Chàng thanh niên: Ôi, đầu óc tôi lại loạn lên hết rồi. Thầy đã nói tôi coi người khác là "kẻ thù" chứ không phải "bạn" là vì tôi đang trốn tránh các nhiệm vụ cuộc đời. Điều đó rốt cuộc nghĩa là gì vậy?
Triết gia: Giả sử cậu ghét một người tên A. Bởi vì A có khuyết điểm không thể chấp nhận được.
Chàng thanh niên: Ha ha ha, người tôi ghét thì nhiều lắm.
Triết gia: Nhưng thật ra không phải là cậu ghét A vì không chấp nhận được khuyết điểm của A. Cậu có mục đích "ghét A" trước, rồi sau đó mới tìm ra khuyết điểm để đạt được mục đích đó.
Chàng thanh niên: Thật ngu ngốc! Tôi làm thế để làm gì cơ chứ?
Triết gia: Để tránh né mối quan hệ với A.
Chàng thanh niên: Không, dù gì cũng không thể có chuyện đó được! Gì thì gì, rõ ràng là trình tự ngược lại. Cậu ta làm những việc khiến tôi khó chịu nên tôi mới ghét chứ. Nếu không thì tôi chẳng có lý do gì để ghét cả!
Triết gia: Không, không phải vậy. Có lẽ tìm hiểu qua ví dụ chia tay với người mình từng có quan hệ yêu đương sẽ dễ hiểu hơn. Trong mối quan hệ yêu đương hay quan hệ vợ chồng, đôi khi đến một thời điểm nào đó, ta trở nên căm ghét tất cả những gì người kia làm. Không thích cách họ ăn uống hay chán ghét bộ dạng luộm thuộm lúc ở nhà, thậm chí bực bội với cả tiếng ngáy lúc ngủ nữa. Mặc dù mới vài tháng trước ta chẳng hề quan tâm đến những điều đó.
Chàng thanh niên: ... Vâng. Tôi có thể hình dung ra cảnh đó.
Triết gia: Đấy là vì người đó đã quyết tâm “kết thúc mối quan hệ này" và tìm kiếm lý do để kết thúc nên mới cảm thấy như vậy. Đối phương không thay đổi gì cả. Chỉ có "mục đích" của bản thân là thay đổi thôi.
Con người là sinh vật ích kỷ, một khi đã muốn thì thế nào cũng tùy ý tìm ra được khuyết điểm của đối phương. Cho dù đối phương là bậc thánh nhân quân tử, cũng có thể dễ dàng bói móc ra điểm đáng ghét. Vì vậy, bất cứ lúc nào thế giới cũng có thể trở thành nơi nguy hiểm, con người có thể coi tất cả những người khác là "kẻ thù".
Chàng thanh niên: Vậy là ý thầy nói, để trốn tránh nhiệm vụ cuộc đời, hay cụ thể hơn là trốn tránh mối quan hệ với người khác, mà tôi tùy tiện tạo ra những khuyết điểm của người khác hay sao? Và tôi đang trốn tránh bằng cách coi người khác là "kẻ thù"?
Triết gia: Đúng là như vậy. Adler gọi tình trạng trốn tránh nhiệm vụ cuộc đời bằng cách đưa ra đủ loại lý lẽ để bao biện là "lời nói dối cuộc đời".
Chàng thanh niên: …
Triết gia: Từ này thật gay gắt phải không. Bắt ai đó khác chịu trách nhiệm về tình cảnh của mình, trốn tránh nhiệm vụ cuộc đời bằng cách đổ lỗi cho người khác, đổ tại hoàn cảnh. Cả nữ sinh bị bệnh đỏ mặt tôi nói lúc trước cũng vậy. Dối gạt chính mình, lừa dối cả những người xung quanh. Nghĩ cho kỹ thì đó quả là một từ khá gay gắt.
Chàng thanh niên: Nhưng làm sao có thể khẳng định đó là nói dối?! Thầy đâu có biết tôi sống giữa những người khác như thế nào, trải qua cuộc đời như thế nào!
Triết gia: Đúng. Tôi không biết gì về quá khứ của cậu. Cả về cha mẹ và anh trai cậu cũng vậy. Tôi chỉ biết có một điều.
Chàng thanh niên: Đó là gì vậy?!
Triết gia: Là sự thật rằng, chính cậu, chứ không phải ai khác là người quyết định lối sống của cậu.
Chàng thanh niên: Ơ…
Triết gia: Nếu lối sống của cậu là do người khác hoặc hoàn cảnh quyết định thì còn có thể đổ trách nhiệm cho những điều đó. Nhưng chúng ta luôn tự chọn lối sống của mình. Trách nhiệm thuộc về ai thì đã quá rõ ràng.
Chàng thanh niên: Thầy chỉ trích tôi phải không? Thầy gọi tôi là kẻ nói dối, bảo tôi là kẻ hèn nhát. Rồi tuyên bố tất cả là lỗi tại tôi!
Triết gia: Cậu không được dùng cơn giận để lảng tránh. Đây là điểm rất quan trọng. Adler không phân chia nhiệm vụ cuộc đời hay lời nói dối cuộc đời là thiện hay là ác. Điều chúng ta cần bàn đến lúc này không phải vấn đề thiện ác, cũng không phải vấn đề đạo đức mà là “lòng can đảm".
Chàng thanh niên: Lại là "lòng can đảm" sao?!
Triết gia: Đúng vậy. Cho dù cậu lẩn tránh nhiệm vụ cuộc đời, dựa dẫm vào những lời nói dối thì cũng không phải là vì cậu "xấu". Đó không phải là vấn đề cần phê phán về mặt đạo đức, đó chỉ là vấn đề "lòng can đảm" mà thôi.
Chàng thanh niên: Rốt cuộc, cuối cùng lại là chuyện về "lòng can đảm" sao? Mà lần trước thầy đã nói rằng tâm lý học của Adler là "tâm lý học của lòng can đảm" nhỉ?
Triết gia: Nếu nói thêm một điều nữa thì tâm lý học Adler không phải là "tâm lý học sở hữu" mà là "tâm lý học sử dụng".
Chàng thanh niên: Chính là câu nói, "Điều quan trọng không phải là anh được trao cho cái gì, mà là anh sử dụng cái đó như thế nào, phải không?
Triết gia: Đúng vậy. Cậu nhớ tốt lắm. Thuyết nguyên nhân của Freud là "tâm lý học sở hữu", rốt cuộc sẽ dẫn tới quyết định luận. Trong khi đó, tâm lý học của Adler là "tâm lý học sử dụng" người quyết định tác dụng chính là bản thân cậu.
Chàng thanh niên: Tâm lý học của Adler là "tâm lý học của lòng can đảm", đồng thời là "tâm lý học sử dụng"...
Triết gia: Con người chúng ta không phải những kẻ yếu đuối đến mức chỉ là đồ chơi cho những sang chấn tâm lý của thuyết nguyên nhân. Xét trên quan điểm của thuyết mục đích, thì chính chúng ta luôn tự chọn lựa cuộc đời và lối sống của mình. Chúng ta có khả năng làm điều đó.
Chàng thanh niên: ... Nhưng, thực lòng thì tôi không có đủ tự tin để khắc phục được phức cảm tự ti. Cho dù đó là lời nói dối cuộc đời thì có lẽ mãi sau này tôi cũng không thoát khỏi phức cảm ấy.
Triết gia: Tại sao cậu lại nghĩ như vậy?
Chàng thanh niên: Có lẽ những điều thầy nói đều đúng. Không, quả thực mọi điều thầy nói đều đúng, tôi đang thiếu lòng can đảm. Tôi thừa nhận cả về lời nói dối cuộc đời. Tôi sợ dính dáng tới người khác.
Tôi không muốn bị tổn thương trong mối quan hệ với người khác, muốn lẩn tránh nhiệm vụ cuộc đời. Chính vì thế, tôi viện đủ lý lẽ để bao biện. Vâng đúng là như thế thật.
Nhưng, rốt cuộc những điều thầy nói chẳng qua là duy ý chí thôi! Chỉ là những lời khích lệ suông, cậu thiểu can đảm, hãy can đảm lên. Hành động đó cũng giống như vị chỉ huy ngốc nghếch chỉ biết vỗ vai nói "phấn chấn lên" vậy. Nhưng tôi đang khổ sở chính vì không phấn chấn lên được chứ sao!
Triết gia: Tóm lại là cậu muốn tôi đưa ra một giải pháp cụ thể phải không?
Chàng thanh niên: Đúng thế. Tôi là con người. Không phải cỗ máy. Dù bị bảo là thiếu can đảm, tôi cũng không thể bổ sung ngay lòng can đảm giống như bơm thêm xăng được!
Triết gia: Tôi hiểu. Nhưng đêm nay đã khá muộn rồi nên để lần tới chúng ta sẽ nói tiếp nhé.
Chàng thanh niên: Thầy không trốn tranh đấy chứ?
Triết gia: Tất nhiên là không rồi. Có lẽ lần tới chúng ta sẽ thảo luận về tự do.
Chàng thanh niên: Chứ không phải về lòng can đảm?
Triết gia: Đúng, khi thảo luận về lòng can đảm, ta không thể không bàn tới tự do. Cậu hãy nghĩ xem tự do là gì nhé.
Chàng thanh niên: Tự do là gì à ... Vâng, được thôi. Tôi rất mong đến lần sau.