Dám Ước Mơ

Phần 4. Điều Chỉnh Ước Mơ

“Thời khắc trưởng thành trong cuộc đời

mỗi con người là khi ước mơ được định hình và

chắp cánh bay cao. Vì vậy, bạn hãy

nhanh chóng nắm bắt ước mơ, chắp thêm

đôi cánh mới và sẵn sàng để ước mơ của bạn

trở thành hiện thực.”

- Khuyết danh

BẠN CÓ CẦN PHẢI ĐIỀU CHỈNH ƯỚC MƠ KHÔNG?

Không phải cuộc sống của tất cả mọi người đều trải qua những sóng gió, bão tố hay thử thách khắc nghiệt. Vì vậy, không nhất thiết mọi người đều phải điều chỉnh ước mơ hoặc nhặt nhạnh và ghép lại những mảnh vỡ của ước mơ nếu trước đó họ chưa từng “đánh rơi ước mơ” trên đường đời.

Tôi lại tiếp tục cuốn sách bằng câu chuyện về cuộc đời của Ron Chapman. Tháng 9 năm 1989, câu lạc bộ báo chí của thành phố Dallas đã tài trợ một buổi tiệc chúc mừng em trai tôi nhân lễ kỷ niệm 20 năm Ron làm việc cho đài phát thanh KVIL. Sự kiện này đã đánh dấu bước thành công vượt bậc trong sự nghiệp của Ron. Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu quyển sách này chỉ tập trung vào một Ron Chapman của ánh hào quang, sự nổi tiếng và ngưỡng mộ mà quên đi một Ron Chapman của đời thường. Trong công việc, em thật xuất sắc trong vai trò người hướng dẫn, người bạn và người động viên khích lệ tinh thần. Tuy nhiên, trong cuộc sống cá nhân, em lại không thể duy trì được một mái ấm gia đình. Ron thẳng thắn thừa nhận: “Tôi không thích nói về cuộc sống riêng tư của mình. Tôi đã kết hôn và có một gia đình hạnh phúc trong suốt 19 năm. Nhưng giờ đây, tôi lại là người độc thân. Thật không vui vẻ và tự hào gì về điều này; dù thế, tôi vẫn không muốn tin rằng mình là người thất bại trong cuộc sống gia đình. Một phần nguyên nhân là do tôi quá tập trung cho KVIL. Hầu hết thời gian của tôi là dành cho KVIL. Tôi ăn với KVIL và ngủ cũng với KVIL. Tôi không muốn thú nhận điều này, nhưng đó là sự thật”.

Nhiều năm sau khi cuộc hôn nhân này tan vỡ, Ron đã tự giới hạn cuộc sống xã hội của mình cho đến ngày em gặp Nance Murray. Mối quan hệ tiến triển tốt đẹp và hai người nhanh chóng đi đến hôn nhân. Nance là người phụ nữ nhạy cảm, khéo léo và hiểu rất rõ tính chất công việc của chồng nên không hề cảm thấy khó chịu khi Ron thường xuyên không có mặt ở nhà. Không những thế, Nance còn ủng hộ Ron trong mọi việc em tôi làm và chuyên tâm tạo dựng mái ấm hạnh phúc cho gia đình. Kể từ đó, Ron luôn ở trung tâm của sân khấu còn Nance là người hậu thuẫn sau cánh gà. Nance đã giúp Ron điều chỉnh, cân bằng cuộc sống riêng tư trong ước mơ của em tôi. Ron tiếp tục tiến thẳng đến đỉnh vinh quang bởi em có một niềm say mê vô bờ bến đối với công việc và đang có động lực mạnh mẽ để phát huy tất cả những ưu điểm của mình.

Nếu bạn cảm thấy cuộc sống của mình đang rất ổn định, rằng bạn đã từng mơ ước, đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để thỏa ước mơ, rằng bạn đã thấu hiểu tính cách của mình và bạn luôn tự tin mang theo ước mơ, thì bạn không cần phải điều chỉnh ước mơ. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ giới thiệu với các bạn một vài ví dụ có sức mạnh động viên, khích lệ về những con người đã vượt qua nhiều trở ngại; biết đâu bạn có thể bắt gặp chính mình trong những tình huống tương tự như thế.

Không phải mọi vấn đề của chúng ta đều liên quan đến công việc, mà có thể là do khả năng đánh giá bản thân mình quá thấp, gây nhiều khó khăn trong các mối quan hệ riêng tư. Bạn đã từng dám ước mơ, đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết để đạt ước mơ ấy, thậm chí đã thực hiện ước mơ nhưng lại bị thất bại? Có khi nào hoàn cảnh gia đình vào thời thơ ấu đã khiến bạn đi sai đường, hoặc bạn đã có một lựa chọn sai lầm khi trưởng thành chăng?

Có nhiều khoảnh khắc trong cuộc đời, bạn phải thực hiện một số lựa chọn quan trọng. Khi đó, bạn đứng trước hai con đường với những đích đến khác nhau buộc bạn chỉ phải chọn một con đường để tiếp tục hành trình. Ở thời điểm đó, không phải ai cũng biết được con đường nào sẽ dẫn đến thành công và hạnh phúc như mong muốn. Một số người chọn con đường rộng, bằng phẳng và in hằn dấu chân của nhiều người. Một số người lại đi theo con đường mà ngày trước cha mẹ họ chưa có cơ hội để đi nên muốn nhìn thấy con cái mình làm sống lại ước mơ của họ. Một số khác lại chọn những lối đi đã được người khác phát quang sẵn, như đảm trách công việc kinh doanh của gia đình, để rồi cuối cùng mới nhận ra rằng đây là một nơi hoàn toàn không phù hợp với sở trường và năng lực bản thân. Và cũng có một số người loay hoay mãi vẫn chưa biết chọn con đường nào. Hãy xem lại bạn đang ở đâu trong suốt quá trình này? Có phải đã đến lúc bạn cần xem xét lại lựa chọn của mình?

Từ nhỏ, Charles đã mơ ước được sở hữu một phòng chụp ảnh. Để chuẩn bị cho ước mơ này, Charles đã đăng ký khóa học tại Học viện Nhiếp ảnh Brooks. Sau đó anh gia nhập quân đội và được giao công việc phụ trách phòng nghe nhìn của đơn vị. Vốn là người có tính cách trầm tĩnh, Charles luôn hướng đến sự hoàn hảo nên anh cảm thấy khó chịu khi thấy mọi người quan tâm đến tốc độ và tính kinh tế hơn là chất lượng công việc anh làm. Anh dự định sau khi rời quân ngũ, anh sẽ mở một phòng chụp ảnh riêng và sẽ chỉ tạo ra những bức ảnh đạt chất lượng cao mà thôi.

Hai năm sau, anh rời quân ngũ, xây dựng gia đình và bắt đầu mở một phòng chụp ảnh riêng với số tiền hai vợ chồng tiết kiệm được. Anh thuê một cửa tiệm trong một khu vực giao thương sầm uất và cùng với Mary - vợ anh - trang trí thật hoàn hảo với đầy đủ những trang thiết bị hiện đại. Thế nhưng, cửa tiệm làm ăn ế ẩm. Thi thoảng mới có một vài vị khách đến nhờ anh chụp hình thẻ, nhưng anh từ chối vì anh chỉ muốn sáng tạo ra những bức ảnh chất lượng cao.

Charles ngày càng rơi vào trạng thái buồn bã còn Mary, với tính cách lạc quan, lại khó chịu vì toàn bộ số tiền dành dụm đã không có khả năng thu hồi lại. Thỉnh thoảng cô lại cằn nhằn anh: “Lẽ ra chúng ta đã có thể mua một chiếc xe mới”, nhưng chỉ một thời gian sau cô dần chấp nhận sự thật rằng số tiền ấy đã thực sự hết rồi và không bao giờ quay trở lại nữa. Khi tâm lý cân bằng trở lại, Mary cố gắng giúp Charles vượt qua tình trạng này: “Mọi việc cũng đã qua rồi. Chúng ta hãy quên nó đi và bắt đầu lại từ đầu”. Tuy nhiên, Charles vẫn chìm sâu trong sầu não bởi anh xem mình là người thất bại. Đối với Charles, sự thất bại này không đơn giản chỉ là một quyết định sai lầm trong kinh doanh mà là dấu chấm hết đối với ước mơ của anh. Bỗng nhiên anh trở nên mất định hướng khi ước mơ mình ấp ủ bấy lâu đã không trở thành hiện thực.

Khi Mary nhận thức được rằng Charles buồn bã vì anh đã đánh mất ước mơ của mình thì cô thôi không an ủi anh nữa mà bắt đầu kiên nhẫn đợi đến khi anh có thể quyết định đóng hiệu ảnh, bán các thiết bị chụp ảnh và tìm một công việc mới. Vì vẫn trung thành với ước mơ của mình nên Charles xin vào làm thợ chụp ảnh của ủy ban thành phố.

Nhưng cũng như ở quân đội, ủy ban thành phố không đánh giá cao tài năng chụp ảnh của Charles và một lần nữa anh lại rơi vào trạng thái chán nản. Nhưng anh vẫn cố gắng làm công việc sản xuất phim tư liệu với kinh phí giới hạn trong ba năm ròng rã. Rồi Charles dần thay đổi suy nghĩ và quyết định sẽ theo học trường luật. Tuy nhiên anh đã thi trượt nên không được chấp nhận vào học. Lòng tự tin của anh đã bị hạ xuống mức thấp nhất.

Để giải thích cho những chán chường và thất bại của mình, Charles lao vào nghiên cứu các loại sách tâm lý. Khi tìm được câu trả lời cho vấn đề của chính mình, Charles nhận thấy rằng anh thích hợp với việc phân tích và tư vấn cho các tình huống khó khăn, khúc mắc. Anh bắt đầu điều chỉnh lại ước mơ của mình bằng một hướng đi mới: theo học chương trình tư vấn hôn nhân gia đình tại Đại học San Diego. Suốt hai năm theo học, anh luôn dẫn đầu lớp ở toàn bộ các môn học. Trong thời gian thực tập, anh được mọi người đánh giá là có thiên hướng về tư vấn và động viên tinh thần người khác. Sau khi tốt nghiệp, Charles đã thật sự thành công với vai trò của một chuyên viên tư vấn đầy tài năng và sự thấu cảm.

Không phải lựa chọn nào của chúng ta cũng đều chính xác. Đôi lúc, chỉ khi những ước mơ cũ chết đi thì chúng ta mới có thể bắt đầu tìm được ước mơ đúng đắn cho mình. Chúng ta phải tìm một đường đi mới ra khỏi khu rừng và tiến về phía mặt trời.

BẠN ĐÃ HIỂU RÕ VỀ BẢN THÂN CHƯA?

Đa phần mọi người đều cảm thấy hài lòng và thoải mái khi trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?” thông qua việc tìm hiểu tính cách. Tuy nhiên, trong trường hợp cảm thấy nghi ngờ về kết quả này, bạn hãy tin tưởng vào trực giác của mình để có câu trả lời chính xác hơn.

Hãy nhớ rằng việc nghiên cứu tính cách không nhằm để dán nhãn tính cách lên mọi người mà chủ yếu là để giúp bạn biết cách phát huy tối đa các ưu điểm cũng như nhìn nhận rõ khuyết điểm của mình để khắc phục. Thật không may là có nhiều người đã mất cả cuộc đời để dằn vặt bản thân bởi những thiếu sót của mình, mà không biết vận dụng những ưu điểm của họ để cải thiện cả sự nghiệp cũng như cuộc sống.

Nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ đã được hàn gắn một cách kỳ diệu khi hai bên bắt đầu thấu hiểu và chấp nhận lẫn nhau để ước mơ về một gia đình hạnh phúc không bị lụi tàn một cách không cần thiết.

Pat thuộc mẫu người ôn hòa. Cô lập gia đình với Jim, một người sôi nổi nhưng cũng khá nóng tính. Tất cả các thành viên trong gia đình Jim đều có chung đặc điểm tính cách này; vì thế Pat cảm thấy khó hòa nhập được với gia đình chồng, ngược lại gia đình Jim cũng khó mà thông cảm với những khác biệt về tính cách của Pat. Họ cảm thấy cô khá buồn tẻ, có vẻ lạnh lùng, xa cách và không nhiệt tình. Chỉ trích Pat chưa đủ, thậm chí họ còn thường xuyên gọi điện than phiền với Jim về điều này. Thời gian đầu, Jim còn đứng ra bảo vệ cho Pat và xem điều này là không đáng kể. Nhưng những lời than phiền, góp ý ngày càng liên tục đã khiến mối quan hệ của Jim và Pat có nguy cơ rạn nứt. Jim bắt đầu cảm thấy con người của Pat đúng như những gì mà mọi người nói và dần xa lánh cô.

Những năm tháng bị hành hạ về mặt tinh thần đã làm Pat cảm thấy không còn là chính mình nữa. Cô tuyệt vọng vì thấy rằng dù mình có cố gắng đến mấy thì cũng không bao giờ có thể làm hài lòng chồng và gia đình bên chồng. Cuối cùng, vào lúc mà Pat đang tuyệt vọng nhất, vào lúc mà Pat chỉ nghĩ đến cái chết thì quyển sách Personality Plus và Your Personality Tree của tôi đã cứu cả cuộc đời cô. Cô đã viết cho tôi: “Quyển sách đã khơi sáng tâm hồn tôi. Thời gian qua, tôi luôn tự dằn vặt bản thân vì nghĩ rằng mình là người tệ hại, kém cỏi và vô dụng. Thế nhưng quyển sách của bà đã giúp tôi tin rằng mình hoàn toàn là một người bình thường như những người có tính cách ôn hòa khác. Có rất nhiều người giống như tôi bên ngoài thế giới rộng mở kia và họ đang có cuộc sống rất hạnh phúc. Đã đến lúc tôi phải chọn lựa hạnh phúc cho chính mình”.

Pat trở nên tự tin hơn và bắt đầu kế hoạch thay đổi cuộc sống của mình. Cô kể tiếp: “Đầu tiên, tôi thuyết phục Jim đọc cuốn sách. Sự biến chuyển quả thật là rõ rệt khi Jim bắt đầu nhìn tôi một cách tích cực hơn, chấp nhận con người vốn có của tôi và cố gắng không để những khác biệt về tính cách làm cả hai cảm thấy khó chịu.

Bây giờ chúng tôi có thể cười thoải mái trước những khác biệt này. Tôi cố gắng để làm anh luôn cảm thấy vui vẻ và tự hào về tôi, còn anh thì đã biết trân trọng những nỗ lực của tôi trong việc xây dựng tổ ấm gia đình. Cảm giác được trân trọng ấy đối với tôi thật dễ chịu”.

Đây chỉ là lá thư tiêu biểu trong hàng ngàn lá thư chúng tôi nhận được trong mấy năm vừa qua. Điều này minh chứng rằng việc hiểu biết về tính cách có thể giúp giải quyết những bất đồng trong hôn nhân. Khi cả hai vợ chồng bắt đầu hiểu nhau, chấp nhận nhau và không cố gắng thay đổi nhau thành mẫu hình theo ý mình, thì đó chính là điểm khởi đầu cho việc điều chỉnh một ước mơ đã bị đánh mất.

BẢNG TÓM TẮT NHỮNG ĐẶC ĐIỂM TÍNH CÁCH

  Người lạc quan Người quyền lực Người trầm tính Người ôn hòa
Tiêu chí Vui vẻ là chính! Kiểm soát sự việc! Sự hoàn hảo! Duy trì sự bình ổn!
Nhu cầu tình cảm Sự chú ý và chấp nhận của số đông Sự phục tùng, công nhận khả năng và trân trọng những thành quả, sự hoàn thành Muốn có cảm giác ổn định, sự yên tĩnh, sự đồng lòng và ủng hộ Muốn được tôn trọng, cảm thấy có giá trị và ý nghĩa, tìm kiếm sự ủng hộ về mặt tinh cảm
Ưu điểm Sáng tạo, năng động, có khả năng kể chuyện hấp dẫn, xây dựng mối quan hệ tốt, thích giao tiếp, biết động viên tinh thần và khơi dậy phong trào Biết nhận trách nhiệm, có khả năng phán đoán nhanh, nhạy bén, chính xác, có khả năng hoàn thành công việc hiệu quả dưới áp lực thời gian Kiên nhẫn, có khả năng tổ chức, lập mục tiêu dài hạn, đặt ra chuẩn mực làm việc cao, có khả năng phân tích sâu sắc và chi tiết vấn đề, hiệu quả khi theo dõi công việc Biết duy trì sự cân bằng cho cuộc sống, có khiếu hài hước, tạo cảm giác dễ chịu, thân thiện cho người tiếp xúc; có thể làm trung gian giải quyết vấn đề một cách khách quan
Khuyết điểm Không biết cách tổ chức công việc, không làm được những công việc đòi hỏi sự phức tạp và chi tiết, thiếu chiều sâu và khả năng phân tích vấn đề Thường đưa ra mệnh lệnh, áp đặt, nóng nảy, thiếu nhạy cảm, hiếm khi bị chi phối bởi cảm xúc, tình cảm Dễ thất vọng, thường lý tưởng hóa sự việc, mất quá nhiều thời gian vào việc chuẩn bị, đôi khi để những cảm xúc tình cảm chi phối Thiếu quyết đoán, không nỗ lực hết mình, không nhiệt tình đưa ra chính kiến, quan điểm của bản thân
Dễ nản lòng và thất vọng khi Không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, không được người khác yêu mến Không kiểm soát được cuộc sống của bản thân cũng như khi người khác không làm theo ý mình Không tìm được sự đồng cảm; sợ phạm sai lầm; sợ phải hạ thấp những tiêu chuẩn đề ra Cuộc sống có quá nhiều mâu thuẫn, đối đầu với những xung đột cá nhân
Nỗi lo sợ Những lối mòn, quy tắc, thời gian biểu chi tiết hay những con số cụ thể Thất nghiệp, không có những nấc thàng thăng tiến, sức khỏe kém, gia đình không ủng hộ, bất phục Áp lực thời gian, những chuẩn mực chưa hoàn hảo Trở thành người gánh vác trách nhiệm, sợ phải đối dện trước những thay đổi lớn
Khi ở vị trí lãnh đạo Có khả năng thuyết phục, động viên, khích lệ nhân viên nhưng thường hay quên và không hiệu quả trong việc theo dõi trọn một quá trình diễn tiến công việc từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn tất Nhanh chóng nắm bắt công việc sẵn sàng chịu trách nhiềm về hành động của mình, tin vào khả năng thành công của bản thân. Tuy nghiên, mẫu người này có thể làm lu mờ hình ảnh của người khác Tổ chức công việc tốt, nhạy cảm trước tình cảm, có tư duy sáng tạo, chất lượng công việc hoàn thành cao Bình tĩnh, không vội vàng đưa ra quyết định; được cấp dưới yêu mến, tuy nhiên hiếm khi đưa ta được ý tưởng mang tính đột phá
Xu hướng chọn bạn đời Thường bị thu hút bởi mẫu người trầm tĩnh, nhạy cảm và nghiêm túc, nhưng đôi khi cảm thấy đuối sức trước những đòi hỏi của họ Ấn tượng với mẫu người ôn hòa, không chống đối và phục tùng trong lặng lẽ Một sự bổ sung hoàn hảo khi kết hợp với mâu thuẫn lạc quan Bị chinh phục bởi tính quyết đoán và mạnh mẽ của mẫu người quyền lực. Tuy nhiên, họ sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi dưới sự áp đặt và thúc giục của mẫu người này

Thông qua bảng tính cách này, bạn hãy nhận diện tính cách bẩm sinh của bản thân. Bạn sẽ chỉ cảm thấy thoải mái và tự tin với bản thân khi bạn được là chính mình chứ không phải đang cố trở thành mẫu người mà người khác mong muốn hay kỳ vọng ở bạn.

TRẠNG THÁI SỐNG PHỤ THUỘC

Không phải ai trong chúng ta cũng đều tự tin khẳng định vị trí bản thân trước người khác. Rất nhiều người phụ nữ mà tôi có dịp tiếp xúc không xác định được hình ảnh riêng của mình. Khi phải giới thiệu về mình, họ thường nói: “Tôi là vợ của Jim! Là mẹ của Mary! Là cô giáo của Bobby!”.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Jim không may mất đi, nếu Mary có gia đình riêng, nếu Bobby tốt nghiệp? Khi mất đi những điểm tựa quan trọng, liệu giá trị và mục đích sống của bạn có tan biến luôn không? Hay bạn, sau khoảng thời gian hụt hẫng, sẽ biết gượng dậy và khởi đầu một cuộc sống mới?

Tôi biết một góa phụ lớn tuổi, chồng bà đã qua đời sau một tai nạn xe hơi. Mặc dù sự kiện đau buồn đó đã trôi qua nhiều năm, nhưng bà vẫn sống khép kín với nỗi đau riêng của mình. Các con bà tìm mọi cách giúp mẹ vượt qua tâm trạng bế tắc nhưng hầu như là vô vọng. Nhiều bác sĩ đã chẩn đoán và điều trị chứng bệnh trầm cảm của bà nhưng vẫn hoài công. Cho đến một ngày, bà được đưa đến gặp một bác sĩ tâm lý.

Sau vài câu thăm hỏi xã giao, bác sĩ bắt đầu gợi chuyện; thế nhưng, bà vẫn im lặng như chìm vào cõi riêng của mình. Cuối cùng, bác sĩ hỏi: “Nếu như lúc này ông ấy đang có mặt tại đây, bà sẽ nói gì?”. Bà ngạc nhiên trước câu hỏi bất ngờ này và khi bắt gặp ánh mắt thân thiện, chân tình của vị bác sĩ, bà chậm rãi nói như thể đang nói với người chồng thân yêu của mình. Bà kể về cuộc sống lẻ loi của bà từ ngày ông mất khi phải tự mình làm tất cả mọi việc mà trước đây hai người cùng làm, về những dự định bà chưa kịp làm cho ông, về nỗi đau mà bà cảm thấy khó có thể vượt qua, và cả về cảm giác buồn giận khi ông đã để bà lại một mình với tuổi già.

Đợi bà qua cơn xúc động, vị bác sĩ hỏi tiếp: “Liệu ông ấy có muốn nhìn thấy bà trong tình cảnh hiện nay không?”. Bà ngập ngừng giây lát rồi thừa nhận: “Chắc chắn là không!”. Qua lần trò chuyện với vị bác sĩ, bà dần hiểu rằng không phải cứ đau buồn chìm đắm trong ký ức mới là tưởng nhớ đến nhau. Đứng trước một nỗi đau, sự mất mát, chia ly nào đó, bạn đều có quyền lựa chọn, hoặc là tiến về phía trước, hoặc để nỗi đau nhấn chìm cuộc đời bạn.

Có phải bạn là người tự ti và thiếu kiên định không? Những hành động, suy nghĩ, thậm chí ước mơ của bạn có phải ít nhiều đều phụ thuộc vào một ai đó? Bạn có luôn phải nép mình dưới một “bóng tùng” nào đó không? Bạn có thực sự luôn cần sự quan tâm và chú ý của người khác không? Bạn có cảm thấy ghen tị nếu người khác có bạn bè xung quanh và cảm thấy bị bỏ rơi nếu bạn không được gia nhập nhóm không? Nếu bạn trả lời có cho những câu hỏi này, thì có thể bạn đang chịu đựng những hậu quả của một tuổi thơ bất hạnh, của một gia đình không mấy hòa thuận, của sự áp đặt từ bố mẹ, hay của những thất bại trong việc kết giao các mối quan hệ trong quá khứ.

TRẠNG THÁI KIỆT QUỆ TÌNH CẢM

Với nhịp sống tấp nập và đầy áp lực ngày nay, con người dễ rơi vào tâm trạng mệt mỏi về thể xác, kiệt quệ về tinh thần. Vì vậy, chắc hẳn bạn đã từng nghe những câu nói than vãn kiểu như: “Tôi không thể tiếp tục sống thêm được ngày nào nữa”, “Cuộc sống của tôi ngày càng bế tắc”, “Tôi là người hoàn toàn thất bại”, “Tại sao mọi người đều quay lưng chống lại tôi”, hay “Làm sao để thoát khỏi tâm trạng khủng hoảng này”,... Những câu nói này có thể là phản ứng tức thời trước một tình huống khó khăn nào đó, đôi khi giúp giải tỏa được tình huống. Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn thường xuyên có những suy nghĩ kiểu này, bởi đó là một minh chứng bạn đã chịu ảnh hưởng của những sự việc không hay xảy ra trong quá khứ khiến bạn mất cân bằng về mặt tình cảm và không thể vượt qua được chính mình.

Có những nỗi đau trong quá khứ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cách hành xử trong hiện tại. Cuộc sống của bạn sẽ không thể nào được cải thiện nếu bạn chưa tìm được nguyên nhân sâu xa và thực chất của tình trạng này.

Cách đây nhiều năm, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Oprah Winfrey đã khiến mọi người khâm phục khi cô giảm được gần 30 kg. Những chương trình của cô luôn chiếm số lượng người xem đông nhất và mọi người đều muốn học hỏi bí quyết giảm cân của cô. Khi mở đầu và kết thúc chương trình, cô đều giới thiệu với mọi người tấm ảnh cô thon thả trong chiếc quần jeans bó sát. Những phụ nữ đẫy đà đổ xô đến đăng ký tham gia bài tập giảm cân do cô khởi xướng. Cô liên tục nhận được những lời khích lệ của khán giả từ khắp mọi nơi hoan nghênh chương trình tự cải thiện bản thân của cô.

Thế nhưng chỉ hai năm sau đó, Oprah lên cân trở lại và cô thú nhận với công chúng rằng cô không kiểm soát được bản thân là do cô đã chỉ lo xử lý các triệu chứng mà không quan tâm đến cốt lõi của vấn đề. Khi còn nhỏ cô đã bị lạm dụng tình dục và vấn đề cân nặng không thực sự là vấn đề đối với cô. Chính nỗi ám ảnh về sự lạm dụng mới là nguyên nhân khiến cô rơi vào tình trạng căng thẳng, ăn uống vô độ và nhiều người khác trong hoàn cảnh tương tự cũng không giữ được bản thân trước những cám dỗ như ma túy, nghiện rượu, mua sắm quá mức,... Cô nói thêm: “Nếu chỉ điều chỉnh hành vi thôi thì vẫn chưa đủ để trị dứt hẳn căn bệnh này, bạn cần phải chiến thắng được những mặc cảm trong quá khứ để bắt đầu một cuộc sống mới mẻ”.

Bạn hãy hình dung rằng vấn đề tâm lý bất ổn trong cuộc sống cũng tương tự như tình trạng khu vườn nhà bạn đang có cỏ dại mọc đầy và lấn sang chỗ cây bạn trồng. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể chọn một trong ba cách sau:

(a) Bỏ mặc đám cỏ để chúng tự do thống trị cả khu vườn.

(b) Xén bớt cỏ để khu vườn trông thoáng đãng.

(c) Đào tận gốc rễ và vứt bỏ hẳn.

Nếu chọn phương án (a), xem như bạn không cần phải làm gì cả và hy vọng vào sự may mắn. Thật không may là rất nhiều người trong chúng ta chọn phương án này bởi nó không đòi hỏi bất kỳ nỗ lực hay thử thách nào. Phương án (b) có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái và được nâng đỡ tinh thần, nhưng chỉ là tạm thời và không giải quyết được nỗi đau trong tâm hồn bạn. Phương án (c) đòi hỏi nỗ lực, thời gian và sự quyết tâm nhiều nhất, nhưng lại là phương án hiệu quả hơn cả để trị liệu tận gốc rễ vấn đề.

Tôi đã từng nhiều lần tìm cách giúp những người có hoàn cảnh bất hạnh nhưng tình hình cũng không mấy khả quan. Giờ đây, nhìn lại, tôi biết rằng thực ra tôi đã mới chỉ dán miếng băng dính lên vết thương sâu. Đừng mất thời gian chắp vá một khi bệnh nhân cần phẫu thuật. Một số người hay nói: “Tốt nhất hãy để yên mọi thứ như thế”. Nếu “như thế” nghĩa là chỉ tồn tại mà thôi thì đã đến lúc cần phải lật lại nỗi đau trong quá khứ để tìm hướng giải quyết cho vấn đề và bắt đầu một tương lai tươi mới.

VƯỢT QUA CẢM GIÁC BỊ CHỐI BỎ TRONG QUÁ KHỨ

Không phải ai trong chúng ta cũng có một tuổi thơ trọn vẹn với đầy đủ sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ, cả về tinh thần cũng như vật chất. Rất nhiều người khi đã trưởng thành vẫn nhớ về tuổi thơ với tâm trạng: “Tôi chưa từng được bố mẹ thương yêu thật sự”. Mặc dù cũng có một vài trường hợp bố mẹ chỉ sinh con ra mà không hề quan tâm đến sự trưởng thành, phát triển của đứa con; nhưng tôi tin chắc rằng hầu hết những bậc làm cha, làm mẹ đều thương yêu con cái, tuy cách thể hiện của họ có thể khác nhau. Khi hiểu về sự khác biệt của tính cách, bạn sẽ thấy rằng mỗi tính cách có mỗi cách biểu lộ tình cảm riêng. Khi có cùng tính cách với người bố hay người mẹ, đứa trẻ sẽ không cảm thấy lạc lõng, cô đơn hay bị chối từ... Ngược lại, chính sự khác nhau về tính cách đã gây ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc giữa bố mẹ và con cái. Bố mẹ cảm thấy con cái dần xa cách, không hiểu được những vất vả, hy sinh của mình dành cho chúng; còn những đứa con lại tủi thân, tự ti, sống khép kín khi thấy bố mẹ không quan tâm như mình mong muốn, chờ đợi. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy bình tĩnh nhìn lại vấn đề, để tự tin vào bản thân và cảm nhận được tình cảm của bố mẹ dành cho mình.

Những kiểu phản ứng khi bị chối bỏ

Chúng ta hay nghĩ đến sự chối từ như một trạng thái khiến nạn nhân rơi vào tình trạng khủng hoảng về mặt tình cảm suốt đời. Trên cơ sở của những khác biệt về tính cách, bạn có thể hiểu được những phản ứng khác nhau của mỗi người.

Kiểu người ôn hòa và trầm tĩnh với khuynh hướng sống nội tâm thường không có động lực thúc đẩy mạnh mẽ và hay đánh giá thấp bản thân. Nếu tuổi thơ của họ thiếu thốn tình cảm, họ thường thu mình lại, sống khép kín hơn với các hoạt động độc lập như đọc sách, xem ti vi... Họ trở nên cô lập với thế giới xung quanh, làm việc kém năng suất và cảm thấy mình thật vô dụng. Khi nghe những lời than phiền của người khác về mình, họ lại liên tưởng đến cảm giác bị từ chối khi xưa, và những lời than phiền này như một sự xác nhận lại cảm giác họ là người vô giá trị.

Với bản chất hướng ngoại, người lạc quan và quyền lực khi gặp phải sự chối từ thường phản ứng bằng cách phủ nhận vấn đề đang tồn tại. Họ cố gắng giấu nỗi đau vào trong để tiếp tục sống. Họ vượt qua nỗi đau bằng cách chinh phục những mục tiêu, thử thách cao hơn trong sự nghiệp. Họ muốn cống hiến toàn bộ thời gian cho công việc để tránh đi những khoảnh khắc rảnh rỗi. Sự bận rộn sẽ không cho họ đủ thời gian để suy nghĩ về bản thân. Với cá tính mạnh mẽ này, một số người đã tìm cách tạo dựng cuộc sống mà họ mơ ước với hy vọng rằng sự hài lòng, thỏa mãn có thể che lấp đi những nỗi đau trong quá khứ.

SỐNG THẬT VỚI BẢN THÂN

Một lần khi tôi kết thúc bài nói chuyện của mình, một phụ nữ đến gặp tôi và bảo “Tôi không thể tin rằng cô lại chân thành và thẳng thắn đến thế. Từ trước đến giờ, tôi đã quen với việc che giấu tình cảm thật trong lòng mình. Bài nói chuyện của cô đã gợi trong tôi những cảm xúc mà tôi cố đè nén trong lòng bao nhiêu năm nay”.

Đây là lời nhận xét tiêu biểu cho hàng ngàn người khác đã tìm cách chia sẻ cảm xúc với tôi. Tôi không ngờ rằng sự thành thật và cởi mở của tôi đã khiến mọi người ngạc nhiên và cảm động đến thế. Thật đáng để chúng ta phải suy nghĩ khi mối quan hệ giữa con người với con người hiện nay đã thiếu hẳn sự chân thành mà đầy những dự tính, mưu toan.

Dường như tất cả chúng ta đang là diễn viên trong một vở kịch quy mô. Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta đã bảo với bản thân rằng hôm nay chúng ta phải là ai. Sau khi trang điểm, khoác lên gương mặt nụ cười của công việc, chúng ta thêm vào đấy một vẻ bề ngoài quyết đoán và quyền lực. Chúng ta thực hành những nguyên tắc chúng ta tin là đúng. Chúng ta che giấu những cảm xúc không thích hợp, giữ cho mặt nạ của mình nằm đúng chỗ, khiêu vũ theo điệu nhảy của công việc hàng ngày, và cuối cùng rời công ty trong tình trạng kiệt sức. Rất khó phải đóng kịch và cố sức để hoàn thành vai kịch đó mỗi ngày mà không để bộc lộ con người thật của mình. Xung quanh chúng ta cũng có biết bao nhiêu người như thế, luôn cố thể hiện thành một mẫu người chuẩn mực của các mối quan hệ, của xã hội, mà không bao giờ dám để lộ một suy nghĩ thật nào của chính mình.

SẴN SÀNG ĐỐI DIỆN VỚI HIỆN THỰC

Ngay cả những người có tính cách mạnh mẽ nhất cũng cảm thấy khó khăn khi phải đối diện với những tình huống ngoài ý muốn.

Khi con gái của Jane Fonda bị cảnh sát bắt giữ vì tội tiếp tay cho bọn mua bán thuốc phiện và có những hành vi vô tổ chức, phá rối các cơ quan hành chính, Jane đã phát biểu: “Lẽ ra tôi mới là người bị bắt giữ bởi tôi là một người mẹ thất bại. Tôi đã quá quan tâm đến bản thân mình; vì thế, khi Vanessa cần đến tôi, tôi lại không ở bên cạnh con bé”.

Liệu có còn chút hy vọng nào không khi ước mơ tan vỡ? Liệu bạn có thể điều chỉnh lại ước mơ? Trước tiên, bạn phải dám nhận trách nhiệm của mình và đối diện với sự thật. Jane thừa nhận: “Khi không tìm được điểm tựa tinh thần nơi bố mẹ, Vanessa đã tìm đến ma túy. Tôi đã sai lầm khi không duy trì được mái ấm gia đình”.

Tiếp theo là bạn phải nhận biết những giới hạn của mình trong việc điều chỉnh lại ước mơ của người khác; ngay cả khi bạn là nguyên nhân gây ra những tổn thất ban đầu. Sau khi tự mình vượt qua biến cố này, chắc chắn Vanessa sẽ rút ra được nhiều bài học giá trị về cuộc sống. Vanessa nói: “Thật sự tôi không chủ ý lôi kéo sự chú ý của mọi người, nhưng tôi hy vọng qua biến cố này, mẹ tôi và tôi sẽ cảm thấy gần nhau hơn”.

Mọi vấn đề đều có thể diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp hơn nếu chúng ta thật sự quan tâm. Đừng để mọi việc trở nên quá muộn. Nhiều người vì mải bận rộn với công việc, với sự nghiệp nên đã không còn thời gian dành cho việc dạy dỗ con cái.

Đôi vợ chồng Judy và Jim chưa từng nghĩ rằng con cái họ sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Cả hai đều là doanh nhân nên họ thường xuyên phải có những chuyến công tác xa nhà. Những khoảng thời gian hiếm hoi rảnh rỗi ở nhà lại thường bị ngắt ngang bởi những công việc khẩn cấp. Cả hai đã quen với nhịp sống hối hả, tất bật như thế và vẫn cảm thấy yên tâm khi thấy mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của mình. Cho đến một ngày, Judy đến thăm người bạn thân. Cô ấy buồn bã thông báo rằng con trai của cô đã được đưa vào trung tâm cai nghiện. Judy nhớ lại: “Dường như trong tôi có một sự thức tỉnh nào đó. Tôi thật sự lo lắng không biết đứa con trai yêu quý của tôi có liên quan đến ma túy hay không. Mặc dù tôi không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào khả nghi khi dọn dẹp phòng hay tủ đồ của con; nhưng lúc này tôi mới nhớ lại rằng thời gian gần đây, tính khí của Jimmy – con trai tôi – khá thất thường. Jimmy rất dễ cáu giận, thường xuyên buồn bã, ủ rũ. Từ một học sinh ưu tú, Jimmy bắt đầu trốn học và điểm số tụt xuống nhanh chóng. Ở nhà, chúng tôi không còn trông thấy nó vui vẻ bao giờ”.

Judy và Jim quyết định phải đối diện với sự thật đau lòng này. Họ hủy bỏ một chuyến công tác quan trọng để đưa Jimmy đến bệnh viện xét nghiệm nước tiểu. Kết quả xét nghiệm cho thấy Jimmy đã nghiện ma túy ở mức độ khá nặng.

“Mọi kỳ vọng của chúng tôi về Jimmy đã tan biến; thay vào đó là nỗi sợ hãi cho tương lai của thằng bé”, Judy kể tiếp. “Chúng tôi đành phải đưa cháu vào trung tâm cai nghiện và những ngày kế tiếp của gia đình chúng tôi tràn ngập sự hoảng loạn, lo lắng và thương xót cho con trai của mình”. Judy và Jim dường như đã quên đi bản thân để giúp Jimmy kết thúc cơn ác mộng và trở lại cuộc sống bình thường. Cảm giác có lỗi đè nặng trong tâm hồn khiến Judy cảm thấy vô cùng mệt mỏi và nản lòng. Nhưng rồi Judy cũng nhận ra rằng, mọi nỗ lực của cô và Jim sẽ trở nên vô nghĩa nếu như Jimmy không đủ động lực và quyết tâm.

Cả hai bắt đầu dừng ngay lại các hành động ép buộc Jimmy trở về cuộc sống bình thường, mà tìm cách đưa trách nhiệm hồi phục bản thân về đúng chủ nhân của nó – Jimmy. Việc ấy đối với Jimmy tuy khó khăn nhưng thật sự cần thiết.

Judy kết luận: “Cuối cùng, Jimmy cũng đã làm được. Khi nhận thức được ý nghĩa cuộc sống và tình thương yêu bố mẹ dành cho mình, thằng bé bắt đầu thức tỉnh, dần tránh xa ma túy và từng bước trở lại cuộc sống bình thường. Giờ đây chúng tôi đã biết dành thời gian cho nhau, lắng nghe nhau và biết bên nhau những lúc khó khăn. Để điều chỉnh những ước mơ gia đình đã bị phá vỡ, bạn phải thật can đảm để đối diện sự thật và bắt tay ngay vào hành động”.

BẠN CÓ ĐỦ CAN ĐẢM ĐỂ BẮT ĐẦU LẠI TỪ ĐẦU?

Một số người may mắn tìm được một công việc mong muốn sau khi tốt nghiệp và lấy đó làm sự nghiệp trọn đời. Một số khác gặp phải trở ngại nửa chừng và bắt đầu suy nghĩ lại về ước mơ của mình. Khi bắt đầu nhận thức về cuộc sống xung quanh, tôi ước mơ trở thành một cô giáo. Tôi ấp ủ và chuẩn bị cho ước mơ đó trong suốt bốn năm trước khi lập gia đình. Nhưng rồi cuộc sống đã khiến mục tiêu của tôi thay đổi: tôi muốn là người vợ chu toàn, người mẹ tận tâm, một nhân viên hoạt động xã hội nhiệt tình và là nhà lãnh đạo xuất sắc. Khi hai đứa con trai đầu tiên của tôi mất đi, tôi cảm thấy cuộc sống này chẳng còn điều gì ý nghĩa cả. Một trong những mục tiêu, ước mơ của tôi đã tan vỡ. Tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng.

Để tìm lại ý nghĩa cuộc sống, tôi bắt đầu đọc sách và nghiên cứu về bốn loại tính cách. Tôi bắt đầu chia sẻ những hiểu biết của mình về sự khác biệt trong tính cách con người. Đầu tiên, tôi chỉ nói chuyện với những giáo dân ở nhà thờ. Sau đó, tôi tổ chức những buổi diễn thuyết lớn, dành cho mọi đối tượng thính giả. Rồi mọi người đề nghị tôi viết sách về chủ đề này. Mọi thứ đến với tôi thật bất ngờ khi một nhà xuất bản sau khi nghe tôi nói chuyện đã đề nghị tôi ký hợp đồng viết sách cho họ, khi mà tôi thậm chí chưa hề viết một đoạn văn nào. Sự nghiệp nhà văn của tôi bắt đầu từ đây; quyển sách đầu tiên tôi viết là lúc tôi 50 tuổi, và quyển sách các bạn đang đọc là quyển thứ 18 của tôi. Rõ ràng, không bao giờ là quá trễ để bắt đầu một nghề nghiệp mới.

Marilyn Heavilin trở lại trường đại học khi cô 40 tuổi, và nghĩ rằng cuộc sống đã ổn định với vai trò giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường trung học. Con trai Nathan của cô cũng học chung trường nên hai mẹ con cô có thể cùng đến trường và chia sẻ những khoảnh khắc thú vị giữa các tiết học. Một lần trên đường trở về nhà sau khi chơi bóng rổ, Nathan gặp tai nạn và qua đời. Dù đã cố gượng dậy sau biến cố này nhưng cô không thể chịu đựng nổi khi bất cứ nơi nào trong trường cũng phảng phất bóng dáng của Nathan. Cô phải làm gì bây giờ? Cô có nên từ bỏ việc học hay không? Lẽ nào cô lại lãng phí những tháng năm học tập của mình?

Vào thời điểm suy sụp nhất trong cuộc đời Marilyn Heavilin, tôi đã mời cô đến dự hội thảo của tôi để cô chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người. Sau buổi nói chuyện, Marilyn đã dám ước mơ rằng cô muốn theo nghề thuyết trình giống như tôi. Và cô nỗ lực để ước mơ này thành hiện thực. Cô thường xuyên tập thuyết trình một mình, sau đó ghi âm lại và điều chỉnh ngay khi nhận ra điểm thiếu sót. Sau hơn một năm tìm kiếm cơ hội thuyết trình, Marilyn cảm thấy thoải mái khi xin nghỉ học ở trường và theo đuổi ước mơ trở thành một diễn giả chuyên nghiệp. Sáu năm sau, Marilyn đã là một diễn giả nổi tiếng cả nước và xuất bản được bốn quyển sách. Marilyn đã không để cho hoàn cảnh khuất phục mình. Cô đã xây dựng ước mơ mới từ mảnh vỡ của những ước mơ cũ và đã nhiệt tình chia sẻ những trải nghiệm của mình với mọi người.

Bạn có bao giờ để hoàn cảnh điều khiển mình chưa? Con đường đến với ước mơ của bạn có trọn vẹn hay bạn phải liên tục điều chỉnh? Nếu cơ hội đến, hãy nhanh chóng nắm bắt ngay. Hãy vững tin rằng cuộc sống sẽ chỉ cho bạn những bước cần thiết để bắt đầu điều chỉnh ước mơ vốn đã không còn nguyên vẹn của mình.

Nhiều người trong chúng ta, như Marilyn, đã được đào tạo chính quy để làm một số nghề nhất định. Chúng ta đã nỗ lực thật nhiều, đã phấn đấu liên tục để giành những vị trí cao nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Nhưng khi đạt được điều mong muốn, đôi khi chúng ta lại chưa hài lòng và có cảm giác như mình đang sống trong vòng luẩn quẩn. Nếu vậy, bạn hãy xem xét lại bản thân mình. Mặc dù đã đạt được vị trí cao nhất, nhưng có khả năng bạn đã mất nhiều thời gian cho một công việc không đem lại cho bạn sự thỏa mãn hoàn toàn. Vậy bạn có nhất thiết phải theo đuổi công việc ấy suốt quãng đời còn lại không? Tại sao bạn không thể dừng lại để điều chỉnh ước mơ của mình?

Cách đây nhiều năm, Bobby muốn thay đổi nghề nghiệp khi đang ở tuổi 39 và đã có một công việc ổn định suốt 15 năm ở một công ty xây dựng. Từ nhỏ, Bobby đã mơ ước được trở thành một nhân viên cảnh sát. Tuy nhiên, khi vào đại học, anh lại chọn chuyên ngành học đáp ứng nguyện vọng của bố mẹ. Ra trường, anh nhanh chóng tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành đã học. Bằng nỗ lực bản thân, anh nhanh chóng thăng tiến lên những vị trí cao hơn. Tuy nhiên, anh vẫn không cảm nhận được niềm đam mê đích thực của mình. Vì vậy, anh quyết định mạo hiểm chấp nhận thay đổi tất cả để được làm công việc mình hằng mơ ước.

Bobby nộp đơn vào sở cảnh sát địa phương. Như mọi ứng viên khác, anh cũng phải trải qua các quy trình kiểm tra sức khỏe và lý lịch gia đình, xét nghiệm, lấy dấu tay. Gần một năm sau, hồ sơ của Bobby mới được xét duyệt với điều kiện anh phải vượt qua kỳ sát hạch nghiệp vụ của cảnh sát trưởng. Bất kể ai khi nghe anh kể về ước mơ của mình đều phản đối mạnh mẽ, chỉ duy nhất có vợ và con gái anh là ủng hộ hết mình.

Cả hai cùng động viên Bobby trong những bài tập thể lực như chạy bộ, nhảy xa, ném bóng nhằm giúp anh đủ sức cạnh tranh với các ứng viên trẻ tuổi. Con gái anh dành hàng giờ ở thư viện để tìm những tài liệu liên quan đến nghiệp vụ cảnh sát cho anh ôn tập. Cả gia đình thường xuyên nghĩ ra những tình huống phạm tội để anh tham gia giải quyết theo đúng pháp luật. Trong suốt những tháng mùa hè ấy, Bobby không thể tránh khỏi những lúc nản lòng, mệt mỏi, lo lắng và tưởng chừng có thể bỏ cuộc. Nhưng mục tiêu phía trước đã níu giữ động lực phấn đấu và quyết tâm của anh.

Cuối cùng, anh đã vượt qua kỳ sát hạch và tốt nghiệp học viện cảnh sát đúng vào tuần lễ anh tròn 40 tuổi! Sự kiện này vô cùng ý nghĩa với cuộc đời anh bởi nó là minh chứng cho việc hiện thực hóa một ước mơ đã được điều chỉnh.

Nếu một ước mơ của bạn không đạt được, hoặc chỉ đạt được một phần, hoặc bạn vẫn không cảm thấy hài lòng khi đạt được, hãy thử đến với một ước mơ khác. Vẫn còn rất nhiều điều để bạn làm, và một khi đã chọn một việc gì đó để làm thì hãy bắt tay ngay vào hành động.

CÂN BẰNG CUỘC SỐNG TINH THẦN

Rất nhiều sự thay đổi tích cực có thể xảy ra khi chúng ta sẵn sàng đối diện với sự thật, nhưng việc gì sẽ xảy ra nếu bạn không nắm được vấn đề? Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không giải quyết được rắc rối? Có lẽ đã đến lúc bạn phải xem lại cuộc sống tinh thần của mình có cân bằng không? Ngoài công việc thường ngày, đời sống tinh thần của bạn như thế nào? Đời sống tinh thần tuy không thể hiện cụ thể như địa vị, bằng cấp, tài sản, của cải,... nhưng nó có khả năng tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống mỗi người. Đó chính là tín ngưỡng, niềm tin, sự gắn kết của các mối quan hệ, các hoạt động giải trí, sở thích, thói quen,...

Lần đầu tiên tôi gặp Daryl Lloyd là khi anh đang làm giám đốc dịch vụ của công ty thực phẩm Advanced Life tại Úc, và tôi là người đến diễn thuyết cho hội nghị hàng năm của công ty. Tôi bị thu hút bởi lối nói chuyện hóm hỉnh, tính cách lạc quan, sự tự tin và cách làm việc chuyên nghiệp của anh. Sau buổi diễn thuyết, Daryl đã mời tôi ăn trưa cùng vợ chồng anh. Trish, vợ anh, hiện đang là chủ một thẩm mỹ viện cao cấp. Cô thuộc mẫu tính cách trầm tĩnh với tất cả những thế mạnh tiêu biểu của mình. Cả Daryl và Trish đều hiểu rõ tính cách của nhau, chấp nhận nhau và không hề muốn thay đổi nhau.

Sau nhiều lần đến Úc diễn thuyết, chúng tôi đã trở nên thân thiết. Lúc này, Daryl mới có dịp chia sẻ câu chuyện cuộc đời của anh với tôi. Daryl là kết quả của mối tình giữa một thiếu nữ Úc và một viên sĩ quan Mỹ trong Thế chiến thứ hai. Nhưng sau khi ra đời, Daryl đã bị vứt bỏ và được một gia đình người Úc nhận làm con nuôi. Tuy cuộc sống của bố mẹ nuôi anh rất khó khăn nhưng họ thật sự yêu thương anh và cố gắng dành cho anh những điều kiện tốt nhất. Khi người mẹ ruột phát hiện mình không còn khả năng sinh con, bà tìm cách giành anh về lại với mình. Hằng năm, vào ngày sinh nhật của Daryl, bà liên tục gửi quà và thư chúc mừng bằng những lời lẽ ngọt ngào với hy vọng anh sẽ xúc động và quay về với bà. Nhưng mẹ nuôi của anh đã cất giữ tất cả những món quà và thư đó vì không muốn cuộc sống tuổi thơ của anh bị xáo trộn. Vào ngày sinh nhật lần thứ 18 của anh, khi anh đã chính thức trưởng thành, mẹ nuôi mới kể cho Daryl nghe tất cả về thân phận của anh và trao lại cho anh đầy đủ các món quà cùng những lá thư mà mẹ ruột anh đã gửi suốt thời gian qua. Sau phút ngỡ ngàng, Daryl đã lựa chọn không đọc bất kỳ lá thư nào và khẳng định rằng anh chỉ có một người mẹ duy nhất, đó là người đã nuôi dưỡng, chăm sóc anh suốt thời gian qua.

Sau khi học xong trung học, Daryl mong muốn tìm được một công việc trong ngành công nghệ truyền hình để thỏa ước mơ cũng như để giúp gia đình anh thoát khỏi cảnh túng thiếu. Với quyết tâm cao độ và năng khiếu bản thân, anh đã bước vào thế giới giải trí và phụ trách công việc sản xuất băng đĩa ở đài truyền hình GTV 9 ở Melbourne. Anh làm việc miệt mài 18 tiếng mỗi ngày. Chỉ một năm sau, anh đã được thăng chức trưởng phòng với hơn 20 nhân viên dưới quyền. Anh bắt đầu nổi tiếng và có cơ hội được làm quen với nhiều nhân vật quan trọng trong lĩnh vực truyền hình, trong đó có Bruce Gyngell - người sở hữu 9 kênh truyền hình tại Úc. Daryl rất ngưỡng mộ Bruce bởi sự thành công, quyền lực và tầm ảnh hưởng của ông.

Năm 21 tuổi, Daryl bị stress cả về thể xác lẫn tinh thần do làm việc quá sức. Sau khi hồi phục, anh nhận được một cú điện thoại của Bruce Gyngell. Ông đề nghị anh ký một hợp đồng 3 năm với công ty của ông trong vai trò giám đốc chương trình, và Daryl - ở tuổi 21 - bắt đầu điều chỉnh ước mơ của mình. Trong quá trình thực hiện chương trình, Daryl thường xuyên được tiếp cận với Bruce và học hỏi về cách làm việc theo kế hoạch, tác phong chuyên nghiệp và tư duy sáng tạo của ông. Đây là những trải nghiệm giá trị cho sự thành công của Daryl sau này.

Năm 25 tuổi, anh cùng với một người bạn thành lập công ty riêng, chuyên về công nghệ quảng cáo. Công việc kinh doanh ngày càng phát triển. Lợi nhuận thu được đã giúp anh thực hiện ước mơ trước đây của mình: mua một căn nhà sang trọng cho bố mẹ nuôi. Sự nổi tiếng cho phép anh sở hữu hai chiếc xe hơi đời mới nhất và được đón tiếp nồng nhiệt ở bất cứ nơi nào anh đến.

Tuy nhiên, Daryl không ngờ rằng trong khi anh đang lo tìm kiếm khách hàng để có thêm lợi nhuận thì người bạn hợp tác cùng anh đã có nhiều sai sót không thể cứu vãn trong việc quản lý tài chính, khiến công ty anh buộc phải tuyên bố phá sản. Trong thoáng chốc, Daryl đã mất tất cả mọi thứ mà anh đã cất công gầy dựng được. Lúc đó, anh đã 32 tuổi. “Tôi không thể giải thích được tại sao. Ước mơ của tôi đã kết thúc trong bất ngờ, khi tôi chưa kịp chuẩn bị cũng như không hề phạm một sai lầm nào cả”, Daryl bảo tôi.

Mặc dù anh đang ở trong tình cảnh vô cùng tuyệt vọng, nhưng dường như cuộc sống vẫn còn muốn thử thách sự chịu đựng của anh. Những người bạn gắn bó với anh bấy lâu đã quay lưng lại với anh. Những người trước đây đã từng được anh giúp đỡ, ngày nay đã thăng chức và cố tình quên đi sự có mặt của anh. Cùng lúc đó, Daryl phải đối mặt với biết bao lời trách móc từ phía gia đình. Anh thật sự mất phương hướng và không biết phải đi về đâu.

“Trong số tất cả những người tôi biết, chỉ có một người duy nhất gọi điện cho tôi để bày tỏ sự đồng cảm”, Daryl kể tiếp, “Đó là mẹ của một nhân viên cấp dưới của tôi. Bà đã chân thành bày tỏ sự quan tâm với tôi và bà nói rằng thay vì chờ đợi sự cảm thông của người khác, tôi hãy tin vào bản thân và tìm kiếm một điểm tựa tinh thần khác xem sao”.

Lúc đó Daryl chưa kịp hiểu rõ những lời nói ấy, nhưng ít nhất người phụ nữ này cũng làm anh cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Anh bắt đầu tìm đọc các tài liệu, sách báo để nghiên cứu về tâm lý. Nhờ đó, anh biết rằng hầu như tất cả mọi người đều phải đối diện với những sự việc không như ý muốn trong cuộc sống. Điều quan trọng là mỗi người phải vượt qua trạng thái tâm lý này và tiến về phía trước. Đây không phải là điểm kết thúc, mà chỉ là chặng dừng chân trên hành trình tiến về phía trước.

Tuy nhiên, Daryl vẫn cảm thấy vô cùng bối rối khi cho cô bạn gái Trish của anh biết được rằng anh đang túng thiếu và tuyệt vọng. Anh lo sợ thêm một lần thất vọng, bởi từ trước đến giờ, Trish vẫn hằng ngưỡng mộ sự thành công của anh. Trong mắt Trish, anh là người đàn ông hoàn hảo và thành đạt. Thế nhưng, Trish đã làm Daryl thật sự bất ngờ khi nói: “Em đang rất vui vì biết rằng, giờ đây anh sẽ dành nhiều thời gian hơn cho em”. Đây quả thực là động lực mạnh mẽ nhất giúp Daryl đứng vững trở lại.

Với kinh nghiệm làm việc trước đây, Daryl nhanh chóng tìm được một công việc mới: nhân viên kinh doanh dụng cụ nhà bếp. Thành công dần trở lại với Daryl khi số đơn đặt hàng anh đem về cho công ty ngày càng nhiều. Lợi nhuận anh kiếm được giúp anh gầy dựng lại cuộc sống. Các mối quan hệ kinh doanh đã giúp anh quen biết giám đốc điều hành tập đoàn thực phẩm Advanced Life của Úc. Một hôm, anh nhận được điện thoại của ông với lời mời anh về giữ chức vụ giám đốc dịch vụ của công ty thực phẩm Advanced Life. Daryl nhanh chóng kết hôn với Trish vì theo anh: “Người phụ nữ nào có thể yêu tôi ngay cả khi tôi không còn gì cả chắc chắn sẽ gắn bó với tôi suốt cả cuộc đời”. Giờ đây, Daryl đã ổn định sự nghiệp tại công ty thực phẩm Advanced Life; còn Trish đã có thẩm mỹ viện của riêng cô. Cả hai đang rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.

TRÊN CẢ SỰ THỨ THA

Khi tôi trò chuyện với những người đã mất lòng tin vì phải trải qua một quá khứ nhiều nỗi đau, họ thường hỏi tôi: “Tôi phải tha thứ cho những con người đã làm tôi tổn thương ư?”. Xét cho cùng thì sự tha thứ không phải là bước đầu tiên trong việc hàn gắn mối quan hệ nhưng đó là điều cần thiết cuối cùng để chữa lành vết thương. Không nên ép buộc bản thân phải nói lời tha thứ khi chúng ta chưa thật sự sẵn sàng, bởi khi ấy, điều đó cũng chỉ là sự lừa dối.

Một buổi sáng Chủ nhật, khi tôi đang ngồi trên hàng ghế đại biểu trong một cuộc họp để chờ đến lượt mình lên nói chuyện thì Craig Holiday, giám đốc một công ty bước lên bục phát biểu. Dắt theo đứa con trai 7 tuổi, Craig đã nói những lời mà tôi vẫn còn nhớ mãi:

“Khi tôi bằng tuổi con trai tôi bây giờ, cha tôi đã bỏ nhà ra đi”, giọng nói ông bỗng trở nên khó khăn: “Tôi đã căm thù cha tôi vô cùng và luôn tự hỏi vì sao ông lại bỏ rơi tôi. Khi những đứa trẻ khác tự hào được cha đưa đến trường hay đến tham gia và cổ vũ cho những trận bóng đá, thì tôi lại lẻ loi một mình. Đôi khi tôi tự an ủi mình bằng một lý do nào đó mà tôi nghĩ ra; nhưng tận sâu thẳm trong lòng, tôi thấy thật cô đơn và tủi thân”.

Craig đã làm mọi người có mặt trong buổi diễn thuyết hôm đó xúc động bởi câu chuyện về cuộc đời anh. Khi trưởng thành, Craig bước chân vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản và đã đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, giấc mơ làm giàu của anh đã kết thúc nhanh chóng khi thị trường bất động sản bị khủng hoảng. Đang lúc vô cùng bế tắc thì một người bạn đã đưa Craig đến tham gia cuộc hội thảo tiếp thị; và trong tâm trạng liều lĩnh và tuyệt vọng, Craig đã đăng ký trở thành nhân viên tiếp thị. Anh đã dám ước mơ trở lại. Công việc của anh ngày càng phát triển nhanh chóng và chẳng bao lâu, Craig đã vươn lên dẫn đầu. Anh hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với anh, với đứa con trai Taylor mà anh vô cùng yêu quý. Thế nhưng, mỗi khi nhìn Taylor, anh lại nghĩ đến cha mình và sự thù hằn lại trỗi dậy trong anh. Sự giận dữ cứ gặm nhấm tâm hồn Craig khiến anh không thể nào thoát ra được. Anh hiểu rất rõ rằng để tìm lại cảm giác bình an trong lòng, nhất định anh phải tha thứ cho cha dù rằng cha anh không xứng đáng được tha thứ. Mặc dù điều này là vô cùng khó khăn bởi không còn hy vọng gì ở việc xoa dịu vết thương lòng trong ký ức đã từng bị thương tổn, nhưng cuối cùng Craig đã vượt qua và sẵn sàng để tha thứ.

Khi cảm giác thù hằn đã được trút bỏ, anh quyết định gặp mặt cha sau bao nhiêu năm xa cách. Đúng lúc thính giả thở phào nhẹ nhõm vì kết thúc có hậu của câu chuyện đầy xúc động thì Craig đã làm tất cả mọi người trong hội trường sửng sốt khi nghe anh nói thêm: “Hiện giờ cha tôi đang có mặt ở đây. Cha ơi, cha hãy lên đây và chia sẻ với chúng con, nếu cha muốn”. Một người đàn ông với gương mặt hằn những vết nhọc nhằn, mệt mỏi của thời gian nhưng không giấu được vẻ hạnh phúc, đang chầm chậm bước lên sân khấu. Bé Taylor vội chạy về phía ông nội với đôi cánh tay dang rộng. Hai ông cháu ôm chặt nhau và khóc. Còn Craig đứng lặng nhìn hai người mà đôi mắt đỏ hoe.

Tất cả chúng tôi đều lặng yên trong giây lát để chia sẻ khoảnh khắc thiêng liêng của gia đình Craig. Nhiều người đã rơi nước mắt khi nghĩ đến sự đổ vỡ trong mối quan hệ ruột thịt của chính mình. Vài người bắt đầu vỗ tay để xóa tan không khí lặng lẽ này; và trong phút chốc, cả hội trường đều đứng dậy hoan hô, cổ vũ cho sức mạnh kỳ diệu của sự tha thứ và bằng chứng đẹp đẽ của sự hàn gắn lại mối thâm tình tưởng chừng như không thể nào hàn gắn nổi.

BẠN CÓ THỂ ĐIỀU CHỈNH ƯỚC MƠ CỦA MÌNH KHÔNG?

Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa một người quỵ ngã khi gặp thất bại và một người biết đứng lên để vững vàng hơn sau đó? Bản thân tôi đã phải đối diện với vô số những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua trong đời cũng như đã tham vấn cho hàng ngàn người với những trường hợp riêng biệt, nên tôi hiểu khá rõ về vấn đề này. Để trả lời câu hỏi: “Tại sao có những người bị hoàn cảnh khó khăn khuất phục còn những người khác lại đủ can đảm vượt qua?”, chúng ta hãy cùng phân tích một số yếu tố sau:

1. Sự khác biệt về tính cách

Trong những tình huống khó khăn, người có tính cách lạc quan lại là người dễ phản ứng nhất. Họ nhìn khó khăn dưới một góc độ cởi mở và thoáng hơn; họ nhanh chóng chấp nhận thực tại và điều chỉnh ngay ước mơ của mình để phù hợp với tình huống. Người lạc quan luôn tiếp thêm động lực và mang lại hy vọng cho mọi người. Người quyền lực lại đề cao yếu tố kiểm soát trong cuộc sống của họ. Đây là mẫu người dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng nhanh nhất nếu họ cảm thấy cuộc sống đang yên bình bấy lâu bỗng chốc tuột khỏi vòng kiểm soát. Tuy nhiên, họ cũng sẽ nhanh chóng vượt qua tất cả để tiếp tục hướng về phía trước. Riêng mẫu người trầm tĩnh với khát khao tìm kiếm sự hoàn hảo và theo đúng trật tự, sẽ kéo dài nỗi tuyệt vọng của mình. Còn mẫu người ôn hòa sẽ tìm cách né tránh mọi rắc rối. Vì mẫu người này ít khi bộc lộ tình cảm nên hiếm khi bạn thấy họ rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Họ là những người dùng ý chí để cân bằng tinh thần cho đến khi tình hình được cải thiện.

Hiểu được sự khác biệt về tính cách, chắc chắn bạn sẽ không còn cảm thấy ngạc nhiên khi xem xét cách phản ứng của mọi người trước những tình huống khó khăn. Những phản ứng đó không là lựa chọn của bản thân mỗi người mà là đặc điểm tính cách đã hình thành từ trước của mỗi cá nhân.

2. Ảnh hưởng của những vấn đề trong quá khứ

Những tổn thương trong quá khứ thường tạo nên dấu ấn tiêu cực và khó phai mờ. Những ai có thời thơ ấu không êm đềm, chịu nhiều nỗi đau thường cảm thấy khó khăn để đứng dậy vững vàng trước những thử thách của cuộc sống. Nỗi ám ảnh này kết hợp với những đặc điểm tính cách sẽ khiến họ trở thành những người luôn bại trận, kể cả trong chính suy nghĩ của mình.

Rõ ràng, khả năng vượt qua khó khăn và can đảm đối diện với thất bại của những cá nhân có đời sống tinh thần lành mạnh hoặc được sống trong sự yêu thương, che chở của gia đình sẽ cao hơn rất nhiều so với những ai thiếu đi sự may mắn của niềm hạnh phúc gia đình.

3. Truyền thống gia đình

Truyền thống gia đình ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính cách của con người. Nếu bạn trưởng thành từ một gia đình có các thành viên luôn nản lòng, tự ti và buông xuôi khi gặp thất bại hoặc xem thất bại là điều hiển nhiên mà số phận buộc mình phải gánh chịu để rồi tự chui vào vỏ ốc của chính mình, thì bạn cũng sẽ có khuynh hướng suy nghĩ và hành động tương tự như vậy khi gặp biến cố. Và ngược lại, nếu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tinh thần lạc quan, yêu đời, biết xem khó khăn như một thử thách của cuộc sống, thì chắc chắn bạn luôn tự tin và kiên định với hành động của mình. Nhưng không có gì là tuyệt đối; ngay cả khi bạn đã lớn lên trong một gia đình với nhiều suy nghĩ tiêu cực, bạn vẫn có thể nỗ lực thay đổi thái độ sống, khiến mọi hành vi của bạn cũng sẽ thay đổi theo. Đừng để quá khứ buồn hủy hoại cả tương lai của bạn.

Paul Lewis khi sinh ra đã bị khuyết một cánh tay trái. Tuy vậy, bố mẹ vẫn đối xử với anh một cách công bằng như những đứa con khác. Bố mẹ tập cho anh tự thực hiện những công việc như một người bình thường với mong muốn khi lớn lên, anh sẽ không có cảm giác mình là người tật nguyền và dễ dàng hòa nhập với xã hội. Khi trưởng thành, Paul thật sự không bao giờ để tâm hay buồn bã vì những lời nhận xét tiêu cực hay thương hại của người khác mà anh quyết định sẽ chứng minh bằng hành động thể hiện khả năng của anh. Anh cho biết: “Tôi chưa từng nghĩ rằng mình là người khuyết tật, bởi tâm hồn tôi, nghị lực, niềm tin của tôi vẫn bình thường như những người khác. Có được điều này là nhờ bố mẹ tôi, họ chưa từng xem tôi như người khuyết tật, mà luôn đặt kỳ vọng và mơ ước vào tôi – một con người bình thường”.

Có khiếm khuyết nào khiến bạn không đủ tự tin để thực hiện những ước mơ trong đời? Có lời nhận xét tiêu cực nào của mọi người khiến bạn nản lòng? Hãy xem tất cả là “cú hích” để bạn xây dựng lòng quyết tâm và từng bước leo lên những nấc thang thành công.

4. Phát triển tính khôi hài

Khi nhìn lại cuộc sống gia đình của chính mình, tôi nhận ra rằng nếu thiếu tính khôi hài chắc cuộc sống của chúng tôi sẽ rất tẻ nhạt. Vào những giây phút khó khăn nhất, chúng tôi vẫn nhìn thấy được khía cạnh lạc quan của vấn đề. Nếu chưa từng gặp phải chuyện buồn đau thì làm sao tôi có thể cảm thông với người khác. Nếu tôi không xem khó khăn là cơ hội thì có lẽ tôi đã bỏ cuộc vì thất vọng. Nếu tôi không hài hước trong những giờ phút căng thẳng thì có lẽ tôi chẳng thể viết được cuốn sách nào. Tôi rất tâm đắc với câu nói: “Mỗi trải nghiệm tồi tệ là một bài học đáng giá”.

5. Bày tỏ những lời động viên tinh thần với người khác

Ngôn từ có sức mạnh vô biên. Chỉ cần một lời nói, bạn có thể khiến một người rơi vào vực thẳm của sự tuyệt vọng hoặc nâng một người lên đỉnh cao của niềm hy vọng. Bạn hãy trao tặng mọi người những ngôn từ đã được chọn lọc cẩn thận, không chỉ khi góp ý với thiện chí, mà kể cả những khi bạn khen ngợi, động viên tinh thần người khác,

Một khi trái tim tan vỡ, bạn sẽ cảm thấy vô cùng biết ơn với những ai nâng bạn dậy bằng những lời động viên. Khi bạn nói những lời tử tế với người khác, không chỉ người đó vui, mà bạn cũng sẽ thấy mình tốt hơn lên. Sự cho đi và nhận lại luôn có những tương tác tích cực bổ sung cho nhau.

“Ước mơ không phải

là cái gì sẵn có,

cũng không phải là

cái gì không thể có.

Ước mơ giống như

một con đường

tiềm ẩn để

con người khai phá

và vượt qua.”

- Lỗ Tấn