Chàng thanh niên: : Tôi hiểu rồi. Vậy tôi sẽ kể câu chuyện của một người bạn khác. Trong số bạn bè tôi, có một cậu tên Y, lúc nào cũng vui vẻ có thể nói chuyện thoải mái với cả những người mới gặp lần đầu. Cậu ấy như đóa hoa hướng dương rực rỡ, được mọi người yêu quý, có thể khiến mọi người phì cười trong tích tắc. Ngược lại, tôi kém khoản giao tiếp, khi nói chuyện với người khác luôn cảm thấy không được tự nhiên. Và theo thuyết mục đích của Adler, thầy cho rằng "con người có thể thay đổi"?
Triết gia: Đúng vậy. Cả tôi, cả cậu, con người ai cũng có thể thay đổi.
Chàng thanh niên: Vậy thầy cho rằng tôi có thể trở thành người giống như Y không? Tất nhiên, tôi thực lòng muốn trở nên giống như Y.
Triết gia: Ở giai đoạn này, có lẽ đó là yêu cầu rất khó khăn.
Chàng thanh niên: Ha ha, cuối cùng thì cũng lòi đuôi rồi nhé! Nghĩa là thầy rút lại quan điểm của mình?
Triết gia: Không. Không phải như vậy. Điều đáng tiếc là cậu vẫn hầu như chưa hiểu được tâm lý học Adler. Hiểu chính là bước đầu tiên dẫn đến thay đổi.
Chàng thanh niên: Vậy thì chỉ cần hiểu tâm lý học Adler là gì tôi sẽ có thể trở thành người giống như Y?
Triết gia: Sao cậu lại cần đáp án gấp vậy? Đáp án không phải là điều ai đó nói cho, mà là điều mình phải tự tìm ra. Câu trả lời người khác đưa cho chẳng qua chỉ là điều trị triệu chứng, chẳng có giá trị gì hết. Chẳng hạn, Sokrates không để lại một cuốn sách nào do chính tay ông viết. Người ghi chép và chỉnh lý lại những cuộc tranh luận say sưa trên đường của Sokrates với những người dân thành Athenai, đặc biệt là với thanh niên, sau đó viết lại quan điểm triết học của ông thành trước tác là Platon, học trò của ông. Adler cũng là người không quan tâm tới hoạt động viết lách mà thích đối thoại với mọi người trong quán cà phê ở Vienna hoặc tranh luận tại những nhóm thảo luận nhỏ. Họ đều không phải là những trí thức ngồi ghế bành.
Chàng thanh niên: Ý thầy là cả Sokrates và Adler đều muốn thông qua đối thoại để khơi gợi mọi người?
Triết gia: Đúng vậy. Mọi băn khoăn trong lòng cậu sẽ dần biến mất trong quá trình diễn ra cuộc đối thoại này. Và chính cậu sẽ thay đổi. Không phải do những lời tôi nói mà nhờ chính bản thân cậu. Tôi muốn thông qua đối thoại để chỉ đường cậu đến với đáp án, chứ không muốn cướp đi quá trình quý giá mà bản thân cậu tự phát hiện ra câu trả lời.
Chàng thanh niên: Ý thầy là hai chúng ta cùng tái hiện lại cuộc đối thoại giống như Sokrates hoặc Adler đã làm? Tại thư phòng nhỏ này?
Triết gia: Cậu không bằng lòng à?
Chàng thanh niên: Có gì mà không bằng lòng cơ chứ. Đó là điều tôi muốn! Chúng ta hãy tiếp tục cho đến khi thầy rút lại quan điểm của mình hoặc tôi phải quỳ gối chấp nhận.