- Chào các đồng bào kô-dắc!
Một anh chàng râu đen cầm cương mấy con ngựa cụt đuôi đáp:
- Lạy Chúa!
- Xe ở đâu đến đấy?
- Bên Iarxki đây.
- Sao ngựa bên các anh lại không có đuôi thế? Chặt đuôi chúng nó đi làm gì vậy?
- Brrr…, họ! Con nỡm này! Chặt đuôi rồi mà vẫn cứ động cỡn… Ông hỏi sao không có đuôi hả? Cắt đi nộp nhà nước rồi. Các ông bà tỉnh thành cần đuôi để xua ruồi mà… Có gì hút không, ông bạn phúc đức ơi! Đãi anh em một điếu, món thuốc hút bọn chúng tôi khan lắm.
Nói xong anh chàng kô-dắc nhảy trên xe xuống.
Các xe sau cũng chững lại. Banhích lấy làm tiếc là đã bắt chuyện với họ. Hắn miễn cưỡng móc túi lấy thuốc lá ra, mắt đã nhìn thấy có thêm năm người nữa bỏ xe đấy bước tới, vừa đi vừa xé giấy báo để cuốn thuốc.
- Các ông chơi nhẵn túi thuốc của anh em rồi. - Anh chàng kiệt xỉ Banhích rên lên.
- Bây giờ là nông trang, ông biết không? Mọi cái đều phải là của chung. - Anh chàng rậm râu nghiêm nghị nói, và coi túi thuốc cứ như của mình, nhúm lấy một nhúm to ra dáng.
Họ châm thuốc hút. Banhích đút vội túi thuốc vào túi quần sarôva, cười khẩy thương hại và khinh bỉ nhìn những đuôi ngựa cắt cụt đến tận sát khấu. Đám ruồi xuân đói máu lăn xả vào đàn ngựa, đậu lên những mảng sườn nhễ nhại mồ hôi và lên những đôi vai chai đi vì kiềng cổ. Mấy con ngựa theo thói quen vẫy vẫy đuôi xua ruồi, nhưng những mẩu đuôi cụt lủn, không còn lông nữa, nom dơ dáng, chẳng tác động gì đến bọn ruồi cả. Banhích hỏi xỏ:
- Con này nó lấy đuôi chỉ trỏ cái gì vậy?
- Vẫn trỏ mãi có một chỗ thôi: nông trang. Thế bên các anh không cắt à?
- Có, nhưng chỉ cắt hai vécsốc thôi.
- Đó là lệnh của ông chủ tịch Xôviết bên chúng tôi đấy, ông ta được thưởng, nhưng đến mùa ruồi thì lũ ngựa khốn nạn! Thôi, ta đi thôi chứ. Cảm ơn cái khoản thuốc. Làm được vài hơi mát cả lòng cả dạ chứ suốt dọc đường, thèm thuốc mà muốn hoá dại.
- Các anh đi đâu bây giờ?
- Sang Grêmiatsi.
- Vậy là sang bên chúng tôi. Có việc gì thế?
- Đi lấy thóc giống.
- … Thế là thế nào?
- Trên huyện lệnh cho sang bên các anh lấy thóc giống. Bốn trăm ba chục pút. Nào, đi thôi!
- Mình đã biết mà! - Banhích kêu thốt lên và tức tốc chạy về làng.
Đoàn xe làng Iarxki chưa kịp tới trụ sở nông trang thì nửa làng đã biết tin bên Iarxki sang lấy thóc giống. Banhích đã không tiếc đôi chân, chạy sục hết nhà này sang nhà khác, loan báo.
Thoạt tiên là đám đàn bà túm tụm lại trên các đường ngõ, mồm loa mép giải, om sòm, như những đàn chim đa đa bị náo động.
- Họ đến lấy thóc của ta, các bà chị ơi!
- Sẽ không còn lấy một hạt để gieo đâu!
- Khổ cái thân tôi không cơ chứ!
- Những người biết đã bảo chớ có dại đổ thóc kho công mà…
- Các lão ấy mà chịu nghe chúng mình thì đâu đến nỗi!
- Phải đi báo cáo các lão ấy để mà giữ thóc!
- Chị em ta ra mà giữ lấy cũng được! Đi thôi, các bà ơi. Lên kho! Kiếm lấy cái gậy, không cho đứa nào bén mảng sờ đến ổ khoá cả.
Rồi xuất hiện đám đàn ông. Và giữa họ quanh quẩn cũng ngần ấy lời đi tiếng lại. Từ ngõ này sang ngõ kia, đường này sang đường khác, họ dồn lại thành một đám khá đông kéo nhau ra sân kho.
Trong khi đó Đavưđốp đọc lướt qua thư của chủ tịch Nông hội huyện do bà con bên Iarxki mang đến. Thư viết:
"Đồng chí Đavưđốp, kho các đồng chí còn giữ 73 tạ thóc thuế tiểu mạch chưa nộp. Yêu cầu các đồng chí giao số thóc đó (tất cả 73 tạ) cho nông trang Iarxki. Nông trang ấy thiếu thóc giống. Tôi đã trao đổi và có sự đồng ý của Phòng lương thực rồi".
Đavưđốp đọc xong, cho lệnh giao thóc. Đám Iarxki đánh xe rời trụ sở nông trang ra sân kho, nhưng sắp tới thì bị dân đổ ra chặn đường. Khoảng hai trăm đàn bà, đàn ông vây lấy đoàn xe.
- Các anh đi đâu?
- Đến lấy thóc của người ta hả? Quỷ tha ma bắt các anh đi!
- Quay xe về!
- Không cho lấy!
Đemka Usakốp chạy bổ đi gọi Đavưđốp. Đavưđốp rảo cẳng chạy ra kho.
- Cái gì thế, đồng bào? Tụ tập lại làm gì thế này?
- Tại sao anh lại giao thóc của chúng tôi cho bên Iarxki? Chúng tôi đem thóc nhập kho để cho họ lấy à?
- Anh Đavưđốp, anh lấy quyền gì mà cho họ?
- Chúng tôi lấy gì mà gieo?
Đavưđốp leo lên thềm nhà kho gần đấy nhất, bình tĩnh giải thích rõ rằng anh giao thóc theo lệnh của Nông hội huyện và không phải là giao thóc giống mà là số thóc thuế còn thiếu.
- Đồng bào cứ yên tâm, thóc của chúng tôi còn nguyên. Mà bà con cũng không nên láng cháng ở đây cắn hạt quỳ, mà nên ra đồng làm đi thôi. Bà con nên nhớ là các đội trưởng sẽ ghi tên những ai không đi làm đấy. Ai vắng mặt, chúng tôi sẽ phạt.
Một số đàn ông bỏ đi. Nhiều người nghe Đavưđốp giải thích, yên chí ra đồng làm. Thủ kho bắt đầu trao thóc cho bên Iarxki. Đavưđốp quay về trụ sở. Nhưng nửa giờ sau, trong tâm trạng của đám đàn bà vẫn túc trực quanh kho thóc có một sự thay đổi ngoắt lại. Iakốp Lukits hùn thêm vào, rỉ tai mấy anh kô-dắc:
- Đavưđốp nói dối! Chở thóc giống đi đấy! Giữ lại đủ thóc cho nông trang gieo, còn thóc gieo của nông dân cá thể thì họ đưa cho nông trang Iarxki.
Các bà xôn xao lên. Banhích, Đêmít Miệng hến, ông lão Đônétxkốp và khoảng 3 chục anh kô-dắc nữa bàn bạc với nhau xong, tiến đến chỗ đặt cân.
Đônétxkốp thay mặt mọi người, tuyên bố:
- Chúng tôi không cho lấy thóc đâu.
Đemka Usakốp vặc lại:
- Ai cần xin phép anh!
Thế là bắt đầu đấu khẩu. Đám bên Iarxki ủng hộ Đemka. Chính cái anh chàng râu đen lúc nãy Banhích đãi thuốc lá, đứng cao lớn sừng sững trên xe chửi rủa năm phút rồi bắt đầu quát tháo:
- Thế ra các người phá hoại chính quyền hả? Các người cà khịa với chúng tôi cái gì? Giữa lúc thời vụ căng thẳng chúng tôi phải bỏ ra đi bốn mươi dặm đường, thế mà các người không chịu giao thóc chính phủ hả? Công an GPU đang hỏi thăm các người đấy! Lũ chó đẻ các người là cứ phải tống đi tù Xôlốpki mới biết thân! Cứ như con chó nằm đống rơm, nhá thì không nhá được, mà bò muốn ăn thì không cho! Các người đứng đây làm gì, sao không ra đồng làm? Hôm nay ngày lễ chắc?
- Mày muốn gì hả? Ngứa râu hẳn? Được, để chúng tao gãi cho!... Gì chứ cái ấy thì có ngay! - Anh Hai Akim, con lão Bexkhlépnốp gào lên, xắn tay áo, lên tới chỗ chiếc xe.
Anh chàng rậm râu bên Iarxki nhảy trên xe xuống. Anh ta chẳng buồn xắn tay chiếc áo nâu bạc phếch nữa, tống luôn cho anh Hai Akim một quả như trời giáng vào giữa quai hàm, làm Akim bay đi hai thước, xô giãn đám đông, hai tay khua lên như cánh quạt cối xay gió.
Bắt đầu một cuộc loạn đả lâu lắm không thấy có ở Grêmiatsi Lốc. Đám Iarxki bị một trận đòn đau, máu me đầm đìa, bỏ lại các bao thóc, nhảy lên xe, quất ngựa lao bừa qua đám các mụ đang chu tréo, chuồn thẳng.
Thế là một làn sóng phẫn nộ lan đi khắp Grêmiatsi Lốc. Người ta định tước của Đemka Usakốp chìa khoá kho thóc, nhưng Đemka khôn hồn nhân lúc đánh nhau lộn ẩu lỉnh qua đám đông, chạy về trụ sở.
- Giấu chìa khoá đi đâu bây giờ, đồng chí Đavưđốp ơi! Bên ta đánh bên Iarxki, chắc họ sắp kéo nhau đến đây bây giờ đây!
Đavưđốp bình tĩnh nói:
- Đưa đây cho tôi.
Anh cầm lấy khoá, đút túi, đi ra kho. Trong khi đó thì các mụ đã lôi được Anđrây Radơmiốtnốp ở trụ sở xôviết ra hò hét om sòm:
- Mít tinh đi!
- Các bà ơi! Các thím, các mẹ, các em ơi! Không mít tinh gì cả! Bây giờ là phải gieo hạt, chứ đâu phải lúc mít tinh! Mít tinh làm gì mới được chứ? Mít tinh là cái tiếng con nhà binh đấy. Trước khi mở miệng nói đến tiếng ấy, phải qua ba năm chui rúc hầm hố chiến hào đã! Phải ra trận, nuôi béo chấy rận đã rồi hãy nói đến tiếng mít tinh! - Radơmiốtnốp cố lý lẽ giải thích cho đám đàn bà.
Nhưng họ chẳng thèm nghe; họ túm lấy quần sarôva của anh, túm cánh tay, túm vạt áo lôi anh xềnh xệch đến trường học, la lối lên:
- Bà thiết gì chui rúc hầm hố!
- Ai thiết gì ra trận!
- Tuyên bố khai mạc mít tinh đi, không thì các bà khai lấy đấy!
- Thằng chó đẻ, nó nói láo chứ sao lại không mít tinh được? Mày là chủ tịch, mày làm được!
Anđrây đẩy các mụ ra, bịt tai lại, gào lên cố át tiếng la ó của họ:
- Các bà hãy im đi đã! Mít tinh về việc gì cơ chứ?
- Việc thóc! Chúng tôi muốn nói chuyện với các anh về việc thóc!
… Rốt cuộc Radơmiốtnốp đã bắt buộc phải tuyên bố:
- Tôi tuyên bố khai mạc.
Mụ goá Ekachêrina Guliatsaia lên tiếng:
- Tôi có ý kiến!
- Thì nói đi, đồ quỷ liếm!...
- Này anh chủ tịch, đừng giơ ma quỷ ra với tôi! Không thì tôi cho anh đi đời nhà ma đấy… Ai cho phép các anh đưa thóc của chúng tôi đi đâu? Ai lệnh giao thóc cho bên Iarxki, và để làm gì?
Nói xong, mụ Guliatsaia chống nạnh, ưỡn ngực đợi trả lời.
Anđrây xua mụ như xua một con ruồi quấy dai.
- Chuyện này đồng chí Đavưđốp có đầy đủ thẩm quyền đã giải thích các bà rõ rồi. Còn tôi, tôi khai mạc họp không phải để nói những chuyện dấm dớ ấy, mà là vì… - Anđrây thở dài, đồng bào thân mến ạ, ta phải dốc toàn lực ra mà diệt chuột đồng…
Mưu mẹo của Anđrây không đạt kết quả.
- Chuyện chuột đồng lôi thôi gì vào đây!
- Ai thèm nói chuyện chuột đồng!
- Trả thóc chúng tôi đây!
- Cái lão bẻm mép kia, bôi vôi vào mép anh! Lại lái sang chuyện chuột đồng! Thế chuyện thóc để ai nói?
- Chuyện ấy có gì mà nói!
- Ha-a-ả? Không có gì nói hả? Trả thóc đi!
Các bà, dẫn đầu là mụ Guliatsaia tiến sát đến sân khấu. Anđrây đứng bên cái lêu vách tôn của người nhắc kịch. Anh nhìn đám đàn bà với một nụ cười chế giễu, nhưng trong bụng cũng lo lo: cánh đàn ông kô-dắc đứng đằng sau đám khăn vuông phụ nữ lố nhố như một vườn hoa cúc trắng, nom vẻ cứ lừ lừ đáng ngại.
- Nhà anh mùa hè cũng như mùa đông, quanh năm diện ủng còn chúng tôi thì làm bán xác không mua nổi đôi giày!
- Người ta là ông chính uỷ rồi mà!
- Này, diện quần sarôva thằng chồng mụ Marina đã lâu chưa đấy!
- Nó ăn béo trương béo nứt.
- Lột hắn ra, các bà ơi!
Lập tức một lô cánh tay với lên sân khấu. Họ túm lấy cẳng trái Anđrây. Anh bám chặt vào vách lều người nhắc kịch, giận tái mặt, nhưng họ đã giật được một bên ủng của anh, quẳng xuống cuối phòng. Bao nhiêu bàn tay giơ lên vớ lấy chiếc ủng ném ra ngoài xa. Lan ra một tiếng cười ác cảm hằn học. Từ những cuối cất lên những giọng đàn ông hùn vào:
- Lột giày hắn ra!
- Cho nó tồng ngồng chạy nhông đi!...
- Rút nốt chiếc kia ra!...
- Nào, các bà ơi! Đè con lợn này ra!...
Thế là chiếc ủng kia của Anđrây cũng bị lột nốt. Anđrây lắc lắc chân, rũ xà cạp ra, gào lên:
- Đây cho nốt cái xà cạp này! Cầm về! Làm khăn chùi mép được đấy!
Mấy anh chàng thanh niên chen vội tới sân khấu. Một anh, là anh nông dân cá thể Êphim Tơrubatsép, con một lão ataman (°), vóc người cao lớn, đẩy rãn các mụ ra, bước lên sân khấu. Anh ta mỉm cười, hổn hển nói:
- Xà cạp của anh chúng tôi không cần, nhưng cái quần sarôva của anh kia kìa, anh chủ tịch ạ, thì chúng tôi lột đấy…
Một anh chàng khác, trẻ và nhỏ người hơn nhưng nom cà lơ, anh chị hơn, trâng tráo lý sự:
- Anh em đang thiếu quần ghê lắm! Dân nghèo cái quần chả có, và chẳng vớ được cái nào của kulắc cả.
Anh chàng ấy, biệt hiệu là Đưmốc (°°), có bộ tóc quăn tít hiếm thấy. mái tóc màu xám khói, quăn như lông cừu của hắn dường như cả đời chưa biết mùi lược; nó thòi ra dưới vành mũ kêpi kô-dắc tàng tàng của hắn thành từng mớ loăn xoăn, vô trật tự. Ông bố của Đưmốc đã tử trận trong cuộc chiến tranh Nga - Đức, còn mẹ thì chết vì bênh thương hàn. Thằng bé Đưmốc đã được một bà cô nuôi nấng. Còn bé nó đã lẻn vào vườn rau nhà người ta ăn cắp dưa chuột và củ cải, vào vườn cây ăn quả bẻ trộm anh đào và táo, còn dưa bở ngoài ruộng thì nó vác đi hàng bao tải. Lớn lên, nó chuyên môn làm hại đời các cô gái làng, và về khoa ấy hắn khét tiếng thành tích bất hảo đến nỗi không một bà mẹ nào ở Grêmiatsi có con gái lớn lại có thể thản nhiên nhìn hắn, nhìn cái dáng người nhỏ nhưng cân đối như dáng chim ưng của hắn. Các bà nhìn, rồi y như rằng nhổ toẹt một bãi, và rít lên:
- Thằng quỷ sứ mắt trắng dã đã lượn rồi đấy! Chạy nhông khắp làng cứ như chó dái…
Và mắng con gái:
- Này, con kia, làm sao mắt mày cứ long lên sòng sọc thế? Mày thập thò ra cửa sổ làm gì? Cứ mang bụng về đây xem thử, bà thì bóp chết tươi! Kéo một bao phân khô ra đây cho tao chất bếp, con ranh ạ, rồi ra dắt bò về!
Trong khi đó thì Đưmốc cứ men theo hàng dậu, chân đi đôi giày rách bước êm như bước chân thú rừng, miệng khe khẽ huýt sáo, và từ dưới hai hàng mi cong, con mắt nó kiểm soát các cửa sổ, các sân nhà. Và chỉ cần thấp thoáng đâu đó một bóng khăn vuông con gái, thế là cái anh chàng Đưmốc nom uể oải lóng ngóng kia thay hình đổi dạng đi ngay tức khắc. Nó quay ngoắt đầu lại, nhanh và nhằm đúng hướng như con chim ưng săn mồi, và ưỡn thẳng người lên. Nhưng không có một vẻ gì là thú dữ lộ ra trong đôi mắt trắng dã của hắn cả, mà là một vẻ dịu dàng, trìu mến vô biên; thậm chí lúc ấy, đôi mắt Đưmốc dường như thay đổi cả màu sắc đi, trở thành xanh thẳm như nền trời tháng Bảy.
- Phếkchiuska! Bông hoa thắm của anh! Xẩm tối hôm nay anh sẽ đến chỗ đằng sau nhà. Đêm nay em ngủ ở chỗ nào đấy?
- Ô hay, cái anh này độc ăn nói vớ vẩn! – Cô gái vừa bỏ chạy vừa đáp lại bằng một giọng nghiêm nghị, đoan trang.
Đưmốc mỉm một nụ cười đi guốc vào bụng nhau, nhìn theo bóng cô gái, rồi cũng bỏ đi. Xẩm chiều, hắn ở quanh sân kho tập thể, kéo cây đàn phong cầm của anh bạn thân bị đi đày của hắn là Chimôphây con lão Mũi toác. Nhưng bóng tối xanh lam vừa mới giăng lên vườn tược và các lùm cây, tiếng người lao xao và tiếng súc vật rống chưa lắng đi hẳn, Đưmốc đã từ từ theo con đường dẫn tới nhà Phếkchiuska. Và cao cao bên trên đỉnh những cây phong đang thì thầm buồn bã, bên trên xóm làng lặng ngắt, chị Hằng đang tha thẩn, cô đơn và mặt cũng tròn vành vạnh như anh chàng Đưmốc kia.
Đưmốc không phải chỉ lấy gái làm niềm an ủi duy nhất trên đời: hắn thích cả rượu vốtka, và thích hơn thế nữa là thích đánh lộn. Đâu có đánh lộn, đó có Đưmốc. Thoạt tiên, hắn đứng xem, hai hay nắm chặt chắp sau lưng, cổ rụt lại. Sau đó hai đầu gối hắn bắt đầu run bần bật lên từng lúc, rồi cái run ấy trở thành không kìm chế được. Và Đưmốc không còn sức cưỡng lại cái máu hăng thôi thúc hắn, bước luôn vào vòng chiến. Cho đến năm hai mươi tuổi, hắn đã kịp bị đánh rụng nửa tá răng. Nhiều lần hắn bị đánh hộc máu mồm máu mũi. Hắn bị đánh vì tội lơn gái, vì tội cứ can thiệp vào các đám cãi nhau kết thúc bằng thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Đưmốc ho lụ khụ, khạc ra máu, nằm đến một tháng trên trốc lò sưởi nhà bà cô, lúc nào cũng thấy mếu máo. Rồi sau đó hắn lại xuất hiện trong các đám vui chơi, đôi mắt xanh của hắn lại càng long lanh một khát vọng không được thoả mãn, ngón tay hắn càng nhảy nhót thoăn thoắt hơn trên hai hàng phím cây đàn phong cầm. Duy chỉ có giọng nói hắn sau cơn bệnh có trầm xuống và rè rè, như tiếng thở dài của buồng hơi đã tã một cây phong cầm cũ kỹ.
Kết liễu được đời Đưmốc là một việc khó: hắn sống dai như mèo. Hắn đã bị khai trừ khỏi đoàn Kômxômôn, đưa ra toàn vì tội lưu manh và đốt nhà. Đã nhiều lần Anđrây cho bắt hắn vì những tội bậy bạ của hắn, giam suốt đêm trong nhà để xe của trụ sở xôviết. Đưmốc để bụng thù anh từ lâu rồi, và thế là giờ đây, coi lúc này là thời cơ ngàn năm có một để tính sổ với anh, hắn bước lên sân khấu định thanh toán món nợ…
Hắn tiến mỗi lúc một tới gần Anđrây hơn. Đầu gối hắn rung lên, do đó nom hắn như đang nhún nhảy một điệu vũ.
Đưmốc thở hắt ra một giọng oang oang:
- Đưa quần đây… Thế nào, cởi ra, mau!...
Đám đàn bà đã tràn lên đầy sân khấu. Đám đông nghều ngoào hàng trăm bàn tay một lần nữa lại vây lấy Anđrây, thở vào mặt và vào gáy anh nóng hầm hập, thành một vòng vây không có kẽ hở.
Radơmiốtnốp quát:
- Tôi là chủ tịch! Xúc phạm đến tôi là xúc phạm đến Chính quyền xôviết! Rãn ra! Tôi không cho phép ai được động đến thóc cả! Cuộc họp bế mạc!...
- Chúng tao cứ lấy!
- Ha ha! Bế mạc!
- Thì chúng tao khai mạc!
- Đi tìm thằng Đavưđốp nữa, sửa cho cả thằng ấy một trận!
- Đi, diễu hành lên ban quản trị!
- Phải giam thằng Radơmiốtnốp lại chứ!
- Đánh nó đi, anh em ơi!
- Còn nể nang gì nó nữa hả?
- Nó chống lại Xtalin!
- Giam nó vào!
Một mụ đứng sau lưng Radơmiốtnốp giật lấy tấm khăn trải bàn chủ tịch bằng xa tanh đỏ, chụp lấy đầu anh. Trong lúc anh đang giãy giụa cố giằng cái khăn hôi mùi mực và mùi bụi mốc ra thì Đưmốc chẳng cần vung tay lấy đà, thoi cho anh một quả vào mạng mỡ.
Gỡ thoát được cái đầu, vừa đau, vừa điên tiết lên, Anđrây thở hổn hển rút súng lục trong túi ra. Đám đàn bà kêu rú, dạt sang bên, nhưng Đưmốc, Êphim Tơrunatsép và hai anh chàng kô-dắc nữa đã len được đến sân khấu túm lấy tay anh, tước luôn vũ khí.
- Thằng này định bắn vào nhân dân! Quân chó đẻ! - Tơrubatsép đắc chí hét lên, tay hoa trên đầu khẩu súng ổ đạn rỗng không, không có lấy một viên đạn…
---------------------------
(°) Ataman: chức cai trong quân đội kô-dắc. - ND.
(°°) Tiếng Nga ""Đưmốc" là Làn khói. - ND.