Đất khách quê người

Chương 24

Một con quỷ có thể trở nên một thiên thần được không? Từ ông chủ lò bánh tới lão cắt tóc dở hơi, bác sĩ Barbato, thậm chí tới mụ già nanh nọc Teresina đều phải ngạc nhiên vì sự đổi thay của thằng Gino. Đúng là tai họa đã làm thằng bé trở thành một người đàn ông. Bây giờ nó quần quật như nông dân, lại tranh thủ làm thêm giờ, tiền lương đem về hết cho mẹ.

 Đó, con thấy mẹ có đúng không nào? Thằng Gino khá lắm đó chứ.

Octavia cũng đồng ý. Vì ngoài chuyện Gino vừa làm ca đêm, vừa làm thêm giờ ngày chủ nhật, nó đã vượt qua kỳ thi học kỳ và sẽ tốt nghiệp trung học vào tháng giêng này. Thậm chí lần đầu tiên nó có tên trên bảng danh dự. Điều đó làm bà mẹ vui sướng nhất.

Đúng không? Chơi rong ngoài phố chỉ làm đầu óc trẻ con mỏi mệt, quý hoá gì.

Octavia vẫn còn bàng hoàng vì cái chết của Vincent, kinh ngạc thấy mẹ sao có vẻ mau quên quá. Nhưng một tối, hai mẹ con đang ngồi nhắc lại Vincent ngày còn bé, bà thì thầm tự trách:

Nếu mẹ cứ để nó ở với dì Filomena bên Jersey thì bây giờ nó vẫn còn sống.

Việc bắt lại Vincent vẫn là niềm hãnh diện của bà, giờ tự trách mình chứng tỏ bà rất ân hận vì cái chết của nó. Tuy vậy, bà vẫn luôn là tín đồ của chủ nghĩa lạc quan, luôn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng.

Không tin sao được. Chưa bao giờ gia đình này được đời đãi ngộ hậu hĩ như hiện nay. Gino làm ăn khấm khá bên sở đường sắt. Thằng Sal đang học rất giỏi, thế nào cũng vào được đại học. Con bé Lena thông minh chẳng kém anh, sau này chắc chắn làm cô giáo. Sau giờ học, hai đứa còn phụ bán bánh cho nhà Panettiere, kiếm được khá tiền. Tối thứ sáu nào bà mẹ và cô con gái lớn cũng ngồi tính toán tiền gởi ngân hàng. Nhưng bà cũng không đến nỗi quá lạc quan, mà còn tính tới nước số tiền làm thêm của hai đứa nhỏ không lâu bền được. Vì thằng Guido, con trai của hàng bánh, sắp xuất ngũ trước lễ Giáng sinh, chắc chắn Sal và Lena sẽ mất chỗ làm.

Chồng Octavia cũng kiếm được tiền bằng việc viết mấy cuốn sách nho nhỏ cho vài cơ quan nhà nước. Cô biết chồng không hứng thú gì trong việc viết lách mấy cuốn sách khô khan, vớ vẩn đó. Nhưng cô cũng chẳng vui gì, vì người ta giết nhau rầm rầm bên châu Âu, mà chồng cô vẫn bình thản làm thơ.

Điều làm Lucia vui nhất là Gino đã trở thành một con người đứng đắn, đàng hoàng. Bà không còn phải la mắng nó nữa, mà còn tha thứ hết những chuyện làm bà đau khổ trước kia. Bây giờ bà đã có thể nghỉ ngơi được chưa? Chưa chắc. Nhưng được lúc nào hay lúc ấy.

Mỗi tối từ thang máy bước vào căn phòng đèn vàng vọt, với tiếng lách tách liên tục của những máy đánh hoá đơn, Gino cũng cảm thấy bỡ ngỡ, chán nản như lần đầu.

Nhưng rồi từ từ nó cũng quen. Văn phòng đường sắt cho nó làm từ nửa đêm tới sáng. Trong khoảng thời gian này, chung quanh là những máy chữ, két bạc im lìm, bụi bặm, Gino ngồi thanh toán một đống 350 hoá đơn suốt đêm. Đôi khi nó còn có hẳn một giờ đọc sách, trong khi ngồi chờ giấy tờ từ kho chuyển vận đưa lên.

Nó không bao giờ tham gia trò chuyện với đồng nghiệp. Gã trưởng đêm tống cho nó những hoá đơn gay go nhất, chẳng bao giờ nó mở miệng phàn nàn. Nó tỉnh bơ. Nó quá ghét nơi này, nên chỉ cắm đầu làm, còn thì tỉnh bơ với hết thảy. Nó ghét từ ngôi nhà hôi như chuột, tới sáu tay thư ký và gã trưởng phòng.

Nó căm ghét thực sự, tới nỗi đôi khi lạnh cả người, tóc dựng đứng, miệng đắng nghét. Những lúc đó, nó phải đến bên  cửa sổ, nhìn xuống con phố tù hãm, hắt hiu ánh đèn vàng. Mỗi khi gã trưởng phòng, một thằng còn trẻ, tên Charlie Lambert, gọi to "Hoá đơn đâu, Gino?" bằng cái giọng hách dịch. Nó tỉnh bơ, không trả lời, rồi đủng đỉnh đi lại. Khi biết gã này trù dập nó, nó không ghét, chỉ cảm thấy khinh bỉ. Một con người như thế không đáng để nó quan tâm.

Lao động chỉ để tồn tại, phải quên mình đi để sống còn. Gino chưa từng biết đến điều này. Nhưng mẹ và chị nó biết và chắc chắn đã từng biết.

Có lẽ Vincent đã từng đứng nơi cửa sổ này cả ngàn lần, trong khi nó rong chơi cùng bạn bè khắp phố, hoặc say sưa trong giấc ngủ ngon lành.

Nhiều tháng sau Gino cảm thấy dễ chịu hơn. Một điều nó không dám nghĩ tới: cuộc sống như vầy sẽ kéo dài bất tận. Nó biết chẳng có cách nào chấm dứt công việc tẻ nhạt này.

Như để thích hợp với một gia đình khá giả, Lucia Santa sắp đặt việc nhà như một quý bà thực sự. Không cần biết đến gái cả than và dầu ra sao, nhà cửa lúc nào cũng phải được sưởi ấm. Trong nồi luôn đầy đủ mì nấu sẵn, dành cho bạn bè, hàng xóm ghé chơi sau bữa ăn. Thịt băm viên, sốt cà chua cho trẻ con ăn thừa mứa. Đĩa, thìa mới tinh dành cho bữa ăn họp mặt gia đình ngày chủ nhật.

Chủ nhật đầu tháng mười hai này là ngày trọng đại. Con đầu lòng của Larry chịu lễ rước Thánh Thể lần đầu. Bà nội sửa soạn bột từ mấy ngày trước. Nên khi cô Octaiva tới chỉ việc đập hàng mấy tá trứng gà vào núi bột trắng nõn như tuyết để làm bánh ravioli. Chú Sal và cô Lena trộn một bát to bột phô mai rồi tất cả đánh đều lên với chút muối…

Trong khi chờ hấp bánh, Octavia cuốn thịt bò với trứng luộc, phô mai để hầm chung với thịt heo sốt cà.

Vừa ăn, Octavia vừa chuyện trò vui vẻ với Lena. Còn Norman lặng lẽ uống rượu  và tán chuyện sách vở với Gino. Ăn xong, Sal và Lena dọn bàn và rửa cả đống tô đĩa.

Đó là một chủ nhật đẹp trời. Khách khứa gồm lão Panettiere và cậu con trai Guido mới xuất ngũ. Lão chủ hiệu cắt tóc dở hơi thì cứ ngắm nghía mấy cái đầu, soi mói tìm vết sẹo gây ra bởi mấy tay kéo lạ. Lão Panettiere ăn ngấu nghiến món bánh ravioli nóng sốt, lão rất khoái món này, nhưng khi còn sống, mụ vợ lão chỉ mải đếm tiền, đâu có thì giờ làm. Kể cả mụ Teresina thường ngày kín như bưng, giữ bí mật bằng cách nào mụ vẫn moi được tiền cứu tế trong lúc bốn thằng con trai khoẻ mạnh vẫn đi làm đều đều, hôm nay cũng uống mấy ly rượu, ăn cả đống bánh, líu ríu nói cười với bà chủ nhà, nhắc chuyện ngày cô òn ở quê nhà, suốt ngày phải hốt phân, mà sao vui vậy.

Gino nghe mà phát chán. Nó lảng ra, ngồi xuống sàn mở radio đón nghe tường thuật trận túc cầu. Bà mẹ nhăn mặt, tuy nó chỉ mở nho nhỏ đủ mình nó nghe.

Anh rể nó là người đầu tiên phát hiện mặt thằng Gino có vẻ là lạ. Tai nó dí sát cái radio, nhưng mắt lại nhìn mọi người. Rồi Norman thấy nó nhìn bà mẹ rất chăm chú. Mặt nó thoáng nụ cười tàn nhẫn. Octavia thấy chồng cứ lom lom nhìn thằng em, cô quay lại Gino. Mắt nó sáng rực rỡ, sống động. Cô gọi nó:

Này Gino, chuyện gì thế?

Nó quay lưn glại để không ai nhìn thấy mặt, trả lời:

Tụi Nhật tấn công nước  Mỹ rồi.

Rồi nó mở lớn âm thanh, át tiếng nói của tất cả mọi người.

Đợi tới sau lễ Giáng Sinh, từ nơi làm việc, một buổi sáng, Gino đến thẳng nơi đăng ký nhập ngũ. Buổi chiều, nó gọi điện về cho chồng của Octavia tại nơi làm việc, nhờ báo cho mẹ nó biết. Được đưa tới quân trường California, Gino đều đặn viết thư và gửi tiền về. Trong thư đầu tiên, nó cắt nghĩa lý do tình nguyện vào quân đội, là để sau này em nó, thằng Sal, khỏi bị bắt quân dịch. Sau đó, không bao giờ nó nhắc lại chuyện này nữa.