùng trang lứa đang tham dự, đang ngã chết. Dù chết bên này hay bên kia, chết trong thù hận hay chết tình cờ.

Những người đi tìm cái chết để biện giải cho đời sống. Tôi tham dự vào cuộc hành trình khốn nạn này. Giải thích này làm tôi yên ổn. Cũng trong những tháng năm đằng đẵng gian khổ ấy, tôi khám phá ra được hạnh phúc của đời người. Hạnh phúc thật sự không có, chỉ có những hạnh phúc tương đối và giản dị. Hạnh phúc là bếp lửa thật nóng, bữa cơm có canh, một mái lều tranh không dột, căng được chiếc võng, uống ly cà phê, đọc tờ báo, sau năm ngày vượt ba mươi cây số đường rừng, rừng thật dầy không thấy trời, trong rét cóng của miền Trung vào những ngày cuối năm. Hạnh phúc nồng nhiệt khi trở về nhà trong đêm khuya gõ cửa, vợ ra đón với con nhỏ ba tháng, kể từ ngày sinh chưa được nhìn bố. Hạnh phúc là cái gì chắc chắn, nắm được ở trong tay khi cánh cửa chiếc phi cơ đóng lại và thân thể được nhấc lên trong độ cao, nhìn lại thành phố Huế đang âm ỉ cháy. Đấy - đời lính - đã dạy cho tôi biết được giá trị của những sung sướng tầm thường đó. Chỉ có thế mà tôi phải trả giá trong tám năm thật dài với tận cùng của khổ cực và căng thẳng. Nhưng đến hôm nay, bước vào năm thứ mười hai đời lính tôi lại rơi vào sự khủng hoảng của những năm đầu tiên. Nỗi khủng hỏang tàn tệ tội nghiệp gấp vạn lần trước. Thời gian ở quân trường, tôi còn có thế giới kỳ ảo thiên nhiên, những ngày mới ra đơn vị, tôi tham dự để biện minh thái độ dấn thân, lao vào lửa đạn không thắc mắc, không ngần ngại — Tôi dấn thân để tìm kiếm niềm an ủi do tham dự hết lòng, đồng thời còn có điều khôn ngoan đã tìm ra những hạnh phúc tương đối — Loại thực phẩm trần gian hợp với khẩu vị. Nhưng đến những tháng ngày hôm nay thì qủa thực tôi bất lực. Bất lực để giaœi thích cho chính bản thân, sự có mặt tham dự trong dòng đời hỗn loạn và mệt nhọc này. Những chốn trú ẩn xưa bị phá vỡ tan hoang, nếu không nói đến những phản ứng trái ngược đã xảy ra.

Trên đường đi đến Lái Thiêu, vườn dừa xanh ngắt, hoa huệ trắng tỏa hương thơm ngát không gợi nên một thiên nhiên an lành mơ mộng nhưng trái lại như một đối tượng đang phải chịu sự tàn phá sắp tới của chiến tranh; một đối tượng đau đớn của thiên nhiên không được thụ hửơng sắp sửa bị tiêu hủy. Những ngày dài hành quân không gây chịu thích thú, không tạo mới lạ, chỉ còn lại chịu đựng... Chịu đựng im lìm trong một niềm bất mãn đến ngộp thở. Tám năm lính, tôi hai mươi sáu tuổi, số tuổi gần ba mươi, không bạn bè, xa bằng hữu, số tuổi cuả nỗi cô đơn kinh khiếp biến con người hững hờ, tàn ác như một lát dao. Tôi hai mươi sáu tuổi để thấy rõ cái mặc cảm phạm tội trước kia chỉ là một ảo tưởng xa xỉ của tuổi mới lớn, ảo tưởng về trách nhiệm con người đối với nhau. Tôi hai mươi sáu tuổi đủ để nhận rõ rằng: Hạnh phúc quả là một vật ít ỏi tương đối, nhưng nếu mua bằng giá của đời sống mình thì thật vô lý. Đành rằng sống chẳng là một cái gì rực rỡ nhưng nếu đánh giá đời sống bằng khổ cực và cái chết thì thật là một việc rồ dại và ngu xuẩn. Như vậy tôi hai mươi sáu tuổi có được gì? Tôi có được một cái nhìn thông suốt hết cả. Nói như thế có vẻ tự kiêu và lố bịch. Nhưng nếu trung thực hơn: Sau tám năm ở lính, tôi hết còn là vùng đất để nghiệm và chịu ảnh hưởng. Tám năm ở lính để biết mình là một cánh chim tự do nhưng đã bị chặt cánh. Chính thương tích này làm sáng tỏ khả năng tự do bi đát của đời người.

Gần đây báo Sống tục bản dưới hình thức báo Công Chúng có đặt câu hỏi: Người thời đại nghĩ gì? Trong đó có nêu lên chi tiết ai là thần tượng cho tuổi trẻ hôm nay? Tôi hai mươi sáu không trẻ lắm nhưng chưa già, cố tìm cho mình một thần tượng? Không có, làm gì có thần tượng cho tuổi trẻ khốn khổ của tôi. Làm sao tôi có được một thần tượng sau tám năm đằng đẵng đầy thù nghịch và ngặt nghèo. Người ta chỉ tìm được thần tượng khi lòng còn rung động. Bây giờ tôi có rung động nào trong tâm hồn? Năm vừa rồi đi đưa đám tang những thằng bạn thân, chỉ thấy trong lòng một thoáng bâng khuâng, chả bù trước đây tôi ôm xác của Phương, của Dũng chạy như điên trên sườn đồi nước mắt chảy dài trên má. Chiều trở về chỗ đóng quân nhìn chiếc võng của người chết tưởng chừng như thân thể sụp xuống tan đi trong vũng phiền buồn. Bây giờ tôi làm sao khóc được, làm sao để phẫn nộ, để nhớ thương, để mong ước. Thần tượng bây giờ là gì? Lãnh tụ? Lãnh tụ cỡ nào? Nhìn ảnh phó Tổng Thống Humphrey trong báo US News & Report cùng những câu trả lời của ông ta trong thời kỳ tranh cử Tổng Thống. Cái mồm nhỏ, trán hói, vẻ trai trẻ gỉa vờ khi xắn quần chạy trên bãi biển thấy ngượng ngùng đến khó chịu. Hay loại chính khách local?! Ô thần tượng cái khổ nào ở thứ lãnh tụ và chính khách hạng nhì này... Hay là Mao Trạch Đông? Không được nốt, cái mặt ị, đôi mắt ti hí, cuốn sách nhỏ chỉ hú hồn được thanh niên ở các nước Tây phương. Tôi cố tìm suốt một dãy các danh nhân còn sống hay đã chết để tìm cho được một người để ngưỡng mộ. Churchill? Cũng không được, đọc Mémoire của ông ta, cuốn L’Étau se referme không chịu được thái độ bất nhân đối với Nam Tư. Đến Exodux thì người Anh, ôi cũng là lũ thực dân. Nhớ đến lần hành quân ở Long Khánh thì Úc hay Anh cũng vậy, cũng là God save our King. Chả ra cái thống thế gì. Thế thì hết. Hết tiệt cái thế kỷ thần tượng, vì nếu qủa thật còn một chút thần tượng nào vất tưởng ở trên hành tinh này thì Jackie đã không xóa tan hình ảnh ông chồng rực rỡ để đi theo ông thương gia có phòng tắm lót vàng. Sống bên cạnh một thần tượng còn cho thần tượng đó “de” thì huống gì tôi, một kẻ da vàng xa xứ của ông thì ngưỡng mộ gì ông được, hở ông Kennedy. Đó là chưa kể đến nỗi hằn học mà ông Bob Kennedy để lại trong lòng những người lính Việt Nam. Hay thần tượng ỏ một anh nhược tiểu? Ché Guévara cũng không được. Đây chỉ là một loại James Bond cộng với Trần Độ mà thôi. Tóm lại thần tượng tất cả đều bị chôn chặt, bị cuốn hút, bị xóa tên, chỉ còn lại một vài thần tượng què quặt trên óc não bệnh hoạn, yếu đuối của một số người chưa sống đủ, thần tượng của những kẻ nổi loạn thành phố, những kẻ mang tâm trạng “bão tố trong cốc nước” những gã Mỹ con tóc dài, hippy, biểu tình chống đối trước trường Sĩ Quan Trừ Bị Hoa Kỳ. Sau tám năm ở lính, tôi mệt mỏi vô ngần.