Triết gia: Ta hãy suy nghĩ qua các ví dụ cụ thể. Ở đây, tôi sẽ thay từ "cố chấp vào bản thân" thành "tự coi mình là trung tâm" cho dễ hiểu. Một người tự coi mình là trung tâm, theo cậu hình dung là một người như thế nào?
Chàng thanh niên: Ừm, tôi nghĩ đến đầu tiên là một nhân vật giống như bạo chúa, hành xử ngang ngược, bất chấp ảnh hưởng đến người khác, chỉ nghĩ cho mình, cho rằng thế giới xoay quanh mình, cậy quyền cậy thế, như một vị vua chuyên quyền ý vào bạo lực. Là nhân vật gây ra nhiều phiền phức cho những người xung quanh. Có lẽ đúng kiểu bạo chúa điển hình như vua Lear trong kịch của Shakespeare.
Triết gia: Vậy à.
Chàng thanh niên: Mặt khác, những nhân vật không phải là bạo chúa nhưng lại phá hoại sự hòa hợp của tập thể cũng có thể là loại người tự coi mình là trung tâm. Không tham gia hoạt động tập thể, thích làm việc một mình. Dù có đến muộn hay lỡ hẹn cũng chẳng thèm rút kinh nghiệm. Tóm gọn lại là những con người tùy tiện.
Triết gia: Quả thực ấn tượng chung đối với những người tự coi mình là trung tâm đều là như vậy. Tuy nhiên, tôi cần phải bổ sung thêm một kiểu nữa. Thực ra những người không biết "phân chia nhiệm vụ", bị bó buộc bởi nhu cầu được thừa nhận cũng lại là kẻ tự coi mình là trung tâm.
Chàng thanh niên: Tại sao?
Triết gia: Hãy nghĩ về bản chất của nhu cầu được thừa nhận. Người khác chú ý đến mình đến mức nào, đánh giá mình như thế nào? Nói cách khác là đáp ứng nhu cầu đó ra sao? Những người bị bó buộc bởi nhu cầu được thừa nhận, ngoài mặt có vẻ như chú ý đến người khác, nhưng thực ra là chỉ chú ý đến mình, đánh mất sự quan tâm đến người khác, chỉ còn quan tâm đến mình, nghĩa là tự coi mình là trung tâm.
Chàng thanh niên: Vậy thầy bảo kẻ sợ bị người khác đánh giá như tôi cũng là hạng tự coi mình là trung tâm sao? Cho dù tôi chú ý đến người khác, cố gắng hòa hợp với người khác?!
Triết gia: Đúng vậy. Nếu xét theo ý nghĩa chỉ quan tâm đến "mình" thì đấy cũng là thói tự coi mình là trung tâm. Chính vì muốn được người khác nghĩ tốt về mình nên cậu mới bận tâm đến ánh mắt của người khác. Đó không phải là quan tâm đến người khác mà chính là cố chấp lấy bản thân.
Chàng thanh niên: Nhưng...
Triết gia: Hôm trước tôi đã nói, việc có người nghĩ không tốt về cậu chính là bằng chứng cậu đang sống tự do. Có lẽ khi nghe vậy, cậu đã cảm thấy có hơi hướm tự coi mình là trung tâm ở đó. Tuy nhiên qua phần thảo luận vừa rồi chắc hẳn cậu đã hiểu. Chính cách sống không ngớt bận tâm đến "người khác đánh giá mình như thế nào" mới là lối sống coi mình là trung tâm, chỉ quan tâm đến "mình".
Chàng thanh niên: Ha ha, đây quả là một phát ngôn đáng kinh ngạc!
Triết gia: Không riêng gì cậu mà những người chỉ cố chấp lấy "mình" đều là loại tự coi mình là trung tâm. Chính vì vậy cần chuyển từ "cố chấp lấy mình" sang "quan tâm đến người khác".
Chàng thanh niên: Được rồi. Đúng là tôi chỉ chú ý đến mình. Tôi công nhận điều đó. Tôi chỉ toàn bận tâm xem người khác đánh giá mình như thế nào chứ không để tâm người khác như thế nào. Thầy bảo tôi tự coi mình là trung tâm, tôi cũng không thể phản đối. Nhưng hãy thử nghĩ xem. Nếu cuộc đời mình là một bộ phim dài tập thì nhân vật chính chắc chắn là "mình" nhỉ? Tập trung máy quay về phía nhân vật chính có gì sai chứ?