Đàn cầm duyên tơ

Chương 3

Trời đã dần sáng, hơi lành lạnh của sương giá từ đêm như đã tan loãng bớt. Thuý An ngồi co ro trong gian bếp xem dì Biên pha trà. Giờ thì cô đã biết dì Biên là bà con xa. Dì goá chồng, coi việc bếp núc trong nhà.

Thấy dì bỏ vào ấm tích ngoài trà còn có một nhúm gì đó khô vàng, cô tò mò hỏi:

− Đó là cái gì vậy, dì Biên?

− Em không biết à? – Dì chìa tay ra – Bông ngâu khô đó:

− Bông ngâu khô – Thuý An lẩm bẩm lập lại theo dì. Mưa ngâu thì đã từng có bài hát về nó nhưng còn hoa ngâu? Có dính dáng gì đến nhau không nhỉ:

− Hoa ngâu đẹp không dì? – Cô hiếu kỳ hỏi:

− Cũng … hổng biết nữa

− Vậy nó thơm bằng hoa lài hay nguyệt quế không hả dì?

Dì Biên cười vô tâm:

− Cũng thơm thơm y như vậy thôi nhưng xưa nay mợ Ba với chị Năm thích mùi ngâu nên không xài lài như người ta.

Cô xoè bàn tay xin dì vài cánh hoa khô rồi đưa lên mũi ngửi. Những cánh hoa đã khô héo và quắt queo vàng nhưng quả thật vẫn rất thơm. Mùi thơm ngọt ngào khác biệt nhiều so với mùi lài thơm nồng quen thuộc.

Dì Biên đã quay qua bếp nhắc ấm nước sôi và chế vào bình tích. Mùi lá trà quyện với mùi hoa ngâu làm gian bếp bỗng nức mùi thơm vừa thanh thoát lại vừa đậm đà. Thuý An hít hít mùi hương ấy trong không gian ấy một cách thích thú, cô hỏi:

− Thơm ghê, chắc vườn nhà mình có sẵn cây ngâu đó hả dì?

Ủ kỹ bình trà xong, dì Biên quay qua bỏ thêm mấy xương dừa khô vào bếp và đáp:

− Có hai cây tuốt mé sau đó. Trà này cũng là trà thượng hạng mắc nhất chợ thị xã nên mới thơm dữ vậy. Ủ trong này tới trưa chiều uống chén chót cũng còn thơm

− Ở đây cái gì mình cũng mua ở chợ thị xã hết hả dì?

− Mé trong cũng có cái chợ nhỏ, nhưng vô đó thì chẳng thà qua chợ thị xã tiện hơn mà mua được nhiều thứ hơn.

Thấy dì Biên soạn cái chảo và mở nồi cơm nguội, Thuý An tò mò hỏi:

− Dì nấu gì nữa vậy?

− Tui chiên cơm ăn sáng:

− Chiên với trứng hả dì?

Dì Biên cười:

− Trứng đâu mà chiên. Chiên không với muối tiêu ăn cũng được rồi.

Điểm tâm bằng cơm chiên muối tiêu? Thuý An ngạc nhiên nhưng cô cũng xăng xái kéo ghế lại gần:

− Để con đánh tơi cơm cho dì.

Dì Biên hơi ngần ngừ, nhưng trước vẻ hăng hái của cô, dì cũng đưa nồi cơm và đôi đũa cả để cô làm. Vừa nhanh tay đánh tơi những hạt cơm nguội cô vừa hỏi han:

− Sáng nào nhà mình cũng căn cơm chiên hả dì Biên?

− Tuỳ bữa thôi. Còn cơm nguội thì chiên, không thì nấu cơm mới.

Thuý An ngẫm nghĩ rồi hỏi:

− Hồi nãy dì nói đi chợ ở thị xã. Thị xã có phải là bờ bên kia không dì Biên?

− Ờ, là bên đó:

− Xa không dì?

− Thì qua đò, đi bộ thêm chút nữa là tới.

Định bụng tìm dịp theo dì qua thị xã điện thoại về nhà cho đỡ nhớ, cô hắng giọng vào đề ngay:

− Nhà mình đi chợ mỗi ngày chứ ạ? Là dì đi phải không?

− Ờ tui đi, nhưng cách vài ba ngày mới đi. Hồi trước là chị Năm đi chợ, tui chỉ nấu thôi, chị Năm hổm rày không khoẻ nên tui đi thế.

Dì chắt lưỡi:

− Nói thiệt chứ nấu ăn thì tui không ngán, chỉ ngán nhứt chuyện đi chợ. Biết mua gì cho khớp mấy món ăn trong mấy ngày, cứ quên trước quên sau hoài.

Thuý An cắt ngang tràng kể lể của dì:

− Vậy chút nữa dì có đi chợ không?

Trái với mong muốn của cô, dì Biên lắc đầu:

− Tui đi hôm qua rồi.

Bắc chảo lên bếp dì nói thêm:

− Hôm qua tui có thấy chị Hai với em ở bến đò, còn đi chung đò nữa chứ. Có điều tui hổng nhận ra chị Hai, đến chừng nghe thấy ai đó la ó um sùm, rồi thấy Hai Quang bồng em đi lên bờ chị Hai quính quáng nói ra là con mợ Ba, tui mới biết là người nhà mình đó chớ.

Đang đẩy nồi cơm đánh tơi về phía dì, Thuý An nghe lọt câu nói vội ngẩng lên:

− Hai Quang? Dì nói Hai Quang nào ạ?

Dì Biên khựng người:

− Hả? Tui có nói gì đâu?

− Dì mới nhắc tới chú Hai Quang nào đó? Chú đó là ai?

Dì Biên nhìn cô tằng hắng:

− Ờ là… là Hai Quang bên vườn hồng

− Sao chú đó lại … bồng con? – Cô gặng hỏi.

Dì Biên liếc ra cửa bếp để ngóng lên nhà trên:

− Thì em té xỉu ngay trên đò, Hai Quang cũng đi chung chuyến, hắn cũng đứng đầu gần đó nên xốc được, không thôi thì té xuống nước rồi. Chắc sẵn tay nên hắn đưa lên bến rồi đem vô nhà luôn.

Thuý An bối rối:

− Dì nói … chú đó… bồng con vô tận nhà luôn hả.

Bỏ cơm vào chảo dầu, tiếng xèo xèo trên bếp không át được giọng mạnh khoẻ của dì:

− Ừa. Không vậy sao về nhà được. Tui định giúp một tay nhưng Hai Quang nhanh quá, hắn khiên em đi một hơi vô tới trong nhà luôn. Tui chỉ cầm giùm chị Hai được chiếc vali.

Liếc mắt nhìn lên trần nhà trên lần nữa,dì Biên ngưng tay đảo cơm hạ giọng kể:

− Hai Quang vô thình lình nên mợ Ba với chị Năm cũng bất ngờ không biết chuyện gì. Bởi vậy mợ Ba giận dữ lắm, làm chị Hai sợ quá phải kiếm cách để về. Cũng may là lúc đó có chị Năm nên mới đi được đó chứ.

Thuý An thừ người với cái đũa cả còn cầm mãi nơi tay. Vậy là hôm qua có ông Hai Quang nào đó khiêng cô từ bến đò vào nhà. Vì chuyện này mà má cô bị mắng đến nỗi không kịp chờ cô tỉnh dậy phải vội trở lên thành phố.

Cô thở dài. Chuyến về quê của cô thật là không cát tường chút nào, chưa đến nhà đã có chuyện, tự dưng khi không lại lăn đùng ra xỉu. Tệ thật.

Có tiếng dép nhẹ bước trên nền đất. Thuý An lẫn dì Biên quay lại nhìn. Dì Năm đang đứng trước cửa bếp. Dì Biên ngay lập tức quay qua chảo cơm. Thấy cô dì Năm cười:

− Dậy sớm vậy sao con?

Thuý An đứng lên với vẻ e ngại:

− Dạ con thức lúc trời còn tối đen

− Ừ, dậy sớm cũng tốt, nhưng nếu lạ chỗ một mình khó ngủ quá, con qua ngủ chung với dì cũng được. Phòng dì cạnh phòng con đó.

Thầm cảm ơn dì, cô ngượng ngập cười. Thấy dì rờ tay vào ấm tích trà mới pha, Thuý An xăng xái:

− Dì Năm uống trà à? Để con lên lấy chung.

Dì khoát tay:

− Khỏi. Nếu rảnh tay thì giúp dì mang ấm tích này lên nhà trên đi, ngoại thức rồi đó. Rót mời ngoại chung trà uống cho ngoại vui.

Dì nhắc đến ngoại khiến vẻ vô tư của Thuý An vơi đi hết, cô lựng khựng một chút trước khi mang ấm tích ra.

Ở nhà trên, ngoại đang chải đầu và bới gọn ra sau thành búi nhỏ xíu. Thấy cô rót trà và bưng mời, ngoại gật đầu ừ nhỏ rồi nhấp một ngụm trà nóng, đặt xuống bàn, kéo rổ trầu cau lại:

− Bây cũng chịu khó dậy sớm được à?

Thuý An lí nhí dạ nhỏ:

− Dạ con … phụ dì Biên chiên cơm.

Ngoại hừ nhẹ, ngước nhìn cô một lúc rồi chỉ vào chiếc ghế đối diện:

− Ngồi xuống đi.

Thuý An rón rén ngồi xuống chiếc ghế. Dùng con dao nhỏ tước vỏ trái cau, ngoại chắc lưỡi:

− Nhắn bây về dưới này một đứa để lo đỡ đần cho con Năm, má bây lại cho đứa nhỏ nhất như bây về. Thiệt không biết sai được chuyện gì đây.

Thuý An đánh bạo hỏi:

− Dạ ngoại có việc gì cứ sai, con ráng làm.

Bà ngoại hừ nhỏ. Chẻ nhỏ một múi cau, bà thờ ơ hỏi:

− Ở Sài gòn bây làm gì? Còn đi học không?

− Dạ con mới học xong trung học

− Rồi có học tiếp không?

Đắn đo một giây Thuý An thú thật:

− Dạ con … thi rớt đại học nên hiện giờ không có đi học tiếp.

Bà ngoại à một tiếng. Gói lá trầu có miếng cau bỏ vào miệng, bà vừa nhai vừa nói:

− Cho nên bây là đứa rảnh rang nhất nhà phải không?

− Dạ.

Ngoại hắng giọng:

− Trên đó bây sao tao không biết, đã nói là về đỡ đần trong nhà thì cũng phải làm cho đàng hoàng nghe chưa.

Thuý An dạ nhỏ. Ngoại im lặng nhai trầu, được một lúc lại hỏi:

− Bây học hành không khá à? Thi trường gì mà rớt?

Thuý An nhỏ giọng:

− Ba má muốn con thi và học Nha khoa hay Kinh tế thương mại, nhưng … con lại rớt hết hai trường

− Bài thi khó lắm sao mà rớt.

Thuý An lúng túng:

− Dạ, khó hơi hơi nhưng mà… tại vì….

Thấy cô cứ ngắt ngứ, ngoại nhìn cô chằm chằm. Hơi hoảng trước cái nhìn đánh giá dò xét ấy, cô thu người lại nín khe. Ngoại im lặng một chút rồi chợt hỏi:

− Hai trường đó là ba má bây muốn à?

Thuý An ngẩng lên ngạc nhiên vì câu hỏi bén nhạy của ngoại:

− Phải không? – Ngoại lập lại mắt vẫn không rời cô.

Sực nhớ mình vẫn chưa trả lời, cô dạ nhỏ.

− Vậy bây muốn học cái gì?

− Dạ con thì… - Cô đành nói thật - Thật ra con muốn thi vào Sư phạm khoa Nhạc Hoạ

− Sư phạm là ra làm cô giáo chứ gì? Còn Nhạc Hoạ là cái gì?

− Dạ tức là học xong ra dạy nhạc hay dạy vẽ cho học trò ạ.

Nhưng nheo mắt nhìn kỹ cô. Mất một lúc lâu bà hỏi:

− Ba má bây không cho à?

− Dạ má con không cho – Thuý An ủ rũ, nhớ đến lần má nổi giận vì cô mon men cãi má nộp đơn vô ngành mình yêu thích

− Tại sao?

− Dạ má con nói mấy nghề đó không kiếm ra tiền, không ổn định.

Bà ngoại lại hứ một cái. Có bóng người từ trong bước ra cắt ngang cuộc nói chuyện hồi hộp của Thuý An. Dì Biên nhỏ giọng trước ngoại:

− Mời mợ Ba vô ăn sáng.

Ngoại ừ rồi vớ tay lấy ống nhổ, nhổ bã trầu rồi quay qua cô:

− Thôi vô ăn sáng.

Thuý An dạ nhỏ và bước lại đỡ tay ngoại vô trong.

Cái bàn nhỏ hình chữ nhật ở gian nhà sau vừa đủ cho 4 người ngồi quanh với liễn cơm chiên. Thuý An được ngoại chỉ định ngồi ngay liễn cơm và chồng chén.

Với ánh mắt ra hiệu của dì Năm, cô hiểu ý ngoại là muốn mình đơm cơm nên nhanh nhẹn cầm chén lên đơm.

Chén thứ nhất vừa đơm xong cô thuận tay đặt xuống cho dì Năm ở bên trái mình thì có một tiếng đằng hắng làm cô chột dạ ngưng lại. Bà ngoại không lên tiếng nhưng mím môi. Dì Năm nói nhỏ:

− Con phải mời cơm từ người lớn trước, người nhỏ sau chứ. Còn nữa, đơm cơm cho đầy tròn mới được, đừng đơm lưng như vậy.

Thuý An vội thu chén lại và sửa sai ngay. Xúc thêm cơm cho có ngọn và mời từ ngoại trước, sau tới dì Năm, dì Biên và sau rốt là tới mình. Lần này thì suôn sẻ. Cô thở phào cầm chén và mời mọi người.

Trước nay chưa từng ăn cơm chiên buổi sáng nên Thuý An cảm thấy rất ngon miệng với món ăn đơn giản như vậy. Chỉ cần chiên cơm rồi rắc lên chút muối chút tiêu vô, không cần phải mày mò nêm nếm rất tiện lợi.

Ngon miệng nên cô cũng ăn xong kịp với dì Biên. Thấy cô buông đũa ngoại nhướng mày:

− Không ăn nữa à?

− Dạ con no rồi

− Ăn chút vậy mà no?

Cô nhoẻn cười:

− Dạ con quen rồi. Ở nhà má cũng hay la con đến bữa ăn ít quá. Thật ra ngày thường con cũng hay ăn vặt nên tới bữa thường không ăn được nhiều.

Ngoại nhìn qua rồi làu bàu:

− Ở đây không có đồ ăn vặt, đến bữa là phải ăn cho chắc bụng để còn làm công chuyện. Ăn qua quít kiểu đó để mà té xỉu lần nữa là không được đâu đó nghe chưa?

Trở lại dáng khép nép cô dạ nhỏ. Quay qua nhìn dì Năm, ngoại nói:

− Ngó nó cũng không đến nỗi chậm lụt. Sai nó làm từ từ cho quen.

Dì Năm gật nhẹ:

− Dạ, con biết.

Thấy ngoại đứng lên, chuyển qua ngồi nơi sập, Thuý An tự động lên nhà đem bộ ấm tích và rổ trầu cau của ngoại xuống. Ngoại chỉ nhìn cô không nói gì.

Dì Năm ra hiệu cho cô ra nhà ngoài. Khi ngồi đối diện bên bàn, dì ngắm nghía nhìn cô rồi mỉm cười:

− Tươi tỉnh lên nhiều rồi thì phải, nhìn con khá hơn hôm qua đó

− Dạ chắc tại hôm qua con ngủ sớm.

Dì Năm gật gù rồi chợt ngẩng lên hỏi:

− Hôm nay là thứ Tư hay thứ Năm hả An?

Câu hỏi đột ngột của dì làm cô nhìn quanh. Nơi đây không có cuốn lịch block như ở nhà. Như nhớ ra, cô nheo mắt nhìn xuống đồng hồ nơi cổ tay:

− Dạ, hôm nay thứ 5.

Dì Năm gật đầu:

− Vậy dì sẽ chỉ con việc trong nhà mình trong mấy ngày nay, con ráng dể ý nhé. Thứ hai dì đi vắng, việc nhà giao cho con đó.

Thuý An tròn mắt không hiểu:

− Giao cho con? Dì Năm nói là việc gì ạ? Sao dì lại đi vắng?

Dì Năm nhìn cô nhỏ nhẹ nói:

− Dì có việc phải đi vắng vài tuần, có thể mùa thu hoạch nhãn sắp tới không về kịp. Công việc trong nhà có dì Biên lo, nhưng con phải giữ việc chi tiêu trong ngoài. Nếu ngày thu hoạch trái cây dì chưa về thì con lo ngó luôn.

Thuý An hãi hùng:

− Nhưng con… con không biết là … Con tưởng con về giúp việc lặt vặt như chăm sóc ngoại hoặc dì….

Dì Năm cười buồn:

− Dì không cần chăm sóc đâu. Dì biết việc ở nhà tự dưng đổ hết cho con sợ không xuể, nhưng con đừng lo, xưa nay chuyện chi tiêu, chuyện mua bán từng vụ dì đều ghi sổ sách rõ ràng, thương lái cũng là người quen của gia đình mình bao lâu nay, người làm cũng vậy. 4 ngày chắc cũng đủ dể con làm quen với công việc

− 4 ngày? Vậy thứ hai dì đi rồi à?

− Ừ, thứ hai.

Thuý An ngẩn ngơ. Cứ tưởng về làm công việc vặt trong nhà thôi, ai ngờ lại là công việc phức tạp khó khăn hơn nhiều.

Hồi sáng nói chuyện với dì Biên, cô cũng biết đôi chút rằng dì Năm là người cầm lái trong nhà. Thay thế dì vài tuần ư? Ngốc nghếch và hậu đậu như cô có làm nổi không?

Thuý An thầm lo lắng. Cô chỉ mới quen được không khí thôn quê đây thôi, công việc ở đây làm sao đứa con gáithành thị vô dụng như cô gánh vác nổi?

− Dì à… - Cô rụt rè lên tiếng – 4 ngày hơi … ít quá, dì có thể….

Dì Năm nghiêm giọng:

− Dì không dời được đâu. Đã hẹn trước thứ hai, dì nhất định phải đi rồi.

Như sợ lãng phí thời gian, dì Năm mở tủ lấy cuốn sổ cũ kỹ ra:

− Con biết tính toán chứ, phải không?

Thuý An ỉu xìu:

− Dạ tính sơ sơ thì con biết nhưng môn Toán thì con….

Dì Năm khoát tay:

− Biết 4 phép tính đơn giản là được rồi. Dì sẽ cho con biết chuyện trong nhà trước. Đây là sổ chi tiêu trong nhà. Khoảng 3,4 ngày đi chợ một lần, chi tiêu cái gì thì thưa với ngoại.

Mở cuốn sổ dày nhất, dì tiếp:

− Còn đây là sổ về thu hoạch vườn tược. Mỗi mùa thu hoạch đều ghi vào. Chi trả tiền phân bón, cây giống, tiền công thu hoạch cho người làm… Tất cả dì cũng ghi lại chi tiết. Con coi đi, có gì không hiểu cứ hỏi dì.

Thuý An lơ ngơ ngó mấy con số rành mạch trên sổ:

− Nhà mình làm vườn hả dì?

− Ừ, nhà mình có vườn cây ăn trái phía sau. Con chưa đi thăm vườn phải không? Để chút dì nhờ dì Biên đưa con đi ngó qua. Mình trồng nhãn, chanh, chôm chôm là chính. Tới mùa thì mình thu hoạch rồi bán cho thương lái. Công việc nghe thì phức tạp nhưng không khó mấy đâu, chỉ cần tỉ mỉ một chút là làm được, dì sẽ chỉ cho con.

Dì đẩy thêm cuốn sổ nhỏ qua và nói:

− Con coi thử đi, cái này là lịch làm việc thời gian sắp tới. Dì cũng đã tính trước rồi. Con cứ theo đó mà làm.

Không còn có thể thay đổi, Thuý An đành phải chú tâm vào cuốn sổ.

Chữ dì Năm rất đều và rõ ràng. Cuốn sổ được dì kẻ ô theo từng mục hạng, từng ngày tháng mạch lạc. Xem sơ qua một lượt tất cả 3, 4 cuốn sổ, cô cầm trở lại cuốn sổ lớn nhất và bắt đầu hỏi dì trước hết là những từ lạ tai rồi đến cách thức thu hoạch, tính thành tiền… Dì Năm trả lời rõ ràng và có vẻ hài lòng về tất cả câu hỏi mà thoạt đầu cô còn e ngại là quá ngố.

Đang lắng nghe dì Năm giải thích về công việc của một ngày thu hoạch, Thuý An chợt nghểnh cổ lên khác lạ. Dì Năm ngạc nhiên ngưng lại:

− Gì vậy?

− Mùi gì thơm quá – Thuý An hít hít mũi – Hoa gì thơm quá vậy dì Năm? đâu phải mùi hoa ngâu hở dì?

Dì Năm khựng người im lặng. Thuý An hỏi đến lần thứ hai dì mới trả lời:

− Đó là hoa Ngọc lan.

Thuý An thích thú nhìn dì:

− Ngọc lan? Ồ, dì biết không, có một bài hát tiền chiến có tựa là Ngọc lan hay lắm, còn mới có thêm một bài hát Hương ngọc lan mới làm. Con thuộc lòng hết hai bài đó nhưng chưa bao giờ biết hoa Ngọc lan ra sao. Nhà mình có trồng hả dì?

Dì Năm gật nhẹ. Thuý An gục gặc đầu:

− Chắc là ngoài sân. Ở đây mới nghe thơm, hồi nãy trong bếp con không nghe được. Hoa Ngọc lan đẹp không hả dì?

− Đẹp lắm. – Dì lẩm bẩm, mắt nhìn xa xăm.

Thuý An thích chí:

− Chà, hôm nay con biết hoa ngâu, giờ lại còn biết hoa Ngọc lan nữa. Mấy thứ hoa này trên thành phố không thấy bán. Ồ, vậy để bữa nào con hái thử xem. Hoa có cắm được không dì? Con sẽ kiếm cái bình….

Dì Năm như sực tỉnh, dì nghiêm mặt ngắt lời:

− Dì đang chỉ con chuyện tính toán mà An, tự nhiên nói chuyện hoa cỏ làm gì?

− Tại con…

− Tại bị cái gì? Nghe đi, không được lo ra nữa.

Thuý An le lưỡi hết dám nói. Đây là lần đầu tiên dì Năm rầy la cô. Dì không quát mắng như ngoại nhưng vẻ nghiêm khắc cũng làm cô e ngại.

Thấy cô không tía lia chuyện tầm phào nữa, dì Năm hối cô xem.

Mùi hương Ngọc lan vẫn thoảng theo gió nhưng Thuý An không dám ngóng hướng gió nữa, cô để hết tâm trí vào mấy cuốn sổ cho đến khi chuông đồng hồ gõ đều đặn 10 tiếng.

Một buổi sáng trôi qua êm ả.