Chàng thanh niên: Khi phủ định thuyết nguyên nhân, thầy đã phủ định luôn việc chìm đắm trong quá khứ, cho rằng quá khứ là thứ hiện không tồn tại, quá khứ chẳng có ý nghĩa gì. Điều đó thì tôi công nhận. Đúng là không thể thay đổi được quá khứ. Nếu có thể thay đổi được gì thì chỉ có thể là tương lai.
Nhưng bây giờ, với việc diễn giải cách sống trong trạng thái hoạt động hiện thực, thầy đang phủ định tính kế hoạch, nghĩa là phủ định cả việc thay đổi tương lai dựa vào ý chí của chính mình.
Thầy vừa phủ định việc nhìn lại phía sau, cũng phủ định luôn cả việc hướng về phía trước. Giống như bảo tôi hãy bịt mắt đi trên con đường không có lối đi vậy!
Triết gia: Cậu không nhìn thấy cả phía sau lẫn phía trước ư?
Chàng thanh niên: Không thấy!
Triết gia: Tất nhiên là thế rồi. Cậu thấy lạ ở chỗ nào chứ?
Chàng thanh niên: Thầy nói gì vậy?!
Triết gia: Hãy tưởng tượng mình đang đứng trên sân khấu. Khi đó, nếu cả hội trường sáng đèn thì cậu có thể nhìn rõ đến cả hàng ghế cuối cùng. Nhưng nếu đèn chiếu cường độ mạnh chỉ tập trung vào chỗ cậu đứng thì chắc chắn cậu sẽ không thể nhìn thấy ngay cả hàng ghế đầu tiên.
Cuộc đời của chúng ta giống hệt như vậy. Chính vì đang chiếu ánh sáng mờ nhạt vào cả cuộc đời nên mới nhìn thấy, hay đúng ra là cảm thấy mình nhìn thấy, cả quá khứ lẫn tương lai. Nhưng nếu rọi đúng đèn chiếu cường độ mạnh vào "ngay tại đây, vào lúc này" thì sẽ không thấy quá khứ và tương lai nữa.
Chàng thanh niên: Đèn chiếu cường độ mạnh ư?
Triết gia: Phải! Chúng ta cần sống hết mình "ngay tại đây, vào lúc này". Cảm thấy mình nhìn thấy quá khứ, cảm thấy mình dự đoán được tương lai là bằng chứng của việc cậu chưa sống hết mình "ngay tại đây, vào lúc này" mà chỉ đang sống trong ánh sáng mờ nhạt.
Cuộc đời là những sát-na tiếp nối, không tồn tại quá khứ cũng như tương lai. Đi nhìn quá khứ và tương lai là cậu đang tìm cách biện hộ cho chính mình. Chuyện đã xảy ra trong quá khứ không còn liên quan gì đến cậu "ngay tại đây, vào lúc này" và tương lai ra sao cũng không phải là việc cậu cần suy nghĩ "ngay tại đây, vào lúc này". Nếu sống hết mình "ngay tại đây, vào lúc này", sẽ chẳng cần nói đến những điều đó.
Chàng thanh niên: Nhưng...
Triết gia: Theo quan điểm thuyết nguyên nhân của Freud thì đời người là một câu chuyên dài dựa trên quy luật nhân quả, sinh ra lúc nào, ở đâu, trải qua thời thơ ấu ra sao, tốt nghiệp trường nào, vào làm việc ở công ty nào, chính những điều đó đã tạo nên bản thân ta như bây giờ và như trong tương lai.
Quả thực ví cuộc đời như một câu chuyện là một cách nhìn thú vị. Nhưng nếu làm thế ta sẽ nhìn thấy "ngày mai lờ mờ" ở phía bên kia câu chuyện. Không những thế, ta còn cố sống theo câu chuyện đó. Ta cho rằng cuộc đời mình thế này nên không thể sống khác, còn xấu xa thì không phải lỗi của ta, mà là tại quá khứ, tại hoàn cảnh. Quá khứ được nêu ra ở đây không là gì khác ngoài một sự bao biện, một lời nói dối cuộc đời.
Nhưng cuộc đời lại là những chấm liên tục, là những sát-na tiếp nối. Hiểu được điều đó thì sẽ không cần câu chuyện nữa.
Chàng thanh niên: Nói như thầy thì lối sống mà Adler nói đến chẳng phải cũng là một câu chuyện sao?!
Triết gia: Lối sống của cậu "ngay tại đây, vào lúc này" có thể thay đổi được bằng ý chí bản thân. Cuộc đời quá khứ có vẻ là một vạch liền chỉ vì cậu không ngừng quyết tâm "không thay đổi" mà thôi. Còn cuộc đời tương lai là một tờ giấy trắng, không kẻ sẵn đường đi. Ở đó không có câu chuyện nào cả.
Chàng thanh niên: Nhưng, đó là chủ nghĩa nắm bắt từng khoảnh khác. Không, là chủ nghĩa khoái lạc xấu xa mới đúng!
Triết gia: Không : phải! Việc rọi đèn chiếu vào duy nhất một chỗ "ngay tại đây, vào lúc này" chính là sống một cách nghiêm túc và trân trọng nhất với những gì ta có thể làm được lúc này.