rong khi Tích Nhân đưa Vương Tố Thư đến chỗ Phi Yến, Lã Nhượng cũng điều động cao thủ Thiên long bang tiến theo, và hàng trăm người tránh vùng rắn độc băng ra bên ngoài, tạo thành thế bao vây. Di động của cao thủ Thiên long bang không qua khỏi cặp mắt của Tích Nhân và bốn chị em Hồng Lan. Vương Tố Thư cứng rắn vì bà ta tin tưởng, nếu bà ta bị hại, thì năm người của Tích Nhân cũng khó có thể an toàn.
Tích Nhân cười nhẹ:
- Phu nhân đừng nghĩ rằng hàng trăm bao thủ bao vây sẽ làm chúng tôi không thể thoát thân. Đây là vùng rừng núi, có chỗ rộng chỗ hẹp. Khi chúng tôi giữ phu nhân trong tay, thuộc hạ phu nhân không ai dám tấn công, chúng tôi có thể đưa phu nhân đến chỗ thuận lợi, giết chết rồi ra đi. Thiên long bang cao thủ rất nhiều, nhưng Đoàn bang chủ, các lão hộ pháp lại hiện không có mặt.
Vương Tố Thư hừ nhẹ:
- Các ngươi giết ta, thì Lê Tích Nhân ngươi phải suốt đời làm thuộc hạ cho Phi Yến, hầu hạ bên cạnh may ra có thể giúp cho nàng toàn mạng và Ngũ độc giáo không bị tận diệt.
- Chính vì muốn cho hai bên ngưng chém giết nhau tại hạ mới tỷ đấu với Đoàn bang chúa.
- Hừ! Nếu lão nghe lời ta, thì giờ đây ta có bị ngươi lăng nhục hay không?
- Nếu phu nhân thành toàn chữ tín cho Đoàn bang chủ, thì tại hạ cũng không phải xúc phạm đến phu nhân.
- Võ công ta không bằng ngươi, nhưng ngươi cũng chỉ may mắn mới có thể chế ngự ta mà thôi. Cái thế chúng ta hiện giờ, ta bị giết, ngươi còn có hy vọng an toàn ra đi, nhưng bốn người tỷ tỷ của ngươi thì chưa chắc. Hoả đạn từ các cổ thần sang, hoã tiễn tứ các đội cung thủ.. cũng đủ làm bọn chúng phơi thây. Ta có thể chấp nhận một số điều kiện để không tranh chấp với Ngũ độc giáo, thề suốt đời không xâm phạm nhau. Nhưng ta thà chết không thể hứa hẹn trong tình trạng bị uy hiếp.
Phi Yến:
- Phu nhân muốn điều đình trong tình trạng nào? Giải khai huyệt đạo cho phu nhân chăng?
- Dĩ nhiên phải giải khai huyệt đạo. Ngươi đuổi hết rắn độc đi, ta ra lệnh giải tán thế bao vây.
Bà ta chỉ tay về phiá Tây bắc:
- Ngọn núi cao ngất tầng mây kia có một thạch bình, chúng ta lên đó nói chuyện. Lên thạch bình, một là ta với ngươi. Hai ta đi cùng Lã tổng quản và ngươi đi với gã.
- Hẳn trên thạch bình phu nhân có bố trí cơ quan? Phi Yến cười nhẹ, hỏi.
- Ta rất muốn có, nhưng đáng tiếc ta chưa nghĩ phải đặt cơ quan trên đó làm gì. Ngươi sợ thì tùy ngươi lựa chọn địa điểm.
Bà ta cười nhẹ:
- Võ công của ta cũng không thể khuất phục ngươi một các nhanh chóng. Võ công của gã thì.. có thể chế phục ta. Có gì làm cho các ngươi phải sợ hãi?
Nhã Lan cau mày:
- Tại sao phải lên thạch bình. Hai bên không thể hứa hẹn ở đây hay sao?
- Dĩ nhiên ở đây cũng được. Ta chỉ lo các ngươi cho rằng khi giải khai huyệt đạo cho ta, ta nuốt lời thì các ngươi phải xung phá trùng vi mà xông ra. Vương Tố Thư trả lời.
Phi Yến thấy kềm chế Vương Tố Thư thì Thiên Long Bang không dám ra tay, nhưng chị em mình cũng khó thoát vòng vây. Nàng cũng biết nếu bà bị giết, thì Ngũ độc giáo cũng không thể sống yên. Chị em Hồng Lan,Tích Nhân không thể nào ở mãi trong Ngũ độc cung để giúp đỡ nàng nên đồng ý:
- Ta vì tiếc rẻ sinh mạng của bang chúng Thiên long bang và giáo chúng của ta nên đồng ý với bà. Nhưng khi chưa rời khỏi phạm vi Thiên long bang, phu nhân vẫn phải để Nhân đệ đưa đi.
Vương Tố Thư cắn nhẹ môi dưới:
- Ta cũng không thấy gì làm trở ngại.
Bà ta lớn tiếng ra lệnh:
- Tất cả mọi người giải tán. Trở về lo dọn dẹp, tu sửa những nơi thiệt hại. Ngũ độc giáo muốn cùng Thiên long bang chung sống hoà bình. Ta và Lã tổng quản sẽ lên thạch bình để cùng Trương giáo chủ hội họp.
Đoàn San San la lớn:
- Mẫu thân! Không thể tin bọn chúng. Võ công của gã, nếu trở mặt thì mẫu thân khó an toàn.
Lã Nhượng cũng nói theo:
- Phu nhân không thể khinh thường..
Vương Tố Thư:
- Ngươi an tâm chỉ huy thuộc chúng dọn dẹp, tu sửa những thiệt hại trong bang. Mẫu thân sẽ không có gì nguy hiểm đâu. Chúng cũng biết ta bị hại, Ngũ độc giáo sẽ không thể nào yên ổn. Lã tổng quản hãy theo lệnh ta mà hành sự đừng nhiều lời nữa.
Bà ta nói với Phi Yến:
- Ngươi thu xà trận và chúng ta đi.
Phi Yến:
- Lên thạch bình thì bên ta có ta và Nhân đệ. Bên phu nhân có Lã tổng quản. Nhưng ba chị em còn lại của ta cũng phải dời khỏi nơi này trước khi chúng ta lên thạch bình.
- Cứ theo ý ngươi mà làm.
Bà ta cười:
- Đã có lòng muốn đàm phán mà nghi ngờ nhau từng chút, thì không thể có hoà bình lâu dài.
Phi Yến lại bên Hồng Lan nói nhỏ giây lát. Hồng Lan ra hiệu cho Tử Lan và Nhã Lan phóng mình đi. Phi Yến đưa ống tiêu lên môi, giây lát bấy rắn cũng rùng rùng bỏ đi. Rắn chạy vào rừng, cao thủ Thiên long bang cũng đã được Lã Nhượng ra lệnh rút về quãng trường.
Vương Tố Thư đưa cổ tay cho Tích Nhân cười nhẹ:
- Thiếu hiệp giải huyệt có thể nắm tay ta khống chế để đề phòng từ đây lên thạch bình ta có thể giở trò. Trương giáo chủ muốn như vậy.
Vương Tố Thư đã lớn tuổi, nhưng luyện thuật trụ nhan nên trông còn rất trẻ. Vương Như Huệ, mẫu thân của bà ta năm xưa được coi là đệ nhất mỹ nhân Trung Nguyên, bà ta không đẹp bằng mẹ, nhưng nhan sắc cũng có thể nói là hoa nhường nguyệt thẹn. Khi ra tay kiềm chế, và kéo bà ta đến gặp Phi Yến, Tích Nhân không để ý, nhưng khi bà ta đưa cổ tay nõn nà bảo mình nắm, Tích Nhân liền cảm thấy rụt rè, nhanh tay giải khai huyệt đạo cho bà ta và nói:
- Không cần phải uy hiếp phu nhân như vậy. Mời phu nhân đi trước tại hạ theo sau.
Vương Tố Thư cười nhẹ
- Cung kính không bằng phụng mệnh.
Bà ta không chần chừ, hít một hơi chân khí phóng mình đi ngay. Tích Nhân thu hồi cây đằng tiên rồi rượt theo. Sau khi băng qua khỏi một ngọn núi, Vương Tố Thư thay đổi thân pháp, trước mắt Tích Nhân bà ta như cánh bướm, xiêm y phất phơ, hai tay như bơi lội trong không khí và tốc độ trở nên vùn vụt. Tích Nhân phải vận thêm chân lực xuống đôi chân mới bắt kịp và không ngờ bà ta có khả năng khinh công cao như vậy. Không thể lên tiếng yêu cầu bà chậm chân lại, Tích Nhân vẫn theo sau giữ đúng khoảng cách, nhưng Phi Yến và Lã Nhượng dần dần bị bỏ lại phía sau. Tích Nhân sợ Phi Yến lạc đường nên thỉnh thoảng bẻ ngọn cây, dẵm nát cỏ để nàng có thể theo dấu. Ngọn núi theo tay chỉ của Vương Tố Thư tưởng như gần, nhưng đi cả giờ vẫn còn thấy trước mắt. Khi tới một giòng sông chắn ngang, bờ đá từ bên này sang bên kia cũng vài chục trượng, Vương Tố Thư cũng không dừng chân mà như cánh chim bay vút qua. Khinh công như vậy thật phi thường, nhưng Tích Nhân hiểu ngay vì bờ đá bên này cao hơn phiá đối diện rất nhiều nên mới có thể lấy trớn phối hợp với khinh công phóng qua được như vậy. Sau khi qua sông, Vương Tố Thư lại vùn vụt đi lên sườn núi. Không biết thạch bình ở nơi nào, Tích Nhân chỉ theo sau. Ngọn núi rất cao, có chỗ vách đá thẳng đứng cao mấy chục trượng, Vương Tố Thư vẫn như con chim thăng thiên phi vun vút. Tích Nhân theo sát bà ta. Khi nhìn chung quanh thấy ngọn núi bấy giờ như một cù lao nổi lên trên làn mây chập chùng kéo dài như biển trắng bên dưới, Vương Tố Thư mới dừng chân. Chỗ bà ta đưa tới là một khu đá bằng phẳng độ vài chục trượng vuông dựa vào vách đá thẳng tắp. Dù là một gành đá, chung quanh cổ tùng mọc đầy và trên đá nên hình thù kỳ dị, đẹp mắt. Xen kẽ trong cây lá là hoa rừng đang lúc nở rộ. Hồng bạch chen chúc, hương thơm ngát mũi, như lọt vào cảnh thần tiên. Trên thạch bình, gần vách núi có một chiếc bàn đá và chiếc ghế đá. Vương Tố Thư dừng chân, sát bờ vực, xây lại mỉm cười rất thân tình với Tích Nhân:
- Lê thiếu hiệp thấy nơi này như thế nào?
- Thật là nơi thế ngoại.
- Ta thỉnh thoảng lên đây ngắm mây bay, dạo vài bản đàn, uống dăm cốc rượu Thiên hoa ngọc lộ do chính mình cất lấy. Ta muốn đem rượu mời thiếu hiệp và Trương giáo chủ. Chỉ sợ ta xuống bí động một mình thì thiếu hiệp không an tâm.
- Phu nhân cứ tự nhiên.
- Dưới vách núi khoảng mươi trượng có một gành đá rất nhỏ, bên cạnh là bí động của ta. Không hiểu địa hình phi thân xuống mà hụt ra ngoài, sẽ rơi xuống vực sâu tan xương nát thịt. Thiếu hiệp có dám mạo hiểm theo ta?
Thấy bà ta rào đón, Tích Nhân không biết Tố Thư toan tính điều gì, nhưng nghĩ rời xa bà ta thì bà ta sẽ dễ giở trò hơn. Nên cười nhẹ:
- Tại hạ xin theo phu nhân.
Vương Tố Thư cười nụ cười thật mê hồn, và đưa cánh tay mình ra:
- Thiếu hiệp nắm tay ta. Nếu rơi trợt ra ngoài thì không trách ta không có lòng thành.
Tích Nhân hơi cau mày, nhưng thấy trong hoàn cảnh này mà từ chối, thì bà ta giở âm mưu mình sẽ không kịp phản ứng nên nắm lấy cổ tay và bà ta liền nhấn mạnh chân, thả rơi người xuống bên dưới. Đúng như bà ta nói, họ song song đáp xuống một gành đá nhô ra ngoài. Nếu hai người rơi xa ra một chút thì sẽ hụt chân ngay. Dừng chân, Tích Nhân thả tay Vương Tố Thư và thấy phía vách núi có một hang động, trên vách gắn nhiều hạt dạ quang châu nên rất sáng sủa. Trên vách động có treo nhiều nhạc cụ. Trên chiếc bàn nhỏ giữa phòng là một cây cổ cầm, có mấy chiếc bình cổ, hai chiếc ly ngọc và sách vở. Vương Tố Thư bước vào, nói với Tích Nhân:
- Đây là bí động của ta mà thiếu hiệp là người khách đầu tiên. Mấy bình trên bàn đều là rượu đặc chế của ta. Xin nhờ thiếu hiệp chọn một. Khi tình cờ chọn lấy bầu rượu cho mình sẽ không nghi ngờ ta hạ độc.
Tích Nhân từng lọt vào bí động trong lòng núi với Ninh Hồng. Sợ Tố Như vào trong động lại xử dụng cơ quan trốn thoát nên cười:
- Tại hạ không nghi ngờ gì, nhưng phu nhân đã nói là có ý mời tại hạ chiêm ngưỡng nơi thanh nhã, từ chối là vô lễ.
Tích Nhân theo Tố Thư bước vào động đá, Vương Tố Thư ngồi xuống bàn, nhẹ bấm giây tơ réo rắt, hỏi:
- Lê thiếu hiệp hẳn rành âm luật?
Tích Nhân lắc đầu:
- Tại hạ chưa có cơ hội để học.
- Đáng tiếc. Nếu không trong khi chờ Trương giáo chủ và Lã tổng quản, ta có thể nhờ thiếu hiệp phẩm bình một hai bản đàn do ta sáng tác.
- Phu nhân đúng là người văn nhã.
- Cảm ơn thiếu hiệp có lời khen.
Bà ta với tay lấy một chiếc bình nhỏ, mở nút, hơi rượu thơm ngào ngạt xông ra. Rượu rót vào ly, màu rượu như hổ phách, bà ta nâng mời Tích Nhân:
- Thiếu hiệp hẳn không đến nỗi sợ ta hạ độc.
Tích Nhân đón lấy uống cạn:
- Tại hạ tin rằng phu nhân muốn hạ độc cũng chưa kịp chuẩn bị.
Vương Tố Thư cười nhẹ:
- Đúng! ta rất muốn hạ độc thiếu hiệp, nhưng đáng tiếc đưa được thiếu hiệp đến đây trong lúc bất ngờ.
Bà ta dùng ly mời rượu Tích Nhân rót một ly cho mình và cũng uống cạn. Rồi không hiểu Vương Tố Thư điều động cơ quan bằng cách nào, cả nền động bỗng tụt xuống. Tích Nhân chụp lấy cánh tay bà ta. Nhưng cầm giữ được bà ta, thì không còn cơ hội phóng ra ngoài nữa. Nền đá tụt xuống rất nhanh, cửa động cũng đóng lại rất nhanh. Nền đá khi tụt xuống lại lật nghiêng qua và cả hai rớt vào khoảng không. Tích Nhân đành nắm chặt cánh tay Vương Tố Thư để bà ta không thể giở âm mưa khác. Dù bị rơi, Tích Nhân vẫn an tâm, không bối rối, vì không tin Vương Tố Thư có thể hãm hại mình bằng cách tự sát. Đúng như Tích Nhân tin tưởng, giây lát sau, chân đạp lên một vật mềm nhũn, có sức đàn hồi rất mạnh làm thân thể bị nhồi lên cao trở lại, và khi rớt xuống vì một tay cầm giữ Vương Tố Thư, một tay cầm đằng tiên nên Tích Nhân võ công rất cao cũng không giữ nổi thăng bằng phải ngã xuống. Sức đàn hồi của tầm lưới, và sức nặng dồn Tích Nhân và Vương Tố Thư vào nhau. Thân thể mềm mại thơm tho của bà ta đang nằm sấp lên người hắn. Tích Nhân đẩy mạnh ra, ngồi lên quát:
- Mụ muốn làm gì?
Thân thể Tố Thư bị đẩy mạnh tung ra xa, nhưng trên tấm lưới lại lăn xuống bên Tích Nhân. Trong ánh sáng lờ mờ, Tích Nhân thấy Vương Tố Thư nằm ngửa trên tấm lưới, cười khiêu gợi:
- Nhân đệ lỗ mãng với ta sẽ được gì? Ta đưa Nhân đệ tới đây là quyết lòng sống chết bên Nhân đệ. Khi gặp Nhân đệ ta đã thấy đời ta không có một người yêu như Nhân đệ, thì chỉ sống uổng trên đời. Ha ha.. bây giờ Nhân đệ có thể hưỡng lạc thú với ta. hay cũng có thể giết ta.. cách nào ta cũng sẽ sống chết ở đây với Nhân đệ mà thôi.
Tích Nhân nhìn thấy tấm lưới đan bằng một thứ giây như da, sợi to bằng hai ngón tay. Tấm lưới móc vào vách đá bằng nhiều móc sắt. Trên vách đá có gắn nhiều hạt minh châu nên chung quanh có ánh sáng lờ mờ. Ánh sáng dạ quang chỉ làm cho chỗ tấm lưới có ánh sáng, còn trông lên trên và nhìn xuống bên dưới thì tối đen. Tích Nhân biết rõ một mụ đàn bà đầy tham vọng như Vương Tố Thư không thể nào dễ tìm cái chết nên cười:
- Tại hạ có một thủ pháp gọi là tiểu trọng thủ có thể làm đứt tam tâm lục mạch của phu nhân và phu nhân sẽ chết trong đau đớn tột cùng.
- Tỷ tỷ cũng có một môn công phu làm cho ngưới đàn ông hiểu thế nào là hạnh phúc tột cùng của ái ân. Tỷ tỷ chỉ muốn dùng công phu này hiến dâng cho hiền đệ.
Tích Nhân tức giận tột cùng chụp lấy bà ta quát:
- Làm sao mụ có thể nói những lời đê tiện như vậy được? Dù bị giam hãm ta cũng phải quật chết mụ trước.
Vương Tố Thư bị hai tay Tích Nhân làm cho đau đớn toàn thân, nhưng cười khanh khách:
- Ta đã quyết sống chết với hiền đệ. Đừng đem chuyện sống chết đe dọa ta.
Tích Nhân buông mụ xuống, phóng tay điểm huyệt. Phép điểm huyệt của Tích Nhân làm Vương Tố Thư đau đớn rên rỉ không ngớt, Tích Nhân quát:
- Nếu không đưa ta ra ngoài, mụ sẽ chịu đau đớn càng lúc càng tăng.
Vương Tố Thư vừa rên rỉ vừa cười:
- Dù đau đớn đến đâu được ở bên Nhân đệ là ta mãn nguyện. Phép phân cân thác cốt của Nhân đệ làm ta đau đớn vô cùng, nhưng dẫu cho Nhân đệ bẻ tay, khoét mắt.. ta cũng vẫn thấy vui vì được cùng chết ở đây với Nhân đệ như thường.
Bà ta lại theo tiếng rên rỉ:
- Nếu chỉ muốn hại Nhân đệ.. ta đã có thể trốn khi ngã xuống tấm lưới này. Hay khi phi thân từ thạch bình xuống ta không để Nhân đệ nắm tay, chờ khi Nhân đệ rơi theo ta đánh ra một chưởng thì dù Nhân đệ có là thần thánh cũng không khỏi rơi xuống vực sâu muôn trượng.
Tích Nhân nghĩ lại, thấy Vương Tố Thư nói đúng. Bà ta sắp đặt cơ mưu là chỉ muốn dụ dỗ mình. Từng yêu Trần Kỳ Anh với tình yêu ngút ngàn vượt giới hạn tuổi tác. Với Trần Kỳ Anh, nếu nàng không mất, Tích Nhân biết không có cô gái nào có thể làm cho gã xúc động và sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc được sống với nàng. Từ say mê Trần Kỳ Anh, tuổi tác không làm Tích Nhân quan tâm, nhưng nếu chung đụng với một người đàn bà dù rất xinh đẹp, nhưng lại là một người có chồng, có con như Vương Tố Thư, thì Tích Nhân thấy mình chỉ là một người không đáng sống, đáng ghê tởm trên đời. Lòng có chủ ý, Tích Nhân phóng tay giải huyệt cho Vương Tố Thư, ôn tồn:
- Theo tại hạ thấy, phu nhân là người nhiều tham vọng nhưng cũng không phải là một người dâm tà, thấy trai thì động lòng. Chẳng lẽ phu nhân lại thật lòng để ý đến tại hạ? Tuổi tại hạ chỉ đáng con phu nhân.
Vương Tố Thư nằm im giây lát bỗng ôm mặt khóc:
- Từ hôm ngươi.. ngươi nhìn ta hôm ấy, thì ta không thể nào quên được ngươi. Ánh mắt ngươi cho ta sự cảm xúc kỳ lạ. Ta cảm thấy choáng ngợp trong cảm giác mới lạ chưa bao giờ biết. Đúng, ta đã lớn tuổi.. nhưng chưa bao giờ ta có những cảm giác với một người con trai như thế này. Không có ngươi, được ngươi có lẽ ta điên mất. Ngươi âu yếm với ta một chút, làm nô lệ cho ngươi suốt đời ta cũng vui lòng.
Tích Nhân thở dài:
- Tại hạ là người phóng khoáng, không câu nệ. Phu nhân dù lớn tuổi nhưng vẫn hoa nhường nguyệt thẹn. Tuy nhiên, với tại hạ nam nữ yêu nhau không vì chân tình mà chỉ vì sắc dục, thì cũng cảm thấy ghê tởm cho mình và cũng ghê tởm người đàn bà trong tay mình. Phu nhân có thể chấp nhận như vậy hay sao? Và được những gì? Đã lỡ sa vào mưu kế của phu nhân, tại hạ có chết cũng chỉ oán hận, chán ghét phu nhân mà thôi.
Vương Tố Thư làm thinh giây lâu rồi não nuột:
- Có lẽ ngươi nói đúng. Ta cũng đã từng cảm thấy ghê tởm cho chính mình.. Ngươi tin không, dù là người có chồng và cũng có thể gọi là lang chạ, ta chưa bao giờ cảm nhận hạnh phúc ái ân! Nhưng thiếu ngươi, ta biết ta sống không còn chút lạc thú nào. Đưa ngươi tới đây, ta đã định trong lòng, một là ta được ngươi, hai là cùng chết với ngươi. Dù ngươi hành hạ cách nào ta cũng không mở cửa cơ quan để cho ngươi ra ngoài. Nhưng ta được chết bên ngươi mà ngươi khinh khi, ghê tởm ta.. thì cái chết của ta có đáng không? Được! để ta mở cơ quan đưa ngươi ra ngoài. Nhưng ngươi có thể thành thật trả lời ba câu hỏi của ta không?
- Tại hạ sẽ không chút dối trá.
- Cho ta biết.. so với những cô gái bên ngươi ta có đẹp hơn họ không?
Tích Nhân thành thật:
- Phu nhân tuy không đẹp bằng đệ nhất mỹ nhân, mẫu thân của phu nhân, nhưng tưởng trên đời khó có người đẹp hơn phu nhân.
- Nếu ta chứng tỏ một lòng yêu ngươi, sống chết vì ngươi thì ngươi có cảm động không?
- Tại hạ khó trả lời được. Nhưng đối với chân tình thì ai cũng có thể cảm động.
- Ngươi có thấy tuổi tác và người đàn bà đã từng qua tay người đàn ông khác là quan trọng không?
- Tại hạ.. từng yêu chân thành và tha thiết một người đã lớn tuổi hơn mình rất nhiều và cũng từng yêu một người đàn bà đã từng có chồng.
Vương Tố Thư cười êm ái, chống tay đứng lên, nhưng mới bị Tích Nhân dùng phân cân thác cốt hành hạ, gân cốt bị co rút một thời gian vẫn còn đau nên lại ngã xuống. Tích Nhân đưa tay đỡ bà. Vương Tố Thư lại cười:
- Cảm ơn Nhân đệ. Ta có thể gọi ngươi là Nhân đệ?
- Phu nhân muốn gọi sao cũng được. Cứ tùy tiện.
Bà ta đưa tay chỉ:
- Chỗ móc sắt kia là mấu chốt cơ quan, cách bố trí ở đây khác thường là mấu chốt nằm sâu trong vách đá, dùng chưởng lực âm nhu theo phương thức cách sơn đả ngưu mới mở được. Quan sát bên ngoài không ai có thể tìm ra chỗ nào.
- Vì thế phu nhân tin tưởng nếu mình bị chết, thì tại hạ cũng phải chết theo?
- Ta chắc chắn là vậy!
Tích Nhân theo hướng tay Vương Tố Thư phóng nhẹ một làn chưởng kình, tức thì nghe tiếng chuyển động, vách đá từ từ mở ra. Tích Nhân không chần chờ kéo Vương Tố Thư phóng vào. Đó là một căn phòng rộng lớn, gắn nhiều ngọc dạ quang. Bốn vách trong phòng đều có khắc đồ hình. Tích Nhân nhìn lướt qua ba bức biết ngay là đồ hình dạy luyện Phật thủ thần công chưởng chỉ và phương pháp khinh công. Thứ khinh công phi thường mà Vương Tố Thư đã dùng. Nhưng bức vách thứ tư lại chỉ vẽ một cây kiếm treo lửng lơ trên mây. Nhô lên làn mây là những đỉnh núi và một đàn chim bay hàng trăm con.
Tích Nhân bỏ tay Vương Tố Thư ra, bà nói:
- Đây là bí động ta khám phá hơn mười năm nay. Ngoài ta, Nhân đệ là người thứ hai bước vào. Luyện được Phật thủ thần công ta tin tưởng có thể trở thành cao thủ bậc nhất trên giang hồ, nhưng lần đầu tiên sử dụng thì đã thua Nhân đệ.
- Võ công phu nhân trên giang hồ cũng không mấy người theo kịp.
- Cảm ơn Nhân đệ có lời an ủi. Phía sau căn phòng này có đường thông đạo ra vách núi. Từ đó có thể dùng khinh công lên thạch bình trở lại. Ta bị thuật phân cân thác cốt của Nhân đệ làm cho chân tay còn rã rời. Phải điều tức điều hoà kinh mạch một lúc. Nhân đệ nếu muốn đi trước thì dùng chân khí ấn chân xuống giữa nền phòng, cửa sẽ mở ra.
- Tại hạ muốn chờ phu nhân, và chúng ta cần có một hiệp ước hẳn hoi đối với hận thù giữa Thiên long bang và Ngũ độc giáo.
- Ta sẽ làm theo những gì Nhân đệ muốn. Bây giờ bên ngoài hẳn là ban đêm, vách núi thẳng tắp và rong rêu nếu lỡ chân thì nguy hiểm vô cùng. Nhân đệ muốn chờ ta thì cũng tốt. Trong khi ta điều hoà chân khí, Nhân đệ có thể nghiên cứu hình vẽ trên vách. Lâu nay ta không nhìn ra bức vách thứ tư là thứ kiếm pháp hay võ công gì. Với tài trí của Nhân đệ biết đâu lãnh ngộ được.
Tích Nhân nghe nói nhìn lên vách thứ tư, nhưng lại nghe bà ta nói tiếp:
- Cả ngày chưa ăn gì ta cũng đói và Nhân đệ hẳn cũng không hơn gì. Nhưng lâu ngày ta không lên đây, thực phẩm không còn, chỉ có bình thiên hoa ngọc lộ có thể dùng tạm.
Tích Nhân không để ý Vương Tố Thư vận chân lực đưa vào chỗ nào, vách đá lại rè rè mở ra, và thấy bên cạnh một căn phòng cũng rất lớn khác. Bên trong cũng có ánh sáng mờ nhạt, nghe tiếng nước nhỏ róc rách. Tố Thư nhanh nhẹn vào phòng này. Tích Nhân bước qua xem nghe phòng này mát lạnh. Như có nhiều đường răn trên vách đá nên không khí bên ngoài có thể luồn vào. Từ phiá cuối phòng, Vương Tố Thư cầm một bình ngọc và một chiếc ly dạ quang cười vui:
- Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi. Ta có ly dạ quang, nhưng rượu không phải bồ đào. Nhân đệ dùng rượu này của ta xem thế nào?
Vương Tố Thư rót một ly đưa mời, Tích Nhân không chút ngần ngừ đưa tay cầm lấy ngửa cổ uống cạn. Nghe hơi rượu nồng ấm xuống tận gan ruột và miệng ngọt ngào, thơm tho vô cùng. Ngon hơn thứ rượu đã được bà ta mời uống trước đó.
Vương Tố Thư nhìn hắn hỏi:
- Nhân đệ không sợ rượu độc?
Trong áng sáng mờ mờ nhạt nhạt, đôi mắt và khuôn mặt Tố Thư làm Tích Nhân phải nhẹ hít một hơi chân khí để trấn tỉnh, rồi cười:
- Muốn giết tại hạ phu nhân không cần dùng độc. Hơn nữa chất độc tầm thường không thể hại tại hạ nổi.
- Nhân đệ thật là rồng trong loài người. Võ công phong cách không ai bì kịp.
Bà ta lại thở dài, ánh mắt trở nên u buồn, nhưng lại nói:
- Để Nhân đệ có thể chú tâm nghiên cứu đồ hình trên vách. Ta điều tức trong phòng này vậy. Rượu còn nhiều, Nhân đệ không sợ độc thì tự nhiên.
Tích Nhân đón bình là ly rượu:
- Rượu này chế tạo rất công phu. Có lẽ tại hạ để dành sau khi nghiên cứu xong đồ hình trên vách sẽ dùng.
Tích Nhân bước ra đặt hai thứ xuống nền đá, rồi chăm chú nhìn đồ hình. Nhìn một lúc thật lâu, cũng không thể phát hiện điều gì. Liên tiếp thay đổi hướng nhìn cũng không thấy hình ảnh trên vách cũng chừng ấy. Tính tò mò thúc giục, Tích Nhân bước lại gần lấy tay sờ lên các hình tượng xem có ghi chú gì rất nhỏ mà ở xa không thấy, hay lâu ngày bụi bặm che kín hay không? Nếu là một thứ võ công, cây kiếm là điểm chính. Tích Nhân sờ lên cây kiếm, phát hiện nó không phải chạm nổi từ mặt đá mà được gắn vào đá. Tích Nhân nhè nhẹ đẩy thử liền nghe vách đá rung động và di chuyển từ từ. Một căn phòng lại lộ ra. Căn phòng này lại không thấy một viên dạ quang nào, nên rất tối. Vương Tố Thư đang điều tức nghe tiếng động kỳ lạ vội xả công bước ra xem. Kinh ngạc:
- Lại có một bí động mà Đinh tiến bối cũng không biết được. Không ghi trong di thư truyền lại. Sao Nhân đệ có thể tìm ra?
- Chỉ tình cờ sờ lên thanh kiếm.
- Ồ! thì ra vậy.
Tích Nhân và Vương Tố Thư chờ bức vách di chuyển ngừng lại mới bước vào. Quen với bóng tối, Tích Nhân thấy trên vách có nhiều hình vẽ, nhưng cũng không thể nhìn rõ hết. Đang chú ý bỗng nghe căn phòng rung động, bức vách lại đóng rất nhanh, căn phòng trở nên tối đen, và chung quanh rung động dữ dội như địa chấn nhẹ, Vương Tố Thư sợ hãi chụp lấy tay Tích Nhân. Tích Nhân hiểu tâm trạng bà ta nên không cự tuyệt. Khi sự rung chuyển chấm dứt bốn bức vách lại sáng lên, hình ảnh khắc trên vách có sơn lân tinh nổi lên rất rõ. Cả ba bức vách dày đặc hình ảnh múa kiếm. Người múa kiếm, không phải nam, không phải nữ nhưng không quần áo và cách vận công lực được chỉ bằng những đường kinh mạch trên người. Trên bức vách còn lại có viết chữ, Tích Nhân đọc: Sau khi phát minh ra Phật thủ thần công, vẫn không thể trở thành cao thủ đệ nhất võ lâm, ta đã dồn tâm ý nghiên cứu kiếm pháp và sáng chế ra bộ môn kiếm pháp này. Ta chưa kịp đem ra thi thố, thì may mắn gặp một thiền tăng thức tỉnh mê tâm của ta. Và khi định tâm ta lại biết số mạng không còn bao nhiêu ngày. Lúc này ta đã tám mươi tuổi. Ta được giác ngộ liền thấy kiếm pháp mình sáng tạo quá hung tàn, xuất kiếm có thể lấy ngay mạng người, ta không nỡ phá huỷ, nhưng cũng không lưu trong di thư để truyền lại cho người sau. Ngươi tình cờ phát hiện huyệt động này cũng khó biết là hoạ hay phước. Huyệt động này được mở ra, các cơ quan khác đã bị phá. Đá trong động đều là kim thạch cứng rắn như sắt. Nếu không đắc ngộ được chiêu vạn kiếm qui tông thì khó mà ra khỏi nơi này. Khi ta lưu lại thư này, ta có lòng muốn mở cho ngươi một sinh lộ, nhưng lúc này ta không còn khả năng và thời gian để sửa đổi cơ quan lần nữa. Hoạ phước tùy tâm đắc ngộ của ngươi. Quan thị lưu bút.
Vương Tố Thủ cũng đọc thư, thở dài:
- Có lẽ hai chúng ta là người đầu tiên biết Phật thủ thần ni năm xưa ở họ Quan. Kiếm pháp của bà chúng ta cũng là người đầu tiên phát hiện, nhưng không biết chúng ta biết rồi có mang ra khỏi đây hay không?
- Trong này không thực phẩm, không nước uống đó là điều đáng lo.
- Nếu chúng ta không ra được, cùng chết chung ở đây. Nhân đệ hẳn không còn gớm ghiết hận thù ta nữa. Ta.. ta có lẽ đang mừng hơn lo.
Lời nói của Vương Tố Thư lúc này chợt làm Tích Nhân có chút bồi hồi thật sự. Và cười to để khoả lấp chút bối rối trong lòng:
- Tại hạ có số sống dai và phu nhân cũng không có tướng chết yểu. Chúng ta cứ luyện kiếm xem thế nào?
- Kiếm? Chúng ta không có kiếm.
Tích Nhân bấy giờ mới nhớ, cả mình và Vương Tố Thư đều không có kiếm. Trong phòng không có kiếm và cây đằng tiên khi sờ vách đá cũng đã bỏ ở phòng bên ngoài.
Tích Nhân chặc lưỡi:
- Đại kiếm gia cầm một lá tre trong tay cũng trở thành kiếm. Nhưng học kiếm mà không có kiếm, không có vật gì có thể thế kiếm thì đúng là nan giải.
Dù không có kiếm, nhưng Tích Nhân thấy thời gian cấp bách. Trong bí động không nước, không thực phẩm nếu không ra sớm thì chỉ có nước chết nên ngồi xuống sàn, tĩnh toạ chú mắt theo dõi đồ hình. Đã từng biết qua nhiều môn kiếm pháp và cũng đã từ các môn kiếm pháp mà sáng chế ra những chiêu kiếm tuyệt đỉnh, Tích Nhân chỉ giây lát nhận ra ngay bộ kiếm pháp phải bắt đầu từ đồ hình nào và từ từ hiểu cách thi triển từng chiêu một. Có lẽ cũng mất cả ngày đêm Tích Nhân mới hiểu hết ba mươi sáu chiêu kiếm trên vách. Nhận thấy đều là những chiêu kiếm mau lẹ hung hãn phi thường. Có công không thủ. Kiếm chiêu dĩ nhiên cũng có chỗ sơ hở, nhưng với cách ra kiếm rất nhanh, địch thủ nhận thấy sơ hở thì chỗ sơ hở đã bị che lấp. Chiêu cuối cùng, như Phật thủ thần ni cho biết là chiêu vạn kiếm quy tông đúng là chiêu kiếm tuyệt diệu, tất cả công lực được truyền vào thân kiếm, chiêu kiếm phóng ra mạnh có thể bạt núi, mau có thể chém nhạn đang bay như bức hình đầu tiên nhìn thấy. Không có kiếm, nên tất cả chiêu thức chỉ là sự lãnh hội và nằm trong đầu, Tích Nhân cảm thấy rất khó chịu không có cách gì ứng dụng thử. Trong lúc Tích Nhân nghiên cứu đồ hình, Vương Tố Thư, tập trung tinh thần để nhớ hết hình vẽ vào đầu. Sau đó, đôi mắt của bà chỉ tập trung vào người hắn. Có lúc bà ta ngẩn ngơ, buồn bã. Có lúc tự mỉm cười như lấy làm đắc ý. Có lẽ có nhiều ý nghĩ và toan tính. Cặp mắt bà ta vẫn là cặp mặt si mê. Khi Tích Nhân quay lại bắt gặp ánh mắt ấy cũng phải rùng mình. Cảnh tranh tối tranh sáng trong động, ánh mắt si mê của Vương Tố Thư làm Tích Nhân bỗng nhớ đến Ninh Hồng, đến Đồng cổ thần công, và bừng tỉnh trong đầu: Sức mạnh của kiếm chiêu có thể phá vách động, thì chưởng kình của thần công cũng có thể phá vỡ được!
Vương Tố Thư đang ngồi, đứng lên:
- Nhân đệ đã lĩnh ngộ kiếm pháp?
- Lãnh ngộ cũng bằng vô dụng vì không có kiếm. Nhưng tưởng phá động mà ra, thì chưa hẳn chỉ chiêu vạn kiếm qui tông mới có năng lực này!
Và bảo bà:
- Phu nhân lui ra phía sau lưng tại hạ. Tại hạ phá bức vách xem sao?
Vương Tố Thư theo lời lách ra phiá sau, Tích Nhân xuống tấn vận dụng Đồng cổ thần công tầng thứ chín hai tay từ từ ấn vào vách đá. Vương Tố Thư thấy sức chưởng nhẹ nhàng nghĩ sẽ không làm vách đá cứng như thép suy suyển, nhưng bà ta phải mở to mắt khi Tích Nhân rút hai tay lại, một vùng mấy thước đá vỡ ra thành bột rơi xuống sâu tới vài tấc. Chờ bột đá rơi xuống hết, Tích Nhân lại tay và bốn lần như vậy cửa đá đã thủng một lỗ to. Một người có thể chui qua dễ dàng. Tích Nhân quay lại:
- Phu nhân chịu khó ép mình một chút!
- Nhân đệ ra trước. Ta ra sau.
Tích Nhân lòn mình ra ngoài và khi Vương Tố Thư chum người qua, Tích Nhân không cảm thấy ngại ngùng mà tự nhiên đón hai tay bà ta đỡ ra ngoài để bà ta khỏi phải bò xuống như mình. Thấy căn phòng vẫn như cũ không có chút hư hao nào. Vương Tố Thư lại lấy bình rượu. Dù võ công cao cường, qua một thời gian dài không ăn, uống bà ta cảm thấy khát khô cả cổ, nhưng rót trước cho Tích Nhân:
- May mắn chúng ta còn hơn nửa bình rượu. Có thể đỡ khát và đỡ đói.
- Có chừng ấy chúng ta có thể chịu đựng ít nhất cũng ba ngày nữa. Mời phu nhân dùng trước.
- Nhân đệ đã lắm khó nhọc và ta xin mời.
Tích Nhân uống xong ly rượu cảm thấy rất khoan khoái. Ngồi xuống:
- Tại hạ điều tức giây lát rồi xông phá cửa thứ hai.
Theo hướng chỉ của Vương Tố Thư, cánh cửa thông ra đường thông đạo ở phiá trái căn phòng. Tích Nhân sau đó đục sâu hơn thước thì thông ngay, vui vẻ:
- Chúng ta có thể ra ngoài được.
Trái với sự vui vẻ của Tích Nhân, Vương Tố Thư trông thật buồn bã, và khi người đàn bà buồn bã lại thấy đẹp vô cùng. Tích Nhân chợt cảm thấy ngơ ngẩn. Bà ta với u mắt thật buồn:
- Còn chút rượu Nhân đệ không thể uống hết với ta? Khi chia tay, hẳn từ nay khó lòng gặp lại.
Trong lòng Tích Nhân cũng biết, không thể nào cảm động trước mối tình của một người đàn bà như Vương Tố Thư, và khi chia tay cũng không thể gặp bà ta được. Nghĩ thầm trong lòng bà ta thật tình yêu mình là cả một sự điên rồ, nhưng thật cũng đáng thương nên không muốn làm cho bà ta thất vọng vì chuyện nhỏ. Gật đầu:
- Rượu của phu nhân ngon vô cùng. Chúng ta uống cạn rồi cùng ra ngoài.
Số rượu trong bình còn lại, mỗi người uống ba ly thì cạn sạch. Vương Tố Thư ném bình và ly xuống đá vỡ tan, rồi ôm mặt khóc rưng rức:
- Nhân đệ.. đi đi.. ta không muốn ra ngoài nữa.
Cái khóc của đàn bà luôn luôn làm đàn ông bối rối. Tích Nhân thấy bà khóc như vậy, thừ người ra chẳng biết phải làm gì. Bỏ đi thì không đành, muốn vỗ về thì thấy không thể làm được. Vương Tố Thư khóc giây lát rồi đứng lên, nhìn hắn bằng cặp mắt đầy đau khổ:
- Vĩnh biệt Nhân đệ!
Bà ta loạng choạng tới chỗ thông đạo. Chui người qua rồi băng mình chạy đi. Đường thông đạo là một hang núi rất to, một người có thể đi đứng không phải cúi chui, nhưng tối đen. Tích Nhân cầm đằng tiên chui người qua chỗ đục, nhãn quan thấy dáng thất thểu của Vương Tố Thư cảm thấy không an tâm, vội đi theo sát một bên. Khi tới cùng đường hang, Tích Nhân thấy miệng hang nằm trên bờ núi, gió lạnh thổi vi vút. Trời bên ngoài cũng ban đêm nên không biết bờ vực sâu như thế nào. Vương Tố Thư dừng chân trước miệng hang:
- Bờ vực thẳng tắp, nhưng có những đinh sắt đóng sâu trong vách đá. Nhân đệ hãy đợi ban ngày mới có thể thấy để theo đó mà đi lên thạch bình trở lại. Ta chúc Nhân đệ danh chấn giang hồ, cả đời hạnh phúc.
Sau khi nói, bà ta tung mình ra ngoài. Tích Nhân không ngờ bà ta làm vậy, không còn kịp suy nghĩ gì nữa phóng theo, và khi chụp lấy được bà ta thì cả hai rơi nhanh xuống bên dưới. Tích Nhân lúc chụp ôm được eo bà ta, và vì sự sống chết liền buông ra, chụp lại cánh tay quát to:
- Đề khí cho sức rơi giảm bớt.
Có phải vì thất vọng muốn quyên sinh hay không, hay toan tính điều gì, được Tích Nhân phóng theo, trong bóng tối như bưng Vương Tố Thư cười rất tươi, nhưng lại lớn tiếng:
- Ta chết mặc ta, sao Nhân đệ điên khùng như vậy? Đề khí cũng không thoát chết.
- Còn nước còn tát.
Vương Tố Thư liền ngoan ngoản vận công ra châu thân, áo quần của bà ta phồng lên cản bớt được sức rơi. Tích Nhân cũng đề khí theo Thiên ưng phi đằng, đưa người nằm ngang, quần áo cũng bung ra làm cho hai người vẫn rơi xuống, nhưng không còn nhanh và thẳng băng nữa. Trong khi rơi, Tích Nhân nghe gió thổi vùn vụt, sương tạt lạnh ngắt, nhưng trời quá tối không biết rơi theo hướng nào và xuống đâu. Vương Tố Thư bỗng lên tiếng:
- Trời quá tối! Chúng ta để rơi thẳng người, chia nhau đánh chưởng kình xuống bên dưới sẽ giúp chúng ta khi chạm mặt đất hơn.
Tích Nhân:
- Phu Nhân cứ đề khí tốt hơn. Dùng chưởng lực đánh vào không khí không giúp gì nhiều.
- Ta không ngờ Nhân đệ vì ta mà bất chấp nguy hiểm. Có chút ân tình này, ta chết cũng nãm nguyện, nhưng thật có lỗi cùng Nhân đệ.
- Chết sống có số mạng. Tại hạ có bị chết hôm nay thì cũng là số mạng của mình. Sống hành thiện trừ ác, không hổ sống trên đời. Chết là trời cho hết kiếp này, để sang kiếp khác có gì phải quan tâm.
- Hôm nay thoát chết.. ta sẽ... không xuất gia đầu Phật sớm hôm kinh kệ thì cũng sẽ hết lòng hành thiện tích đức. Lúc này Nhân đệ có thể gọi ta một tiếng tỷ tỷ hay không?
- Phu nhân thành tâm hướng thiện thì tại hạ sẵn sàng gọi phu nhân là tỷ tỷ.
- Có thể gọi ta một tiếng tỷ tỷ lúc này được không?
- Phu nhân quả quyết sẽ hành thiện trừ ác?
- Nhất quyết!
- Thư tỷ tỷ! Nếu chúng ta không chết. Mong tỷ tỷ thấy rõ đời người không bao lăm, làm thiện tích đức để lương tâm lúc nào cũng thanh thản.
Vương Tố Thư nghẹn ngào:
- Không chết. Ta nhất định làm theo những gì đã hứa với Nhân đệ.
Sau khi nói, Vương Tố Thư bỗng quằn người xuống phía dưới Tích Nhân. Và hét to:
- Ta có thể chết. Nhưng Nhân đệ không thể chết.
Tích Nhân hiểu bà ta muốn làm gì hét:
- Không cần phải làm như vậy. Đừng kháng cự để tiểu đệ đưa lên.
- Không! Ta đã nhất quyết!
Tích Nhân vận công hai cánh tay kéo Tố Thư lên, bà ta kháng cự lại. Sự dằng co làm cả hai rơi như sao xa trở lại. Trong lúc Tích Nhân thấy cả trăm phần chết, không biết làm sao và cũng không thể chú ý chung quanh, thì nghe bị sự chấn động rất mạnh, và biết đang chìm xuống nước.
Dù rơi xuống nước, sức rơi từ trên cao xuống có thể làm cho người bình thường phải bất tỉnh. Vương Tố Thư nội công rất cao, nhưng khi xuống nước không thể nắm tay Tích Nhân được nữa. Còn Tích Nhân cũng cảm thấy như bị đánh một chưởng ê ẩm toàn thân, và không thể giữ cây đằng tiên trong tay. Tuy vậy, vẫn tỉnh táo, khi chân chạm mặt đá liền cùng bung người lên. Lên tới mặt nước, Tích Nhân không biết đang ở trong hồ hay trong sông. Chung quanh tối mò, nhãn lực không thể nhìn xa quá vài trượng. Những gì thấy được là mặt nước và vân vụ, không biết đâu là bến bờ, bèn chỉ vận chân khí để làm cho thân thể nổi lên mặt nước. Giây lát, Tích Nhân phát hiện giòng nước lạnh như cắt đang chảy, rồi sức chảy càng lúc càng mạnh. Võ công rất cao, nhưng không biết bơi, nước lại sâu, cũng không thể thấy bờ chỗ nào, Tích Nhân đành để cho nước cuốn trôi, khi chìm, khi nổi. Khi thân thể đụng vào đá, Tích Nhân chụp tay bám vào. Với chỉ lực của mình, mặt đá rong rêu, Tích Nhân vẫn có thể bám chặt, nhưng liền phát hiện trên đầu là vách đá, không chỗ nào có thể lên ngoi khỏi mặt nước, và nước chảy với sức chảy như thác đành buông tay, dùng thuật bế khí và vận công che chở da thịt để chịu đựng, không chỗ ngoi lên thở và thân mình liên tiếp bị tông đẩy nhồi dập vào đá. Không biết bao lâu, khi thấy thấy giòng nước chậm lại, thân hình không còn bị tông nhồi vào đá nữa, Tích nhân ngoi lên khỏi mặt nước để thở, vui mừng thấy mình ở trong một cái hồ rộng vài mẫu, chung quanh vách đá bao bọc. Nhìn quang cảnh, Tích Nhân hiểu ngay đã trôi tới đây theo giòng nước ngầm. Nếu không mau vào bờ, lại có thể cuốn trôi chẳng biết về đâu. Dù không biết bơi nhưng võ công thần kỳ, hai tay và hai chân Tích Nhân tung đạp với kình lực rất mạnh đã đưa người đi nhanh vào bờ. Bờ đá nơi nào cũng gần như thẳng tắp, phải một lúc lâu mới tìm được một nơi có thể ngồi được. Phóng lên khỏi nước, Tích Nhân thấy áo quần rách nát gần hết, nhưng da thịt lại không hề gì, tự hiểu nếu không luyện được Đồng cổ thần công, thì cũng không tránh khỏi mang thương tích.
Tích Nhân ngồi xuống, định vận công hong khô áo quần và lấy lại sức, thì cũng vừa thấy trong mặt hồ có một thân hình trắng nõn nhô lên chìm xuống, biết là Vương Tố Thư, vội phóng xuống nước trở lại. Khi đem tới chỗ Vương Tố Thư, Tích Nhân thấy bà ta không còn thở, áo quần không còn, thân thể sưng bầm khắp nơi. Đem bà ta vào bờ, không biết cứu sống được không, nhưng cũng vội đặt bà ta ngay ngắn xuống nền đá. Người Vương Tố Thư bầm tím nhiều nơi, thân thể lạnh ngắt, nhưng trên người chỉ còn chiếc yếm che ngực và chiếc quần lót lụa trắng, sự phơi bày cũng làm Tích Nhân phải nhắm mắt để cúi xuống làm hô hấp, và thúc đẩy nước trong người bà ta ra ngoài.
Không như Tích Nhân nghĩ vì tuyệt vọng mà Vương Tố Thư muốn tự vẫn. Bà ta biết rõ địa hình, biết rõ từ hang đá nhảy ra sẽ rơi xuống hồ nước. Và tin với một người như Tích Nhân, thế nào cũng không thể nhắm mắt làm ngơ. Bà đã rất đắc ý khi Tích Nhân nhảy theo, trong lòng thầm toan tính sẽ tìm mọi cách làm cho Tích Nhân cảm động với tình ý của mình. Tuy nhiên, một điều mà bà ta lại không biết, là nước trong hồ lại chảy vào một đường hầm nên suýt mất mạng.
Võ công và nội công Vương Tố Thư cũng không phải tầm thường, bà cũng đã có thể chịu đựng trong giòng nước một thời gian rất lâu, khi Tích Nhân nhìn thấy, bơi ra cứu thì cũng mới tắc thở không lâu, nên được Tích Nhân làm hô hấp, vận công thúc đẩy máu huyết chỉ giây lát đã hồi tỉnh lại. Sau cái thở hắc, bà ta rên rỉ giây lát rồi mở mắt. Tích Nhân cởi áo che cho bà ta, đỡ ngồi lên, đặt dựa vách đá vui vẻ:
- Thư tỷ tỷ đã sống lại rồi!
Chỗ bằng phẳng Tích Nhân tìm được rất nhỏ hẹp, khi cứu cấp cho Vương Tố Thư, Tích Nhân chỉ có thể ngồi một chân, một chân phải buông xuống nước. Lúc bà ta tỉnh dậy, Tích Nhân đỡ ngồi lên, thì hai người phải ngồi gần sát nhau, da thịt chạm nhau. Tích Nhân thấy không cách gì khác hơn, và cũng tự thấy từ lúc cứu cấp, đụng chạm da thịt Vương Tố Thư đến giờ, trong lòng hoàn toàn không có chút tạp niệm và xúc động nào dù thân thể bà ta tuyệt đẹp nên cũng không thấy phải tị hiềm. Còn Vương Tố Thư khi tỉnh dậy, nghe thân thể đau nhức khắp nơi, nhưng được Tích Nhân dịu dàng nâng đỡ, được ngồi sát một bên, bà ta cảm thấy ngọt ngào trong lòng vô cùng:
- Nhân đệ phải cực nhọc lắm mới cứu được ta?
- Cũng không phải lâu lắm. Tỷ tỷ hãy điều tức để phục hồi lại sức khoẻ. Tiểu đệ phải đi coi có chỗ nào rộng rãi hơn và kiếm chút thực phẩm cho chúng ta dùng tạm.
Được Tích Nhân gọi tỷ tỷ, Vương Tố Thư cảm động rơi nước mắt. Bà ta nghẹn ngào:
- Được Nhân đệ gọi hai tiếng tỷ tỷ...ta thấy trên đời không có gì hạnh phúc bằng.
Và tiếng bà ta nhỏ xuống:
- Ta cảm thấy lạnh quá. Nhân đệ hãy ngồi với ta giây lát nữa rồi hẳn đi.
Tích Nhân không cảm thấy lạnh, nhưng biết nước rất lạnh và khí hậu cũng rất lạnh, chiếc áo phủ tạm người bà cũng ướt nên vận công thúc đẩy nhiệt lực trong người ra vừa sưởi ấm cho bà, vừa hong khô quần áo. Trong làn hơi ấm của Tích Nhân xông ra bao trùm lấy mình, Vương Tố Thư ngây ngất, nhắm mắt để tận hưởng và buông lỏng thân thể ngã dựa vào người Tích Nhân. Hơn nửa giờ sau, thấy áo quần đã khô, Tích Nhân xả công, nhẹ đẩy Vương Tố Thư ra, đứng lên:
- Áo tiểu đệ cũng rách nhiều chỗ, nhưng tỷ tỷ có thể mặc tạm. Hãy vận công để lấy lại sức lực và chữa trị thương tích trên người.
Vương Tố Thư bừng tỉnh giấc mộng đẹp, bấy giờ mới thấy mình gần như loã lồ, chiếc áo Tích Nhân chỉ che trên lưng còn người mình chỉ chiếc áo lót, thân thể nuột nà mà bà tự tin nam nhân nào nhìn thấy cũng phải đứng tim của mình hiện sưng bầm khắp nơi, liền cảm thấy xấu hổ muốn che đậy cho nhanh, không muốn Tích Nhân nhìn thấy, cong người lại, lấp bấp:
- Ồ! ta ta..Nhân đệ đi đi..
Tích Nhân mỉm cười, bám theo bờ đá đi tìm chỗ ngồi tạm khác. Đi được vài trăm trượng, thấy một chỗ không khác cái sân thoai thoải, cây khô lá khô trên núi rơi xuống nằm gát lên nhau lấy làm mừng rỡ, và liền dùng chưởng lực đùa cây lá qua một bên. Dưới chưởng kình của Tích Nhân, mặt đá hơn trượng vuông sạch như lau. Tích Nhân nhìn đống cây khô được dồn lại, chợt thấy đói vô cùng, và rất thèm miếng cá nướng. Cá trong hồ rất nhiều, chỉ chốc lát Tích Nhân đã bắt được mấy con to. Nghĩ Vương Tố Thư cũng rất đói, Tích Nhân bám gành đá trở lại chỗ cũ, thấy ba ta đang vận công, chung quanh xông ra một luồng hơi trắng sáng dày cả thước, biết nội công Phật thủ bà đã luyện tới mức tối cao, Tích Nhân chợt hy vọng với môn thần công đạo gia chính phái này, với dụng tâm giác ngộ của mình, trong tương lai bà ta có thể từ bỏ con đường tà đạo.
Không muốn quấy nhiễu việc vận công của Vương Tố Thư, Tích Nhân lại quay lại và đốt lửa nướng cá. Ăn liên tiếp bốn con to, uống thêm mấy hớp nước, Tích Nhân nằm xuống mặt đá nhắm mắt.
Ngủ được một chút, Tích Nhân nghe tiếng động mở mắt ra, thấy Vương Tố Thư đã tìm tới. Được chiếc áo của mình che phủ những chỗ bầm sưng trên người, khuôn mặt may mắn không bị sưhg bầm chỗ nào, sau khi vận công như sáng hẳn ra, mái tóc không còn thứ gì có thể cột bới, Tố Thư bỏ xỏa buông dài theo người làm Tích Nhân thấy bà ta nửa kín nửa hở vừa đẹp vừa khiêu gợi khôn cùng. Không đừng được buột miệng:
- Thư tỷ tỷ đúng là quốc sắc thiên hương!
Vương Tố Thư mắt ngời sáng, chớp nhanh:
- Nhân đệ thật tình thấy ta đẹp?
Ánh mắt chờ đợi câu trả lời làm Tích Nhân phải bối rối, biết mình lỡ miệng, nhưng không thể nói cách nào khác, đành cười:
- Tỷ tỷ cũng tự biết mình rất đẹp rồi!
Và nói tiếp:
- Khi trở lại thấy tỷ tỷ đang điều công, và tiểu đệ quá đói nên phải ăn mấy con cá và ngủ được giây lát.
- Ta cũng qúa đói tìm qua đây nên mới làm cho Nhân đệ thức giấc.
Tích Nhân ngồi lên, mồi lại đống lửa:
- Ở chỗ hoang vu như thế này, tỷ tỷ đành phải chịu khó ăn cá nhạt.
- Lúc này ta ăn thứ gì cũng ngon. Dù đắng cũng thấy ngọt.
Hiểu ý bà ta, nhưng Tích Nhân vui vẻ:
- Để tiểu đệ nướng cháy, xem tỷ tỷ thấy có ngon không?
- Ta đâu có thể đành lòng để Nhân đệ nướng cá cho ta dùng! Nhưng ta biết, dù Nhân đệ đưa ta cục than ta cũng thấy ngon.
- Thời gian còn dài, tiểu đệ rất muốn xem sự chứng thực của tỷ tỷ.
Tích Nhân lại bắt mấy con cá, gim vào cây ngồi nướng. Vương Tố Thư trong lòng muốn ngồi xuống một bên, nhưng lại sợ Tích Nhân nhìn thấy đôi chân sưng bầm xấu xa của mình, nên chỉ đứng dựa vách đá nói lời cảm kích:
- Nhân đệ đã cứu mạng ta, lại nướng cá cho ta dùng. Ta không biết làm sao có thể trả ơn Nhân đệ.
- Một người có võ công cao cường, thủ hạ đông đảo lại đang nhất lòng hướng thiện. Tiểu đệ săn sóc cho tỷ tỷ, ngoài tình tỷ đệ mới mẻ giữa chúng ta, tiểu đệ cũng đang làm một việc thiên kinh đại nghĩa cho võ lâm giang hồ.
Vương Tố Thư nghe nói thất vọng, mặt tái lại, nhưng chỉ thở dài:
- Đến giờ Nhân đệ cũng không hiểu lòng ta?
- Tiểu đệ không phải là gỗ đá và cũng không phải là ngu ngốc. Tích Nhân nhẹ nhàng trả lời.
Vương Tố Thư vội bước tới, quỳ gối gục đầu lên lưng Tích Nhân bật khóc:
- Ta thật lòng yêu Nhân đệ. Không có Nhân đệ chắc ta không sống nổi. Nhân đệ có thể cho ta mặt dày, khinh khi ta, nhưng ta không còn cách nào để Nhân đẹâ thấy được lòng ta. Hãy cho ta một chút thương yêu, rồi giết ta ngay cũng được!
Tố Thư tự vẫn là giả, nhưng suýt chết là thật. Tích Nhân không nhìn ra cái giả, nhưng chứng kiến cái thật nên trong lòng cũng bồi hồi, tự động đùa đống lửa sang một bên, quay lại. Vương Tố Thư được trớn ôm chần lấy, gục đầu vào lòng:
- Nhân đệ không thể yêu thương thì đánh ta một chưởng chết ngay đi. Ta đau khổ quá!
Tích Nhân nghĩ Vương Tố Thư đang thật sự đau khổ vuốt nhẹ mái tóc bà ta, và thở dài, cảm động:
- Tỷ tỷ hãy bình tĩnh lại nào! Tiểu đệ không phải lo tỷ tỷ đói nên nướng cá cho tỷ tỷ hay sao?
- Ta không cần ăn..Nhân đệ có lời ngọt ngào thì ta đã no rồi! Nhân đệ có thể yêu một người như ta không?
- Sao lại không?
- Thật không?
- Thật.
Vương Tố Thư thẳng lưng lên nhìn vào mắt Tích Nhân. Tích Nhân thấy khuôn mặt như hoa của bà ta đầm đìa nước mắt, không khác đoá hải đường đẫm sương cũng phải ngẩn ngơ. Ánh mắt Tích Nhân làm Vương Tố Thư sung sướng vô hạn, ngã người lên ngực, kêu khẽ:
- Nhân đệ!
Tích Nhân cũng tự động đưa tay ôm lấy bà ta. Trong vòng tay Tích Nhân, Vương Tố Thư rùng mình, muốn hai tay Tích Nhân ôm chặt và cúi xuống thân thể đang nóng ran của mình. Nhưng vòng tay Tích Nhân lại lỏng ra, và chỉ nhè nhẹ vuốt ve mái tóc, bờ vai của mình.
Vương Tố Thư có giòng máu tham tàn của mẹ, nhưng cũng có giòng máu chính nghĩa của cha. Thân phụ bà vốn là một hiệp khách. Ông đã có danh trên giang hồ là Ngọc diện thần kiếm, tên là Thạch Phi, năm ba mươi tuổi đã được liệt vào hàng trưởng lão phái Điểm Thương. Vì là một hiệp khách đẹp trai, ông ta đã bị Vương Như Huệ đầu độc mất hết tự chủ ân ái với bà ta. Sau khi tỉnh ra ông ta đã không bị Vương Như Huệ làm si mê, mà lấy làm xấu hổ nên tự kết liễu đời mình. Vương Tố Thư không biết cha là ai, nhưng bà đã không giống tính tình của mẹ. Vì sự tan rã của Thần ma giáo, bà ta theo lời của người em gái, hiện là một nữ ma đầu nổi tiếng võ lâm Trung Nguyên, bà đã mê hoặc Đoàn Hán Thiên và lợi dụng Lã Nhượng. Nhưng trong ân ái với họ trong lòng bà rất cũng miễn cưỡng, mỗi lần như vậy bà cảm thấy nhờn gớm hơn lạc thú. Khi gặp Tích Nhân, tiếng sét ái tình đã bất chợt đến với bà. Bà muốn chiếm đoạt Tích Nhân, trong lòng có nhiều âm mưu tính toán nhưng cũng vì si mê thật sự chứ không phải dục tình. Được Tích Nhân ôm nhẹ, vuốt ve lòng bà đã cảm thấy nhẹ nhàng, sung sướng vô hạn.
Tích Nhân trong lòng biết rõ mình không thể nào trở thành người tình của một người đàn bà đang có chồng dù yêu chồng hay không, cũng như tuổi tác quá chênh lệch, nhưng từ một cảm quan nào đó, thấy bà không phải là một người cực kỳ hung ác, và ta cũng yêu mình thật sự chứ không phải giả vờ, mưu toan dụ dỗ vì ý tưởng bất chánh. Điều quan trọng hơn hết, Tích Nhân thấy chỉ có thể giác ngộ Vương Tố Thư mới thay đổi được tham vọng Thiên long bang đem lại sự bình yên cho võ lâm Đại Việt vùng biên giới và hoà bình cho Ngũ độc giáo. Vương Tố Thư thông minh, từng trải, tin tưởng tuyệt đối ở nhan sắc của mình, tin tưởng người đàn ông nào được mình sẳn sàng dâng hiến sẽ không khác gì con thú tham lam, nhưng thái độ êm ái của Tích Nhân lúc này không làm bà ta thất vọng mà lại kính phục và yêu thương hơn.
Để cho Vương Tố Thư nằm trong lòng một lúc, Tích Nhân nâng khuôn mặt bà ta lên mỉm cười:
- Tỷ tỷ cũng phải ăn chút gì mới được chứ!
Ánh mắt Tích Nhân làm Vương Tố Thư chợt cảm thấy mắc cỡ như cô gái biết yêu lần đầu, mặt đỏ bừng, gục xuống che dấu:
- Nhân đệ điều tức hay nghỉ giây lát. Ta tự lo cho mình.
- Có thể làm được không?
Vương Tố Thư chống tay đứng lên:
- Rượu chính tay ta cất, Nhân đệ thấy thế nào?
- Chưa bao giờ tiểu đệ được uống thứ rượu ngon như vậy.
- Hy vọng ra khỏi nơi này ta có cơ hội nấu cơm cho Nhân đệ dùng. Nhưng ở đây dù ta hay Nhân đệ nướng cá thì mùi vị cũng không khác nhau mấy.
- Không phải cá tiểu đệ nướng sẽ ngon miệng tỷ tỷ hơn sao? Để tiểu đệ nướng cho vậy.
Tích Nhân vừa nói, vừa dụn lại lửa. Vương Tố Thư ra bờ nước bắt cá. Không như Tích Nhân chỉ bắt lên ghim nướng, Tố Thư không có dao nhưng dùng tay rạch bụng, bỏ ruột, bỏ mang, lấy đá cào vảy, làm con cá thật sạch và rửa sạch mới ghim vào nhánh cây, hơ nướng. Tích Nhân kê hai khúc cây bên đống lửa cho bà ta dễ ngồi. Nhìn nhưng con cá trong tay Vương Tố Thư, Tích Nhân cười:
- Việc nấu nướng nam nhân không thể bì nữ nhân.
- Những đầu bếp ở các nhà hàng, tửu điếm, hoàng cung, nhà quan đều nam nhân.
- Đó là vì nữ nhân không thể chịu quá nặng nhọc.
- Một phần! Nam nhân nấu giỏi vì đó là nghề nghiệp để nuôi vợ con. Còn nữ nhân nấu vì chồng con của mình.
- Tỷ tỷ thường nấu?
- Rất thường. Nhưng chỉ nấu cho ta dùng. Trong đời ta chưa nấu cho ai. Nhân đệ tin không?
- Tiểu đệ tin.
- Cảm ơn Nhân đệ tin ta.
- Nhân đệ có nhiều người yêu. Có ai đẹp hơn ta không? Hãy thành thật với ta.
Tích Nhân nhắm mắt, thầm so sánh, rồi chân thành:
- Mỗi người mỗi vẻ, nhưng có thể nói chưa có ai đẹp bằng tỷ tỷ.
- Không hiểu Nhân đệ thật lòng hay không. hay chỉ muốn làm ta vui. Không biết Nhân đệ có cười ta không, lâu nay ta vẫn tin trong võ lâm Trung nguyên về thông minh, tài mạo, võ công, cầm kỳ thi hoạ ta chỉ không bì kịp một người.
- Có người như vậy hay sao? Ai?
- Nhị muội của ta.
- Tỷ tỷ có em?
- Người em duy nhất.
- Chắc bà ta cũng nổi danh và rất thế lực trong giang hồ như tỷ tỷ.
- Ta so với nó chỉ là đom đóm so với ánh trăng.
- Tiểu đệ chưa biết nhiều về võ lâm Trung nguyên. Tỷ tỷ có thể cho biết ít nhiều.
Vương Tố Thư đưa con cá vừa chín cho Tích Nhân:
- Nhân đệ ăn đi. Chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện.
Tích Nhân mới ăn mấy con cá không lâu, nhưng đã thấy đói nên cầm lấy. Bốc ăn một miếng khen ngợi:
- Cá tỷ tỷ nướng dù không gia vị gì, nhưng ngon hơn tiểu đệ nhiều.
- Nhân đệ không làm sạch, và nướng chín quá, đến cháy.
- Sau này tiểu đệ sẽ học cách thức của tỷ tỷ.
- Nếu vậy ta vui mừng vô cùng. Dù sao lúc ấy Nhân đệ cũng sẽ nhớ tới ta.
- Nhân sinh tán tụ bất thường. Phải có ngày ấy. Và tiểu đệ sẽ rất nhớ tỷ tỷ.
Vương Tố Thư thở dài:
- Ta yêu Nhân đệ là không phải..lý trí ta biết không thể được... nhưng con tim ta.
- Chỉ theo con tim có thể mù quáng. Con tim và lý trí dung hoà mới có thể lâu dài và mãi tương kính nhau.
- Nhân đệ muốn khuyên nhủ ta?
- Cũng cho cả tiểu đệ.
- Có thể rõ hơn?
Tích Nhân nhìn vào mắt Tố Thư:
- Như chuyện chúng ta. Dù tỷ tỷ lớn tuổi hơn, nhưng đúng là bậc khuynh thành. Không thể nói là tiểu đệ không rung động và có những ham muốn của một người đàn ông khi nhìn hay ở bên tỷ tỷ. Nhưng tiểu đệ chưa hoàn toàn hiểu về tỷ tỷ. Tỷ tỷ có phải là người cùng một lập trường, suy nghĩ như tiểu đệ không? Tiểu đệ cũng chưa khẳng định sự đàm tiếu của thế gian nếu có, có làm mình coi thường hay không? Nếu có sự buông thả hôm nay, ngày mai tiểu đệ hối hận thì tiểu đệ là người đáng khinh. Còn tỷ tỷ nếu vì một sự bồng bột nhất thời của con tim, sau này lại thấy tiểu đệ cũng chỉ là phường ham mê sắc dục, thì tỷ tỷ cũng có thể coi thường và chán ghét tiểu đệ. Có phải vậy không?
Vương Tố Thư cúi đầu thở dài:
- Nhân đệ nói đúng. Ta không có gì để bác bẻ.
Và bà ta lại nhìn thẳng vào mắt hắn:
- Khi hoàn toàn biết ta yêu Nhân đệ bằng cả tấm lòng chân thành, và trong tim Nhân đệ cũng có hình ảnh của ta, rung động chân thực với ta. Nhân đệ có vì những đàm tiếu thế gian mà xa lánh?
- Tiểu đệ không phải phường ngụy quân tử. Tiểu đệ sống miễn không thẹn với lòng mình, với lương tâm mình mà thôi. Miệng thế gian chỉ làm tiểu đệ lung lay khi lòng tiểu đệ chưa vững tin mà thôi.
Vương Tố Thư cười:
- Ta sẽ thi trận đấu tình yêu này với Nhân đệ.
Tích Nhân lắc đầu:
- Tình yêu không có thi, có đấu. Tình yêu là sự rung cảm chân thành của con tim và lý trí tự biết một cách dứt khoát không còn ngăn cách nào là quan trọng nữa.
- Không ngờ Nhân đệ còn là một triết gia. Ta hiểu và ta chờ đợi.
- Tỷ tỷ chưa ăn hết con cá!
- Ồ! Ta ăn đây.
Tích Nhân đứng lên:
- Tiểu đệ đã no. Tiểu đệ cần ngủ một giấc dài. Khi thức dậy muốn nghe tỷ tỷ kể chuyện.
Tích Nhân lại bờ hồ rửa tay, rửa mặt rồi lại vách đá ngồi dựa vào và sải chân chuẩn bị ngủ. Tố Thư kêu lên:
- Một thời gian.. mấy ngày nay ta cũng như Nhân đệ chưa chớp mắt.
- Tỷ tỷ có thể cùng ngủ với tiểu đệ.
- Ta không thể nằm dài trên đá, lưng đang đau cũng không dựa lên vách đá cứng. Ta có thể ngồi dựa Nhân đệ?
- Tiểu đệ sẳn sàng làm phương tiện cho tỷ tỷ.
- Thế thì hay quá!
Vương Tố Thư bỏ miếng cá, chạy đi rửa tay, rửa miệng, nhưng khi tới chỗ Tích Nhân bà ta bỗng đỏ mặt chôn chân một chỗ. Tích Nhân thấy cử chỉ biết sự lương thiện, bản tính nhi nữ trong bà còn rất nhiều. Đưa tay tươi cười:
- Tỷ tỷ ngồi xuống đây với đệ.
Vương Tố Thư sà xuống, nhưng liền nhăn mặt, Tích Nhân săn hỏi:
- Bị chạm đau?
- Vết bầm sau lưng hình như rất to.
Tích Nhân đứng lên cởi chiếc quần dài. Cử chỉ làm Vương Tố Thư mở to mắt, tim đập mạnh. Nhưng Tích Nhân cởi quần dài ra xếp lại đặt lên mặt đá. Ngồi xích xa ra một chút bảo:
- Tỷ tỷ nằm xuống, gối đầu lên chân tiểu đệ sẽ ngủ một giấc ngon. Mấy vết thương trên lưng tỷ tỷ nhất định đau lắm không dựa vào đá được còn dựa vào vai tiểu đệ thì thân thể khó cân bằng.
Vương Tố Thư vành mắt bỗng đỏ hoe. Tích Nhân nhẹ kéo bà ta xuống, đặt đầu lên bấp vế mình, vén mái tóc dài của bà ta phủ lên mặt. Nhẹ vuốt bờ bờ vai:
- Tỷ tỷ rán ngủ đi. Nhắm mắt sẽ ngủ được.
Cử chỉ của Tích Nhân làm Tố Thư vô cùng cảm động. Bà chưa được ai săn sóc như vậy bao giờ. Bà ta lại ôm chân hắn khóc:
- Nhân đệ!
Tích Nhân vuốt ve mái tóc bà:
- Tỷ tỷ rán ngủ đi. Chúng ta còn nhiều ngày nói chuyện. Tiều đệ không biết hát nếu không thì hát ru tỷ tỷ ngủ.
- Vậy để ta hát cho Nhân đệ nghe..
Vương Tố Thư cất tiếng hát, tiếng hát của bà rất êm, rất ngọt ngào. Phải nói là tiếng hát tuyệt vời, ca nhi nổi danh chưa chắc có giọng hát như bà, nhưng tiếng hát như oán như than làm người nghe bồi hồi cảm xúc. Tích Nhân nghe ít câu rồi không dám nghe tiếp.
Hoa nở hoa tàn
mây hợp mây tan
ngày xanh trong tuổi mơ màng..
phải chi đã được cùng chàng tóc tơ
cuộc đời như một giấc mơ
thu đông thấm thoát tưởng ngờ qua canh
mái đầu xanh
hận đầu xanh
kiếp hoa mưa gió tan tành
thiếp thân lỡ bước phong trần còn chi!
tình càng si
lệ lâm ly
hỏi trời gặp gỡ làm chi
từ đây biết có duyên gì với nhau?
tình là thương
tình là đau
hoa tàn thiếp biết thương nhau ngọt ngào..
Vương Tố Thư chìm trong tiếng hát êm ả của mình, thì Tích Nhân cũng chìm trong hơi thở đều đặn. Bà ta xoay mặt nhìn hắn chăm chăm giây lát rồi nhắm mắt lại, một giọt lệ từ từ trào ra mi.
Nhắc lại Phi Yến và Lã Nhượng theo dấu Tích Nhân lên tới nơi họ không biết cả hai đi đâu. Phi yến tức giận quát:
- Có phải đây là thạch bình hay không?
Lã Nhượng:
- Ta cũng chưa từng đặt chân đến đây lần nào.
Lã Nhượng đi quanh quan sát, thấy rõ ngoài hướng đi lên tới đây, phiá ngoài và bên kia thạch bình là vách đá dựng đứng, bên dưới cả trăm trượng là mây trắng. Dù khinh công cao đến đâu cũng khó lòng mạo hiểm phi thân xuống. Lão si mê Vương Tố Thư, trung thành hết mực cũng vì sự si mê này, thấy bà ta và Tích Nhân cùng mất tích còn nóng lòng hơn Phi Yến, lão quan sát khắp nơi không thấy tăm hơi dấu vết nào. Phi Yến thấy chiếc bàn đá nổi lòng nghi ngờ, bước lại xoay và nhấc lên nhưng cũng không thấy việc gì xảy ra. Nàng quát hỏi Lã nhượng:
- Bà ta đưa Nhân đệ đi đâu? Các ngươi âm mưu gì?
Phi Yến quát tháo, nhưng Lã Nhượng bây giờ như người mất hồn. Lão lẩm bẩm tự hỏi chính mình:
- Tại sao nàng ước hẹn lên đây? Tại sao ta chưa từng được nàng cho biết có một nơi như thế này?
Phi yến rút kiếm quát:
- Lão đừng giả bộ nữa? Họ đi đâu?
Lã Nhượng lại lẩm bẩm:
- Nàng đi đâu? Nàng đưa hắn đi đâu? Chẳng lẽ nàng.. nàng lại.. có ý gì với hắn!
Lão kêu gầm lên:
- Tố Thư! Nàng đâu rồi? Nàng ở nơi nào? Nàng lại dối ta điều gì?
Tiếng kêu la của Lã Nhượng dần dần trở nên thê lương, không còn chút nam nhi khí khái nào.
Phi Yến thấy rõ thần sắc của lão, âm thanh của lão không phải giả vờ mà nóng lòng và đau khổ thật sự, không để ý nữa, đi chú tâm quan sát chung quanh.
Khi rời Thiên long bang, chị em Hồng Lan được Phi Yến dặn dò thoát đi trước, nhưng sau đó theo dõi và đi lên thạch bình mai phục để sẳn sàng tiếp ứng nếu gặp điều trá ngụy. Tiếng kêu la của Lã Nhượng đã làm ba chị em vừa tới cũng từ dưới phóng nhanh lên. Không đợi hỏi, Phi Yến thuật lại sự việc. Nhã Lan rút kiếm:
- Chúng đã sắp đặt ngụy kế Nhân đệ mới biến mất nhanh như vậy. Lão đang giở trò gì đây cũng mặc, tiểu muội phải giết lão.
Lã Nhượng là tổng quản Thiên long bang võ công so với Nhã Lan cao hơn rất nhiều. Chị em Hồng Lan nghĩ khi Nhã Lan tấn công Lã Nhượng phải xoay mình chống đỡ, và khi lão phản kích ít nhất hai ba người vây đánh và cũng mất nhiều trăm chiêu mới thủ thắng, nhưng trước đường kiếm của Nhã Lan, Lã Nhượng vẫn không quan tâm, nàng phóng ra một chiêu đã đâm vào vai lão. Thấy lão không phản ứng, Nhã Lan vội dừng tay, nếu không đã đâm suốt vai lão. Bị mũi kiếm đâm sâu mấy phân, máu bắn ra đỏ cả áo, Lã Nhượng hình như cũng không hay biết. Lão chệnh choạng bước lại gần bờ đá hơn, giọng trở nên não nuột đau khổ hơn:
- Tố Thư, mấy chục năm nay.. dù nàng là vợ của lão tặc Hán Thiên... Ta đã sống và hết lòng phục vụ cũng vì nàng không lãnh đạm và dấu diếm ta điều gì. Ta tin nàng có chút tình với ta.. nhưng nơi đây là đâu, ta chưa từng biết tới. Nàng chưa bao giờ cho ta biết. Nàng đang làm điều gì? Phải chăng nàng đã si tình gã? Đưa gã đến một nơi không ai biết?..
Tiếng lẩm bẩm than thở của Lã Nhượng không lớn, nhưng bốn cô gái đều là cao thủ thượng thừa nên nghe rõ từng lời. Không hẹn cùng đưa mắt nhìn nhau.
Nhã Lan:
- Ồ! Chẳng lẽ..
Tử Lan:
- Hình như khi bà ta và Nhân đệ mới gặp nhau, họ đã có vẻ quen biết..
Phi Yến cười:
- Có thể bà ta si mê Nhân đệ, nhưng Nhân đệ đã có nhị Lan tỷ tỷ thì mụ có thể dụ dỗ được sao? Hơn nữa, trong người Nhân đệ có tình long độc. Nhân đệ sa ngã thì mụ cũng tự mang hoạ vào thân.
Hồng Lan cắn môi:
- Nhưng gã.. gã. có gì với một mụ đàn bà như mụ họ Vương. Ta thật không thể nào có thể nhìn mặt gã.
Phi Yến an ủi:
- Mụ đang âm mưu gì đó với Nhân đệ, nhưng Nhân đệ không thể sa ngã với một người đáng tuổi..
Phi Yến ngại không nói tiếp, thì Nhã Lan tiếp lời:
- Đáng tuổi mẹ mình! Hừ! Nếu gã hư đốn đến như vậy, tiểu muội cũng không nhìn mặt gã nữa. Chúng ta đi thôi. Ở đây làm gì nữa. Hồng và Tử Lan tỷ phải đi tìm long châu chữa độc trong người.
Nhã Lan nắm tay Hồng Lan phóng đi. Tử Lan phóng theo. Phi Yến thấy Lã Nhượng vẫn còn thả hồn chìm đắm trong sự đau khổ, ngoại cảnh hầu như không làm lão mảy may phân vân, liền phi thân theo và vượt lên trước cản lại:
- Chưa biết việc gì xảy ra lại rùng rùng bỏ đi. Lỡ Nhân đệ bị nguy hiểm thì sao?
Hồng Lan biến đổi sắc mặt:
- Ừ nhỉ! Sao hồ đồ như vậy?
Nhã Lan:
- Đúng là tiểu muội hồ đồ! Nhưng biết Nhân đệ ở đâu bây giờ?
Phi Yến:
- Không biết thì phải tìm. Họ mất tích chung quanh khu thạch bình này. Chúng ta chia nhau tìm kiếm. Biết đâu phát hiện ra manh mối. Trời tối chúng ta quay lại thạch bình.
Hồng lan:
- Hãy tìm một nơi khác để gặp lại thì tốt hơn. Đề phòng bọn Thiên Long bang tới tấn công. Nơi ấy là tuyệt địa. Nếu chúng ta bị lão Hán Thiên hay vài lão hộ pháp vây chận thì không còn đường rút lui.
Phi Yến vui vẻ:
- Tỷ tỷ của tôi bình tĩnh một chút thì không khác gì Gia Cát năm xưa. Để tiểu muội đi vòng một chút xem có nơi nào cho chị em chúng ta ở qua đêm khuất gió và kín đáo hay không?
Hồng Lan:
- Yến muội đi đâu thì đi rồi trở lại thạch bình. Ta nghĩ nơi đó có thể tìm ra manh mối.
Chị em Hồng Lan lên thạch bình vừa thấy Lã Nhượng hét lên một tiếng ai oán, tung mình xuống vực sâu muôn trượng. Dù đối đầu với Thiên long bang, và biết Lã Nhượng đã đem cả Thiết phiến môn qui thuận Thiên long bang, âm thầm ngoại tình với Tố Thư, tiếp tay bà ta làm nhiều điều tàn ác, nhưng thấy lão vì nghi ngờ Vương Tố Thư có tình ý với Tích Nhân mà thất tình quyên sinh, ba cô gái cũng chợt cảm thấy ngậm ngùi. Cả ba như bất động trước cái chết của lão cho đến khi Phi yến trở lại.
Tử Lan ngậm ngùi:
- Mụ Vương có hai người đàn ông, một võ si, còn một đúng là tình si. Đáng tiếc khối tình si của lão đã đặt không đúng người.
Phi Yến:
- Người đàn ông như lão cũng nên chết đi cho sạch mặt đất. Thiết phiến môn là môn phái lừng danh. Ở Vân Nam, võ công và nhân số còn mạnh hơn phái Điểm Thương. Nhưng lão vì say mê một người đàn bà đã có chồng mà giết hại nhiều cao thủ trong phái, rồi đưa tất cả đệ tử vào làm môn hạ cho Thiên long bang. Một người đàn ông như vậy.. chết thật không đáng tiếc. Hãy tìm xem có manh mối gì về Nhân đệ hay không là việc chúng ta phải làm..
Bốn chị em chia nhau đi tìm kiếm khắp nơi. Xem xét từng góc cạnh của thạch bình, nhưng không thấy chỗ nào là mấu chốt của một cơ quan. Quan sát gành đá cũng không thấy một sợi giây nào chứng tỏ Vương Tố Thư và Tích Nhân có thể theo đó đi xuống bên dưới. Khi trời đã tối, Hồng Lan thở dài:
- Chỉ còn cách chờ đợi ở đây để xem động tĩnh. Yến muội đã tìm chỗ nào ở tạm đưa chúng ta đến đó. Đêm nay và ngày mai chúng ta ẩn nhẫn chờ xem. Nếu đây là nơi chỉ mình mụ họ Vương biết, thì lão Hán Thiên hay cao thủ Thiên long bang thế nào cũng sẽ lên xem. Tìm hiểu cho biết việc gì xảy ra. Ta còn sợ.. chúng ta còn phải trở về Ngũ độc cung gấp để chuẩn bị cự địch. Vương Tố Như và Lã Nhượng mất tích một cách bí ẩn.. thì thế nào họ cũng cho chúng ta giết hại.
Phi Yến:
- Lão Hán Thiên đang bị thương. Lão đúng là tà đạo, nhưng lại rất giữ chữ tín. Lời hứa trước mặt nhiều người lão không bao giờ dám nuốt lời. Khi lão chưa quyết chắc Vương Tố Thư vì sao mà mất tích lão sẽ không động binh.
- Hiền muội biết lão như vậy thì không còn lo lắng, nhưng cũng phải truyền thư cho Ngũ độc cung tăng gia giới bị. Bọn thủ hạ của mụ Tố Thư và lão Lã Nhượng hình như không coi Đoàn Hán Thiên vào đâu.
- Tiểu muội nhất định phải ra lệnh đề phòng. Nhưng đi tìm long châu trị độc cho hai tỷ tỷ và Nhân đệ là cần gấp. Nếu không sẽ bị hư, ân hận suốt đời.
Nhã lan:
- Ở đây một hôm nữa là đủ. Tích Nhân mạng to, võ công siêu thần nhập thánh, lại rất thông minh. Tài trí của gã chị em ta khó ai bằng. Nghĩ lại tiểu muội không lo hắn có gặp nạn gì đâu.
Phi Yến:
- Dù Vương Tố Thư mưu mẹo gì e cũng không thể làm hại Nhân đệ được.
Hồng Lan:
- Chúng ta không ở một nơi mà chia nhau dò thám. Nếu gặp hay biết Vương Tố Thư trở về mà không thấy Nhân đệ, thì không thể cứ quả quyết Nhân đệ không bị hại được.
Phi Yến:
- Được, chúng ta làm theo lời tỷ tỷ. Tiểu muội ở đây để rình xem người Thiên long bang có lên đây không và nghe họ bàn luận thế nào. Các đường lên xuống núi. Hai tỷ tỷ và Lan muội canh chừng.
- Chúng ta đi nghỉ, dùng lương khô, sáng mai hành động.
Phi Yến đưa bốn chị em đến một gành đá, mái đá dô ra bên ngoài và có một hang to sâu vài thước.
Hồng Lan vui vẻ:
- Dù trống trải, nhưng ở đây chúng ta lại có thể quan sát nửa ngọn núi. Có ai lên thấy ngay.
Bốn chị em sau khi dùng lương khô, hành công điều tức, và sáng hôm sau chia nhau đi làm công tác của mình. Phi Yến lên thạch bình lại quan sát khắp nơi lần nữa, để ý chỗ có thể ẩn mình nếu có người lên núi. Đến gần trưa nghe tiếng công kêu từ dưới đưa lên, nàng vội vàng ra thềm đá, nhẹ nhảy xuống. Nàng đã dò quanh mép thềm đá và thấy một chỗ kín đáo ẩn mình khó ai biết nổi. Từ chỗ núp cũng có thể nghe những người đứng trên thạch bình nói chuyện với nhau. Phi Yến ngồi im giây lát sau, nghe bước chân hai người tới thạch bình, hai ngưới này đi lại trên thạch bình một lúc rồi tiếng Đoàn Hán Thiên:
- Nơi đây không có dấu vết gì có đánh nhau.
Tiếng Đoàn San San:
- Nhưng mẫu thân từ hôm qua đến nay lại không về! Lã tổng quản cũng biệt tăm. Không tới Ngũ độc cung tìm Trương Phi Yến thì hỏi ai bây giờ?
- Đây là nơi mẫu thân ngươi hẹn và đưa chúng tới. Địa lợi nằm trong tay bà ta, thì bà ta không thể bị hại dễ dàng.
- Khi tấn công Ngũ độc giáo mẫu thân đã tính rất kỹ. Chỉ có thắng không thua. Nhưng.. cuối cùng..
- Ta biết vì sao thua. Người tính không bằng trời tính. Nếu không có gã Tích Nhân xuất hiện thì mẫu thân ngươi đã tiêu diệt chúng.
- Hôm qua mẫu thân có thể cũng nắm chắc địa lợi, nhưng cũng có thể gặp diễn biến bất ngờ.
- Mẫu thân ngươi hẹn với Tích Nhân và Phi Yến, và nơi đây là vùng đất chúng ta giám thị.
Phi Yến nghe Đoàn Hán Thiên thở dài:
- Trên đời này không thể có tên Tích Nhân thứ hai.
San San la lên:
- Mẫu thân và Lã tổng quản mất tích, chẳng lẽ chúng ta cứ ngồi yên.
- Họ mất tích là do mẫu thân ngươi sắp đặt mưu mô nào đó chứ không phải Phi Yến hay Tích Nhân. Chúng có thiện chí hoà bình. Không muốn xung đột triền miên với chúng ta.
- Sao gia gia lại có thể tin như vậy?
- Cao thủ xuất sắc nhất của Ngũ độc giáo là Trương Phi Yến. Cô ta cũng là một kỳ tài, nhưng còn trẻ nên võ công cũng không là bao. So với Lã Nhượng cũng còn kém xa. Dưới tay Phi Yến thủ hạ hàng ngàn nhưng cao thủ xuất sắc lại không có ai. Nàng biết rõ xung đột lâu dài với chúng ta không có lợi.
- Phi Yến có ba cô gái võ công hơn cả con. Còn có Tích Nhân nữa.
- Họ là khách, là bạn giúp đỡ trong nhất thời chứ không phải thủ hạ.
- Gia gia quyết không làm gì?
- Ta đã hứa với Tích Nhân thì không thể thất tín để giang hồ chê cười. Khi nào ta biết chắc chắn mẫu thân ngươi bị gã hay Phi Yến dụng tâm đê hèn gia hại, lúc ta mới lý tới. Còn bây giờ phải chờ cho rõ trắng đen.
- Gia gia không lý tới thì hài nhi đi tìm nhị a di xin giúp đỡ.
- Ngươi chỉ biết mẫu thân và a di ngươi. Không kể gia gia này trong mắt hay sao?
- Nhưng hài nhi lo cho mẫu thân!
- Con lo cho mẫu thân là phải, nhưng cũng phải biết lo như thế nào cho đúng. Ngươi thường nóng nảy mà làm những việc không đâu.
Ông ta lại hỏi:
- Mẫu thân ngươi có từng cho ngươi biết bà thường đến đây không?
- Hài nhi không hề biết!
- Ngươi có biết mẫu thân ngươi luyện Phật thủ thần công và môn khinh công Vạn lý phi vân lúc nào không?
- Hài nhi thật tình không biết.
- Theo lời báo cáo, mẫu thân ngươi đã cố tình dụ Tích Nhân đi thật nhanh với mình để Phi Yến và Lã Nhượng phải tụt lại phiá sau. Khinh công của bà trước đây không hơn Lã Nhượng. Nhưng hôm qua lão không tài nào bắt kịp. Tình hình làm ta thật khó biết đâu vào đâu. Thôi! Chờ gặp mẫu thân ngươi nghe lời giải thích. Nếu trong hai người có người phải chết, người đó là Tích Nhân chứ không phải mẫu thân ngươi!
- Gia gia tin tưởng?
- Nếu ngươi là người hiểu mẫu thân ngươi cơ trí thế nào thì có thể tin như ta.
- Hài nhi thật không hiểu!
- Mẫu thân ngươi biết rõ võ công không bằng hắn, nhưng muốn hắn chỉ đi riêng với mình đến một nơi nào đó tất đã có dụng ý từ trước.
- Nhưng Lã tổng quản cũng mất tích.
- Hừ! Ông ta chỉ biết mẫu thân ngươi. Bà ta đi đâu thì ông ta tới đó vậy. Việc bọn chúng không qua khỏi mắt ta. Nhưng ta.. Hừ! Chúng ta trở về!
Chờ nghe những bước chân trên thạch bình đi xa, một lúc lâu Phi Yến mới phi thân lên. Nàng cảm thấy vừa an tâm, vừa lo âu. An tâm vì không sợ Thiên long bang tấn công, nhưng lo sợ Tích Nhân bị Vương Tố Thư hãm hại. Phi yến trở lại chỗ tạm trú, chị em Hồng Lan, Nhã Lan lúc sau về tới, nàng thuật lại cuộc đối thoại nghe được cho ba người nghe.
Hồng Lan lo lắng:
- Nhân đệ có thể bị nguy hiểm.
Phi yến:
- Tiểu muội cũng lo giống như tỷ tỷ.
Tử Lan:
- Chúng ta cùng lo. Nhưng làm được gì bây giờ?
Nhã Lan:
- Tiểu muội cũng lo lắm. Nhưng nghĩ lại có thể không cần phải lo. Mụ nhất định có âm mưu, nhưng chúng ta lại không tin Nhân đệ có thể đối phó được hay sao?
Phi Yến:
- Nếu Nhân đệ không để lại dấu vết, thì ta không thể tìm tới chỗ này được. Khi bà ta có hành động như vậy, Nhân đệ không thể không đề phòng.
Hồng Lan:
- Có lẽ chúng ta đành phải tin vào tài trí Nhân đệ. Có lưu lại đây mãi cũng bằng vô dụng.
Nhã Lan:
- Không có Nhân đệ để đưa đi bái mộ Trương bá bá, việc tìm long châu và hùng hoàng châu tiểu muội có đi cũng không giúp ích gì. Tiểu muội muốn vào Thiên long bang để nghe động tĩnh.
Phi Yến lo lắng:
- Ồ! Nguy hiểm cho hiền muội quá!
- Chúng ta thương nhau, thì cũng tin vào khả năng của nhau, chia nhau hành động chứ không lẽ cả đời lúc nào cũng phải có bốn chị em bên nhau mới thấy an toàn hay sao?
Hồng Lan gật đầu:
- Hiền muội nói đúng. Tổng đàn của Yến muội là nơi chị em ta liên lạc, biết tin tức của nhau. Yến muội có trách nhiệm an nguy cho hàng ngàn người chúng ta nên đi lấy hùng hoàng châu và long châu cho nhanh để còn trở về.
Nhã Lan:
- Tiểu muội đi trước! Hẹn gặp lại.
Nhã Lan đeo hành lý lên vai, phóng ngay xuống núi. Phi Yến và hai chị em Hồng Lan nhìn theo vẫy tay, rồi cũng băng mình về phương Nam.