Dám Bị Ghét

Dám bình thường

Chàng thanh niên: Nhưng làm gì có chuyện tất cả mọi người đều "đặc biệt ưu tú" cơ chứ? Người ta ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu và có sự khác biệt. Thiên tài trên đời này chỉ đếm trên đầu ngón tay, không phải ai cũng thành học sinh xuất sắc. Vậy thì những kẻ thất bại chỉ còn cách trở nên "đặc biệt hư hỏng" mà thôi.

Triết gia: Đúng vậy. Đó chính là nghịch lý của Sokrates, rằng "Chẳng ai muốn làm ác". Bởi vì, đối với những đứa trẻ có hành vi nổi loạn, thì ngay cả đánh nhau hay trộm cắp cũng là điều "thiện".

Chàng thanh niên: Thật kinh khủng! Đó chẳng phải là một lý luận bế tắc sao?

Triết gia: Chính vì thế tâm lý học Adler luôn coi trọng lòng can đảm "dám bình thường". 

Chàng thanh niên: Can đảm dám bình thường ư…?

Triết gia: Tại sao lại cần phải trở nên "đặc biệt"? Có lẽ là do không thể chấp nhận được một "tôi bình thường". Vì thế, khi không đủ khả năng trở nên "đặc biệt ưu tú", người ta sẽ hành động cực đoan để trở nên "đặc biệt hư hỏng". Nhưng thử hỏi, làm người bình thường, không đặc biệt thì có gì không tốt, có gì đáng tự ti? Chẳng phải là ai cũng bình thường đấy sao? Đây là một điều cần suy xét thật kỹ.

Chàng thanh niên: ... Thầy bảo tôi hãy làm "người bình thường" sao?

Triết gia: Chấp nhận bản thân là một bước tiến quan trọng. Nếu cậu có được "can đảm dám bình thường", chắc chắn cách nhìn thế giới cũng sẽ thay đổi hẳn.

Chàng thanh niên: Nhưng...

Triết gia: Việc cậu từ chối làm người bình thường có lẽ là do cậu đang coi "người bình thường" đồng nghĩa với "không có tài cán". Làm người bình thường không có nghĩa là không có tài cán gì. Chúng ta không cần phải phô trương sự vượt trội của bản thân.

Chàng thanh niên: Tôi công nhận cố gắng "trở nên đặc biệt" có nguy hiểm nhất định. Nhưng có cần phải lựa chọn làm người "bình thường", sống cuộc đời nhàm chán, chẳng để lại giá trị gì, chẳng ai thèm nhớ đến và phải hài lòng rằng mình chỉ ở mức đó không? Thầy đùa tôi chắc! Tôi sẵn sàng vứt bỏ cuộc đời như thế không tiếc mảy may!

Triết gia: Dù gì cậu vẫn muốn "đặc biệt" phải không?

Chàng thanh niên: Không phải! Việc chấp nhận "bình thường" mà thầy nói chính là khẳng định một bản thân lười biếng, cho rằng mình chỉ đến mức này thôi, chỉ thế này là được rồi. Tôi từ chối một cuộc đời lười biếng như thế!

Thầy có cho rằng Napoleon hay Alexandros Đại đế, Ernstem, Martin Luther King rồi cả Sokrates và Platon yêu quý của thầy cũng chấp nhận làm người "bình thường" không? Làm gì có chuyện đó! Chắc chắn họ đã sống với mục tiêu và lý tưởng lớn! Cứ theo lý lẽ của thầy thì sẽ chẳng có một Napoleon nào được sinh ra hết. Thầy đang huy hoại thiên tài đây!

Triết gia: Cậu cho rằng cuộc đời cần có mục tiêu cao cả?

Chàng thanh niên: Tất nhiên rồi! 

❄❄❄❄❄❄❄❄❄

Dám bình thường. Những lời lẽ thật đáng sợ. Adler và Triết gianày bảo mình hãy chọn con đường đó sao? Bảo mình hãy sống như số đông sao? Tất nhiên, mình không phải là thiên tài. Có lẽ mình chỉ có thể chọn làm người "bình thường" mà thôi. Có lẽ mình chỉ còn cách chấp nhận một bản thân bình thường, đặt mình vào cuộc sống bình thường. Nhưng mình sẽ đấu tranh. Dù kết quả có thế nào thì mình cũng sẽ tranh luận với người này đến cùng. Lúc này cuộc tranh luận đang đi vào trọng tâm. Trống ngực đập dồn dập, nắm tay siết chặt lấm tấm mồ hôi dù trời không hề nóng.