Chàng thanh niên: Nhưng có thể nói tự ti là một vấn đề của mối quan hệ giữa người với người không? Chẳng hạn, kể cả những kẻ được cho là thành công về mặt xã hội không có cớ gì phải tự ti trong mối quan hệ giữa người với người, cũng có cảm giác thua kém về mặt nào đó. Ngay một doanh nhân gây dựng được cả khối tài sản khổng lồ hay tuyệt thế giai nhân ai ai cũng phải ghen tị hoặc vận động viên đạt huy chương vàng Olympic đều có ít nhiều tự ti. Ít nhất là tôi nhận thấy thế. Phải giải thích điều này như thế nào đây?
Triết gia: Adler cũng thừa nhận là ai cũng có thể trải qua cảm giác tự ti. Bản thân cảm giác tự ti không phải là xấu.
Chàng thanh niên: Rốt cuộc tại sao con người lại có cảm giác tự ti?
Triết gia: Điều này phải giải thích từ đầu. Thoạt tiên, con người là một chủng loài yếu đuối tới tồn tại và sinh sống trên thế giới này. Và rồi đều có nhu cầu phổ quát thoát khỏi tình trạng yếu đuối đó. Adler gọi đó là "theo đuổi sự vượt trội".
Chàng thanh niên: Theo đuổi sự vượt trội?
Triết gia: Cậu cũng có thể nghĩ một cách đơn giản là "mong muốn tiến bộ" hay "tìm kiếm trạng thái lý tưởng". Chẳng hạn, đứa trẻ chập chững tập đi muốn học được cách đứng vững trên hai chân, rồi muốn biết nói để có thể tự do giãi bày suy nghĩ với những người xung quanh. Chúng ta đều có mong muốn chung là thoát khỏi tình trạng yếu đuối, bất lực muốn được tiến bộ hơn. Cả những tiến bộ khoa học trong lịch sử loài người cũng là kết quả của nhu cầu "theo đuổi sự vượt trội".
Chàng thanh niên: Quả vậy. Thế thì sao ạ?
Triết gia: Mặt trái của điều này chính là cảm giác tự ti. Con người ai cũng ở trong trạng thái "muốn được tiến bộ", theo đuổi sự vượt trội. Đề ra một lý tưởng hay mục tiêu nào đó rồi nỗ lực hướng tới điều đó. Đồng thời lại thấy bản thân thua kém vì không đạt được lý tưởng đó. Chẳng hạn, những đầu bếp tham vọng càng cao thì lại càng có cảm giác tự ti kiểu như "mình vẫn còn chưa thành thạo" hay "mình cần phải làm tốt hơn nữa".
Chàng thanh niên: Hừm, đúng vậy.
Triết gia: Adler nói rằng cả nhu cầu theo đuổi sự vượt trội lẫn cảm giác tự ti đều không phải căn bệnh mà là sự khích lệ thúc đẩy những nỗ lực lành mạnh, đúng đắn để trưởng thành. Chỉ cần không áp dụng sai cách thì ngay cả cảm giác tự ti cũng sẽ trở thành liều thuốc kích thích nỗ lực và trưởng thành.
Chàng thanh niên: Nghĩa là biến cảm giác tự ti thành đòn bẩy phải không?
Triết gia: "Đúng vậy. Cố gắng vượt lên phía trước để gạt bỏ nỗi tự ti của bản thân; cố gắng tiến xa hơn dù chỉ một bước chứ không bằng lòng với thực tại; cố gắng trở nên hạnh phúc hơn. Nếu là kiểu tự ti như vậy thì chẳng có vấn đề gì cả.
Nhưng cũng có những người không nhận ra được một điều rằng "tình thế có thể thay đổi nhờ nỗ lực hiện tại", họ không có can đảm tiến lên dù chỉ một bước. Những người này chưa kịp làm gì đã đoán chắc rằng mình không làm được, hoặc có làm cũng không thể thay đổi được tình hình."
Chàng thanh niên: Thì đúng là thế mà. Lòng tự ti càng lớn, con người càng trở nên tiêu cực, cuối cùng sẽ đoán chắc rằng mình vô dụng. Thế mới gọi là tự ti chứ.
Triết gia: Không, đó không còn là cảm giác tự ti mà đã thành mặc cảm.
Chàng thanh niên: Mặc cảm? Thì cũng là tự ti còn gì?
Triết gia: Cậu hãy lưu ý nhé. Hiện nay, ở Nhật từ "mặc cảm" được sử dụng đồng nghĩa với "tự ti". Giống như "tôi mặc cảm vì đôi mắt một mí" hay "anh ấy mặc cảm về học vấn". Đây là cách dùng sai hoàn toàn. Mặc cảm hay phức cảm (cơmplex) là từ thể hiện trạng thái tâm lý lệch lạc có tính phức tạp, không hề liên quan tới cảm giác tự ti. Chẳng hạn như "phức cảm Oedipus" (Oedipus cơmplex) do Freud đề xướng, vốn dùng để chỉ sư ghen tuông một cách lệch lạc đối với cha hoặc mẹ, người cùng giới tính với mình.
Chàng thanh niên: Đúng là nghe những từ như phức cảm yêu mẹ ghét cha (mother cơmplex) hay phức cảm yêu cha ghét mẹ (father cơmplex) cũng mang sắc thái lệch lạc mạnh hơn hẳn nhỉ.
Triết gia: Tương tự như vậy, cũng cần phân biệt rõ ràng, không thể dùng lẫn lộn "cảm giác tự ti" và "phức cảm tự ti".
Chàng thanh niên: Cụ thể chúng khác nhau như thế nào?
Triết gia: Cảm giác tự ti bản thân nó không phải là điều xấu. Điểm này thì cậu đã hiểu rồi phải không? Như Adler nói, cảm giác tự ti có thể trở thành động lực thúc đẩy nỗ lực và trưởng thành. Chẳng hạn, tuy tự ti về học vấn, nhưng nếu vì thế lại nảy sinh quyết tâm "Mình học vấn thấp nên phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác" thì lại là điều đáng mừng. Ngược lại, phức cảm tự ti lại chỉ tâm lý vin vào nỗi tự ti của bản thân để bao biện. Ví như nghĩ rằng "Mình học vấn thấp nên không thể thành công" hoặc "Mình xấu xí nên không thể kết hôn". Liên tục khẳng định "Vì A nên không làm được B" như vậy trong cuộc sống hằng ngày, điều đó không đơn thuần là tự ti nữa rồi. Đó là phức cảm tự ti.
Chàng thanh niên: Không, không. Đó là mối quan hệ nhân quả hợp lý! Nếu học vấn thấp ắt sẽ đánh mất cơ hội làm việc và thăng tiến, sẽ bị coi nhẹ, không thể thành công trong xã hội. Đó không phải bao biện gì hết mà là sự thật nghiệt ngã.
Triết gia: Không đúng.
Chàng thanh niên: Tại sao? Không đúng chỗ nào cơ chứ?
Triết gia: Về mối quan hệ nhân quả cậu nói, Adler đã giải thích bằng cụm từ "quy luật nhân quả bề ngoài". Nghĩa là đem những thứ vốn chẳng có quan hệ nhân quả ra giải thích thành quan hệ nhân quả quan trọng. Chẳng hạn, mấy hôm trước có người nói rằng "Tôi mãi không kết hôn được là do hồi nhỏ đã phải chứng kiến quá trình bố mẹ ly hôn". Có lẽ nếu suy nghĩ theo thuyết nguyên nhân của Freud thì đúng là việc ly hôn của bố mẹ đã tạo thành một vết thương tâm lý lớn, có mối quan hệ nhân quả rõ ràng với thái độ của bản thân trước hôn nhân. Nhưng Adler, từ góc nhìn của thuyết mục đích lại kết luận đó là luận điệu "quy luật nhân quả bề ngoài".
Chàng thanh niên: Dù vậy thì thực tế vẫn là người học cao sẽ dễ đạt được thành công trong xã hội hơn chứ! Thầy hẳn cũng hiểu điều này mà.
Triết gia: Vấn đề là ở chỗ cậu đối diện với thực tế xã hội đó như thế nào. Nếu nghĩ rằng "Mình học vấn thấp nên không thể thành công" thì đó không phải "không thể thành công" mà là "không muốn thành công" rồi.
Chàng thanh niên: Không muốn thành công? Lý lẽ gì vậy chứ?+
Triết gia: Nói đơn giản là sợ tiến lên thêm một bước hoặc không muốn nỗ lực thực sự. Không muốn để thay đổi bản thân mà phải hy sinh những thú vui đang tận hưởng như thời gian vui chơi hoặc nghỉ ngơi. Nghĩa là không có can đảm thay đổi lối sống. Cho dù có phần bất mãn hoặc không thoải mái nhưng tiếp tục tình trạng này lại là việc dễ dàng hơn.