Iakốp Lukits ra đi từ sáng. Con ngựa ve vẩy cái đuôi đã buộc cẩn thận, bước đi lững thững. Hai chân trước bị long móng sắt của nó cứ xoạc ra trên con đường bùn nhẫy trơn tuột. Iakốp Lukits cũng chẳng lần nào giơ roi lên: lão chẳng đi đâu mà vội. Lão hút thuốc phì phèo, thả cương thõng xuống mỏ yên, đưa mắt ngắm nhìn thảo nguyên trải ra xung quanh Grêmiatsi Lốc, ở đó mỗi cái hố, mỗi khe rãnh, mỗi hang cầy cáo đều quen thuộc và thân thiết với lão từ thuở còn thơ. Lão ngắm nhìn những luống cày đất tơi no nước, nhìn những ngọn lúa mưa đã rửa sạch sẽ tinh tươm xối ngả xuống, và nghĩ bụng, trong lòng hậm hực cay cú: “Thằng sứt nói mưa, thế mà mưa thật! Lúa Kuban sẽ tốt! Cứ như Chúa cũng ủng hộ cái chính quyền khốn kiếp này không bằng! Trước kia chỉ toàn là thất bát với mất mùa, thế mà từ năm hăm mốt đến nay đúng là lúa cứ trĩu bông! Trời đất đứng cả về phe Chính quyền xôviết, vậy thì chờ đến bao giờ cho nó mòn mỏi rệu rã được? Chà, nếu đồng minh không giúp ta lật nhào bọn cộng sản, một mình ta thì ta cũng đến khoanh tay thôi. Không một cha Pôlốptxép nào đứng vững nổi, dù cho có thông minh tài giỏi thế nào chăng nữa. Sức mạnh cứ như nước lũ, đương đầu sao nổi? Lại thêm nỗi dân thì đốn mạt, tồi tệ đi… Đứa nọ tố giác đứa kia, cái đếch gì cũng báo cáo. Quân chó đẻ, nó chỉ lo thân nó, còn sống chết mặc bay. Ngán cho cái thời buổi! Và một hai năm nữa sẽ ra sao, có lẽ đến trời cũng chẳng biết… Còn mình ấy à, xem ra mình đã sinh vào giờ lành tháng tốt đấy, chứ nếu không thì việc mình dính vào Pôlốptxép đã chẳng kết thúc êm đẹp như thế đâu. Rồi lại cứ như cá chui vào lờ! Thôi thì cũng ơn Chúa là mọi việc đã xong xuôi yên ổn, trơn tru. Ta hẵng cứ đợi xem rồi sẽ xoay vần ra sao. Lần này chưa đoạn tuyệt được với chính quyền xôviết, biết đâu lần sau chẳng may mắn hơn!”.
Trên những ngọn cỏ sum suê dưới ánh nắng và trên những mầm lúa đã cứng cáp, hạt sương rung rinh như hạt ngọc xâu chuỗi. Gió đằng Tây lay động, và hạt sương rời cành, long lanh màu ngũ sắc, rơi xuống mặt đất thân yêu, dịu hiền và ngát hơi mưa.
Nước mưa chưa thấm hết xuống đất còn đọng vũng ở những vết xe trên đường, nhưng trên đầu Grêmiatsi Lốc đã bốc lên một làn sương mai hồng hồng, cao hơn ngọn cây dương. Và trên nền trời xanh đục, mảnh trăng lưỡi liềm bạc, nom như được nước mưa rửa sạch, đang mờ dần trong ánh bình minh đến bất chợt.
Trăng lưỡi liềm nằm nghiêng nghiêng, cong vút mảnh khảnh hứa hẹn những trận mưa lắm nước, và Iakốp Lukits nhìn trăng, trong bụng dứt khoát không còn một chút nghi ngờ: “Được mùa!”.
Gần trưa thì lão tới rừng sồi. Lão buộc ngựa cho nó ăn cỏ, rồi rút chiếc rìu thợ mộc nhỏ cài ở thắt lưng ra, đi đánh dấu những cây sồi ở khoảnh kiểm lâm dành cho nông trang Grêmiatsi.
Lão đã đánh dấu được sáu cây sồi ở bìa rừng và đi tiếp sang cây sau. Một cây sồi to, cao như cái cột cờ và thẳng tắp hiếm thấy, kiêu hãnh vươn mình trên đám cây che thấp loè xoè. Cao tít trên ngọn cây, một tổ quạ chấm một nét đen khắc khổ giữa vòm lá xanh sẫm bóng loáng. Cây sồi thân to như vậy thì có thể đoán là cũng trạc tuổi Iakốp Lukits. Lão nhổ một bãi vào lòng bàn tay, đứng nhìn cái cây xấu số, trong lòng bùi ngùi thương hại.
Lão đẽo một miếng, lấy bút chì tìm ghi lên quãng thân cây đã lột vỏ hai chữ “G.K” (°), đưa chân đá đi mảnh vỏ cây âm ẩm ứa nhựa như ứa máu, rồi ngồi xuống giở thuốc ra hút.
“Anh bạn già ơi, anh sống thế là đã bao nhiêu năm rồi nhỉ! Đã chẳng có ai cầm đầu cưỡi cổ được anh, và bây giờ thế là sắp đến lúc anh bạn phải chết. Người ta sẽ quật anh xuống, lột vỏ anh ra, chặt trụi bộ cành lá xum xuê của anh, rồi lôi anh xuống đầm, chôn chân anh xuống làm kè đắp đập!... – Iakốp Lukits ngửa đầu nhìn lên ngọn cao rung rinh của cây sồi, nghĩ bụng. – Anh bạn sẽ đứng chết dí dưới đầm nông trang cho đến lúc toàn thân anh mục rữa. Rồi nước lũ xuân sẽ cuốn anh đi, tới quãng nào đó ngoài cửa khe…, và thế là đời anh bạn tàn!”.
Nghĩ đến đấy, Iakốp Lukits bỗng có một cảm giác đau đớn, buồn và lo âu thế nào đó, khó hiểu. Lão áy náy băn khoăn. “Hay là tha chết cho anh bạn, không chặt? Nông trang thì thiếu gì cây… - Và trong lòng nhẹ hẳn đi, lão hớn hở quyết định: - Thôi, anh bạn cứ sống đi! Cứ mọc cao lên cho đẹp! Sống thế mới sướng chứ! Chẳng thuế má, chẳng đảm phụ, chẳng phải vào nông trang… Anh bạn cứ việc sống như Chúa đã an bài!”.
Lão lật đật đứng dậy, bốc một nắm bùn sét, trát lại cẩn thận quãng lão đã bổ ra đánh dấu. Lão bước đi khỏi khoảnh rừng, và yên tâm…
Iakốp Lukits bồi hồi đi đánh dấu tất cả là sáu mươi bảy cây, rồi lên ngựa, đi men theo bìa rừng. Ở cửa rừng, có tiếng ai réo lão:
- Bác Iakốp Lukits ơi, dừng lại tí!
Rồi từ sau bụi sơn trà nhô ra một người đội mũ lông đen, mặc chiếc áo bludông dày bằng dạ nhà binh cởi phanh khuy. Mặt người ấy đen sạm, da mặt căng lên trên đôi gò má gầy, mắt trũng sâu, và trên đôi môi nhợt nứt nẻ của hắn bộ ria mép lông măng nổi lên đen đen, nom như vẽ bằng than.
- Không nhận ra cháu à?
Tên ấy trật mũ ra; hắn nhớn nhác nhìn quanh, bước tới chỗ trống, và đến lúc ấy Iakốp Lukits mới nhận ra thằng Chimôphây, con lão Mũi toác.
- Mày ở đâu ra thế? – lão hỏi, sửng sốt trước cuộc gặp gỡ bất ngờ, trước tất cả cái bộ dạng của thằng Chimôphây nom gầy kinh khủng, khác đến nỗi không nhận ra nữa.
- Ở chỗ một đi là không trở về… Ở trại đi đày… Kôtlax.
- Trốn được à?
- Vâng, trốn… Có mang gì ăn đấy không, Iakốp Lukits? Có mẩu bánh nào không?
- Có!
- Cho cháu xin, lạy Chúa! Bốn ngày đêm nay rồi ăn toàn quả nạc thối…
Và cổ họng hắn giần giật như đang nuốt.
Môi hắn run run, mắt hắn long sòng sọc như mắt chó sói khi thấy bàn tay Iakốp Lukits rút trong bụng ra một góc bánh mì.
Hắn sà vào miếng bánh như người chết đói, làm cho Iakốp Lukits nhìn thấy cũng phải nghẹn thở. Hắn lấy răng giằng cái cùi bánh cháy đã khô cứng, đưa mấy ngón tay co quắp xé ruột bánh, và nuốt chửng, gần như không nhai, cái hầu nhọn hoắt ở cổ đưa lên đưa xuống một cách khó khăn vất vả. Và chỉ đến khi nuốt trôi miếng bánh cuối cùng, vừa nuốt vừa nghẹn, hắn mới ngẩng lên nhìn Iakốp Lukits bằng đôi mắt lờ đờ say đã mất đâu cái ánh long lanh mừng rỡ ban nãy.
Iakốp Lukits ái ngại nói:
- Cậu đói lắm nhỉ…
- Cháu đã bảo là năm hôm nay đói quá, lúc thì cháu ăn quả nạc thối, lúc thì kiếm quả dâu héo khô từ năm ngoái… Rạc người đi.
- Nhưng làm thế nào mà mò được về đến đây?
Chimôphây mệt nhọc đáp:
- Cháu đi bộ trên ga về. Đi đêm.
Hắn tái mét đi trông thấy, dường như còn bao nhiêu sức lực hắn đã dốc hết vào việc ăn vừa rồi. Một cơn nấc không kìm được làm người hắn nẩy bắn lên, mặt cau lại đau đớn.
- Thế thầy còn sống không? Cả nhà thế nào, khoẻ chứ? – Iakốp Lukits hỏi tiếp. Lão vẫn ngồi trên lưng ngựa, và chốc chốc lại đưa mắt nhớn nhác nhìn quanh.
- Thầy cháu sưng phổi chết rồi, mẹ và con em cháu thì vẫn đấy. Làng xóm thế nào hả bác? Luska vẫn thường chứ?
- Nó bỏ chồng rồi, cháu ạ…
Chimôphây tỉnh lên;
- Cô ấy bây giờ ở đâu?
- Ở nhà bà cô, tự kiếm lấy ăn.
- Này, bác Iakốp ơi, thế này bác nhá… Về đến làng, bác hộ cháu, bảo cô ấy mang ngay hôm nay cái gì ăn đến đây cho cháu. Cháu lả lắm rồi, không lê được nữa, phải nằm nghỉ, lấy lại tí sức đã. Một trăm bảy mươi dặm, mà lại đi đêm, và đi đêm nơi đất lạ thì bác biết đi như thế nào không? Cứ nhắm mắt đi mò… Bảo cô ấy thế nào cũng mang đến. Khoẻ lên một tí, cháu sẽ lần về làng… Nhớ quê hương làng xóm muốn chết!
Và hắn mỉm cười ngượng nghịu. Iakốp Lukits không lấy gì làm thú vị về cuộc gặp gỡ này, dò hỏi;
- Thế rồi cậu lấy gì mà sống?
Chimôphây nét mặt rắn đanh lại, đáp;
- Lấy gì à? Cháu bây giờ đã lâm vào cảnh một con chó sói. Cháu nghỉ lấy sức một tí, rồi đêm sẽ về làng, đào lấy khẩu súng… Cháu chôn nó trong kho thóc… Rồi cháu sẽ bắt đầu làm ăn! Cháu chỉ có độc một con đường. Chúng định bắn giết cháu, cháu sẽ bắn giết lại chúng nó. Cháu sẽ cho một thằng nào đó xơi kẹo đồng… Chậc, cháu sẽ ở rừng sồi hết hè này cho đến sang thu, bắt đầu băng tuyết cháu sẽ tếch sang Kuban, hoặc đi đâu đó. Gầm trời thênh thang, và những người như cháu thì thiếu giống, chẳng phải chỉ một vài trăm mà thôi đâu.
Iakốp Lukits đã nhiều lần để ý thấy Luska chạy đến nhà Đavưđốp, ngập ngừng báo cho Chimôphây:
- Con Luska, con vợ thằng Maka bây giờ có vẻ bám thằng chủ tịch nông trang.
Chimôphây chui vào một bụi cây nằm. Một cơn đau dữ dội ở quãng dạ dày vật hắn xuống. Nhưng hắn vẫn nói léo nhéo, mặc dầu cứ ngắt từng câu:
- Đavưđốp, thằng chó đểu ấy sẽ là thằng đầu tiên… Cho nó về chầu trời… Luska vẫn chung tình với cháu… Tình xưa nghĩa cũ quên sao được… Đâu phải chuyện sớm nắng chiều mưa… Cháu vẫn có cách đốt cháy được trái tim cô ta… Lòng cô ta chưa chai lại đâu, cháu chắc chắn… Ối bác ơi, miếng bánh mì của bác giết cháu… bụng cháu đau như xé... Bác bảo hộ Luska thế… mang bánh mì và thịt mỡ cho cháu… Nhiều bánh vào!
Iakốp Lukits báo cho Chimôphây đề phòng mai người ta sẽ bắt đầu vào đẵn cây ở cánh rừng sồi này. Rời rừng ra về, lão đi tới khu đồng đội hai, thăm khoảnh gieo lúa Kuban. Trên toàn bộ diện tích đất cày mới đây còn đen ngòm màu than, mầm non của lúa rốt cuộc đã vươn lên, mơn mởn như một tấm thảm xanh…
Tối mịt Iakốp Lukits mới về làng. Từ chuồng ngựa nông trang đi bách bộ về nhà, lão vẫn không trút được cái ấn tượng nặng nề đã đeo đẳng lão suốt ngày hôm nay về cuộc gặp gỡ thằng Chimôphây. Và ở nhà lão, một chuyện khó chịu khác còn cay đắng hơn hàng trăm lần đang chờ lão…
Lão vừa mới bước vào tới nhà ngoài thì cô con dâu đã từ trong bếp chạy bổ ra, thì thào báo tin:
- Thày ơi, có khách…
- Ai thế?...
- Ông Pôlốptxép và cái ông… ông chột. Họ đến lúc mới xẩm tối… hai mẹ con đang vắt sữa bò… Các ông ấy đang ngồi trong phòng xép. Ông Pôlốptxép sặc mùi rượu, còn cái ông kia, thật chả hiểu thế nào… Cả hai rách tả tơi, đến phát khiếp! Rận nhung nhúc… Nom thấy bò lổm ngổm trên quần áo!
… Trong phòng nghe có tiếng chuyện trò; Liachépxki vừa ho húng hắng vừa nói giọng đay nghiến, giễu cợt:
- … Tất nhiên rồi! Ngài là ai, hả thưa ngài? Tôi xin hỏi ngài thế, thưa ngài Pôlốptxép đáng kính. Và tôi cũng xin nói ngài rõ ngài là ai… Có được không ạ? Xin phép ngài, ngài là một nhà ái quốc không tổ quốc, một ông tướng không quân, và nếu ngài thấy so sánh như thế cao siêu và trừu tượng quá thì ngài là một dân cờ gian bạc lận không xu dính túi.
Nghe tiếng nói ồm ồm của Pôlốptxép cất lên, Iakốp Lukits rụng rời, đổ ngả lưng vào tường, hai tay ôm lấy đầu…
Trò xưa lại tái diễn.
---------------------------------
(°) G.K. – Hai chữ đầu của “Nông trang Grêmiatsi” viết bằng tiếng Nga. – ND.