Nhưng ngay trong năm đầu của đời sống làm ăn tập thể Grêmiatsi Lốc đã bỏ cái lệ “những tháng ăn chơi”. Lúa vừa mới lên, người ta đã bắt tay vào làm cỏ. Đavưđốp tuyên bố trong một cuộc họp:
- Ta sẽ làm cỏ ba lần, sao cho không còn một ngọn cỏ dại trên ruộng lúa nông trang.
Iakốp Lukits Ôxtơrốpnốp khoái lắm. Vốn tính hoạt động và nhanh nhẹn tháo vát, lão rất thích cái lối làm ăn cả làng sôi động, người nào việc nấy tíu tít bận rộn ấy. “Chính quyền xôviết bay cao đấy, nhưng để rồi xem nó hạ cánh đậu xuống như thế nào! Nào xới cỏ lúa, nào cày ải, nào chăn nuôi, nào sửa chữa nông cụ… Nhưng dân có chịu làm không cơ chứ! Vả lại bắt đàn bà con gái đi làm cỏ lúa ư? Khắp Quân khu Sông Đông này xưa kia chẳng ai làm cỏ lúa cả. Mà không làm cỏ là sai. Nếu có làm cỏ thì hẳn lúa đã tốt hơn rồi. Mình đúng là già mà dại, đáng lẽ mình cũng nên làm cỏ mới phải. Mùa hè đám đàn bà chỉ “chơi rông chơi dài”, lão nghĩ bụng như vậy, và tiếc ngẩn tiếc ngơ xưa kia thời còn cá thể đã không biết làm cỏ lúa của mình.
Chuyện trò với Đavưđốp, lão nói:
- Chuyến này thì tha hồ mà hốt lúa, đồng chí Đavưđốp hề! Trước kia có cái lối người ta ném hạt thóc giống xuống, rồi khoanh tay ngồi chờ kết quả. Và kết quả là cùng với cây lúa là cỏ gai, là cỏ gà, là cỏ sữa và đủ các thứ cỏ chết tiệt khác. Mang ra đập, nom bó lúa thì cũng có vẻ hay đấy, nhưng đem thóc ra cân thì mỗi đêxiachin được bốn chục pút, thậm chí còn ít hơn.
Sau chuyện dân làng cướp thóc giống trong kho nông trang, Đavưđốp đã có ý định cắt chức quản lý của Ôxtơrốpnốp. Anh nghi ghê lắm… Anh nhớ khi trông thấy Ôxtơrốpnốp trong đám đông không phải chỉ là vẻ hoang mang mà có cả một nụ cười hằn học, chờ đợi… Ít ra thì cũng là Đavưđốp lúc ấy thấy như thế.
Ngay hôm sau anh gọi Iakốp Lukits đến buồng mình, bảo mọi người ra ngoài, rồi hai người chuyện trò nho nhỏ với nhau.
- Hôm qua ông đứng làm gì ở sân kho?
- Tôi giải thích cho người ta mà, đồng chí Đavưđốp ạ. Tôi khuyên cái bọn địch ấy phải tỉnh ngộ lại, không được tự ý lấy thóc nông trang. – Iakốp Lukits đáp lại ráo hoảnh.
- Ông nói gì với bọn các bà ấy… Sao ông lại bảo họ tôi giữ chìa khoá kho?
- Đâu có chuyện! Lạy Chúa! Tôi nói thế với ai? Tôi chẳng nói với ai bao giờ…
- Chính các bà ấy khi lôi tôi đi đã bảo như vậy…
- Điêu quá! Tôi xin thề độc. Họ chỉ đặt điều… Họ ghét tôi họ nói thế thôi.
Thế là quyết tâm của Đavưđốp bị lung lay. Và tiếp ngay sau chuyện đó, Iakốp Lukits hoạt động sôi lên sùng sục, chuẩn bị cho vụ làm cỏ, thu thập các phương tiện tổ chức nhà ăn tập thể, đưa tới tấp ra ban quản trị những phương án làm ăn hợp lý đến nỗi một lần nữa Đavưđốp phải chịu lão quản lý xốc vác của mình.
Iakốp Lukits đề nghị với ban quản trị cho đào ở khu đồng của các đội một số hồ mới. Lão còn ấn định cả vị trí đào ở dưới các lòng trũng là nơi thuận tiện hơn cả cho việc giữ con nước xuân. Theo ý lão thì việc xây dựng các hồ mới phải làm quá nửa kilômét. Đavưđốp và tất cả các uỷ viên quản trị đều buộc phải thừa nhận phương án của Ôxtơrốpnốp rất hay, bởi vì các hồ đầm cũ hình thành hoàn toàn không phải trên cơ sở nhu cầu của nông trang. Chúng nằm rải rác lung tung trên thảo nguyên, và mùa xuân bò ngựa của các đội đi uống nước phải kéo nhau đi tới hai cây số rưỡi, hoặc ba cây. Thời gian lãng phí khá nhiều. Bò cày mệt, đi ra được chỗ uống nước rồi trở về mất gần hai tiếng đồng hồ, thời gian ấy để cày bừa thì chúng có thể làm được không phải chỉ một hécta mà thôi. Ban quản trị đã đồng ý cho xây dựng một số hồ mới, và Iakốp Lukits tranh thủ lúc công việc đồng áng rảnh rỗi, được phép của Đavưđốp, cho tiến hành chuẩn bị gỗ lạt đóng kè.
Chưa hết, Iakốp Lukits lại còn đề xuất nên xây dựng một lò gạch, và đã chứng minh được một cách dễ dàng cho Akaska Mênốc – anh chàng này không tin vào tính chất kinh tế của công trình ấy, - thấy rằng xây chuồng ngựa trung tâm và chuồng bò thì nung gạch lấy sẽ rẻ hơn rất nhiều so với mua mất bốn rúp rưỡi một trăm viên, mà lại còn phải chuyên chở một quãng đường hai mươi tám kilômét từ trên huyện về. Và cũng vẫn lại Iakốp Lukits đã thuyết phục được bà con nông trang viên đội ba nên kè lại Đầm Dữ, vì năm này qua năm khác nó cứ xói mòn những khoảnh đất màu mỡ quanh làng mà ở đó trồng kê lên rất tốt, còn dưa bở thì quả to và ngọt tuyệt trần. Dưới sự chỉ huy của lão, bà con đóng cọc, rấp cành, trát phân khô, đổ đá, và trồng lên bãi lầy những cây con giống bạch dương và liễu để chúng ăn lan ra giữ đất. Một diện tích không nhỏ đã được cứu khỏi bị xói mòn.
Tất cả những chuyện ấy góp lại đã củng cố được địa vị bị lung lay của Iakốp Lukits trong nông trang. Đavưđốp quyết định dứt khoát: không vì lý do gì để mất lão quản lý và tìm mọi cách khuyến khích óc sáng kiến quả là vô tận của lão. Đến ngay cả Nagunốp cũng thấy xuôi xuôi đối với Iakốp Lukits. Trong một hội nghị chi bộ anh đã phát biểu:
- Mặc dầu theo bụng dạ lão thì lão chẳng phải người của ta đâu, nhưng lão là một tay làm ăn sắc sảo. Chừng nào ta chưa đào tạo được người mình cũng thạo việc như lão thì ta cứ giữ lão làm quản lý. Đảng ta rất chi là thông minh. Đảng có hàng triệu khối óc, do đó mà sáng suốt. Có tên kỹ sư là một quân chó má ruột gan phản cách mạng. Căn cứ vào bụng dạ nó thì phải đem nó đặt dựa lưng vào tường mà bắn chết quách đi, nhưng người ta không đặt, mà bảo nó: “Mày là một người có học. Này, tiền đây, đi mà nốc cho trương bụng lên, mua cho con vợ mày đôi bít tất cho nó thích, nhưng hãy vắt óc, trổ hết nghề kỹ sư của mày ra mà phục vụ cách mạng thế giới!”. Thế là nó làm đấy. Mắt nó thì vẫn ngoái lại cuộc sống ngày xưa, nhưng tay nó làm. Đem bắn nó thì được cái gì? Tước được cái quần cũ, và có thể là cái đồng hồ quả quýt có dây đeo nữa, thế thôi. Đằng này, để nó làm việc, nó đem lại cho ta trăm nghìn cái lợi. Đối với lão Ôxtơrốpnốp của ta cũng vậy: cứ để lão đắp kè, đào ao. Tất cả những cái đó đều có lợi cho Chính quyền xôviết và thúc đẩy cách mạng thế giới!
Cuộc sống Iakốp Lukits đã trở lại một trạng thái thăng bằng nào đó. Lão hiểu rằng tất cả những lực lượng đứng đằng sau Pôlốptxép và cầm đầu cuộc chuẩn bị nổi loạn, lần này đã thất bại; lão tin chắc bây giờ thì sẽ không có loạn lạc nữa gì hết, vì thời cơ đã bỏ lỡ mất rồi và trong tư tưởng những người kô-dắc thù ghét nhất Chính quyền xôviết cũng đã có một chuyển hướng nhất định. “Xem ra có vẻ như là Pôlốptxép và Liachépxki đã vượt biên chuồn rồi” - Iakốp Lukits nghĩ bụng như vậy, mà lòng thì đôi ngả, nửa tiếc cay tiếc đắng đã không có dịp lật nhào được Chính quyền xôviết, nửa vui mừng thảnh thơi: từ nay sẽ không có gì đe doạ cuộc sống yên ấm của lão nữa. Từ nay trông thấy anh công an trên huyện xuống Grêmiatsi Lốc, lão sẽ không nôn nao sợ hãi nữa; chứ cứ như trước kia thì chỉ độc nhìn thấy tấm áo capốt đen của anh ta lão đã run bắn, hãi không tưởng tượng được.
Một lần, chỉ có hai mẹ con với nhau, bà già lão hỏi lão:
- Thế nào, chính quyền của bọn vô đạo sắp xuống lỗ chưa con?
Iakốp Lukits bực mình không chịu được với câu hỏi không đúng lúc ấy, cau có đáp lại bằng một giọng chua chát:
- Bà ơi, chuyện ấy thì có can hệ gì đến bà?
- Can hệ chứ sao lại không? Chúng nó đóng cửa nhà thờ, đấu tố cụ đạo… Có đúng vậy không?
- Bà tuổi già sức yếu rồi, ngồi mà cầu Chúa thôi… Còn chuyện đời thì đừng dây vào nữa. Bà rắc rối lắm!
Mụ già không thôi. Mụ chẳng hiểu sao thằng con Iakốp của mụ lại không chịu “thay đổi chính quyền” đi.
- Thế các ông sỹ quan, các ông ấy xéo đâu cả rồi? Cái ông chột mắt ỉa ra khói cứ ngồi ru rú ấy, ông ta đã chuồn đi đâu mất tăm thế? Và anh nữa!... Mới lúc nào anh còn xin tôi ban phúc lành cho, thế mà bây giờ lại đi hầu hạ chính quyền kia!
- Ối bà ơi, bà làm con cứ lạnh cả gáy! Thôi bà đừng lảm nhảm nữa cho con nhờ! Bà còn lôi thôi những chuyện ấy ra làm gì nữa hả? Rồi lại sắp đi kể vung tứ linh lên đây!... Bà muốn con mất đầu hay sao, hả bà ơi! Bà vẫn bảo: “Chúa làm gì đi nữa cũng chẳng qua sự lành”. Thế thì bà cứ ngồi sống cho khoẻ. Mũi bà có hai cái lỗ đấy, bà dùng mà hít ra hít vào chứ đừng bép xép nữa… Người ta không muốn cướp mất miếng ăn của bà đâu mà lo… Bà còn muốn gì nữa, lạy Chúa!...
Lời đi tiếng lại xong, Iakốp Lukits nhảy bổ ra đường, như bị bỏng nước sôi, và hồi lâu sau vẫn không sao trấn tĩnh trở lại được. Và lão hạ lệnh cho vợ, con giai và con dâu với một vẻ mười phần nghiêm khắc:
- Mở to mắt ra mà trông coi bà! Bà đến làm tao chết cháy mất thôi! Hễ có ai lạ đặt chân vào nhà thì lập tức nhốt ngay bà vào trong buồng.
Và thế là ngày đêm mụ già bị nhốt chặt. Nhưng chủ nhật thì mụ được thả cho tự do. Mụ đến chơi đám bạn già, cũng khọm như mụ, rồi khóc lóc, than thở:
- Ối các bà chị ơi! Hai vợ chồng thằng Iakốp Lukits nhà tôi cứ nhốt chặt tôi trong buồng khoá trái… Tôi chỉ còn được ăn có độc thứ bánh khô thôi, bánh khô chấm nước mắt. Trước, hồi mùa chay, khi trong nhà tôi có các ông sỹ quan đến ở - là tôi nói ông chỉ huy của thằng Iakốp nhà tôi và người bạn của ông ta đấy, và có khi lại cho tôi xúp thịt nữa…, thế mà bây giờ chả hiểu sao tự nhiên chúng nó làm tội làm tình tôi thế… Cả thằng chồng lẫn con vợ… Hu hu hu hu!... Tôi chết mất thôi, các bà chị ơi: con mình rứt ruột đẻ ra, thế mà không hiểu sao nó thù oán mình cái gì chẳng rõ. Trước, nó đến xin tôi ban phước cho nó để nó đi diệt cái chính quyền vô đạo này, thế mà bây giờ tôi cứ động mở miệng nói một câu chống lại chính quyền là nó lại chửi rủa tôi…
… Cuộc sống yên ổn của Iakốp Lukits, chỉ bị u ám đi vì những cuộc cãi vã giữa hai mẹ con thôi, - chẳng bao lâu nữa sẽ chấm dứt một cách bất ngờ.