Chàng thanh niên: ... Cho tôi sao?
Triết gia: Đúng vậy. Đừng nghĩ đến chuyện người khác có hợp tác hay không.
Chàng thanh niên: Vậy, tôi xin hỏi lại lần nữa. Thầy nói rằng "Con người chỉ cần sống là đã có ích cho ai đó, chỉ cần sống là có thể cảm nhận được giá trị của mình", phải không?
Triết gia: Đúng.
Chàng thanh niên: Nhưng, nói thế nào nhỉ. Tôi đang sống đây. "Tôi" chứ không phải ai khác đang sống đây. Nhưng tôi lại chẳng thể cho rằng mình có giá trị.
Triết gia: Cậu có thể giải thích thành lời tại sao cậu không thể cho rằng mình có giá trị không?
Chàng thanh niên: Chính là vì mối quan hệ giữa người với người mà thầy nói đấy. Từ nhỏ đến giờ, những người xung quanh tôi, nhất là bố mẹ tôi đều coi tôi là đứa em chẳng làm được gì cho ra hồn. Họ chẳng hề công nhận tôi. Thầy nói rằng giá trị là thứ bản thân tự mang lại cho mình. Nhưng đó chỉ là lý thuyết suông thôi.
Chẳng hạn, công việc tôi đang làm hằng ngày tại thư viện, nghĩa là phân loại sách trả rồi đặt lại vào giá sách, là một nhiệm vụ mà nếu quen thì ai cũng có thể làm được. Giả sử tôi không đi làm nữa thì cũng có nhiều người có thể thay thế. Tôi chẳng qua chỉ cung cấp sức lao động chân tay mà thôi, nên làm việc ở đó có là "tôi" hay ai đó khác hoặc là máy móc thì cũng chẳng sao. Chẳng một ai cần "tôi như thế này". Trong tình trạng như thế, tôi có thể tin vào bản thân mình không? Tôi có thể cảm nhận giá trị của mình không?
Triết gia: Câu trả lời theo quan điểm tâm lý học Adler đơn giản lắm. Đầu tiên là xây dựng mối quan hệ hàng ngang với người khác, chỉ một người thôi cũng được. Rồi bắt đầu từ đó.
Chàng thanh niên: Thầy đừng coi thường tôi! Tôi cũng có bạn đấy! Tôi đang có mối quan hệ hàng ngang rất tốt đẹp với họ.
Triết gia: Tuy vậy, cậu lại đang xây dựng mối quan hệ hàng dọc với cha mẹ, cấp trên với đàn em và những người khác.
Chàng thanh niên: Tất nhiên là tôi có phân biệt giữa mọi người. Ai chẳng thế cơ chứ.
Triết gia: Đây là một điểm rất quan trọng. Xây dựng mối quan hệ hàng dọc hay xây dựng mối quan hệ hàng ngang. Đây là vấn đề lối sống, con người không phải là một tồn tại khéo léo đến mức có thể tùy cơ ứng biến thay đổi lối sống của mình. Không thể "với người này thì quan hệ hàng ngang, với người kia thì là quan hệ trên dưới".
Chàng thanh niên: Thầy bảo là chỉ có thể chọn một trong hai, quan hệ hàng dọc hay quan hệ hàng ngang thôi?
Triết gia: Đúng. Nếu cậu có xây dựng mối quan hệ hàng dọc với ai đó, thì trong lúc còn chưa nhận ra, cậu đã coi mọi mối quan hệ là "quan hệ hàng dọc" mất rồi.
Chàng thanh niên: Ý thầy là tôi đang coi mối quan hệ bạn bè cũng là quan hệ hàng dọc?
Triết gia: Không sai. Cho dù không hẳn theo quan hệ cấp trên và cấp dưới nhưng vẫn sẽ nảy sinh những suy nghĩ "Cậu A hơn mình nhưng cậu B kém mình", "Mình nên nghe lời A nhưng không nghe B", hoặc "Với C thì lỡ hẹn cũng chẳng sao".
Chàng thanh niên: Hừm!
Triết gia: Mặt khác, nếu có thể xây dựng mối quan hệ hàng ngang với một ai đó, một mối quan hệ bình đẳng thực sự, thì đó sẽ là bước ngoặt lớn về lối sống. Hãy coi đó là bước đột phá để tất cả các mối quan hệ trở thành "hàng ngang".
Chàng thanh niên: Ái chà... tôi có thể phản bác lại tất cả những lời nói đùa này dễ thôi! Ví như, thầy thử nghĩ đến công ty chẳng hạn. Xây dựng mối quan hệ hàng ngang giữa giám đốc và nhân viên mới trong công ty là điều không thể đúng không? Trong xã hội của chúng ta, mối quan hệ trên dưới là một thiết chế, bỏ qua điều đó nghĩa là bỏ qua trật tự xã hội. Bởi vì một nhân viên mới ở độ tuổi 20 làm sao có thể nói năng với giám đốc ở độ tuổi 60 như bạn bè được phải không?
Triết gia: Quả thực kính trọng người lớn tuổi là điều quan trọng. Nếu là tổ chức công ty thì hiển nhiên có sự khác nhau về chức vụ và nhiệm vụ. Tôi không nói là hãy quan hệ như bạn bè, hãy đối xử như với bạn thân với bất kỳ ai. Mà điều quan trọng là bình đẳng về mặt ý thức và giữ vững chủ kiến.
Chàng thanh niên: Tôi không thể đưa ra những ý kiến ngạo mạn với cấp trên, cũng không định làm vậy. Nếu tôi làm thế sẽ bị nghi ngờ là thiếu thường thức xã hội.
Triết gia: Cấp trên là gì vậy? Cái gì mà ý kiến ngạo mạn chứ? Nhìn mặt đoán ý, tuân theo quan hệ hàng dọc, đó mới là hành vi vô trách nhiệm, trốn tránh trách nhiệm của bản thân.
Chàng thanh niên: Vô trách nhiệm ở chỗ nào cơ chứ?
Triết gia: Giả sử cậu nghe theo lệnh của cấp trên mà công việc thất bại thì đấy là trách nhiệm của ai?
Chàng thanh niên: Thì là trách nhiệm của cấp trên rồi. Là mệnh lệnh nên tôi chỉ tuân theo thôi, đưa ra quyết định là cấp trên mà.
Triết gia: Cậu không có trách nhiệm gì?
Chàng thanh niên: Không hề. Trách nhiệm là của cấp trên đã ra lệnh. Cái đó gọi là trách nhiệm ra lệnh trong tổ chức.
Triết gia: Không phải. Đó là lời nói dối cuộc đời. Chắc chắn cậu có thể từ chối, có thể đưa ra cách tốt hơn. Chính là để tránh mâu thuẫn trong quan hệ, để trốn tránh trách nhiệm, mà cậu đã nghĩ rằng "không thể từ chối" và bị động tuân theo mối quan hệ hàng dọc.
Chàng thanh niên: Vậy thầy bảo tôi cứ cãi lại lời cấp trên? Ôi chao, lý thuyết thì là thế. Về mặt lý thuyết thì hoàn toàn đúng như thầy nói. Tuy nhiên, làm sao có thể làm được! Không thể xây dựng một mối quan hệ như thế!
Triết gia: Liệu có đúng thế không? Hiện giờ cậu đang xây dựng mối quan hệ hàng ngang với tôi, thẳng thắn thể hiện suy nghĩ của mình. Đừng có nghĩ này nghĩ kia cho phức tạp, cứ bắt đầu từ đây là được.
Chàng thanh niên: Từ đây?
Triết gia: Đúng vậy, từ thư phòng nhỏ này. Tôi đã nói đối với tôi, cậu là người bạn không thể thay thế rồi nhỉ?
Chàng thanh niên: ...
Triết gia: Không phải sao?
Chàng thanh niên: ... Tôi thật sự biết ơn điều đó. Nhưng tôi sợ lắm! Tôi sợ đón nhận đề xuất đó của thầy!
Triết gia: Cậu sợ gì?
Chàng thanh niên: Là nhiệm vụ bạn bè đây! Tôi chưa từng là bạn của người lớn tuổi nào giống như thầy. Tôi không biết có thể có tình bạn với người hơn mình nhiều tuổi như thế không, hay phải coi đó là mối quan hệ thầy trò!
Triết gia: Trong cả tình yêu lẫn tình bạn, tuổi tác chẳng ảnh hưởng gì. Đúng là cần có lòng can đảm nhất định trong nhiệm vụ tình bạn. về mối quan hệ giữa tôi và cậu, chúng ta cứ từng bước rút ngắn khoảng cách là được. Không gần gũi quá mức, nhưng hãy giữ khoảng cách giơ tay ra là chạm đến.
Chàng thanh niên: Xin hãy cho tôi thời gian. Xin hãy cho tôi thời gian để suy nghĩ một mình thêm một lần nữa, một lần nữa thôi. Buổi tranh luận hôm nay có nhiều điều cần suy nghĩ quá. Tôi sẽ về nhà, một mình ngẫm nghĩ.
Triết gia: Cần có thời gian mới hiểu được cảm thức cộng đồng. Hiểu được tất cả vào lúc này, ngay tại đây là điều không thể. Cậu hãy về nhà, đối chiếu với những điều ta đã tranh luận từ đầu đến giờ rồi suy nghĩ cho kỹ.
Chàng thanh niên: Cho phép tôi làm như thế... Dù sao thì thầy đã giáng cho tôi một đòn mạnh khi bảo tôi không chú ý đến người khác, chỉ quan tâm đến mình đấy! Thầy quả là một người đáng sợ!
Triết gia: Ha ha ha. Xem ra cậu nói câu đó rất vui vẻ nhỉ.
Chàng thanh niên: Vâng, tôi thấy rất thoải mái. Tất nhiên tôi cũng có lúc đau nữa, đau nhức toàn cơ thể, như nuốt phải kim vậy. Nhưng quả nhiên là thấy thoải mái vô cùng.
Hình như tôi nghiện tranh luận với thầy rồi. Lúc nãy tôi mới nhận ra, có những vấn đề mà tôi không chỉ muốn phản bác lại thầy mà còn muốn bị thầy phản bác nữa.
Triết gia: Chà, phân tích thú vị lắm.
Chàng thanh niên: Nhưng thầy đừng quên! Tôi chưa chịu từ bỏ hẳn ý định phản bác lại thầy cũng như bắt thầy quỳ gối đâu!
Triết gia: Tôi cũng đã thảo luận rất hào hứng, cảm ơn cậu! Khi nào suy nghĩ xong xuôi hãy tới gặp tôi.