Chàng thanh niên: Can đảm dám được hạnh phúc..
Triết gia: Cậu cần tôi giải thích thêm không?
Chàng thanh niên: Không, khoan đã. Đầu óc tôi loạn hết cả rồi. Đầu tiên, thầy nói rằng thế giới này rất đơn giản. Rằng cảm thấy thế giới phức tạp là do chủ quan của "tôi" khiến ra như vậy. Không phải cuộc đời phức tạp mà là "tôi" làm cuộc đời phức tạp và vì thế khiến cho việc sống hạnh phúc trở nên khó khăn.
Và thầy cũng nói rằng cần phải suy nghĩ theo quan điểm của thuyết mục đích chứ không phải là thuyết nguyên nhân của Freud. Không được tìm kiếm nguyên nhân trong quá khứ, hãy phủ định sang chấn tâm lý, con người không phải là dạng tồn tại bị chi phối bởi những nguyên nhân trong quá khứ mà hành động để đạt được mục đích nào đó.
Triết gia: Không sai.
Chàng thanh niên: Không chỉ có thế, thầy còn nói thuyết mục đích xây dựng trên tiền đề chính là "con người có thể thay đổi", và con người ở mọi thời điểm đều đang tự chọn lối sống của mình.
Triết gia: Đúng như vậy.
Chàng thanh niên: Tôi không thể thay đổi là vì chính bản thân tôi quyết tâm "không thay đổi". Tôi không đủ can đảm lựa chọn lối sống mới. Nghĩa là, tôi thiếu "can đảm dám được hạnh phúc". Chính vì vậy mà tôi mới bất hạnh. Tôi hiểu như vậy có sai không?
Triết gia: Không hề.
Chàng thanh niên: Nếu như thế thì, vấn đề là biện pháp cụ thể: "làm thế nào để thay đổi lối sống". Thầy vẫn chưa nói rõ điều đó.
Triết gia: Đúng vậy. Lúc này điều cậu cần làm trước hết là gì? Đó là quyết tâm từ bỏ lối sống hiện nay.
Lúc nãy cậu đã nói "Nếu trở thành người như Y, tôi sẽ hạnh phúc". Cứ sống trong giả thiết kiểu "nếu như thế này thì" sẽ không thể thay đổi được. Bởi vì "nếu trở thành người giống như Y" chính là cái cớ để cậu không thay đổi bản thân.
Chàng thanh niên: Cái cớ để không thay đổi bản thân?
Triết gia: Trong số những người bạn trẻ của tôi, có một người ước mơ trở thành tiểu thuyết gia nhưng mãi mà chẳng viết được tác phẩm nào. Cậu ấy bảo bận việc không có thời gian để viết nên không thể hoàn thành tác phẩm, cũng không tham gia một cuộc thi nào cả.
Tuy nhiên, có đúng như vậy không? Thực ra là, cậu ấy muốn để ngỏ khả năng "nếu làm sẽ được" bằng việc không dự thi. Cậu ấy không muốn bị phơi bày cho người khác đánh giá, và lại càng không muốn đối diện với sự thực là tác phẩm của mình không được giải vì quá chán. Cậu ấy muốn sống trong cái khả năng "chỉ cần có thời gian mình sẽ làm được, chỉ cần có điều kiện mình cũng viết được, mình có tài năng đó". Có lẽ năm, mười năm nữa, cậu ấy sẽ bắt đầu sử dụng những lý lẽ bao biện khác, như mình không còn trẻ nữa" hay "mình đã có gia đình rồi".
Chàng thanh niên: ... Tôi hiểu đến đau đớn cảm giác của anh ấy.
Triết gia: Dự thi rồi trượt thì cũng phải làm. Như thế có thể sẽ trưởng thành hơn hoặc có thể sẽ hiểu ra rằng mình cần phải đi theo con đường khác. Dù thế nào cũng có thể tiến lên phía trước. Thay đổi lối sống hiện tại chính là như vậy đó. Nếu cứ mãi không gửi bản thảo dự thi, sẽ chẳng tiến lên được.
Cũng có thể giấc mơ sẽ bị đập tan nát! Nhưng thế thì có sao chứ? Cậu không cho rằng cứ đưa ra đủ các "lý do không thể làm được" để đáp lại một vấn đề đơn giản - một việc cần phải làm - là một cách sống khổ sở sao? Trường hợp của cậu bạn mơ trở thành tiểu thuyết gia ấy chính là "bản thân" làm cho cuộc đời phức tạp, làm cho việc sống hạnh phúc trở nên khó khăn.
Chàng thanh niên: ... Gay gắt quá! Triết học của thầy gay gắt quá!
Triết gia: Đúng vậy, có lẽ là một liều thuốc mạnh. Đúng là liều thuốc mạnh!
Nhưng, nếu muốn thay đổi cách nhìn nhận thế giới và bản thân (lối sống), sẽ buộc phải thay đổi cách đối xử với thế giới, thậm chí là cả hành vi nữa. Đừng quên điểm này: sẽ cần phải thay đổi. Cậu vẫn cứ là "cậu", nhưng phải chọn lại lối sống. Có thể gay gắt thật nhưng cũng đơn giản lắm.
Chàng thanh niên: Không phải vậy. Tôi nói gay gắt với ý khác cơ! Nghe những điều thầy nói tôi lại có cảm giác bản thân mình từ trưóc tới nay đang bị kết tội rằng "không hề có cái gọi là sang chấn tâm lý, hoàn cảnh cũng chẳng liên quan gì. Tất cả đều là bản thân có vấn đề, nên bất hạnh của cậu là do cậu cả"!
Triết gia: Không. Không phải tôi kết tội cậu. Thuyết mục đích của Adler nói rằng "Cho dù phần đời từ trước tới nay có xảy ra chuyện gì chăng nữa cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống của phần đời từ nay trở đi". Người quyết định cuộc sống của cậu chính là bản thân cậu đang sống ngay tại đây, vào lúc này.
Chàng thanh niên: Cuộc đời của tôi được quyết định ngay tại đây, vào lúc này?
Triết gia: Đúng vậy. Vì không có cái gọi là quá khứ.
Chàng thanh niên: ... Được rồi. Không hẳn là tôi đồng ý 100% với quan điểm của thầy. Có nhiều chỗ tôi chưa chấp nhận, nhiều điểm muốn phản bác. Nhưng đồng thời, quả thật những lời của thầy cũng rất đáng suy nghĩ và khiến tôi muốn tìm hiểu thêm về tâm lý học Adler. Đêm nay, tôi xin dừng lại ở đây, và tuần sau tôi xin phép lại tới làm phiền thầy. Nếu không đầu tôi sẽ nổ tung mất.
Triết gia: Được thôi. Có lẽ cậu cần thời gian suy nghĩ một mình. Tôi lúc nào cũng ở đây nên cậu hãy đến lúc nào cậu muốn. Cảm ơn cậu đã cho tôi một khoảng thời gian thú vị. Tôi rất mong đợi cuộc tranh luận tiếp theo.
Chàng thanh niên: Cuối cùng còn một điều này nữa. Hôm nay do cuộc tranh luận diễn ra quyết liệt quá mà tôi đã có những lời thất lễ. Mong thầy bỏ qua cho.
Triết gia: Đừng bận tâm. Cậu nên đọc cách Đối thoại của Platon. Các học trò của Sokrates đều thảo luận với ông bằng những lời lẽ và thái độ thẳng thắn đến kinh ngạc. Đó là tư thế cần thiết của đối thoại.