Liubiskin mỉm cười, đưa bàn tay to tướng ra bắt tay Đavưđốp:
- Chúng tôi chờ anh lâu rồi, từ sáng tinh mơ.
- Chả là nóng ruột mà…- Bác Suka giải thích.
Thì ra bác chính là người mặc áo áo măng tô trắng đàn bà đã nói đùa với Đavưđốp ở sân trụ sở Xôviết hôm anh mới đến. Từ ngày hôm ấy bác ta tự coi mình là người quen thân của Đavưđốp và đối xử với anh một cách xuề xoà thân mật, khác hẳn đối với mọi người khác. Vừa lúc nãy, Đavưđốp chưa đến, bác lại còn đã nói: “Lão với anh Đavưđốp quyết định thế nào thì rồi nó sẽ ra như thế. Hôm kia anh ấy đã chuyện trò với lão mãi. Chuyện nghiêm chỉnh cũng có mà chuyện tếu cũng có, nhưng chủ yếu là hai bác cháu bàn bạc kế hoạch xây dựng nông trang. Anh chàng vui tính đáo để chẳng khác gì lão…”
Đavưđốp nhìn cái áo khoác trắng, nhận ra bác Suka và vô tình đã làm bác bị một mẻ tẽn:
- A, bố già đấy à? Đấy bố xem: mới hôm kia bố có vẻ bực mình khi biết con về đây có việc gì, thế mà hôm nay chính bố đã trở thành một nông trang viên rồi đấy. Hoan hô!
- Hôm ấy không có thời giờ…mải quá, cho nên phải đi ngay…- Bác Suka làu bàu, rồi lảng ra chỗ khác.
Họ quyết định chia nhau làm hai đội, đi trục xuất bọn kulắc. Đội thứ nhất làm ở xóm trên, đội thứ hai ở xóm dưới. Đavưđốp đề nghị Nagunốp phụ trách đội thứ nhất, nhưng Nagunốp dứt khoát từ chối. Thấy những con mắt nhìn anh, anh lúng túng khó chịu, và kéo Đavưđốp ra một chỗ.
Đavưđốp lạnh lùng hỏi:
- Cậu định giở trò gì vậy?
- Mình sang đội hai, làm ở xóm dưới tốt hơn.
- Có gì khác nhau?
Nagunốp cắn môi, ngoảnh mặt đi, nói:
- Cái đó thì…Thôi thì đằng nào rồi đồng chí cũng biết. Con vợ tôi…con Luska đã ngủ với thằng Chimôphây, con giai tên kulắc Phrôn Đamaxkốp. Tôi không muốn đến đấy. Người ta sẽ xì xào. Tôi đi xóm dưới, để Radơmiốtnốp đi với đội một…
- Chà, anh bạn, sợ người ta xì xào à?...Thôi được, mình cũng chẳng ép. Cậu sang đội hai, đi với mình.
Đavưđốp chợt nhớ ra rằng mới sáng nay, lúc vợ Nagunốp dọn cho anh ăn sáng, anh thấy trên lông mày cô ả một vết bầm cũ nửa tím nửa vàng. Anh ngó ngoáy cái cổ, như bị mùn khô rơi vào trong cổ áo, hỏi:
- Này, cậu cho cô ấy cái quả táo trên trán đấy à? Đánh phải không?
- Không, không phải mình.
- Vậy thì ai?
- Nó.
- “Nó” là ai?
- Thằng Chimôphây chứ ai…Thằng con lão Phrôn…
Đavưđốp ngỡ ngàng, lặng thinh vài phút, rồi vặc ra một câu:
- Mặc xác nó! Chả còn hiểu ra sao cả! Thôi, ta đi thôi, chuyện ấy để sau.
Nagunốp, Đavưđốp, Liubiskin, bác Suka và ba tay kô-dắc nữa rời khỏi trụ sở Xôviết.
- Ta bắt đầu từ thằng nào trước? – Đavưđốp hỏi, mắt không nhìn Nagunốp. Sau câu chuyện vừa rồi, cả hai đều cảm thấy ngượng ngập, mỗi người một kiểu.
- Từ thằng Titốc.
Họ lặng lẽ bước đi trên đường làng. Mấy mụ đàn bà đứng sau cửa sổ tò mò nhìn theo. Trẻ con bám sát họ, nhưng Liubiskin rút ở một hàng rào ra một cái roi, và bọn trẻ láu lỉnh rút lui ngay. Tới gần nhà Titốc, Nagunốp nói bâng quơ:
- Sẽ lấy cái nhà này làm trụ sở nông trang. Rộng rãi. Còn nhà kho thì làm chuồng ngựa.
Ngôi nhà quả là rộng thật. Năm 1923, giữa lúc đói kém, Titốc đã đổi một con bò cái xổi và ba pút lúa mì lấy ngôi nhà ấy ở làng Tubianxki bên cạnh.Vợ chồng con cái nhà chủ cũ ấy đã chết sạch, sau đó chẳng còn ai để mà nghĩ đến chuyện kiện cáo Titốc về lối mua bán ăn cướp ấy nữa. Hắn dỡ ngôi nhà chở về Grêmiatsi, lợp lại mái, dựng thêm cái nhà kho bằng gỗ tròn và cái chuồng ngựa, bố trí để ăn đời ở kiếp ở đấy…Trên bức tường hoa chắn mái quét vôi vàng, người thợ quét vôi đã kẻ một dòng chữ bay bướm bằng chữ xlavơ: “T.K. Bôrôđin.1923”.
Đavưđốp tò mò nhìn bao quát toà nhà. Nagunốp đi đầu, bước vào cổng. Nghe tiếng then lách cách, một con chó to tướng, màu lông chó sói, xích ở gian kho, nhảy chồm lên. Nó chồm lên, không sủa một tiếng, dựng đứng trên hai cẳng sau, phô ra cái bụng lông trắng mịn, và bị cổ dề thít lấy họng nghẹn thở, nó gầm ghè ằng ặc. Định lao lên, nó ngã ngửa, mấy lần muốn dứt xích không xong, rồi đâm bổ về phía chuồng ngựa, kéo loảng xoảng cái vòng xích trôi theo sợi dây thép căng phía bên trên chạy dài ra tới chuồng ngựa.
- Đồ quỷ này nó đuổi theo ai thì đừng hòng thoát. – Bác Suka miệng càu nhàu, mắt lấm la lấm lét, cẩn tắc vô áy náy đi né sát vào hàng rào.
Họ kéo ùn vào nhà. Mụ vợ Titốc, người cao và gầy ngẳng, đang cho bò con uống nước trong cái bồn gỗ. Mụ nhìn với một vẻ ngờ vực và ác cảm mấy ông khách bỗng đâu kéo đến. Thay cho lời chào, mũ lẩm bẩm câu gì nghe như: “Đến làm cái chết tiệt gì thế không biết?”.
- Anh Tít có nhà không? – Nagunốp hỏi.
- Không.
- Đi đâu vậy?
- Không biết. – Mụ trả lời như đấm vào tai.
- Mụ có biết chúng tôi đến đây làm gì không?..Chúng tôi…- Bác Suka lên tiếng với một giọng bí mật, nhưng Nagunốp lừ mắt nhìn bác một cái làm bác nuốt nước bọt đánh ực, đằng hắng một tiếng rồi ngồi xuống tấm ghế dài, tay vén tà áo trắng bằng lông không thuộc với một vẻ không thiếu trịnh trọng.
- Ngựa có trong chuồng không? – Nagunốp hỏi như thể không để ý đến sự tiếp đón lạnh nhạt của mụ ta.
- Có.
- Còn bò?
- Không. Các ông đến có việc gì vậy?
- Không thể nói cho mụ biết được…- Bác Suka lại lên tiếng, nhưng lần này Liubiskin lui ra cửa, túm đuôi áo lão lôi tuột ra phòng ngoài, làm lão không kịp nói nốt câu.
- Bò đực đâu?
- Thày nó dắt đi rồi.
- Đi đâu?
- Đã bảo không biết mà.
Nagunốp nháy mắt ra hiệu cho Đavưđốp, bước ra ngoài. Vừa đi anh vừa dúi quả đấm vào tận râu bác Suka, dặn:
- Im cái mồm đi nhá, ai khiến bác nói?
Rồi quay sang Đavưđốp:
- Hỏng to rồi! Phải kiểm tra xem hắn đem bò đi đâu. Khéo không nó tẩu tán hết mất…
- Bò cũng chẳng cần lắm..
Nagunốp phát hoảng lên:
- Anh nói lạ! Bò của nó hay nhất làng đấy. Tay với không tới sừng. Sao lại thế được! Phải tìm ra cả thằng Titốc lẫn bò của nó.
Thì thầm vài câu với Liubiskin xong, họ đi về phía chuồng bò, rồi từ đó sang nhà kho và nhà đập lúa. Năm phút sau, Liubiskin cầm một cái gậy khua lên lùa con chó lùi vào góc nhà kho, còn Nagunốp thì vào chuồng ngựa dắt ra một con ngựa lông xám, thắng cương vào, rồi túm lấy bờm nhảy lên cưỡi.
Mụ chủ nhà chạy ra thềm, tay chống nạnh tru chéo lên.
- Nhà anh kia làm cái gì đấy? Sao lại tự tiện vào bắt ngựa người ta như vậy? Lão nhà tôi về, tôi sẽ bảo cho!...Ông ấy sẽ nói chuyện với nhà anh!...
- Đừng ngoạc cái mồm lên như thế! Hắn mà có nhà thì chính tôi đây sẽ có chuyện nói với hắn. Đồng chí Đavưđốp, lại mà xem này!
Đavưđốp lúng túng chẳng biết xử sự ra sao trước hành động của Nagunốp, cứ bước tới.
- Có vết chân bò từ nhà đập lúa đi ra đường cái. Đây này. Thằng Tít đã đánh hơi biết, lùa bò đi bán tháo rồi. Xe trượt tuyết vẫn còn trong kho tất. Con mụ ấy điêu! Các đồng chí đi thanh toán thằng Kốtsêtốp đi, để tôi phóng ngược lên phía Tubianxki. Nó chỉ có thể đi về phía ấy được thôi. Bẻ hộ tôi cái roi ngựa.
Nagunốp qua sân đập lúa ra thẳng đường cái. Phía sau anh cuốn lên một đám bụi trắng, nó từ từ rơi xuống bám vào hàng rào và ngọn cỏ, lấp lánh ánh bạc nom loé mắt. Những vết chân bò, và song song là vết móng ngựa, chạy ra tới đường cái thì mất hút. Nagunốp phóng ngựa độ một trăm trượng về phía Tubianxki. Dọc đường, trông thấy trên mặt tuyết vẫn những vết chân như ban nãy bị gió phủ lên một lớp phấn tuyết, anh yên chí mình đi đúng hướng và cho ngựa bước chậm lại. Anh đi được nửa dặm thì bỗng đến một quãng tuyết các vết chân lại mất hút. Anh quay ngoắt ngựa lại, nhảy xuống chăm chú quan sát xem có phải tuyết đã quét những dấu chân ấy đi rồi không. Mặt tuyết vẫn nguyên trinh, chưa hề bị vẩn. Mãi tới phía dưới mới thấy những vết chân dẻ quạt của con chim khách. Nagunốp chửi đổng một câu, quay ngựa trở lại, bây giờ thì đi bước một, vừa đi vừa quan sát hai bên đường. Đi được một quãng ngắn thì lại gặp những dấu chân. Thì ra đàn bò đã tạt ngang ở chỗ gần bụi cây. Lúc nãy phóng ngựa nhanh anh đã không để ý. Anh đoán là Titốc đã vượt qua đồi đi tắt về phía ấp Vôixkôvôi. “Chắc là đến nhà một người nào quen”, - anh nghĩ bụng như vậy, và đi theo hút những vết chân, kìm ngựa cho bước chậm chậm. Bên kia sườn đồi, gần quãng Khe Tử, anh thấy trên mặt tuyết một đống phân bò, và dừng lại: phân còn tươi, chỉ vừa với phủ lên một lớp băng mỏng. Nagunốp thọc tay vào túi áo varơi, sờ cái báng lạnh ngắt của khẩu súng lục. Anh cho ngựa đi bước một xuống khe. Đi được độ nửa dặm nữa thì trông thấy, cách một quãng không xa, phía đằng sau lùm cây sồi trụi lá, một người cưỡi ngựa và một đôi bò đực không đóng ách. Người cưỡi ngựa ngồi gò lưng trên yên đang khua gậy lùa bò đi. Một làn khói thuốc xanh xanh bay tạt qua vai hắn, tan đi trong không trung.
- Quay lại!
Titốc dừng ngựa lại, con ngựa cái hí lên. Hắn ngoái nhìn, nhổ mẩu thuốc lá đi và thong thả tiến lên chặn đầu hai con bò, nói bằng một giọng đều đều.
- Cái gì thế? Họ!..Hooọ!.. Đứng lại!
Nagunốp cưỡi ngựa tới. Titốc đón anh bằng cái nhìn đăm đăm một lúc lâu.
- Mày đi đâu?
Titốc xỉ mũi, lấy bao tay chùi đi chùi lại bộ ria đỏ hung, quặp xuống như râu Mông Cổ:
- Chẳng giấu gì anh, tôi đi bán bò đây.
Hai người ngồi đối diện nhau trên lưng ngựa. Hai con ngựa khịt khịt mũi đánh hơi nhau. Khuôn mặt Nagunốp bị gió quất đỏ ửng, nom dữ tợn. Còn Titốc thì bề ngoài có vẻ thản nhiên, từ tốn.
- Lùa bò về! – Nagunốp ra lệnh, và lánh ngựa sang bên.
Titốc lưỡng lự một phút…Hắn đổi tay cương, cái đầu cúi rủ xuống, hai con mắt lim dim, và trong tấm áo dipun (°) xám bằng vải nhà dệt có mũ trùm đầu úp lên cái mũ rách, hắn nom như một con chim ưng đang ngủ gà. “Nếu hắn có cái gì trong áo, hắn tất cởi móc áo ra bây giờ” – Nagunốp nghĩ bụng như vậy, mắt không rời khỏi Titốc đang ngồi trên lưng ngựa không nhúc nhích. Rồi hắn như sực tỉnh, hoa gậy lên. Hai con bò theo vết cũ quay trở lại.
- Các anh định bắt bò của tôi phải không? Tịch thu tài sản à? – Titốc hỏi sau một lúc lâu im lặng, và từ dưới cái mũ trùm đầu đội sụp xuống tận lông mày, hai lòng trắng mắt xanh xanh của hắn long lanh nhìn Nagunốp.
Nagunốp không nén nổi nữa, quát lên:
- Thì mày đã muốn thế! Tao lôi cổ mày về như một thằng tù chó chết.
Titốc so vai lại. Hắn lặng thinh cho đến lúc xuống tới chân đồi. Rồi hắn hỏi:
- Các anh sẽ tống tôi đi đâu?
- Đi đày. Cái gì kềnh kệnh dưới áo mày kia?
- Một khẩu nòng cụt. – Titốc liếc nhìn Nagunốp và phanh vạt áo ra.
Từ cái túi áo trong thò ra như một khúc xương trắng to tướng cái báng đẽo thô sơ và lấm láp của khẩu súng trường đã cưa bớt nòng đi.
- Đưa đây tao! – Nagunốp đưa tay ra, nhưng Titốc thản nhiên gạt tay anh đi.
- Không, không đưa được!
Và hắn mỉm cười, để lộ ra dưới hai hàng ria quặp hàm răng ám đen khói thuốc lá, nhìn Nagunốp bằng đôi mắt sắc như mắt chồn nhưng có vẻ vui vui:
- Không đưa đâu! Các anh lấy hết của cải của tôi, lại định tước nốt khẩu súng này sao? Một tên kulắc thì phải có khẩu súng cưa nòng chứ, báo chí vẫn nói như vậy. Nhất thiết là phải có súng. Có lẽ tôi sẽ nhờ nó mà lần hồi kiếm ăn được đấy, phải không nhỉ? Chứ tôi cần gì đến các thông tín viên nông thôn…
Hắn cười, lắc lư cái đầu, và tay không rời trốc yên ngựa. Nagunốp không gặng bắt hắn nộp súng nữa, nghĩ bụng: “Về làng tao mới cho mày một trận”.
Titốc nói tiếp:
- Anh Maka ạ, chắc anh nghĩ, hắn mang súng theo làm gì vậy? Tai hoạ với nó thôi…Tôi có nó từ hồi quỷ nào ấy…À, từ hồi đi dẹp bọn nổi loạn phản cách mạng tôi mang nó về, anh có nhớ không? Chậc, nó vẫn nằm rỉ một xó nhà. Mới đây tôi đem nó ra lau sạch, cho ăn dầu mỡ tử tế, nghĩ bụng biết đâu chẳng cần đến nó, chống thú dữ hoặc kẻ xấu bụng nào đó. Và hôm qua tôi nghe tin các anh sắp sửa đi hỏi tội bọn kulắc…Nhưng tôi không dè hôm nay các anh đã xuất quân…Nếu không thì ngay đêm qua tôi đã cho đôi bò này đi rồi…
- Ai bảo mày biết?
- Cần gì ai bảo? Đồn ầm cả thiên hạ. Phaaải, và đêm qua tôi bàn với bà nó nhà tôi đem bò gửi chỗ chắc chắn. Còn khẩu súng này tôi đem nó theo, ý đồ là đem chôn giấu ngoài thảo nguyên để các anh vào lục nhà khỏi vô tình vớ được. Nhưng tôi lấy làm tiếc: chà, ông anh đến kia rồi! Tự nhiên mình thấy buồn buồn như kiến bò ở đầu gối quá! – Hắn nói bằng một giọng sôi nổi, vừa nói vừa đảo mắt với vẻ giễu cợt, và thúc con ngựa cái của mình lấy ức ép dồn cho con ngựa của Nagunốp.
- Titốc ạ, rồi mày sẽ tha hồ mà nói đùa sau! Còn bây giờ thì ăn nói cho tử tế.
- Hà! Mình lại cứ thích nói đùa bây giờ cơ. Tôi đã chiến đấu giành cho mình một cuộc sống dễ chịu, tôi đã bảo vệ chính quyền chính nghĩa, thế mà bây giờ cái chính quyền ấy túm lấy bờm tôi…- Giọng Titốc tắc nghẹn lại.
Từ đấy hắn nín thinh, cố tình ghìm ngựa đi chậm lại, làm sao cho Nagunốp đi trước dù nửa thân ngựa thôi cũng được, nhưng Nagunốp dè chừng nên cũng đi chậm lại. Thành ra đôi bò vượt lên trước hai người một quãng khá xa.
- Rảo rảo lên! – Nagunốp giục, mắt vẫn nhìn chằm chằm theo dõi Titốc và tay nắm chặt khẩu súng lục trong túi. Anh thì hiểu rõ thằng Titốc này quá! Hiểu nó hơn ai hết! – Này, đừng có lùi lại! Nếu mày định bắn tao thì không ăn tiền, không kịp với tao đâu.
- Thế ra anh cũng hốt đấy! – Titốc mỉm cười, rồi vụt con ngựa bằng cái gậy lùa bò, phi lên trước.
-------------------------
(°) Dipun: một kiểu áo nam giới của nông dân Nga ngày xưa, áo mặc ngoài, tà dài, bằng vải thô, không có cổ. – ND.