DẤU ẤN TRONG TIM

Chương 22

Khi nghe Leonard nói: ''Đáng ra anh phải đến. Đấy với họ mới phải, anh có thể… '' - thì Helen cắt ngang lời ông bằng cách cúi người xuống hôn lên trán ông và trả lời:

- Anh không thể đến đấy được, chắc anh biết rồi. Cho nên, đừng có ngốc nữa.

- Nếu có ai ngu ngốc trong việc điều hành công việc nhà, thì kẻ ấy không phải là anh. Nầy John, tôi có thể điều hành công việc nhà đó chứ, phải không?

- Không, ông không thể làm được.

- Thôi, thôi được rồi.

- Leonard đưa tay sờ khuôn mặt gầy gò hốc hác của mình rồi lắc đầu, nói - Không có được một người bạn trên đời!

- Tội nghiệp - Khi Helen hôn ông, ông nắm tay nàng và hỏi:

- Khi họ đến, hai người có vẻ hạnh phúc lắm phải không? Mình cũng vui lây với họ.

- Phải, anh yêu, mình cũng vui lây với họ. - Helen cắn môi, mắt nàng ươn ướt. Nàng vừa nói vừa cười gượng:

- Họ đi xem vườn rau lại, anh có tin không?

Cô ấy rất lo cho tương lai của họ. Em thấy hai người trồng trọt nhiều hơn trước rất nhiều. Lạ thật, - nàng đứng thẳng người, nhìn John - cô ấy chưa bao giờ có vẻ hạnh phúc như khi đến ở tại đấy: Rosie yêu ngôi nhà ấy và yêu bà mẹ anh ấy.

- Em nói đêm nay mẹ Robbie dọn tiệc có ca múa phải không? - Leonard hỏi.

- Phải, bà ấy chiêu đãi bạn bè của chú ấy. Vợ chồng người em họ của bà ta ở lại với bà bốn ngày, họ đều là người Tô Cách Lan.

- Anh thường nghe tiệc có ca múa là môn giải trí của người Ai-len mà.

- Không, môn nầy có nguồn gốc từ Tô Cách Lan. Nói về hai dân tộc nầy thì em khó phân biệt dân nào ồn ào nhất, hay dân nào uống uých ki nhiều nhất, hay dân nào kết thúc bằng trận ẩu đả. Nhưng em không rõ rồi buổi tiệc của mẹ

Robbie có xảy ra…

- Anh định đi à? - Leonard hỏi John, ông nhổm người dậy trên chiếc ghế xích đu, trong khi John đứng lên.

- Phải, vì nếu tôi ở lại thêm năm phút nữa, tôi sẽ được gia đình mời ăn cơm tối thôi.

- Nhưng nghe anh nói tối nay anh không trực phòng mạch.

- Đúng thế, nhưng tôi còn có mẹ. Mấy tuần vừa qua, đêm nào tôi cũng bận đến khuya, ông nhớ chứ. Mấy sòng bạc của ông làm cho tôi mắc kẹt.

Leonard dựa ngửa người ra lưng ghế, mỉm cười rồi đáp:

- Ồ phải. Tôi nghĩ hôm qua chắc anh thua cũng đến 15 si-linh. Nhưng số tiến ấy cũng xứng cho anh một bài học, hẳn anh không quên điều ấy.

Helen không nói gì khi hai người đàn ông nói đùa với nhau, vì nàng đã quen cảnh đùa bỡn như thế nầy rồi nhưng đến đây, nàng đi ra khỏi phòng vừa đi vừa nói:

- Để em đi gọi hai người vào cho họ về. Trời tối rồi chắc họ không thấy đường để xem rau cỏ gì được nữa.

Còn lại hai người được một lát, Leonard đưa tay ra hiệu cho John đến gần mình. Khi Jchn cúi người xuống để nghe cho rõ, Leonard nói:

- Tôi muốn nói chuyện riêng với anh.

- Nói riêng à?

- Phải, nói riêng. Cô ấy đã thu xếp để đem hai người ấy đi xem hát vào thứ

Hai. Đúng ra là tôi thúc nàng làm thế, cho nên họ sẽ vắng nhà vào lúc sau năm giờ. Anh có đến được vào lúc ấy không?

- Được đương nhiên là được.

Hai người nhìn nhau một lát rồi Leonard nhắm mắt lại và nói:

- Tôi rất cám ơn.

John không nói gì hết để trả lời ông ta, nhưng nếu chàng nói được, chàng sẽ đáp: ''Chính tôi mới là người cám ơn ông, vì mỗi lấn đến thăm ông, tôi thấy sung sướng vô cùng''. Và thật lòng chàng muốn nói thêm rằng: ''Tôi sung sướng vì không những đã gặp Helen, mà tôi còn sung sướng vì tình bạn giữa chúng ta càng lúc càng thắm thiết và cao quí''. Trước đây quả thật chàng mong cho ông ta chết đi. Nhưng bây giờ chàng không có ý nghĩ ấy nữa. Bây giờ cứ nghĩ đến chuyện tử thần lơ lửng trước mặt ông ta là chàng thấy đau đớn. Chàng thấy Leonard Spears không những chỉ là người tốt thôi, mà ông ta con là một người cao quí, một nhà quí tộc đáng kính.

Chàng đứng thẳng người lên, nhắc lại lời dặn dò của ông bác sĩ chữa trị cho ông ta:

- Bây giờ ông hãy giữ gìn theo lời dặn của bác sĩ chỉ ra ngoài khi nào có ánh nắng mặt trời. - Chàng gật đầu chào Leonard, và khi thấy ông ta không đáp lời chàng bước ra ngoài.

Helen đang đứng ở tiền sảnh. Nàng có vẻ đang đứng đợi chàng, vì nàng đang cần cái áo khoác của chàng trên tay, rồi lặng lẽ giúp chàng mặc áo vào. Sau khi đã đưa mũ và găng tay cho chàng, nàng nói:

- Tối thứ Hai tôi sẽ đi xem hát với Rosie và Robbie; tôi… tôi sẽ vắng nhà. -

Giọng nàng tức tưởi.

- Tôi đoán anh ấy muốn gặp anh để nói chuyện riêng, phải không?

- Ờ phải.

Nàng túm vạt áo trước lại như thể đang lạnh lắm, rồi bỗng nàng quay qua nhìn chàng trong ánh sáng lờ mờ và nói:

- Tôi không biết khi anh ấy mất rồi, tôi sẽ ra sao. Anh ấy là lẽ sống của đời tôi. Anh ấy là lẽ sống của đời tôi lâu rồi, chắc anh hiểu chứ?

- Vâng, vâng, tôi hiểu.

- Mới đầu, không như thế.

- Nàng nghẹn ngào nuốt nước bọt - Rồi tự nhiên tôi thích ảnh, mến phục ảnh, anh ấy đã làm cho tôi đổi đời… Nhưng… chẳng mấy chốc mọi sự đã thay đổi. Anh… anh ấy thật tuyệt vời.

- Đúng, tôi đồng ý với cô như thế.

Bỗng nàng quay mặt nhìn đi chỗ khác và ấp úng hỏi:

- Tại sao? Tại sao?

- Trước thực tại như thế nầy, tôi thấy rất khó mà trả lời cho được, John đáp nho nhỏ.

Nàng hỏi tiếp, giọng trở nên nghẹn ngào đau đớn:

- Theo anh thì anh ấy còn sống bao lâu nữa?

Chàng đứng im lặng một lát mới đáp:

- Bác sĩ của ông ấy… của cô chắc đã nói cho cô biết rồi.

- Không, ông ta không nói. Ông nghĩ nói ra sợ tôi đau đớn. Nhưng tôi nhìn tôi biết. Và chắc anh biết thời tiết nầy rất nguy hiểm cho anh ấy. Nhưng anh ấy không muốn đi đâu hết, anh ấy thích ngôi nhà nầy. Anh ấy nói ảnh muốn tôi…ổn định ở đây.

- Bỗng nàng ngẩng đầu lên và nói tiếp:

- Khi anh ấy mất rồi, tôi cũng sẽ đi thật xa, xa hàng vạn dặm, qua đại dương…

Giọng nàng tức tưởi, nên chàng cắt ngang lời nàng, giọng dịu dàng:

- Đừng! Đừng! Ông ấy sẽ nhận thấy cô đau khổ đấy, và ông sẽ rất buồn khi thấy cô khổ. Cho nên, cô hãy tiếp tục làm ra vẻ bình thường như mấy lâu nay.

Helen nầy, bây giờ xin nói thật, không ai hy vọng hay là cầu nguyện cho ông ấy lành bệnh nhiều như tôi đâu.

Ngay khi ấy, chàng chợt thấy Betram Johnson hiện ra nơi hành lang anh ta là hầu phòng kiêm y tá của Leonard. Chàng nghĩ: cũng lạ thật anh chàng nầy luôn luôn lởn vởn quanh mình. Chàng không có ác cảm với anh nầy. Chàng không hiểu tại sao, có lẽ vì anh ta làm việc tốt và rất tận tuỵ với Leonard.

- Tôi phải về, - chàng nói và định đưa tay bắt, nhưng không hiểu sao chàng không nhúc nhích được bàn tay. Chàng bước ra ngoài trời đêm, đi đến phía chuồng ngựa, ở đây Henry đã chuẩn bị sẵn sàng ngựa và xe cho chàng.

Điều mà John nhớ mãi ngày đám cưới của Rosie không dính dáng gì đến cô dâu hay chú rể, mà chính là những gì mẹ chàng đã nói với chàng vào đêm trước đó.

Cả bà lẫn bà Atkinson đều hơi ngạc nhiên khi thấy chàng về sớm quá. Và khi chàng cho bà Atkinson hay rằng chàng không đi lại nữa, chàng nghĩ chắc bà ta sung sướng vì được về sớm một đêm, bà liền cám ơn rối rít.

Mẹ chàng không nằm trên giường. Thật vậy, theo bà cho biết thì hai chân đau của bà nhúc nhắc được hầu như cả ngày. Bà còn cương quyết không chịu đi nằm mà chờ cho đến khi bà nghe được tin tức do chàng kể lại.

Hai mẹ con ngồi trong phòng khách, bà nói với chàng:

- Chiều nay mẹ rất buồn vì mẹ nghĩ mẹ có thể đến đấy được. Như mẹ đã nói, hôm nay mẹ đi được cả ngày. Con không nghĩ mẹ sẽ rất sung sướng khi được đi ăn cưới hay sao?

- Ôi, đừng dại dột nữa mẹ.

- Chàng lắc đầu vẻ chán nản - Chắc mẹ biết sau những ngày khoẻ khoắn mẹ sẽ có những ngày khổ sở tiếp theo chứ.

Bà cười, đáp:

- Thôi được rồi. Mẹ đùa đấy.

Chàng tươi cười và nhắm mắt lại. Rồi bà nói:

- Thôi nói đi, kể cho mẹ nghe đi. Kể từ đoạn hai người đi vào nhà thờ.

- Ồ, con chỉ kể được đoạn từ trước khi ăn tiệc thôi.

- Được rồi, kể từ buổi tiệc cũng được.

Chàng kể buổi tiệc cưới cho bà nghe, thậm chí kể cả việc Mary vào dự tiệc nữa, và việc nầy đã làm cho Rosie thích thú. Và khi chàng kể cặp vợ chồng trẻ ra xem vườn rau một lần nữa ngay khi trời nhá nhem tối thì hai mẹ con cười vang.

- Thế là ngày đám cưới vui vẻ, phải không? - Nhưng bỗng bà dừng lại, hơi cúi đầu xuống rồi nói tiếp: Không hẳn vui đâu.

- Bà đưa ngón cái chỉ về phía bức tường và nói nhỏ:

- Chị ta đã nổi cơn thịnh nộ. Hai lần mẹ nghe chị ta la hét các cô giúp việc. Rồi bà Atkinson nghe Tom Needler nói rằng bà chủ ra lệnh cho Jimmy Oldham… có phải ông ta là người làm vườn không? Ấy, chị ta ra lệnh cho ông làm vườn lau chùi cỗ xe ngựa, chuẩn bị để ra ngoài. Mà nghe nói chuyện xe cộ là chuyện của Tom. Nhưng theo anh ta cho biết thì xe không dùng đã lâu, và xe không có ngựa thì làm sao mà đi - và dừng lại một lát, nhìn chàng, rồi nói tiếp:

- Mẹ thích sống ở đây. Nhưng việc xảy ra như thế nầy, mẹ ước chi đừng đến đây thì hay biết mấy. Và nếu mẹ không đến thì chắc bây giờ con không lâm vào cảnh rắc rối như thế nầy.

Chàng đứng dậy, nói:

- Rồi mọi chuyện sẽ qua hết. Thôi, mẹ đi ngủ đi.

Bà ngồi yên không nhúc nhích, và nói tiếp:

- Tại sao con bỏ khách hàng mà về?

- Mẹ nói Leonard phải không?

- Phải, Leonard.

- Ông ấy không phải khách hàng của con.

- Mẹ biết rồi, nhưng con thường đến đấy, nên cũng xem như ông ta là khách hàng của con.

Chàng nhìn mẹ, đáp:

- Mẹ, ông ta thích có bạn. Như con đã nói, và như chính ông ấy đã nói, những người là bạn của họ đều biến mất như tuyết tan dưới ánh mặt trời. Không có người nào chơi bài với ông ta hết.

- Mẹ… mẹ không hỏi con làm điều nầy, John à, mẹ cũng không trách con…

Mẹ chỉ… lo cho con thôi. Theo chỗ mẹ thấy thì ông ta sẽ không còn sống lâu nữa, và vì ông ta chết đi, cuộc đời của cô ấy sẽ có một lỗ hổng khổng lồ. Có lẽ những điếu mẹ muốn nói không làm cho con hài lòng… Nhưng, mẹ vẫn nói: là cô ấy không phải loại Kăng-gu-ru; cô ta không ngã vào vòng tay kẻ khác khi chồng chết.

- Mẹ! - Chàng thốt lên vừa đi lui hai bước.

- Thật đấy! - bà đáp, giọng nghe như có ý khiển trách, nhưng mặc dù ánh mắt của bà vẫn đăm đăm nhìn chàng, giọng của bà bình tĩnh, - mẹ không mù, và mẹ là mẹ con. Mẹ nhớ chuyện con kể cho mẹ nghe về buổi tiệc vườn, và con không nói gì hết, nhưng sự thực là cô ấy quyết định lấy người chồng già bằng tuổi cha mình, hay theo con nghĩ thì như thế. Và con quyết định không đến dự tiệc cưới của cô ta, con đã như con gấu bị ai đánh vào đầu đau điếng mất mấy tuần liền.

- Ôi, con đúng như thế dấy.

- Bà đưa hai tay lên.

- Mẹ nhớ nhiều lần mẹ đã chịu đựng thái độ im lặng của con hồi còn bé, khi con gặp chuyện gì rắc rối mà con không muốn nói ra. Thế đấy, cô ấy đã làm gì khiến cho con khó xử, không thể nói ra được. Và bây giờ con có đến hai việc khó xử, - bà đưa ngón tay chỉ về phía bức tường.

- Mẹ à, con không có hai việc khó xử đâu. Khi Leonard chết, chắc không ai buồn hơn con dâu. Ông ta đã thành bạn của con rồi. Con… con thích ông ta; thật vậy con thích ông ta hơn ai hết.

- Rõ ràng rồi, rõ ràng rồi. Mẹ rất hài lòng về việc nầy: Ông ta là người rất tuyệt. Nhưng vẫn còn vấn đề khi nào ông ta chết, và cô ta sẽ làm gì?

- Theo chỗ con biết do chính miệng cô ta nói ra thì cô ấy sẽ đi du lịch, sẽ đi xa.

- Ồ tốt, mặc dù con không muốn, nhưng theo mẹ, thật ơn Chúa, thế là tốt, vì con vẫn là là người có vợ và cô ấy là em vợ con. Hơn nữa, con giận mẹ thì cứ giận, nhưng chắc con biết mẹ đã hiểu hết tận tim đen của con rồi. Vả lại, con vừa nói ông ta muốn nói chuyện với con vào tối thứ Hai, chuyện riêng. Mẹ tự hỏi không biết là chuyện gì thế?

- Mẹ nầy, con xin nói cho mẹ biết cho dù đó là chuyện gì đi nữa, thì mẹ cũng không thể biết được đâu.

- Không à? Tốt, tuỳ con vậy. Nhưng con nhớ câu tục ngữ nầy nhé: ''Tốt làm hơn tốt nói'' cho nên, bây giờ nếu con làm được thì nhờ con đỡ mẹ đứng dậy khỏi ghế rồi để mặc mẹ; mẹ có thể đi được.

Chàng đỡ bà đứng dậy. Rồi, khi bà cất tay khỏi tay chàng, bà nói tiếp:

- Mẹ có thể đi được. Đợi mẹ 15 phút, rồi nếu con muốn chúc mẹ ngủ ngon cứ đến chúc.

Bà đi lắc lư trên hai cái nạng qua phòng đến cửa, chàng không vội vã chạy đến mở cửa như mọi khi, mà chỉ đứng nhìn bà chuyển cái nạng trên tay phải qua bên tay trái, rồi tựa người trên hai cái nạng, bà đưa tay mở cánh cửa ra. Nhưng khi sắp đi ra ngoài, bà quay đầu lại rồi nói:

- Rất cám ơn, bác sĩ, cám ơn sự giúp đỡ của bác sĩ bà nhoẻn miệng cười - và, nói đến thuốc men, như bác sĩ nói cả ngày, mẹ khuyên con uống một liều bằng một ly tống đầy rượu uých-ky, không pha.

Chàng đừng yên, cúi đầu. Rồi chàng quay người ngồi phịch xuống chiếc ghế chàng vừa đứng dậy, dựa đầu ra lưng ghế, nhắm mắt lại, tai như nghe văng vẳng giọng nói của nàng: ''Khi anh ấy mất, tôi cũng đi đi xa, xa hàng ngàn vạn dặm, qua đại dương''. Chàng nghĩ đây là chuyện nàng muốn làm thật.

Chàng đã nghe người ta cười cợt về Dashing Daisy. Bà ta là một trong số ít người không sợ đến thăm người bị lao phổi. Bà ta là goá phụ của một ông quan cai trị ở châu Phi, chàng biết cái xứ sở nầy đã làm cho chồng bà gặp nhiều chuyện rắc rối ngoài các tên tù trưởng phản loạn hay các thầy mo.

John chưa hề gặp bà ta, nhưng bây giờ chàng sắp được diện kiến rồi. Chàng gặp Johnson ngoài tiền sảnh, anh nầy cho biết phu nhân Helen và cặp vợ chồng trẻ ra đi lúc 6 giờ bà; Freeman Wheatland đã ghé thăm, hiện đang ngồi trong phòng khách với ngài Leonard.

Vào phòng khách, chàng thấy bà ta đang ngồi bên cạnh chiếc ghế xích đu bằng tre, và khi Leonard cất tiếng nói, bà ta quay người lại để nhìn chàng:

- Ô chào John. Nhân tiện, xin giới thiệu đây là bà Freeman Wheatland - nhưng trước khi John chào khách thì bà đã cất cao giọng nói:

- Đừng bày đặt, Leonard. Cứ nói cho ông ta biết cái tên mà ông thường gọi tôi, dĩ nhiên gọi sau lưng. Dashing Daisy Mary, đấy, họ gọi tôi thế đấy, Dashing Daisy May. Tôi là đồ ngu ngốc mới nói cho ông biết chính Tommy thường gọi tôi như thế. Ông… ông ấy là chồng tôi. Mời ngồi! - Bà ta nói, giọng hống hách như ra lệnh.

John nhìn Leonard. Mặt Leonard căng ra vì ông ta cười một cách thoải mái; còn chàng, chàng biết mình cũng lộ vẻ quá ngạc nhiên. Chàng ngồi xuống, nhìn bà khách Dashing Daisy (Hoa cúc sôi nổi). Phải, biệt danh nầy gán cho bà ta rất hợp. Chàng có thể tưởng tượng ra cảnh bà cưỡi ngựa phi nước đại qua rừng qua núi. Bà ta gầy, tuổi khoảng 60. Bộ dạng to lớn, xương xẩu; nói như mẹ chàng thì bà ta gầy trơ xương. Mặt xương xóc, nhưng sắc sảo. Phải, dùng từ sắc sảo mới đúng. Với vẻ bề ngoài của bà, dùng từ kỳ lạ nầy cũng phải, vì nhìn chung, bà ta xấu. Những ngón tay dài xương xẩu, còn thân hình thì: hai vai rộng, và có lẽ khi đứng lên bà cao lêu nghêu, vì chàng thấy hai ống chân bà dài thòng dưới chiếc váy dài, ít ra cũng rất rõ từ đầu gối cho đến cổ đôi giầy to tướng.

Chàng càng sửng sốt khi nghe bà nói:

- Tôi đã nghe nói về ông, không những do ông chủ nhà ở đây, - bà ta gật đầu chỉ ông Leonard - mà còn nghe nhiều người ở dưới phố nói nữa. Ông biết người ta bàn tán đủ thứ chứ - Nhưng phần nhiều khen ông chứ ít chê. Làm sao ông hợp tác với ông già Cornwallis được nhỉ? Lão ấy là đồ vô lại nhất trên đời. Lão bị gãy cái chân cũng đáng đời, chắc không bao giờ khá hơn đâu.

- Kìa bà Daisy!

- Sao, ông Leonard thân mến?

- Tha thứ cho ông ấy.

Bà ta ngẩng đầu ra sau, toét miệng cười ha hả. Chàng thấy mặc dù bà ta còn răng đầy đủ, nhưng cái nào cái nấy đều đã vàng khè.

Bỗng bà ta quay mặt nhìn chàng, cặp mắt tròn sáng, bà nói:

- Khi tôi không ăn bột yến mạch, bà vú tôi thường nói: ''Nếu cô không thích bột yến mạch, cô cũng phải ráng mà ăn. Có qua có lai, cô có ăn, nó mới làm cho cô mập''.

Chàng cười, nhìn bà. Chàng quay qua nhìn Leonard, ông ta đang tựa đầu vào chiếc gối trên ghế xích đu dài. Mắt ông ta nhắm lại, răng cắn vào môi dưới.

- Ông đã đến châu Phi chưa?

- Sao? - Nghe bà ta hỏi, chàng quay người trên ghế và lặp lại - châu Phi à?

Chưa, chưa. Chưa bao giờ tôi đến châu Phi cả.

- Ờ phải, vì thế mà anh không mất thịt. Sang bên ấy tôi mất hết thịt. Trước đây tôi tròn trịa mập mạp kia. Chắc anh không tin phải không?

Chàng không biết phải đáp ''tin'' hay ''không tin''.

Rồi cả hai quay qua với Leonard, ông ta vẫn nhắm mắt nhưng miệng nói:

- Nói cho anh ấy nghe đi, bà Daisy, nói cho anh ấy nghe về bồn tắm có thuốc khử trùng đi.

- Ồ tôi chỉ nói với ông thôi. Tại sao tôi phải giải trí cho khách của ông, mà ông ta lại là bác sĩ nữa?

Bỗng bà quay qua nhìn John và nói:

- Tôi không dám mời mấy ông bác sĩ đến nhà chơi, vì mấy ông thầy mo sẽ dần nát xương họ ra.

- Tôi tin như thế.

- Kể đi, Daisy, kể cho anh ấy nghe về chuyện bồn tắm đi - Leonard lặp lại.

- Sao ông đã nghe nhiều lần rồi mà.

- Tôi muốn nghe lại.

John nhìn vào mặt bà ta. Bà đang nhìn Leonard, chàng thấy vẻ dịu dàng hiện ra trên mặt bà, như đám mây bay trôi qua trên làn da nhăn nheo, khô khốc. Bà nhấp nháy một lát rồi lấy lại phong thái cũ, bà nói:

- Thôi đủ rồi, tôi sẽ làm theo yêu cầu của ông. Đoạn bà quay qua John, và nói:

- Không biết anh có muốn nghe chuyện nầy hay không. Nhưng một thời tôi từng là một cô thiếu nữ rất cừ khôi. Mọi người ở đây thường gọi tôi như thế, cô thiếu nữ cừ khôi. Anh có tin thế không?

- Ồ tin, tin chứ.

- Chàng đáp liền không ngần ngừ.

- Phải, tôi rất tin bà từng là một cô thiếu nữ cừ khôi.

Bà nhìn chàng, ánh mắt có vẻ hoài nghi, nhưng bà vẫn nói tiếp:

- Hừ! Không phải chỉ có Bộ Thuộc địa mới đào tạo được cái nhà ngoại giao.

Tôi là đứa con gái thứ sáu trong nhà, trên tôi có bốn anh trai, cho nên cha tôi rất bận bịu, thế nhưng tôi vẫn hoàn toàn sung sướng và là người duy nhất chưa lập gia đình. Nhưng tôi yêu một con ngựa, cho nên chuyện ấy không thành vấn đề…

Đến đây Leonard ho khàn một tràng, bà dừng lại nhìn ông ta một lát mới nói tiếp:

- Thế rồi một ông tên là Thomas Freeman Wheatland nhảy vào cuộc đời tôi, mẹ tôi thì thất vọng còn ba tôi lại vui, ông ta từ châu Phi về nghỉ phép. Khi mới sang, ông ta làm trợ lý cho quan Toàn quyền bên ấy, và khi ông Toàn quyền về hưu, ông ta lên thay. Ông ta lớn tuổi rồi, nhưng tuổi tác không thành vấn đề, ông ta cũng thích ngựa và mời tôi sang châu Phi với ông. Tôi đắn đo giữa Brutus và ông. Brutus là con ngựa của tôi. Tôi quý nó từ khi nó mới là một con ngựa con. Còn châu Phi tôi chỉ biết trên bản đồ và chỉ biết đây là xứ nóng, có nhiều cát, nhiều lác đà, nhiều tù trưởng bộ lạc và nhiều phân thú vật, nhiều ruồi và các thứ như thế. Nhưng dù sao, tôi cũng phải lấy chồng, và điều làm cho tôi nhớ hơn hết vào ngày đám cưới là ba tôi sung sướng đến muốn xỉu hay gần như thế, ngay trước khi làm lễ, vì ông tống khứ được tôi ra khỏi nhà, và sáng hôm sau khi thức dậy trên chiếc tàu ở giữa đại dương, tôi thấy mình không thích hôn nhân, nên tôi đã làm cho tình hình càng tệ hơn và tôi bị say sóng.

Khi John thấy Leonard để bàn tay lên miệng, chàng muốn làm như ông ta.

Mắt chàng ướt, hai môi mím chặt lại; chàng nín cười cho đến khi bà ta kể tiếp:

- Ông bác sĩ nầy, chắc ông đã chữa trị cho mấy người say rồi, kể cả những người xô xát ẩu đả nhau. Tôi tin câu thành ngữ ''tức như bị bò đá'' không mới lạ gì với anh. Cuộc sống xảy ra ở Phi châu đã làm cho tôi như bị đá vào bụng vậy.

Tôi phải dùng phép ẩn dụ nầy mới diễn tả được tình trạng của tôi vào thời gian trước khi tôi tỉnh lại.

Chàng không thấy bà ta để tay vào bụng, vì chàng bận lấy khăn tay lau mặt, và khi chàng thốt lên: ''Ôi bà Wheatland'' thì bà đáp lại:

- Gọi tôi là Dalsy; tôi thích thế hơn.

Chàng không gọi bà là Dalsy, nhưng Leonard nói:

- Kể tiếp đi, Daisy. Kể tiếp đi.

Bà ta lại quay qua John, bằng một giọng nghiêm trang, bà nói:

- Anh có tưởng tượng ra được cảnh anh bị lác ở giữa rừng không? Không đường sá, không có gì hết, bị lạc giữa rừng ngày nầy qua ngày khác. Không phải ngôi nhà không đầy đủ tiện nghi, cảnh vật chung quanh thoáng đãng và có đường sá dẫn đến bộ lạc nầy bộ lạc nọ. Nhưng trong tâm trí tôi vẫn nghĩ mình đang ở giữa rừng, nhiều lúc tôi sợ đến chết đi được. Nhất là khi Tommy phải đi công tác xa để tôi ở nhà một mình. Ồ, nhà có nhiều tôi tớ lắm. Đúng thế đấy.

Nhưng chỉ có một người bập bẹ để tiếng Anh. Thỉnh thoảng chúng tôi có khách, nhưng họ làm gì biết không? Họ ngồi uống rượư ngoài hành lang, nói đến ông tù trưởng nầy hay đến ông thầy mo nọ. Đấy là khi có mặt tôi ở đấy. Nhưng họ sợ tôi không nghe, nên khi thấy tôi đi ra ngoài, là họ nói đủ thứ tào lao; bà nầy đã bỏ chồng hay là bà nọ được ai đó đến thăm. Tôi không biết có một bà được ai đó đến thăm chính là người mà Tommy muốn cưới làm vợ. Nhưng bà ta cho ông ấy rớt đài, và để làm nhẹ bớt mối sầu bị tình phụ, ông ta xin nghỉ phép về

Anh để kiếm cô gái nào rẻ tiền thuộc loại cặn bã dưới đáy thùng.

- Ồ không! Không - Leonard thốt lên, ông nhổm dậy trên ghế xích đu một chút và nói tiếp.

- Không, không, đừng nói về mình như thế, Daisy. Bà không phải thế đâu.

- Leonard, ông không biết gì về chuyện nầy hết. Ông chưa bao giờ gặp cảnh thất vọng não nề, chưa bao giờ thất bại và chưa lâm vào cảnh mọi người không ưa mình. Thế nhưng - Bà quay qua nhìn John và cất cao giọng - Ai cũng phải trải qua thời tập sự ban đầu hết. Mấy tháng đầu ấy là thời gian tập sự của tôi. Và rồi tôi gặp người đàn ông ở khu bệnh phong.

Bà gật đầu với John, lặp lại:

- Khu bệnh phong. Chưa bao giờ tôi nghe về khu nầy, chưa bao giờ tôi nghe ai nói về khu nầy. Sao, rồi sẽ nghe ư? Rồi tôi sẽ nghe vài người quen biết nói đến ư? Từ bệnh phong là từ cấm kỵ.

Một hôm tôi đi ra ngoài khuôn viên toà nhà, tôi đi bách bộ chơi. Tôi đi trên đường chính và bỗng có một người đi về phía ngược chiều với tôi, ông ta có vẻ như một thầy tu khổ hạnh: Ông đội một cái mũ rộng vành, mặt áo dài đen. Nếu tôi nói mặt ông ta như một thiên thần thì không phải vì tôi quá đa cảm hay vì quá kỳ cục. Ông ta là một thiên thần thật. Khi ông tự giới thiệu là bác sĩ Frank

La-Mode, ông cười, vuốt tay trên áo dài rồi nói rằng đây không phải là tên được phong. Đấy là lần gặp đầu tiên của chúng tôi. Ông đã biết tôi là ai. Trong mấy tuần tiếp theo, tôi gặp ông ta trên con đường ấy ba lần. Lần nào cũng có hai người phu khuân vác đi theo ông ta, họ mang nhiều thùng hàng hoá.

Rồi một đêm tối nói với Tommy: ''Anh có biết bác sĩ Frank La-Mode không?

Nghe nói đến tên nầy, bỗng ông ta ngồi phắt dậy trên ghế, ông ta hỏi? ''Em biết gì về ông Frank La-Mode nầy?''

Tôi đáp: ''Không biết gì hết, tôi mới gặp ông ta hai hay ba lần chi đó thôi''.

Nghe thế, ông ta vùng đứng dậy, hỏi:

- Em không đến đấy chứ?

- Đến đâu?

- Thì đến khu bệnh phong chứ đến đâu.

John nhìn bà ngồi dựa ngửa ra lưng ghế, và khi thấy một lát sau mà bà vẫn không nói gì, chàng nói nho nhỏ:

- Khu bệnh phong à?

Bà liền quay đầu nhìn chàng, gật đầu và lặp lại:

- Khu bệnh phong. Chồng tôi, Tommy, là người lạnh lùng. Có lẽ vì không có tình yêu chân thật nên ông ta thiếu đam mê hay thiếu cảm xúc mà trở thành một con người lạnh lùng. Nhưng khi ấy tôi đương đầu với một Tommy khác, ông ta hung hăng la lối rằng tôi không được đến gần người đàn ông ấy, và tôi không được đến gần khu bệnh phong. Thế nhưng tôi vẫn không biết khu bệnh phong nằm ở đâu? Khi nghe tôi nhắc đến, ông ta bỗng rất hung hăng và tánh khí thay đổi đến độ tôi phải nghĩ chắc ông ta rất sợ khu bệnh phong. Ông ta sợ bệnh phong. Chuyện nầy khác xa với tôi. Tôi thấy không sợ khu bệnh phong hay sợ người mắc bệnh phong. - Bà mím môi cười buồn rồi nói tiếp:

- Thực ra tôi chẳng biết gì về người mắc bệnh phong, ngoại trừ việc họ là người không ai dám đụng chạm, và khi người nào mắc phải bệnh phong là xem như họ đã nhận bản án tử hình, chỉ còn nước tìm nơi ẩn núp thôi. Thế nhưng, ông Frank La- Mode kia có vẻ rất thanh khiết và bình an. Phải, phải dùng từ bình an mới đúng.

Còn người sống với tôi không khi nào có vẻ bình an, và những người quen biết của ông cũng không bình an. Họ uống quá nhiều nên không bình an được. Khi ông ta la lớn: ''Bà có nghe tôi không? Không được nói đến người đàn ông ấy nữa, không được đi đến khu ấy. Bà có nghe tôi không? Bỗng bà nhìn Leonard và nói:

- Tôi vẫn còn nghe giọng hét ấy bên tai tôi, Leonard à, bất kể là tôi kể chuyện nầy bao nhiêu lần. Và ông ta càng hò hét bao nhiêu, tôi càng coi thường bấy nhiêu.

- Bà dựa đầu lên lưng ghế lại, hai mắt ngước nhìn lên trần nhà, và nói tiếp:

- Khoảng hai tuần sau, khi gặp Frank lại, tôi nói thẳng với ông: ''Tôi muốn đến thăm khu bệnh của ông''. Ông ta đáp: ''Ồ, tuyệt quá! Bà đã có phép của chồng bà chưa?"

Tôi đáp: ''Chưa! Nhưng tôi muốn một mình đến đấy dù có được phép hay không''. Một lát sau ông ta đáp: ''Rất tốt, bà có thể đi bây giờ để không''''. Tôi nói: ''Được. Tôi chẳng bận công việc gì hết''.

- Bà ngồi thẳng người dậy, nhìn John và nói:

- Thật là một ngày rất kỳ lạ. Con đường chính biến mất dần vào trong rừng, chúng tôi đi, đi mãi. Tôi không biết đi trong bao lâu. Con đường trở thành đường mòn, chỉ vừa đủ đi một người. Rồi đến một nơi có hàng rào bằng gỗ. Tôi có cảm tưởng như đấy là cái pháo đài bên Mỹ dung để ngăn người Da Đỏ xâm nhập. Khi cánh cổng mở ra tôi thấy ngay người mắc bệnh phong đầu tiên, đó là người mở cổng, trên mỗi bàn tay chỉ con một ngón, còn bao nhiêu cụt hết như cái cùi. Và rồi chúng tôi đi qua một đám ít người, người nào cũng có vẻ bận rộn, nghĩa là bận rộn với bàn tay của họ. Rồi có một số người lập cập đi đến phía Frank, khuôn mặt méo mó của họ sáng lên với tình thương.

Nhà của ông ta làm bằng tre có một số phòng. Và có phòng khám bệnh, tôi gặp trong phòng khám hai người đàn bà, đều là người Anh. Tôi không thể nào tin được. Một người to lớn, còn người kia có vết trên hai bàn tay và hai cánh tay. Nhưng nét mặt của hai người giống như nét mặt của Frank. Tôi không đi đâu nữa, chỉ ở lại đấy cho đến khi tôi cảm thấy phải ra về vì cảm thấy mình quá xấu hổ. Frank đưa tôi ra lại con đường chính ở ngoài bìa rừng. Đến đây, tôi gặp ba người giúp việc nhà. Họ không đến gần tôi, mà chạy trước dẫn đường để báo cho ông chủ biết có một người mắc bệnh phong đang đến gần, vì bây giờ họ xem như tôi là người mắc bệnh phong.

Tommy đứng đợi tôi ở giữa sân, ông ta rất giận dữ đến nỗi nói lắp bắp không ra lời. Rồi ông ta ra lệnh cho tôi vào trong nhà tắm. Tôi nói với ông ta: ''Tại sao nhà tắm?'' - Ông ta quá giận, nói bằng tiếng địa phương, ông la lên: ''Vào trong nhà và tuột áo quần ra!''. Không nói cởi mà nói tuột.

Đến đây bà đưa tay lên mặt và cười vang.

- Tôi hỏi ông ta. ''Tại sao?''. Ông đáp: ''Vì bà phải đi tắm''.

- ''Ồ thế thôi à?'' Nói xong tôi đi vào nhà và tuột áo quần ra, nhưng khi tôi đưa tay vào nước, nước ngứa tay - Tôi không biết trong nước có gì, nhưng ngoài chất sát trùng ra còn có chất gì nữa - cho nên tôi đứng yên tại chỗ, người trần như nhộng, và khi ông ta bước vào cửa, thấy tôi như thế, ông nhắm mắt lại. Bà ta lắc lư cái đầu và nói tiếp.

- Rồi ông ta ra lệnh cho tôi bước vào bồn tắm.

Tôi nói: ''Không đời nào. Trong nước không phải chỉ có chất sát trùng không thôi đâu. Tôi không biết ông đã bỏ cái gì vào trong nước, tôi không tắm nước nầy đâu''.

Tôi đến lấy áo quần, nhưng ông ta đã đến đó trước tôi. Nhưng ông ta không đụng đến áo quần của tôi; ông ta có cái gậy trên tay, đưa gậy để hất áo quần sang một bên. Rồi các ông biết ông ta làm cái gì không? Ông ta lấy gậy thọc và tôi - Bà dừng lại lấy tay che mặt một lát mới nói tiếp:

- Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn muốn cười: con người cao quí, tự phụ lại lấy gậy thọc vào tôi. Nhưng khi ông ta thọc đúng chỗ hiểm, kết quả xảy ra ngay, tôi mất thăng bằng trượt chân xuống nước, tôi hét lên một tràng rất khủng khiếp. Nhưng tôi không nằm dưới nước, mà mực nước chỉ ngang hông tôi thôi, còn ông ta thì đứng trên mép bồn tắm, hét: ''Hụp đầu xuống! Hụp đầu xuống!'' Tôi không hụp đầu xuống, và sẽ không hụp xuống, mà đưa hai tay, các ông thấy hai bàn tay tôi to và rất khoẻ, nắm lấy lưng quần ông ta lôi xuống, và ông ta mất thăng bằng nhào xuống bồn tắm, cả áo quần trên người, úp mặt xuống nước.

Bà ta dừng lại để thở, miệng há hốc, một lát sau mới nói tiếp:

- Khắp lỗ chân lông trên người tôi nóng ran như lửa đốt và rất ngứa ngáy.

Tôi bật cười và khi tôi từ dưới người ông ta trồi lên, thì ông ta chìm xuống dưới lại, ra sức vùng vẫy trong bồn nước dơ dáy. Và khi tôi ra khỏi bồn tắm, mấy giây sau ông ta cũng ra khỏi.

- Bà ta lại dựa đầu ra lưng ghế và ấp úng nói: -

Không có chàng trai quê mùa nào cởi áo quần vào đêm tân hôn nhanh hơn là Thomas Freeman Wheatland vào tối ấy.

John cười ré lên, còn Leonard thì ôm lấy ngực, nước mắt chảy xuống má, miệng nói:

- Daisy! Tức cười quá! Tức cười quá!

- Ôi xin lỗi, Leonard.

John bỗng đứng lên, mặt còn đầy nước mắt, miệng há rộng, cúi người xuống Leonard, hỏi:

- Ông có sao không?

- Không sao, không sao, - Leonard hổn hển đáp. Cho tôi viên thuốc, - ông ta đưa tay chỉ về phía bàn gần đấy.

Một phút sau, thấy vẻ lo lắng hiện ra trên mặt của Daisy, ông ta nói:

- Daisy ổn rồi. Bà thật… kỳ diệu.

- Bây giờ xin bà kể hết phần cuối cho John nghe. Phần nầy chắc sẽ làm cho chúng tôi bình tĩnh trở lại.

- Ông có chắc ổn rồi không? - John hỏi.

- Tôi gọi Johnson đến nhé?

- Đừng, đừng. Cười là một liều thuốc bổ tuyệt nhất mà. Anh là bác sĩ, chắc anh biết.

- Ông ta quay nhìn khuôn mặt to, gầy gò và nói:

- Kể tiếp đi, Daisy. Kể cho hết đi.

Ngồi tựa người ra lưng ghế, Daisy vòng hai cánh tay dưới bộ ngực mà chắc đã nhăn nheo khô héo rồi, hai cánh tay nâng chúng lên nhô ra trước một chút, bà nhìn John và nói:

- Sáng hôm sau, tôi thấy trên khay để thức ăn điểm tâm có một bục thư. Bức thư nói rằng nếu tôi muốn ở lại làm vợ ông ta và khỏi bị đưa trả về quê nhà một cách nhục nhã, hay khỏi bị chửi mắng, thì tôi hứa phải vâng lời ông ta, bằng mọi cách - Ồ phải, ông ta nhấn mạnh ''bằng mọi cách'' - Nhưng nhất là tôi phải hứa không được đến gần khu bệnh phong hay là nói chuyện với Frank La-

Mode nữa. Cuối thư, ông ta cho biết ông ta bận việc đi xa trong bốn ngày, và ông hy vọng khi trở về sẽ có phúc đáp của tôi.

Bà ta ngồi yên lắng một lát mới nói tiếp:

- Thế rồi tôi viết thư trả lời. Bức thư nói rằng trước khi có vụ đến thăm trại phong, tôi đã có ý định quay về Anh, tôi hy vọng ông ta sẽ cho tôi ly dị, vì tôi nghĩ cuộc hôn nhân của chúng tôi là một sai lầm trầm trọng. Nhưng bây giờ sau vụ tắm nước a-xít, hay cái gì đấy không biết, mà tôi - Bà gật đầu với John - cảm thấy bị phồng da cả người: mấy tuần lễ liền người tôi như bị phỏng nước sôi, và khi bị lột da, tôi thấy người đau đớn khắp nơi. Ngoài ra, tôi nói rằng tôi đã phân vân giữa việc về Anh hay đến làm việc cho trại phong, nhưng sau khi đã suy nghĩ kỹ, tôi quyết định ở lại Và tôi kết thúc bức thư với lời lẽ như thế nầy:

''Nhiều người sợ chết, cái chết mà họ chưa biết sẽ ra sao, nhưng thế nào có ngày họ cũng chết''. Và thế là tôi đến trại phong, làm việc giúp cho trại nầy, tôi ở đấy suốt bảy năm trời.

- Trời đất ơi! - John thốt lên, vừa lắc đầu. Mặt mày ai nấy đều có vẻ buồn xo.

Rồi Daisy nói tiếp:

- Đúng thế đấy và tôi thú thật đây là những năm tháng buồn nhất đồng thời cũng là những ngày hạnh phúc nhất của đời tôi. Và anh biết không, điều rất kỳ lạ là bước sang năm thứ hai ở đấy, tôi bắt đầu nhận được những kiện thuốc và phẩm vật cứu trợ từ những người ở khu vực khác gửi đến, những người mà trước đó tôi không hề quen biết.

- Tại sao sau bảy năm bà quay về? - John hỏi nhỏ.

- Frank buộc tôi phải về. Tôi càng ngày càng gầy đi. Trước đây, tôi to lớn vạm vỡ, thế mà sau đó tôi gầy tong teo, như anh thấy bây giờ đây.

- Bà ta chìa hai bàn tay ra.

- Thế nhưng, tôi không lây bệnh. Kể cũng lạ.

- Chồng bà phản ứng ra sao về chuyện nầy.

Bà ta ngồi yên lắng một lát mới nói:

- Ông ta làm gì đượcc? Ông ta mất mặt, điều nầy quá khủng khiếp rồi. Tôi nghe những người dân bản xứ nói lại, tôi rất ân hận cho ông ta. Ông ta không bị bãi nhiệm - tôi mừng cho ổng - nhưng ông ta bị chết vì sốt rét sau khi tôi về Anh một năm. Ít ra thì việc nầy cũng đáng đời cho ông ta. Không bao giờ ông ta thân thiện với dân chúng trong bộ lạc, và đã gây thù oán với ông thầy mo. Tôi nghe các gia nhân nói rằng ông nầy đã trù yểm ông ta, lão trên đoán ông ta sẽ chết vào ngày nào đấy, nguyền rủa ông ta để ổng chết đúng vào ngày đó. Và người ta nói cho tôi biết ông ta chết đúng vào ngày đó thật. Chính người trợ lý của ông ta đã phao tin nầy ra. Nhưng tôi không tin chuyện xảy ra đúng với sự thật. Tôi nghĩ là Tommy quá sợ chết, và tôi thường trách mình đã viết câu cuối cùng vào bục thư. Thế nhưng khi ấy cả người tôi quá đau đớn vì đã hụp lặn trong bồn tắm có hoá chất. Rõ ràng chất ấy không phải là a xít, vì nếu mà đúng là a-xít thì chắc bây giờ tôi không còn mà ngồi ở đây. Ngay cả Frank, ông ta cũng là bác sĩ - bà nhìn John, gật đầu - ông không thể xác định chất gì đã trộn vào nước với chất sát trùng. Chất sát trùng đã tệ hại rồi, nhưng nó không đến nỗi gây tác hại cho tôi và ông ta. Nhưng ông ta chỉ bị ở mặt và hai tay thôi vì ông ta có mặc áo quần và khi lên khỏi nước, ông ta cởi áo quần ra ngay nên thân thể không bị tác hại, tôi đoán chắc thế.

- Bà thật là một con người kỳ diệu, bà Daisy à.

- Ông đừng tâng bốc tôi như thế, thưa ngài Leonard Morton Spears.

- Bà quay qua John, nói khẽ:

- Chưa bao giờ anh được nhà nầy mời uống ly rượu, mà chỉ được mời những lời đường mật. Anh có thấy thế không?

Nghe thế, Leonard cười ồ, rồi đưa tay rung cái chuông nhỏ để trên bàn bên cạnh, sau đó, Johnson liền chạy vào, Leonard nói với anh ta.

- Anh biết sở thích của bạn tôi rồi, phải không Johnson? - Anh ta hết nhìn người nầy đến nhìn người khác mỉm cười, rồi nghiêm trang đáp:

- Rượu vang đỏ cho bà, uých ki không pha cho ông bác sĩ.

- Thế còn tôi, Johnson?

Anh ta vừa lắc đầu vừa đáp:

- Thưa ngài, ngài chỉ chọn nước cam vắt, nước táo hay nước trái lý đen.

- Phải, phải, anh khỏi cần chọn lựa, cho tôi nước trái lý đen. Trái nầy có nước màu rất đẹp, khiến người ta tưởng tượng là rượư mạnh.

Khi người giúp việc ra khỏi phòng, John nói với Daisy:

- Bà còn cưỡi ngựa không?

- Ồ còn, còn chứ. Tôi có một con ngựa cái rất đẹp. Nó có tên là Fanny, gọi tắt. Nó được chín tuổi rồi. Fanackapan.

- Cái gì?

- Fanackapan, Fanny, Fan… ack… a… pan.

John lại bật cười.

- Tên đặt cho ngựa như thế nghe kỳ khôi đấy.

- Đúng, đúng, nhưng hôm tôi mua nó, trong số người mua bán có một số phụ nữ, và khi con ngựa được dẫn đi quanh trong quầy, một người phụ nữ nhìn nó và thốt lên: ''Ồ đúng là con Fanny Fanackapan''. Từ trước đó chưa bao giờ tôi nghe tên nầy, cho nên tôi mua nó. Nó mới được một tuổi, và ôi, chúng tôi nô đùa với nhau rất vui. Nó nhảy qua cổng trại nhẹ nhàng như vũ công ba lê.

Trước khi thức uống được mang vào, Daisy nhìn Leonard. Ông ta mở mắt he hé, bỗng bà đứng dậy và nói:

- Ông biết tôi sẽ làm gì không? Tôi sẽ nốc ly vang đỏ một hơi và ra khỏi đây ngay. Tôi vừa nhớ là tôi để con ngựa đứng trong gió lạnh. Tại sao ông không làm trại kín đáo cả bốn mặt và có cửa như nhà người ở, mà chỉ làm có mái thôi như thế?

Leonard mở mắt, cười với bà, đáp:

- Cho tôi gởi lời xin lỗi Fanny. Lần sau nó đến, tôi sẽ che kín gió cho nó.

Johnson mang thức uống vào phòng, và như đã nói trước, bà Daisy nốc một hơi hết ly vang đỏ rồi đến bên ghế xích đu, cúi người xuống sát Leonard bà nói:

- Hãy ngửi hơi thở của tôi, ông sẽ thấy dễ chịu cho mà xem.

- Rồi bà hạ giọng nói thêm:

- Cứ tiếp tục làm bạn tốt như thế nầy.

Ông lên tiếng đáp lại, giọng thều thào:

- Mời bà đến lại một ngày rất gần đây, Daisy.

- Tôi sẽ đến, sẽ đến, chúc ngủ ngon, chúc các thiên thần đến với ông.

- Bà nói xong, đứng thẳng người lên, quay qua John, nới gọn lỏn:

- Chúc bác sĩ ngủ ngon.

- Chúc Daisy ngủ ngon. Rất hân hạnh được biết bà.

Bà không trả lời, đi ra khỏi phòng, Johnson theo sau. John định ngồi xuống thì Leonard liền nói khiến cho chàng đứng yên tại chỗ:

- Anh hãy mang cái ghế đến gần tôi, - ông chỉ chỗ bên cạnh cái ghế xích đu ông đang nằm. Khi John làm xong việc ông ta yêu cầu, ông nói tiếp:

- Người đàn bà thật tuyệt!

- Phải, đúng là người đàn bà thật tuyệt. Người biết tự trào.

- Những điều bà ấy nói đều đúng, nhưng còn những chi tiết khác hấp dẫn hơn nữa mà bà không nói hết. Bà ta kể vắn tắt nhưng đầy đủ, mạch lạc. Bà ta quả là người bạn tốt của chúng ta.

- Đúng, phải, tôi hy vọng thế.

- Nhưng bây giờ tôi xin được nói những điều tôi muốn nói chứ? Chuyện nầy chắc không hay ho gì, nhưng tôi phải nói. Và bây giờ chắc không còn bao nhiêu thì giờ nữa phải không?

John ngồi yên không trả lời một lát, rồi chàng nói nhỏ:

-Việc đó tuỳ ông thôi. Ý chí của con người là bộ máy mạnh mẽ: nếu ông có đủ khả năng để điều khiển bộ máy nầy, thì nó sẽ làm việc đắc lực cho ông.

Leonard quay đầu nhìn chỗ khác, và với giọng nói trầm trầm, ông ta hỏi:

- Anh có biết những tuần vừa qua cái gì đã giúp tôi không? Mỗi lần tôi nhìn nàng là tôi phải gọi đến động cơ thúc đẩy bộ máy ý chí, vì chuyện chắc chắn sẽ xảy đến cho nàng trong thời gian tới. Chuyện mà tôi tin chắc nó sẽ đến. Nhờ quen biết chồng của Daisy mà nàng quen bà ta, và hai người đã trở thành bạn bè. Ngoài ra thì Daisy là người bạn chân thành của cô ấy. Và chính vì thế mà tôi muốn nói chuyện với anh. Rosie đã có chồng, có mẹ chồng, có công việc mà cô rất thích, cô ấy đúng là một người đàn bà. Nhưng Helen… phải, Helen là đàn bà cần có bạn đàn ông.

John giật mình kinh ngạc, hai mắt mở to, miệng hơi há ra: Thấy vậy, Leonard mỉm cười nói:

- Cái gì làm cho anh có vẻ kinh ngạc như thế? Dĩ nhiên anh biết có nhiều phụ nữ cần bạn đàn ông và nhiều đàn ông cần bạn đàn bà, cần bạn vì nhiều lý do chứ không phải chỉ cần tình dục. Tôi muốn nói không phải họ cần nhiều đàn ông mà chỉ cần một người thôi Ôi tha lỗi cho tôi, tôi nêu vấn đề có vẻ máy móc và tệ hại. Cho nên, tốt hơn hết là tôi nên nói thẳng điều tôi muốn nói cho rồi.

Anh có bằng lòng tiếp tục làm bạn với cô ấy không? Thế nào cô ấy cũng thành goá phụ, mà anh không phải là bác sĩ của cô ấy, cho nên nếu anh đến chơi luôn, thế nào người ta cũng bàn tán xôn xao. Nhưng liệu anh có dám liều tiếp tục làm bạn với cô ấy không? Dĩ nhiên là bạn thôi. Ố! Ồ! - ông ta nhíu mắt, đưa tay lên - Đừng phản đối, đừng phản đối. Tôi biết chuyện ấy rồi và anh cũng biết: nếu tôi không có quyết tâm, thì không bao giờ tôi có được nàng. Trước đó anh và cô ấy đã có gặp nhau, thì cũng tất nhiên thôi. Ồ, tôi biết, John, đừng, đừng, xin anh đừng bối rối. Tôi biết chuyện nầy rất rõ. Nàng cứ nói về anh mãi sau khi đã gặp anh trên ngọn đồi ấy; rồi anh tránh không đến dự đám cưới của chúng tôi. Sau đó, nàng không bao giờ nhắc đến tên anh nữa. Và rồi đến lúc nàng bắt đầu yêu tôi. Phải, nàng bắt đầu yêu tôi yêu tha thiết. Không yêu bằng tôi yêu nàng, nhưng nàng yêu tôi, và khi nàng yêu tôi, nàng bắt đầu nói về anh lại, nhưng nói một cách rất tự nhiên. Rồi khi anh cưới Beatrice, tình hình đã thay đổi. Nàng không thể nào tin được chuyện nầy, và thế là anh hoàn toàn ra khỏi cuộc đời của nàng, và tôi rất sung sướng. Nhưng cuộc đời thật oái oăm cho tôi. Dù sao, công việc nầy cũng rất khó khăn cho anh, vì anh vẫn còn là chồng của Beatrice, cho nên những lần đến thăm em gái của vợ, thế nào cũng bị người ta để ý, và họ sẽ xầm xì. Tôi yêu cầu anh việc nầy với lý do rất ích kỷ: tôi muốn có người đàn ông bầu bạn với nàng một khi tôi từ giã cõi đời. Thế nào nàng cũng cảm thấy khó chịu vì sợ dị nghị, nhưng sự cô độc là điều rất kỳ lạ. Tôi đã trải qua sự cô độc rồi, cho nên tôi biết hoàn cảnh nầy. Có lẽ anh cũng đã chờ đợi hạnh phúc và hạnh phúc đã vuột khỏi tay anh, cho nên anh đành lấy dư vị để an ủi. Tôi biết anh không thể trách người có hành động không vừa lòng anh ngay sau khi họ vừa mất người thân. Tôi biết Helen không phải là người có bản chất yếu đuối và có thể bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi muốn nàng có một người bạn chân chính. Nếu anh vẫn còn sống với Beatrice, chắc tôi không đề nghị chuyện nầy với anh đâu. Anh có thấy việc tôi yêu cầu anh là kỳ lạ không?

John im lặng một lát mới nói:

- Được rồi, Leonard, nói tóm lại, tôi sẽ làm theo lời yêu cầu của ông. Nhưng tôi không cao thượng như ông, vì tôi sẽ ghen với bất kỳ ai đã Helen chọn làm bạn để giải sầu. Và nhân tiện xin nói cho ông biết điều nầy, Leonard. Tôi đã ghen với ông. Phải, rất ghen với ông, ghen một thời gian rất lâu; rồi cô ấy và tôi gặp nhau và tôi nhận thấy cô ấy khôn ngoan biết bao trong việc chọn lựa của mình. Tôi không thể nào hy vọng sống cao thượng được như ông. Tôi biết hoàn cảnh của tôi, và suốt những tuần lễ tình bạn giữa chúng ta trở nên thắm thiết, thì sự mến phục của tôi đối với ông cũng tăng lên rất nhiều. Và tôi xin nói lại, chắc tôi không cao thượng như ông để hành động như ông bây giờ, không cách nào tôi làm được như ông.

- John, anh đánh giá anh như thế là thấp quá. Rất khác với nhiều người đánh giá về anh. Có mấy ai dám phá tan cuộc hôn nhân của mình như anh đã làm để giúp Rosie được hạnh phúc đâu.

- Ồ không, không phải! - John lắc đầu quầy quậy - Trước đó, cuộc hôn nhân của tôi đã gặp nhiều phong ba bão táp rồi. Nhưng ông đã có nhận xét đúng khi nói rằng giữa chúng ta, không ai hiểu được ý nghĩ của người khác, nhất là khi người ta cô đơn, và do hậu quả của sự cô đơn gây ra. Cuộc hôn nhân của tôi với Beatrice đã chứng minh cho tôi thấy điều đó. Nếu trên đời nầy có ai có hai mặt, thì kẻ ấy chính là cô ta. Tôi không thể nào thông cảm được với cô ta, và tình trạng nầy đã xảy ra rất lâu ta ngày có chuyện của Rosie, hôn nhân của chúng tôi đã chấm dứt trước chuyện của Rosie rất lâu. Hồi đó tôi đã tính chuyện ly dị rồi.

Khi John nói xong, hai người đều im lắng. Rồi, như đã có ý định không nói đến chuyện nầy nữa, Leonard nói sang chuyện khác:

- Loại thuốc viên nầy thật tuyệt - ông hất đầu chỉ về phía bàn - Chúng làm cho tôi tăng thêm sinh lực - ông ta cười, rồi nói tiếp:

- Trở lại chuyện chúng ta vừa nói hồi nãy, chuyện bạn gái của đàn ông, và bạn gái của đàn bà, anh không biết Daisy nằm loại trước hay sau? Bà ta thuộc loại đầu, với vẻ ngoài xấu xí như thế, chắc anh nghĩ bà ta nằm ở ngoài vòng đua chen, nhưng mặc dù tuổi tác đã cao, lúc nào bà ấy cũng có một số bạn trai. Bà ta có cả thảy ba đời chồng.

Mặt John lộ vẻ ngạc nhiên, và Leonard nói tiếp:

- Ồ hải, anh cứ nhường mày lên mà ngạc nhiên. Bà ta rất đam mê. Theo bà ta nói thì chỉ có một lần đam mê, nhưng sự thật bà đã đam mê cả đời.

- Ông là cho tôi ngạc nhiên đấy, Leonard. Tôi nói thế vì bà ta không thể nào…

- Nầy, nầy! - Leonard nói nhanh.

- Anh là bác sĩ và anh cho rằng chuyện gì về đời sống của ngươi khác mà không nằm trong thông lệ thường tình đều là không có, khiến anh nghi ngờ. Thôi ông ơi! Tôi rõ quan điểm của anh rồi: mới gặp Daisy lần đầu, nên anh chưa tin tưởng. Ông Tommy của bà ấy ly dị bà nơi vùng đất hoang vu trong khi bà còn ở trong trại phong. Cho nên khi bà về Anh, bà không có ai giúp đỡ tiền bạc, không có một đồng xu dính túi. Chỉ khi vào làm trong bệnh viện, bà mới gặp Stephen thân yêu của bà lần đầu tiên, Stephen King, nhưng bà không tin đó là tên thật của ông ta. Bà chỉ biết ông ta vào thăm những người già nằm bệnh viện mà không có bạn bè. Và rõ ràng bà ấy cũng không có bạn bè, đấy là lần đầu tiên họ gặp nhau, thật là việc trời thu xếp. Theo lời bà kể, thì trường hợp của ông ấy cũng như thế.

- Nhưng còn gia đình của bà ta thì sao? Bà ấy cho biết gia đình bà có 10 người cả thảy mà.

- Đấy, bà ta là một trong số 10 người trong nhà, John à, nhưng họ đều có vợ có chồng và có con. Mà họ dám đến thăm cô Daisy kỳ quặc từng sống 7 năm trong trại phong và có thể lây nhiễm nầy à? Rõ ràng gia đình bà đều có quan điểm như Tommy. Lạ thật, - đến đây ông nhoẻn miệng cười - tôi thường nghĩ đến ông ta như anh chàng Tommy, chứ không là ông Freeman Wheatland, tên nầy có vẻ cao quí quá, nhưng theo tôi thì thực ra ông ta là đồ nhát gan. Bà ta rút ngắn câu chuyện dài của mình, và với ý đồ làm cho tôi vui mỗi khi bà đến đây, bà kể phần nầy rất ngắn. Còn chuyện với ông King, bà cho biết họ làm việc với nhau và cùng sống với nhau. Họ làm việc với nhau bốn năm. Tôi hỏi bà tại sao không lấy nhau, bà đáp một cách giản dị: "Ông ta không hề yêu cầu tôi làm thế".

Tôi hỏi bà họ lấy gì mà sống, vì suốt ngày họ chỉ đi giúp người khác thôi. Bà đáp rằng bà cảm thấy ông ta làm việc để chuộc lỗi lầm ông ta đã mắc phải khi còn trẻ. Thậm chí bà còn nói có thể ông ta đã bị ở tù một thời gian. Bà không hỏi han gì, mà bà chỉ yêu ông ta thôi. Nhưng rõ ràng ông ta có đủ tiền để cho hai người sống với nhau ở mức bình thường, và thỉnh thoảng ông ta còn cho bà tiền đủ để chi tiêu vặt vãnh. Tiền bạc do đâu mà có thì bà không rõ. Cuộc đời ông ta là cả một sự bí mật. Nhưng chuyện nầy chẳng thành vấn đế. Vấn đề duy nhất bà biết đến là bà đã sống với ông ta suốt bốn năm trong hạnh phúc. Và rồi -

Leonard búng ngón tay - Ông ta ra đi. Hôm nay đang còn, hôm sau ra đi, để lại cho bà một số tiền đủ sống trong 6 tháng và tờ giấy viết rằng ông ta vẫn mãi mãi yêu bà.

- Dễ thương quá!

- Vâng, tôi cũng nghĩ như thế, John à. Rất dễ thương. Tôi hỏi bà từ khi ấy đến giờ bà có nghe tin tức gì về ông ta không, bà đáp: "Không bao giờ". Nhưng theo ý bà thì có thể ông ta về nhà vợ con ở Ai-len hay đâu đó ngoài nước Anh.

Hay có thể đúng như suy nghĩ của bà trước đây, nghĩa là ông ta có tiền án, bây giờ phải đền tội quá khứ do ông ta đã gây nên.

- Vậy bà ta không có cách nào để biết tin về ông ấy, không thấy ảnh đăng ở đâu hay cái gì hết à?

- Không, không hề có tin tức gì hết; và theo tôi thì không có tin tức gì lại hay cho bà ấy đấy, vì nếu ông ta còn ở lại với bà, thì chắc bây giờ bà không có được cuộc sống thoải mái như hiện nay. Vì nếu ông ấy còn ở với bà, thì chắc bà không gặp được ông Anasby… Ông James Anasby. Tôi đã nói cho anh nghe rồi, John à, nhưng chuyện của bà ta nhiều vô kể, phải viết nhiều cuốn sách mới hết.

Mà chính phần cuối mới lý thú và hấp dẫn. Bà kể cho tôi hay rằng bà rất sung sướng vào cái giai đoạn cuối nầy, cái giai đoạn bà được làm hộ lý, bà ta không được huấn luyện về nghề nầy, nhưng bà đã làm hộ lý trong trại phong rồi. Hôm ấy bà đến bệnh viện trễ, nên bà vội vàng đi vào cửa hông, cửa nầy thường được các nhân viên trong bệnh viện dùng. Vì vội vàng, nên một ngón tay của bà bị kẹt vào khe cửa khiến bà đau điếng, phải dừng lại. Bà ôm ngón tay, nguyền rủa, và nếu nói bằng Anh ngữ thì có lẽ có nghĩa là ''mẹ kiếp, chó thật!'', nhưng thay vì nói tiếng Anh, bà lại nói bằng thổ ngữ ở châu Phi và bà rất kinh ngạc khi nghe có ai đấy đáp lại bà cũng bằng thổ ngữ ấy. Bà quay lại nhìn, thấy một người đàn ông đang ngồi trên xe lăn, có hai nữ điều dưỡng đi kèm hai bên, và một người đàn ông mặc chế phục màu xanh đẩy xe. Bà há hốc mồm nhìn ông ta một lát, rồi tiếp tục nói với ông ta bằng thổ ngữ ấy. Sau đó ông ta hỏi bà: ''Bà tên gì? Bà là ai?".

Bà ta nói cho ông ấy biết tên mình và cho ổng biết bà đã làm hộ lý ở đấy.

Nghe thế, ông ta rất ngạc nhiên, không tin, hỏi lại bà: "Thế Bộ thuộc địa làm quái gì mà không sử dụng bà nữa? Bà ở bên ấy bao lâu?".

"Ồ!" - bà ta dừng lại một lát mới nói tiếp: "Nhiều năm", nghe xong, người đàn ông quay đầu ra sau, nhìn người đàn ông mặc chế phục rồi nói: "Mason, anh đưa cho bà nầy tấm danh thiếp của tôi". Anh ta lôi từ túi áo trong ra tấm danh thiếp, đưa cho bà. Nhưng bà không nhìn liền vào tấm danh thiếp mà nhìn người ngồi trong xe lăn. Ông ta già rồi, bà đoán quãng trên 60, và nghĩ chắc ông ta là một nhân vật quan trọng. Rồi ông ta hỏi: "Thế bà có bằng lòng đến thăm tôi không?"

Khi ấy bà mới nhìn vào tấm danh thiếp nhưng vẫn không đọc mà chỉ đáp:  "Đến chứ, thưa ngài. Tôi rất sung sướng được đến thăm ngài". Câu chuyện sau đó rất dài, tràng giang đại hải, rất khó tin, nhưng chỉ trong vòng một tháng sau, bà đến ở trong ngôi nhà sang trọng của ông ta để làm người bạn điều dưỡng cho ông ta. Thì ra ông ta đã sống ở bên châu Phi đúng vào vùng Daisy sống một thời gian rất lâu. Ông ta đã có hai đời vợ. Cả hai đều chết. Hình như ông ta không có bà con cật ruột gì hết. Bà ta ở với ông ấy bảy năm, dần dà bà biết công việc làm ăn của ông: buôn tiền, và ông ta đánh giá tài xét đoán của bà rất cao. Khi ông ta chết bà chỉ mới 44 tuổi, và ông đã để lại cho bà một nửa gia sản của mình.

John lắc đầu nói:

- Chuyện thật hấp dẫn, đáng kinh ngạc.

- Phải, với nghề của anh, anh phải tập cho quen với những chuyện đáng kinh ngạc như thế nầy.

- xin cam đoan với ông, không có chuyện nào đáng kinh ngạc như chuyện nầy đâu, ông Leonard à. Mặc dù thỉnh thoảng cũng có nghe vài chuyện khá hấp dẫn.

- Dừng một lát chàng nói tiếp:

- Mà ông nói chuyện thế là đã quá nhiều, chắc ông mệt rồi.

- Phải, John, tôi hơi mệt. Nhưng lạ thay là tôi rất sung sướng vì chúng ta đã hoàn toàn thông cảm nhau. Ít ra thì tôi cũng mong chúng ta sẽ thông cảm nhau. -

Ông nhìn John một lát, và khi thấy chàng không đáp ngay, ông bèn hỏi nhỏ: -

Có phải tôi đã đòi hỏi quá nhiều không?

- Không, không, không quá nhiều.

- Bỗng chàng ngẩng đầu lên và nói tiếp: -

Đừng nói gì nữa. Để tôi rung chuông gọi Johnson vào. Tôi nghĩ ông nên đi ngủ sớm vì những người đi xem hát có lẽ không về nhà trước 11 giờ đêm.

- Ồ, tôi không có ý định thức để đợi họ.

Leonard nhìn John đứng dậy, ông rung chuông; rồi John chìa tay ra, và khi chàng bắt tay ông, ông nói:

- Cám ơn anh.

- Nhưng khi người hầu vào phòng, ông chỉ nói với anh ta: -

Johnson nầy, tôi được lệnh của bác sĩ không được ra khỏi nhà, mà tôi cũng không đứng lên nổi, vậy nhờ anh tiễn ông bác sĩ ra cửa nhé.

John và anh ta nhìn nhau, cười, rồi đi ra ngoài. Nhưng không ai nói với nhau lời nào, thậm chí khi đã ra đến tiền sảnh, và sau khi đã giúp chàng mặc áo khoác và mở cửa trước ra, Johnson cũng không nói gì với chàng hết. Ngay cả khi John chúc ''ngủ ngon'', anh ta cũng không lên tiếng đáp lại; điều nầy khiến cho chàng nghĩ: Anh ta quả là một gã ương ngạnh. Rõ ràng anh ta chẳng được tích sự gì.

Thôi được, cứ để đấy rồi sẽ hay.