ôi vẫn chưa đoán ra lý do khiến Poirot cuống quít, nhưng tôi biết rằng anh bạn tôi không bao giờ làm việc gi mà không suy tính kỹ lưỡng.
Xe vừa đỗ, Poirot đã lao ra, hấp tấp trả tiền cho tài xế, rồi biến ngay vào trong tòa nhà chung cư. Căn hộ của Carlotta Adams trên tầng hai, chúng tôi nhận ra được do dưới phòng thường trực ở tầng một có đính tấm danh thiếp của cô.
Poirot ba chân bốn cẳng lao lên thang gác, tôi chạy theo. Đến phòng cô, anh bấm chuông. Lát sau cánh cửa mở ra. Người mở là một phụ nữ trung niên búi tóc sau gáy, mắt đỏ hoe, chứng tỏ bà ta mới khóc.
Cho tôi hỏi tiểu thư Carlotta Adams! -Poirot hỏi ngay.
Người phụ nữ chăm chú nhìn anh bạn tôi.
Vậy ra các ông chưa biết?
Biết gì? Có chuyện gì?
Mặt Poirot tái đi, và tôi đoán điều anh bạn tôi nghi ngại xảy ra đã xảy ra rồi.
Cô chủ tôi chết rồi, - người phụ nữ trung niên đáp. - Chết giữa lúc đang ngủ!
Poirot thất vọng, loạng choạng, phải nắm khung cửa mới khỏi ngã. Anh lẩm bẩm.
Muộn quá!
Thái độ của Poirot làm người phụ nữ trung niên ngạc nhiên.
Xin lỗi. Ông là một trong số bè bạn của tiểu thư phải không ạ? Tôi không nhớ đã có lần nào nhìn thấy ông đấy.
Không trả lời câu hỏi, Poirot hỏi luôn.
Bà đã gọi bác sĩ chưa? ông ta nói thế nào?
Ông ta bảo cô chủ tôi đã dùng một liều thuốc ngủ quá lớn. Thật khủng khiếp. Những thứ thuốc ấy nguy hiểm như thế đấy. Bác sĩ bảo tiểu thư Carlotta đã dùng Véronal.
Anh bạn thám tử của tôi đứng thẳng ngươi lên, nói giọng như ra lệnh.
Tôi phải vào xem.
Người phụ nữ trung niên tỏ vẻ nghi ngại.
Tôi không nghĩ...
Poirot phải dùng biện pháp duy nhất có thể lúc này.
Tôi là thám tử được giao điều tra vụ này. Tôi cần vào xem tiểu thư đã qua đời trong hoàn cảnh thế nào.
Nghe thấy vậy, bà ta ngạc nhiên nhìn hai chúng tôi rồi đứng tránh sang một bên nhường chỗ cho chúng tôi vào. Poirot giải thích cho bà ta hiểu:
Điều tôi vừa nói với bà là tuyệt đối bí mật. Bà không được nói lại với ai. Cứ để mọi người tin rằng tiểu thư chết do bị ngộ độc. Bà vui lòng cho chúng tôi biết địa chỉ ông bác sĩ.
Bác sĩ Heath, số nhà 17, phố Carlistle.
Còn tên bà?
Bennett... Alice Bennett.
Theo tôi hiểu bà là người giúp việc cho tiểu thư?
Vâng, thưa hai ông. Cô chủ đối với tôi rất tốt! Tôi hầu hạ cô chủ từ năm ngoái, khi tiểu thư sang London. Tiểu thư không giống khá nhiều nghệ sĩ khác. Tiểu thư sống rất nghiêm túc.
Tôi hỏi:
Khi phát hiện tiểu thư Carlotta Adams từ trần, hẳn bà thương xót lắm?
Vâng đúng thế, thưa ông. Sáng nay, lúc chín rưỡi, như thường lệ, tôi bưng trà vào, thấy cô chủ vẫn nằm yên. Tưởng cô còn ngủ, tôi đặt khay trà lên bàn rồi ra kéo rèm cửa sổ. Một cái vòng bị vướng rất khó mở. Tôi phải giật mạnh một cái và vội quay lại xem có đánh thức cô chủ không. Thế rồi đột nhiên một cảm giác kinh hoàng làm tôi giật mình. Tôi vội bước đến gần, cầm tay cô chủ thì thấy lạnh ngắt. Thế là tôi thét lên.
Bà ta ngừng nói, ôm mặt khóc nức nở.
Poirot nhẹ nhàng an ủi.
Tôi hiểu nỗi kinh hoàng của bà. Thế tiểu thư Carlotta Adams có hay dùng thuốc ngủ không?
Thỉnh thoảng, thưa ông. Mỗi khi đau đầu, cô chủ tôi thường uống một viên nhỏ... những viên thuốc để trong một cái lọ. Nhưng theo lời ông bác sĩ thì tối hôm qua cô chủ tôi uống thứ thuốc khác chứ không phải thứ mọi khi.
Tối hôm qua có khách nào đến chơi không?
Không. Tối hôm qua cô chủ tôi đi vắng.
Tiểu thư có nói đi đâu không?
Không, thưa ông. Cô chủ tôi ra khỏi nhà vào khoảng bẩy giờ tối.
Tiểu thư ăn mặc thế nào?
Một bộ đồ đen, thưa ông. Cô chủ tôi mặc áo liền váy màu đen và đội mũ cũng màu đen.
Có đeo trang sức không?
Chỉ đeo một dây chuyền bằng ngọc trai, thưa ông.
Và đi găng tay... màu ghi chứ?
Vâng, thưa ông, cô chủ đi găng tay màu ghi.
Bây giờ bà cho tôi biết thái độ tiểu thư lúc đi thế nào, vui, buồn hay có vẻ lo lắng gì không?
Tôi thấy cô chủ đang vui, tự cười một mình.
Tiểu thư về đến nhà lúc mấy giờ?
Khoảng sau mười hai giờ đêm một chút.
Lúc ấy vẻ mặt tiểu thư ra sao? Có giống như lúc đi không?
Cô chủ có vẻ mệt mỏi lắm, thưa ông.
Có tỏ vẻ lo lắng gì không?
Thưa ông, không. Cô chủ còn có vẻ vui là đàng khác, chỉ phàn nàn là mệt quá thôi. Cô chủ định gọi điện thoại đi đâu, nhưng không được. Cô chủ bảo thôi để sáng mai gọi lại.
Vậy à?
Mắt Poirot bỗng sáng lên vẻ thích thú. Anh tiếp tục hỏi, lúc này giọng điềm tĩnh hơn.
Bà có nghe thấy tiểu thư gọi điện hỏi muốn gặp ai không?
Không, thưa ông. Cô chủ chỉ bảo, cho tôi số điện thoại nào ấy rồi chờ. Chắc người trực tổng đài đáp như thường lệ “Xin đợi một lát”. Cô chủ nói “Tốt lắm.” Rồi cô ngáp và nói. “Thôi được, không sao! Tôi không đợi nữa. Buồn ngủ quá rồi”. Cô chủ gác máy rồi cởi quần áo.
Bà có nhớ tiểu thư gọi đến số điện bao nhiêu không?
Không, tôi không biết. Tôi chỉ nhớ một thứ, đó là tên tổng đài: “Victoria”. Lúc ấy tôi không chú ý.
Trước khi ngủ, tiểu thư có ăn hoặc uống gì không?
Giống như thường lệ, một tách sữa nóng.
Ai pha?
Chính tay tôi, thưa ông.
Suốt cả buổi chiều không có khách nào đến đây à?
Vâng, thưa ông.
Còn buổi sáng hôm qua?
Tôi không nhớ có nhìn thấy ai không. Tiểu thư ăn sáng ngoài phố và ăn bữa phụ buổi chiều cũng ở ngoài. Mãi sáu giờ cô mói về.
Sữa bà lấy ở đâu? Từ bao giờ? Sữa tiểu thư uống lúc đi ngủ ấy?
Đấy là sữa cửa hàng cho người đem đến vào các buổi sáng. Thằng bé đưa sữa đặt chai sữa bên ngoài cánh cửa. Thưa ông, tôi tin rằng trong sữa ấy không có gì đặc biệt, vì sáng nay chính tôi đã pha một chút sữa đó vào tách trà của tôi. Theo ông bác sĩ thì cô chủ đã uống thuốc ngủ quá liều lúc lên giường.
Poirot nói:
Rất có thể tôi lầm, nhưng dù sao tôi vẫn phải gặp ông bác sĩ. Bà biết tiểu thư đang gặp chuyện không vui không? Bên Mỹ, người ta sinh hoạt theo kiểu hoàn toàn khác chúng ta ở đây.
Tôi biết. Tôi có đọc những truyện về bọn găng xtơ ở Chicago. Bên ấy nhung nhúc bọn cướp mà cảnh sát thì không hơn gì cảnh sát bên ta. Cho nên tôi biết bên ấy rất khác.
Thấy có vẻ bà ta sắp kể huyên thuyên các sự kiện xấu xa bên Mỹ, anh bạn thám tử của tôi ngắt lời, lảng đi nhìn xung quanh. Tình cờ anh nhìn thấy một chiếc va li nhỏ đặt trên ghế.
Tối hôm qua, lúc ra khỏi nhà, tiểu thư có đem cái va li nhỏ này theo không?
Buổi sáng cô có mang, nhưng sau bữa ăn nhẹ buổi trưa về nhà, tôi thấy cô chủ không đem theo về. Đến tối tôi mới thấy cô chủ đem nó về.
Bà cho tôi mở ra xem nhé?
Bà ta đồng ý. Giống như mọi người luôn nghi ngờ, một khi đã hết nghi ngại, bà ta sẵn sàng cho phép mọi thứ. Và bây giờ Poirot muốn làm gì cũng được bà ta bằng lòng.
Chiếc va li nhỏ không khóa. Poirot mở ra.
Anh nhìn này, Hastings! - Giọng anh bạn tôi đầy xúc động.
Quả là những thứ bên trong đáng cho tôi suy nghĩ.
Trong hộp hóa trang có hai dụng cụ nhỏ dùng để lót vào gót giầy giúp người ta cao thêm vài phân. Tôi còn nhìn thấy đôi găng tay màu ghi và một bọc giấy đựng bộ tóc giả màu vàng óng, giống hệt bộ tóc thật của nữ nghệ sĩ Jane Wilkinson, và giống như của bà ta, bộ tóc cũng rẽ ngôi ở giữa và có những lọn tóc quăn ở sau gáy.
Poirot hỏi tôi:
Anh còn hồ nghi nữa không?
Anh bạn tôi đóng nắp va li rồi quay về phía người giúp việc:
Bà biết tối hôm qua tiểu thư ngồi ăn với ai không?
Không, thưa ông.
Thế tiểu thư ăn bữa trưa và bữa phụ buổi chiều với ai?
Bữa phụ buổi chiều thì tôi không biết, nhưng bữa trưa thì cô chủ tôi ăn với tiểu thư Driver.
Là ai vậy?
Đấy là bạn thân của cô chủ. Tiểu thư Driver làm chủ một hiệu thời trang trên phố Moffatt, phía bên kia phố Bond. Tên đề trên biển ngoài cửa hiệu đó là Genevière.
Poirot ghi địa chỉ đó vào sổ tay, dưới địa chỉ ông bác sĩ.
Xin được hỏi bà thêm một câu nữa. Bà có nhớ lúc tiểu thư Carlotta Adams về đến nhà buổi tối, tiểu thư có nói và làm những gì đặc biệt không?
Bà ta nghĩ ngợi một lát rồi đáp:
Thưa ông, tôi không thấy có gì đặc biệt. Khi tôi hỏi cô chủ có muốn dùng trà không thì cô chủ trả lời đã uống rồi.
Mà đúng thế. Tiểu thư đã dùng trà ở ngoài rồi. Tiểu thư còn nói gì nữa, bà cố nhớ lại xem.
Sau đấy cô chủ tôi ngồi vào bàn viết thư cho đến khi lại đi nữa.
Bà biết tiểu thư viết thư cho ai không?
Cô chủ viết thư cho em gái ở Washington. Cô chủ viết thư đều đặn cho cô ấy mỗi tuần hai lần. Tối hôm qua, viết xong, cho vào phong bì, cô chủ mang luôn theo để tự bỏ vào thùng thư của bưu điện. Nhưng thế nào cô chủ quên bỏ, thành thử phong bì vẫn còn nằm trong xắc.
Bây giờ nó còn trong ấy không?
Không, thưa ông. Lúc sắp đi ngủ, cô chủ sực nhớ ra bèn bảo tôi đem ra bưu điện bỏ. Tôi dán thêm một cái tem vào rồi bỏ vào thùng thư nhanh để họ sớm đem đi.
Ra thế... Bưu điện ở xa đây không?
Ngay chỗ góc phố kia.
Lúc ra bưu điện, bà có khóa cửa không? •
Mỗi khi đi gần, tôi chỉ khép thôi.
Anh bạn tôi định nói gì nhưng lại thôi. Bà giúp việc lại ôm mặt khóc nức nở rồi hỏi:
Hai ông muốn nhìn cô chủ tôi một lần nữa không? Sao có người đẹp đến thế!
Hai chúng tôi đi theo bà giúp việc vào phòng ngủ.
Carlotta Adams nằm thanh thản, trông có vẻ trẻ hơn so với lúc cô biểu diễn ở rạp Savoy hôm trước. Trông cô, người ta có cảm tưởng như một thiếu nữ đang nằm ngủ hồn nhiên.
Poirot chăm chú quan sát nạn nhân, vẻ mặt anh như đang băn khoăn điều gì.
Lúc xuống thang gác, Poirot bảo tôi:
Hastings này, tôi vừa thề một câu.
Tôi không cần hỏi cũng biết anh bạn tôi thề điều gì. Chẳng khó khăn gì cũng đoán được.
Lát sau Poirot nói thêm:
Dù sao tôi cũng thấy nhẹ bỗng trong lòng, cất đi được một mối băn khoăn. Thì ra dù có đến sớm hơn tôi cũng không thể cứu được cô ấy, bởi khi tôi biết Huân tước Edgvvare bị giết thì cô ấy cũng đã chết rồi. Nghĩ thế tôi thấy được an ủi phần nào